THẢO LUẬN THOÁT TRUNG VỀ VĂN HOÁ (19): Việt Nam có cơ hội thoát Trung không?

Đinh Bá Anh

I. Bối cảnh

Trí thức Việt Nam thích so sánh nước mình với những quốc gia/vùng lãnh thổ Đông Á khác có cùng gốc văn hóa Nho giáo nhưng phát triển hơn như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Hongkong, Singapore. Họ cho rằng những quốc gia/vùng lãnh thổ này đã tìm ra con đường phát triển đúng đắn. Con đường đó là gì? Theo họ, con đường đó chỉ ngắn gọn là: Thoát tư duy Đông Á, nhập tư duy phương Tây (mà cụ thể là tư duy Âu-Mỹ, hay tư duy Anglo-Saxon). Con đường thoát Á, nhập Âu đó thường được gọi bằng những cái tên khác như Khai minh hoặc Canh tân. Thực ra, đó không phải là một con đường mới. Khi va chạm với nền văn hóa phương Tây, tất cả các quốc gia có nền văn hóa khác đều phải đương đầu với thử thách: hoặc là canh tân, hoặc là tụt hậu. Các quốc gia Đông Á cũng nằm trong định mệnh đó. Quốc gia nào canh tân sớm thì sớm có cơ hội vươn lên, quốc gia nào canh tân muộn thì tụt lại, chìm trong vũng lầy của nghèo đói, bất ổn, tăm tối. Như vậy, canh tân là việc mà mỗi quốc gia đều phải làm nếu nó muốn vươn lên, tự nó không liên quan tới vấn đề thoát Trung. (Để hiểu vấn đề này, ta chỉ cần tưởng tượng Việt Nam không phải nằm sát cạnh nước Trung Quốc độc tài-man rợ, mà nằm sát cạnh nước Mỹ tự do-văn minh giống như Cuba, nhưng vẫn giữ hệ thống quản trị đất nước như thế, thì kết cục cũng như nhau mà thôi.)

Tuy nhiên, do bối cảnh Việt Nam đang bị Trung Quốc đe dọa, giới trí thức Việt Nam có khuynh hướng kéo hai vấn đề canh tân và thoát Trung lại với nhau. Vậy, bản chất của vấn đề này là gì? Để hiểu đúng, tôi lại xin làm một phép giả sử: Giả sử Trung Quốc là một quốc gia dân chủ và phát triển bậc nhất như nước Anh, nhưng quốc gia này cũng có tham vọng lãnh thổ và ảnh hưởng về chính trị, kinh tế giống như Trung Quốc với Việt Nam hiện nay, thì thử hỏi giới trí thức Việt Nam khi đó có kêu gọi thoát Trung hay không? Và khi đó, “thoát Trung” sẽ được hiểu như thế nào? Thế nên, ta buộc phải hiểu rằng, khi kêu gọi “thoát Trung”, giới trí thức Việt Nam có ba giả định: (1) Giả định thứ nhất là Việt Nam đang lệ thuộc Trung Quốc; (2) giả định thứ hai là Trung Quốc là một cái gì đó kém cỏi, lạc hậu, sai lầm; và (3) giả định thứ ba là: Việt Nam đang giống hệt Trung Quốc. Giả định thứ nhất dẫn tới đòi hỏi thoát Trung về chính trị, tức là đòi hỏi độc lập với Trung Quốc. Giải định thứ hai dẫn tới đòi hỏi thoát Trung về văn hóa, tức là đòi hỏi canh tân. Giả định thứ ba kéo hai vấn đề (Độc lập và Canh tân), vốn là hai vấn đề khác nhau về bản chất, trở thành hai mặt của một vấn đề: muốn thoát Trung thì phải canh tân; muốn canh tân thì phải thoát Trung.

Đặt vấn đề như vậy có đúng không? Hoặc quan trọng hơn: có xác đáng không? Xét về mặt tư tưởng cũng như tầm nhìn về tương quan sức mạnh quốc tế, nó có gì mới hơn so với những gì Fukuzawa Yukichi đã nói trong “thoát Á luận” cách đây hơn 100 năm không? Người Việt Nam thích lãng mạn, thích thơ, hịch. Từ hai tháng nay, trên các diễn đàn đã lan truyền đủ loại anh hùng ca cũng như những “luận thoát Tàu”, “luận thoát Khựa”. Dù tôn trọng lòng yêu nước chính đáng của các tác giả, tôi vẫn buộc phải nói rằng, những thơ, hịch, luận đó có giá trị thực tiễn thấp. Cùng lắm chúng chỉ giúp ta lâng lâng được vài giờ, để ta tạm quên đi cái hiện thực cay đắng của đất nước và hình dung Việt Nam sắp dắt tay Nhật, Hàn, Đài bay lên thiên đường và nhìn xuống anh hàng xóm Trung Quốc xấu xí bằng nửa con mắt. Thật tiếc, mơ mộng không phải kế sách. Hô hào mà thiếu suy tư nghiêm túc chỉ gây rối trí. Tệ nhất là nó khiến ta nhìn thực tế sai lệch, khiến ta dễ mắc những sai lầm không thể sửa chữa được.

 II. Bốn sai lầm phổ biến

Đầu tiên ta phải xác định rõ, thoát Trung theo hình dung cao nhất của giới trí thức Việt Nam là gì? Một quốc gia nằm trong vùng ảnh hưởng của Trung Quốc phải đạt được những thành tựu gì thì mới được coi là thoát Trung? Theo tôi hiểu, một quốc gia nằm trong vùng ảnh hưởng của Trung Quốc phải đạt được cùng lúc 3 tiêu chí sau đây thì được coi là thoát Trung thành công: (1) An toàn trước Trung Quốc, hoặc ít nhất là có đủ sức mạnh, dù đó là sức mạnh nội tại hay nhờ vào các quan hệ liên minh với những quốc gia khác, để sẵn sàng chống lại đe dọa quân sự từ Trung Quốc một cách rõ ràng; (2) Có mức độ phát triển cao hơn Trung Quốc, bao gồm trình độ quản trị quốc gia của giới lãnh đạo, dân trí và kinh tế; (3) Trên nhiều phương diện, trở thành tấm gương và hình mẫu cho Trung Quốc học tập. (Nếu thoát Trung về chính trị nhưng lại đi theo mô hình lạc hậu hơn Trung Quốc, khiến quốc gia nghèo đói hơn Trung Quốc, như Việt Nam thời Lê Duẩn 1976 – 1986, thì sớm muộn cũng sẽ rơi trở về quỹ đạo Trung Quốc mà thôi.) Dễ thấy, tất cả những nước thoát Trung thành công như trong hình dung của giới trí thức Việt Nam, bao gồm Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Singapore, đều đạt được tất cả những tiêu chí nói trên.

