Văn Hải ngoại sau 1975 (kỳ 279): Bể dâu – Nam Dao (16)

MÙA RỪNG ĐỘNG (16)

CỜ TÀN

Ra khỏi phi trường, Nhân vẫy taxi. Thầm nhủ giờ này chắc mẹ chưa đóng cửa tiệm, Nhân bảo taxi chạy về Ngã Sáu. Hơn chục năm nay, Huyền mở một cơ xưởng nhỏ chuyên bọc đệm cho đủ loại ghế, yên xe gắn máy, xích lô. Nói là xưởng, nhưng thật ra là hai gian sau một căn nhà mặt tiền trên đường Lê Văn Duyệt. Thợ có dăm ba người. Chia nhau cắt da, nylông, vào khuôn, đạp máy khâu… họ loạch xoạch từ sáng cho đến khi thành phố lên đèn. Công việc xưởng khá chạy. Khách hàng là tài xế taxi, dân xích lô đạp, xích lô máy và một loạt hãng xe đò chạy đường Sài Gòn – Lục Tỉnh.

Taxi đi dọc đường Trương Minh Giảng. Vừa qua Ðại Học Vạn Hạnh, xe cộ chậm lại, còi bóp inh ỏi. Giữa những hai hàng xe đủ loại xuôi ngược, một ông già rách rưới đứng giữa đường, miệng hò hét, tay chỉ trỏ. Tài xế kêu ‘‘Lại ông nội nhà thơ!’’. Thấy Nhân ngạc nhiên, tài xế tiếp ‘‘Thì Bùi Giáng đó! Ổng khùng, đứng giữa hai làn xe huýt còi chỉ đường. Tháng trước, ổng bị đụng, nằm nhà thương. Ra, ổng lại zậy… Thiệt!’’. Xe taxi chờn tới. Anh tài xế hạ kính xe, vừa cười vừa la ‘‘Sư phụ!’’. Bùi Giáng quay nhìn, mắt kiếng hấp háy, hả miệng móm mém ra cười. Thình lình, Giáng nghiêm mặt, quát lớn ‘‘…Cứ thế này thì bây đâm nhao chết hớt. Hiệp định Paris ký rồi mà bây lơ đi, bộ tính xuống âm phủ cả sao? ’’.

Vòng xuống, xe rẽ trái trên Lê Văn Duyệt. Ngang vườn Tao Ðàn, bỗng dưng Nhân hồi hộp. Khi ra khỏi trại tù binh, Nhân điện thoại ngay về nhà nói chuyện với mẹ, thoáng nghe tiếng ấm ức phía đầu máy bên kia. Nhảy xuống xe, Nhân bước vội vào cửa tiệm. U già xô ra:

– Ối, cậu Nhân đây rồi. Ôm choàng lấy Nhân, U ơi ới gọi… Mợ ơi! cậu Nhân về đây này!

Huyền tất tả từ dưới xưởng chạy lên. Ðứng sững ra nhìn, Huyền nuốt nước bọt kìm một tiếng nấc, nhưng nước mắt ứa ra. Từ ngày Nhân ra Huế là Huyền bặt tin. Nhờ người lên Bộ Tham Mưu hỏi, cả tháng sau Huyền được báo không có tên Nhân trong số lính dù thương vong. Và thế có lẽ là Nhân bị bắt. Bây giờ, Nhân bằng xương bằng thịt, gầy đi, đen đủi, nhưng nguyên vẹn. Huyền tiến đến, tay nắm chặt lấy Nhân. Vỗ nhè nhẹ lên tay mẹ, Nhân mỉm cười. Dẫu không son phấn. mẹ chàng vẫn còn nét sắc sảo của người đàn bà một thời hồng nhan. Huyền choàng tay ôm lấy vai Nhân, giọng dịu dàng:

– Con về nhà trước nghỉ một tí. Mợ sẽ về ngay.

Quay sang U già, Huyền dặn:

– U đi chợ nhớ mua những món Nhân nó thích!

U già ra cửa, đợi Nhân, miệng bỏm bẻm nhai trầu. ‘‘U sẽ nấu cho cậu một bát canh thiên lý!’’, U nói, mắt nhìn trìu mến. Nhân cười, vẫy xích lô cho U già rôi thong thả khoác balô, dọc xuống Võ Tánh. Như ngày còn thơ ấu, Nhân vào cái ngách cạnh phở 79, đi tắt sang Lê Lai, lối Nhân thuộc làu. Mở khóa ngoài, Nhân đẩy cửa, miệng gọi Lương. Không có tiếng đáp.

