40 năm thơ hải ngoại (22)

Phạm Cao Hoàng 

 

 

Phác thảo chân dung Phạm Cao Hoàng

Đinh Cường  (2012)

 

clip_image002[4]

 

 

Tiểu sử:

 

Sinh năm 1949 tại Tuy Hòa, Phú Yên.

Trước và sau 1975 dạy học  (ở các tỉnh Bình Thuận, Phú Yên, Lâm Đồng).

Định cư ở Mỹ từ cuối năm 1999.

Hiện sống cùng vợ và ba cô con gái tại Virginia.

 

 

 

TÁC PHẨM ĐÃ XUẤT BẢN:

 

 

ĐỜI NHƯ MỘT KHÚC NHẠC BUỒN  (Tập thơ, NXB Đồng Dao, Sài Gòn 1972)

TẠ ƠN NHỮNG GIỌT SƯƠNG (Tập thơ, NXB Đồng Dao, Sài Gòn 1974)

MÂY KHÓI QUÊ NHÀ (Tuyển tập thơ, NXB Thư Ấn Quán, Hoa Kỳ 2010)

MƠ CÙNG TÔI GIẤC MƠ ĐÀ LẠT (Truyện & Tạp bút, NXB Thư Ấn Quán, Hoa Kỳ 2013)

ĐẤT CÒN THƠM MÃI MÙI HƯƠNG (Tập thơ, NXB Thư Ấn Quán, Hoa Kỳ 2015)

 

 

Phạm Cao Hoàng đã viết trước năm 1975. Ra hải ngoại anh lại tiếp tục. Thơ anh hồn hậu, giọng trầm ấm, như một lời tâm sự nhẹ nhàng mà sâu lắng. Phạm Cao Hoàng không có những thay đổi lớn về ngôn ngữ, nhưng trong một hình thức không quá mới, cũng không quá cổ điển, anh di chuyển dễ dàng giữa các đề tài, giữa quá khứ và hiện tại, một điều không phải ai cũng làm được. Sức tưởng tượng của anh được bộc lộ trong những bài viết gần đây, bởi cảnh vật và tình cảm từ quê hương mới, nơi anh định cư, có nỗi hạnh phúc và sự cay đắng được giấu kỹ. Những mối liên kết trong anh dày đặc nhưng không phải vì vậy mà bền vững. Sự cởi mở, khoáng đạt, sự nhạy cảm, tinh tế làm nên sức mạnh của ngôn ngữ Phạm Cao Hoàng. Mặc dù hầu hết các bài thơ đều có yếu tố tự sự, thơ anh không phải là một bản ghi chép có tính nhật ký, mà là sự thăng hoa từ đời sống, sự thần thoại hóa. Chúng ta mong anh có những sáng tác dồi dào, với những biến đổi về ngôn ngữ, trong khi vẫn hy vọng rằng giọng nói đầy tâm sự, ít tranh cãi, ít hài hước, lúc nào cũng có mặt.

Văn Việt trân trọng giới thiệu.

 

 

 

THỨC CÙNG EM ĐÊM NAY

 

 

thức cùng em hết đêm nay

chia nhau hơi ấm chờ mai lên đường

là khi mình xa quê hương

ra đi cùng với nỗi buồn Việt Nam

là khi chia tay Langbiang

chia tay những đám mây bàng bạc trôi

là khi từ biệt núi đồi

những con đường của một thời thanh xuân

là khi mắt lệ tần ngần

đứng bên con dốc Nhà Làng ngẩn ngơ

là khi sương đẫm mặt hồ

nơi còn dấu vết bài thơ ban đầu

là khi chân bước qua cầu

mắt còn nhìn lại phía sau quê nhà

là khi mình sẽ đi xa

sẽ phiêu giạt mãi như là mây bay

thức cùng em hết đêm nay

chia tay Đà Lạt rồi mai lên đường

 

Đà Lạt, 1999

 

 

 

KHI DỪNG LẠI BÊN DÒNG POTOMAC

 

khi dừng lại bên dòng Potomac

em  bên tôi vẫn rất dịu dàng

gió lồng lộng cả một trời đông bắc

tóc em bay trong nắng thu vàng

 

và như thế mình đi và đã đến

mình đã tìm và gặp được dòng sông

tôi ngồi xuống để nghe sông hát

và đứng lên ôm lấy mặt trời hồng

 

và như thế mình đi và đã đến

đã bên nhau thủy tận sơn cùng

tôi nằm xuống để nghe đất thở

tạ ơn đời độ lượng bao dung

 

khi dừng lại bên dòng Potomac

tôi và em nhìn lại quê nhà

buồn hiu hắt thương về chốn cũ

phía chân trời đã mịt mù xa

 

