Dây thun lỏng

Truyện Hồ Đình Nghiêm

clip_image001

Hồ Đình Nghiêm và Trịnh Công Sơn, Montréal 1992.

Long người Nam, từ Sài-Gòn ra trọ học, ở gần nhà và cùng lớp nên chúng tôi làm bạn với nhau. Lối ăn mặc, cách ăn tiêu có vẻ như con nhà khá giả. Hắn lỡ phạm một lỗi lầm nào đó, nên ra Huế, với hắn là bản án lưu đày mà gia đình đã tuyên xử, xuống tay. Thức ăn cay, mưa gió rả rích, phố xá nhỏ chật…, hắn có thể tìm ra cả vạn lý do để minh định lập trường: Không cảm tình với Huế.

Một bữa, Long ghé nhà, hậm hực. Hình như đương sự có chửi thề. Tôi đang nằm đọc cuốn Uyên ương gãy cánh và những hình ảnh thơ mộng trong cuốn sách đã bị tước đoạt trong nháy mắt. Tôi hỏi, để được biết là hắn đi may một cái quần tây khá đắt tiền nhưng khi mang về thì phát hiện rất nhiều lầm lỗi. Thất bại! Hắn nói. Đó là chữ hắn thường dùng để chấm câu. Uống một cốc cà phê hơi nhạt. Thất bại! Mua một quả cam chua. Thất bại! Tất cả đều thất bại. Tựu thành một việc hằng mong mỏi, chưa bao giờ nghe hắn nói Thành công.

Tôi trấn an, chuyện chi cũng còn có đó, ông may quần ở đâu?

Hắn có chiếc xe gắn máy, Honda 65 phân khối chở từ “trỏng” ra, gắn bảng số quận 3 Sài-Gòn. Hắn từng dựt le với đám bạn học về cái sự bốc của chiếc xe và cả đám đều xuýt xoa, y như rằng cái con “hắc mã” đó là độc nhất vô nhị ở cái xứ hiếm của lạ luôn trầm mặc này. Chạy mau lắm thê, không phải nói trạng mô nợ. Một vài đứa trong lớp gốc gác ngoại thành phát biểu cảm tưởng. Tôi leo lên yên sau, ôm bọc giấy gói kín chiếc quần không như ý để hắn bốc tới nơi gây phiền hà. Tiệm nằm ngoài phố, bảng hiệu có người ra công vẽ sơn hình tháp Eiffel đồ sộ như thể cầu chứng, mang tay nghề về từ kinh đô ánh sáng.

Tiệm vắng, đứng bên chiếc bàn dài là người đàn ông tóc tém lui sau, chải mượt bóng dầu mỡ thấy rõ sự chuyên cần mà răng lược đã cày qua. Áo bỏ vào quần tươm tất, điệu đàng, đỏm dáng. Tiếc một điều chân mang dép cao su mòn vẹt và ông xứng đáng để đại diện cho những người thiếu thước tấc. Ông cao ngang vai tôi, cổ ông có sợi thước dây vắt tròng, vật trang sức như ta thường thấy nơi mấy vị chuyên nghề đo may.

Ông tính nói điều gì đó nhưng thoáng cau mày khi nhìn ra thằng bạn tôi. Hẳn ông đã đánh hơi ra chuyện bất thường. Hai đứa ni tới để kiện tụng chớ không phải mua sắm may mặc. Chúng tôi đã lựa thời điểm là sau buổi trưa, tránh giờ mở hàng “mất may xưa” của chủ tiệm, mình chưa nói năng họ đã càm ràm nghe cũng ngán.

Rồi cái quần được trải thẳng trên mặt bàn dài. Tôi như đứa thông ngôn vì có khi mặt bạn tôi nghệch, ú ớ không hiểu lời phân trần. Tui đồng ý là khúc trữa có hơi bị nhăn nhíu, nhưng khúc đưới và khúc côi ni, anh xem đi, phải nói là khéo tay. Hàng vải ni rất khó may, anh thông cảm để tui chỉnh sửa lại. Côi, trữa, đưới. Thất bại, phải không? Tuy thương hiệu có vẽ cái tháp biểu tượng của Paris, nhưng ổng hổng nói tiếng Tây tiếng u đâu. Đậm đà bản sắc địa phương đó nợ, chớ mô lai tạp đầu Ngô mình Sở: Chín giờ kèn thổi “cu-sê”, thôi em ở lại anh về “áp-bên”. Coucher là ngủ ngáy mà appel là điểm danh, nôm na là tục tác gọi gà về chuồng, trời túi hung rồi.

