Xưởng tái chế linh hồn (kỳ 1)

Tiểu thuyết ít chữ Trần Quốc Toàn

(Tiểu thuyết này dành cho những năm tháng

tôi đã sống với những niềm bất an)

Tranh minh họa của Trần Quốc Toàn

TT-TRAN-QUOC-TOAN4

 

PHẦN 1

KỲ 1.

***


hành trạng của người

sớm mai này những chiếc lá bàng đốt cháy con đường lên ngọn đồi, người sẽ nhặt lấy chiếc lá rách che miệng, chim bay trên sông xanh, từ ý niệm đó, dần trở lại với mùi đất ẩm nơi dốc dựng, ở  giữa ngọn đồi, người trông thấy hình ảnh của tượng, bức tượng ẩn sau lùm bông trang màu vàng, không một bí mật nào ở đây cả, người muốn tìm về dĩ vãng ở đây được sao, khi người đã là vết hằn của thời gian, mà thời gian có chăng là ảo ảnh của mặt trời. chiều năm nào người đã nghe ra tiếng bước chân của mình, những sợi tóc của mình, đã thấy những người khác đang mò vào cái khoảng thời gian hoá đá,

người đã khóc tiếng khóc của một viên gạch từ thế kỷ thứ X, đã cúi xuống ngửi những tàn rêu phong của thế kỉ thứ XVIII, những ngón tay lửa chạm vào nhau, từng áng mây màu đen, những con chó sắt, trong ý niệm dịch chuyển, người sẽ hát trong giếng cạn, có gì lạ hỡi phương đông,

trong tưởng tượng người, cây cầu không khí dẫn về phía mông mênh, nơi cát và gió và sóng và cá và bọt nước, trong nỗi buồn cổ điển, một nhánh nho dại đẹp mê hồn, nơi một toà tháp vừa sập, người quỵ gối, mắt như con phù du bốc cháy trong cái bóng đèn hiu hắt, hiu quạnh,

dòng ý thức cuốn trôi sạch mọi điềm tư vãn, dưới con đường dài, không có ngôi nhà nào cả, chỉ có một căn hầm dưới mặt đất, nơi đó người tự do ngồi nhìn thời gian qua kẽ hở, gọi người thuộc trường phái nào, cũng đều vô nghĩa, người chỉ thích ra khỏi căn hầm vào lúc nửa đêm, ngồi dưới những rặng phi lao, thao thức, người thấy giấc mơ đương đại của mình như nhà leo núi, càng lên cao càng chịu nhiều áp lực, không khí loãng và lạnh, người cất tiếng nói, chỉ vách núi nghe, hoặc là tiếng lòng thôi còn nghi hoặc,

ở giữa miền sơn cước này, chỗ người ở, chim chóc đến hót vào buổi sáng, hoa nở vào buổi trưa, và tiếng suối chảy vào buổi tối, sơn trùm thủy bọc, đêm nào có trăng thì có tiếng dơi bay về, người vẽ con ong vú lá lên vách cửa, cánh cửa đá, không cần dùng thần chú hay phép màu, cửa đá của những người mặc áo nâu sòng để lại, họ đã rời khỏi nơi đây khi rừng thông đã rụng hết quả, hiện thực như thế, và chẳng bao giờ trong nơi chốn này, hiện thực có thể tồn tại lâu bền, vì rằng, mỗi một cử động, rơi rụng, là một sự mơ mộng,

sau những gót chân còn sót lại những ổ nước, thông non mọc lên, lá xanh, bầy chim non cũng vừa mở mắt, lũ kiến cũng vừa xây xong cái tổ lá, người ra suối, cởi trần, người thấy dễ chịu hơn, lớp mỡ loang ra khắp mặt đất, người nghĩ rằng; ta sẽ góp nhặt xương của những vật chết, rồi lắp ghép lại như cách thượng đế đã lắp ghép nên hình hài của thế giới,

– người hãy làm điều đó trước khi mọi mơ mộng bị nhấn chìm trong dấu chân của thời gian.

tiếng nói từ bộ não phát ra, người hiểu bộ não của người có trăm tiếng nói, tiếng nói nào đã kêu gọi người làm cái công việc mà không một người nào khác có thể xen vào. não của người không còn hình dung nổi, phía trái, phía phải, đằng sau, đằng trước, mặt trời mọc cũng lạ lùng như thế,

