Ý thức sáng tác truyện ngắn (kỳ 7)

Truyện ngắn – ý thức và cảm nhận

Ngu Yên


“Kể chuyện” có từ thời con người vừa biết nói. Người là sinh vật có nhu cầu kể chuyện, từ truyền đạt thông tin, chia sẻ hiểu biết, móc nối tâm tình, làm đẹp đời sống …Kể và nghe, căn bản và trước hết, là thỏa mãn nhu cầu giải trí.

Vì sao không gọi là “giải tình”, mà định danh là “giải trí”? Giải bày, giải tỏa, giải quyết những mệt mỏi, khó khăn, căng thẳng, áp lực cho trí óc, sẽ trực tiếp, nhanh chóng và lâu dài hơn giải tình.

Nhưng tình mới thực sự là động cơ gây nhiều phiền phức. Trí thuộc về tri thức. Tình hầu hết thuộc về vô thức. Nó âm thầm, nó ngấm ngầm, nhưng tiêm nhiễm, xâm nhập lâu dài, tạo nhiều hậu quả quan trọng. Gần đây, khoa học tâm lý và y khoa đã chứng minh vô thức là nguồn gốc của nhiều bệnh tâm thần và nhiều bệnh “kiệt tâm” hoặc “chán đời”, dẫn đến bệnh lý về thể chất hoặc tự vẫn. Giải tình quan trọng hơn giải trí.

Nhưng đây chỉ là một cách nói, Tình và Trí không có biên giới, cả hai không chừng vốn hòa hợp thành một, như một bàn tay có thể vừa tát tai, vừa xoa dịu.

Ý thức về tên gọi không cần thiết bằng ý thức về mục đích, chức năng và tác dụng. Kể phải được chuyên tâm nối kết tâm trí với người nghe. Nghe phải để tự nhiên, không thành kiến, cảm nhận tâm tư và ý nghĩa của chuyện kể.

Chuyện kể thông thường nên kể ngắn. Kể quá dài, kể suốt ngày, khó tìm nhiều người nghe hoặc nghe thích thú. Ý thức về chiều ngắn của chuyện kể là nền tảng xây dựng truyện ngắn.

Truyện ngắn theo thời gian

“Đối với chúng ta, các hình thức [truyện] ngắn, có thể cảm nhận được, tự nhiên hơn hình thức [truyện] dài. Truyện kéo dài nhiều giờ sẽ khiến người thưởng ngoạn từ từ lơ đễnh. Những chuyện kể cho nhau nghe thường ngắn gọn hoặc khá ngắn và có khuôn khổ. Thử xem xét những gì xảy ra khi một người kể chuyện, ngay cả những người không chuyên nghiệp kể chuyện tầm phào, cũng biết tuyển chọn một số chi tiết để kể và lược bỏ một số chi tiết khác, biết nhấn mạnh một số sự kiện cần thiết và bỏ bớt những thứ không liên quan hoặc rườm rà, biết kể phớt qua, khi nhanh khi chậm, mô tả những nhân vật chính nhưng không cần kể hết, để một cách nào đó, tiến tới kết cuộc. Quá trình chỉnh sửa, chọn lựa, minh bạch, làm hay hơn, sáng kiến, trong toàn bộ câu chuyện, gần như, xảy ra một cách vô thức. Bằng lối riêng, sự thuyết phục nằm trong câu chuyện được kể một cách hoàn chỉnh.

Một truyện kể hay dường như đáp ứng được điều gì đó ẩn sâu trong bản chất con người. Như thể trong thời gian kể truyện, điều gì đó đã được sáng tạo, một số bản chất của kinh nghiệm được suy diễn, một số ý nghĩa tạm thời được cấu tạo trên một hành trình chung, đầy rối loạn hướng về mộ phần và lãng quên.

Nếu những điều này là sự thật, tại sao sự tiến hóa của truyện ngắn phải chờ đợi rất lâu, chẳng phải đây là một thể loại văn chương hay sao?

Sau cùng, lịch sử văn hóa của truyện ngắn được xuất bản chỉ mới hiện diện trong vài thập niên trước sự xuất hiện của phim ảnh. Dĩ nhiên, câu trả lời, tìm thấy trong tiến trình công kỹ nghệ và sự gia tăng dân số. Chuyện ngắn luôn luôn tồn tại trong truyền thống truyền khẩu một cách không chính thức. Nhưng phải chờ cho đến khi khối lượng biết đọc của tầng lớp trung lưu đại chúng gia tăng ở Tây Phương vào thế kỷ 19, các báo ngày, các tạp chí, và các phương tiện xuất bản định kỳ được phát minh để phục vụ cho khối quần chúng, có nhu cầu và sở thích đọc sách. Tuy vậy, vẫn chưa có diễn đàn thật sự cho tác phẩm tiểu thuyết ngắn, từ 5 đến 50 trang, xuất bản.