Virginia, 2005

 

 

 

DÙ SAO VẪN CÁM ƠN ĐỜI

 

tặng anh Trần Hoài Thư
 

dù sao vẫn cám ơn đời

cỏ cây và gió mặt trời và hoa

cám ơn những đám mây xa

đang bay về phía quê nhà chiều nay

cám ơn những sớm heo may

lạnh se sắt lạnh bên này đại dương

cám ơn giọt nắng vô thường

lung linh ở cuối con đường khổ đau

 

mười năm nước chảy qua cầu

chuyện về đất nước là câu chuyện buồn

mười năm sống kiếp tha phương

thân nơi biển bắc mà hồn biển đông

mười năm thương ruộng nhớ đồng

lòng còn ở lại sao không quay về
mười
năm nhớ đất thương quê

bước đi một bước nặng nề đôi chân

mười năm một thoáng phù vân

tiếng chim vườn cũ mùa trăng quê người

 

dù sao vẫn cám ơn đời

biển xanh và sóng núi đồi và em

cám ơn những sáng êm đềm

khói cà phê quyện bên hiên nhà mình

đứng bên bờ vực tử sinh

vẫn nghe em hát bản tình ca xưa

 

mười năm như một giấc mơ

 

Virginia,  2009

 

 

 

BÂY GIỜ

 

bây giờ nhớ núi nhớ rừng

nhớ sông nhớ biển nhớ trăng quê nhà

thương em ngày nắng Tuy Hòa

chiều mưa Đức Trọng, sáng Đà Lạt sương

thương em và những con đường

một thời tôi đã cùng em đi về

 

bây giờ lạ đất lạ quê

bước chân phiêu bạc biết về nơi đâu (*)

thương em nắng dãi mưa dầu

đau cùng tôi với nỗi đau riêng mình

chia cùng tôi một chút tình

của ngàn năm trước và nghìn năm sau

 

về đâu chẳng biết về đâu

thôi thì về lại buổi đầu gặp em

dòng sông xưa ấy êm đềm

mùa thu năm ấy bên thềm lá bay

bàn tay nắm chặt bàn tay

dìu nhau qua những tháng ngày gian nan

 

bây giờ ngồi nhớ Việt Nam

bên trời tuyết lạnh hai hàng lệ rơi

 

Virginia,  2009

 

(*) PHIÊU BẠC [飄泊]

 

 

 

 

ĐÃ QUA RỒI MỘT MÙA ĐÔNG


hôm em ở bệnh viện về

cụm hoa trước ngõ cũng vừa ra bông

đã qua rồi một mùa đông

và qua rồi những ngày không tiếng cười

em đi xe lăn mà vui

lăn đi em nhé cho đời bớt đau

tôi đưa em ra vườn sau

để nhìn lại mấy luống rau em trồng

hái tặng em một đóa hồng

và chia nhau nỗi long đong xứ người

em đi xe lăn mà vui

lăn đi em nhé cho vơi nỗi buồn

đưa em về phía con đường

có con sóc nhỏ vẫn thường chào em

hát em nghe bài Je t’aime

kể em nghe lại chuyện tình Cúc Hoa

em đi xe lăn về nhà

mùa xuân nhè nhẹ bước qua bậc thềm

 

Virginia, 2012

 

 

 

MƯỜI BA NĂM – QUI CỐ HƯƠNG

 

 

ngủ đi em, đêm khuya rồi

sớm mai thức dậy cùng tôi lên đường

mười ba năm – quy cố hương

có đi biền biệt vẫn thương quê nhà

vẫn thương dưa mắm tương cà

thương con cò trắng bay qua cánh đồng

vẫn mơ về một dòng sông

nơi cha thương mẹ nơi ông thương bà

vẫn mơ về đất và hoa

nơi tôi đã gặp em và thương em

những ngày những tháng êm đềm

em trao tôi cả trái tim thật thà

ngủ đi em, đêm đã khuya

sớm mai thức dậy mình về Việt Nam

 

Virginia, 2012

 

 

 

