Thụy Khuê
Chương ba
Tóm tắt giai đoạn lịch sử 1777- 1802
Phần 2
Kể từ tháng 9/1795 đến tháng 5/1797, Nguyễn Vương giữ từ Bình Khang [tức Khánh Hoà] vào Nam. Cảnh Thịnh giữ từ Bình Định ra Bắc.
Vua Cảnh Thịnh (Quang Toản) năm 1795, mới 12 tuổi, dưới quyền phụ chính của Trần Văn Kỷ, chia quân phòng bị chặt chẽ từ Quảng Nam đến Quy Nhơn.
Nguyễn Vương, sau Nguyễn Huệ, chỉ sợ có Trần Quang Diệu.
Vì biến cố Bùi Đắc Tuyên, Trần Quang Diệu về Phú Xuân, sau đo các tướng trong triều dình Cảnh Thịnh tranh chấp nhau, nên Nguyễn Ánh rảnh rang trong gần hai năm không có chiến tranh, ông sửa sang việc nội trị và binh bị ở Gia Định.
Tháng 1-2/1796 (tháng 12/Ất Mão) lập Hàn Lâm Viện thị học.
Sai đóng 15 chiến thuyền lớn, hiệu Gia: Gia thiên, Gia địa…
Tháng 4-5/1796 (tháng 3/Bính Thìn) mở khoa thi, lấy 273 người đỗ. Cải tổ binh bị.
Tháng 7/1796 (tháng 6 ÂL.) triệu Tôn Thất Hội ở Diên Khánh về. Sai Nguyễn Huỳnh Đức Đặng Trần Thường trấn Diên Khánh cùng Phó tướng Tả quân Võ Văn Lượng.
Tháng 8/1796 (tháng 7 ÂL.) đặt thêm 5 dinh thuỷ quân.
Tháng 2/1797 (tháng 1/Đinh Tỵ), tăng trưởng quân Thần Sách, đặt vệ Diệu Võ quân Thần Sách, bổ Lê Văn Duyệt làm Thuộc nội Vệ Uý vệ Diệu Võ.
Bàn việc quân sự với vua, Duyệt nói: Nguyễn Văn Thành là người mưu mà ít dũng, Tống Viết Phước dũng mà ít mưu, duy có Tôn Thất Hội thì trí dũng kiêm toàn, thực là tướng giỏi. Vua cho là phải.
Vương lại sai Hoàng Trung Đồng và La Á Lục chia giữ 19 thuyền đại hiệu (Long Ngự, Long Hưng, Long Thượng, Long Đại, Long Nhất, Long Nhị, Long Tam, Phượng Đại, Phượng Nhị, Hồng Đại, Hồng Nhị, Hồng Tam, Loan Đại, Loan Nhất, Loan Nhị, Bằng Đại, Bằng Nhất, Bằng Nhị, Bằng Tam) (Thục Lục, I, t. 347).
19 thuyền “đại hiệu” tức là tầu chiến “hạng nặng” để phân biệt với các thuyền hiệu Phượng Phi, Long Phi và Bằng Phi, chỉ là thuyền chiến thường do Vannier, Chaigneau và de Forcanz cai quản. Điều này chứng tỏ người Pháp không phải là những người “duy nhất” biết điều khiển tầu chiến bọc đồng theo kiểu Tây phương, như nhiều người lầm tưởng.
Tháng 3/1797 (tháng 2 ÂL.), Phó tướng Tả quân Võ Văn Lượng chết; sai Nguyễn Văn Thành thay thế. Để củng cố lực lượng cho Đông Cung, lúc đó đã 17 tuổi, phải làm tư lệnh, Vương bổ Nguyễn Văn Thành và Phạm Văn Nhân phò tá.
Nguyễn Vương đánh Quy Nhơn lần thứ nhì, 1797
Tháng 5/1797 (tháng 4/Đinh Tỵ) Nguyễn Vương đánh Qui Nhơn, đem theo Đông Cung Cảnh (17 tuổi). Sai các tướng Võ Bá Diên, Phạm Văn Nhân và Nguyễn Công Thái phò Đông Cung.
Tôn Thất Hội trấn giữ Gia Định. Nguyễn Kỳ Kế và Nguyễn Văn Phú coi lương.
Thuyền Vương đến cửa Cù Huân [Khánh Hoà], Nguyễn Huỳnh Đức hộ giá.
Để Nguyễn Văn Tánh, Nguyễn Văn Lợi giữ thành Diên Khánh.
Sai Nguyễn Văn Trương đem binh thuyền tiến đánh đô đốc Thiêm ở Tiên Châu [Phú Yên], thắng; đánh đô đốc Tính ở Đạm Thuỷ [Bình Định], bắt được 6 chiếc thuyền.
Sai Võ Tánh và Nguyễn Văn Thành đem bộ binh đánh chợ Hội An [Phú Yên], phá được đồn, đô đốc Hiếu lui về La Thai [Phú Yên].
Thuyền Vương tiến thẳng đến cửa Thị Nại, đánh nhau với Tư lệ Lê Trung, bắt được nhiều thuyền ghe súng ống, Lê Trung phải rút về Trà Khúc [Quảng Ngãi].
Tháng 5-6/1797 (tháng 5 ÂL.) Vương thấy Quy Nhơn phòng bị kỹ, khó đánh, bèn quyết định đem 100 chiến thuyền ra đánh Đà Nẵng.
