Minh triết phương Tây (kỳ 2)

Bertrand Russell

Bản dịch của Nam Dao Nguyễn Mạnh Hùng

Tiền-Socrates

Cũng như Khoa học, Triết học bắt đầu có khi một ai đó đặt ra một câu hỏi tổng quát. Những người tò mò này là những người Hy Lạp. Như chúng ta biết, Triết học và Khoa học là những phát kiến của họ. Sự thăng tiến của nền văn minh Hy khiến những hoạt động tri thức bùng ra là một trong những sự cố ngoạn mục nhất trong lịch sử. Từ trước đến nay, chưa từng có gì tương tự như vậy. Trong chỉ hai thế kỷ, người Hy Lạp cống hiến cho nhân loại những công trình sáng tạo bực thầy về nghệ thuật, văn chương, khoa học và triết học, tạo ra những tiêu chuẩn phổ quát cho nền văn minh phương Tây[1].

Triết lý và Khoa học bắt đầu với Thales[2] ở Miletus vào đầu thế kỷ thứ 6 TCN. Điều gì trước đó đã đưa đến sự bùng phát thình lình của thiên tài Hy Lạp? Chúng ta cố gắng trả đáp câu hỏi này. Với ngành Khảo cổ có nhiều thành tựu lớn từ đầu thế kỷ XX này, chúng ta có thể sắp xếp được một lượng không nhỏ những thông tin giải trình sự phát triển của thế giới Hy Lạp.

Trong những nền văn minh, Hy Lạp đến chậm hơn. Văn minh Ai Cập và văn minh Mesopotamia [3] có trước từ nhiều thiên niên. Những xã hội nông nghiệp này sống cạnh những dòng sông, dưới sự trị vì của những vương triều mang tính thần linh, với tầng lớp quí tộc nắm quân đội, và giai tầng Giáo Sĩ tạo ra hệ thống đa thần trong tôn giáo. Dân cư đa số là nông nô.

Cả Ai Cập và Babylonia đều cung cấp những hiểu biết mà Hy Lạp thừa kế. Nhưng khoa học và triết học vẫn chưa thành hình. Điều này đặt cho ta câu hỏi đó là vì thiếu thiên năng tự nhiên hay là vì thiếu điều kiện xã hội. Hoặc là vì cả hai lý do vừa nói, điều khó ngờ vực được. Nhưng nhận định rằng chức năng tôn giáo không đưa đến những cuộc phiêu lưu trí tuệ là có ý nghĩa hơn cả.

Ở Ai Cập, tôn giáo quan tâm đến sự sống sau cái chết. Kim tự tháp là những đền đài lăng mộ. Một số kiến thức về thiên văn cần có để dự đoán lưu lượng của sông Nile, và giới cầm quyền cũng như những giáo sĩ triển khai những ký hiệu tượng hình. Nhưng ngoài ra, không có gì khác để lại hầu thúc đẩy những bước phát triển theo một hướng khác.

Ở Mesopotamia, đế chế Semite thay thế Sumer [4] và tiếp thu lối viết hình nêm (cunieform). Về mặt tôn giáo, họ quan tâm đến phúc lợi. Bói toán, ma thuật thịnh hành, vận hành của tinh tú trên trời hưóng dẫn xếp đặt chuyện thế gian. Về sau, có sự phát triển của lớp doanh thương, nhất là ở Crete mà nền văn minh mới được loe sáng. Người đảo Crete, một trong 5 đảo đông dân nhất thuộc Hy Lạp, có lẽ di cư từ ven bờ Tiểu Á, trở thành rất thế lực trong số cư dân các đảo vùng biển Aegean. Vào khoảng giữa thiên niên thứ 3 TCN, một làn sóng di dân tràn vào Crete và tạo thêm những phát triển văn hóa rực rỡ. Đền đài được xây ra ở Cnossos và Phaestos, thuyền bè Crete dọc ngang khắp Địa Trung Hải.

clip_image002

Bản đồ biển Agean trong Địa Trung Hải

Từ 1700 TCN trở đi, động đất và núi lửa đẩy người đảo Crete di về vùng tiếp cận với Hy Lạp và Tiểu Á. Công nghệ của họ đã thay đổi văn hóa của cư dân đất liền. Ở Hy Lạp, công trường được biết nhiều là Mycenae ở Argolid, nơi nhân vật Agamemnon trong thần thoại Hy Lạp cư ngụ. Đó là thời được ca tụng trong sử thi Homer [5] . Vào thế kỷ 14 TCN, động đất dữ dội đã chấm dứt một cách đột ngột ưu thế tối cao của văn hóa Crete.

Hy Lạp cho đến khi đó đã phải hội nhập với hai làn sóng những người di dân. Làn sóng đầu là người Ionia từ phía bắc vào khoảng 2000 TCN. Họ hoà đồng vào cư dân bản địa. Ba trăm năm sau là những đợt sóng người Achaea. Họ chiến thắng và trở thành lớp người điều hành Hy Lạp.

clip_image004

Tượng Homer, Bảo Tàng Anh

Cộng đồng Creto-Achae có quan hệ ngoại thương rộng rãi với cư dân ở Điạ Trung Hải. Tai họa thiên nhiên năm 1400 TCN không làm gián đoạn những quan hệ này. Trong số những ‘’cư dân trên biển’’ đe dọa Ai Cập vào 1200 TCN, ta thấy người Crete mà người Ai Cập gọi là Peliset. Gốc gác Philistines, nơi họ an cư mang tên Palestine ngày nay.

