Ẩn ức tình dục và mặc cảm chiến tranh trong “Tình cát” của Nguyễn Quang Lập

Nguyễn Trọng Bình

 

1. Nhà văn Nguyễn Quang Lập viết Tình cát trong khoảng 10 năm (từ 2005 đến 2014) còn tôi đọc Tình cát chỉ trong một đêm. Nếu chỉ đơn thuần so sánh về công sức và thời gian hai bên bỏ ra hẳn nhiên đó là một sự bất công đối với tác giả Tình cát. Nhưng biết sao được, nói cho cùng đây không phải là quy luật muôn đời trong hoạt động sáng tạo và thưởng thức nghệ thuật của con người đó sao? Người nghệ sĩ muốn có độc giả đương nhiên phải vất vả và chịu “thiệt thòi” một chút. Quan trọng hơn, sự vất vả và thiệt thòi ấy còn phản ánh thái độ và trách nhiệm của những người cầm bút chuyên nghiệp, tử tế. Tuy nhiên, thật lòng mà nói để có thể góp vài dòng về quyến sách này tôi cũng phải mất đến mấy tháng để đọc đi đọc lại. Bởi ngay sau cái đêm đầu tiên “giao hoan” với Tình cát, tôi thấy mình cần phải viết gì đó về quyển tiểu thuyết này. Nhưng viết về chuyện gì, viết như thế nào thì cũng không ít lần mở laptop ra, gõ vài dòng sau đó thì lại xóa và đóng laptop lại. Nghĩa là cũng ám ảnh và “khổ sở” với Tình cát nhiều lắm.

2. Trước hết, theo tôi Tình cát của Nguyễn Quang Lập là tác phẩm hướng đến sự cắt nghĩa, lý giải những vấn đề của đất nước, xã hội và con người Việt Nam hôm nay từ điểm nhìn về cuộc chiến tranh của dân tộc trong quá khứ. Nếu tính từ cột mốc 1986 đến nay thì cách đặt và tiếp cận vấn đề như thế này cũng không hẳn là mới. Tuy vậy, nhìn kỹ lại Tình cát của Nguyễn Quang Lập vẫn có điểm khác và độc đáo so với các tác phẩm viết cùng đề tài trước đó. Với Tình cát, Nguyễn Quang Lập đã bàn trực diện và quyết liệt hơn về những ám ảnh, mặc cảm cùng những ẩn ức về dục tính của người Việt Nam trong chiến tranh. Có thể nói, đây là vấn đề chủ đạo và xuyên suốt trong Tình cát. Vì vậy, để có thể thâm nhập vào sâu bên trong Tình cát, tôi phải đã tìm đến các vị “Tổ sư” của thuyết phân tâm, đồng thời kết hợp với cái nhìn thực tế về bối cảnh văn hóa, lịch sử, xã hội Việt Nam!

Từ góc nhìn trên, tôi mạo muội cho rằng phải chăng Tình cát của Nguyễn Quang Lập là sự cắt nghĩa, lý giải cái bi kịch của đất nước và con người Việt Nam hôm nay thông qua hai vấn đề thuộc về tâm thức văn hóa suốt mấy nghìn năm của dân tộc: hậu quả của các cuộc chiến tranh liên miên và cái nhìn thiên kiến về quan niệm tính dục của con người trong đời sống thường nhật?

Từ giác độ “vô thức cá nhân” và “vô thức tập thể”, có lẽ phải nói rằng không một người Việt Nam máu đỏ da vàng nào mà không bị ám ảnh bởi hai vấn đề trên!? Vì thử hỏi có dân tộc nào, đất nước nào mà suốt chiều dài lịch sử nếu không bị đô hộ bởi ngoại bang thì cũng “nồi da xáo thịt” như đất nước và dân tộc này không? Thậm chí ngay lúc này đây, bóng ma chiến tranh vẫn đang lởn vởn trên đầu. Và không phải trước đây cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã có lần khái quát nỗi ám ảnh này trong nhạc phẩm rất nổi tiếng mà ông gọi là Gia tài của mẹđó sao? Tại sao chiến tranh lại là cái gia tài của đất Mẹ Việt Nam này? Trịnh Công Sơn nói:

“Một ngàn năm nô lệ giặc Tàu
Một trăm năm đô hộ giặc Tây
Hai mươi năm nội chiến từng ngày
Gia tài của mẹ để lại cho con
Gia tài của mẹ là nước Việt buồn
Hay:

“Gia tài của mẹ một rừng xương khô
Gia tài của mẹ một núi đầy mồ”
Và:

“Gia tài của mẹ một bọn lai căng
Gia tài của mẹ một lũ bội tình.”