Mặt trận Quảng Nam, tháng 5-6-7/1797
Đại binh Nguyễn Vương tiến đến Đà Nẵng, Thống lĩnh Tây Sơn Nguyễn Văn Chân thu hết thuyền vào trong vịnh và Thiếu bảo Nguyễn Văn Huấn đóng quân hai bên bờ vịnh, chống lại. Hai bên giao chiến hai lần không phân thắng bại.
Vương sai Nguyễn Văn Trương, Nguyễn Văn Thịnh, Trần Văn Tứ, Trần Văn Búa, đi về phía Cu Đê [phiá bắc huyện Hoà Vang] đến cửa ải Hải Vân, đặt đồn ở chỗ hiểm.
Cảnh Thịnh giao cho Trần Quang Diệu giữ cửa Eo [cửa Thuận An] và sai đô đốc Lê Văn An đem quân Thuận Hoá vào cứu Quảng Nam.
Nguyễn Vương luận rằng hiện nay Tây Sơn dồn hết lực lượng vào Đà Nẵng, thì Chiêm dinh [tức dinh Quảng Nam, ở xã Cần Húc, huyện Diên Phước] sẽ không phòng bị, bèn sai Đông Cung đem quân vào cửa biển Đại Chiêm [Hội An], đánh lấy Chiêm dinh và gọi Võ Tánh ở Phú Yên ra họp với quân của Cảnh.
Đông Cung chiếm được chợ Đông An ở Hội An, tiến đến Chiêm dinh, chia đặt đồn sở để giữ.
Võ Tánh đến Đại Chiêm đánh nhau với đô đốc Nguyễn Văn Ngũ và thuyền của Tề Ngôi (giặc biển theo Tây Sơn), thắng trận, thu được 30 thuyền chiến.
Ở mặt trận Bình Khang [tức Khánh Hoà], tháng 5-6/1797, Tư lệ Lê Trung đem quân tiến đánh bảo (tức là đồn đất) Hội An [Phú Yên]. Nguyễn Ánh hay tin, lập tức sai Nguyễn Văn Thành đem quân triệt thoái về Bình Khang.
Tại mặt trận Quảng Nam, tháng 6-7/1797 (tháng 6 ÂL.) Nguyễn Văn Trương đón đánh viện quân của Lê Văn An từ Thuận Hoá ra, ở gò Phú Gia. Lê Văn An lui quân về Cu Thai. Võ Tánh đánh nhau với tiết độ Nguyễn Văn Giáp ở Mỹ Khê, có tham tri bộ binh Hồ Văn Định người Mỹ Khê hướng dẫn.
Đông cung Cảnh thắng trận La Qua [huyện Diên Phúc] vua mật cho Phạm Văn Nhân giữ cửa biển Đại Chiêm, Võ Bá Diên theo Đông cung đóng đồn ở Phú Chiêm, Nguyễn Công Thái đóng đồn ở núi Tam Thai [tức Ngũ Hành Sơn], chờ chỉ thị đánh úp.
Vương lại sai Phó vệ uý vệ Túc trực Nguyễn Văn Khiêm (phụ tá Đông cung đi đánh Đà Nẵng) và thuộc nội vệ uý ÔLiVi (Olivier de Puymanel) đến tấn biển Đà Nẵng [chỗ hai dòng sông Cẩm Lệ và Vĩnh Điện chẩy ra biển], đóng thuyền sam bản đánh hoả công, rồi chọn quân cảm tử cưỡi thuyền vào đốt thuyền địch ở vịnh Đà Nẵng.
Thống lĩnh Tây Sơn Nguyễn Văn Chân và Thiếu bảo Nguyễn Văn Huấn, một mặt cố giữ Đà Nẵng, một mặt xin cầu viện Quy Nhơn.
Tư lệ Lê Trung, ở Trà Khúc, sai đại đô đốc Lê Chất, đô đốc Đoàn Văn Cát, đô đốc Nguyễn Văn Xuân và đô đốc Hàn đem 2000 quân và 40 thớt voi đến cứu viện, giao tranh nhiều trận, quân Nguyễn chiếm lợi thế giết được nhiều voi Tây Sơn, đô đốc Hàn tử trận.
Đô đốc Tây Sơn Lê Văn An đánh bảo Trạm Dã [huyện Hoà Vang Quảng Nam] bị Nguyễn Văn Thịnh đẩy lui.
Nhưng quân Nguyễn bị thiếu lương thực. Nguyễn Ánh bèn sai Gia Định chở gạo lương tiếp viện đến Cù Huân [Khánh Hoà], rồi Trương Phúc Luật từ Cù Huân, sẽ đem phân phát cho các quân thứ.
Tháng 7-8/1797 (tháng 7 ÂL.), Nguyễn Ánh sai Nguyễn Văn Thành và Đặng Trần Thường tiến đánh Phú Yên. Thành sợ không giữ được, không muốn đánh, Vương không cho.
Nguyễn Ánh mật sai người dụ Nguyễn Bảo [con Nguyễn Nhạc] nếu giết được Tư lệ Lê Trung, thì sẽ được hưởng khoan hồng, không bị giết.
Thuyền lương của Trương Phúc Luật bị ngược gió, lại bị cướp biển chận, tiến rất chậm. Không đủ lương thực, Nguyễn Ánh phải ra lệnh cho các tướng rút quân về.
Nguyễn Văn Thành và Đặng Trần Thường chiếm được các bảo (đồn đất) Hội An và La Thai ở Phú Yên, cũng được lệnh bỏ về.