Nhưng chính thị trường [trung lưu hiếu đọc] này đã mở cửa cho giới nhà văn có khả năng viết truyện ngắn.

Người đọc muốn đọc truyện ngắn. Nhà văn bất ngờ khám phá ra một thể loại văn chương, một hình thái văn học mới, trong tầm tay. Con đường truyện ngắn có hiệu quả bùng nổ vào sự trưởng thành vững chãi, gần như chứng minh được quan điểm của tôi. Không có ngập ngừng trong những bước đầu, không có chậm chạp qua nhiều thế kỷ tiến hóa. Thực tế, từ khởi đầu cho đến giữa thế kỷ 19, những nhà văn như Hawthorn, Poe và Turgenev có khả năng sáng tác những truyện ngắn cổ điển vượt thời gian. Hầu như từ những tín hiệu đầu tiên cho thấy khả năng này luôn luôn [hiện diện] bất động trong tưởng tượng của loài người. Truyện ngắn đã mọc đủ lông cánh vào giữa thế kỷ 19, khi đến cuối thế kỷ, trong bàn tay xây dựng của Anton Chekhov, truyện ngắn đã đạt được sự tôn vinh của nó.” (William Boyd, A Short History of the Short Story)

Truyện ngắn trong tiến trình tự nhiên

Người Việt có sự phân biệt rõ rệt khi sử dụng ngôn từ: trò chuyện, nói chuyện, kể chuyện và đọc truyện, kể truyện, viết truyện. Truyện có vai trò nghiêm túc và quan trọng hơn chuyện.

Khi người ta đặt câu hỏi: Chuyện gì vậy? Chuyện gì xảy ra? Mặc nhiên, chuyện được hiểu là những gì xảy đến hàng ngày, có đầu đuôi, có vai chính, vai phụ, có diễn biến, mô tả sát thực trong một tình huống với không gian và thời gian nhất định. Dù có sự thêm thắt, biến chế vì dã tâm hay thiện tâm, thực tế vẫn chiếm phần lớn trong câu chuyện.

Nhu cầu của con người không chỉ muốn kể chuyện thông tin hoặc giải trí thường ngày, mà còn muốn kể chuyện với những ý định khác hơn, bao gồm thuyết phục hoặc giải thích hoặc chia sẻ một quan niệm hay tư tưởng. Những câu chuyện thực tế dần dần được thêm bớt, hư cấu, xa dần thực tế ban đầu, hoặc những câu chuyện được dựng lên hoàn toàn bằng tưởng tượng, với mục đích thuyết phục người nghe. Trong dạng này, những hình ảnh hiện thực chỉ dùng làm dữ liệu, ráp vào tưởng tượng do trí óc dàn trải, hư cấu thành một diễn tiến, tạo ra câu chuyện với mục đích phục vụ một quyền lợi nào đó. Trong dạng này, chuyện bắt đầu hóa thân thành truyện, ở tầng lớp ban sơ như con cơm nguội chưa mọc cánh. Truyện loại này, thông thường là chuyện hấp dẫn hơn, lôi cuốn hơn, dễ gây chú ý đến người nghe, người đọc. Và vì có mục đích ngấm ngầm bên trong nên chuyện hoặc truyện hay sẽ gây ra tin tưởng, sẽ tạo ra sự tán thưởng và gây nên nhu cầu muốn nghe lại, hoặc đọc thêm những chuyện, những truyện tương tựa. Người ta bắt đầu kể truyện: kể những chuyện có trình độ hơn những câu chuyện thường ngày.

Khi được số đông người đọc yêu chuộng, những nhà văn muốn sáng tác truyện nghệ thuật hơn, những đầu óc thương mại muốn kinh doanh lớn hơn, những đam mê phản kháng muốn gây ảnh hưởng nhiều hơn, họ bắt đầu có kế hoạch, tạo tiêu chuẩn, tìm kiếm những phương pháp cho sáng tác có nền tảng, có mẫu mực, có hiệu quả. Con cơm nguội mọc cánh, bay cao thành chuồn chuồn. Truyện ngắn đã thành hình theo quy luật tự nhiên, theo nhu cầu phát triển của đời sống.

