Khoa học có thể nói gì về các lợi ích của tôn giáo

Sarah Pulliam Bailey, The Washington Post, 5/10/ 2021

Trần Ngọc Cư dịch

Cô đọng của người dịch: Theo nhà tâm lý học David DeSteno, người ta không nhất thiết phải có một đức tin tôn giáo để có một đời sống tâm linh. Ông nhìn nhận sự khôn ngoan của một số lễ nghi và cách hành đạo của các tôn giáo khác nhau trong việc xây dựng đạo đức và mưu cầu an lạc cho con người. Theo đó, ta có thể lựa chọn từ các tôn giáo một số công cụ nào đó để xây dựng một đời sống tâm linh và lẽ sống cho mình.

image

Một người tham gia lớp học yoga tại Nhà thờ Quốc gia Washington vào năm 2018. (Oliver Contreras gửi cho The Washington Post)

Người ta nhờ vào sự thực hành tôn giáo để giúp mình đối phó với các vấn đề của sự sống và cái chết, sự mất mát và ý nghĩa cuộc đời từ hàng ngàn năm nay. Trong cuốn sách mới của ông nhan đề “Thượng đế hoạt động như thế nào”, nhà tâm lý học David DeSteno sử dụng các bằng chứng khoa học mới nhất để xem xét cung cách các nghi lễ giúp hình thành các hành vi như lòng trắc ẩn, sự tin tưởng và sức bật của con người như thế nào và tại sao nhiều nghi lễ lại có ích như vậy. Ông xem xét các nghi lễ của Thần đạo liên quan việc sinh con có thể giúp tăng cường mối quan hệ của cha mẹ với con cái như thế nào. Ông chỉ ra cách thiền định của Phật giáo có thể làm tăng lòng từ bi. Và ông xem xét phong tục ngồi shiva của người Do Thái đã giúp những người đang chịu tang tóc như thế nào.

DeSteno, một giáo sư tâm lý học tại Đại học Northeastern [Mỹ], cũng lập luận rằng người ta không cần phải ngoan đạo để được hưởng lợi từ sự khôn ngoan mà các truyền thống tôn giáo mang lại. Trên podcast mới của mình, ông phỏng vấn các giáo sĩ và các tác giả như Linh mục James Martin, Sharon Salzberg và Michael Pollan khi ông tìm cách làm giảm sự phân cách giữa khoa học và tôn giáo. Chúng tôi đã nói chuyện với ông vào cuối tháng Chín. Cuộc phỏng vấn này được chỉnh sửa độ dài và để được rõ ràng hơn.

H (Hỏi): Ông đã quyết định khám phá tính cách khoa học đằng sau việc thực hành tôn giáo như thế nào?

TL (Trả Lời): Khi tôi còn học đại học, tôi đã cố gắng quyết định giữa việc chọn chuyên ngành nghiên cứu tôn giáo và chuyên ngành tâm lý học. Tôi quyết định rằng tôi sẽ trở thành một nhà tâm lý học vì tôi có thể thực hiện các thí nghiệm và lấy dữ liệu để trả lời các câu hỏi. Nhưng những câu hỏi luôn cuốn hút tôi là: Tôn giáo đóng vai trò gì trong cuộc sống của con người? Nó có làm cho đời sống tốt hơn không? Làm thế nào để chúng ta trở nên có đạo đức? Làm thế nào để chúng ta tìm thấy sự kết nối giữa đạo với đời ? Phòng thí nghiệm của tôi tập trung vào cách chúng ta giúp con người trở nên tử tế hơn, công bằng hơn, nhân ái hơn và thành thật hơn. Lúc đó, tôi có một sinh viên quan tâm đến thiền định, cho tôi biết rằng mục đích ban đầu của thiền là để chấm dứt đau khổ. Vì vậy, chúng tôi quyết định khám phá xem liệu thiền định có thực sự khiến chúng ta cư xử có đạo đức hơn không? Chúng tôi đã thực hiện một nghiên cứu cho thấy rằng chỉ sau vài tuần thiền định, con người trở nên từ tâm hơn.

H: Nghiên cứu này đã đưa ông vào các chủ đề khác như thế nào?

TL: Chúng tôi cũng đã xem xét lòng biết ơn giúp con người thành thật hơn và rộng rãi hơn như thế nào. Ví dụ, nhiều tín đồ Ki tô giáo dâng lời cầu nguyện tạ ơn trong ân điển trước bữa ăn. Nhiều người Do Thái, mỗi buổi sáng khi thức dậy, đọc kinh để tỏ lòng biết ơn. Việc này cho chúng tôi cảm tưởng như mình đang khám phá ra những kỹ thuật trong lĩnh vực tâm lý học đã được sử dụng cả hàng ngàn năm nay. Các nghi lễ và cách tu tập đã cung cấp cho con người công cụ để làm đòn bẩy nâng cao tâm hồn và thân xác.