Nguyễn Vương đem quân về Diên Khánh. Quân sĩ bị bệnh tật nhiều. Tháng 9-10/1797 (tháng 8 ÂL.), Vương kéo quân về Gia Định. Để Nguyễn Văn Thành và Đặng Trần Thường ở lại giữ Diên Khánh.
Chiến dịch đánh Quy Nhơn năm 1787 là một thất bại. Tây Sơn, sau cuộc nội biến trong triều đình Cảnh Thịnh, nhờ những tướng tài như Trần Quang Diệu, Lê Trung, vẫn còn mạnh thế, Nguyễn Ánh chưa thể thắng được. Biên giới hai bên, sau năm tháng chiến tranh, vẫn như cũ.
Nguyễn Ánh nghỉ binh trong hai năm để sửa sang quân đội và nội trị.
Nguyễn Ánh đóng tầu, xây thành, củng cố lực lượng quân Thần Sách
Tháng 12/1797-1/1798 (tháng 11/Đinh Tỵ) Nguyễn Ánh sai đóng thêm 50 thuyền đi biển, 100 thuyền sai và 200 thuyền chiến. Đắp bảo Kinh dinh và Mai Nương Bình Thuận, sai Phó tướng Phan Tiến Hoàng coi công việc. Sai chưởng cơ Tống Viết Phước làm cai Tầu vụ.
Tháng 2-3/1798 (tháng 1/Mậu Ngọ) sai Du Hải Quan đi Hạ Châu (Singapore) tìm mua đồ binh khí. Tháng 3-4/1798 (tháng 2 ÂL.) sửa lại thành Mỹ Tho, Phạm Văn Nhân trông coi.
Lại sai các đội mộc đĩnh (xuồng gỗ) ở Chính dinh [Sài Gòn] đi Quang Hoá [thuộc Tây Ninh, cách Sài Gòn 29 dặm về phiá Tây Bắc] tìm chở ván gỗ để đóng chiến thuyền lớn và thuyền kiểu Tây dương. Vua đến xem. Rừng Quang Hoá, theo Gia Định thành thông chí (Trịnh Hoài Đức), gò đồi trùng điệp, rừng rú liền dăng, cây cối cao lớn chọc trời, rậm rạp hàng vài trăm đậm, thợ xẻ, thợ mộc dựng lều cắm trại để đẵn gỗ.
Như vậy, năm 1798, Nguyễn Ánh đã đóng được các tầu chiến Tây.
Tháng 5-6/1798 (tháng 4 ÂL.) sai Lễ bộ Ngô Tòng Châu cùng nguyên Lễ bộ kiêm Đốc học Nguyễn Thái Nguyên phụ đạo Đông Cung. Đông Cung rất kính trọng Ngô Tòng Châu; vị học giả này, sau khi tử tiết ở Bình Định cùng Võ Tánh, năm 1801, được phong làm Thái Tử Thái sư tước Quận công, thờ ở Thế Miếu.
Điểm mạnh của quân Nguyễn là thuỷ binh, sau nhiều lần đụng độ với Tây Sơn, Nguyễn Ánh rút kinh nghiệm: Tây Sơn rất mạnh về bộ binh, nhất là binh đội xây dựng cầu cống và thành luỹ: Trần Quang Diệu có thể cho đắp một loạt thành đất (bảo), rất kiên cố trong thời gian kỷ lục. Vì vậy, từ tháng 7-8/1798 (tháng 6 ÂL.), Nguyễn Vương cải tổ lại quân đội, đặc biệt mở rộng quân Thần Sách (Công binh và Pháo binh), bởi việc chế tạo bom đạn, đúc súng đại bác và xây đắp thành lũy, trở thành quan trọng hàng đầu.
Vương đặt 5 đồn quân Thần Sách: Trung đồn, Tiền đồn, Tả đồn, Hữu đồn và Hậu đồn (mỗi đồn 4 vệ) [mỗi vệ khoảng 600 quân] có Chánh thống và Phó thống cai quản.
Phạm Văn Triệu và Tôn Thất Chương làm Chánh, Phó thống Tiền đồn. Lê Văn Duyệt và Hoàng Viết Toản, làm Chánh, Phó thống Tả đồn. Trần Văn Tín và Phan Văn Kỳ, làm Chánh Phó thống Hữu đồn. Mai Đức Nghị và Nguyễn Đức Thiện, làm Chánh, Phó thống Hậu đồn.
Nguyễn Đức Xuyên và Nguyễn Đình Đắc, làm Chánh, Phó thống Trung đồn.
Lại lấy Chưởng cơ Tống Viết Phước, Tiền quân Thần Sách, làm Phó tướng Tả quân.
Lấy Phó tướng Tả quân Phạm Văn Nhân làm Chưởng cơ Giám quân quân Thần sách, thống suất năm đồn quân Thần Sách.
Trong một lực lượng Thần Sách hùng hậu như vậy, Olivier de Puymanel, là người có chức vụ cao nhất trong số người Pháp, ở thời kỳ này, được giữ chức Vệ uý [cai quản một vệ, khoảng 600 quân] cũng là một ngạch cao, nhưng không phải là địa vị hàng đầu, càng không là người “thống lãnh quân đội” như những ngòi bút Pháp thổi phồng. Puymanel ở dưới quyền các Chánh, Phó thống Tả, Hữu, Trung… đồn [như Lê Văn Duyệt, Nguyễn Đức Xuyên…] và các vị này lại ở dưới quyền của tướng Phạm Văn Nhân, chỉ huy quân Thần Sách. Và quân Thần Sách lại ở dưới quyền điều khiển của các tướng chỉ huy các dinh quân như Võ Tánh, Tôn Thất Hội, Nguyễn Văn Trương…, chính họ thuộc quyền trực tiếp điều khiển của Nguyễn Ánh.