Khoảng 1100 TCN, những cuộc xâm lăng của con người thời đó thay thiên nhiên gây tàn phá. Với xâm lăng Dorian, Hy Lạp và Aegea hoàn toàn bị chi phối bởi những kẻ chinh phục man ri. Người vùng Achaea

kiệt quệ sau chiến tranh thành Troa [6] và mất hết sức đề kháng. Quyền lực trên biển rơi vào tay người Phoenicia, Hy Lạp lâm vào một thời kỳ đen tối. Khoảng thời gian này, người Hy tiếp thu chữ semite qua những thương gia Phoenicia, sau đề xuất thêm nhiều nguyên âm để hoàn chỉnh.

clip_image006

Bản đồ vẽ lãnh địa Hy Lạp trong thời cổ

Về địa dư, Hy Lạp gồ ghề, và khí hậu thay đổi bất thường. Đất Hy bị chia bởi những rặng núi khô cằn, đường bộ từ thung lũng này sang thung lũng kia đi khá vất vả khó khăn. Nhiều cộng đồng canh tác nông nghiệp, và khi đất đai không còn mầu mỡ để nuôi họ mỗi ngày một đông, một số đi về phía biển, lập ra những nơi định cư khác. Từ thế kỷ thứ 8 cho đến thứ 6 TCN, Sicily, miền nam nước Ý ngày nay, và Hắc Hải đã có những thành phố đông người Hy Lạp. Nhờ những khu dân cư đông đảo, thương mại phát triển, và Hy Lạp nối lại quan hệ với phương Đông[7].

Về mặt chính trị, Hy Lạp từ thời hậu-Doria[8] thay đổi hàng loạt vương triều. Quyền bính rơi vào tay một đẳng cấp quí tộc. Những kẻ trị vì, đôi khi thành độc tài, không xuất phát từ dòng giõi đế vương. Nhưng sau cùng, quyền bính rơi vào tay tập thể công dân, điều mà chúng ta nay gọi là ‘dân chủ’. Thể chế dân chủ trực tiếp chỉ thành hiện thực khi công dân tập hợp được trong những đô thị. Ngày nay, nền dân chủ kiểu này hiện chỉ tồn tại trong một số những bang tổng ở Thụy Sĩ.

Công trình văn chương lón nhất trong thế giới Hy Lạp là của Homer. Không có gì rõ ràng về thân thế ông, và có người nghĩ rằng Homer chỉ là tên gọi một số nhà thơ. Dẫu gì, hai trường ca sử thi Iliad và Odyssey hình như được hoàn thành khoảng giữa thế kỷ 8 TCN. Chiến tranh thành Troa, đề tài của sử thi, xẩy ra vào đầu 1200 TCN. Tác phẩm của Homer là một tổng kết 400 năm sau nên có thể chứa đựng một số điều không chính xác. Sử thi Homer đưa ta quay về thời Peisistratus[9], một nhà độc tài. Dưới ngòi bút của Homer, bạo lực thời ấy dẫu còn dấu vết nhưng có giảm mức độ. Trường ca Homer phản ánh hành vi duy lý của lớp đặc tuyển cầm quyền. Xác người được hỏa táng theo nghi lễ chứ không đem đi thiêu như dưới thời Mycenaen. Điện thờ chư thần Pantheon là nơi đông đúc ồn ào. Tôn giáo vắng bóng, và những lề thói như sự cởi mở tiếp nhận những người đến từ phương xa được tôn trọng. Thể loại nghi thức man dã như hy sinh những phạm nhân để tế thần thỉnh thoảng cũng có, nhưng ít đi nhiều. Nói chung, không khí Athens thời đó là có chừng mực.

Đây là, hiểu một cách nào đó, trạng thái căng thẳng trong tâm thế người Hy Lạp. Một đằng, là tính duy lý và trật tự; đằng kia, là bản năng và tính bất tuân phục. Điểm đầu, kích động triết học, nghệ thuật và khoa học. Điểm sau thể hiện trong những tế lễ tôn giáo ban sơ gắn liền với nghi thức xưng tụng sự sinh sản. Ở thời Homer, điều này có vẻ được kiềm chế, nhưng sau, qua những liên hệ với phương Đông, lại bộc phát trở lại. Những nghi thức này liên đới đến Dyonisus, còn gọi là Bacchus, một vị á thần ở Thrace[10]. Kẻ chống lại những nghi thức man sơ này là Orpheus[11], bị đám sùng tín theo Dionysus bẻ chân bẻ tay cho đến chết.

clip_image008 Diễu hành Dyonysus

Orpheus chủ trương sống khổ hạnh, tìm sự thoát xác, đạt một trạng thái xuất thần giúp cho người hòa đồng với Thượng Đế và từ đó gặt hái được những hiểu biết bí nhiệm. Dưới dạng này, tôn giáo theo Orpheus có ảnh hưởng sâu xa đến nền Triết học Hy Lạp. Đầu tiên, Pythagoras tiếp thu quan điểm này. Sau, ngoài phạm vi khoa học, yếu tố bí nhiệm được sự chấp nhận của Plato và gần như của toàn bộ những triết gia khác.

