Mấy suy nghĩ về tiểu thuyết lịch sử nhân tác phẩm Hội thề của Nguyễn Quang Thân

Trần Đình Sử

Image result for Hội thề Nguyễn Quang Thân Tiểu thuyết Hội thề của Nguyễn Quang Thân được trao giải A của Hội Nhà văn qua cuộc thi tiểu thuyết năm 2010 là sự kiện văn học có ý nghĩa. Một trong số đó là cách nhìn tiểu thuyết lịch sử như một không gian hư cấu nghệ thuật. Cách đây hơn 20 năm, nhà văn Nguyễn Huy Thiệp viết truyện có chi tiết không có trong thường thức lịch sử đã bị phê bình truyền thống lên án gay gắt. Nay một tiểu thuyết viết có mấy chi tiết không thấy trong thường thức lịch sử lại được Hội Nhà văn trao giải cao, nó chứng tỏ ý thức văn học của nhà văn đã có thay đổi đáng kể. Tất nhiên đó không phải là lí do cơ bản để trao giải cho tác phẩm này, nhưng nó đã không thành vấn đề cấn cái cho sự trao giải, bởi sự “đọc văn khác đọc sử” đã được thừa nhận từ lâu. Ý kiến bất đồng là chuyện bình thường. Chỉ có tự do phê bình thì mới mong khắc phục được lối phê bình một chiều và làm sáng tỏ các ranh giới. Chân lí không nằm trong túi của riêng ai, phải qua thảo luận, đối thoại mới bộc lộ ra được. Tất nhiên tự do phê bình không đồng nghĩa với tự do suy diễn, quy chụp. Nhà văn Việt Nam chắc không ai quên kí ức một thời phê bình quy chụp, đã bao đồng nghiệp điêu đứng, mà nay xem lại hoá ra chẳng có tội danh gì.

Tổng quan lại, ý kiến về Hội thề cho đến nay có hai luồng. Một luồng khẳng định, biểu dương Hội thề ở ba điểm chính: Một là tái hiện cuộc kháng chiến thắng lợi chống giặc Minh dưới sự lãnh đạo tài tình của Lê Lợi cùng các quân sư, tướng lĩnh Lam Sơn, thể hiện tư tưởng lấy đại nghĩa thắng hung tàn, lấy chí nhân thay cường bạo, mưu kế “đánh vào lòng người”, mong muốn xây đắp hoà bình lâu dài. Hai là phê phán thói kì thị trí thức của một nhúm tướng lĩnh nghĩa quân, mầm mống của các bi kịch về sau. Ba là miêu tả nhân vật không một chiều theo kiểu phe ta thì chỉ có tốt, phe địch bao giờ cũng là thú vật. Luồng phủ định cũng có mấy lí do. Một là dẫn sách sử để chứng minh tiểu thuyết có chi tiết sai lịch sử. Hai là miêu tả Bình Định Vương có chỗ thô thiển, miêu tả một vài tướng giặc quá tốt, miêu tả mâu thuẫn nội bộ không phù hợp với thời điểm lịch sử, không phù hợp với Bình Ngô đại cáo. Có thể còn các ý khác nữa, xin được không liệt kê hết.

Qua hai luồng đó có thể thấy ý kiến khác nhau trước hết là do tiêu chí đánh giá khác nhau. Luồng phủ định chủ yếu yêu cầu tiểu thuyết lịch sử phải trung thành với thường thức lịch sử đã hình thành lâu đời từ trước đến nay. Luồng khẳng định thì xem Hội thề là một tiểu thuyết sáng tạo bằng hư cấu nhằm thể hiện những thông điệp văn học. Sự bất đồng này cho thấy quan niệm về tiểu thuyết lịch sử còn nhiều điều cần bàn thêm. Bài này xin góp một vài ý nhỏ về vấn đề lớn đó.