đến nỗi, ngay cả bàn chân, ngón cái ngón giữa ngón áp út, ngón út, ngón áp trỏ, chân trái tay phải, chúng luôn hoán đổi vị trí cho nhau, vậy, thì, là, phải trải qua thêm triệu năm nữa, người mới đủ sức để biện biệt sắp đặt lại trật tự của bản thể, như vậy hiện thực đã không còn chi phối trái tim của người, người yêu ai, tình yêu đó đã ngự trong da thịt, hay là ngự ngoài kia những vùng lá sang,

kiến, người đã rình lũ kiến tha mồi, chờ đợi chúng rưới tinh dịch lên trứng, lúc rưới tinh dịch, bầy kiến đứng im, lắng nghe vũ trụ nổi sóng, người sợ hãi, nép mặt vào bóng tối, lũ kiến đang thực sự lắng nghe nhau, kiến chở những chiếc gùi con trùng về hang, chúng đã làm nên cuộc sống đương đại của giống loài, chính vì lẽ ấy, người đã mỉm cười, nụ cười của người được ghi lại trong cuốn sách của cây cỏ.

trăng lên, người leo lên ngọn cây, cây già, hàng trăm tổ chim được gầy dựng trong vòng một ngày, lũ chim bay đến đậu trên vai người, người không để tâm cho lắm, phía bên kia đại dương mông mênh nước, người đã thấy một khoảng không gian chìm ngập trong khói sương,

như vậy, từ khi người rời khỏi hầm, người leo lên cây già, người phát hiện ra cái không gian khói sương. Sự tồn tại của người, cái tư duy về biên giới giờ mất hẳn, người mưu đồ về cái khung xương, những chiếc xương lớn bị sóng đánh dạt vào bờ biển, những người áo nâu sòng đã đi biệt, người đến đây sau những biến cố của những ý niệm,

người ngủ trên cây già, thì bọn chim đã đẻ, trứng nở, chim non tập bay, chúng lại làm tổ, và như thế người đã ngủ một giấc sâu mà không còn nhớ là đã nằm ngủ trên cây, lũ chim mang trái chín thả vào miệng người, người ngồi dậy nói lời cảm ơn, người được lũ chim chăm sóc khi người nằm ngủ, chúng gắp lá phủ lên người khi trời rét, mang nước rưới lên người khi trời nóng, thay nhau cất tiếng hót mỗi khi người cử động,

ngày mặt trăng tròn, người mở mắt, bước xuống mặt đất, người đi ra khỏi nơi chốn này, rồi đào lấy một con đường dẫn nước từ đại dương vào bên trong, công việc này chỉ mất hai tháng, lũ voi đã tìm tới người, dù rằng người chẳng phải tướng quân hay một vị thần, dường như công việc này không phải do người lựa chọn, mà là bộ não người lựa chọn, nghe có vẻ phi lý, từ khi người phát ra tín hiệu, thì ngay cả bọn sư tử cũng lần về nơi này để giúp người lắp ghép những bộ xương từ những vật chết,

như thế, cả một vùng sơn trùm thủy bọc này, muôn thú bỗng tìm về, lạ lẫm thay, người chỉ đứng yên trên cây già và ngày cũng như đêm, người dùng những cành cây khô, đem bện lại, theo những gì mà bộ não nghĩ ra, những con voi rống lên, rồi đào đất, những con vượn thì dọn dẹp một bãi đất đủ rộng để cho người thực hiện cái ý niệm của mình, và như vậy một cộng đồng giữa các loài vật được hình thành,

nhưng người không cho phép mọi vật là cộng đồng, cho nên chúng luôn làm việc mà không trễ nãi, vì là cộng đồng thì tất cả mơ mộng này sẽ sụp xuống, người hiểu rằng, bộ não đang chảy nhiệt, nó nóng lên từng giây, và cũng đã đến lúc khởi sự…