Truyện ngắn trong tiến trình văn học

Về mặt kỹ thuật, lịch sử truyện ngắn chia làm hai giai đoạn chính:

– Giai đoạn Tiền Truyện Ngắn.

– Giai đoạn Truyện Ngắn chính thức thành hình. Còn gọi là “truyện ngắn hiện đại.” (Tức là xuất hiện trong thời kỳ Hiện Đại).

Giai đoạn Tiền Truyện Ngắn còn những nguồn di chứng từ sử thi IliadOdyssey của Homer; những giai thoại dưới triều đại La Mã; những ngụ ngôn trong Cựu Ước và Tân Ước; những truyền thuyết huyền thoại dân gian và của tôn giáo.

Mãi đến thế kỷ 14, ở Âu Châu mới bắt đầu đưa truyện kể vào truyện viết, với vài tác phẩm còn lưu lại giá trị như Canterbury Tales của Geoffrey Chaucer và Decameron của Boccaccio. Đến cuối thế kỷ 16, tiểu thuyết ngắn, novella, thành hình với tác giả Matteo Bandello. Giữa thế kỷ 17, tiểu thuyết ngắn chuyển mình sang dạng nouvelle, tiêu biểu là tác phẩm của Madame de Lafayette. Năm 1704, đánh dấu quan trọng, những câu chuyện ngắn, ráp tiếp theo, thành tác phẩm Một ngàn lẻ một đêm (Arabian Nights). (Nguyên tác này đã có từ “Thời Vàng Son” của Hồi Giáo, thế kỷ 8 đến 13.)

Thế kỷ 18, những tuyển tập truyện ngắn hoặc tiểu thuyết ngắn ấn hành liên tục, nhu cầu đọc truyện bắt đầu gia tăng theo trình độ học vấn, vượt ra khỏi giới quí tộc, tràn xuống hạng trung lưu, bình dân. đánh dấu sự chuẩn bị bùng nổ trong thế kỷ sau. Ở Anh Quốc một số tiểu thuyết gia danh tiếng bắt đầu viết tiểu thuyết ngắn như Charles Dickens, Sir Walter Scott. Ở Hoa Kỳ, tác phẩm Somnambulism của Charles Brocden Brown, 1805, là thể loại truyện ngắn đầu tiên. Ở Đức, tuyển tập truyện ngắn khởi đầu do Heinrich von kleist năm 1810, 1811. Ở Pháp, năm 1829 với Mateo Falcone của Prosper Mérimée.

Bước vào giữa thế kỷ 19, thế kỷ hoàng kim của chế độ thuộc địa, nhu cầu tin tức và ngôn ngữ mẫu quốc lan tràn. Ngành in ấn phát triển, tạp chí và báo nườm nượp xuất hiện để thỏa mãn nhu cầu đọc sách, đọc tin tức, trong đó, đọc truyện là một đòi hỏi thời thượng. Anh Quốc bước vào lãnh vực truyện ngắn khá chậm, năm 1883, Thomas Hardy mới xuất bản The Three Strangers. Năm 1888, Rudyard Kipling mới phát hành Tuyển tập truyện ngắn cho người lớn.

Nhưng nếu đặt câu hỏi cụ thể, mấu chốt nào, thời điểm nào, truyện ngắn hiện đại chính thức khai sinh? Tác phẩm nào đầu tiên đại diện sự hiện diện của truyện ngắn? Tác giả nào được xem là phụ mẫu của thể loại văn học mới này? Dĩ nhiên những câu hỏi trên nằm trong cuộc tranh cãi qua nhiều năm tháng. Sau cùng, người ta đồng ý với nhau theo kiểu lấy đa số ý kiến có chứng minh đáng tin cậy.

Giai đoạn hai: Khi truyện ngắn hiện đại thành hình, tình hình văn chương thế giới có nhiều điểm khác biệt. Trong khi Pháp và Nga quan tâm tới thể loại tiểu thuyết ngắn (lúc khởi đầu chưa có danh từ truyện ngắn), thị trường bên Anh chú trọng đến truyện dài, tiểu thuyết đúng nghĩa. Thị trường Hoa Kỳ còn trẻ trung, trăm hoa đua nở. Lịch sử đã từng nghĩ đến tác phẩm mấu chốt, đánh dấu khởi điểm của truyện ngắn trong văn học thế giới, như Decameron của Giovanni Boccaccio (nhà văn Ý, 1313-1375), hoặc Canterbury Tales của Geoffrey Chaucer, hoặc The Two Drovers (1872) của Waler Scott, hoặc những tên tuổi khác như George Eliot (Anh), Thomas Hardy (Anh), Balzac (Pháp), Pushkin (Nga), Turgenev (Nga), Fenimore Cooper (Hoa Kỳ), Hawthorne (Hoa Kỳ) …Gần gũi nhất là Flaubert, Maupassant, Chekhov và Poe.

