Chuỗi ẩn dụ nhỏ và một ẩn dụ lớn trong Chuyện ngõ nghèo của Nguyễn Xuân Khánh [1]

Châu Diên

Tối 11/4/2017, tại Trung tâm Văn hoá Pháp, Hà Nội, đã có buổi ra mắt tiểu thuyết Chuyện ngõ nghèo của nhà văn Nguyễn Xuân Khánh. Văn Việt xin trân trọng giới thiệu bài viết của nhà văn Châu Diên, người bạn chí thiết của tác giả, người nắm vững lịch sử hình thành và những thăng trầm của cuốn sách trên con đường đến với công chúng. Bài viết này được “đặt hàng” để đọc trong buổi ra mắt sách, nhưng một số chỗ đã bị thay đổi khi đọc, cho phù hợp với thực tế là cuốn sách cũng đã bị Cục Xuất bản yêu cầu “cắt cúp” trước khi cho phát hành.

Văn Việt

Tối nay, được giới thiệu cuốn tiểu thuyết cực hay của Nguyễn Xuân Khánh, tôi rất muốn nhại lại lời tổng thống Hoa Kỳ J. F. Kennedy hãnh diện giới thiệu bà vợ đẹp – ông tổng thống đã nói “Tôi là người cùng đi với Jacqueline đến Paris” – và hôm nay tôi cũng nói “Tôi là người đang ngồi cạnh nhà văn Nguyễn Xuân Khánh”.

Nguyễn Xuân Khánh có một hành trình viết văn vất vả. Nhưng anh rất may mắn được nhìn thấy những đứa con tinh thần của mình chào đời khi rất nhiều bạn bè cùng thế hệ với anh đang còn sống để chứng kiến những khắc khoải văn chương của anh đã thành hiện thực – không còn là những ước mơ tiềm tàng về những tác phẩm để đời của mình như hồi dăm sáu chục năm về trước.

Trong khoảng gần ba chục năm trở lại đây, tính từ cuốn Miền hoang tưởng [2] in “chui” và thoát nạn một cách may mắn, Nguyễn Xuân Khánh ra mắt sách liên tục, đáng kể nhất là Hồ Quý Ly (2000), Mẫu Thượng Ngàn (2008), rồi Đội gạo lên chùa (2011). Ba tiểu thuyết vừa kể, cuốn nào cũng chắc nịch gần nghìn trang. Trong lần ra sách Mẫu Thượng Ngàn ở trụ sở Hội nhà văn Hà Nội, Võ Thị Hảo nói khẽ với tôi “chỉ ngồi chép lại chừng này cũng đủ mệt”[3].

  Trư cuong 3

“Tôi ngồi bên cạnh bạn tôi là nhà văn Nguyễn Xuân Khánh”

1. Riêng Chuyện ngõ nghèo

Riêng Chuyện ngõ nghèo thì lại mang một số phận khác. Cô này đúng ra là cô chị, nàng ra đời trước từ đầu những năm 1980 với số trang mảnh dẻ hơn nhiều so với ba đứa “em” ục ịch gấp ba và ra đời sau vài chục năm, nhưng thật oái oăm lại may mắn được trình diện trước – mặc dù vậy cả bầy đàn đều là con đẻ của một tâm hồn có đặc điểm là sự yêu thương hết mực mảnh đất Việt Nam này.

Tôi có lời đề đạt chân tình với bạn đọc, xin bạn hãy mở trang 120 và bắt đầu nếm náp những tâm tình này trong Chuyện ngõ nghèo

Tôi đi dưới những vòm cây. Tôi đi giữa rừng Hà Nội. Những cây bàng, cây me cây sấu, cây phượng còn mang nặng những kỉ niệm thời ấu thơ, thời trai trẻ. Tôi dừng lại dưới gốc cây lộc vừng Hồ Gươm, cây lộc vừng chín gốc toả bóng xuống hồ, một cái bóng duyên dáng, kín đáo. Ô hay! Cái cây quê mùa ấy cũng có mặt ở chốn thị thành này sao.