Về chuyện tính dục thì như mọi người đã biết, do chịu ảnh hưởng bởi hệ tư tưởng văn hóa phương Đông nên dù muốn dù không đây chính là nỗi mặc cảm thường trực trong tâm thức của mỗi người dân Việt. Yêu đương, ái ân nam nữ vốn là chuyện bình thường và tự nhiên của con người, ngoài những bậc chân tu ra, có thể nói không ai là không khát khao được nếm trải và thăng hoa với “món” “trái cấm” ấy. Tuy vậy, nghiêm túc và thành thật nghĩ về nó thì không phải người Việt nào cũng làm được. Có vô số những lý do được người ta nêu ra để biện hộ cho sự không thành thật kia lâu dần được nâng lên và mặc định như một nét văn hóa để đánh giá, phán xét “đạo đức”, “phẩm hạnh” của con người. Thế nên, cho đến tận bây giờ, người Việt vẫn còn đang tự làm khổ mình và làm khổ nhau về chuyện này. Không phải ngẫu nhiên mà hiện nay Việt Nam là quốc gia dẫn đầu về thực trạng nạo phá thai ở độ tuổi vị thành niên (do đa phần các bạn trẻ không được người lớn trang bị những kiến thức về tính dục). Ở phương diện khác, không biết tự lúc nào trên khắp cả nước lại mọc lên các “nhà nghỉ qua đêm”, “phòng nghỉ theo giờ” như nấm sau mưa để đáp ứng nhanh, gọn cái nhu cầu bức thiết của mọi tầng lớp người trong xã hội. Thực tế là vậy và ai cũng thấy thế nhưng nhiều người hiện nay vẫn kiên quyết không chịu… thành thật với nhau.

3. Chiến tranh là do con người tạo ra, tình dục của con người là lẽ tự nhiên của tạo hóa. Trong Tình cát hai vấn đề này được Nguyễn Quang Lập lồng ghép vào nhau một cách nhịp nhàng uyển chuyển từ đó mô tả, cắt nghĩa về xã hội, con người Việt Nam ở hai trục thời gian, không gian quá khứ và hiện tại. Để làm được điều này, trước hết Nguyễn Quang Lập đã rất tinh tế và khéo léo mượn đề tài chống tham nhũng cùng sự tha hóa xuống cấp về văn hóa của “bộ phận không nhỏ” quan chức hôm nay để làm cái cớ – đường dây chính để dẫn dắt bạn đọc thâm nhập vào câu chuyện của mình. Đường dây ấy được thiết kế bởi hai tuyến nhân vật đại diện cho phe: cô nhà báo trẻ Ly Ly và bọn tham quan biến chất ở Xóm Cát cầm đầu là tay Phó Chủ Tịch Văn Xã. Bên cạnh đó là hàng loạt những chi tiết nghệ thuật giàu ý nghĩa biểu tượng và đầy ám ảnh. Nổi bật hơn cả là chi tiết về 13 đoạn mô tả cảnh làm tình của các nhân vật trong suốt tác phẩm (có lẽ Tình cát là một trong số ít tác phẩm miêu tả nhiều nhất những cảnh làm tình của con người trong văn học Việt Nam). Rồi chi tiết về 51 cô thanh niên xung phong trong đó có 20 cô bị “lên cơn extri tập thể” vì sự ẩn ức tình dục; chi tiết về tảng đá Trịnh Nguyễn phân tranh – nơi ghi dấu những cuộc giao hoan của Hoàng; chi tiết về tiếng kêu của con chim “đi…soạn cho chết”; chi tiết vể cái chết và câu nói của “thằng Béo”: “nhà tao chết hết rồi, tao phải về nuôi em tao chứ. Bắt cặc tao!”; chi tiết về tiếng kêu của con cú què; chi tiết về chị Rá điên ở Xóm Cát năn nỉ Hoàng cho chị xin đứa con; chi tiết về cái chết “vùi trong cát” của nhân vật Hoàng ở cuối truyện…

Tất cả những vấn đề trên được Nguyễn Quang Lập cấu trúc và sắp đặt rất hợp lý và chặt chẽ bằng thủ pháp “dòng ký ức” qua hai nhân vật Hoàng và Ly Ly (những dòng nhật ký được tác giả kể trước mỗi chương của câu chuyện chính).