Những chuyện man dã tiếp diễn bất chấp những giao giảng của Orpheus, và chúng là nguồn hứng khởi của nền kịch nghệ Hy Lạp. Ở đây, cảm tình được giành cho những kẻ bị tung lên hất xuống bởi những xúc cảm và đam mê. Aristotle có lý khi ông cho rằng kịch nghệ Hy góp phần tẩy sạch và thanh lọc xúc cảm. Theo Nietzche, triết gia vào thế kỷ 19, cả hai yếu tố – một là Dyonisus và mặt kia là Apollo[12], vị thần biểu tượng của lý trí và ánh sáng- đều giúp chúng ta thay đổi thế giới này. Chỉ có một trong hai mặt này, không thể nào mang lại được sự bùng phát của nền văn hoá Hy Lạp.

clip_image010

Apollo

Ở phương Đông, yếu tố bí nhiệm ngự trị tư duy. Cái giúp Hy Lạp thoát khỏi ảnh hưởng này là trào lưu khoa học của những trường sở ở Ionia[13]. Xã hội thanh bình cũng như tư duy bí nhiệm không cách nào tạo ra được một cuộc cách mạng trí tuệ. Điều cần là sự đam mê kiếm tìm sự thật và cái đẹp. Ghi nhớ rằng trong ngôn ngữ Hy Lạp, lý thuyết có nghĩa là ‘’ tham quan vãn cảnh’’, nghĩa mà Herodotus[14] đã dùng. Sự tò mò cùng với lòng hăng say truy lùng chân lý một cách vô vụ lợi đã mang lại cho Hy Lạp vị thế độc nhất trong lịch sử.

Nền văn minh phương Tây [15], khởi đi từ nguồn Hy Lạp, dựa trên truyền thống triết lý và khoa học đã có ở thành phố Miletus trên dưới 2500 năm về trước. Khái niệm xuyên suốt triết học Hy là logos, thần ngôn. Từ này đèo hai điều, chữ nghĩađo đếm. Thật rõ, như vậy triết học và khoa học đi đôi với nhau. Quan điểm đạo đức nẩy sinh từ sự gắn bó liên kết giữa cái Đẹp và cái Thiện của kiến thức, là kết quả của những nghiên cứu truy tìm vô vụ lợi.

clip_image012

Orpheus với bầy thú

Đặt những câu hỏi tổng quát, ta đã nói, là khai sinh ra nền Triết học và Khoa học. Hình thức những câu hỏi này ra sao? Trong nghĩa rộng nhất, chúng đòi người quan sát tìm xem thế giới được xác lập trong trật tự chứ không là những hiện tượng ngẫu nhiên. Ở đây, xin nhấn mạnh từ trật tự thuở xưa được hiểu ra sao. Con người, theo Aristotle, là một sinh vật không chỉ sống một mình mà là sống trong xã hội. Ngay khi còn ở tình trạng nguyên thủy, xã hội cũng cần một hình thái tổ chức, và từ đó, khái niệm trật tự xuất hiện. Trật tự đó là trật tự xã hội. Những thay đổi của thiên nhiên, như đêm và ngày, bốn mùa đã được nhận biết từ lâu, đặt cơ sở cho những nhận thức về thay đổi và chuyển động. Thần linh ở cõi trên, là sức mạnh của đất trời, do con người tạo ra từ hình ảnh của chính mình.

Vấn đề để tồn tại là trước hết con người phải có khả năng uốn nắn sức mạnh thiên nhiên theo sở ý. Trước khi làm việc này dựa trên cơ sở khoa học, con người đã tin và thực hành nghi thức cầu xin những phép thần thông kỳ diệu. Hai điều này có những tuơng đồng. Thần thông nhằm đạt một kết quả nào đó dựa trên một hình thức nghi lễ chặt chẽ. Đó là cách thể hiện nguyên lý nhân quả theo đó cùng những điều kiện khởi đầu ta sẽ có những kết quả tương tự. Thần thông nhìn dưới lăng kính này là hình thức nguyên thủy của khoa học. Tôn giáo khác, và bắt nguồn từ một động cơ khác. Đó là tìm những kết quả mong muốn dẫu chúng không tuân thủ những luật lệ thiên nhiên. Tôn giáo dựa vào phép lạ, và phủ nhận nguyên lý nhân quả. Dẫu chúng ta thường thấy hai phạm trù này lẫn lộn trong xã hội loài người, tôn giáo và thần thông hoàn toàn dựa trên những cơ sở khác biệt.

Từ những hoạt động cộng sinh, nhu cầu thông tri đẩy con người đến phát kiến ngôn ngữ với mục đích cho phép cùng nhau thực hiện những việc cần nhiều người. Khái niệm căn bản ở đây là sự đồng thuận. Cũng tương tự, đó là điểm tiên khởi của Lôgich. Thông tri với nhau, con người có thể đạt đồng thuận nhiều hơn là giữ những đặc thù bất đồng và cá biệt. Khi không đạt đến sự đồng thuận, tổ tiên chúng ta thường giải quyết bằng sức mạnh cơ bắp. Đánh cho chết, kẻ phản biện không nói và làm gì nữa. Nhưng cũng đôi khi những khác biệt được giải quyết qua thảo luận bàn bạc. Đó là thế cách của khoa học và triết học. Xin bạn đọc tự mình đánh giá từ thời tiền sử nhân loại đã đi được bao xa trong thế cách này.

Triết lý Hy Lạp, qua nhiều giai đoạn, biểu tỏ tầm quan trọng của khái niệm nhị phân. Đây vẫn là đề tài mà triết gia vẫn còn luận bàn và viết lách cho đến nay. Ở tầng sâu nhất, căn bản của thuyết nhị phân là sự phân biệt giữa đúng và sai. Liên quan đến điều này, trong triết học Hy, là phân biệt giữa Tốt đẹp – Xấu xa, An hòa – Xung đột. Rồi biểu hiện- thực chất, tinh thần – vật chất, tự do – bức thiết… Trong vũ trụ học, thì là những cặp khái niệm như nhiều-ít, đơn giản-phức tạp, trật tự-hỗn mang, giới hạn-vô cùng…Phương cách những vấn đề này được thảo luận rất bổ ích. Có những trường phái khai triển một mặt của nhị phân, và những trường phái khác đi ngược lại, khai triển mặt kia. Rồi sau, có thêm trường phái thứ ba dung hòa hai quan điểm trên, đưa đến những nhận định tổng hợp khác. Từ những cuộc tranh luận giữa những trường phái trong thời tiền-Socrates mà Hegel sau này đã phát kiến khái niệm biện chứng trong Triết học.