Nhìn cây, lại nhớ tới quê. Cái làng quê ven đô của tôi như hình con rết. Con đường cái chạy giữa làng, toả dọc hai bên là những ngõ. Ngõ quê tôi có nhiều tên rất ngồ ngộ. Gần một trăm cái ngõ, nên người ta không thể đặt những tên sang trọng. Cũng như nhiều quê khác, chúng tôi có ngõ Điếm, ngõ Giếng, ngõ Chùa, ngõ Đình. Nhưng riêng quê tôi còn có ngõ Lên (lên dốc), ngõ Ngang (bằng phẳng), ngõ Dọc (song song với đường chính). Chúng tôi còn có nhiều ngõ mang những tên rất vui: ngõ Chó Đá, ngõ Bà thắt cổ, ngõ Cô Hồn. Riêng tôi, tôi rất thích những ngõ mang tên cây cối: ngõ Si, ngõ Đề, ngõ Hoàng Lan, ngõ Dứa, …và ngõ cây Lộc Vừng. Ôi! Ngõ cây Lộc Vừng! Chính cái ngõ đó là nơi vợ tôi sinh ra.

Năm 1954, khi tôi đi bộ đội trở về quê, tôi, cái anh chàng đô thị ấy đã ngỡ ngàng trước một tên ngõ quê, gợi lên những âm hưởng rất kỳ lạ trong tâm hồn. Một cái tên tôi chưa bao giờ nghe thấy, một cái cây tôi chưa trông thấy bao giờ, một cái ngõ quê hun hút hàng tre.

Tôi lững thững đi trong ngõ, sung sướng vì một hồn quê rung động. Một cô bé, quần ngắn cũn cỡn, tóc kẹp sau lưng, lễ phép chào anh bộ đội … Mấy năm sau, cô bé ấy đã trở thành vợ tôi. Khi chị gái tôi giới thiệu tên cô bé ở trong cái ngõ Lộc Vừng đó, tôi chưa hề biết mặt cô. Nhưng nghe cái tên ngõ, không hiểu sao lòng tôi đã tin cậy. Tôi gặp cô, và một tuần lễ sau, cưới cô.

Tôi đã mang cây lộc vừng quê nhà ra Hà Nội, và cây lộc vừng bị tách khỏi quê hương ấy đã hơn hai chục năm nay chịu khốn khổ cùng với kiếp lưu đầy của tôi. Một người đàn bà lấy phải một người chồng lúc nào cũng ngay ngáy những theo dõi, thẩm vấn, những đe doạ tù đầy! Tôi chịu ơn cô ta; tôi chịu ơn sự thuỷ chung lầm lụi, tôi chịu ơn sự khiêm nhường gánh chịu, tôi chịu ơn sự đói khát tha thủi… [4]

Thật lạ kỳ khi có những nhà văn chuyên nghiệp trong nghề thẩm định văn chương lại không xúc động trước những dòng tâm tư ấy, và đã không hạ bút ký cho tiểu thuyết của Nguyễn Xuân Khánh được chắp tay và hấp háy mắt chào bạn đọc từ đầu những năm 1980.

Nhưng không sao, dẫu muộn còn hơn không.

Vì thế, hôm nay, xin cho tôi được góp vài lời giới thiệu thô thiển, mục đích là để người viết bài này tự lý giải cho chính mình về sự ra đời muộn của Chuyện ngõ nghèo – với cái tên nguyên thủy là Trư cuồng – nghĩa của từ Hán Việt này là “chứng điên nuôi lợn”.

2. Cả chuỗi ẩn dụ

2.1. Nhân vật

Nhân vật Hoàng của “chứng điên nuôi lợn” chính là Nguyễn Xuân Khánh đấy. Và như một màn giáo đầu trước vở diễn sân đình, nhà văn tự trào Còn tôi, thực sự lúc này tôi đang lên cơn mê lợn. Đời tôi đã khối lúc lên cơn: cơn bộ đội, cơn viết báo, cơn gác đêm, cơn lý tưởng, cơn mê gái, cơn thợ may, cơn đọc sách…(trang 10). Và nay là cơn mê lợn!

Bè bạn thấu hiểu những “cơn” của Khánh đều biết rõ Khánh không hề nói quá. Đó là tính đam mê. Nguyễn Xuân Khánh làm việc gì cũng đam mê.