ĐI CÙNG EM

GIỮA ĐÀ LẠT SƯƠNG MÙ

 

rồi có lúc trở về chốn cũ

đi cùng em giữa Đà Lạt sương mù

hát cùng em bài tình ca thuở ấy

tìm lại dấu chân mình trên những lối đi xưa

 

tìm lại mùi hương bên chiều Thủy Tạ

theo em về những hò hẹn ngày mưa

và thương nhớ một thời tuổi trẻ

chỉ có hoa hồng và chỉ có mộng mơ


tìm lại giọt sương trên đồi buổi sớm

bước cùng em trên ngọn cỏ hồng

và thương nhớ một thời lãng mạn

chỉ có tình yêu bát ngát mênh mông


rồi có lúc trở về chốn cũ

đi cùng em giữa Đà Lạt sương mù

quên đi một đoạn đời lận đận

quên đi những ngày khốn khó gian nan

 

Đà Lạt, 17.1. 2012

 

 

 

CHIA TAY ĐÀ LẠT

 

và tôi lại chia tay Đà Lạt

trở lại quê người với những cơn bão tuyết mùa đông

tôi mang theo nỗi buồn xa xứ

và nỗi hoài hương nặng trĩu trong lòng

tôi lại thấy bóng tôi  bên dòng Potomac

bên bờ Đại Tây Dương nghe quê hương réo gọi trái tim mình

đi không phải là đi biệt xứ

thương quê nhà còn lại phía sau lưng

lại cùng em lang thang bên hồ Thạch Thảo

nói với em về một đoạn đời buồn

nói với em về những dòng sông lưu lạc

trôi về đâu rồi cũng muốn trở về nguồn


và tôi lại chia tay Đà Lạt

chia tay những con đường in dấu chân xưa

chia tay rừng thông và cỏ cây sương khói

chia tay mây trời và gió núi Langbiang

mong bình yên đến với Kim Huê (*)

và những người ở lại

mong một ngày về…

dù chưa biết khi nào…

 

Đà Lạt,  27.1. 2012

 

(*) Kim Huê, nhân vật  trong truyện Về Chốn Cũ

 

 

 

ƯỚC MƠ CỦA NGƯỜI HỌA SĨ

 

tặng anh Đinh Cường

chàng ngã xuống

vào một đêm mùa đông ở miền đông bắc

sau những tháng năm miệt mài vẽ

vẽ chân dung những người chàng yêu quí

vẽ những kỷ niệm

ở Huế,

ở Đơn Dương,

ở Lạc Lâm,

ở Đà Lạt

vẽ tiếng kèn trong gió xoáy

vẽ cành cây chảy máu trong mùa đông

vẽ người ngồi trên chiếc ghế cũ

vẽ mùa thu chết

vẽ những tấm lòng

độ lượng

bao dung

 

chàng ngã xuống

sau khi đã đi nửa vòng trái đất

và dừng chân bên khu rừng Burke

nghe tiếng chim hót buổi sáng

nghe tiếng lá xào xạc buổi chiều

những ngày mưa hiu hắt

những ngày bão tuyết hoang mang

trong garage

đằng sau giá vẽ

chàng lặng lẽ

vẽ chân dung mình

và nỗi nhớ quê hương

 

chàng bất ngờ ngã xuống

vào một đêm rất lạnh ở miền đông bắc

trực thăng cấp cứu đưa chàng chuyển viện

phải cứu lấy người họa sĩ này

phải cứu lấy những bức tranh còn dang dở

bạn bè âu lo

người thân khắc khoải

khi tỉnh lại

trong hơi thở mệt nhọc

chàng nói về một ước mơ:

mong sao sớm trở lại với giá vẽ

 

Virginia, 14.1.2013

 

Ghi chú: chữ in nghiêng là tên

một số bức tranh của họa sĩ Đinh Cường

 

 

 

NGÀY TÔI TRỞ LẠI MIỀN ĐÔNG

 

ngày tôi trở lại miền đông

tôi mang theo một nụ hồng cao nguyên
 

vẫn là tôi, vẫn là em

vẫn khu vườn cũ, vẫn thềm nhà xưa

đi cùng tôi nhé, Cúc Hoa

trên con đường mịt mù mưa xứ người

và xin cảm tạ đất trời

đã cho em lại nụ cười hồn nhiên

đi cùng tôi, giọt sương đêm

nhẹ nhàng như nhạc và hiền như thơ

mơ cùng tôi nhé, Cúc Hoa

giấc mơ Đà Lạt thời chưa biết buồn
 

vẫn là tôi, vẫn là em

vẫn khu rừng lạnh tiếng chim gọi đàn

vẫn là mây trắng ngàn năm

 

