Tản mạn Tây Nguyên (1)

Các loại rừng của làng – minh triết Tây Nguyên

Nguyên Ngọc

Từ năm 1937 hai nhà dân tộc học đầu tiên của Việt Nam Nguyễn Kinh Chi và Nguyễn Đổng Chi, sớm một cách khác thường, đã khẳng định ở Tây Nguyên làng là đơn vị cơ bản của cấu trúc xã hội[1]. Vị trí và vai trò của làng tạo nên sắc thái độc đáo và sự vững chắc kỳ lạ của xã hội Tây Nguyên suốt lịch sử lâu dài.

Thế còn rừng? hẳn có người hỏi. Trên này, rừng với làng là một. Hoặc đúng hơn, có một phương cách quan hệ rất đặc biệt giữa rừng với làng. Tôi sẽ xin cố gắng nói đôi chút về chính điều này.

Trong chiến tranh, sống ở Tây Nguyên, chúng tôi thường phải tự mình làm rẫy để có cái ăn. Muốn làm rẫy ở một khoảnh rừng nào đó, chúng tôi phải đến xin ông già làng ở vùng ấy, ông gật đầu ừ cho một tiếng, mới được bắt đầu hạ rựa. Nhưng chỉ cần dịch qua khỏi một hòn đá lớn hay một con suối nhỏ, thì chúng tôi phải đi xin ông già làng khác ở bên kia chứ không phải ông bên này. Đấy là phép tắc đầu tiên ở Tây Nguyên, không biết điều đó thì không thể sống ở đây.

Từ xưa, ở Tây Nguyên, vốn không có một tấc đất, một tấc rừng nào vô chủ. Từng tấc đất rừng đều có chủ rõ ràng và cụ thể, là các làng, từng làng. Từng khoảnh đất, khoảnh rừng cụ thể, xác định là không gian vật chất thuộc sở hữu thiêng liêng của từng làng. Làng không thể treo lơ lửng giữa không trung, nó đứng một cách vật chất trên một không gian rừng xác định, là cái chân đế, là nền tảng vật chất và kinh tế của nó.

Ở đây, đến thời gian cũng được hiểu và đo bằng không gian rừng. Cuốn sách nổi tiếng của Georges Condominas có tên là “Chúng tôi ăn rừng Đá thần Gô”. Câu đó không chỉ một công việc hay một không gian, mà chỉ một thời gian. Nó có nghĩa là “Năm 1948”, năm Condominas đến cùng dân làng Sar Luk của người Mnông Gar “ăn rừng” (tức làm rẫy để có cái ăn) ở khu rừng có tên là Rừng Đá thần Gô. Có vẻ như người Mnông Gar hiểu… Einstein. Họ biết không có thời gian nói chung và cùng lúc ở mọi nơi, đối với mọi người, thời gian bao giờ cũng là thời gian của một không gian làng cụ thể. Và nó thay đổi tùy thuộc vận động riêng của từng làng. Lâu nay các nhà khoa học bảo Einstein chỉ đúng ở cấp độ vũ trụ. Hóa ra ông đúng cả ở… cấp độ làng của Tây Nguyên! Về phía người Tây Nguyên, đấy là một minh triết sâu xa, mà chắc chính họ cũng bất ngờ.

Còn một minh triết nữa trong chuyện rừng và làng ở đây. Nó thế này:

Một làng ở Tây Nguyên phải có đủ ít nhất năm loại rừng: (1) Rừng đã được con người mượn của trời đất (hay thần linh, cũng tức là Tự nhiên) để làm nơi cư trú – ta sẽ gọi là “rừng cư trú”; (2) Rừng được quy định để làng làm rẫy, có phạm vi nhất định, do hội đồng già làng khoanh rõ, quản lý và phân cho từng gia đình; (3) Rừng được các nhà khoa học gợi là “rừng sinh hoạt” (một cách gọi khá vụng về), nơi dân làng có thể vào lấy sợi mây, cây gỗ (bao giờ cũng vừa đủ) để làm nhà hay đan đát, con ong, cái mật, các loại rau rừng phong phú và ngon tuyệt cho bữa ăn hằng ngày, nhựa cây có chất độc mà chỉ họ biết để tẩm mũi tên săn con thú…; (4) Rừng ma, tức khu nghĩa địa, con người chỉ đến trong các dịp chôn cất người chết, và khi làm lễ bỏ mả; và cuối cùng (5) Rừng thiêng, là chốn cư ngụ của thần linh, không ai được động đến, cũng là rừng đầu nguồn để giữ nước cho làng.

Có đủ năm loại rừng ấy thì mới hình thành một cái làng. Georges Condominas gọi đó là “không gian xã hội”[2], một số nhà khoa học khác gọi là “không gian sinh tồn” của làng; có đủ không gian ấy thì làng mới tồn tại, mới “sinh tồn” như một thực thể xã hội.