Những cặp khái niệm nhị phân vừa kể ra có dính líu với nhau, nhưng ta phân biệt chúng để trình bày riêng rẽ những câu hỏi được đặt trong nhiều phạm trù. Đúng-sai trong Lôgich học. Xấu-Tốt và An hòa-Xung đột trong Đạo đức. Biểu hiện-Thực chất, Trí tuệ-Vật chất trong khoa Nhận thức luận. Còn lại, là nhị phân trong Bản thể học, hay lý thuyết của cái Là. Giới biên của những phạm trù nói trên không như đinh đóng cột. Một trong những thuộc tính của Triết Hy là xô đẩy tư duy để vượt qua những giới biên này.

Trường học đầu tiên cũa những Triết gia khoa học ở Miletus, nơi gặp gỡ giao thương bên bờ biển Ionian. Phía đông nam Miletus, là Cyprus, Phoenicia và Ai Cập. Phía bắc, biển Agean và Hắc Hải. Phía tây, là Hy Lạp và đảo Crete, rồi phía đông, Miletus nằm xát Lydia và cạnh đó là vương quốc Mesopotamia. Miletus ở một vị trí có ưu thế đặc biệt. Cảng thành phố là nơi ngang dọc thương thuyền đến từ nhiều xứ, và kho chứa hàng ăm ắp sản vật bốn phương. Người thành Miletus học cách đúc tiền từ Lydia, tạo ra phương tiện trao đổi hàng hóa qua tiền tệ. Không có gì đáng ngạc nhiên khi các triết gia ở thành phố này đặt câu hỏi mọi sự vật cấu thành từ cái gì.

“Mọi sự vật cấu thành từ nước” là câu trả lời được truyền tụng của Thales (620-547 TCN). Truyền thống Hy coi vị này là một trong 7 hiền giả. Qua sử gia Herodotus, Thales từng dự đoán được nhật thực vào 585 TCN, và dẫu ông không đưa ra lý thuyết nào, có lẽ ông khá am hiểu những giải trình về thiên văn của người Babylonia. Dựa trên đó, dự đoán của ông chính xác khiến ông nổi danh. Về hình học, khá đáng ngờ chuyện ông xác lập định lý về sự tương đồng những tam giác vuông (có cạnh bằng nhau), và dùng cách tính Ai Cập, ông tính được chiều cao của Kim Tự Tháp, khoảng cách từ bờ biển đến một thương thuyền, và những vật thể to lớn khác không với tới đo đếm được. Ông hẳn biết hình học có những qui luật tổng quát. Khái niệm tổng quát là phát kiến của Hy Lạp.

Thales được cho là người đề xuất rằng nam châm có linh hồn vì nó làm sắt chuyển động. Nói rộng, mọi vật thể đều có thần linh ẩn ngụ. Nhưng câu này thì khá đáng ngờ là do ông nói. Và bảo rằng nam châm có linh hồn chỉ có nghĩa khi những vật thể khác không có mà thôi. Nhiều điều đồn đãi về Thales, và có những cái đúng. Một lần, ông chứng tỏ tài thực dụng của ông, biết qua kiến thức thiên văn rằng sẽ được mùa ôli. Ông liền thuê tất cả những dụng cụ ép dầu, độc quyền bán và định giá, trở nên giầu có và nhất là minh chứng rằng triết gia cũng làm ra tiền.

Điều có thể cho là quan trọng là thế cách ông nhìn thế giới như cấu thành từ nước. Đây không phải là mưu mẹo mánh khoé , và cũng không là giả tưởng cắt đứt khỏi những quan sát nghiêm túc. Hydrogen, một thành tố làm ra nước, ngày nay được coi như thành tố cấu tạo những chất hữu cơ. Nhìn thế giới vật chất là một có thể coi như một giả thiết khoa học. Qua nhận xét, biển kề cạnh cho phép thấy rằng nước biển bốc hơi, thành mây, và mây rơi xuống thành mưa.

clip_image014Thales

Trái đất như vậy là nơi hội tụ nước. Những chi tiết này dẫu kỳ khôi nhưng rất phù hợp với khám phá rằng nước là một dung dịch đồng trạng ở khắp nơi trên mặt đất.

Triết gia thứ hai ở Miletus là Anaximander, sinh khoảng 610 TCN. Giống Thales, ông là một nhà phát minh có tinh thần thực dụng. Là người đầu vẽ bản đồ, ông còn lãnh đạo một tập hợp cư dân sống trên bờ Bắc Hải. Aniximander phê phán vũ trụ luận của những người đi trước. Tại sao chọn nước là yếu tố cấu tạo trái đất ? Yếu tố đầu không thể có một thể đặc thù. Nó phải là cái gì đó khác, và thật cơ bản. Lý do là mọi vật thể xung động với nhau, như lạnh với nóng, ẩm thấp với khô nhiệt, liên tục tạo tác động lên trạng thái cân bằng. Nếu có một vật chất cấu tạo cơ bản, nó tất nhiên đã ngự trị những vật chất khác nó. Vật chất này là, theo Aristotle, vật chất nguyên khởi. Anaxixmander gọi nó là vật thể vô biên cương, một cái kho vô tận của vật chất giãn ra trong mọi chiều, từ khi thế giới được sinh ra cho đến lúc nó hủy diệt.

clip_image016Anaximander

Anaximander tưởng tượng trái đất hình trục mà chúng ta ở đầu này hay đầu kia. Thế giới chúng ta là một trong muôn vàn thế giới xung quanh, cái mà nay chúng ta gọi là Ngân hà. Vận hành của mội thế giới theo chuyển động xoáy cuộn lôi trái đất về trung tâm điểm. Chuyển động này do những bánh xe lửa quay trong không khí quanh một điểm. Chúng ta có thể tưởng tượng ra chúng như như những ống tuýp xe với đầu van mở ở điểm ấy. Không khí, theo người Hy thưở đó, là gì có thể khiến cho vật thể không còn nhìn ra được.