Nhân lên lầu ba, vào căn phòng riêng nơi Nhân học, ngủ, mơ mộng thời niên thiếu. Không có gì thay đổi, vẫn kệ sách đủ loại. Một bên sách y khoa. Bên kia là truyện. Tay vuốt ve lên gáy những quyển sách phớt bụi, Nhân thấy lòng mình êm ả lắng xuống. Dòng nước từ mạch ngầm một ngọn nguồn sâu thẳm từ từ ứa lên, tràn đầy, trong veo, ngọt ngào. Rút một cuốn sách. Lạ chưa, đúng quyển sách Bùi Giáng dịch Hoàng Tử Bé của St-Exupéry. ‘’ Hãy vẽ cho em một con cừu!’’, hoàng tử hỏi. Tay phi công lạc lõng trong sa mạc ngạc nhiên: ‘‘ Một con cừu?’’. ‘‘ Đúng thế, một con cừu! ’’.

Nhân đẩy cửa phòng bước ra sân thượng. Nắng Sài Gòn chói chan trên mái nhà thờ Huyện Sĩ. Bên kia, ga xe lửa với những đường rai ngoằn nghèo và dăm toa tầu chơ vơ. Tất cả, vẫn còn đó. Vẫn vậy. Nhân khép hờ mi mắt, không tưởng tượng lại được cánh rừng vây quanh trại K7. Mái chuông nhà thờ La Vang. Bờ giao thông hào văng vẳng tiếng hô ‘‘ hàng sống, chống chết’’. Những đồi cát trắng xóa đầy xác người thối rữa, rồi tiếng đại pháo đủ loại cự ly. Tất cả biến mất, như khi mở mắt thức dậy sau một cơn ác mộng. Thì ra, Nhân thầm nhủ, vậy mọi chuyện chỉ là một cái chớp mắt. Kể cả chuyện tử sinh.

*

Thu xếp xong công việc, Huyền tất tả về nhà thì U già đi chợ cũng vừa đến đầu ngõ. Nàng lên phòng Nhân, thấy con thiu thiu ngủ, người vẫn mặc bộ quần áo rằn ri của binh chủng Dù. Xuống bếp, Huyền tự tay nấu, lòng thanh thản vơi được nỗi lo âu từ ngày Nhân lên đường ra mặt trận Quảng Trị. Quay đi quay lại, thế mà đã gần một năm. Ðêm Giáng Sinh, Huyền quì dưới chân tượng Ðức Mẹ cầu nguyện cho hòa bình và xin ơn trên che chở để Nhân bình yên. Khi đó, Hà Nội bị bom B-52. Trên đài truyền thanh Sài Gòn, thông tin về chiến sự bỗng mang giọng điệu gỡ gạc của một tay cờ bạc về sáng chưa đến độ trắng tay. Người ta đồn, thế là Mỹ không ký Hiệp Ðịnh Paris. Ít lâu sau, có tin Kissinger qua Paris. Dân Sài Gòn xì xào Cộng Sản Bắc Việt xin hàng. Và ký kết Hiệp Ðịnh Paris, người ta bàn, chẳng qua chỉ là chuyện ngưng bắn, Mỹ không thể bỏ Việt Nam được.

Ðến trưa, Lương đi học về. Biết Nhân trên lầu, Lương nhảy ba bước một lên. Lát sau, hai anh em xuống nhà dưới. Nhân đã tắm rửa, mặc quần áo dân sự, trông khác hẳn. Bữa cơm gia đình từ lâu vắng mặt Nhân hôm nay rộn rã tiếng nói cười. Trừ một thoáng. Ðó là khi Lương buột miệng:

– Chà, em cũng muốn đi lính!

Huyền tái mặt, buông đũa xuống. Vờ như không nghe, Nhân lảng chuyện, hỏi mẹ xem có ai tìm thăm mình trong thời gian vắng mặt không. Ðứng dậy vào phòng riêng, lát sau Huyền ra, đưa vào tay Nhân một lá thơ. Nhìn qua, Nhân nhận ra nét chữ Dao Ánh. Huyền nhẹ giọng:

– Thơ của Ánh, mợ không mở. Hai tháng sau thì Ánh viết cho mợ, rồi thỉnh thoảng gọi điện thoại về hỏi tin con.

Nhân ngập ngừng:

– Ánh có nói gì về Thuyết không?