Vậy, nếu ta hiểu thoát Trung bao hàm những tiêu chí nói trên, thì cơ hội thoát Trung của Việt Nam hiện nay là như thế nào? Phải xác định mục tiêu và các bước đi ra sao thì mới hợp lý?

Song trước khi đi vào khảo sát các điều kiện thoát Trung của Việt Nam, tôi xin điểm qua bốn sai lầm mà giới trí thức nước nhà thường mắc phải sau đây:

Sai lầm thứ nhất: Nhìn vấn đề một cách phiến diện. Khi nêu ra những trường hợp thoát Trung thành công để làm gương như Nhật Bản, Hàn Quốc, các trí thức Việt Nam rất thích lờ đi những trường hợp thoát Trung thất bại. Thế nhưng, chỉ cần nhìn vào bản đồ Đông Á với Trung Quốc là cường quốc trung tâm, ta sẽ thấy một thực tế đáng kinh ngạc như sau: Trong số 14 quốc gia có đường biên giới trên bộ với Trung Quốc, không có một quốc gia nào, trừ Nga, thực sự thoát Trung thành công. Mông Cổ, Afghanistan, Kazakhstan, Kyrgyzstan, Tajikistan, Nepal, Bhutan, Myanmar, Ấn Độ, Lào, Bắc Triều Tiên, tất cả những quốc gia này tuy có các chế độ chính trị và văn hóa khác nhau, nhưng xét trên tổng thể, không có quốc gia nào phát triển hơn Trung Quốc, do đó đều ít nhiều lệ thuộc Trung Quốc. Tại sao? Dĩ nhiên, sẽ có rất nhiều câu trả lời, song tạm thời câu trả lời của tôi là: Khi va chạm với phương Tây, tất cả các quốc gia đều đối diện với sức ép phải cải cách theo mô hình phương Tây để sinh tồn, Trung Quốc cũng vậy. Nhưng so với các nước láng giềng có đường biên giới sát với mình, Trung Quốc là quốc gia có nền văn hóa chính trị cao nhất, gần với phương Tây nhất, vì vậy công cuộc cải cách của họ cũng đi xa nhất. Nga là ngoại lệ, bởi đơn giản Nga vốn đã là phương Tây rồi. (Nói đúng ra thì có một dân tộc duy nhất chia sẻ biên giới với Trung Quốc đã thoát Trung được một phần là Triều Tiên, nhưng họ cũng chỉ mới thoát được cái đuôi Hàn Quốc thôi, còn phần đầu CHDCND Triều Tiên vẫn gắn chặt với Trung Quốc và không biết bao giờ họ mới rút ra được.) Thực tế này có thể giúp ta rút ra nhận thức gì? Phải chăng tất cả các quốc gia, dân tộc kia đều kém cỏi? Sẽ là đúng đắn hơn khi câu trả lời là: Bạn rất khó thoát Trung khi bạn có đường biên giới trên bộ với Trung Quốc. Nếu thoát Trung được thì Việt Nam sẽ là quốc gia đầu tiên lập được kì tích này. Chính cái “đầu tiên” đó khiến Việt Nam, nếu muốn thoát Trung, phải có một tư duy sáng tạo khác thường, không thể cứ nhìn người ta rồi bắt chước, rập khuôn mà thành công được.

Sai lầm thứ hai: Hạ thấp Trung Quốc. Như trên đã nói, khi đặt ra vấn đề “thoát Trung”, các trí thức Việt Nam nghiễm nhiên chấp nhận mệnh đề do Nhật Bản đã vẽ ra hơn 100 năm trước kết hợp với những cliché hiện đại, rằng Trung Quốc là một cái gì đó cổ hủ, lạc hậu, tham lam, tàn bạo, ngu dốt, cố chấp, không thể cải tạo được. Bằng cách đó, người ta bỏ qua một số thực tế: Thứ nhất, chính Trung Quốc đã là quốc gia độc lập đầu tiên trên lục địa Đông Á làm nên cuộc cách mạng tư sản Tân Hợi năm 1911 và canh tân theo mô hình phương Tây (đa số các quốc gia khác bị phương Tây chiếm làm thuộc địa và mất quyền tự chủ. Một số quốc gia, trong đó có Ấn Độ, sau khi giành độc lập đã theo mô hình tổ chức chính trị phương Tây, đơn giản là kế thừa.); và thứ hai: Trong khi toàn đế chế xã hội chủ nghĩa trên lục địa Âu-Á, từ Đông Berlin – qua Mátxcơva – tới Hà Nội-Phnom Penh, còn chìm sâu trong đêm trường cộng sản cổ điển, thì từ năm 1978, Trung Quốc đã tự mình thoát ra bằng cuộc cải cách mở cửa, mà thực chất là cải cách hệ thống kinh tế (và cùng với nó là một phần đáng kể hệ thống luật pháp, quản trị và giáo dục) theo mô hình phương Tây. Cuộc cải cách đó đã khiến Trung Quốc có được tốc độ phát triển thần kì hơn 3 thập niên, trở thành nền kinh tế lớn thứ hai trên thế giới, một quốc gia có nền công nghiệp chế tạo hùng hậu và một nền nghiên cứu, sáng tạo đáng nể. Hai sự kiện kì vĩ đó mang lại cho chúng ta nhận thức gì? Ít nhất nó cũng cho thấy: chính Trung quốc cũng liên tục trong quá trình “tự thoát Trung ” mạnh mẽ bằng những cải cách theo phương Tây. Và nếu hiểu theo nghĩa đó thì theo tôi, trên nhiều phương diện, Trung Quốc còn “thoát Trung” một cách chủ động hơn, nhanh hơn và xa hơn Việt Nam.