***

những năm tháng sống với những niềm bất an

cuốn sách này người đã viết từ những năm tháng bất an, và giờ nó được mở ra trước công nguyên, khi bão châu chấu phá hủy một niên đại rất gần, thì một niên đại khác lại có bệnh dịch hạch,

sự kháng cự của ý thức đã làm nên những suy nghĩ của người, những nỗi ám ảnh đó người biết sẽ làm tổn thương đầu óc của mình,

khung xương được lắp ghép cẩn thận, đến nỗi, niên đại mặt trời cũng chẳng dịch chuyển nổi khung xương to lớn này, nơi này sẽ là nơi lũ vượn sinh sản, loài voi sẽ đến nằm nghe những câu chuyện của bầy sóc, và khung xương sẽ tồn tại lâu dài, cho đến khi người trở lại với cái hầm của mình, cánh cửa đá tự mở và tự khép. Mỗi ngày bầy sư tử thường đến nằm ngửi hương hoa, thường rắc lông cho người cột lại làm cọ vẽ, người vẽ không nhiều, có khi người ngồi im lặng, người vẽ khuôn mặt của người nữ, người nữ đang ngồi cho con bú, đứa con mỉm môi cười, phía dưới những mái nhà, mưa rơi nhanh hơn thời gian, thời gian bị tháo ra, chúng thành những thực thể sống động,

người nữ cho con bú xong, người nữ ra biển rửa sạch đôi chân đông máu, người nữ bới tóc lên cao, mùa đông nắng ấm dần,

người nữ lau khô những vệt màu còn ướt trên cọ, người nữ nói rằng, sẽ tiếp tục sinh con và nuôi nấng chúng cho đến khi rừng thông ra quả, và những người mặc áo nâu sòng trở lại những ngôi đền,

người chọn cho mình chiếc áo đẹp nhất, rồi bảo người nữ hãy chờ đợi người quay về tối nay,

người bước ra ngoài trời sao sáng, như vậy lũ dơi cũng đã hội về đông đúc, chúng treo lửng lơ dưới tán cây già và hát lên mê hoặc, người cho chúng một vài ân huệ, nghĩ là lũ vượn sẽ chia sớt một ít chuối rừng, một ít sữa trâu để lũ dơi hát lên mê hoặc như thế.

cái giếng rộng bằng mười bước chân voi, thì lũ ếch nhái tha hồ mà bơi lội, chúng rền vang cả đêm, cái giếng lại có nhiều thứ hay ho, đêm nay, sợi dây mây đưa người trục xuống giếng, người lặn xuống đáy, rồi đi qua một cái ngõ đầy xương cá,

người nữ chờ đợi người về, đêm hôm khuya khoắt, người nữ thổi nến, rồi đóng cửa đá nằm ngủ, màu cọ khô lại, người nữ đã ngủ dưới căn hầm mùa đông,

***

từ tiếng nói thầm lặng của giống loài một thời kinh Mẫu Tử được viết ra trong trí tưởng sáng suốt…

nụ hôn, nơi môi người nữ và người là thứ ánh sáng, loé lên sau bình minh của thảo nguyên, như vậy thảo nguyên đã hình thành, người chấm thêm nét cọ lên tấm canvas, tỉ mỉ, và thực lặng lẽ, người nghĩ những giây phút nối tiếp nhau trong sự sáng suốt sẽ làm những thứ cuồng điên hốt hoảng tan biến, nó hình thành nên tính nết của từng nhát cọ,

từ khi người vẽ, người tỉnh táo hơn, sự tỉnh táo giúp trí năng của người chảy ra thứ sáp màu nguyên chất,

người vẽ con cá lớn, con cá lớn đang bơi trong cái giếng, và người có lần thử nghĩ về đại dương bên kia hang động,

– thực ra cũng chỉ là thứ nước quen thuộc mà ta đã nhìn thấy được từ cái hôm ta phát ra ý niệm lắp ghép cái khung Xương Sống và dẫn nước từ đại dương bên ngoài mảnh đất này, và đại dương bên ngoài hang động trong cái giếng cũng là một khối tiếp nối với đại dương mà ta quan sát được trên cây già,

trong hình dung của hang động,

đọng một hình bóng của bông hoa, bông hoa nở suốt bốn mùa, hang động dài và không một nhánh rẽ, khởi điểm từ đáy giếng, nếu bắn một viên đạn, sẽ xuyên qua theo tốc độ của tuổi của kỷ Chu La, có thể nó sẽ rơi xuống một đại dương xanh thẳm phía bên kia của hang động,

từ khi người lặn xuống đáy giếng và đặt dấu chân đầu tiên lên hang động, người bị mắc chứng dị ứng với ánh sang,

– ánh sáng đã gọi tên người, và hang động là người, để hợp lý hơn, thì hang động chứa đầy ánh sáng, và sinh vật ở đây là ánh sáng,

cho nên, vào lúc người đến, ánh sáng ăn mòn từng tế bào trong cơ thể người.