75 là cú thổi “áp-bên” đầy xao xác khiến giấc “cu-sê” mãi không tròn giấc, hoặc có người làm cú “cu-sê” dài dằng dặc, dài miên man. Tất cả ngác ngơ lạc hồn như gà con mất mẹ.

Bữa nọ tôi ngác ngơ đi vào chợ trời để bán bộ áo quần còn lành lặn thì có người con gái gọi đúng tên tôi. Chiếc nón lá, quai lụa tím, tóc ngang vai. Tôi ngó và tôi tưởng tai mình nghe lầm. Tôi chẳng thể nhìn ra chút gì quen thuộc nơi khuôn mặt lạ lẫm kia. Anh Long bữa ni trốn ở chỗ mô hả anh? Long hả, thì nó vô lại Sài-Gòn từ khuya, từ độ xấc bấc xang bang ai cũng giỏi chân tháo chạy. Có còn mô đây mà hỏi. Cô là chi của hắn? Chuyện dài lắm, lôi thôi lắm, làm răng nói năng… Chớ anh đi mô đây? Ôm kè kè cái bọc chi rứa?

Cô tên Ngà, đang hành nghề mánh mung. Cô thật thà khai báo. Cứ đi lòng vòng, gặp con nai vàng cỡ như tôi thì nhảy ra chặn đầu, mua đi bán lại thứ “chà đồ nhôm” chôm đồ nhà. Thượng vàng hạ cám đều có thể tiêu thụ giữa thời buổi lắm phong ba mãi làm sấp ngửa.

Anh kẹt tiền hung? Ngà hỏi. Ai mà không kẹt. Tôi trả lời. Cần tiền để trang trải chuyện chi? Ậy, cà phê thuốc lá cũng xúi mình tằn tiện việc ăn việc mặc vậy. Cứ nhất y độc quỡn cho giống với người ta. Lạnh thân chớ không thể buồn miệng.

Nhờ Ngà, bộ áo quần lành lặn của tôi bay biến rất mau. Ngà đưa tôi nạm tiền rít rát như biết ứa mồ hôi, chất giấy xấu như thứ dành để cúng cô hồn. Em không lấy tiền công, anh có thể bao em một chầu cà phê cà pháo không?

Tôi chở Ngà ra tới đầu đường, chun vô ngồi dưới một mái tồn che nắng của cái quán nước tả tơi ghế bàn. Nền đất nện không phẳng, ly tách không đồng dạng, cà phê bít tất nằm trong cái ấm đen thui bắt trên kiềng ba chân có ngọn lửa mãi táp. Mấy thanh củi ẩm làm cay mắt. Hai đứa ngồi xuống ghế nhựa, phải xê dịch đôi chút mới tìm được sự quân bình. Một cà phê đá một chè đậu đỏ. Thằng nhỏ ở trần nói vọng lui sau, nơi có sợi dây thép chùng mãi rung động ba cái khăn nhàu rách đang phơi. Ngà ngồi gần, tôi ngó vô áo bà ba và thấy một đường khe rám nắng. Hình như vì trời oi bức, chẳng thấy bóng dáng chiếc xu-chiêng. Vóc vạc, mặt mày, tay chân, hình thể, tôi đoán tuổi Ngà khoảng hai chục hoặc nhỏ hơn.

Em luôn loanh quanh khu chợ trời này. Lần sau kẹt tiền nhớ chạy vô hú em một tiếng. Ngà nói khi nhìn chiếc xe đạp tôi dựng bên một gốc cây. Cây thưa lá nên nắng chang chang trên vuông đất khô. Tôi cũng thấy mình kiệt cạn dần, rụng từng ngày nghèo đủ thứ, nghèo tới độ có muốn đăng ký làm dân vô sản cũng bị họ chê bai, không đủ tư cách. Một ngày chẳng xa, tôi sẽ bán chiếc xe đạp ấy, tài sản giá trị cuối cùng để thoi thóp đón đợi tin vui. Người tôi yêu đã vượt biên, chẳng thèm ừ hử. Tuy đau lòng nhưng tôi mãi mong cho người đến được bến bờ trong an lành. Cả tháng dài lâu chưa nghe vọng động. Ở ngoài chợ có bà bán cá thấy trong ruột nó lấp lánh chiếc nhẫn đính hột kim cương. Nghe lạ không? Chẳng lạ, nhưng nên tránh ăn cá biển. Ăn cá sông hồ và con nào càng nhỏ càng tốt. Hừ, tiền đâu mà mua cá to?