Trong những chiến dịch sắp tới, 5 đồn quân Thần Sách do Phạm Văn Nhân thống lĩnh sẽ giữ vai trò chủ yếu trong chiến thắng của Nguyễn Ánh.
Tháng 9-10/1798 (tháng 8 ÂL.) Ngô Tòng Châu dâng sớ nêu những cái hại của “Phật, Lão, Dương Mặc (Da-Tô)”. Bá Đa Lộc rất ghét.
Tháng 11-12/1798 (tháng 10 ÂL.), Vương triệu Nguyễn Văn Thành và Đặng Trần Thường ở Diên Khánh về; sai Đông Cung (18 tuổi) thống lĩnh tướng sĩ dinh Tả quân và vệ tiền quân Thần Sách, đến giữ Diên Khánh, lần thứ nhì. Có Bá Đa Lộc, và các tướng Tống Viết Phước và Nguyễn Công Thái, hậu thuẫn. Phong Đặng Đức Siêu làm tham mưu Trung dinh.
Nguyễn Bảo xin hàng
Như trên đã nói, khoảng tháng 7-8/1797, khi đi đánh Quảng Nam, Nguyễn Ánh đã sai người dụ Nguyễn Bảo (con Nguyễn Nhạc) giết Lê Trung để lập công. Khi Nguyễn Ánh về Gia Định, Bảo ngầm có ý quy thuận. Năm 1798 (không rõ tháng), Nguyễn Bảo đánh úp Quy Nhơn, Nguyễn Văn Hưng thua chạy. Bảo sai đô đốc Đoàn Văn Cát và đô đốc Nguyễn Văn Thiệu giữ chợ Hội An [Phú Yên], rồi sai người dâng biểu xin hàng.
Tháng 12/1798-1/1799 (tháng 11 ÂL.) Vương sai Nguyễn Văn Thành và Đặng Trần Thường đem quân đóng ở sông Đà Diễn, thuộc Phú Yên, rồi sai Nguyễn Văn Thành đến tiếp ứng Nguyễn Bảo. Nhưng Thành chưa kịp đến thì Quang Toản đã sai quân vây thành, bắt Bảo giết đi. Để Lê Văn Thanh trấn thủ Quy Nhơn. Đoàn Văn Các và Nguyễn Văn Thiệu đến Diên Khánh xin hàng.
Trong vụ binh biến này, Quang Toản nghi Tư lệ Lê Trung (thuộc nhóm Bùi Đắc Tuyên) ở Trà Khúc, có dính líu, bèn gọi Lê Trung về Thuận Hoá, giết đi. Rồi lại nghe lời gièm giết cả Thiếu bảo Nguyễn Văn Huấn. (Thực Lục I, t. 373).
Sau vụ giết hại công thần lần thứ nhì, triều đình Tây Sơn thực sự phân rẽ, ly tán.
Tháng 4/1799 (tháng 3/Kỷ Mùi), khi Nguyễn Ánh đánh Quy Nhơn lần thứ ba, đại đô đốc Tây Sơn Lê Chất, con rể Lê Trung, nổi tiếng thiện chiến, bỏ theo Nguyễn Ánh, được phong làm tướng quân, dưới quyền điều khiển của Võ Tánh.
Các tướng Tây Sơn khác: đại đô đốc Võ Đình Giai, Nguyễn Văn Điểm, đô đốc Lê Văn Niệm, Hồ Văn Viện, Trần Văn Lân, đô uý Mai Gia Cương, Nguyễn Văn Trí, cùng theo đến hàng.
Lỗi lầm của Cảnh Thịnh, lần này, đưa đến những hậu quả tai hại.
Tháng 12/1798, trong quân Nguyễn, có một mất mát lớn, Chưởng Tiền quân Bình tây đại tướng quân Tôn Thất Hội bị bệnh mất ở Sài Gòn, nơi ông đang trấn thủ, ở tuổi 42 (ÂL.). Tôn Thất Hội, hơn Nguyễn Ánh khoảng 5 tuổi, là một trong những tướng cột trụ của Nguyễn Ánh từ đầu, ông là người học rộng, là nhà kiến trúc, phụ trách việc xây thành Gia Định và Diên Khánh; sau khi chết, ông được phong làm Nguyên Phụ công thần đặc tiến Thượng trụ quốc Chưởng dinh.
Nguyễn Văn Thành lên thay thế làm Chưởng dinh Tiền quân.
Tháng 1-2/1799 (tháng 12/Mậu Ngọ) Vương Vệ uý Ô Li Vi (Olivier de Puymanel) đi thuyền hiệu Thanh Tước đến Hạ Châu (Singapore) tìm mua binh khí. Puymanel mất ngày 23/3/1799 ở tuổi 31, tại Malacca, (Cosserat, Notes bioghaphiques sur les français au service de Gia Long, BAVH, 1917, III, t. 175).
Tháng 2-3/1799 (tháng 1/ Kỷ Mùi), sai Phó thống Hậu đồn quân Thần sách là Nguyễn Đức Xuyên quản vệ Hùng võ và kiêm luôn 5 cơ tượng (voi).