Bằng không…

Bây giờ hãy nói thêm một chút về con đường đi từ (1), (2) đến (3), (4), (5) ấy. Nhìn kỹ sẽ thấy đấy chính là con đường của mối quan hệ giữa con người với rừng, hay nói chữ nghĩa một chút, giữa văn hóa với tự nhiên ở Tây Nguyên. Theo một chiều, nó đi từ nhạt đến đậm, theo chiều ngược lại, thì là từ đậm đến nhạt; đậm và nhạt rừng.

Thử bắt đầu theo một chiều. Thoạt tiên: Rừng đã thành đất cư trú. Ấy là nơi con người đã mượn, đã xin của rừng một miếng, thường tương đối nhỏ thôi, chặt bớt đi một ít cây rừng, trồng thay một ít cây ăn quả (hẳn xưa cũng là cây rừng thôi, đã được con người thuần hóa qua nhiều trăm hay nghìn năm), lại thêm mấy bụi ớt, mấy bụi cà đắng (chú ý “cà đắng” nhé, món độc đáo của các làng Tây Nguyên, còn khá đậm vị đắng hoang dã của rừng mà con người vẫn rất nhớ; ớt ở đây cũng là “ớt hiểm”, bé tí, mọc ngược chỉ thiên, và cay xé!)… Ở đấy người ta cất lên những chiếc nhà sàn, để đỡ cái ẩm của rừng và tránh rắn rết… Có bếp lửa, có chiếc cối giã gạo (đúng ra là giã lúa), có đêm bên bếp lửa với rượu cần và sum vầy gia đinh, làng xóm… Nơi rừng đã khá xa, nơi con người nhiều hơn, an toàn và an tâm hơn, nơi đã là văn hóa, văn minh, là xã hội…

Nhưng, như Jacques Dournes nói: “Nền văn minh Tây Nguyên là một nền văn minh thảo mộc”[3]. Thật vậy, nhìn kỹ mà xem: ngay trong nhà, vẫn đầy, vẫn đậm rừng. Tất cả đều bằng rừng, từ cái ở, cái ăn, cái mặc, cho đến chiếc đàn goong và cây sáo để tự tình, rượu cần cũng là chưng cất từ lá, rễ, vỏ cây của rừng, để la đà say và quên …

Thứ hai: Rừng làm rẫy. Ở đây, con người, văn hóa, xã hội chỉ có một nửa, nửa kia là của rừng, của tự nhiên. Con người chỉ đến đó ban ngày, tỉa lúa, trồng sắn, vãi ngô… cùng các loại cây vốn cũng nguyên là của tự nhiên hoang dã, đã được thuần hóa lâu hay gần. Ban đêm, thì là của hoang dã, của thú rừng lai vãng, các các loại ma rừng lởn vởn, nhiều vô kể bởi vì chúng là hồn của các loại cây cỏ, và đá, và suối nước, cùng muôn thú… tất cả đều có hồn. Cũng có khi người ta ở lại đấy ban đêm, thường trong mùa lao động chính, gieo trồng hay thu hoạch. Trong những chiếc chòi rẫy tạm bợ, sơ sài, luôn giữ một đống lửa nhỏ không chỉ để chống cái lạnh rừng đêm, mà còn xua bớt nỗi sợ ma…

Vả chăng lại còn chuyện mỗi miếng rẫy làm 3 tới 4 năm thì bạc màu, người ta lại trả cho rừng, chuyển sang miếng khác, cứ thể luân khoảnh, quay vòng, (khi Tây Nguyên chưa có chuyện kế hoạch đại di cư người đồng bằng lên) mỗi gia đình có từ 10 đế 20 miếng rẫy, quay tròn giáp một vòng là 40 đến 80 năm, rẫy được bỏ hưu canh người Tây Nguyên gọi là rngol (người Kinh gọi là “rẫy dế”). Rừng vốn rất mạnh, rừng chiếm lại rất nhanh, trước khi con người vài ba thế hệ sau quay về mượn lại. (Nhân tiện đây cũng nói luôn: như vậy người Tây Nguyên không hề du canh, họ canh tác luân khoảnh; cũng không hề du cư, với những ngôi nhà rông hùng vĩ, cột nhà hai người lực lưỡng ôm không xuể, những ngôi nhà dài “như một tiếng chiêng”. Cho nên thực hiện chính sách “định canh định cư” như các cấp nhà nước đã làm ở đây ráo riết mấy chục năm nay là chẳng có cơ sở nào hết, nếu không chỉ căn cứ trên sách vở và tưởng tượng!).