Sai lầm thứ ba: Coi Việt Nam giống Trung Quốc. Quả thực, thoạt nhìn thì Việt Nam có vẻ giống Trung Quốc. Hai quốc gia này có sự tương đồng cao về văn hóa, có cùng chế độ chính trị do đảng cộng sản độc quyền lãnh đạo, độc quyền tư tưởng và dùng các biện pháp hà khắc để kiểm soát công luận, nhưng cho phép và khuyến khích kinh tế thị trường và đạt được những thành tựu phát triển đáng ghi nhận trong 3 thập kỉ qua. Tuy nhiên, nếu nhìn kĩ, hai quốc gia này có sự khác biệt đáng kể. Thứ nhất, xét về niềm tin vào lý tưởng xã hội chủ nghĩa. Trong quá khứ, giới lãnh đạo Việt Nam cũng như Trung Quốc từng có một niềm tin thực sự vào chủ nghĩa xã hội. Họ từng tin rằng chế độ xã hội chủ nghĩa ưu việt hơn chế độ dân chủ tự do phương Tây. Tuy nhiên theo thời gian, Trung Quốc đã thoát được tư duy xã hội chủ nghĩa sớm hơn. Tại sao Trung Quốc làm được như vậy? Bởi vì Trung Quốc không chỉ đơn giản là Trung Hoa lục địa. Thế giới Trung Hoa rộng hơn và đa dạng hơn thế. Đài Loan, Hongkong, Singapore là những “tiểu Trung Hoa” đã thoát ra, bứt lên, hòa vào thế giới tự do dân chủ và trở thành những ngọn đuốc soi đường cho Trung Hoa lục địa. Những “tiểu Trung Hoa” này cũng là những nguồn cung cấp tư bản, tri thức về quản trị, tri thức về khoa học và công nghệ dồi dào cho Trung Hoa lục địa, và, xét về khía cạnh tâm lý, chúng như những tấm gương để người Trung Hoa nhìn vào và nhận thấy: có những hiện thực Trung Hoa khác, tốt đẹp hơn và ưu việt hơn Trung Hoa lục địa, khiến người Trung Hoa lục địa tự đặt ra câu hỏi: Tại sao Trung Hoa lục địa không thể làm như vậy? Để tiếp quản Hongkong, Trung Quốc đã có sáng kiến “một quốc gia, hai chế độ”, một sáng kiến có tính đột phá, phản ánh tư duy và tầm nhìn rất xa của giới lãnh đạo nước này. Sáng kiến đó nói lên điều gì? Nó cho thấy, ít nhất là từ những năm 80, giới lãnh đạo cao cấp nhất của Trung Quốc đã không còn bất kì ảo tưởng nào vào mô hình xã hội chủ nghĩa theo học thuyết Marx-Lenin nữa. Họ hiểu rằng chủ nghĩa xã hội chỉ là chiếc áo rách mà họ chưa thể vứt đi ngay được, trong khi họ chưa kịp may xong chiếc áo mới. Còn giới lãnh đạo Việt Nam thì sao? Ông Lý Quang Diệu, nhà tư tưởng chính trị độc đáo nhất Đông Nam Á, sau thời gian dài quan sát sự phát triển của Việt Nam với nhiều cảm tình, đã phải chua chát đưa ra nhận xét rằng: thế hệ lãnh đạo cộng sản lớn tuổi của Việt Nam đã không thể phá vỡ tư duy xã hội chủ nghĩa một cách căn bản. Đổi mới của Việt Nam và cải cách của Trung Quốc thoáng nhìn có vẻ giống nhau, nhưng trong khi Trung Quốc duy trì được tốc độ phát triển cao nhờ liên tục có những cải cách ủng hộ thị trường thì Việt Nam vẫn bị giằng xé trong tư duy xã hội chủ nghĩa. Thứ hai, xét về ý thức và trải nghiệm dân chủ của người dân. Một xã hội tự do dân chủ không được xây dựng trên sự tùy tiện; ngược lại, nó được xây dựng trên ý thức đúng đắn của người dân về pháp luật. Người dân phải ý thức được các quyền cũng như bổn phận của mình, và họ phải có một niềm tin rằng trong khi họ thực hiện các quyền và bổn phận đó, họ cũng góp phần vào sự phát triển của quốc gia. Chỉ cần nhìn vào bộ mặt các đô thị, các điểm công cộng, ta sẽ không khó để nhận thấy ý thức về luật pháp cũng như trách nhiệm với cộng đồng và môi trường của người Trung Quốc, tuy không thể so được với người Nhật Bản hay người Hàn Quốc, vẫn cao hơn hẳn người Việt Nam. Như vậy ta có thể thấy, cả tư duy và tầm nhìn của giới lãnh đạo lẫn ý thức của người dân về quyền và trách nhiệm, ở Trung Quốc đều cao hơn ở Việt Nam. Chưa cần nói tới chất lượng thể chế, qui mô kinh tế, giáo dục đại học… – Việt Nam đều thua xa Trung Quốc – thì chỉ hai điểm đó thôi cũng buộc những người còn chút tư duy thực tế phải nghi ngờ vào khả năng Việt Nam sẽ đi trước Trung Quốc trên con đường tiến tới tự do dân chủ.

Sai lầm thứ tư: Đánh đồng các điều kiện canh tân/thoát Trung của Việt Nam so với các nước Đông Á thành công khác. Lập luận thường thấy của các học giả Việt Nam là: Nhật Bản, Hàn Quốc là những nước có cùng nền văn hóa với Việt Nam và cũng từng nghèo nàn, lạc hậu, yếu đuối như Việt Nam hiện nay, nhưng ở những thời điểm quyết định, họ đã may mắn có được một giới lãnh đạo sáng suốt nên đã canh tân/thoát Trung thành công, còn Việt Nam thì bất hạnh, bởi luôn luôn có một giới lãnh đạo mê muội nên đất nước mới lâm vào cảnh bi đát như vậy. Nói rằng giới lãnh đạo Việt Nam mê muội thì có thể đúng hoặc sai, nhưng ít thú vị, bởi nó chỉ dẫn ta tới bế tắc và không giải quyết được vấn đề gì cả. Điều đáng nói là ngay cả khi Việt Nam hiện nay có sinh ra vài nhà lãnh đạo sáng suốt (mà tôi tin là thời nào cũng có), thì họ cũng phải được ý thức rằng, họ đang đối diện với những thách thức vô cùng lớn, lớn hơn những thách thức của Nhật Bản, Hàn Quốc vào thời điểm những quốc gia này bắt đầu công cuộc canh tân/thoát Trung rất nhiều. Phần khảo sát dưới đây sẽ giải thích điều đó.

III. Khảo sát các điều kiện thoát Trung của Việt Nam

Để làm rõ điều kiện thoát Trung của Việt Nam, tôi xin phân tích, so sánh 10 yếu tố khác biệt giữa Việt Nam và ba nước Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan (những nước có diện tích và qui mô dân số có thể so sánh được với Việt Nam) trong tương quan với Trung Quốc tại những thời điểm ba quốc gia này bắt đầu công cuộc canh tân, thoát ra và vượt lên Trung Quốc như sau:

Yếu tố thứ nhất: Tương quan địa chính trị với Trung Quốc. Nhật Bản là quốc gia hải đảo, cách xa bờ biển Trung Quốc. Nó luôn độc lập và an toàn trước Trung Quốc. Trong lịch sử, Trung Quốc chưa bao giờ có thể can thiệp vào chính sự Nhật Bản. Như vậy, xét về tương quan địa chính trị thì Nhật Bản đã luôn thoát Trung rồi. Còn Đài Loan cách Trung Quốc một eo biển, mức độ an toàn của nó thấp hơn, nhưng dù sao nó vẫn tách rời khỏi Trung Quốc. Trung Quốc chỉ có thể tấn công Đài Loan bằng hải quân và không quân. Ở thời điểm thoát Trung những năm 1950, Đài Loan được Mỹ yểm trợ về quân sự, trong khi hải quân và không quân của Trung Quốc còn rất yếu. Nếu xảy ra giao tranh quân sự vào thời điểm đó, Trung Quốc rất khó thắng Đài Loan. Còn Hàn Quốc có địa hình bán đảo, vào thời điểm bắt đầu cuộc thoát Trung sau năm 1953, Hàn Quốc có quân đội Mỹ trấn giữ. Hai bên Mỹ-Hàn và Trung-Triều vừa trải qua một cuộc chiến tàn khốc và đã phân chia giới tuyến. Với địa hình bán đảo, phía bắc giáp Bắc Triều Tiên, mức độ an toàn của Hàn Quốc trước liên quân Trung-Triều thấp hơn hẳn Nhật Bản hay Đài Loan. Nhưng vào những năm 1950, hải quân và không quân của Trung-Triều còn kém, muốn tấn công Hàn Quốc, họ chỉ có thể trông vào lục quân. Do vậy, Hàn Quốc trên thực tế chỉ phải đối diện với nguy cơ cuộc chiến từ một hướng trên bộ. Còn tương quan Việt Nam/Trung Quốc ở thời điểm năm 2014 thì sao? Địa hình Việt Nam khiến nó luôn phải đối diện với nguy cơ cuộc chiến 3 mặt nếu xảy ra xung đột với Trung Quốc. Chưa nói tới không quân, Trung Quốc có thể tấn công Việt Nam trên bộ từ hướng Bắc, tấn công bằng tên lửa từ hướng Đông từ các căn cứ quân sự trên Hải Nam và Hoàng Sa, và tấn công hoặc quấy rối Việt Nam từ hướng Tây Nam qua „quân cờ“ Cambodia. Với vị trí địa lý như thế, và với tương quan quân sự Việt Nam/Trung Quốc hiện nay, mức độ an toàn của Việt Nam trước Trung Quốc là vô cùng thấp. Ngay cả khi Việt Nam có liên minh quân sự với Mỹ – một khả năng ít xảy ra, và cũng không nên xảy ra, như tôi sẽ khuyến nghị bên dưới – thì khả năng phòng thủ của Việt Nam trước Trung Quốc vẫn không thể nào so sánh được với Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan ở thời điểm những quốc gia này thoát Trung.

Yếu tố thứ hai: Tương quan về thời thế. Thời Nhật Bản thoát Trung hồi cuối thế kỉ 19, Trung Quốc đang ở thế đi xuống. Quốc gia này đang trên đà rơi vào sự khốn cùng. Thời Hàn Quốc và Đài Loan thoát Trung nhưng năm 1950, Trung Quốc đang chìm trong cơn ác mộng của chủ nghĩa Mao-ít. Suốt những thập kỉ mà Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan hóa rồng, hóa hổ thì Trung Quốc quá bận bịu với những vấn đề của chính nó, không có tâm trí và sức lực để nhìn ra bên ngoài. Còn thời Việt Nam thoát Trung năm 2014 thì sao? Trung Quốc là quốc gia đang đi lên, và nó chưa bao giờ đi lên với một quyết tâm và tốc độ ghê gớm như thế. Cùng với sự đi lên đó là mối quan tâm và tham vọng của nó hướng ra bên ngoài.

Yếu tố thứ ba: Tương quan về trình độ quản trị quốc gia so với Trung Quốc. Có nhiều tiêu chí đánh giá hệ thống quản trị quốc gia (governance) của một đất nước. Ở đây tôi chỉ xin nêu một tiêu chí quan trọng: khả tập hợp những ý kiến sáng suốt, đưa ra những quyết sách đúng đắn, thực thi và giám sát những quyết sách đó của bộ máy nhà nước. Do phạm vi bài viết, xin không đi vào chi tiết, chỉ đưa ra kết luận: Trình độ quản trị quốc gia của Nhật Bản thời Minh Trị cao hơn của Trung Quốc. Cũng tương tự là trường hợp Đài Loan, Hàn Quốc những năm 1950. Còn trình độ quản trị quốc gia của Việt Nam so với Trung Quốc tại thời điểm năm 2014 thì như thế nào? Trung Quốc chủ động cải cách, mở cửa từ năm 1978. Việt Nam bị động đổi mới muộn hơn 8 năm (từ 1986). Ở đây, cũng xin không đi vào chi tiết mà chỉ kết luận: Trình độ quản trị quốc gia của Việt Nam ở thời điểm hiện tại thấp hơn Trung Quốc.

Yếu tố thứ tư: Tương quan kinh tế, trình độ quản lý và sản xuất. Cũng xin không đi vào chi tiết mà kết luận ngay: Ở thời điểm các nước Nhật, Hàn, Đài thoát Trung, họ đều có nền kinh tế được tổ chức tốt hơn, trình độ quản lý và sản xuất tốt hơn. Còn ở thời điểm năm 2014, kinh tế Trung Quốc đã vượt quá xa Việt Nam, không thể so sánh được.

Yếu tố thứ năm: Tương quan về tầm nhìn của giới tinh hoa chính trị. Tôi cho rằng, ở thời điểm các nước Nhật, Hàn, Đài thoát Trung, họ có một giới tinh hoa chính trị có tư duy tự do, duy lý, thế tục, thực tiễn, trong khi giới lãnh đạo Trung Hoa ở những thời điểm đó vẫn bị giàng buộc trong tư duy thiên mệnh, mê tín, giáo điều hoặc không tưởng. Còn giới tinh hoa chính trị Việt Nam và Trung Quốc ở thời điểm năm 2014 thì sao? Như đã nói ở phần trước, tuy Trung Quốc hiện nay vẫn mắc kẹt trong hệ thống chính trị chuyên quyền, nhưng tôi cho rằng, ít nhất thì giới tinh hoa chính trị Trung Quốc đã không còn ảo tưởng xã hội chủ nghĩa, trong khi tôi không chắc chắn lắm về điều đó ở giới tinh hoa chính trị Việt Nam. Mà một khi đã kẹt trong ảo tưởng rồi, thì chỉ cần tư duy bình thường, lành mạnh thôi đã khó khăn lắm, nói chi đến tầm nhìn. Mong rằng tôi sai lầm ở điểm này.