Virginia, 17.3. 2013

 

 

 

CHIA TAY NGỰA Ô

 

 

lại nhé, Ngựa ô thương mến (1)

tôi sẽ đi và sẽ nhớ nơi này

nơi bạn bè tôi một thời ấm áp

chia cùng nhau nỗi buồn lưu lạc

nơi anh Đinh Cường viết Đoạn Ghi Đêm Centreville

nơi em trở về sau lần ngã gục

tôi dìu em lên những bậc thềm đớn đau và hạnh phúc

gần ba trăm ngày em mới tìm lại được những bước chân

mới biết quê người không chỉ có hoa hồng

mà có cả những cơn lốc dữ

mới hiểu không có nỗi buồn nào hơn nỗi buồn viễn xứ

nhớ và thương mây khói quê nhà

 

ở lại nhé, Ngựa ô thương mến

tôi sẽ đi và sẽ nhớ nơi này

nơi những ngày mưa em cùng tôi nhắc chuyện ngày xưa

ngày xưa, ngày xưa, ngày em và tôi lang thang trong sương mù Đà Lạt

ngày xưa, ngày xưa, ngày em đạp xe chở con đi học

ngày xưa, ngày xưa, bữa ăn chín phần mười là bắp

đêm em nằm trằn trọc

vì không đủ sữa cho con

rồi cũng qua đi những tháng năm buồn

giờ nhớ lại

thôi thì cũng cứ cho là kỷ niệm

 

ở lại nhé, Ngựa ô thương mến

tôi sẽ đi và sẽ nhớ nơi này

sẽ nhớ từng ngọn cỏ hàng cây

khu vườn phía sau nhà

và tiếng chim buổi sáng

những chiếc lá vô tình rơi trên mái tóc

tiếng cười của các con những chiều Chủ Nhật

chút khói cà phê quyện ở hiên nhà

và những giọt sương đêm

những giọt sương đêm em và tôi thấm đẫm

những giọt sương đêm dịu dàng như tiếng nhạc Cortazar  (2)

 

Virginia, 17.6.2013


(1) Ngựa ô (Black Horse): tên một con đường ở thành phố Centreville, Virginia

(2) Ernesto Cortazar  (1940-2004) : nhạc sĩ dương cầm người Mỹ gốc Mexico

 

 

 

ĐÀ LẠT

VÀ CÂU CHUYỆN VỀ KHU VƯỜN THI SĨ

 

và bài thơ tôi viết đêm nay

là bài thơ sau bốn mươi năm

kể từ hôm tôi nắm tay em

chầm chậm đi qua Khu Hòa Bình

xuống con dốc Duy Tân

rẽ sang Hai Bà Trưng

và dừng lại nơi chiếc cầu Vĩnh Viễn

 

đêm ấy

Đà Lạt có một chút mưa bay

có tiếng hát của Lê Uyên Phương, của Phụng, của Tiên

của Nhượng, của Phong, của Triền, của Chức

em mặc chiếc áo dài màu xanh của miền đồi núi

đôi mắt hồn nhiên như một bài thơ tình

đi bên em trong đêm cao nguyên

tôi nói với em về ước mơ của chàng lãng tử

chàng lãng tử đưa em đến một khu rừng

và dừng lại bên dòng suối

nói với em rằng tôi yêu em

nói với em rằng tôi sẽ không xa em

đi bên em trong đêm cao nguyên

tôi nói với em về câu chuyện thần tiên

tôi và em đi đến một khu vườn

nơi mọi người chỉ biết yêu nhau

chỉ biết tặng nhau hoa, nụ cười và những bài thơ

tôi gọi đó là vườn thi sĩ

em gật đầu cười rất nhẹ:

“em sẽ ở cùng anh trong khu vườn đó”

và bàn tay tôi vừa chạm trái tim em

 

Virginia, Thanksgiving, November 28, 2014

 

 

 

SCIBILIA, NGÀY CUỐI THU

 