Có thời, được cơ quan cho về “nghỉ”, anh lao vào đam mê công việc thợ may. Cái dáng người lòng khòng nói năng khẽ khàng với cặp mắt lúc nào cũng như đang đi tìm cái kim nằm ẩn đâu đây trong tấm vải, càng sớm giúp anh nổi tiếng. Có bận Khánh khoe chúng tôi: “Mình thành thợ may thật rồi… trẻ con trong ngõ đánh nhau rồi chửi thằng con mình “Đ. m. thằng Nội con nhà Khánh-thợ-may nhé”…”

Cũng vào thời “cơn thợ may” cũng là mấy năm lên “cơn bí thư chi bộ”. Nhà văn đã lãnh đạo chi bộ xây dựng đường đi lối lại khiến cái ngõ nghèo cũng khang trang, đẹp đẽ, có đường ống nước tinh tươm dẫn vào từng gia đình. “Cơn chi bộ” của nhà văn đã khiến các đồng chí chưng hửng khi “trên” cử người về đọc quyết định gạch tên đảng viên Nguyễn Xuân Khánh ra khỏi Đảng.

Cơn đọc sách của nhà văn cũng thật vui. Buổi sáng anh đọc sách Phật. Buổi tối anh đọc sách phân tâm học Freud. Gặp bè bạn, việc đầu tiên là thao thao về Phật rồi về Freud. Đến độ anh em gọi Nguyễn Xuân Khánh bằng một tên gộp là “ông Ph-rật”. Có đợt cơn đọc sách đã dẫn chúng tôi đến chỗ gọi anh là “em giai chị Beauvoir” (vợ Jean-Paul Sartre). Có lúc Khánh thao thao nói về Hàn Phi Tử (một đối trọng phương Đông của Machiavelli Âu châu), rồi cả Lão Tử, Trang Tử…

Có điều tôi nhận thấy Khánh chưa bao giờ được bè bạn gọi là Khổng Tử hết. Anh có cái nhìn giễu cợt với con người quá sung mãn về đạo đức này – Xuân Khánh đặt tên cho bạn nhà văn Hoàng Tiến, ông Sương tan – tan xương[5] tốt bụng mà câu nệ đến mức quyết liệt trước mọi vấn đề nhỏ nhặt nhất ở đời cái tên hiệu là “ông Văn miếu di động”.

Trong tiểu thuyết Chuyện ngõ nghèo bạn đọc có thể gặp nhân vật Hoàng hóa thân và hòa trộn trong hai nhân vật nuôi lợn khác: nhà trư cuồng tên Hoàng nêu vấn đề, nhà trư cuồng tên Lân dễ xúc động chỉ có thể trả lời bằng những an ủi, và nhà trư cuồng tên Tám biệt hiệu Tám Bách khoa, người gàn hoặc người điên thì cũng vậy, tìm cách trả lời bằng những ẩn dụ song đề.

Nhận định “ba nhà trư cuồng này là một” vừa đúng vừa không đúng. Nó đúng ở chỗ kết thúc cuốn “nhật ký của ông Hoàng”, thì cả ba nhân vật (và nhiều nhân vật phụ khác) đều vô cớ biến mất. Để chỉ còn lại một nhân vật Tôi. Nhưng để khỏi “lôi thôi”, ta nói đây là một thủ pháp tiểu thuyết Nguyễn Xuân Khánh cho dễ chấp nhận hơn. Ba nhân vật Hoàng – Lân – Tám lập thành ba góc của một trục xoay lớn.

Một câu chuyện nuôi lợn bình thường bỗng nên chuyện nhờ những chuyện nảy sinh từ ba cái góc đó.

image

Góc thứ nhất: xuất hiện nhân vật Hoàng. Những chuyện lặt vặt thường ngày xảy đến với người mới tham gia cơn điên rồ nuôi lợn. Những chuyện đó như là những câu hỏi. Những câu hỏi đòi được trả lời.

Góc thứ hai: xuất hiện nhân vật Lân. Một “con người có cơ thể ốm yếu, và cái đầu lúc nào cũng như có lửa đốt” (trang 15). Lân có những lý giải mang tính kinh nghiệm đời thường của một người trí thức trẻ bị đẩy vào cuộc sinh nhai bằng nghề nuôi lợn. Anh sớm nhập cuộc với nghề và luôn luôn có đầy xung động trong hành nghề. Hoàng nghe Lân kể về việc có người vớt lòng lợn thối về bán cho những quán hàng bình dân, còn mình thì vớt về nuôi lợn, và nhìn thấy ở Lân “một ánh mắt run run hấp hối (trang 16).