Yếu tố thứ sáu: Động cơ thoát Trung. Nhật Bản khởi động thoát Trung vì, một mặt họ sợ bị phương Tây đô hộ, mặt khác họ tin rằng phương Tây ưu việt hơn và muốn hòa nhập vào thế giới ưu việt đó. Hàn Quốc, Đài Loan thoát Trung ở thời điểm họ đối đầu với Trung Quốc (vừa có chiến tranh với Trung Quốc), nên thoát kẻ thù là động cơ tự nhiên. Còn Việt Nam hiện nay thì sao? Giới lãnh đạo Việt Nam không những không tin mà còn nghi ngờ mô hình phương Tây, không coi nó là ưu việt hơn mô hình Trung Quốc (ít nhất về mặt chính thức là như vậy). Trung Quốc cũng chưa phải kẻ thù, mà là bạn thân của Việt Nam (16 chữ vàng, 4 tốt). Nói chung, có thể kết luận, động cơ thoát Trung của [giới lãnh đạo] Việt Nam hiện tại là thấp so với ba nước kia ở những thời điểm họ thoát Trung trong lịch sử.

Yếu tố thứ bảy: Tình cảm dẫn dắt quần chúng trong công cuộc thoát Trung: Chủ quan tôi cho rằng, tình cảm dẫn dắt dân chúng (nói đúng hơn là tình cảm được giới vận động chính trị vun vào và kích động quần chúng) trong công cuộc canh tân/thoát Trung ở Nhật Bản thời Minh Trị là lòng kiêu hãnh dân tộc; ở Hàn Quốc sau năm 1953 là khát vọng rửa nhục; ở Đài Loan là hy vọng phục quốc; còn ở Việt Nam hiện nay là lòng yêu nước. Liệu lòng yêu nước của người Việt có mãnh liệt hơn lòng kiêu hãnh dân tộc của người Nhật, khát vọng rửa nhục của người Hàn và hy vọng phục quốc của người Đài hay không? Ai có thể trả lời được?

Để giúp độc giả hình dung, tôi xin tổng kết 5 yếu tố trên đây trong một bảng so sánh:

Bảng so sánh những điều kiện thoát Trung giữa Việt Nam với Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan

 

Nhật Bản

Hàn Quốc

Đài Loan

Việt Nam

Thời điểm

Minh Trị, cuối thế kỉ 19

Sau chiến tranh Triều Tiên, 1953

Sau nội chiến Quốc-Cộng, 1949

2014, sau khi TQ đặt gian khoan ở Biển Đông

1)   Tương quan địa chính trị với TQ

An toàn

(có biển lớn ngăn cách)

Tương đối an toàn

(Có quân đội Mỹ canh giữ. Vì là bán đảo, nên Hàn Quốc chỉ phải đối đầu ở mặt trận phía Bắc.)

Tương đối an toàn

(Có biển ngăn cách, có Mỹ bảo vệ, không quân và hải quân TQ chưa đủ mạnh.)

Bị đe dọa thường trực

(Chưa kể bầu trời, VN luôn phải đối diện với nguy cơ chiến tranh 3 mặt với TQ:
– Từ phía Bắc: Do có hơn 1.000 km biên giới trên bộ với TQ.

– Từ phía Đông: Bờ biển bị đe dọa từ các căn cứ quân sự TQ tại Hải Nam, Hoàng Sa.

– Từ phía Tây: Cambodia và Lào không phải khi nào cũng là vùng đệm an toàn cho VN.)

 

2)   Tương quan về thời thế

Thế nước TQ đang đi xuống.

Trung Quốc chìm trong ác mộng Mao-ít.

Trung Quốc chìm trong ác mộng Mao-ít.

Trung Quốc đang đi lên và chưa bao giờ mạnh như hiện nay.

3)   Tương quan về trình độ quản trị quốc gia so với TQ

Cao hơn

(Trước đó, Nhật Bản đã có một lịch sử dài tiếp nhận tích cực những tinh hoa của TQ.)

 

 

Cao hơn

(Hàn Quốc thừa hưởng di sản công nghiệp của Nhật Bản thời thuộc địa. Thêm có Mỹ bảo trợ.)

Cao hơn

(Giới tinh hoa TQ đại lục chạy ra Đài Loan.)

Thấp hơn

– Đổi mới chậm hơn TQ (TQ 1978, Việt Nam 1986)

– Đổi mới do sức ép từ dưới lên chứ không phải do nhận thức của giới tinh hoa từ trên xuống, do vậy đổi mới của Việt Nam có tính manh mún, chắp vá, thụ động.

– Loay hoay trong mô hình nhà nước Lenin và hệ thống triết học sai lầm của Marx.

4)   Tương quan về trình độ phát triển kinh tế

Cao hơn

 

 

Cao hơn

(Thừa hưởng nên công nghiệp từ Nhật, sau đó có Mỹ bảo trợ.)

Cao hơn

(Giới kỹ nghệ, doanh nghiệp đại lục chạy ra Đài Loan.)

Kém hơn

(TQ đã có trình độ công nghệ và tổ chức sản xuất rất cao, trong khi VN còn ở mức thô sơ.)

5)   Tương quan về tầm nhìn của giới lãnh đạo

Cao hơn

(Giới lãnh đạo có tư duy tự do, thế tục, sáng suốt, có khả năng đưa ra những mục tiêu dài hạn, chín chắn và có tính khả thi.)

 Cao hơn

(Tương tự)

 Cao hơn

(Tương tự)

Thấp hơn

(Giới lãnh đạo có tư duy mê tín, giáo điều, tự trói buộc vào một hệ thống siêu hình sai lầm, thường đưa ra những mục tiêu không tưởng, mâu thuẫn, có độ tin cậy thấp.)

6)   Động cơ canh tân, thoát Trung, gia nhập phương Tây của giới cầm quyền

Cấp bách

(- Gia nhập thế giới phương Tây vì tin rằng phương Tây ưu việt hơn

– Tránh nguy cơ bị phương Tây xâm chiếm)

Tức thời

(- Thù hận sau chiến tranh

– Đang ở tình trạng có thể xảy ra chiến tranh với TQ

– Đối đầu về ý thức hệ)

Tức thời

(- Thù hận sau chiến tranh

– Đang ở tình trạng có thể xảy ra chiến tranh với TQ

– Đối đầu về ý thức hệ)

 

Chưa cấp bách

(- Chiến tranh 1979 giữa VN và TQ đã lùi xa

– VN và TQ chưa ở trạng thái chiến tranh (dù TQ đã chiếm đảo của VN trong quá khứ và hiện đang đe dọa VN)

– VN và TQ chưa đối đầu về ý thức hệ (thậm chí ngược lại)

– Giới lãnh đạo VN chưa tin mô hình phương Tây ưu việt hơn mô hình TQ (thậm chí ngược lại).

7)   Tình cảm dẫn dắt quần chúng trong cuộc canh tân, thoát Trung, gia nhập phương Tây

– Danh dự

(Tự coi mình là cao quí, không chịu thua kém, muốn vươn lên dẫn đầu)

– Rửa nhục
(Sau nửa thế kỉ nô lệ.)