Về nguồn gốc con người, Aniximander có một tầm nhìn độc đáo và rất hiện đại. Nhận xét rằng con người khi trẻ cần một khoảng thời gian dài phải bảo bọc, ông đến kết luận giả thử như con người khi xưa cũng như con người hiện tại, nó đã chẳng thể sống sót.

Như vậy, con người phải tiến hoá từ một loài vật có khả năng tự tồn sớm hơn. Đây là loại lý luận redutio ad absurdum, tạm dịch là qui nạp phi lý, chứng minh nếu lý giải câu chữ ta sẽ đến một kết cục vô lý. Từ giả thiết không có tiến hóa, ta suy ra con người không sống sót, điều hiển nhiên là vô lý vì con người vẫn tồn tại. Vậy, phải bỏ giả thiết ấy, tức là nếu con người cứ như con người hiện nay, nó không còn tồn tại. Và sống sót, con người ắt phải trải qua một quá trình tiến hóa. Anaximander đi xa hơn, khẳng định người tiến hóa từ loài cá trên biển, và đưa bằng chứng qua những di vật xương hóa thạch và cách cá mập nuôi cá con. Nhìn nhận như vậy, vị triết gia này của chúng ta nhất định không ăn cá. Những con cá mập, đồng loại của chúng ta, có những tình cảm tế nhị tương tự hay không, lại chẳng được ghi nhận.

Triết gia thứ ba thời kỳ Miletus có tên Anaximenes. Ông trẻ nhất trong số ba người, nhưng ta chẳng biết gì hơn thế. Lý thuyết của vị này là những bước lùi. Nhưng nếu cách nhìn của ông ít tính phiêu lưu, nó lại có tác động lâu dài. Giống Anaximander, ông cho là có vật chất cấu thành thế giới, nhưng lại xác quyết đó là một dung dịch đặc biệt trong không khí. Hình thể dung dịch này đến từ sự ngưng tụ và rút khí làm lỏng. Không khí là sản phẫm của linh hồn, nó giúp ta sống cũng hệt như không khí nuôi dưỡng trái đất. Cách nhìn này sau được trường phái Pythagoras chấp nhận. Trong vũ trụ luận, Anaximenes hoàn toàn sai. May thay, trên vấn đề này, những người theo ông lại vay mượn từ Anaximander. Phần còn lại, họ dựa vào Anaximenes, điều có thể chấp nhận được.

Những triết gia thành Miletus khá nhiệt tình dấn thân như những chuyên gia ngày nay. Họ có những cam kết ràng buộc rất thực dụng với thành quốc và phải xoay trở cấp bách trước nhiều tình huống bất ngờ. Có truyền thuyết về một trước tác trình bày luận thuyết địa dư ở nghĩa rộng của Anaximander. Những trước tác

clip_image018Anaximenes

còn giữ được thời đó thường là loại “những tổng kết về bản chất vật lý của vạn sự”, đối tượng khá tản mạn và mức độ tư duy không được mấy sâu xa. Phản bác quan điểm hiểu biết tạp nhạp này, Heraclitus[16] sau đã đánh lên những hồi chuông cảnh tỉnh.

Trong triết học câu trả lời không quan trọng bằng câu hỏi đặt ra. Ở chừng mực này, học phái ở Miletus đáng được tôn trọng. Không gì lạ khi Ionia có Homer, và tất có những khả năng trí tuệ khác. Tôn giáo đối với Homer mang thuộc tính trung dung. Khi cường độ huyền bí không quá tải trên vai xã hội, tư duy khoa học chiếm ưu thế. Những triết gia Hy của những học phái triết lý sau này đều ít nhiều nhiễm tính bí nhiệm, và phần còn lại họ ít hay nhiều đều mắc nợ những triết gia Miletus.

Học phái Miletus không dính dáng gì đến những phong trào tôn giáo. Điều thật đáng lưu tâm là những học phái tiền-Socrates đều không đối đầu với những truyền thống tôn giáo, kể cả trường phái Pythagoras. Tôn giáo được thực hành và tuân thủ trong sinh hoạt của mọi thành phố thời cổ-Hy Lạp. Chỉ khi triết gia đeo đuổi con đường của riêng mình, lúc đó họ mới va chạm mâu thuẫn với tôn giáo, thế lực có thể xâm đoạt tư duy độc lập ở mọi chốn và trong mọi thời điểm.

Đảo Samos[17] ở men biển Ionian, dẫu gần về mặt địa lý, nhưng có một truyền thống bảo thủ hơn những thành quốc trên đất liền. Ở đó, sự liên tục của nền văn minh Agean trong quá khứ tồn tại. Trong khi Iona ở thời Homer và học phái Miletus thuở sơ khai không mang khuynh hướng tôn giáo nặng nề thì đảo Samos thiên về ảnh hưởng của Orpheus và tạo ra những niềm tin còn ghi dấu ấn cho đến thời Creto-Archae. Sự thờ phụng thần linh Olympian thời đó không bị ràng buộc bởi những giáo điều nghiêm ngặt của tôn giáo. Truyền thống Orpheus, dựa trên sự chia sẻ những sấm ký và kinh sách triết lý được đưa vào đời như là thế cách sống, điều mà sau này Socrates cũng tán thành.