Góc thứ ba: xuất hiện nhân vật Tám. Một người trí thức trẻ đi lính, từng đam mê nghiên cứu cây thuốc ở rừng Trường Sơn, người phát kiến ra phương thức nghiên cứu dạng khoa học-văn học, người thức trắng đêm … mắt nhìn vào miền tăm tối nhất của đêm đen bên trong tôi … đi tìm tên gọi của cái ứ đầy đó … (trang 25-26). Tám đưa ra những nghiên cứu thâm sâu xung quanh con lợn và con người.

Ba góc quay đó cứ đun đẩy hô ứng nhau mỗi ngày một lên cao, mỗi ngày một đào sâu, mỗi ngày một thăng hoa.

2.2. Những ẩn dụ nhị nguyên

Và đây là đặc điểm của mối quan hệ giữa ba nhân vật trong một đó: các vấn đề đặt ra luôn luôn mang tính song đề nghị nguyên. Hoàng đưa ra những khó khăn khi nuôi lợn Cái này là Cái gì? Lân lý giải Cái này là Cái kia. Còn Tám vượt lên, lý giải bằng Cái này còn là Cái cao siêu khác.

Đến đây, cũng như bên trên, người viết bài giới thiệu rất không hàn lâm này, hoàn toàn không muốn như thường lệ, đứng ra đọc và phân tích các ẩn dụ. Người viết bài này muốn chính bạn đọc làm công việc đó. Người viết bài chỉ muốn cung cấp cho bạn đọc một vài “đường dẫn” mà thôi.

Như đã dẫn ở một đoạn bên trên, nay xin mời bạn đi về cái làng quê có cái ngõ mang tên cây Lộc vừng, và người viết lại muốn mời bạn đi vào tiếp một cái ngõ khác trong tâm hồn nhà văn – chính cái nhà văn đã bứng cây lộc vừng quê mình đem ra trồng ở Thủ đô.

Đó là một nhà văn rất yêu vợ và thương con và thương yêu rất mực cả “mẹ và các mẹ” của mình. Nhà văn Nguyễn Xuân Khánh từng bán máu của mình để nuôi con và nuôi lợn để nuôi các con. Hai vợ chồng nhà văn cũng từng cùng đi bán máu đều đặn hàng tháng để cùng nuôi con và nuôi lợn để nuôi các con. Hai vợ chồng này rất yêu nhau. Cho dù, trong cơn mê gái, như nhà văn đã tự khai – cho dù lời khai đã đạt chừng mười phần trăm sự thật – nhưng tình cảm trọn đời của Nguyễn Xuân Khánh vẫn dành cho người “tao khang chi thê” của anh. Bè bạn hoàn toàn biết rõ điều này.

Vấn đề cần lý giải là làm sao lại có sự thủy chung khó hiểu đến thế?

Thì đây là một trong những “đường dẫn” bài viết này muốn mang đến cho bạn đọc. Đường dẫn cũng đơn giản thôi: tình yêu thực sự của nhà văn với “cây lộc vừng biết nói” đã cùng anh sinh ra bốn cậu con trai lộc ngộc.

Bất kỳ ai gặp gỡ nhà văn đều nhận thấy ở gia đình Nguyễn Xuân Khánh mọi người đều có một giọng nói với âm sắc rất giống nhau.

Bắt đầu từ chị vợ nhà văn. Chị Hoàn có một giọng nói của một người đàn bà sinh ra để chăm sóc một gia đình. Một giọng nói ấm áp nhưng không quá trầm để không ra lệnh mà cũng thành mệnh lệnh. Một giọng nói ấm nhưng lại trong trẻo rất dễ lọt tai. Một giọng nói dù có lúc cáu gắt thì cũng vẫn giữ được cái âm vang gắn bó vợ chồng con cái – và cả với mẹ chồng nữa. Một giọng nói Giời phú cho những con người chân quê và chân tình.

Giọng nói của nhà văn Nguyễn Xuân Khánh cũng vậy. Anh có cách nói nhẹ nhàng, dịu dàng. Và anh rất tốt nhịn. Thế hệ chúng tôi từng có những lúc đốp chát va chạm nhau trong nhiều địa hạt, tri thức, quan điểm, sở thích… và đôi khi cả trong cách sống hàng ngày. Nguyễn Xuân Khánh không mấy khi lên án bạn bè gay gắt – anh rất dễ cảm thông với mọi người. Anh cũng rất dễ nhận ra những nét thú vị, vui vui trong bạn bè và người đời, để mà nhớ, để mà thích, không để ghét bỏ.