Trong thời gian từ tháng 11-12/1798 đến tháng 5/1799, không có chiến tranh, Đông cung vẫn trấn thủ Diên Khánh, cùng phó tướng Tống Viết Phước, phó tướng Nguyễn Công Thái và Bá Đa Lộc. Tống Viết Phước tình nóng, tỳ tướng có lỗi bị đánh roi; lúc giận, xỉ nhục Bá Đa Lộc, bị gọi về Gia Định.
Để chuẩn bị cho chiến dịch đánh Quy Nhơn sắp tới, tháng 3/1799 (tháng 2 ÂL.), Nguyễn Vương sai Nguyễn Văn Thụy và Lưu Phước Tường sang Xiêm nhờ vua Xiêm vận động quân Chân Lạp sang giúp và quân Vạn Tượng theo đường núi đánh xuống Nghệ An. Vua Xiêm ưng thuận.
Nguyễn Vương đánh Quy Nhơn lần thứ ba, 1799
Trước khi xuất quân, vương ban 32 điều quân luật để răn quân sĩ. Sai hoàng tử thứ nhì Hy trấn thủ Gia Định, cùng với Chưởng cơ Nguyễn Văn Nhân, Hình bộ Nguyễn Tử Châu và đốc học Nguyễn Thái Nguyên. Sai công bộ Trần Văn Thái đốc thúc đóng thuyền chiến để sẵn.
Tháng 4/1799 (tháng 3 ÂL.), Vương cử đại quân đi đánh Quy Nhơn. Sai Nguyễn Văn Thành điều bát bộ binh đi trước ra Diên Khánh. Vương thân đốc binh thuyền qua cửa Cần Giờ, Nguyễn Văn Trương tiên phong, Nguyễn Văn Thịnh và Trịnh Hoài Đức vận lương.
Tháng 5/1799 (tháng 4 ÂL.) thuyền Nguyễn Vương đến vũng Cù Huân, dừng lại ở thành Diên Khánh. Sai Nguyễn Văn Thành đánh Phú Yên. Nguyễn Đình Đắc, phó thống Trung đồn quân Thần Sách, làm Phó tướng Tả quân họp cùng Phó tướng Nguyễn Công Thái quản suất dinh Tả quân, phò Đông Cung đánh trận. Để tướng thượng đạo Nguyễn Long trấn Diên Khánh.
Nguyễn Vương tiến đến Thị Nại.
Sai Võ Tánh và Nguyễn Huỳnh Đức đem quân đóng ở Phú Trung.
Được tin, Trần Quang Diệu và Võ Văn Dũng đem binh Phú Xuân vào cứu, tiến đến Quảng Nam.
Nguyễn Ánh sai Lê Văn Duyệt và Nguyễn Đức Thiện đem quân Tả đồn và Hậu đồn (Thần sách) thẳng tới Tân Quan (tức Tam quan, thuộc Bình Định), đóng giữ các chỗ hiểm yếu.
Đại đô đốc Tây Sơn Đoàn Văn Cát giữ hai bảo [đồn đất] Thái An và Vĩnh Thuận.
Nguyễn Văn Trương đem thuyền đi tuần tra biển Quảng Ngãi.
Võ Tánh và Nguyễn Huỳnh Đức đánh nhau với Tây Sơn ở Thị Dã [tức Đồng Thị, Bình Định], Trương Tiến Thúy thua chạy, Võ Tánh đuổi đến cầu Tân An [Thôn Liêm Trực, huyện Tuy Phước, Bình Định], chém được đô đốc Nguyễn Thực.
Phiá Nguyễn, Vệ uý Thần sách Tôn Thất Nông tử trận.
Lê Văn Duyệt tiến đến Đạm Thủy [Nước Ngọt] đốt kho lương, chém tướng Giảng, tiến đến Thạch Tân [tức Bến Đá, phiá bắc Bình Định, giáp giới Quảng Ngãi].
Nguyễn Văn Thành đánh bảo Hội An, Phạm Văn Điềm đầu hàng, thu phục được Phú Yên.
Vương sai Nguyễn Văn Thành tiến quân tiếp với Võ Tánh.
Tháng 6/1799 (tháng 5 ÂL.) quân Nguyễn đến sát thành Quy Nhơn.
Nguyễn Ánh đến bảo Lãnh Vạn. Sai Võ Tánh làm đại tướng điều khiển bốn dinh quân ngũ.
Nguyễn Ánh thân chinh đánh Tân Quan [Quảng Ngãi], phái Nguyễn Công Thái, Nguyễn Đình Đắc, Tống Viết Phước và Phan Văn Kỳ đóng đồn từ Cung Quăng [Quảng Ngãi] đến Sa Lung chặn đường đại quân tiếp viện của Tây Sơn.
Tháng 7/1799 (tháng 6 ÂL.) Trần Quang Diệu và Võ Văn Dũng tiến quân đến Quảng Ngãi, nghe tin Nguyễn Ánh đã chiếm Tân Quan liền bỏ thuyền lên bộ, đem mấy vạn quân, thế mạnh vũ bão, tiến thẳng đến Bình Định.
Nguyễn Ánh vẫn sợ Trần Quang Diệu, ra mật lệnh rút lui. Lê Văn Duyệt và Tống Viết Phước đều can.