Trước hết là nhận thức chung. Sử học là tri thức khoa học, tiểu thuyết lịch sử là nghệ thuật. Nghệ thuật không làm thay đổi được lịch sử. Tiểu thuyết lịch sử tất nhiên là viết về người và sự kiện lịch sử quá khứ. Nhưng tiểu thuyết viết như thế nào, là một vấn đề còn để ngỏ cho mọi người sáng tạo. Ai cũng biết lịch sử là cái từng có thật trong thực tế, nhưng nói chung ai cũng chỉ biết nó qua lịch sử được ghi trong văn bản (sách sử, trong tư liệu lưu trữ, trong bảo tàng hoặc dạy trong nhà trường…). Cái lịch sử đó là tri thức rất cơ bản và quan trọng trong vốn hiểu biết của mỗi người, để làm người, không thể coi thường. Nhưng cũng như mọi tri thức nó khó tránh khỏi hạn chế, bởi nó đã được chọn lọc, được tinh chế theo những quan điểm nhất định vào thời điểm các tài liệu ấy được viết ra, chứ không phải toàn bộ lịch sử như nó vốn có. Những gì không được chọn lọc, tinh chế hầu như đã bị rơi rụng và mất hút theo thời gian. Cái phần lịch sử ta biết được chỉ là phần lộ trên mặt nước của tảng băng trôi, còn toàn bộ lịch sử vốn có đã chìm sâu trong biển nước. Do đó mà có nhiều câu hỏi về lịch sử đã thiếu vắng câu trả lời. Toàn bộ lịch sử như nó xảy ra trong thực tế cuộc sống, giống như cuộc sống hôm nay mà chúng ta chứng kiến với tất cả những xô bồ, hỗn độn, đầy ngẫu nhiên, oái oăm, phi lí… nếu sau này đọc trong các “lịch sử”, chắc sẽ không thấy được bao nhiêu nữa. Nhưng lịch sử đích thực không bao giờ chỉ là quá khứ. Nhà sử học Italia B. Croce nói: “Mọi lịch sử đích thực đều là lịch sử đương đại”, tức là lịch sử theo quan niệm đương đại. Một nhà sử học, mĩ học người Anh, ông R. C. Collingwood trong sách Quan niệm về lịch sử có nói đại ý: Lịch sử không phải chỉ là cái quá khứ mọi người đã biết, mà còn là những điều dần dần sau này mới biết. Lịch sử là sự thể nghiệm hôm nay, sự diễn lại hôm nay kinh nghiệm của quá khứ. Một nhà khoa học khác, ông Ju. Lotman có nói rằng lịch sử vốn có rất nhiều khả năng. Khi một khả năng được biến thành hiện thực thì các khả năng khác, mà chưa chắc chúng đã tồi hơn so với cái khả năng đã được thực hiện kia, đều bị thủ tiêu. Đến lượt mình, nhà viết sử lại chọn trong muôn lối giải thích về lịch sử một lối được ưu tiên, thế là các khả năng giải thích khác cũng bị thủ tiêu nốt. Nhưng tất cả những khả năng đã mất không phải là vô nghĩa, chúng vẫn có thể nói với ta nhiều điều, vẫn là đề tài để con người suy nghĩ nhằm hướng tới những khả năng có thể làm cho cuộc sống ổn định, tươi đẹp hơn. Do đó hiểu lịch sử chỉ là những gì được ghi lại trong quá khứ, tách rời với sự thể nghiệm hôm nay không phải là lịch sử đích thực.

Đó chính là chân trời của nhà tiểu thuyết lịch sử. Nhà tiểu thuyết lịch sử không phải là người minh hoạ sách sử, không phải là người viết cho sinh động cái mà nhà sử học viết một cách khô khan. Họ phải khai thác những khả năng bị đánh mất, còn bỏ sót, bỏ ngỏ trong lịch sử, làm đậm những nét mờ, đặng biểu hiện những suy nghĩ mới, những ước mơ của mình đối với lịch sử. Nếu chỉ chép lại y như những điều sách sử viết thì nhà tiểu thuyết còn viết tiểu thuyết để làm gì. Tiểu thuyết của họ phải là một góc nhìn, một tiếng nói góp phần hiểu thêm lịch sử, không chỉ lịch sử xưa, mà cả lịch sử từ nay về sau. Trong khi thực hiện ý đồ sáng tạo, nhà tiểu thuyết vẫn phải tôn trọng các sự kiện lịch sử, cần khai thác đầy đủ các chi tiết về phong tục, thời đại, kiến trúc, cây cỏ, đồ dùng thuộc các thời xa xưa mà nhà văn miêu tả, như thế mới tạo dựng được không khí chân thực lịch sử, tạo ảo giác chân thực khiến người đọc tin cậy. Chỉ một chi tiết thiếu chính xác sẽ ảnh hưởng đến cảm giác về tính chân thực. Những thiếu sót về hoàn cảnh như vậy thường rất khó tránh. Điều quan trọng hơn là tinh thần của thời đại, tinh thần của lịch sử. Đáng tiếc là nhà văn Nguyễn Quang Thân có một số lỗi về mặt này, những lỗi có thể sửa chữa được khi tái bản.