– Phục quốc

(Thua trận, mất Đại lục về phe Cộng sản)

– Yêu nước

 

 

 

 

 

Kêt luận: Nhìn vào bảng so sánh các điều kiện ở trên, ta thấy rằng, ở những thời điểm canh tân, thoát Trung, gia nhập phương Tây, cả ba quốc gia Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan đều có những điều kiện thuận lợi rõ ràng hơn Việt Nam. Họ có vị thế địa lý có khả năng phòng thủ cao, gặp thời thế thuận lợi, có trình độ quản trị quốc gia tốt hơn, trình độ phát triển kinh tế cao hơn và tầm nhìn của giới lãnh đạo cũng xa hơn so với Trung Quốc. Còn Việt Nam ở thời điểm năm 2014 thì thế nào? Chúng ta không sở hữu bất kì yếu tố nào khả dĩ trội hơn Trung Quốc. Nhưng chúng ta tin rằng chúng ta sẽ thoát Trung. Tại sao? Vì chúng ta tin rằng chúng ta sở hữu một bảo bối, một bảo bối thần thánh, chỉ duy nhất chúng ta có, vượt trội hơn mọi sức mạnh của đối thủ, đó là: lòng yêu nước. Chúng ta sẽ đi về đâu?

Vài suy tư cá nhân

Những phân tích trên đây của tôi có thể là sơ sài và sai lầm, tôi mong được nghe những ý kiến phản biện. Kết quả phân tích cho thấy một bức tranh ảm đạm, tôi xin lỗi nếu nó làm nhiều người mất hứng. Dù vậy, tôi không bao giờ chủ trương tinh thần bi quan hay thúc thủ. Ngược tại, tôi cho rằng, ngay cả trong hoàn cảnh bi đát nhất, người ta vẫn có thể và cần phải tìm thấy hướng đi dựa trên những phân tích tỉnh táo về chính hoàn cảnh của mình.

Phân tích cho thấy, hoàn cảnh Việt Nam khác xa Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, vì vậy, công cuộc thoát Trung của Việt Nam – nếu ta muốn thực hiện nó một cách nghiêm túc – cũng phải được xây dựng trên những tiền đề khác, với những chiến lược khác và kế sách khác.

Hoàn cảnh buộc chúng ta phải tư duy khác. Chúng ta phải từ bỏ những lối mòn, những giấc mộng xưa cũ, viển vông. Chúng ta phải tìm đến những hoàn cảnh, hình mẫu và giải pháp khác, sát thực hơn với hoàn cảnh của chúng ta.

Tôi không phải là chuyên gia về kinh tế, nên xin dành vấn đề “thoát Trung về kinh tế” cho những người có thẩm quyền.

Về văn hóa, tôi cho rằng những tranh luận về phương Đông – phương Tây, chủ toàn – chủ biệt, văn hóa du mục – văn hóa nông nghiệp, văn hóa Trung Hoa – văn hóa Ấn Độ v.v…. tuy thú vị, nhưng mòn, cũ, ít có khả năng đưa ra kế sách mới trong câu hỏi cụ thể “Làm thế nào để thoát Trung?”. Tôi cho rằng, không nên nhấn mạnh câu hỏi thoát Trung về văn hóa, vì nó vừa vô ích, vừa không cần thiết. Việt Nam nằm trong vùng ảnh hưởng của văn hóa Trung Hoa và chúng ta không cần xấu hổ về sự thật đó. Nhưng Việt Nam vẫn là Việt Nam, sự thật đó cũng hiển nhiên như sự thật rằng các nước châu Âu đều nằm trong vùng ảnh hưởng của văn hóa Hy Lạp–La Mã–Do Thái, nhưng mỗi nước vẫn có nét riêng vậy. Chúng ta cũng không cần quá bài bác Nho giáo. Sự thành công của Hàn Quốc, Đài Loan, Singapore là những ví dụ cho thấy, những giá trị về trách nhiệm và bổn phận trong đạo đức Nho giáo, nếu được diễn giải một cách công tâm, không những không mâu thuẫn mà còn có thể tương hợp với những giá trị về tự do phương Tây tốt như thế nào. Cái văn hóa mà chúng ta cần thoát là văn hóa xã hội chủ nghĩa. Mà vấn đề này thì ở Việt Nam và Trung Quốc đều giống nhau.

Ở đây tôi chỉ xin trình bày một số suy tư về chính trị và ngoại giao.

Về cả hai lĩnh vực này, như tôi đã viết ở trên, nhìn về dài hạn, với vai trò là một nước nhỏ bên cạnh Trung Quốc, Việt Nam chỉ thực sự thoát Trung khi nó có khả năng sáng tạo, thiết kế mô hình và đưa ra những luật chơi khiến Trung Quốc phải tôn trọng (hoặc du nhập). Đấy là điều mà những nước nhỏ khác như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan đã làm được, khi họ trở thành những tấm gương khiến Trung Quốc phải tôn trọng và học tập. Hoàn cảnh Việt Nam không giống những nước nói trên, nên Việt Nam không thể bắt chước cách thức của họ, nhưng Việt Nam vẫn phải đặt ra mục tiêu cao như họ dựa trên hoàn cảnh đặc thù của mình. Để làm được điều này, Việt Nam cần nghiên cứu chiến lược phát triển của những quốc gia có vị thế địa-chính trị tương tự như Việt Nam ở những hoàn cảnh mà họ đã từng phải xử lý những vấn đề giống Việt Nam, kể cả những ví dụ thành công lẫn thất bại. Tôi muốn nói đến những nước Thụy Sĩ (trong tương quan với Đức), Bỉ (trong tương quan với Pháp), Đức (trong tương quan với Tây Âu và Nga), Ba Lan (trong tương quan với Nga, Đức), Phần Lan, Ukraine (trong tương quan với Nga), Singapore (trong tương quan với Malaysia), Myanmar (trong tương quan với Trung Quốc). Nghĩa là tất cả những quốc gia có vị thế địa-chính trị kiểu vùng đệm, cầu nối như Việt Nam, những vị thế bất lợi trong phòng thủ nhưng lại cũng có thể trở nên hết sức thuận lợi về giao thương nếu kiến thiết được luật chơi trong hòa bình.