Ngoài những vấn đề trên, phải kể đến sự chắc tay của Nguyễn Quang Lập khi để cho bộ ba nhân vật: Hoàng, Ly Ly và Chủ Tịch Văn Xã gặp nhau ngay tại Xóm Cát – cái không gian tàn khốc của cuộc chiến tranh năm xưa trong ký ức của Hoàng. Có thể nói, Hoàng là nhân vật trung tâm của tác phẩm nhưng trong câu chuyện chống tham nhũng anh chỉ là nhân vật trung gian giữa Ly Ly và Chủ Tịch Văn Xã. Hoàng theo Ly Ly về Xóm Cát với lý do của riêng anh chứ không phải cùng Ly Ly vạch trần thủ đoạn tham nhũng của bọn quan chức, chính quyền. Còn Ly Ly, cô nhà báo trẻ rất táo bạo và thuần thục trong khoản làm tình và kiếm tiền bằng nghề viết lách lại chính là Thùy Dương con của Thùy Linh – người tình năm xưa của Hoàng. Cả hai (một già một trẻ đại diện cho hai thế hệ người Việt tiếp nối nhau) từ trong sâu tâm hồn đều bị chấn thương và khủng hoảng về tâm sinh lý do cuộc chiến quá tàn khốc. Ly Ly khi còn nhỏ đã nhiều lần chứng kiến cảnh Hoàng và mẹ âu yếm nhau nhưng lúc đâu óc non nớt của con bé đã không chịu nỗi lời xì xầm của người dân Xóm Cát vì người tình của mẹ là một kẻ đào ngũ, là “một thằng hèn”. Một lần nọ, con bé đã thốt ra điều ấy nên bị mẹ đánh và giận dỗi bỏ đi. Suy cho cùng Ly Ly trong Tình cát là một cô gái mồ côi (lạc cha, mất mẹ) rất tội nghiệp và đáng thương.

Còn Hoàng, sự chấn thương trong tâm hồn anh còn khủng khiếp hơn. Những cái chết của những cô gái thanh niên xung phong và “thằng Béo” cùng toàn bộ dân làng Xóm Cát (11 nóc nhà bị bom đạ chôn vùi) đã ám ảnh anh suốt đời. 12 đoạn mà Nguyễn Quang Lập mô tả cảnh làm tình của Hoàng trong Tình cát đã nói lên điều đó. Đặc biệt, có cảnh tuy Hoàng làm tình với Ly Ly nhưng thực ra đó hồi tưởng của anh về những lần giao hoan với các cô gái thanh niên xung phong trong rừng (Lý, Nụ, Lương…) hoặc là với Thùy Linh hay với chị Rá điên loạn. Nghĩa là Hoàng thực ra đang làm tình trong trạng thái nửa tỉnh nửa mê; nửa với Ly Ly, nửa với những người phụ nữ trong chiến tranh. Những cho tiết này cho thấy sự khủng hoảng của Hoàng khi anh phải thường xuyên đối diện với lương tâm, đối diện với quá khứ của chính mình. Cái quá khứ dẫu ít người biết nhưng là một sự thật không thể tẩy xóa trong tâm hồn của một anh nhà văn đi tìm sự thật và ý nghĩa sống của đời mình. Cái chết của Hoàng ở cuối truyện phải chăng là sự tìm về để thú nhận và tạ lỗi với người dân Xóm Cát về sự ham sống sợ chết của một anh lính đào ngũ và hèn nhát năm xưa? Đây là gì nếu không phải là những ẩn ức và mặc cảm về chiến tranh của con người?

4. Chiến tranh không phải trò đùa. Ai đó đã nói như vậy. Và Nguyễn Quang Lập cũng cho người đọc thấy những điều ấy trong Tình cát. Đọc tác phẩm này, trước hết chúng ta thấy cái đáng sợ nhất không phải là sự mong manh về sự sống và cái chết của con người vì bom đạn chiến tranh mà là nguy cơ về sự méo mó, biến dạng cái thiên lương, thiên tính người trong mỗi cá nhân.