Một mấu chốt văn học cần nhắc lại, vì phê bình Tây phương thường lãng quên, đó là các tác phẩm Novelas Ejemplares (1613) và Don Quixote (1615) của Miguel de Cervantes (1547-1616), thể hiện một phát minh đầu tiên về quan sát con người ngoài đời sống và mang họ vào làm nhân vật. Tác phẩm Novelas Ejemplares đánh dấu một biến chuyển lớn về hiện thực, về sau biểu hiện rõ rệt nơi Chekhov. Tác phẩm nổi tiếng trước đó Decameron của Boccaccio, tuy nói về những mảnh đời thực tế hàng ngày, nhưng nhân vật của ông không giống nhân vật thật, chỉ là những chức năng để câu truyện được dàn trải. Vi vậy, Boccaccio được coi là người kể truyện đúng truyền thống. Trong khi sự phát minh của Cervantes về “nhân vật từ con người thật” ảnh hưởng cho đến tận ngày nay.

Dĩ nhiên, truyện ngắn ra đời do sự đóng góp hàng ngàn nhà văn, nhà báo, nhà phê bình, nhưng hầu hết các học giả văn học hướng về tác phẩm Twice-Told Tales của Nathaniel Hawthorne xuất bản năm 1837 như một khởi đầu cho loại tiểu thuyết ngắn. Nhưng phải đợi cho đến khi Edgard Poe, một nhà thơ, nhà văn, nhà báo Hoa Kỳ, đưa tiểu thuyết ngắn vào khuôn khổ văn học, truyện ngắn mới thật sự có giấy khai sinh. Chính ông đã tạo ra thể loại truyện trinh thám, một thời lôi cuốn người đọc khắp Âu Châu, Mỹ Châu. Ngay thời điểm bài viết The Philosophy of Composition (Triết thuyết của sáng Tác) xuất hiện năm 1846, Poe đã xác định bản chất của truyện ngắn, đặc biệt là tính nhất quán và chiều dài của truyện, không phải chiều dài tính chữ, theo trang, mà chiều dài trong thời gian có thể ngồi đọc truyện hết một mạch. Giới hạn thời giờ đọc truyện tùy vào chiều dài của mỗi truyện ngắn, đọc từ ba mươi phút cho đến hai giờ. Những nhận xét của ông trong Philosophy of Composition cho đến nay, có nhiều chi tiết lỗi thời, tuy nhiên không thể không công nhận, ông là người đầu tiên cố gắng đặt nền móng và tiêu chuẩn cho thể loại tiểu thuyết ngắn, tức là truyện ngắn.

Bắt đầu từ thời điểm này, truyện ngắn tiến vào thời đại hoàng kim của văn học truyện. So với thi ca và tiểu thuyết, truyện ngắn là một thể loại nghệ thuật văn chương non trẻ, phát triển rất nhanh, rất mạnh trong giới sáng tác và thưởng ngoạn, nhưng lại bị giới phê bình nghiên cứu lơ là. Phần lớn những tác phẩm, tiểu luận, phê bình nghiên cứu quan trọng về truyện ngắn được viết bởi nhà văn sáng tác.

Triết tính của truyện ngắn

Chuyện ngắn là sản phẩm của chuyện thường ngày được tái tạo. Khi sự tái tạo này có nề nếp, có nền móng, có phương pháp, có kỹ thuật, có những chuyện phẩm chất cao, nghệ thuật xán lạn, được gọi là truyện ngắn.

(Lịch sử truyện ngắn đến theo dòng tự nhiên của nhu cầu xã hội phát triển và tâm tư trống vắng của con người. Nhu cầu tâm lý tự nhiên muốn tìm hiểu chuyện đời người khác; nhu cầu muốn so sánh đời người khác với đời của chính mình. Nhu cầu trí tuệ, muốn tìm hiểu kiến thức và kinh nghiệm của đồng loại. Cùng một lúc, nhu cầu tâm linh muốn tìm đến những gì hay, đẹp; những gì cao cả hơn đời sống thường xuyên không vừa ý.