Nhân vật Linh trong Chuyện ngõ nghèo chính là con trai đầu của anh, cậu kỹ sư xây dựng suốt ngày chúi đầu vào sách triết học, trong tiểu thuyết đã thành cậu Linh một hình ảnh phản biện, chế giễu nhưng cũng tháo gỡ sự ngốc nghếch của nhà trư cuồng vĩ đại xưng “Tôi” có tên là Hoàng.

Với mấy đường dẫn trên đem cung cấp cho bạn đọc, mong rằng bạn sẽ dễ dàng chia sẻ những ẩn dụ mà cặp nhân vật “ba người trong một” Hoàng-Lân-Tám đã cung hiến.

Đây, ngay từ đầu đi chọn giống lợn, Hoàng đã gặp một con lợn khác đời. Mọi con lợn thì có lông màu đen, hoặc màu trắng, hoặc trắng lang đen. Con lợn của anh mua lại có màu vàng như lông bò, như một con sâu róm như mô tả của vợ anh. Thế chẳng đáng là một câu hỏi sao? Nhưng Hoàng vẫn đang cơn mê lợn. Anh hùng hổ tuyên bố với bà vợ đầy hoài nghi: “Chúng ta sẽ là những anh hùng nuôi lợn!” (trang 14). Và để che giấu sự hoài nghi của chính mình, và cũng hồi hộp theo dõi sự thích nghi của con Lợn Bò, cũng không muốn để vợ chê trách, Hoàng đục vách để từ trong nhà nằm trên giường nghé ra ngắm nghía và theo dõi “nhân vật” của mình, “người hùng trong tiểu thuyết” của mình.

Dọc hành trình trư cuồng, những suy ngẫm song đề so sánh người với lợn, so sánh cách ăn và ngủ của người và của lợn, so sánh cả cách chết “cắt tiết cuộc đời” của người và của lợn… Những “nghiên cứu” của nhà trư cuồng Tám Bách Khoa về nguồn gốc loài người có sự hòa trộn giữa khỉ và lợn… Những lan man của các nhà trư cuồng về Phật… cả cuộc “giao hoan thảm thương” giữa người với người khi người không được hoàn toàn là người… (trang 89).

Xin dành tất cả cho bạn đọc. Ẩn dụ là của nhà văn. Thưởng thức ẩn dụ là thưởng thức cái Đẹp. Và đối với cái Đẹp, không nên bắt ai ai đều có cùng “thu hoạch”. Ngày xưa, Lê Đạt, người thông minh nhất và tinh quái nhất trong đám Nhân văn đã xì ra một thủ pháp được anh đặt tên là “biểu tượng hai mặt”, và có biết bao nhiêu cả tin đã vồ lấy, tưởng như nhận được “bản thú tội đầy đủ”…

Không, xin nhắc lại, chính bạn, và riêng rẽ từng bạn, hãy tiếp nhận từng ẩn dụ trong cả chuỗi ẩn dụ. Bạn đọc Việt Nam đương thời cần học lại cách đọc sách suy ngẫm. Mà đã suy ngẫm thì chỉ có thể là suy ngẫm trong chốn riêng tư. Ngay giữa chợ cũng riêng tư – như nhà văn Nguyễn Xuân Khánh đã hành động đúng như vậy.

2.3. Và một ẩn dụ lớn

Với một riêng tư, và một riêng tư trong sáng, chúng ta có quyền và rất nên tự đặt câu hỏi về ấn tượng chung toàn bộ tiểu thuyết Chuyện ngõ nghèo (hoặc Trư cuồng) đã đem lại cho mình.

Toàn bộ câu chuyện dường như là một “bản tường trình” theo đường lối “khoa học – văn học” tác giả gửi chúng ta, những người đương thời (và rồi là cả cho hậu thế).

Dường như nhà văn suốt dọc hành trình mắc chứng điên trư cuồng đã luôn luôn vật vã với khái niệm người trí thức.

Thế nào là người trí thức? Khi đã rơi xuống tận đáy cuộc đời tầm thường, người trí thức hành xử ra sao? Nhà văn Nguyễn Xuân Khánh hình như có gửi cho một bạn đọc trong đó có bản thân người viết bài này lời nhắn nhủ rằng: sứ mệnh của người trí thức là luôn luôn vật vã thoát ra khỏi sự vô cảm.

Người trí thức không được vô cảm, vì họ luôn luôn bắt gặp những vấn đề của lịch sử đã đặt ra hay vẫn còn đang đặt ra.