– cơ thể người là những tiếng nói của vũ trụ, mà vũ trụ thì luôn có những mặt nổi mặt chìm lênh đênh theo từng hình khối,

trong mỗi hình khối lại dịch chuyển, biến đổi không ngừng nghỉ.

– hình khối làm ra thể dạng,

thể dạng này cọng hưởng với thể dạng khác,

ban đầu, hang động trong sự biến thể ấy, người thấy những hạt nhỏ, rồi từng đường nét chuyển động khắc lên vách động, hạt nhỏ nảy mầm, mọc ra từng cọng rêu,

lòng giếng rộng và sâu, ngập lên vùng sáng trong mắt người, người nghĩ về tổ tiên, có lẽ người đã không còn lưu giữ gì nhiều trong kí ức, hoặc có tưởng tượng ra cách thức người được sinh ra, thì cũng không làm nguôi thứ ánh sáng đang làm người choáng ngợp, người ngậm một nhánh dương xỉ, nhánh cây học thuộc bài mà người nghĩ sẽ giúp người học thuộc từng ngõ ngách tâm hồn mà người được phép đi xuyên qua, người lặn xuống đáy giếng, thứ ánh sáng của lòng đất luôn đầy ắp trong nước, như vậy trong dày đặc những sinh vật sống, những nguồn năng lượng phát ra thứ ánh sáng ảo diệu, người mang nó trôi dạt qua một đường hầm bí mật trong lòng giếng,

– hãy cất tiếng nói, ngay ở đây, và vào lúc này.

người nghe ra từ mạch đá ong những âm thanh như thế,

con cá lớn dẫn người bơi trong lòng giếng, rồi nó lóc lên hang động tan biến thành từng hạt năng lượng, người thấy tất cả như một giấc ngủ dài, và sự mơ mộng trong lúc người đứng ngắm nhìn những sinh vật đang sinh sôi trong hang động, nơi đây người thấy thời gian trôi chậm lại trong cái không gian đầy ẩm ướt,

con cá lớn, hễ ăn thịt nó, thì người sẽ câm tiếng, và chỉ khi người gặp được tổ tiên mình thì khi đó giọng nói sẽ trở lại trong nhịp đập của trái tim,

vậy trái tim người chứa những gì? người thật vô tư khi không còn để ý đến những câu hỏi từ bán cầu não trái. nơi đây trông thật giống như ngôi sao chuối, nghĩa là đường hầm có dáng vẻ như một cây chuối mẹ, đang cong oằn mang cái buồng chuối khổng lồ, mà không có sự nguy hiểm nào, cái bẫy nào dựng sẵn, người nghĩ, lúc mới nở ra trái, trái chuối non đều quy hướng về khuôn mặt mẹ chuối, đến khi trái chín vẫn giữ nguyên vẻ âu yếm, hồi nhớ như vậy, cho nên vì lẽ đó người đặt tên cho cái hang động này là hang Mẫu Tử,

người cầm trên tay một ngọn đuốc, ngọn đuốc do bọn đom đóm đậu vào, và chúng run cánh, chúng run cánh và phát ra tiếng kêu, tiếng kêu và ánh sáng, người đã từng thấy những ngọn tháp đêm cũng từng được thắp sáng như thế, người nói rằng; bởi người không ăn thịt con cá lớn, nên người còn cất lên được tiếng nói của bầy đom đóm,

người đã nhìn thấy những gì? núi lửa ư, bão tuyết ư?

từng sinh vật ở đây đã sống hằng triệu năm, người nghĩ, thời gian ở đây không còn tồn tại, vì từ lúc đến nơi này, người không còn cảm nhận được bông hoa đang nở hoặc lụi tàn, không còn thấy cơ thể mình đang dần mai một đi.

từng ngõ ngách đang sống, sống! đó là thứ duy nhất mà người cảm nhận rõ nhất.

người thấy thực vật hút lấy nước, và thải ra nước, hút lấy và thải ra thứ nước chứa đầy ánh sáng, ánh sáng nước lại chui vào lá, và cứ thế hàng triệu năm chẳng có gì ngoài những gì đang xảy ra, như vậy thời gian có chăng chỉ là ánh sáng, thứ ánh sáng của cỏ cây, của hơi thở hang động.

người không đi tìm cội rễ, tổ tiên, người đi đến đây và tiếp tục trừu tượng về thế giới.

người nữ đang giặt chiếc váy lá, từng ngón tay mềm mại vo từng chiếc lá, mỗi chiếc lá là mỗi hơi thở của người nữ, người nữ đã sinh ra nhiều con, những người con rất kháu khỉnh, khuôn mặt như màu nước của đại dương, như lá rừng xanh mát.