Tận trong sâu thẳm, cho dù là ai, đều có một khoảng trống rỗng, gọi nó là cô đơn, gọi nó là nỗi buồn vĩnh cửu, thậm chí gọi nó là tội tổ tông, gọi nó là Lỗ Đen trong tiểu vũ trụ tâm tư, gọi tên gì cũng không quan trọng, việc lấp sao cho đầy khoảng trống này là hành trình sống của nhân sinh. Dù muốn hay không, tìm kiếm sự bù đắp nỗi trống là nhu cầu, nếu không được ý thức, sẽ trở thành vô thức. Nghệ thuật không lấp nổi khoảng trống, chỉ có thể xoa dịu, làm dễ chịu hơn. Truyện ngắn là một thành phần của nghệ thuật, có công hiệu hơn tiểu thuyết vì thuận tiện dễ tìm thấy trong báo chí và ngắn đủ để hoàn tất trong khoảng thời giờ cho phép; có công hiệu hơn thơ vì dễ hiểu và được trình bày chi tiết những vấn đề khó khăn với giải đáp, thích hợp với trình độ bình thường và cuộc sống hối hả.

Ý thức sáng tác và thưởng ngoạn cảm nhận đều qui về sự giải tỏa, xoa dịu, an ủi những công phá ngấm ngầm của nỗi cô đơn sâu thẳm bất khả kháng. Sự cô đơn phần lớn đến từ những bất lực trước những sự kiện phi lý xảy ra và sự tự cảm thấy bản thân hèn mọn rất phù phiếm. Trên quan điểm này truyện ngắn và thơ là bạn đồng hành.

Vật chất càng phát triển, xã hội càng tân kỳ, máy móc, lợi danh, nỗi trống rỗng bên trong càng mở rộng, đào sâu, càng hụt hẫng. Phải chăng đó là lý do truyện ngắn xuất hiện tại Hoa Kỳ vào thời điểm văn minh vật chất bắt đầu cất cánh ở xứ sở đang dẫn đầu nhân loại? Phải chăng, nếu nỗi trống rỗng này vẫn tồn tại, thì truyện ngắn sẽ có cơ hội tồn tại theo, nếu nó tiếp tục thỏa mãn được nhu cầu của Trống Rỗng?)

Nhìn từ căn bản, truyện ngắn dùng để giải trí. Nhưng tại sao con người cần sự giải trí? Tất cả mọi người đều có nhu cầu được kích thích muốn hưởng thụ niềm vui, thú vị hơn, thoải mái hơn. Truyện ngắn đáp ứng được nhu cầu này, ngay lúc ban đầu. Về sau bị thua sút trước những giải trí hiện đại hơn. Truyện ngắn khó cạnh tranh với các phương tiện giải trí hiện đại, nên cần xét lại về những giá trị hữu dụng khác của truyện ngắn, theo quy luật những gì hữu dụng sẽ tồn tại.

Đi đến kết luận, ý thức về truyện ngắn, bao gồm hiểu biết về kể và nghe và cảm nhận của nghe và kể. Nhìn từ sáng tác, mục đích, chức năng và tác dụng của truyện ngắn là những điều cần quan tâm. Nhìn từ thưởng ngoạn, hiệu quả và giá trị sẽ là mấu chốt.

Để thỏa mãn nhu cầu giải trí mua vui, kể và nghe truyện được xem như một trò chơi về tâm tình và trí tuệ giữa hai người: tác giả và độc giả. Kể là nghệ thuật cho. Nghe là nghệ thuật nhận. Đòi hỏi cả hai phải hợp tác. Chủ yếu, nghệ thuật cho hướng dẫn, nối kết, kiểm soát nghệ thuật nghe. Trong cuộc chơi này, không ai thắng, không ai thua, khi thành công, cả hai đều thỏa mãn.

Để cung ứng nhu cầu cao hơn, nhu cầu làm đẹp, làm hay đời sống, kể và nghe đều bị đòi hỏi phải có trình độ. Kể và nghe truyện cần có kỹ thuật tinh nhạy và nghệ thuật tiếp xúc thẩm mỹ. Nhất là người kể, vừa phải giữ được trò chơi thích thú, vừa thể hiện cách chơi nghiêm túc hướng về sử dụng thẩm mỹ để khám phá bóng dáng của sự thật.

Để thỏa mãn cả hai nhu cầu cùng một lúc, không phải dễ. Cái bí quyết này thay đổi theo thời gian và thời đại, gắn bó với mỗi cá tính và văn hóa của mỗi dân tộc, ảnh hưởng trực tiếp đến địa phương và địa lý. Những nghiên cứu văn học thuần về kỹ thuật, thậm chí thuần về văn chương, nếu lơ là với lãnh vực tâm lý và tâm linh, sẽ là những thiếu sót lớn.

Comments are closed.