Trần Quang Diệu đóng quân ở núi Thạch Tân [tức Bến Đá, biên giới Quảng Ngãi-Bình Định]
Võ Văn Dũng đem quân lên Chông Hàm định đi tắt xuống đánh úp, ban đêm quân đi trong rừng, có con nai nhỏ, người đi trước kêu: “Nai! Nai!” Quân đi sau tưởng: “Quân Đồng Nai!” (tức quân Nguyễn Ánh), hoảng sợ, chạy toán loạn. Tống Viết Phước lợi dụng đem quân ra đánh, quân Tây Sơn tan vỡ; bắt được tù binh, đem đến rao trước thành Quy Nhơn để thị uy.
Võ Văn Dũng thua trận, được Trần Quang Diệu che chở, không báo về kinh, biết ơn, sau sẽ liên kết chặt chẽ với Trần Quang Diệu.
Đại binh Nguyễn Ánh đến Thạch Tân [Quảng Ngãi].
Trần Quang Diệu và Võ Văn Dũng lui quân về Thanh Hảo [Quảng Ngãi], Trần Viết Kết đem thuyền từ Thuận Hoá đến họp.
Ở Pháp, đảo chánh 18/6/1799, chấm dứt chế độ Directoire, lập chế độ Tổng Tài (Consulat). Nã Phá Luân làm đệ nhất Tổng Tài (1799-1804), rồi Đại Đế (1804-1814).
Võ Tánh chiếm Quy Nhơn
Ở Quy Nhơn, Thái phủ Tây Sơn Lê Văn Ứng, nghe tin viện binh Phú Xuân đến, bèn đem 6.000 quân tinh nhuệ và hơn 50 thớt voi đến ấp Tây Sơn thượng, thu chở quân lương ra tiếp viện.
Võ Tánh biết tin, ra lệnh cho Nguyễn Văn Thành đem quân và voi, Nguyễn Đức Xuyên tả đạo; Nguyễn Công Điền và Lê Chất, hữu đạo, Võ Tánh tự cầm trung đạo, cùng tiến đánh Lê Văn Ứng ở Cà Đáo, bắt được hết quân và voi. Ứng trốn thoát.
Thấy Lê Văn Ứng thua, trong thành không đủ lương thực, Đại tổng quản Lê Văn Thanh, thượng thư bộ binh Nguyễn Đại Phác và thiếu úy Trương Tiến Thúy dâng biểu xin hàng. Nguyễn Vương lấy nghiã “vua, tôi” đối đáp. Đó là tháng 7/1799, Võ Tánh chiếm Quy Nhơn,
Nguyễn Ánh vào thành Quy Nhơn, đổi tên là Bình Định, phủ dụ các hàng tướng, quân sĩ.
Để Võ Tánh, Ngô Tòng Châu ở lại trấn giữ.
Nguyễn Văn Trương thắng thuỷ quân của Trần Viết Kết ở ngoài biển Mỹ Ý [Quảng Ngãi].
Cảnh Thịnh bèn cử đại binh ở Thuận Hoá vào cứu viện, đóng ở sông Trà Khúc [Quảng Ngãi], sai nội hầu Lê Văn Lợi đánh bảo Mân Khê. Phó tướng Hữu quân Nguyễn Văn Lợi đóng chặt thành chống giữ. Lê Văn Lợi vây riết ba ngày, Nguyễn Văn Lợi dùng đại bác hoả xa, bắn địch chết hại rất nhiều. Trần Viết Kết đem hơn trăm chiến thuyền vào cửa Sa Huỳnh, định đánh úp sau lưng thành Mân Khê. Đêm ấy bão to, thuyền Tây Sơn đắm nhiều. Trần Viết Kết phải lui về cửa biển Cổ Lũy. Lê Văn Lợi lui về Trà Câu [Quãng Ngãi].
Tháng 9/1799 (tháng 8 ÂL.) Quang Toản giục tướng sĩ theo đường bộ tiến đánh, Trần Viết Kết nói: ngược gió đánh thủy không tiện. Võ Văn Dũng và Trần Quang Diệu khuyên Quang Toản trở về Thuận Hoá để bọn họ định liệu. Toản bèn về. Diệu, Dũng cũng lui quân về Quảng Nam, để tiết độ Nguyễn Văn Giáp đóng giữ Trà Khúc [Quãng Ngãi].
Nguyễn Văn Thành dâng biểu xin tiến quân lấy Thuận Hoá, nhưng Võ Tánh cản. Nguyễn Vương thấy quân đánh trận đã lâu, cũng thôi, thu xếp về Gia Định.
Tháng 10/1799 (tháng 9 ÂL.) Vương sai Phạm Văn Nhân quản 5 đồn quân Thần sách, Võ Di Nguy, quản dinh Trung thuỷ, và Công bộ Trần Văn Thái thống lãnh các hạng thuyền ghe, theo Đông cung về Gia Định trước.
Sai Nguyễn Văn Trương giữ cửa biển Thị Nại.
Sai Nguyễn Văn Tánh và Đặng Trần Thường giữ Diên Khánh.
Trong chiến dịch đánh Quy Nhơn lần này, không thấy Đông cung xuất trận.
Bá Đa Lộc mất ở Quy Nhơn ngày 9/10/1799 sau ba tháng bị bệnh dịch tả (thư của Linh Mục Le Labousse gửi giám đốc Hội thừa sai ngày 24/2/1800, Launay III, t. 374-382). Được đưa về Gia Định chôn cất.
Tháng 11/1799 (tháng 10 ÂL.) Nguyễn Ánh về tới Gia Định. Đóng thêm 100 chiếc thuyền. Trưng dụng thợ đúc, thợ bạc ở các dinh Phú Yên, Bình Khang, Bình Thuận về Gia Định để đúc súng ống và binh khí.