Scibilia, ngày cuối thu

tôi đuổi theo những đám sương mù

và khi quay lại tôi nhìn thấy

một giọt sương buồn trong mắt em

 

giọt sương đọng suốt mười lăm năm

long lanh từ thuở xa quê mình

và em nói rằng em rất nhớ

những bước chân về – đêm cao nguyên

 

giọt sương đọng suốt mười lăm năm

từ khi mình bỏ núi xa rừng

và em nói rằng em rất nhớ

một chút mây trời Lang Bian

 

giọt sương đọng suốt mười lăm năm

ừ, khóc đi em cho đỡ buồn

quê hương còn đó nhưng xa lắm

và biết ngày về kịp nữa  không

 

Virginia, December 12, 2014

 

 

 

ĐÓA HOA HỒNG TRONG TUYẾT

 

thức dậy lúc ba giờ sáng

ngoài trời tuyết phủ mênh mông

tuyết ngập hồn người xa xứ

tuyết mù mịt cả miền đông

 

cùng em ra sân cào tuyết

gió đêm lạnh đến tê người

tuyết nhiều cào xong thấm mệt

và đôi chân bước rã rời

 

cùng em ra sân cào tuyết

biết là vất vả mà vui

chia nhau một đêm băng giá

ở  vùng Bắc Mỹ xa xôi

 

cùng em ra sân cào tuyết

biết là vất vả mà vui

và cứ hồn nhiên em nhé

cùng tôi đi giữa cuộc đời

 

thức dậy lúc ba giờ sáng

ngoài trời tuyết trắng như bông

tôi yêu những bông tuyết trắng

và yêu em – đóa hoa hồng

 

 

Virginia, February 17, 2015

 

 

 

CŨNG MAY CÒN CÓ NƠI NÀY

 

rồi em và tôi đi xa

mang theo hình bóng quê nhà thân thương

bây giờ đời đã muộn màng

nửa vòng trái đất lang thang quê người

xa quê hương em và tôi

đã chia nhau những ngọt bùi đắng cay

cũng may còn có nơi này

có mây có khói có cây cỏ và

có rừng Scibilia

để tôi còn nhớ chút Đà Lạt xưa

để còn mơ một ngày về

đi về phía Ngã Ba Chùa cùng em

đi tìm lại chút êm đềm

đoạn serenade và đêm thơ tình

nụ cười em lúc bình minh

bàn tay rất ấm hôm mình quen nhau

và căn nhà thuở ban đầu

bức tranh và những gam màu tôi yêu

đi tìm lại những buổi chiều

qua cây cầu nhỏ tôi theo em về

đi tìm lại những đam mê

những hò hẹn những đợi chờ ngất ngây

cũng may còn có nơi này

để tôi còn có những ngày bên em

 

Virginia, March 2015

 

 

 

CHA TÔI

 

và bài thơ tôi viết đêm nay

là bài thơ sau bốn mươi năm

kể từ hôm vượt đèo Ngoạn Mục xuống Sông Pha

chạy ra Tuy Hòa

trở vô Sài Gòn

và nhận tin cha tôi đã chết

ông qua đời khi chiến tranh kết thúc

để lại trần gian nỗi nhớ khôn nguôi  

để lại đàn con trên quê hương tan tác   

để lại trong tôi vết thương  mang theo suốt cuộc đời

 

bốn mươi năm rồi con vẫn nhớ, cha ơi!

ngày mùa đông cha mặc áo tơi ra ruộng

ngày nắng lửa cha gò mình đạp lúa

những sớm tinh mơ cùng đàn bò lầm lũi đi về phía bờ mương

rồi mùa thu cha đưa con đến trường

con thương ngọn gió nồm

mát rượi tuổi thơ những ngày đầu đi học

đi ngang qua Duồng Buồng bọn nhỏ trong thôn vẫn thường trêu chọc:

chiều chiều ngọn gió thổi lên

học trò Thầy Bốn Ngạnh chẳng nên đứa nào

thương cha một đời lận đận lao đao

cầm lấy chiếc cày để tay con được cầm cuốn sách

thương chiếc áo cha một đời thơm mùi đất

thương đất quê mình thơm mãi mùi hương

rồi mùa thu cha đưa con đến trường

con thương những con đường

cha đã dẫn con đi về phía trước

con vẫn còn đi sao cha đành dừng bước

bốn mươi năm trời con thương nhớ, cha ơi!

 

Virginia, March 2015

 

 

 

 

 

 

Comments are closed.