Chiến tranh ở phương diện nào đó có thể nói là sự bất bình thường của tâm lý con người trong những thời khắc nhất định của lịch sử vì đã tàn sát lẫn nhau. Không những vậy, trong chiến tranh đôi khi vì lý tưởng hoặc lợi dụng và nhân danh lý tưởng mà nhiều người đã ngăn cản, cấm đoán tình yêu/tình dục của đồng loại mình. Cả hai vấn đề nói cho cùng đều là vô tình hoặc cố ý chống lại, cưỡng lại quy luật của tự nhiên và tạo hóa, vì thế, đã gây nên những đau khổ thâm chí bi kịch cho con người. Trong Tình cát, Nguyễn Quang Lập gọi là “những thèm khát lương thiện đã bị giáo lý đương thời bủa vây, lâu ngày kết tủa thành khối u chèn ngang ngực, đau buốt. Đau quá hóa điên…”.

Không dừng lại ở đó, trong Tình cát nếu như cái chết bi thảm của Hoàng ở cuối truyện là sự kết thúc mang tính tất yếu nhằm giải thoát cho anh khỏi sự dằn vặt và mặc cảm, xấu hổ về việc đào ngũ trước đây thì sự suy thoái, biến chất của tay Chủ Tịch Văn Xã – đại diện cho những kẻ lãnh đạo trong bộ máy chính quyền hôm nay là lời cảnh báo về những di chứng và hệ lụy của chiến tranh. Sự gặp nhau của bộ ba Hoàng, Ly Ly, Chủ Tịch Văn Xã ở Xóm Cát có gì đó như là một định mệnh nghiệt ngã số phận còn người và xã hội Việt Nam hôm nay. Cả ba tuy hàng ngày vẫn gặp gỡ nói cười với nhau nhưng không hề nhận mối quan hệ thật sự của nhau. Đặc biệt, giữa Ly Ly và Chủ Tịch Văn Xã có ai ngờ giữa họ là mối quan hệ cha con vì Chủ Tịch Văn Xã cũng chính là tay Bí Thư huyện Đoàn năm xưa. Ngay khi đất nước còn chiến tranh thì tay Bí Thư huyện Đoàn đã bộc lộ cái bản chất của một con cáu già ranh ma và cơ hội. Đây là nhân vật đại diện cho những kẻ mà miệng mồm lúc nào liến thoắng về lý tưởng cao cả đường lối đúng đắn của Đảng nhưng vì lợi ích cá nhân cũng không ngần ngại vứt đi những điều ấy bằng tất cả những thủ đoạn khốn nạn và tinh vi nhất. Cô nhà báo trẻ Ly Ly hôm nay vì bồng bột và háo thắng nên đã thất bại trong cuộc chiến chống tham nhũng, thậm chí còn liên lụy đến người khác (Xê Trưởng). Con hơn cha là nhà có phúc nhưng trong trường hợp này, Ly Ly đã thất bại trước gã đàn ông vốn là cha mình (mà chính cô cũng không biết).

Đến đây, có thể nói chống tham nhũng trong Tình cát vừa là chủ đề của tác phẩm nhưng đồng thời còn là một cái cớ để Nguyễn Quang Lập lý giải vấn đề lớn hơn: chiến tranh đã làm đảo lộn và gây ra những nhầm lẫn tai hại về con người. Chiến tranh không chỉ làm đất nước tan hoang, kiệt quệ mà quan trọng hơn những người tài, người hiền cũng không còn nên khi hòa bình sẽ chẳng còn ai để mà xây dựng kiến thiết. Điều đó cũng có nghĩa, một khi quyền lực đất nước bị thâu tóm và chiếm trọn bởi những kẻ bất lương thì sớm muộn gì bi kịch cũng sẽ đổ xuống đầu người dân.