Người tiên phong trong tinh thần mới vừa nói là Pythagoras, sinh ra ở Samos. Ít thông tin về đời ông, nhưng ông lừng danh khoảng 532 TCN, dưới thời nhà độc tài Polycrates. Thành phố trên Samos là kình địch của Miletus và những thành phố trên đất liền đã rơi vào tay người Ba Tư sau 544 TCN. Thương thuyền của người Samos vẫn di chuyển trên Địa Trung Hải, nhờ liên minh của Polycrates với Amasis, vua Ai Cập. Không lấy làm lạ khi ta biết chuyện Pythagoras rời Samos vì không chịu được sự trấn áp của Polycrates, đi Ai Cập và học Toán học ở đấy. Sau, ông an cư ở Croton, một thành phố Hy Lạp ở miền nam nước Ý, lập ra một giáo phái, sống 20 năm cho đến 510 TCN. Ông về hưu ở Metaponton sau khi cơ sở của giáo phái bị đốt phá, rồi chết ở đấy.

Chúng ta đã thấy đối với cư dân thành Miletus, triết lý là những thực hành, và triết gia, những người hành động. Điều ngược lại được Pythagoras đề xuất. Với vị này, triết lý thành sự chiêm ngưỡng thế giới. Đây có thể là ảnh hưởng của truyền thống Orpheus trên thế cách ông sống. Có ba thế cách đó, và ba loại người trong xã hội có thể dự vào cuộc Thế vận hội (olympic game). Loại thấp nhất là những doanh nhân buôn qua bán lại; loại thứ nhì, những lực sĩ tham dự đua tranh; và loại cao nhất là khán giả đến coi những trận đấu, tức những lý thuyết gia ở nghĩa đen. Đây là những triết gia. Triết lý trong thế cách sống là cách duy nhất cho phép vượt được sự tin tưởng vào tình cờ và thoát khỏi vòng bánh xe sinh tử. Lý do, theo Pythagoras, là vì linh hồn trải nghiệm một loạt những kiếp luân hồi.

Ngoài phương diện tôn giáo, học phái Pythagoras xác lập truyền thống khoa học, nhất là trong bộ môn Toán. Kế thừa truyền thống này chính là những nhà Toán học. Mặc dầu có những nét bí nhiệm huyền ảo rơi rớt lại từ ảnh hưởng Orpheus, phương diện khoa học của học phái Pythagoras không bị tư tưởng tôn giáo bẻ quẹo. Khoa học không thành tôn giáo, mặc dầu sự đeo đuổi nghiên cứu khoa học có thể gắn với một ý nghĩa tôn giáo nào đó.

Về mặt này, giáo phái Pythogoras giữ truyền thống tiết chế và cung cách trung dung để lại từ thời tiền cổ. Ba thế cách sống nhắc lại trong nhiều học phái tiền-Socrates cũng được lập lại trong trước tác “Nền Cộng Hòa” của Plato, triết gia làm được một cuộc tổng hợp lý thuyết của những người đi trước.

Một phương tiện nổi trội trong việc thanh tẩy cuộc sống thế tục này là âm nhạc. Quan tâm của Pythagoras trên phương diện này khiến có lẽ ông khám phá ra những tương quan số học của cái nay chúng ta gọi là âm đoạn (musical interval). Một sợi dây đàn sẽ phát âm một ốcta nếu chiều dài của nó bị cắt ½, phát ¼ ốcta nếu nó bị cắt 3/4, và phát 1/5 ốcta nếu bị cắt 2/3. Ba âm đoạn một sợi dây đàn được lấy ra so sánh với ba thế cách sống, và dẫu ít nhiều có tính ước đoán tư biện, điều này đã ảnh hưởng quan trọng lên tư tưởng triết học Hy Lạp. Khái niệm hài hòa trong nghĩa cân bằng, điều chỉnh những đối cực như cao, thấp khi lên dây đàn, khái niệm về điểm trung bình, về trung dung trong đạo đức, nguyên tắc bốn tính khí, tất cả đều đến từ khám phá của Pythagoras. Sau này, chúng ta lại thấy chúng xuất hiện trong trước tác của Plato.

clip_image020

Tượng Pythagoras

Rất có thể khám phá số trong âm nhạc dẫn đến khái niệm rằng mọi sự đều là những con số. Để hiểu thế giới xung quanh, ta phải tìm ra những con số đó. Một khi khám phá ra cấu trúc hệ thống số đó, ta sẽ thống trị thế giới, một quan điểm tối quan trọng. Nếu như ý nghĩa sự việc này có giảm tầm sau thời hậu cổ-Hy Lạp, ta vẫn nhận ra nó khi tra vấn nguồn hưng phấn từ những tư duy cổ đại. Với Pythagoras, quan tâm về Toán học không đến từ những đòi hỏi thực dụng. Người Ai Cập có kiến thức Toán, nhưng không nhiều hơn kiến thức cần để đo chiều cao những Kim Tự Tháp hay đo đạc diện tích nông điền. Người Hy Lạp nghiên cứu Toán, “chỉ cho nhu cầu nghiên cứu mà thôi” theo cách nói của Herodotus, người cùng với Pythagoras là hai khuôn mặt điển hình nhất. Ông triển khai cách trình bày những con số qua sắp xếp những hòn sỏi. Phương cách này được dùng nhiều lần, và trong một quá trình khá dài. “Tính toán” trong tiếng La Tinh đồng nghĩa với ‘sắp xếp những hòn sỏi’[18]. Pythagoras nghiên cứu những chuỗi số liên quan đến hình học. Thí dụ, xếp nhưng hàng sỏi, hàng sau có thêm một viên,và cứ thế tiếp tục hàng thứ 3, ta có số “tam giác” (thí dụ 1+2+3)[19] . Nếu xếp 4 hàng, ta sẽ có số “tetraktys”, như 1+2+3+4=10. Tương tự, tổng số của nhưng số lẻ sẽ cho một số ‘’vuông’’ ( thí dụ 1+3+5), và tổng số của những số chẵn sẽ cho một số “dài” (thí dụ 2+4+6).