đàn voi đã mang trái cây đến dâng cho người nữ, người nữ nhận lấy và nàng đọc một khúc kinh của hang động, khúc kinh trong bản kinh  Mẫu Tử:

này ân huệ từ cây cỏ

này đàn voi trắng

có người mặc áo nâu sòng đã rời bỏ chốn này,

trước sự hiện diện của bầu trời xanh thẳm kia,

rừng thông đêm ngày cất lên tiếng nói âm nhạc kia,

và những người anh em từ mười phương gửi về những chùm nho dại ngọt ngào,

người từ lòng hang động trở về,

nghe ra trong gió đang tha thiết kể

về phương bắc những dòng sông đang cạn nước,

về phương nam những ngọn đồi đang cụt đầu,

về phương tây đang thiếu bóng mát và lương thực

về phương đông những trầm tích đang tróc gốc,

từ vũ trụ mẹ thời gian không ngừng trở dạ sinh ra không khí để nuôi sống vạn vật,

đã căng bộ ngực núi non cho đàn con có được nguồn dưỡng chất.

hãy cùng ta gục đầu cầu nguyện

trước khi chúng ta không còn đủ thời gian để mơ mộng,

trước khi hang động chia nhánh và sinh vật bắt đầu tiến hoá,

trước khi con ong vú lá trên cánh cửa đá rời đi tìm bông hoa nơi đáy giếng

con cái ra đời, nguồn gốc được bồi thêm những câu chuyện,

khoảnh khắc rừng thông đã ra quả,

những người mặc áo nâu sòng đã quên trở lại,

những con sư tử tắm nắng dưới thung lũng,

bầy kiến rưới tinh lên trứng như cách thức vũ trụ đã hình thành,

khi chúng ta nằm ngủ,

mắt khép lại,

thì hạt bóc vỏ nảy mầm

những con nhện cái đã thay nhau giăng tơ,

chúng săn bắt ánh sáng,

chúng uống nước và say trong cái khung xương to lớn,

những cây thược dược đã tra hạt vào đất,

chúng ta có đủ thuốc men để chữa lành mọi vết thương.

cây già, đại dương, những đàn thú, cây cỏ, sinh vật ánh sáng, người, những mùa, thời tiết, cứ như thể là bông hoa vĩnh cửu, thay phiên nhau dựng nên khung xương to lớn, người đặt nó là Xương Sống, như vậy về cấu trúc đã bắt đầu có nhiều sự biến đổi.

người nữ đã đẻ thêm một người con nữa, cứ thế, người nghĩ sẽ bắt tay vào việc tái chế lại miền đất này thành nơi cho tất cả mọi sự sống.

người nữ thay người ngồi dệt lá, nuôi con, chăm sóc và viết bản kinh Mẫu Tử:

có cây dương gian đang cất tiếng nói,

có chàng trai từ những năm tháng bất an,

bất an là biến cố để tái chế lại sự sống từ cõi chết,

có con dơi bay về đây trong sự hốt hoảng từ phương bắc,

có con sóc nhỏ chuyền cành về đây khi phương nam khô khốc,

có con voi ma mút đi về đây khi băng tuyết tan chảy,

và từ mười phương trăm hướng về đây để lắng nghe bầy kiến đang rưới tinh lên quả trứng địa cầu…

***

bằng nhãn lực của mỗi loài, mây trắng trời cao ảo hoá thành từng đôi mắt bay qua dòng nước lớn, có khi vui vẻ mây vờn lên cánh rừng thông, như thế những bông cúc đại đoá được hoá trang dưới những khúc xương hoá thạch, như thế lũ quạ chiều hôm bay về và chúng cũng hồn nhiên đục đẽo những khối đá quanh hai bờ nước lớn.