Trong tiểu thuyết Hội thề của Nguyễn Quang Thân, cảm hứng ngợi ca tư tưởng đại nghĩa, chí nhân và tầm nhìn chiến lược của nhà lãnh đạo kháng chiến chống quân Minh với những mưu kế xưa nay chưa từng có là rõ ràng, phản ánh chân thực thời đại lịch sử, không có gì phải bàn cãi. Chỉ còn một số chi tiết gây tranh luận. Có ý kiến cho rằng các hiện tượng rạn nứt, bất hoà trong một số tướng lĩnh với nhà chiến lược Nguyễn Trãi lẽ ra chỉ xuất hiện sau khi kháng chiến thắng lợi, Bình Định vương lên ngôi vua thì mới xảy ra, còn lúc này chưa thể có. Trong Bình Ngô đại cáo Nguyễn Trãi cũng đã viết vua tôi “gắn bó một lòng phụ tử, hoà nước sông chén rượu ngọt ngào”. Viết như nhà văn là “chọn sai điểm rơi”, trái với tinh thần bài cáo. Chỗ này có thể có cách hiểu khác. Bài cáo với tư cách văn kiện tổng kết cuộc kháng chiến thắng lợi thì chỉ được nêu những nhân tố làm nên thắng lợi, không phải chỗ để nêu ra những bất hoà. Các sự rạn nứt có thể phải sau này mới xảy ra, nhưng về mặt tâm lí, những ghen ghét, đố kị, khinh bỉ giới trí thức, tâm lí tranh công thì ai dám bảo là chưa có ngay từ lúc đang chiến đấu gian khổ? Trong mắt dân gian, qua các truyện dân gian khi nói đến “học trò” đều thể hiện thái độ khinh miệt, những là trói gà không chặt, dài lưng tốn vải, dốt đặc hơn hay chữ lỏng… mà một số nhà nghiên cứu Mỹ, Đài Loan có nói tới một thứ “chủ nghĩa phản trí thức” trong đời sống và trong văn học dân gian. Trong cách mạng Trung Quốc, từ những năm 40, Mao Trạch Đông đã xem trí thức là cục phân, quan điểm này có từ thời Diên An, trong đấu tranh khốc liệt, chứ không phải sau năm 1949. Đó cũng là thứ tâm lí cổ truyền, có thời ta cho là phải, dần dần ta mới nhận ra là có hại. Là một người nhạy cảm, khi sống chung với các tướng sĩ nông dân, Nguyễn Trãi có lẽ cũng nhận thấy, song ông bỏ qua, tất cả cho thắng lợi. Mãi đến sau này, khi đã bị cho về Côn Sơn ông mới thổ lộ ít nhiều trong Quốc âm thi tập. Nhưng nhà tiểu thuyết thì không thể viết như là sách sử, tôn trọng trật tự ngày tháng, thứ tự trước sau. Để cho tập trung, gây hiệu quả kịch tính và tạo huyền niệm, gợi ra cái bi kịch về sau này nhà văn có thể dồn lại trong một khoảng thời gian rất ngắn, và như thế thiết nghĩ, là có nghệ thuật và không trái với lịch sử.