Trong hình học, dẫu không biết Pythagoras chứng minh thế nào nhưng ta biết ông khám phá ra một định lý quan trọng, theo đó bình phương của cạnh huyền một tam giác vuông bằng tổng số bình phương hai cạnh bên. Ở đây, chúng ta có một mệnh đề tổng quát có chứng cứ chứ không là qui tắc tùy tiện. Sự khám phá ra định lý này dẫn đến xì-căng-đan, vì khi cạnh bên bằng 1 thì không có con số nào chỉ được cạnh huyền. Vấn đề này không thể giải quyết với tập hợp số hữu tỷ. Để giải quyết, chúng ta cần đến khái niệm số vô tỷ (“irrational”) mà trường phái Pythagoras sau này xác lập. Từ “irrational” trong bối cảnh này chỉ tính xì-căng-đan của vụ việc mà theo người đời kể thì có một thành viên của trường phái bị dìm chết dưới biển vì tiết lộ bí mật.

Trong lý thuyết về thế giới, Pythagoras dựa trên học phái Miletus, pha trộn với lý thuyết về số của ông. Những con số được gọi là những “hòn sỏi giới hạn”, hẳn vì khái niệm này liên quan đến cách đo đạc nông điền. Vô giới hạn, theo ông là không khí, có hạn độ đo lường (mesures) khác biệt. Và để cụ thể, không khí được so sánh như đồng nhất với bóng tối, tạo giới hạn cho lửa. Khái niệm này rõ là đến từ bầu trời ban đêm với những vì sao. Giống như học phái Miletus, Pythagoras cho rằng có nhiều thế giới, nhưng không phải là không đếm hết được. Theo cách nhìn của Anaximander, ông cho rằng trái đất hình cầu chứ không là vòng xoáy. Sau này, những người Samos môn đồ của ông đề xuất lý thuyết nhật tâm, lấy mặt trời làm trung tâm điểm vòng quay của trái đất.

Quan tâm Toán học của Pythagoras dẫn đến lý thuyết Ý thể, hay lý thuyết phổ quát, sau này. Khi một nhà Toán học chứng minh một mệnh đề về tam giác, nó là tam giác trong trí tuệ họ chứ không phải là một tam giác nào đó trong thực tế. Như vậy, chúng ta phân biệt cái thấy qua cảm nhận, và sự nhận thức qua trí tuệ. Một mệnh đề toán đúng, là đúng ở mọi thời điểm, mọi nơi, không ngoại lệ. Từ đó, điều nhận thức được mới thật có, hoàn hảo và vĩnh cửu, trong khi cảm nhận có thể chỉ quá độ và lệch lạc. Cách nhìn này đến trực tiếp từ trường phái Pythagoras, và đã ngự trị tư duy triết lý và tôn giáo từ thời xa xưa đó.

Xin nhớ rằng Apollo là thần linh chính, mặc dầu có những yếu tố mang quan điểm Orpheus trong hệ thống những niềm tin của trường phái Pythagoras. Dưới thế cách này, chúng ta phân định thần học duy lý của Âu châu với những tôn giáo bí nhiệm của phương Đông.

Dưới ảnh hưởng của trường phái Pythagoras, một quan niệm mới về tôn giáo được khai triển. Với những thần linh truyền thống, Xenophanes đã “xét lại” một cách nghiêm túc. Sinh năm 565 TCN ở Ionia, ông chạy đến Sicily khi người Ba Tư xâm lăng vào 540. Mục tiêu chính của ông là truất phế đền thờ đa thần Olympia với hình tượng thần linh mang dáng vóc hình ảnh con người. Ông chống tính huyền bí của truyền thống Orpheus và châm chọc chế giễu Pythagoras.


[1] Xin đề nghị qui ước phân kỳ như sau : toàn bộ nền văn hóa Hy Lạp được chia ra ba thời kỳ. Thời tiền -Socrates là tiền-cổ Hy Lạp, khoảng thế kỷ thứ 7 đến thứ 5 TCN. Sau đó, thời cổ-Hy Lạp từ 470-332 TCN, là một giai đoạn rực rỡ của triết học Hy Lạp ở Athens với 3 khuôn mặt vĩ đại Socrates, Plato và Aristotle. Cuối cùng, thời hậu cổ-Hy Lạp từ 332-146 TCN là từ khi Đại đế Alexander chinh phục BaTư, sau đó văn hóa Athens dần dần được phổ biến khắp nơi ở Trung và Cận Đông

[2] Thales (624-546 TCN) sinh ở Tiểu Á, là triết gia đi đầu trong việc giải thích những hiện tượng tự nhiên mà không qua huyền thoại truyền thống, được coi như người khai sáng và đặt hòn gạch đầu cho cuộc Cách Mạng Khoa Học. Ông cũng là nhà Toán học đầu tiên đặt những tiền đề và dùng phương pháp diễn dịch để từ đó rút ra kết luận (4 hệ luận từ định lý Thales).