Ở một phương diện khác, chiến tranh còn là nguyên nhân gây nên sự đổ vỡ và đứt gãy văn hóa ở những thế hệ kế thừa. Trong Tình cát dụng ý này được Nguyễn Quang Lập thể hiện rất rõ qua cách xây dựng nhân vật Ly Ly. Sự táo bạo và “ghê gớm” của cô gái trẻ – đại diện cho thế hệ hôm nay của đất nước sau chiến tranh hẳn là rất khó lọt vào mắt xanh của những bà mẹ Việt Nam nào muốn tìm một nàng dâu ngoan ngoãn theo kiểu truyền thống. Không những vậy, sự tung tẩy ngòi bút của Nguyễn Quang Lập khi miêu tả Ly Ly với những đam mê và khoái cảm xoay quanh hai chữ “tình – tiền” không ít lần làm người đọc bị… thót tim. Thậm chí chỉ chút xíu nữa thôi thì Nguyễn Quang Lập đã tạo ra một cơn địa chấn khủng khiếp kiểu như Vũ Trọng Phụng trước đây trong tiểu thuyết Giông tố. Đó là chi tiết Ly Ly với suy nghĩ “xài tạm” Chủ Tịch Văn Xã trong một lần tiếp cận hắn để moi chứng cứ về việc làm giả hai ngàn bộ hài cốt liệt sĩ để lấy tiền Nhà nước. Cũng may là ý nghĩ ấy chỉ thoáng qua với cô gái vốn chưa bao giờ “để cho đức hạnh giam cầm” mình chứ nếu không thì bi kịch loạn luân giữa cha con đã xảy ra! Về vấn đề này, theo tôi, đây không đơn giản cho thấy sự tỉnh táo và già dặn của ngòi bút Nguyễn Quang Lập mà quan trọng hơn, tự trong sâu thẳm đó chính là niềm tin của nhà văn về xã hội và con người Việt Nam hôm nay. Nhà văn có thể bất mãn tột cùng về thực tại xã hội nhưng nếu không còn niềm tin về con người sẽ rất khó để thuyết phục và chinh phục bạn đọc.

***

5. Có ý kiến cho rằng, Nguyễn Quang Lập có vẻ “bị đuối” ở những trang cuối của Tình cát. Nhận định này, theo tôi là xác đáng. Tình cát về sau có nhiều trang dài dòng, lê thê do tác giả muốn giãi thích và làm sáng tỏ lai lịch về quãng thời gian thất lạc của nhân vật Ly Ly/ Thùy Dương với người đọc. Điều này là đương nhiên và cần thiết nhưng vấn đề là sự diễn giải của Nguyễn Quang Lập vô tình đã làm đứt mạch cảm xúc của người đọc. Đây có lẽ là điều đáng tiếc nhất của tiểu thuyết này. Tuy vậy, nhìn một cách tổng thể; xét trên phương diện chiều sâu của nhận thức và ý nghĩa khái quát về tư tưởng nghệ thuật của tác phẩm, tôi cho rằng Tình cát của Nguyễn Quang Lập đã xác lập được một chỗ đứng riêng và không hề thua kém các tác phẩm viết cùng đề tài trước đó. Tình cát dù sao cũng đặt ra một vấn đề tuy cũ nhưng cũng rất mới, rất đáng để mọi người cùng suy ngẫm và chiêm nghiệm: những ẩn ức về dục tính và mặc cảm về chiến tranh của người Việt trong suốt chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước, ở phương diện nào đó phải chăng cũng chính là nguyên nhân sâu xa làm cho người Việt nếu không trở nên điên loạn cũng rơi vào tha hóa, băng hoại thậm chí là vô đạo trong hành xử, ứng xử!? Các nhà làm phim nếu có ý định đưa lên Tình cát lên màn ảnh theo tôi nhất định phải chú ý đến vấn đề này.

Không những vậy, ở góc độ văn hóa, xã hội, Tình cát ít nhiều cũng góp thêm vào một tiếng nói cảnh tỉnh con người Việt Nam hôm nay. Có lẽ, đã đến lúc mỗi người Việt phải nghiêm túc và thành thật nhìn lại mình. Thay vì cứ say sưa, réo rắt mãi về tinh thần đoàn kết, gan dạ, dũng cảm, anh hùng trong chiến tranh sao không dành thời gian đó để tự vấn xem vì lẽ gì mà suốt chiều dài lịch sử, cả dân tộc cứ phải quay cuồng trong các cuộc đánh đấm triền miên? “Giặc đến nhà đàn bà cũng đánh” – đồng ý thôi vì đó là tình yêu nước thiêng liêng đã ăn vào máu – nhưng vấn đề là tại sao để cho giặc vào tận trong nhà rồi mới đánh? Sao không cảnh giác và ngăn chặn ngay khi chúng vừa mới ngấp nghé, lăm le ngoài cửa? Mình phải như thế nào thì bọn giặc mới không thôi dòm ngó và tìm cách xâm lược, thôn tính mình chứ!?

Tóm lại là, một dân tộc đã sống, đã nghĩ và đã làm gì trong lúc hòa bình để hết lần này đến lần khác giặc vào nhà lúc nào không hay?

Cần Thơ, 10/10/2016

NTB

Comments are closed.