Cà phê cạn dần, hột đậu đỏ cuối cũng đã mắc vào kẽ răng Ngà, chuyện vãn nhạt thua cả nước đá; cuối cùng tôi bới móc về dấu hỏi vĩ đại: Vì răng em quen Long để rồi biết tới tên anh? Ngà đổi thế ngồi, tay cầm nón quạt lia quạt lịa, tóc Ngà phất phơ mà mặt tôi cũng đón được chút gió thơm mùi mồ hôi dầu của đương sự. Chừng mỏi tay, Ngà đưa mấy ngón mân mê sờ soạng chiếc quai lụa, mặt cúi xuống. Anh còn nhớ cái bữa mà hai người chạy tới tiệm may để ca cẩm kiện tụng cái quần tây không? Có thể là anh không biết chuyện ni, sau bữa nọ, chẳng biết răng mà anh Long siêng trở lui để may áo quần. Em ở dưới quê lên học nghề, hay đúng ra là lo cơm nước cho chú Quý, chủ tiệm. Ngồi khuất sau màn chờ nghe sai việc, nay đơm bộ khuy, mốt thì chạy u đi vắt sổ, giặt khúc vải, ủi cái áo… Chú Quý nói, tao chịu đèn cái thằng Sè-Gòn đó rồi. Hắn nhiều tiền, không ưa cò kè trả giá, dễ tính, là hạng người mà mình có chặt đẹp hắn cũng mần thinh. Hắn ưa ngủ đò cho biết sự tình mà tao can ngăn, vui thú chi nơi mà ham, chưa kể dây dưa tới bịnh tình. Chú đưa em tám ngàn, nói mi ngủ với hắn chút xíu có chết đi mô mà sợ. Em nhắm mắt đánh liều cho anh Long ưa làm chi đó thì mặc sức làm. Em thì ốt dột mà anh Long thì gà mờ, loay hoay chi chút mà cũng bở hơi tai. Anh nói: Thất bại! Lần khác anh lợi sẽ uýnh một trận ngó đường hoàng hơn. Giờ thì anh phải dìa.

Tôi có kinh nghiệm đau thương, là khi mà bạn đã lỡ bán đi một thứ gì đó, thì việc làm kia nó tạo trớn để bạn thấy dễ dãi tiếp tục lần hai, lần ba, lần bốn… Cũng có thể mang thành ngữ ra để giải thích, tựa như: Ngựa quen đường cũ, ăn quen bén mùi.

Chừng một tháng sau khi gặp Ngà, tôi lại đạp xe vào “thị tại môn tiền náo”. Chỉ một tháng mà lắm đổi thay, chợ nhộn nhịp, người mua kẻ bán đông chật hơn, phạm vi được nới rộng ra. Duy có thứ vẫn bổn cũ soạn lại, vẫn một mực giữ nguyên, đó là thần sắc người ngợm vô ra thảy đều lạc hồn xanh mướt chân đi xiêu lạc áo quần tả tơi. Sáng ra đứng phố ngồi hè/ Phồn hoa đô hội đâu dè thế ru.*

Ngà rất mừng khi ngó thấy tôi, cái tở mở thành thực nằm đọng trong đôi mắt long lanh. Ngà đủ thông minh để hiểu thấu cớ sao tôi dẫn xác vào chốn này. Ngà phủ bàn tay lên những ngón tôi bấu vào ghi-đông xe. Anh tìm em phải không? Chơ cớ làm răng mà mặt anh xanh ngắt ra rứa? Tôi thiếu chất dinh dưỡng, bên bệnh viện họ phán rứa. Cậu thiếu vitamin, thiếu đủ thứ, A, B, C, D, E. Đừng có đi bán máu nữa nhé. Tôi viết cho cậu tờ giấy chứng nhận để khỏi phải đi lao động xã hội chủ nghĩa vào chủ nhật tới. Nên bồi dưỡng, nên tranh thủ ăn nhiều chất đạm vào. Nhớ chưa?