Tràn Quang Diệu và Võ Văn Dũng vây thành Bình Định, 1800
Trần Quang Diệu và Võ Văn Dũng định tháng 1/1800 tiến đánh chiếm lại Bình Định.
Được tin, Nguyễn Ánh mật báo cho Nguyễn Văn Tánh và Đặng Trần Thường sửa sang thành Diên Khánh, chuẩn bị sẵn.
Sai Nguyễn Văn Trương đem tất cả binh thuyền ở cửa Thị Nại về Cù Huân.
Mật báo cho Võ Tánh: “Đem quân hai đồn tả hữu Ngự lâm ra núi đóng để liên lạc với quân Diên Khánh”. Triệu Lê Chất về giữ dinh Trấn Biên [Biên Hoà].
Tháng 1/1800 (tháng 12 Kỷ Mùi) sửa thành Mỹ Tho, sai Nguyễn Huỳnh Đức trông nom.
Đại binh thuỷ bộ của Trần Quang Diệu và Võ Văn Dũng đã đến Bình Định. Nguyễn Ánh dự tính lương thực trong thành còn đủ một năm, định tới năm sau thuận gió, sẽ giải vây.
Tháng 2/1800 (tháng 1/ Canh Thân), bộ binh của Trần Quang Diệu tiến đánh Thạch Tân [Bến Đá, biên giới Bình Định-Quảng Ngãi]. Thuỷ binh của Võ Văn Dũng tiến đánh Thị Nại. Hậu quân Nguyễn Văn Biện phải rút vào thành Bình Định. Võ Tánh đóng chặt cửa thành không tiếp chiến.
Trần Quang Diệu đắp lũy dài vây bọc thành Bình Định, chu vi 4.340 trượng, mỗi trượng 2 người tuần giữ, bộ binh vây thêm vài vòng.
Võ Văn Dũng chỉ huy hai chiếc thuyền đại hiệu Định quốc và hơn 100 thuyền chiến chặn ngang cửa biển Thị Nại; dựng hai bảo ở bãi Nhạn Châu bên tả và ở núi Tam Toà bên hữu, đặt nhiều súng lớn, ở chỗ cao, thế hiểm, chặn địch không thể vào. Cô lập Võ Tánh và Ngô Tòng Châu trong thành.
Tướng Phạm Văn Điềm trước đã ra hàng, nay nghe tin Tây Sơn đến Bình Định, bèn chiếm Phú Yên, liên kết với Võ Văn Dũng và Trần Quang Diệu. Thế quân Tây Sơn rất mạnh.
Nguyễn Ánh phòng thủ Gia Định
Nguyễn Ánh sợ quân Tây Sơn thuận gió sẽ vào chiếm Gia Định, bèn ra lệnh phòng thủ các dinh trấn trong Nam. Sai Mạc Tử Thiêm làm trấn thủ Hà Tiên. Quân lính Bắc Hà, Thuận Hoá mới hàng, thấy Tây Sơn trở lại, nhiều người đào ngũ.
Tháng 2-3/1800 (tháng 2 ÂL.) Vương sai hoàng tử thứ hai là Hy quản suất tiền chi và vệ cung võ dinh Trung quân.
Cho rằng người Hồng Mao quen thuỷ chiến, Vương sắc cho thuyền trưởng khâm sai cai đội Ba La Di (Barisy) tập họp các thuyền buôn lại, dự bị quân nhu và chiến cụ, đợi điều khiển.
Lại bắt 5000 binh Chân Lạp, hẹn ngày họp đủ để theo việc quân.
Sai cai đội Nguyễn Văn Chấn (Vannier) quản tầu Phượng Phi, Nguyễn Văn Thắng (Chaigneau) quản tầu Long Phi, Lê Văn Lăng (De Forcanz), quản tầu Bằng Phi, theo Trung quân sai phái.
Tháng 2-3/1800, đóng thêm 6 tầu đại hiệu và hơn trăm thuyền chiến.
Nguyễn Văn Thụy từ Vạn Tượng trở về cho biết Vạn Tượng chịu liên kết đánh Nghệ An.
Đại duyệt binh ở Đồng tập trận.
Đổi 5 đồn quân Thần Sách thành 5 dinh Thần Sách [tức là mở lớn thêm nữa].
Phạm Văn Nhân làm Giám quân Thần Sách.
Tháng 4/1800 (tháng 3 nhuận) lấy hàng thần là đốc học Nguyễn Gia Cát làm đốc học, dạy Đông Cung (Gia Cát là tiến sĩ nhà Lê). Lấy những người khoa bảng của nhà Lê và nhà Tây Sơn sung vào Hàn Lâm Viện. Lệnh cho dân Gia Định làm ruộng trồng trâu nuôi tằm.
Nước Xiêm biếu 30 xe thóc.
Nguyễn Ánh xuất quân cứu Bình Định
Tháng 4-5/1800 (tháng 3 nhuận), trong thành Bình Định, hai hàng tướng Tây Sơn là Võ Văn Sự và Nguyễn Bá Phong cùng hơn 400 quân, giết lính Nguyễn, mở cửa thành phiá Bắc ra hàng. Những hàng quân Tây Sơn còn lại trong thành, bị Võ Tánh giết hết.
Nguyễn Vương hay tin, vội vàng cử binh đi cứu viện.