Image result for Hội thề Nguyễn Quang Thân

Có ý kiến nói Nguyễn Quang Thân miêu tả một vài tướng giặc nhân văn quá, đa tình quá, cao thượng quá, không phải là những tên tướng cực kì tàn bạo, huỷ diệt văn hoá, có thể nói là diệt chủng của thời quân Minh xâm lược nước ta mà Nguyễn Trãi đã tố cáo trong Bình Ngô đại cáo. Về tội ác của giặc thì đúng như vậy. Không ai có thể biện hộ cho những tội ác trời không dung đất không tha của chúng. Nhưng Lê Lợi nhìn xa đã thấy không chỉ có giải phóng đất nước khỏi ách xâm lược mà còn dựng xây nền hoà bình lâu dài. Để tránh bớt đổ máu, Nguyễn Trãi và Lê Lợi đã dùng phép đánh vào lòng người. Muốn làm được điều đó, không chỉ cần có chiến thắng, có thế và lực, mà còn phải nhìn thấy trong lũ giặc có người có khả năng tiếp nhận điều phải chăng mà Nguyễn Trãi đã nêu trong Quân trung từ mệnh. Nguyễn Trãi đã có sự phân hoá sâu sắc đối với kẻ thù. Có kẻ ông chỉ có mắng nhiếc, có kẻ ông tỏ ra nể trọng, từ tốn. Nếu không tin vào chỗ mềm yếu, tham sống sợ chết, và cả nhân tố nhân văn có thể tranh thủ được của một số tướng giặc thì khó mà có cuộc đánh vào lòng người ngoạn mục như đã có trong lịch sử. Trong bối cảnh ấy có miêu tả một vài nét tử tế, có tính người của tướng giặc trong chuyện riêng tư thì cũng là dễ hiểu. Truyền thống văn chương cách mạng của ta trước đây thường vạch rõ ranh giới địch ta, miêu tả quân địch bao giờ cũng như cầm thú, ma quỷ, nhe nanh giơ vuốt. Nếu ai miêu tả một vài nét khả thủ trong hình tượng quân thù đều bị coi là mất lập trường, phạm lỗi về tư tưởng. Thực tế cuộc chiến chống Mỹ vừa qua cũng cho thấy, một mặt quân xâm lược rất tàn bạo, nhưng mặt khác, trong đội ngũ đó có những người đã biết trân trọng phẩm giá của người “Việt cộng”, biết lưu giữ nhật kí Đặng Thuỳ Trâm sau này trao lại cho ta. Chính những nhân tố đó sau này là nền tảng để xây dựng tình hữu nghị Việt Mỹ. Một điều nữa có lẽ không thể không tính đến là trong cuộc kháng chiến chông xâm lược Minh, kẻ xâm lược và người chống xâm lược đều được giáo dục theo một truyền thống văn hoá, cùng đọc một kinh điển, cùng dùng một ngôn ngữ, cho nên một lúc nào đó họ có những ững xử gần gủi nhau. Cách miêu tả một vài tướng Minh của tác giả không chỉ là đột phá cách miêu tả quân thù đã thành truyền thống khô cứng, mà mặt khác cũng là một cách bày tỏ ước vọng thông cảm lẫn nhau giữa những con người ở hai mặt trận đối địch. Hơn nữa đây là miêu tả tướng giặc khi chúng đã chấp nhận đầu hàng. Với lại, không phải chỗ khen nào cũng là khen, có khi khen mà chê đấy, như trường hợp vì người vợ mà hy sinh biết bao quân lính thì tốt đẹp gì?