Huyền lắc đầu. Nàng biết chuyện Thuyết ‘‘nhảy núi’’ và mập mờ đoán được tình cảm giữa ba người thuở họ còn là sinh viên dăm năm trước. Nhìn Nhân lẳng lặng nhét vào túi áo bức thư, Huyền động lòng thương con. Nàng quay mặt đi. Hàng lông mép lưa thưa khẽ run rẩy khi Huyền mím môi, phản ứng lâu ngày thành nếp mỗi khi Huyền phải kìm xúc động.

– Con được ở Sài Gòn bao lâu? Huyền hỏi.

– Dạ… chắc chừng một tuần. Mai con lên trình diện trên Quân Y, đợi lệnh về đơn vị.

– Con về đơn vị cũ?

Nhân gật đầu. Huyền gặng:

– Vẫn Nhảy Dù?

Nhân lại gật, giọng nhẹ nhàng:

– Chắc vậy! Nhưng đại đội cũ ‘‘ tan hàng’’ rồi. Vẫn Dù, nhưng con không biết đơn vị nào.

Ghìm một tiếng thở dài, Huyền đứng lên:

– Thôi, nghỉ ngơi ít hôm, sau hãy hay, con ạ!

*

Buổi chiều, Nhân tạt qua chào chú Hoàng. Từ lâu, chú ở một mình. Nhà chú trong hẻm đường Bùi Thị Xuân, sát cổng xe lửa số hai, ngày ngày giờ giấc được đánh động bằng tiếng xe rầm rập nghiến trên đường sắt. Mười ba năm trước, sau khi Huyền hét ‘‘Đàn ông chi mà vậy’’ thì hai người chia tay. Nhìn chú ủ rũ chẳng khác một con gà rù, Nhân giúp chú xếp hành trang lên một cái xích lô, không biết nói gì và cũng chẳng dám hỏi tại sao. Từ đó, chú hút thuốc phiện, viết báo và tiêu dần số vàng gia đình chú mang từ Hải Phòng vào. Mẹ Nhân không nhìn mặt chú, có việc liên quan thì Nhân sang nhắn, và từ khi Lương lớn, Lương thay Nhân làm cái việc đưa tin. Dẫu sao, Lương cũng là con chú Hoàng. Và Huyền không bao giờ cấm Lương qua lại thăm chú, nhưng chẳng hề hé miệng nói gì.

Nhân gõ cửa. Tiếng dép loẹt quoẹt kéo lê trên sàn đá lát. Cửa hé ra cùng với tiếng ho khục khặc. ‘‘A, Nhân đấy à!’’, chú Hoàng reo lên, tay kéo Nhân vào nhà. Chú cười, giọng vui vẻ, ‘‘ khi Lương báo không có tin Nhân, chú đã sờ sợ. Lúc Hiệp Ðịnh Paris ký kết thì chú chỉ có mỗi một hy vọng, là gặp lại được Nhân lành lặn, an bình… Mọi chuyện khác, chú coi là xong tất! ’’.

Bước vào nhà trong, Nhân thấy bác Quỳnh, bạn chú Hoàng, ngồi trên tấm phản, lưng dựa vào tường, trước mặt là khay thuốc. Bác gạt cái tẩu sang một bên, tay vẫy miệng nói:

– Thế nào chiến sĩ, được thả hả?

Nhân vui vẻ gật đầu. Ðẩy cho Nhân ngồi xuống, chú Hoàng hỏi:

– Ðánh đấm ra sao mà bị bắt?

Thình lình, những đồi cát vùng Quảng Trị hiện về như một lời nguyền độc. Cánh rừng che căn nhà đầy trẻ con với một ni cô già, đầu bức tượng Ðức Mẹ La Vang trên nền đất, điếu thuốc cuối cùng và phát súng của Ðại úy Hiển kết thúc đời mình… Tất cả đồng hiện, xen vào nhau, xòe ra rồi tụ lại muôn vàn hình ảnh trên một chiếc gương vỡ thành mảnh nhọn châu đầu đâm vào một tụ điểm. Tất cả lại đồng biến, bỏ lại đằng sau một cõi mênh mông không có sự sống. Bác Quỳnh giục, Nhân đáp lấy lệ, thần trí bỗng giãn ra đến gần như chẳng còn trí nhớ. Chú Hoàng chép miệng:

– Thời bác Quỳnh với chú đi kháng chiến chống Pháp, chỉ đến Bazoka là cùng chứ đâu có đủ thứ đồ chơi giết người hiện đại như bây giờ. Thế mà nghĩ lại cũng vẫn còn sợ nữa là…

Bác Quỳnh ngửng lên, giọng buồn bã:

– Với Hiệp Ðịnh Paris, về mặt chính trị thì còn tệ hơn những điều khoản của Genève năm 54. Nay, có thêm cái khoản miền Nam gồm hai bên, Việt Nam Cộng Hòa và Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam. Nhưng ai cũng biết Mặt Trận và miền Bắc là một. Nếu có bầu ra một chính phủ miền Nam thì còn đèo vào Lực Lượng Thứ Ba nữa. Như vậy, Việt Nam Cộng Hòa là thế thiểu số, tất sẽ thua! Trên chiến trường, với Hiệp Ðịnh thì Mỹ không trực tiếp can thiệp, nên không còn làm chủ được bầu trời. Dưới đất, ta thua trận thử lửa ở Hạ Lào. Việt Nam hóa chiến tranh để Mỹ đạt ‘‘hòa bình trong danh dự’’ kiểu Nixon, có nghĩa là Việt Nam Cộng Hòa thua một mình, chỉ trong dăm ba năm nữa là cùng!

Nhân nhìn bác Quỳnh. Tuy chỉ thỉnh thoảng gặp bác ở nhà chú Hoàng, Nhân từng được nghe nói nhiều về bác. Trước thế chiến, bác là một trong những nhà văn nhóm Hàn Thuyên. Thuở đi kháng chiến, khi có kẻ gọi bác là đồng chí trong một buổi họp Văn Nghệ Sĩ trên chiến khu, bác sẵng ‘‘ Tôi không là đồng chí các anh. Tôi kháng chiến chống Pháp như một người quốc gia’’. Năm 52, bác dinh tê, vào Huế rồi Sài Gòn. Khi chính quyền Diệm – Nhu xử dụng một số những người ‘‘ kháng chiến cũ’’, bác đã hy vọng tham gia vào giấc mơ xây dựng một miền Nam không Cộng Sản. Nhưng chỉ ít lâu sau, nghe có người ương ngạch không chịu đi giật lùi sau khi yết kiến Diệm bị loại khỏi chính quyền, bác nổi giận, từ đó phát biểu kiểu nước đôi, không chống không theo. Bị chụp cái mũ ‘‘đệ tứ’’ mặc dầu, thực ra, bác thuộc thành phần không đảng phái, bác giao du rộng rãi, vỗ ngực xưng mình là ‘‘anarchiste’’ vô chính phủ, lập ra một cái ‘‘đàm trường’’ qui tụ lớp thanh niên có lý tưởng xã hội nhằm đào tạo một thế hệ trẻ. Nhân có đến ‘‘đàm trường’’ dăm ba lần, nhưng không gắn bó mấy. Bác nhẩn nha hỏi:

– Cậu thấy ‘‘người anh em’’ bên kia thế nào? Tại sao họ thắng chúng ta trong cái cuộc chiến thần thánh chống Mỹ cứu nước của họ?

Nhìn lên, Nhân hồi tưởng thời gian là tù binh ở K7. Không thấy Nhân đáp, chú Hoàng chậm rãi:

– Cứu nước chống ngoại xâm là ‘‘nghề của chàng’’ từ nghìn năm nay. Ðó là một thuộc tính văn hóa đã trở thành thứ bản năng không cần suy luận diễn dịch. ‘‘Người anh em’’ tung khẩu hiệu đúng, nên động viên được sức dân! Ðối phó lại, miền Nam chúng ta chỉ chống Cộng. Nhưng thử hỏi có bao nhiêu người biết Cộng Sản là cái gì? Thế thì làm sao mà chống triệt để được!

Nhân ngắt lời chú Hoàng:

– Vâng, có điều đó. Nhưng sau khi trải nghiệm một thời gian với ‘‘người anh em’’ bên kia, cháu thấy thêm một nhân tố…

Bác Quỳnh ngồi lên, miệng giục:

– Cậu thấy gì?

– …phần lớn họ là những con người sống chết trong một cái guồng quay, cá nhân họ chỉ tồn tại vì lực qui tâm tạo ra từ thứ chuyển động vòng hút lấy họ và đặt họ lên vị trí một quĩ đạo khá chính xác có tên là lòng thương nòi yêu nước. Cái guồng quay vừa nói được cấu trúc tinh vi, và trên mọi mặt chứ chẳng chỉ thuần quân sự. Họ nghe và tin miền Nam bị áp bức, đói nghèo, và phải được giải phóng. Miền Nam chúng ta chẳng có lấy một cái guồng quay nào như thế. Chúng ta chống Cộng, nhưng trừ một số người thành thị có ăn có học mới biết chuyện Cải Cách Ruộng Đất, rồi Nhân Văn Giai Phẩm, đa số hô hoán những nào hiện sinh với hiện đại, rồi ỉ eo chuyện thế thời khinh bạc…Còn ở làng xã, thất bại của quốc sách Ấp Chiến Lược thời Ngô Đình Diệm đồng nghĩa với chuyện bỏ rơi lực lượng nông dân. Những người chân lấm tay bùn có biết Cộng Sản là gì đâu! Họ hành xử như ông cha ta, biết kẻ nào là ngoại xâm. Lực qui tâm vẫn là lòng yêu nước! Ðấy là chưa kể đến những lực ly tâm đến từ sự hiện diện của người Mỹ và những tệ nạn xã hội gây ra từ một đoàn quân viễn chinh…