[3] Thời đồ đồng, là cái nôi của văn minh ở Đông Á gồm Sumer và những đế chế Akkadia, Babylonia và Assyrian. Mesopotamia là vùng nằm giữa hai con sông Tigris và Euphrates, hiện nay ở Iraq, phía đông bắc Syria, đông nam Thổ Nhĩ Kỳ, và tây nam Iran. Người Sumer và Akkadia ( kể cả Assyria và Babylonia) cai trị từ 3100 TCN. Đế chế Babylonia bị Archaemenid tấn công, thua và tan rã năm 539 TCN và sau bị Đại đế Alexander chinh phục năm 332 TCN. Khi Alexander chết, vùng này thành một vùng của Đế quốc Seulecid Hy Lạp

[4] Đế chế Sumer bị thôn tính bởi đế chế Akkadi của những người nói tiếng Semite vào khoảng trên 2 thế kỷ TCN, biết phân công lao động trong nông nghiệp và có chữ viết từ thế kỷ thứ 3 TCN.

[5] Homer được suy tôn làm nhà sử thi lớn nhất Hy Lạp, tác động rất sâu đậm lên văn chương phương Tây. Không biết chính xác vị này sinh thời nào (từ thế kỷ 8 TCN ?) , nhưng ảnh hưởng của ông qua những diễn ngôn là mô hình cho tính hùng biện trong văn chương nói và viết từ thời cổ đại cho đến thời trung cổ Hy Lạp.

[6] Cuộc chiến tranh được thuật lại trong sử thi Iliad của Homer, gây ra bởi tranh cãi giữa nữ thần Hera và Aphrodite sau khi Eris, thần của sự xung đột, cho họ một quả táo vàng, còn có tên là quả táo của cãi cọ.

[7] Phương Đông chỉ phía đông vịnh biển Agean, vùng Tiểu Á, có Thổ Nhĩ Kỳ, Ba Tư…ngày nay.

[8] Dorian và Ionian là hai trong số bốn cư dân Hy Lạp. Vào thế kỷ thứ 5 TCN, họ đánh nhau trong cuộc chiến có tên là Peloponneian.

[9] Là một hoàng đế trị vì Athens ( 561-527 TCN). Dưới ngòi bút của Homer, tính chính danh của vị vua này xây dựng trên những cuộc tế lễ Panathenaic kính nữ thần Athena. Ông bênh vực tầng lớp thấp, không ngần ngại đấu tranh với đám quí tộc mà ông tịch thu tài sản để chia cho người nghèo, là điển hình một người lãnh đạo theo chủ thuyết xã hội và bình dân.

[10] Là một á thần, con của Zeus, đấng sinh ra thần linh và con người. Dyonisus là thần của rượu, tác gia của nghi lễ tụng ca sự xuất thần mê ly trong thần thoại Hy. Vị á thần này bênh vực những gì không tuân phục qui ước xã hội, ca ngợi biểu tượng của những hỗn tạp, bất ngờ, và nguy hiểm. Với rượu, âm nhạc và nhẩy múa trong những cuộc diễu hành, những kẻ theo vị á thần này hoàn chỉnh phần hồn, được giải phóng khỏi sợ hãi và những quyền năng trói buộc. Vị á thần này được xưng tụng như trung gian giữa những người sống và những người chết.

[11] Nhạc sĩ, thi sĩ, và là kẻ tiên tri trong tôn giáo và huyền thoại Hy Lạp thời cổ sơ. Vị này nổi tiếng có thể quyến rũ mọi sự, kể cả đá, với âm nhạc. Ông cố tìm vợ, là Eurydice, dưới lòng đất và bị giết bởi những kẻ không nghe thấy được những âm thanh huyền diệu.

[12] Apollo được coi là thần của ánh sáng, mặt trời, chân lý và tiên tri, chữa trị bệnh tật … Dẫn dắt một giàn hợp xướng những nàng thơ, Apollo cũng là vị thần của thi ca và âm nhạc. Hermes làm ra cho ông một cây đàn lia, sau thành biểu tượng chỉ vị thần này.

[13] Nay thuộc địa phận Thổ Nhĩ Kỳ, vùng người Ionia di cư từ bờ bên kia biển Agean vào khoảng 8 thế kỷ TCN.

[14] Sử gia ( 484-425 TCN) đầu tiên của thế giới Hy, viết về nguồn gốc của chiến tranh Hy Lạp-Ba Tư với nhiều thông tin địa lý và nhân chủng.

[15] Phương Tây chỉ phía tây vịnh biển Agean.

[16] Triết gia (535 – 475 TCN) thời tiền Socrates, sinh ở Ephesus, Ionia, Tiểu Á, tự học và sống cô độc, người đời gọi là triết gia ủ ê. Ông ngộ ra lẽ vô thường, từng nói “Chằng một ai hai lần bước qua cùng một dòng sông”. Ông tin vào sự hợp nhất của tính nhị phân, cho rằng “lên hay xuống, là một, hệt nhau”.

[17] Đảo ở phía đông biển Aegean, cách bờ Tiểu Á 1,6 km, là nơi chôn nhau cắt rốn của Pythagoras, Epicurus, và Aristarchus, người đầu tiên đề xuất thuyết trái đất xoay quanh mặt trời.

[18] Tiếng Latinh, caculus là những hòn sỏi nhỏ. Nay, trong Toán học, calculus có nghĩa là tính toán.

[19] Những thí dụ trong ngoặc là do người dịch thêm vào cho rõ nghĩa

(còn tiếp)

Comments are closed.