vào khoảng thế kỉ thứ VII trước cao nguyên

chúng ta chờ cánh đại bàng vỗ về trên ô cửa

chúng mang tất cả mọi thứ trong tầm mắt

một chú thỏ sợ hãi kẻ săn mồi,

nhưng bây giờ dưới chiếc ngà voi ma mút

bên những cọng cỏ to bằng cánh tay con vượn đực,

cần cho thêm sáp ong vào hốc tối,

bên trên cần đổ đầy gió từ mỗi cái vỗ cánh của loài ong vú lá,

kìa, nhìn xem những cây linh mộc đã đâm rễ ôm lấy,

bọn sóc thì cạ lưng làm mượt những vết chạm trổ,

có gì hỡi những con nhện mắt đen,

bên trong những gian phòng chăng tơ,

nước đã đầy khoang chứa,

bầy cá bơi lội như thể có một ông lão quên quăng chài ngồi đợi sao hôm,

con thuyền gỗ neo đậu trên hồ thiên nga trắng

và đàn con đóng khố vỏ cây,

những con trâu chết ở đầm lầy

căng da lên làm trống.

khuya phủ lên những ngọn nến sáp ong,

người nữ cởi bỏ lớp trang sức,

người bước ra khỏi căn hầm,

năm mươi người con trai lực lưỡng đẩy thuyền ra đại dương,

con cá lớn quẫy đuôi làm ướt những vì sao trên trời.

khi sống hoà cùng đất trời, thấy mình là chim đang bay, là cá đang lội, là lá rừng rụng xuống và nước chảy trong khuya khoắt vẫn không ngưng nghĩ rằng cuộc tương tục sẽ kéo dài cho đến khi thiên nhiên trở thành cái đạo hằng dưỡng bảo mật kí ức, cho những sự dịch chuyển về sau, khi ấy tâm trí bóc hạt đâm chồi và vươn lên hít thở khí trời, đó là khoảnh khắc cho một đời sống mới.

hôm cây rừng im lặng, con sư tử mắt chột tìm về bên người để lắng nghe sự an ủi:

– mày đau lắm phải không, bỗng hùng mạnh giờ trở nên yếu ớt sau khi bị dính mũi tên của những người thợ săn, nhưng những người thợ săn chỉ đuổi đến bìa rừng và không đuổi theo nữa, vì lẽ những người thợ săn sau khi đuổi đến con nước lớn dẫn nước từ đại dương vào rừng, những người thợ săn như những kẻ bị thần linh đoạt hồn, những người thợ săn kinh động vì vẻ trầm mặc, thâm u, yên tĩnh đến lạ kì, những người thợ săn nghe ra được hơi thở hỗn độn của mình.

thiên nhiên là tôn giáo, con người đang tâm linh về thiên nhiên, người không cần triết lý, như cách thức để sống mở lòng với bao la.

một bước chân đi, là một sát na của hàng triệu năm biến thiên.

– và bây giờ, giữa lòng thực tại.

vâng, đó là lúc Người bắt đầu tuyên bố cuộc hỉ sự đầu tiên.

chúng ta cần một cuộc tẩy rửa, và bằng trí năng của người, của mẹ thiên nhiên, nơi hang động đang chia nhánh, những biến đổi khí hậu đang diễn ra ngoài khu rừng này.

như thể chúng ta đang dặn dò nhau,

như thể là khúc ca là lúc những câu chuyện

con thuyền trong đêm dưới bầu trời sao tháng mười,

hơi thở của vầng trăng,

những hạt bóc vỏ

người hoạ sĩ đi vào tranh,

có dòng sông chảy vào miên man đẹp nhất,

nếu ngưng trệ sự sống,

là thứ bất an nhất mà thiên nhiên

trút những chiếc lá cuối cùng,

như người thượng cổ ngồi trầm tư,

bây giờ thời gian là chiếc áo,

chúng ta mặc vào,

cùng phút linh cầu.

người có chết không? Tôn giáo thiên nhiên không có sự chết, gọi là chuyển tiếp, là đi vào sự hằng có, tôi nghĩ người đã tạo ra tiếng nói riêng, người vẫn cưu mang tiếng nói của tổ tiên, tổ tiên cư trú trong tiếng nói hay tiếng nói cư trú dưới mỗi địa hạt dòng giống, người đang làm nghi lễ trên cây già.