Nhân ngưng nói khi thấy chú Hoàng ôm lấy đầu như bịt tai lại. Bác Quỳnh uể oải đứng dậy. Bên cạnh lối ra vào, Nhân bấy giờ mới để ý nhìn bức tường được phủ một lớp giấy trắng to bản như giấy nhật trình. Sát chân tường, một cây bút lông đại tự và một thỏi mực tầu chưa mài nằm chơ vơ. Tiễn bác Quỳnh ra đến cửa, Nhân bắt tay, nhưng cảm thấy tay bác hờ hững như tay những con người mấp mé bờ tuyệt vọng.

*

Chỉ còn chú Hoàng. Chú gầy rạc đi, râu ria không cạo, trũng mắt sâu xuống, con ngươi lung linh kỳ dị. Thời gian Nhân ở với chú được đâu gần hai năm kể từ ngày chú làm đám cưới với mẹ. Nhà trai, chủ hôn là bà cô của chú, cô Thái. Mẹ chú vào Nam nhưng chỉ hai năm sau là theo chân cha chú, người bị đấu đến chết trong thời gian ‘‘300 ngày’’ sau Hiệp Ðịnh Genève. Cô Thái kể, cha chú Hoàng vừa về làng thì bị trói gô lại. Anh Ðội hỏi ‘‘Mày về định đào vàng bạc của cải rồi mang đi Nam phải không?’’. Cha chú Hoàng kêu ‘‘Con tôi đi kháng chiến, tôi ở lại chứ đi đâu. Tôi là dân cụ Hồ, chỉ trong tuần lễ vàng, tôi đã đóng cho chính phủ ba mươi lạng, lấy đâu ra mà đào nữa’’. Anh Ðội bất thình lình giơ tay vả vào miệng, quát ‘‘Thế mày về đây làm gì? ’’. ‘‘Tôi về để rước bàn thờ bố tôi lên Hải Phòng’’, cha chú Hoàng đáp. ‘‘Láo! Bàn thờ địa chủ ba đời, rước đi để thờ cái bóc lột à? ’’. Cốt cán vây quanh hét tướng lên ‘‘Ðả đảo địa chủ, đả đảo phong kiến! ’’. Thế là cha chú Hoàng sống chẳng ra sống, nhưng chết cũng không cho chết, bị đánh đập hàng ngày. Trong khi đó, ‘‘tập thể’’ ông bà bần cố ‘‘phấn đấu’’ đào nát căn nhà năm gian và vườn tược, cố tìm cho bằng được tài sản của nhân dân bị địa chủ chôn giấu.

Cô Thái tìm cách nhắn được Hoàng khi ấy đóng quân ở Nà Sản sau chiến thắng Ðiện Biên. Chú Hoàng bất chấp quân kỷ, bỏ đơn vị mò về làng. Ðến nơi, chú cũng bị bắt. Thấy mặt con, cha chú hét lên ‘‘Ði làm Cách Mạng để rồi Cách Mạng giết bố mày thế này à? ’’. Cứ thế, cha chú hét, ba ngày ba đêm liền thì kiệt sức chết lịm. Ðội Cải Cách buộc chú Hoàng tội đào ngũ và bao che địa chủ phản động. Cô Thái tất bật lên Hải Phòng. Mẹ chú Hoàng gom góp của cải mang về chuộc đứa con duy nhất từng ‘‘đi bí mật’’ trước thời kỳ giành chính quyền từ tay phát xít Nhật. Nhân chỉ biết mẹ bế mình lên Hải Phòng tìm thuốc chữa bệnh thương hàn. Nhưng làm sao mẹ đi Nam, tá túc họ đạo Hố Nai, rồi sau lấy chú Hoàng thì Nhân không hiểu. Chẳng bao giờ mẹ chàng kể lể gì về cha đẻ. Nhân phải tự mình vẽ ra hình ảnh một người cha tên là Chính. Dĩ nhiên đó là một người hùng, không chân dung, đầy những cá tính của kẻ từng đuổi Nhật, đánh Pháp. Nhân hỏi chú Hoàng có biết cha không nhưng chú chỉ đáp, người đi kháng chiến đông lắm, và thời chú, chú bảo, chú chỉ là một trong những người ấy.