Những người như Richard Dawkins và Steven Pinker nói rằng mọi tôn giáo đều điên rồ, mê tín hoặc một bệnh dịch tâm trí. Nhưng sẽ thật kỳ lạ nếu hàng ngàn năm tư tưởng có mục đích giúp mọi người vượt qua những thử thách của cuộc đời lại không có thứ gì đó để cống hiến cho nhân loại.

Tôi không thể chắc rằng không có Thiên Chúa. Tôi không thấy bằng chứng nào để chứng minh điều này, nhưng tôi không chắc. Vì vậy, chúng ta không tranh luận về đề tài này. Tôi quyết định xem xét các phương pháp thực hành tâm linh mà chúng tôi biết có giúp ích cho con người. Việc bạn nói rằng bạn tin vào Thiên Chúa không cho biết điều gì về hạnh phúc của bạn. Nhưng thì giờ người ta dành cho việc thực hành tâm linh như đến nhà thờ hoặc giáo đường Do Thái, tính trung bình, càng lâu chừng nào thì cuộc sống của họ càng lành mạnh và càng hạnh phúc chừng nấy. Điều đó cho tôi biết có một cái gì khôn ngoan trong những công cụ này, cho dù bạn có tin rằng chúng được linh ứng hay không. Tôi nghĩ khoa học cần xem xét chúng một cách nghiêm túc.

H: Có điều gì khiến ông đặc biệt ngạc nhiên khi ông xem xét các nghi lễ tôn giáo khác nhau không?

TL: Điều đáng ngạc nhiên nhất đối với tôi là việc đối diện với các nghi lễ liên quan đến sự đau buồn. Mỗi tôn giáo đều có một cách để đối phó với nỗi đau buồn bởi vì cái mẹo để đối phó đau buồn không phải là trốn tránh nó mà phải đi xuyên qua nó. Ví dụ mà tôi yêu thích là nghi lễ “ngồi shiva” của người Do Thái. Đó là khoảng thời gian bảy ngày, là nghĩa vụ thiêng liêng đối với mọi người khi đi viếng đám tang. Đó không những là một việc tốt phải làm. Mà bạn phải đi. Bạn phải mang theo thức ăn để hỗ trợ tang gia bằng mọi cách có thể. Mọi người đến với nhau theo nhóm từ 10 người trở lên để cầu nguyện. Và trong khi cầu nguyện, họ thường tụng đọc những câu kinh đồng loạt với nhau. Khi mọi người tụng đọc và di chuyển đồng loạt, họ cảm thấy lòng lân mẫn dấy lên và gắn kết với nhau nhiều hơn. Nó giảm bớt sự cô đơn. Và khi có ai đó qua đời, họ cùng nhau che gương trong mọi nhà. Và mặc dù có lý do thần học cho điều này, nhưng bằng chứng khoa học cho thấy rằng khi bạn nhìn vào gương, bất kỳ cảm xúc nào bạn đang có đều trở nên mãnh liệt hơn. Che gương là một cách để bắt đầu giảm bớt nỗi đau buồn một chút.

H: Ông sẽ mô tả niềm tin tôn giáo hoặc tâm linh của chính mình như thế nào?

TL: Tôi lớn lên trong gia đình Công giáo. Nhưng tôi đã trôi dạt ra khỏi tôn giáo mình khi tôi học đại học. Tôi đứng mấp mé trên vị trí của người vô thần hoặc bất khả tri. Tôi nghĩ bây giờ tôi đã chắc chắn rằng mình là người theo thuyết bất khả tri. Tôi không biết điều gì đang xảy ra ở một cõi ngoài kia hoặc tôi đang tin điều gì nếu xét về mặt thần học, nhưng tôi sẵn sàng đón nhận khả năng có một điều gì đó. Tôi nắm bắt nhiều nguyên tắc về cách sống trong thế giới này mà hầu hết các tôn giáo đã đưa ra liên quan đến các đức tính của con người và cách đối xử với người khác.

H: Cuộc nghiên cứu này có thay đổi chút nào lề lối cá nhân của ông không?