Tôi không nhớ gì cả. Tôi chỉ nhớ Ngà. Tôi thiếu vitamin N. Khủng hoảng thiếu. Trầm trọng vắng. Tôi hỏi Ngà ở đâu? Ngà nói ở chung với đứa bạn buôn bán ve chai và đồ đồng nát, gần chỗ ni, có điều tồi tàn lắm, cốt để tránh gió mưa. Chỉ chỗ đi, anh chở em về. Anh đang nói chơi à? Nói chơi làm chi cho tốn hơi. Anh nói thiệt, anh bán chiếc xe đạp ni cho Ngà, mua không? Ôn mệ ơi, tiền bạc mô đủ mà mua anh. Đời em như tấm mền rách thì anh cũng đã chộ rồi. Bậy nà, anh chưa hề thấy qua. Nói thiệt nghe, khúc đưới của em có hơi xấu, ở côi thì ngó tàm tạm, còn khúc trữa? Chắc Ngà phải cho anh thấy mới nói năng linh tinh như ông Quý tiệm may.

Ngà cười một tràng trong vắt. Nếu tôi là bạo chúa sẽ bắt Ngà về cười suốt, thay vì nghe tiếng xé lụa hoặc tiếng lửa reo bên doanh trại đối phương. Một tiếng cười hưng phấn. Ngà nhảy phóc lên yên sau, mang nguyên cả cánh tay ra ôm choàng lấy tấm thân gầy xé gió của tôi. Tôi cảm nhận được cái mềm mại của trái vú sữa nằm gần khúc côi của Ngà. Thứ trái cây rám nắng tự nẩy nở lấy mà chẳng nhiêu khê chín dú trong xú-chiêng.

Cửa đóng then cài không lâu, tôi và Ngà lần lượt mở khóa cho nhau. Ngà mặc quần vải mỏng có tròng dây thun ở lưng, thắt thỏm. Đói ăn bụng lép rồi dây thun đang tới hồi lỏng, mất tính đàn hồi co dãn nên chi thoắt một cái là khúc trữa lộ hình. Nó sẽ tiết ra một dòng sữa mật mà riêng viện bào chế chẳng chịu gọi là vitamin. Nó sẽ bồi dưỡng cho tôi thứ mà văn học gọi là trái cấm ở thiên đường nhiều cám dỗ.

Tôi ôm giữ lấy khuôn mặt Ngà. Tôi hôn vào môi khô đang bấn loạn thở. Tôi đồng ý với anh là khúc đưới hơi thô thiển, nhưng phần côi và khúc trữa xoắn tít những cụm chỉ rối vụng về tay gỡ, thì phải mạnh dạn để nói, đó là tặng vật của đời.

Tôi vật Ngà xuống tấm chiếu có vẽ hình long phụng đưa móng bám giữ chữ Phúc. Hôm qua tôi nghe hung tin, người yêu tôi/ người tôi yêu đã bị rơi vào tay bọn hải tặc Thái. Tôi đã chết, hôm qua. Và hôm nay, hồn ma tôi chợt hiện. Nó yêu Ngà để nước mắt quỷ sứ tự dưng chảy hoen ra chiếu lạnh.

Tiếng rao “Có ai bán nồi niêu chén bát sứt cọng gãy càng không” chẳng làm cho hai con thú tật nguyền phân tâm. Chúng mải chia ngọt sẻ bùi dưới căn hộ hoang sơ tựa một cổ mộ mà thời buổi đương đại này chưa đủ chất xám để định hình, giải mã, rêu rao.

* thơ Bùi Giáng

Nguyễn Thanh Văn

Bắt đầu là tiếng “Huế mềnh” đặc sệt của một gã lưu vong đã ở xứ lạ quá nửa đời người – gợi nhớ một lần nghe ông Cao Xuân Hạo giải thích về khuynh hướng “càng ly tâm càng hướng tâm” khi tôi thắc mắc vì răng người Nam bộ vốn nổi tiếng ăn nói mộc mạc, giản dị mà trong ca dao tục ngữ lại giữ một lượng lớn thành ngữ Hán Việt cổ điển – rồi đến giọng “u-mua” lẫn tí mùi tán gái cợt nhã, bụi bờ, mà pha được điệu ngậm ngùi thế sự mới tài! Tôi cho nó phải là một trong những đặc trưng lối văn Hồ Đình Nghiêm.

“Khúc đưới” (phần dưới) của o Ngà được chính đương sự nhận là xấu – tiếc là người kể không nói rõ thêm “đưới” nớ ra răng mà chịu xấu rứa! – nhưng khúc đưới (kết) của truyện ngắn thì “couldn’t be better”.

Cảm ơn Nghiêm: cái đau của đời có khi hơn… hoạn thiệt, nhưng cái đau văn chương đem lại đâu chỉ thuần thương đau.

Ok!

Sài Gòn, 7/ 2016

 

Comments are closed.