Xe lửa kéo còi rồi trèo trẹo nghiến bánh trên đường rầy. Chú Hoàng đẩy chiếc gối kê đầu làm bằng mây, châm lửa vào bấc đèn thuốc phiện, xoay tay ra sau với lọ thuốc bằng đồng nhỏ độ ba đốt ngón tay. Mở lọ, chú cắm chiếc kim đầu tròn vào, xoay đi xoay lại vê thuốc lên mặt kính trước khi hơ vào đèn. Ðợi thuốc nóng lên sánh sệt, chú tiếp tục chấm vào lọ thuốc, lại vê, lại hơ cho đến khi viên thuốc tròn xoe nhỏ như hạt đỗ định hình. Chú nằm xuống, tay quơ chiếc tẩu dài ba tấc, để thuốc vào nõ, xoay nghiêng chõ vào ngọn lửa hầu như bất động, lấy hơi hít vào, tiếng ro ro vang lên đều đặn. Mùi thơm của thuốc lừng lừng tỏa ra không trung. Chú lim dim, thở khói, mắt nhắm, mặt giãn ra trông như dại đi. Ðây là cữ thuốc cần khi người nghiện muốn được đền bù cái thiếu hụt bất chợt hiện ra trong đời. Lát sau, chú lên tiếng:

– Chú mừng khi anh về. Về được, thì thắng hay thua cũng vậy. Lắm khi chú nghĩ, cứ về là thắng, dẫu gì thì ít ra là còn tồn tại. Và nhất là tồn tại với một thân thể toàn vẹn. Dĩ nhiên, cái không toàn vẹn được là phần hồn.

Nghe đến đấy, chân trái Nhân bỗng nhói lên đau buốt đến tận óc. Nhân dựa lưng vào ghế, cố giữ thăng bằng, tay thò xuống. Không, chân ta vẫn đây, Nhân thầm nhủ. Nhưng cớ sao lại thỉnh thoảng ta có cảm tưởng ta mất một chân từ khi cưa cắt khúc đùi trên của một thương binh trong khu rừng giáp ranh đất Lào? Nhân nhợt nhạt, môi mím lại. Chú Hoàng nhận ra, hỏi. Nhân kể lại sự đau đớn mình vừa cảm thấy. Chú Hoàng nghe xong, thủng thỉnh:

– Cái phần hồn không toàn vẹn được là vậy! Nhân ạ, điều này chỉ ‘‘đoạn trường ai có qua cầu mới hay’’! Chú đứng trên cầu gần bằng thời gian Kiều lưu lạc, lúc nào cũng nhói đau mà vẫn chẳng dám đâm đầu xuống sông Tiền Ðường.

Dứt lời, chú lại nhắm mắt, nhưng chỉ tay vào bức tường phủ giấy trắng. Nhân ngạc nhiên:

– Gì đấy chú?

– Hư không, đợi vết người lấp cho đầy. Bác Vũ Hoàng Chương hứa sẽ viết vào Tết năm nay. Khởi thủy là Lời, bác ấy bảo thế. Lấp hư không bằng Lời là cách duy nhất. Chú để giấy mực sẵn sàng, xem thử làm thế có lấp gì được không!

Chú Hoàng thiếp đi, cơn say thuốc đưa chú vào mộng mị. Nhân chắc là chú mơ những giấc mơ đẹp. Bởi chú tủm tỉm nhếch miệng như cười. Cười, ừ, cứ cười, dẫu phần hồn mất mát. Bắt đầu, mất mát là một lỗ trống to bằng hạt đỗ để gió thốc qua. Gió cứ theo vòng quay của đất tiếp tục thổi. Lỗ trống căng ra. Từ hạt đỗ thành quả chanh, rồi thành quả bưởi. Khí lạnh bốc lên, lan ra. Lỗ trống trùm lên sơn hà. Gió, vẫn gió đùng đùng, ngày một bạo liệt. Và sau, im lặng. Lỗ trống khổng lồ đóng băng trắng xóa. Cho đến khi mất dần không còn một ranh giới nào, và đó là hư không, chắc vậy.

Thế mà, ai dám bảo lấp hư không bằng lời từ khởi thủy? Ai bảo như vậy? Ai?