và rừng thông toả đầy ánh sáng lúc chồi non vươn lên khỏi lớp lá mùa đông, lũ sóc tắm ánh nắng ban mai dưới những quả thông non.

biến cố là thứ mà trời đất luôn là những sự giãi bày cho cuộc bắt đầu, người đã hoàn thành bức vẽ về suối nguồn, trong đó có người ngồi trước đàn con và mỉm cười với người nữ, mái tóc đã bạc, ánh mắt vô ưu, cuộc yên hàn bên dòng suối, chim tinh vân đang hót, như có thêm sự động đậy của giống nòi, những phút giây đầy nhạc tính, người nghe bên kia rừng thông tiếng vỏ ốc trên đại dương từ triệu năm vọng về lời của thủy triều, người nghe trong lòng đất những bộ xương đang máy động, những hạt natri, hiđro, các-bon, những sắc màu trộn lẫn vào cây cỏ.

từ khi người bị ánh sáng ăn mòn, người chỉ ra khỏi căn hầm vào trước lúc bình minh để đứng trên ngọn cây già và ngẫm ngợi về dòng chảy của sự sống, rồi lại quay về trước khi mặt trời lên.

cửa hầm vẫn mở, chất liệu người vẽ tranh hoàn toàn bằng trí năng, người nữ choàng chiếc áo nàng mới dệt lên thân thể của người, người nhìn người nữ và nói

– ta và nàng có với nhau thật nhiều những người con trai, nay ta phải trở lại hang động để tráng ánh sáng trên mặt đất, ta đang bị ánh sáng mặt đất ăn mòn, sớm mai này, khi nàng đi nhặt lá kết áo, nàng hãy xoá giúp ta những nét cọ, mỗi một nét cọ là mỗi người con sẽ ở lại với nàng.

người nữ mắt buồn, vì biết người đang lâm trọng bệnh, nên người nữ đã dệt cho người chiếc áo đẹp nhất, đặt một nụ hôn, như lúc đầu tiên gặp người trên cánh đồng lúa nước.

người trở lại hang động, hang động đã chia nhánh, trong vỏ não người giờ là những ánh mắt đáy thẳm, người nghĩ về những con sóng, những vết xăm da, người không chịu được ánh sáng trên mặt đất, lưng người nổi vảy, những chiếc vảy xanh dương, tay và chân mọc móng vuốt, những móng vuốt đen tuyền, mắt người mở tròn, to và chứa đầy nước, trán người gân sưng tấy, nổi sần, đầu người mọc sừng, và lục phủ ngũ tạng người bỗng dài ra, hơi thở nóng bức như lửa phún thạch, còn kí ức người giờ là những rạng san hô những con cá biết hát, người ngồi xuống, và cuống họng phát ra tiếng gầm lớn, tiếng gầm làm hang động rung chuyển, và sóng ngoài đại dương dâng lên tung toé, hai tai của người nở ra như hai cái mang cá, và người bắt đầu dịch chuyển, người không còn cảm được hai chân còn chạm mặt đất, người bay qua hang động, bay như viên đạn trong tốc độ của ánh sáng kỉ Chu La.

người nữ trở về căn hầm, người nữ biết rằng mình sắp phải xa những đứa con đang lột xác thành những hình dạng biết bay, người nữ lấy cọ, cố xoá những chi tiết trên người những đứa con, nhưng người nữ chỉ xoá được một nửa, nửa đàn con còn lại bay ra khỏi căn hầm, chúng bay quanh bộ Xương Sống và gầm lên, làm thức giấc đàn chim trên cây già, rồi chúng chui xuống giếng, bay qua hang động, nơi chúng sẽ gặp Người.

thân thể của thời gian như cổ tích

non nhân nước trí,

nay cánh đồng hạt vàng đã sinh sôi,

nước mắt như sương mai,

thú rừng, cá biển, vầng trăng soi,

nhịp trống vọng vào tịch mịch,

có nụ hôn sinh khởi tình yêu,

sao khuya hắt bóng huyền sử lên đại dương

chim Âu ca suốt triền sóng vỗ bể đông,

trung tâm ngôi nhà Xương Sống,

nơi người để lại một xưởng vẽ,

Như là cách lưu lại dấu vết giống nòi.

(Còn tiếp)

Comments are closed.