TL: Nó đã ảnh hưởng đến tôi trong việc trau dồi những lời cầu nguyện và thực hành lòng biết ơn mỗi ngày. Trong các cuộc nghiên cứu, nếu chúng tôi yêu cầu người ta nghĩ về một điều gì đó mà họ biết ơn, cho dù họ đang cảm ơn Thượng đế hay cảm ơn cha mẹ hay cảm ơn bạn bè của họ, họ sẽ có cùng một quyết chí như nhau khi chúng tôi cho họ cơ hội chia sẻ tiền bạc của họ với người khác. Trong nghiên cứu, chúng tôi thử nhờ một người nào đó đóng kịch, đến gặp họ và yêu cầu giúp đỡ thì thấy rằng họ có khả năng giúp đỡ người ta hơn. [Người có lòng biết ơn thường dễ dàng giúp đỡ kẻ khác – ND]. Vì vậy, trong cuộc sống của mình, giờ đây, tôi đặt cho mình một nghi thức là dành thời giờ để suy ngẫm về những điều mà tôi biết ơn mỗi ngày.

H: Ông sẽ nói gì với một người có thể bị xúc phạm khi ông cố gắng áp dụng các nghi lễ mà không chấp nhận đức tin tôn giáo mà họ nương tựa?

A: Tôi sẽ không bao giờ ủng hộ việc tách riêng các biểu tượng và lời cầu nguyện từ một tôn giáo nào hoặc một cuộc chiếm đoạt văn hoá nào. Những thứ đó thuộc về các nền văn hoá đã phát triển chúng và ta nên tôn vinh những truyền thống đã phát triển chúng. Nhưng nếu bạn nhìn vào sự rực rỡ của shiva, tại sao bạn không thể áp dụng phương pháp che gương trong nhà? Tại sao bạn không thể dành thời gian cho gia đình và bạn bè, ăn uống cùng nhau và thậm chí có thể ca hát cùng nhau để thúc đẩy sự đồng bộ đó diễn ra? Đó cũng giống như cách bạn có thể tập yoga hoặc luyện tập chánh niệm. Đó là sử dụng các công cụ mà chúng ta có trên thế giới này, cho dù chúng là do Chúa ban tặng hay kiến thức mà chúng ta tự tìm ra.

H: Ông có thấy một số xu hướng thực hành tôn giáo đang đi về đâu không?

A: Nhiều người đang rời bỏ đức tin tôn giáo của mình. Họ đang tìm kiếm những phương thức mới để sống đời sống tâm linh. Nhưng khi bạn rời bỏ một định chế [tổ chức], bạn thường bỏ lại đằng sau tất cả những công cụ, nghi lễ và cách thực hành đã tạo thành nhịp sống hàng ngày. Bạn không thể chỉ việc tạo ra một nghi lễ một cách tuỳ tiện. Qua hàng nghìn năm, các nghi lễ đã được điều chỉnh hoặc sửa sai [debugged] để nâng cao các cơ chế giúp trau dồi thân tâm chúng ta.

Một điều khiến tôi lo lắng là việc chuyển sang làm những điều này trực tuyến [trên Internet]. Chúng ta phải làm điều đó từ xa vì COVID-19. Nhưng những nghi thức này được thiết kế để diễn ra và hoạt động tốt nhất với sự hiện diện của các cá nhân khác. Khi chúng ta ở bên nhau, nhịp tim sẽ đồng bộ hóa hơi thở của chúng ta. Những cơ chế này đang vận dụng tâm hồn và thân xác chúng ta. Tại sao người ta quỳ gối trong nhà thờ? Có nghiên cứu cho thấy rằng nếu bạn hiển thị thông tin cho mọi người xem trên một màn hình nằm phía trên họ, họ sẽ chú trọng hơn và tin tưởng hơn vào màn hình trên cao vì họ đang nhìn lên màn hình đó. Về mặt sinh lý, chúng ta giải thích một cái gì đó có chiều thẳng đứng cao hơn là có thẩm quyền hơn. Nếu bạn đang ngồi trước máy tính hoặc xem điện thoại của mình ở một vị trí cao hơn, tôi lo ngại rằng chúng ta sẽ đánh mất nhiều uy lực của một số nghi lễ nào đó vì chúng ta đang thực hiện chúng từ xa. Đó không phải là cách các nghi lễ được thiết kế để có kết quả.

Sarah Pulliam Bailey là một phóng viên về tôn giáo, đưa tin về cung cách đức tin giao thoa với chính trị và văn hóa. Cô điều hành phần bài vở về tôn giáo của The Washington Post. Trước khi gia nhập The Post, cô là phóng viên quốc gia của Dịch vụ Tin tức Tôn giáo [Religion News Service.]

Comments are closed.