*

Huyền cùng U già đi taxi đến chợ An Ðông mua trầu cau, hương nhang xếp sẵn thành gói một. Ðây là nơi bán đồ lễ hầu đồng. Nàng quanh quất, thỉnh thoảng kín đáo nhìn tứ phía. Chợ vào buổi sớm, nhưng người đã khá đông. Kéo tay U già vào một cái ngách, nàng lẳng lặng đi trước. Hai người ra con lộ rầm rập xe. Một cái taxi đã đợi sẵn, tài xế đưa mắt ra hiệu. Tay xách nách mang, Huyền và U già lên xe. Xe chạy qua Bình Tây một quãng rồi rẽ vào một con đường đất hai bên cỏ uá vàng. Cách đền ‘’ Ông Hoàng Mười’’ chừng hơn trăm thước, đường hẹp, tài xế đạp thắng, vẫn không cất lời. Huyền và U già vừa mở cửa xe thì một người đứng tuổi lưng gù gù nhô ra. Cười như khoe hàm răng cái còn cái mất, ông kêu:

-Cô Hai… Vô làm lễ nghe!

Ðó là Tư Quới. Năm 1962, ông ta là người mang đến Huyền bức thư Chính gửi, nhắn là Chính sẽ vào Nam, cho biết tin mẹ nàng vẫn bình yên, Dân học sắp hết cấp 3 và sẽ vào đại học. Chính nhắc, người mang thư là người của tổ chức, sẽ nói thêm một số việc cụ thể. Huyền lặng người. Nhìn nét chữ viết tay, nàng cố nhớ đến dăm bức thư Chính gửi cho nàng từ Việt Bắc đầu những năm 50. Ðúng, nàng tự nhủ, đúng là chữ Chính.