Về chính trị

Cả Việt Nam và Trung Quốc hiện nay đều gặp một vấn đề, đó là thể chế chính trị. Dù ai có cố tình ngụy biện thế nào đi chăng nữa, thì sự thật vẫn là: Thể chế chính trị hiện nay ở Việt Nam và Trung Quốc không tương thích với nhu cầu về tự do và dân chủ của người dân, không đảm bảo cho người dân các quyền được nghĩ, nói và hành động theo lương tâm và trách nhiệm, dẫn tới cản trở năng lực và làm suy thoái đạo đức cộng đồng. Đây là vấn đề, nhưng cũng là cơ hội. Việt Nam có thể thoát Trung khi nó dám sáng tạo, tìm đường để chuyển từ một chế độ theo mô hình Lenin sang mô hình dân chủ tự do. Nếu Việt Nam làm được thế mà thành công, chắc chắn nó sẽ được Trung Quốc nể trọng, dù họ có nói ra hay không. Xét trên phương diện này, không hẳn Việt Nam không có những lợi thế. Dưới mắt các học giả Trung Quốc, nền chính trị Việt Nam không hẳn không có những điểm tiến bộ về dân chủ đáng tham khảo, ví dụ: BCHTW Đảng CS có thể ra quyết định độc lập với Bộ Chính trị; Địa phương được quyền bầu cử trực tiếp các đại biểu quốc hội với số lượng ứng viên khá lớn; Truyền hình trực tiếp các cuộc chất vấn các thành viên Chính phủ tại Quốc hội v.v…

Có quan điểm lo ngại rằng, nếu Việt Nam chuyển sang chế độ dân chủ trong khi Trung Quốc vẫn giữ mô hình toàn trị thì sẽ nguy hiểm, vì giới lãnh đạo Trung Quốc, do e ngại không kiểm soát được những ảnh hưởng từ Việt Nam, có thể tìm cách can thiệp, thậm chí là tấn công Việt Nam để kéo Việt Nam trở về quỹ đạo của mình. Khi đó hiểm họa sẽ khôn lường. Đúng, đó là một nỗi lo ngại có cơ sở. Trung Quốc hiển nhiên không muốn Việt Nam đi trước mình, càng không muốn Việt Nam đi theo mô hình khác mình. Chính vì lo ngại (có cơ sở) như vậy, nên để an toàn, Việt Nam nên đi sau Trung Quốc. Trung Quốc đằng nào cũng đã phát triển trước Việt Nam và đi xa hơn Việt Nam, nên Việt Nam đi sau thì cũng là bình thường. Thay vì phải khổ công mở đường (mà chắc gì đã thành công?), sao không để họ đi trước, mình đi sau, vừa an toàn, vừa chắc ăn, chẳng phải là vừa khôn ngoan, vừa đỡ phí sức hơn ư? Theo cảm nhận chủ quan của tôi, đây có lẽ là tư tưởng của số đông đảng viên Đảng Cộng sản và người dân Việt Nam hiện nay. Vâng, tôi thừa nhận, đó cũng là một con đường, mà chưa chắc đã là con đường xấu. Cứ để Trung Quốc chuyển đổi chế độ trước, rồi Việt Nam đi theo sau. Câu hỏi đặt ra là: Nếu đi theo cách này, Việt Nam nên làm gì để đạt lợi thế lớn nhất? Theo tôi, ngay cả khi có chủ trương đi sau Trung Quốc về mô hình chính trị cho an toàn, Việt Nam vẫn phải chủ động chuẩn bị trước tất cả những bước cần thiết để xây dựng chế độ dân chủ. Dù tạm thời chấp nhận cơ chế một đảng, Việt Nam vẫn hoàn toàn có thể tiến hành những bước cải cách về tổ chức Đảng Cộng sản (để biến nó thành một đảng hoạt động theo tinh thần dân chủ) cũng như những cải cách về thể chế, luật pháp, giáo dục, báo chí… phù hợp với các chuẩn mực quốc tế. Nếu theo cách này mà làm tốt, thì về hình thức, tuy Việt Nam chuyển đổi chế độ sau Trung Quốc, nhưng Việt Nam lại vẫn có thể tiến trước Trung Quốc về dân chủ. Bởi vì rốt cuộc, không phải nước nào cứ tuyên bố thay đổi chế độ chính trị là sẽ có ngay nền dân chủ hoạt động được. Con đường đi tới dân chủ rất gian nan, nhà lãnh đạo chính trị tài giỏi là người vừa phải có tầm nhìn, vừa phải có quyết tâm, nhưng cũng phải lường trước được những rủi ro.

Quan điểm khác cho rằng, Việt Nam nên chủ động và dứt khoát đi trước Trung Quốc trong việc chuyển đổi mô hình chính trị. Quan điểm này cho rằng, chỉ bằng cách đó Việt Nam mới sớm tranh thủ được sự ủng hộ của Mỹ trong việc bảo vệ chủ quyền (đặc biệt trong trường hợp Việt Nam bị Trung Quốc tấn công). Mặt khác, đó cũng là cách để Việt Nam có một thể chế tốt hơn, minh bạch hơn, hiệu quả hơn, giúp Việt Nam phát triển kinh tế nhanh hơn, nhờ đó Việt Nam có cơ hội sớm đuổi kịp hoặc vượt lên Trung Quốc. Và suy cho cùng thì người dân Việt Nam đã chịu đựng tình trạng mất dân chủ quá lâu rồi, tại sao phải quan tâm tới Trung Quốc thế nào, Việt Nam cứ chủ động mà đi con đường của mình không được ư? Chúng ta hãy nghiêm túc phân tích quan điểm này. Thứ nhất, xét về sự ủng của Mỹ trong trường hợp Việt Nam có xung đột với Trung Quốc. Tôi cho rằng, đây trước hết không phải câu hỏi của thể chế chính trị, mà là câu hỏi của lợi ích. Việt Nam có chế độ chính trị độc đảng hay đa đảng không quá quan trọng, vấn đề là những cam kết về lợi ích của giới lãnh đạo. Thứ hai, đúng là nếu Việt Nam càng sớm có những bước đi đúng đắn để chuyển đổi chế độ trong hòa bình, thì Việt Nam càng sớm có cơ hội phát triển cao; nhưng, với sự thiếu nhất quán trong nội bộ và sự phá hoại của Trung Quốc (mà ta không thể không tính đến), thì bước đi này luôn tiềm ẩn rủi ro cao, không dễ lượng định. Thứ ba, về việc người dân Việt Nam xứng đáng được hưởng dân chủ. Ai nỡ phản đối? Nhưng vẫn là câu hỏi: Với lộ trình như thế nào? Ở đây tôi chỉ xin lưu ý những quốc gia thất bại, do chuyển đổi thiếu chuẩn bị, hoặc do bị phá hoại từ bên ngoài, để rồi rốt cuộc vừa phải trả giá đắt, vừa không có dân chủ. Việt Nam có khả năng đi con đường này không? Theo tôi là có, với một số điều kiện. Thứ nhất, vì con đường này tiềm ẩn rủi ro cao, nên Việt Nam chỉ có thể đi thành công, nếu nó có nhà lãnh đạo đủ uy tín với mội nội bộ tương đối đồng thuận. Thứ hai, ngay cả khi đó, giới lãnh đạo Việt Nam cũng nên đi một bước “gảy mã” để an lòng Trung Quốc. Việt Nam nên tìm tới Singapore và đặt vấn đề Singapore tư vấn cho Việt Nam chuyển đổi mô hình chính trị. Singapore là thủ đô của khối ASEAN hiện nay, và giới lãnh đạo Singapore là bậc thầy trong nghệ thuật cân bằng lợi ích giữa Mỹ và Trung Quốc. Nhờ một nước nhỏ như Singapore, vốn có quan hệ tốt với Trung Quốc, chính thức chống lưng trong cuộc chuyển đổi chính trị thì sẽ an toàn hơn là Mỹ hoặc Nhật. Lâu nay giới trí thức và lãnh đạo Việt Nam thường quen nghĩ tới chuyện dựa vào nước lớn chống nước lớn. Nay nên đổi lại tư duy, dựa vào nước nhỏ mà thiết lập luật chơi. Bỉ, Thụy Sĩ, Singapore là những tấm gương để Việt Nam học tập.