Chi tiết về hành vi làm tình với “mụ bếp” không miêu tả trực tiếp, mà được nhớ lại qua hồi ức của Lê Lợi với ý thức tự trách mình. Đó là khi ông đói bụng, mệt mỏi, không đọc được binh thư, nhìn thấy bà Thị Lộ mang thức ăn lên với con mắt như “xé thịt gà luộc”. Theo tôi nó chỉ có ý nghĩa phi thần thánh hoá lãnh tụ nghĩa quân, mà không hề hạ bệ hay bôi bác thần tượng, bởi vì “mụ bếp” là bạn lúc nhỏ, vốn có tình ý với Lê Lợi rồi, một lần khi ông vào bếp thì mụ cố tình “giả vờ đổ vào ông” khiến ông không tự chủ, và rồi ông rất hối hận. Đó là chi tiết rất người, và sau đó ông tự nghiêm sắc mặt, vẻn vẹn có 180 chữ. Đúng là một cách cảm nhận ngày nay về nhân vật lịch sử. Nếu so sánh với chân dung của Lê Lợi đã được thần thánh hoá do chính Nguyễn Trãi miêu tả trong Lam Sơn thực lục thì thật thú vị: “Thời vua còn trẻ, thần thái anh nghị, mắt sáng, miệng rộng, mũi cao, mặt rồng, vai bên tả có bảy nốt ruồi, đi như rồng, bước như hổ, lông lá đầy người, tiếng như chuông lớn, ngồi như hổ”. Khi đọc một vài bài phê bình chi tiết này, tôi bỗng nhớ tới cách phê bình trong cách mạng văn hoá của Trung Quốc hồi nào mà tôi biết, là “phê cho nó đổ sụp, phê cho nó thối ra”. Một vài bài phê bình Hội thề hôm nay đúng là phê cho nó thối ra kiểu “cách mạng văn hoá”. Phê bình văn học hôm nay thiết nghĩ không nên lặp lại thói cũ.

Cái khó của mọi tiểu thuyết viết về lịch sử là phải vừa tôn trọng lịch sử, vừa lại phải vượt qua thường thức lịch sử ở chỗ nào đó để mở ra cái nhìn mới. “Lịch sử” trong khi tổng kết lịch sử, biến thành tri thức thường thức thì nó cũng trở thành công thức, giáo điều, bất di dịch. Chính vì như vậy mà tiểu thuyết lịch sử mở ra một cách nhìn khác, có tính giả tưởng, hư cấu, ảo, để người đọc có một thoáng vượt qua thường thức, cảm nhận lịch sử một cách khác. Đó không phải là phản lịch sử mà chỉ là mở rộng cách nhìn về thường thức lịch sử, đối thoại vớí lịch sử. Nhà phê bình cũng cần đối thoại lại, sự nói lại cũng rất thú, nhưng rất có thể nhà tiểu thuyết có cái lí của họ. Tôi cho rằng các ý kiến phản biện lại tiểu thuyết của Nguyễn Quang Thân đều rất thú, có thể bất ngờ đối với tác giả, song không nên vì vậy mà đao to búa lớn, la lối om sòm đối với cuốn tiểu thuyết của nhà văn.

Tôi viết bài này không phải nhằm bào chữa cho cá nhân nhà văn Nguyễn Quang Thân, người đang hứng chịu búa rìu của cuộc trao đổi. Điều tôi quan tâm là cần nhận thức vể mối quan hệ giữa tiểu thuyết lịch sử với lịch sử và thường thức lịch sử, bởi nếu một quan niệm xơ cứng nào đó sẽ là sự trói buộc ngòi bút nhà văn trong sáng tạo nghệ thuật. Nhà tiểu thuyết lịch sử trước hết là nhà tiểu thuyết, họ là người làm văn, không phải làm sử. Hiện nay đang có ý kiến khá phổ biến cho rằng các nhà văn viết về lịch sử của ta, ai trung thành với sách sử thì bị phán là “ăn theo lịch sử”, còn ai viết khác thường thức lịch sử, dù chỉ là chi tiết thì bị cho là “phản lịch sử”. Cả hai nhận định đều không đúng. Hãy đem so sách sử Đại Việt sử kí toàn thư với tiểu thuyết lịch sử của Hoàng Quốc Hải, Nguyễn Xuân Khánh, xem có phải là ăn theo không? Một sự đối chiếu sơ lược cũng cho thấy công phu sáng tạo của nhà văn là rất lớn, không ai ăn theo được điều gì. Khi phê bình, thiết nghĩ, chúng ta nên suy nghĩ thêm về quan điểm, tiêu chuẩn của tiểu thuyết lịch sử mà nhà phê bình mong muốn. Và cũng nên lắng nghe quan niệm của các nhà văn về tiểu thuyết lịch sử của họ nữa.

2010

Comments are closed.