Nhưng thế là thế nào? Khi xưa, Hoàng chẳng nói là có tin Chính đã mất tích sao? Quả thật, từ hai năm nàng không có lấy một tin tức gì về Chính. Từ năm 57, những tấm bưu thiếp gủi từ miền Bắc bị chính quyền Diệm-Nhu ngăn cấm, thế là nàng không có cách gì liên lạc với mẹ nàng, người nuôi nấng Dân, đứa anh em song sinh với Nhân. Hoàng và cô Thái xuống Hố Nai. Cô Thái bảo ‘‘Thằng bé Nhân lớn, cần có cha!’’, và cô sẵn sàng nhận Huyền làm cháu dâu để dòng họ cô có người nối dõi. Hoàng vội vã chen ngang ‘‘… Tôi không lấy được Huyền thì tôi sẽ chẳng lấy ai làm vợ’’. Huyền nghe, không ngạc nhiên. Tình cảm của Hoàng, nàng biết rõ từ ngày kháng chiến bảo vệ thủ đô hơn mười năm về trước. Khi đó, có lúc nàng đã cố quên hình ảnh Chính khi biết Chính đã vợ con, nghĩ đến Hoàng, nhưng trớ trêu thay, chính vì thế mà Huyền biết mình không yêu Hoàng. Rồi trời xui đất khiến, nàng chạy với Chính lúc Pháp đánh Hải Phòng, ngã vào lòng nhau khi bom đạn đánh sập mái nhà, nằm quấn lấy nhau trong tiếng đạn réo rít hãi hùng. Cô Thái nhẩn nha ‘‘ Phải nghĩ đến cháu Nhân. Bố đẻ mất tích, phần sống ít, phần chết nhiều. Bây giờ, không hiệp thương, không Tổng Tuyển cử, chuyện thống nhất đất nước thành hão huyền, chẳng chờ đợi gì được! Cháu không có bố đẻ, thì có bố nuôi…’’. Hoàng lại ngắt ‘‘ Tôi xin thề độc, tôi sẽ đối với Nhân như bố đẻ!’’. Chần chờ vài tháng, Huyền cuối cùng đành bằng lòng về làm vợ Hoàng và hơn năm sau nàng sinh hạ Lương. Khi gặp Tư Quới, Lương sắp đầy hai tuổi. Huyền về nhà, chìa bức thư Chính gửi vào mắt Hoàng, giọng lạnh như băng ‘‘Thế này là thế nào?’’. Tái mặt, Hoàng lắc đầu. Huyền chỉ bảo ‘‘Ðược!’’ rồi sang bên cô Thái. Cô là một người đàn bà suốt đời sống ở quê, khi xưa cha Hoàng bảo thế nào cô cũng không chịu lên Hải Phòng. Không chồng, cô nhất định ở vậy, bỏ cả đời vào chuyện trông nom Nhà thờ Tổ, mồ mả các cụ và hai chục mẫu ruộng hương hỏa để lại từ ba bốn đời. Nghe Huyền cật vấn, cô im lặng, miệng vẫn bỏm bẻm nhai trầu. Thình lình, cô nhổ toẹt bã trầu, màu đỏ tóe trên làn đá hoa trắng, quắc mắt ‘‘Tôi! Tất cả là do tôi!’’. Cô kể, sau khi cha chết, Hoàng biết không thể ở lại miền Bắc nhưng cứ chần chờ vì sự có mặt của Huyền và bé Nhân. Mẹ Hoàng nói, cô mới biết Hoàng say mê Huyền đến độ mụ mẫm. Cô thở dài than ‘‘ Nhà ta chưa có kẻ nối dòng, chẳng lẽ đến đây là tuyệt sao? ’’. Cô chép miệng rồi quả quyết ‘‘…Để tôi lo!’’. Ngày đi Nam, cô đánh thuốc cho Huyền mê, cùng mẹ Hoàng đưa Huyền và Nhân xuống tầu há mồm đậu ở cảng Hải Phòng, nhắn lại giục Hoàng đi sau. Khi tỉnh, Huyền hỏi thì cô dỗ ‘‘ Người ta đi hết, đây là chuyến chót, không đi thì không được. Mà đi, để Huyền với Nhân bơ vơ, lại bệnh hoạn, ai mà đành. Thôi, hai năm nữa Tổng Tuyển cử, Huyền muốn thì cứ về, có khó gì! ’’. Nhìn mặt biển lênh đênh, Huyền nhớ con, thương mẹ, và nhất là mong tin Chính. Nhưng nay thì sự đã rồi, Huyền tự nhủ, phải giữ mình đợi đến ngày đoàn tụ. Cô gằn giọng, tiếp ‘‘ Nhưng rồi năm này qua năm nọ, chị vẫn hất hủi cháu tôi. Cho nên tôi phải làm sao cho chị dứt ra được quá khứ… Dễ lắm, tôi bỏ ra ba chỉ vàng cho một người bơi qua Bến Hải vào Nam, nhận có biết anh Chính và bảo anh ấy biệt tích.Thế đấy!’’. Cô lấy tay lau quết trầu, thủng thỉnh ‘‘ Ván đã đóng thuyền, nay lại có thằng Lương, tôi có làm gì nên tội thì tôi chịu! Ðấy, chị có chửi thì tôi nghe…Tội nghiệt gì thì cũng chỉ vì dòng nhà tôi phải có kẻ nối dõi ’’. Huyền uất lên đến nghẹt thở, sấn lại, tay giơ lên. Cô Thái nghênh mặt ‘‘ Chị cứ đánh, đánh đi! ’’. Không nói không rằng, Huyền quay lưng ra cửa về nhà. Ðó là tối Huyền thét vào mặt Hoàng, ‘‘Đàn ông chi mà vậy!’’.

Sau buổi tối ấy, Huyền ra nhập tổ chức tình báo nội thành qua Tư Quới. Tổ chức xếp đặt cơ sở kinh doanh cho Huyền, và đồng ý để Huyền mua căn nhà trên đường Lê Lai, sống ly thân với Hoàng. Ðể tránh mọi cạm bẫy một thiếu phụ mới cập kê tuổi ba mươi có thể mắc vào, Huyền xin với một ni cô nổi tiếng hay thuốc ở Hạnh Thông Tây bốc cho mình một toa thuốc diệt dục. Hàng ria mép lưa thưa trên miệng Huyền là tác động của toa thuốc nàng vẫn uống đều đặn từ chục năm qua.

Tư Quới đi trước. Huyền và U già bưng lễ quả vào điện thờ trong tiếng thanh la nhịp vào tiếng kèn, tiếng nhị. Thật ra, những người ngồi đồng đều là đội tự vệ Thành Sài Gòn giả trang. Chung quanh điện, một mạng bảo vệ an toàn được bố trí chặt chẽ. U già ngồi lại, vẻ ngây ngô. U không người thân thích trong Nam, theo Huyền từ Hố Nai lên Sài Gòn, ăn ở hết lòng, là người độc nhất Huyền để ở cạnh mười hai năm nay.

Huyền cùng Tư Quới lẻn ra sau điện rồi luồn vào một cái ngách, men địa đạo đi mươi phút đến một căn hầm. Tư Quới thì thào:

Bữa nay có đại diện Khu Ủy đến họp, cô Hai à…

Comments are closed.