Quan điểm nào là đúng? Tôi cho rằng, các nhà cải cách chính trị Việt Nam hiện nay vẫn ở giai đoạn “dò đá qua sông”, đi trên lằn ranh giữa hai con đường, xem thời thế mà ngả sang bên này hay bên kia. Phần mình, tôi ủng hộ con đường thứ hai và mong Việt Nam sẽ xuất hiện những nhà lãnh đạo đủ đức độ, tài trí để dẫn dắt dân tộc đi trên con đường đó.

Về ngoại giao

Dù Việt Nam muốn thoát Trung theo hướng nào và theo lộ trình nào (hướng nào và lộ trình nào cũng đòi hỏi những nỗ lực và sáng tạo vượt bậc), thì theo tôi, về ngoại giao, Việt Nam không được phạm hai sai lầm chết người sau:

Sai lầm thứ nhất: Phá thế cân bằng chiến lược: Hiện nay cục diện thế giới đang hình thành trục Nga-Trung, xung đột lợi ích với phương Tây; còn Trung Quốc có xung đột với Nhật Bản và có tham vọng bá chủ trên Biển Đông. Việt Nam nằm ở mắt xích nhạy cảm nhất, tuy có xung đột trực tiếp với Trung Quốc, nhưng Việt Nam không đứng về phe nào. Theo tôi, Việt Nam nên nhất quán và tiếp tục duy trì chiến lược ngoại giao này. Điều kiện đầu tiên để giữ hòa bình với Trung Quốc là Việt Nam không được phép trở thành mối đe dọa với Trung Quốc. Dĩ nhiên, tự bản thân Việt Nam thì sẽ không bao giờ là mối đe dọa với Trung Quốc, nhưng nếu Việt Nam trở thành đồng minh của Mỹ (như từng là đồng minh của Nga) thì tình hình sẽ khác. Mặt khác, ngay cả khi trở thành đồng minh của Mỹ, thì vị thế địa-chính trị của Việt Nam cũng không giúp Việt Nam cải thiện được tình hình (Việt Nam không có vị thế địa lý như Nhật Bản, Hàn Quốc!). Bài học chiến tranh Việt Nam cần phải được nghiên cứu kĩ. VNCH từng là đồng minh của Mỹ, nhưng sức mạnh của Quân lực VNCH do Mỹ yểm trợ rốt cuộc đã không thể chọi lại được địa lợi của khối Nga-Trung-VNDCCH. Tại sao? Nếu VNCH cũng có vị thế bán đảo như Hàn Quốc trong cuộc đối đầu với CHDCND Triều Tiên thì Quân đội VNDCCH dù có ý chí cao đến đâu cũng khó xuyên thủng được tuyến phòng vệ sông Bến Hải. Chỉ cần Mỹ dùng không quân yểm trợ, còn Quân lực VNCH dàn xe tăng, bộ binh dọc vùng phi quân sự, thì Quân đội VNDCCH không có cách gì vượt qua. Nhưng vị thế địa lý của Việt Nam đã cho phép VNDCCH mở đường tấn công qua Lào và Cambodia, thọc ngang vào nách đối phương. Giờ đây, nước Việt Nam thống nhất trong cuộc đối đầu giả định với Trung Quốc cũng phải tính đến tình huống tương tự: Tình huống Trung Quốc quấy rối qua ngả Lào, Cambodia. Ngay cả khi Việt Nam loại trừ được khả năng đó thì chỉ cần phải đối đầu với Trung Quốc trên tuyến biên giới phía Bắc và những đe dọa từ Hải Nam, Hoàng Sa thôi đã đủ rắc rối rồi. Trở thành đồng minh của Mỹ không những không giải quyết được vấn đề, mà chỉ gánh lấy rủi ro. Dĩ nhiên, Việt Nam nên hướng tới quan hệ toàn diện hoặc quan hệ chiến lược với Mỹ, mua vũ khí và nhờ Mỹ giúp củng cố năng lực phòng thủ, song mỗi bước đi đều phải đi kèm với bước xoa dịu Trung Quốc. Mục đích là để cho Trung Quốc thấy, Việt Nam không nguy hiểm với Trung Quốc, nhưng Trung Quốc không dễ tấn công Việt Nam.

Dĩ nhiên, chiến lược này cũng có rủi ro nhỏ. Đó là nếu Trung Quốc tấn công toàn diện Việt Nam thì Việt Nam sẽ khó chống đỡ. Song xác xuất này rất khó xảy ra, bởi câu hỏi đặt ra là: Trung Quốc làm thế để làm gì? So với rủi ro này thì việc trở thành đồng minh của Mỹ có độ rủi ro cao hơn hẳn.

Sai lầm thứ hai: Chủ quan với Cambodia: Việt Nam cần xét duyệt lại chính sách ngoại giao với Cambodia. Việt Nam cần tỉnh táo. Cambodia đang thay đổi rất nhanh. Việt Nam rất khó và không nên theo đuổi chính sách ngoại giao kiểu cũ với Cambodia. Thế hệ trẻ ở Cambodia hiện nay đã rất khác. Việt Nam cần tính đến khả năng phe Hun-xen khó cầm quyền vĩnh viễn. Nếu Việt Nam muốn thiết kế mối quan hệ song phương, bình đẳng với Trung Quốc thì hãy bắt đầu ngay với việc thiết kế mối quan hệ mẫu mực giữa Việt Nam và Cambodia theo các tiêu chuẩn hiện đại. Nếu Việt Nam lại để Cambodia trở thành vấn đề thì VN sẽ khó tránh khỏi sai lầm lịch sử đã mắc phải. Trong quan hệ với Cambodia, Việt Nam lúc này cần phải dốc sức, phải có sáng tạo, đột phá, không được để tình hình trở nên tồi tệ.

Comments are closed.