Sai Đông Cung Cảnh giữ Gia Định cùng với Nguyễn Văn Nhân và Nguyễn Từ Châu.
Nguyễn Vương đem thuỷ quân ra Vũng Tầu, cho hoàng tử thứ tư đi theo [tức là Minh Mạng, sinh năm 1791, lúc đó 9 tuổi]. Nguyễn Đức Xuyên quản bộ binh và voi đi đường bộ.
Tháng 5-6/1800 (tháng 4 ÂL.), Nguyễn Đức Xuyên tiến đến Diên Khánh. Nghe tin quân Tây Sơn từ Phú Yên trở ra đắp hơn chín chục bảo sở (đồn đất), uy thế rất mạnh. Xuyên xin lui về Phan Rí chờ thủy quân, vương bắt ở lại Diên Khánh.
Thuyền vương đến cửa biển Cù Huân. Sai hoàng tử thứ hai là Hy trấn giữ Diên Khánh.
Sai Nguyễn Đức Xuyên, Nguyễn Văn Tánh, Đặng Trần Thường đánh Phú Yên, thuỷ quân của Nguyễn Văn Trương đi trước. Ra dụ rằng: “Ta nay thân cầm sáu [đạo] quân, tiễu trừ nghịch tặc là ở trận này. Các ngươi phải nên cố gắng. Ai có thể bắt hay chém được chủ tướng giặc là Trần Quang Diệu, Võ Văn Dũng, thì chánh quản được phong tước Công, phó quản trở xuống được gia cho một hàm và thưởng tiền một vạn quan.” (Thực Lục, I, t. 411).
Trần Quang Diệu quyết không giải toả vòng vây Bình Định
Trần Quang Diệu sai đại đô đốc Đào Công Giản và đô đốc Tuấn (không rõ họ) đem quân Hổ hầu vào Phú Yên, họp với Phạm Văn Điềm đóng giữ các bảo Hội An và La Thai.
Thuyền Nguyễn Vương tiến đến Tích Áo [Vũng Tích, Phú Yên], sai Nguyễn Văn Thành điều bộ binh tiến đánh Xuân Đài, Trần Đắc Khoan coi lương.
Tháng 6-7/1800 (tháng 5 ÂL.) Chân Lạp đem 5.000 quân đến tiếp viện.
Nguyễn Văn Thành tiến đánh Xuân Đài chia ba đạo do Lê Chất, Nguyễn Đình Đắc và Trương Tiến Bảo chỉ huy, đánh nhau với Tây Sơn ở Xích Thổ và Thanh Kỳ [Phú Yên], chiếm được bảo Hội An, đô đốc Tuấn và Phạm Văn Điềm lui về gò Ái Thạch, dựa thế núi để giữ.
Quân Nguyễn Đức Xuyên tới họp với quân Nguyễn Văn Thành tiến đánh, quân Tây Sơn thua rút về La Thai. Nguyễn Văn Thành theo đường tắt vượt đèo đánh úp sau lưng. Đại đô đốc Đào Công Giản bị Võ Tánh đón đánh, bắt được. Phạm Văn Điềm và đô đốc Tuấn chạy thoát.
Ở Quy Nhơn, Võ Tánh cùng tướng sĩ mở cửa Nam, đánh nhau với quân Tây Sơn ở núi Tam Tháp, đốt phá luỹ, chiều tối lại rút quân về thành. Trần Quang Diệu càng vây chặt hơn.
Vương sai Trịnh Hoài Đức chở lương ở Cù Huân đến tiếp viện Xuân Đài.
Quân Nguyễn vẫn không phá được vòng vây của Tây Sơn để cứu Võ Tánh ở Bình Định.
Triệu hoàng tử Hy đến đóng ở bảo Hội An [Phú Yên], để Lưu Tiến Hoà giữ Diên Khánh.
Tháng 7-8/1800 (tháng 6 ÂL.) Nguyễn Văn Thụy và Lưu Phước Tường cùng quân Vạn Tượng đi đường núi tiến đánh Nghệ An: Đô đốc Nguyễn Doanh Nhạc thua ở Bố Đồn; phò mã Nguyễn Văn Trị thua ở Lam Đồn.
Thuyền Nguyễn Vương tiến đóng cửa biển Cù Mông [bắc Phú Yên, gần Quy Nhơn].
5000 viện binh Chân Lạp đến bảo Hội An [Phú Yên], sẽ do Nguyễn Văn Thành điều khiển.
Nguyễn Văn Thành đánh bảo Chủ Sơn [ở phiá Nam huyện Tuy Viễn, Bình Định], đào hầm đặt ngầm thuốc súng đánh địa lôi, bảo đổ hơn hai trượng, nhưng vẫn không hạ được; vệ uý Nguyễn Công Trọng trúng đạn chết.
Vương sai các dinh Thần Sách: Nguyễn Huỳnh Đức, Phạm Văn Nhân, Tống Viết Phước, Mai Đức Nghị chia quản các thuyền ghe giữ cảng Cù Mông; Võ Di Nguy, đóng giữ đồn Thước Áo, Nguyễn Hữu Chính giữ bảo hữu ngạn Cù Mông.
Đánh từ tháng 8 đến tháng 12/1800, quân Nguyễn Ánh thắng vài trận: Nguyễn Văn Thành chiếm được bảo Chủ Sơn, nhưng vẫn không làm chủ được tình hình, quân tướng Tây Sơn ra hàng thường bỏ trốn hoặc chống lại.
T. K.
(Còn tiếp)