Chuyện “ông Tí giò” ở những trang gần cuối đâu phải là chuyện “tố khổ” tầm thường! Bất kỳ ai nếu mang sứ mệnh người trí thức đều cần ngẫm nghĩ nhiều nữa về bản chất nông dân trong cuộc vật lộn để hiện đại hóa tư duy và lối hành động của mình trong cuộc đời thực.

Câu chuyện về Nàng Hồ Ly xuất hiện hai lần ở những trang giữa truyện và cả ở cuối truyện là ẩn dụ về những cám dỗ – không phải là những cám dỗ “đạn bọc đường” tầm thường chỉ đủ sức cám dỗ những kẻ tầm thường – mà đây là những cám dỗ người trí thức hãy bỏ cuộc, hãy buông bút hoặc bẻ cong bút.

3. Đôi lời kết

Nhà văn Nguyễn Xuân Khánh đặt chân vào văn đàn hiện đại Việt Nam với truyện ngắn được giải thưởng báo Văn nghệ Quân đội, Một đêm.

Đó không phải là câu chuyện anh bộ đội đi bộ suốt đêm, bám theo đẩy giúp một cái xe, để vui chân về đơn vị trả phép đúng hạn. Đó là tâm hồn trong sáng của một nhà văn trẻ, một mảnh đất mới tinh khôi và màu mỡ.

Rồi tâm hồn nhạy cảm (hoặc không vô cảm) của người trí thức trẻ đó đã đưa anh qua những Suối đen, những Miền hoang tưởng, những cơn điên nuôi lợn… Tâm hồn nhạy cảm đó đã lên nhiều dốc cao có Hồ Quý Ly, Mẫu Thượng ngàn, có những thân phận đủ kiểu cùng nhau Đội gạo lên chùa …

Tôi không chúc mừng nhà văn Nguyễn Xuân Khánh về những “thành công” trong cuộc đời hữu hạn này. Tôi tin chắc bạn của mình không bợn nghĩ đến thành công. Anh chỉ cần hiện tồn – như một đề tài anh nghiền ngẫm đến nỗi bị bè bạn đặt tên là “Em giai chị Beauvoir”.

Hiện tồn với tư cách người. Con người tự do và trách nhiệm. Có trách nhiệm vì TA là con người tự do trong không gian và trong cả thời gian.

Nguyễn Xuân Khánh đang hiện tồn, nhẹ nhõm mà trĩu nặng những sầu muộn tinh quái – luôn luôn sống những song đề mà bè bạn anh, những người đương thời của anh cũng đang trải nghiệm.

Hà Nội, 10 tháng 4, năm 2017


[1] Nguyễn Xuân Khánh, Chuyện ngõ nghèo, tiểu thuyết, Hội Nhà văn và Nhã Nam xuất bản, Hà Nội, 2017, 324 trang, giá bìa 80.000 đồng.

[2] Nguyễn Xuân Khánh, Miền hoang tưởng, tiểu thuyết, nhà xuất bản Đà Nẵng, 1990, (tên tác giả tạm đổi thành Đào Nguyễn), tái bản dưới tựa đề khác Hoang tưởng trắng, Hội nhà văn và Nhã Nam xuất bản, Hà Nội, 2015.

[3] Nguyễn Xuân Khánh còn một bản thảo nữa bị kẻ trộm nẫng mất, cuốn Suối đen, hôm nay mà được ra mắt nữa thì bộ ba Miền hoang tưởng, Chuyện ngõ nghèo, Suối đen sẽ cho chúng ta thấy một chân dung nhà văn đầy đủ hơn.

[4] Miền hoang tưởng, trang 120, 121.

[5] Hoàng Tiến, nhà văn cùng thế hệ với Nguyễn Xuân Khánh, tác giả nhiều truyện ngắn trong đó có truyện Sương tan bị “đánh” tơi bời, nhờ đó có biệt danh là “ông tan xương”. Hoàng Tiến được mời lên gặp một người cấp cao, anh khoe với chúng tôi là đã chuẩn bị một khăn tay để bắt tay xong thì lau tay rồi có chuyện gì nói mới nói. Cuối đời, nhà văn này tham gia một tổ chức “tiến bộ”, nhưng anh sớm rời bỏ và công khai lên án nhiều “đồng chí” mới của mình. Một cái Văn miếu di động đặt vào đâu cũng không hợp!

Comments are closed.