Thứ ba: “Rừng sinh hoạt”: Ở đây rừng đã là chủ nhân rõ rệt, con người chỉ từng lúc rụt rè đến xin một ít của rừng về làm vật dụng cho văn hóa. Độ đậm của rừng đã khống chế. Con người đi vào đó đã phải rất cẩn trọng, bởi sức níu kéo của hoang dã vốn vẫn âm thầm không nguôi trong vô thức của chính con người, đến đây càng thức dậy rất mạnh… (Tới một lúc nào đó, tôi sẽ xin được nói về sức quyến rũ khó cưỡng này, Jacques Dournes bảo nó ám ảnh dụ dỗ ngay cả các nhà bác học nghiên cứu thực vật đi qua rừng…)

Thứ tư: Rừng ma, nghĩa địa. Bao giờ cũng nằm về phía Tây của làng, hướng mặt trời lặn, đường đi về cõi âm, và luôn phải cách làng một con suối, dù chỉ là một mạch nước nhỏ (cũng như con “sông mê” của người Kinh chăng?).

Tới đây không thể không nói đến tục bỏ mả của người Tây Nguyên. Ở Tây Nguyên, một người chết thoạt tiên được chôn trong một nấm mộ tạm, bởi con người đó còn chưa đi khỏi thế gian này. Hằng ngày người thân vẫn mang cơm rượu ra mộ (một cách tượng trưng) cho họ. Tùy khả năng của gia đình, và bao giờ cũng có sự giúp đỡ của cộng đồng làng, trong một, hai hay ba năm, người ta chuẩn bị và dựng trên ngôi mộ tạm một nhà mồ thật đẹp, cho cuộc tiễn đưa cuối cùng. Đây cũng chính là dịp ra đời những tượng gỗ nhà mồ nổi tiếng của người Tây Nguyên, những nghệ sĩ bẩm sinh… Khi mọi việc đã xong, là lễ bỏ mả, lễ hội quan trọng nhất và lớn nhất của Tây Nguyên, diễn ra trong mùa Ninh Nông, tức mùa nông nhàn, khi mẹ lúa đã ngủ say trong kho đóng kín, ngoài chân trời xa chưa nghe tiếng sấm đầu tiên âm ì, báo một mùa lao động nông nghiệp mới. Cả một vùng chung quanh nô nức kéo đến lễ hội, mang theo rượu, gạo, có khi cả trâu, lợn… Người ta làm lễ long trọng trả con người trở về… Trở về đâu? Về với rừng. Mẹ rừng. Bởi con người vốn là một mảnh nhỏ của rừng, một đứa con bé nhỏ của mẹ rừng, từ trong thăm thẳm của rừng mà đi ra, trải qua một thời gian ngắn ngủi trên cõi trần thế xôn xao bụi bặm này… nay lại được đưa trả về cho thăm thẳm của rừng… Trong số các tượng được tạc và dựng lên dịp lễ bỏ mả, thường thấy hai kiểu tượng đặc trưng. Tượng một người ngồi bó gối, thân co khom lại, hai tay chống cằm, đôi mắt trắng dã đăm đắm vào cõi không cùng. Con người suy tưởng của Rodin chăng? Cũng có người nhận ra hình tượng chiếc bào thai của sự sinh nở vĩnh hằng… Và một kiểu tượng thứ hai: thân hình một người đàn bà cao gầy, đen đủi, khắc khổ, cao hơn tất cả, vút bật lên và hơi đứng xa ra các tượng khác: hình tượng Bà Vú Dài, người mẹ lớn, hiện thân của mẹ Rừng đón con người trở về với tự nhiên vô thủy vô chung. Người Tây Nguyên không hát như Trịnh Công Sơn: “…Cát bụi, ta trở về cát bụi”. Họ bình tĩnh nói: “Là rừng, nay ta trở lại với rừng”…

Và nấm mộ từ đó được bỏ hẳn, cho mưa nắng. Cho thời gian. Cho mẹ rừng.

Rừng ma là bước chập chờn cuối cùng giữa làng với rừng, văn hóa với tự nhiên, xã hội với hoang dã…

image_thumb[9]image_thumb[7]

image_thumb[10]

Lễ bỏ mả. Ảnh: Nguyên Ngọc.

Và thứ năm: Rừng thiêng. Đến đây thì chỉ còn thần linh, chỉ còn rừng đại ngàn, chỉ còn tự nhiên vĩnh hằng. Mà con người Tây Nguyên kính sợ, tôn thờ, bởi đấy cũng là rừng đầu nguồn, ngọn nguồn của nước, nguồn gốc của sự sống.

Vậy đó, cách con người Tây Nguyên xử lý mối quan hệ cơ bản, cốt tử của con người, của loài người giữa tự nhiên và văn hóa từ khi con người thành xã hội. Con người ắt phải rứt ra khỏi tự nhiên để thành văn hóa, thành làng xóm, thành xã hội, thành người. Nhưng ở đây họ rứt ra mà vẫn dính lại, theo nhiều cấp độ khác nhau, từ đậm đến nhạt, từ nhạt về đậm, không được đứt hẳn về một phía bên này, cũng không để mình chìm hẳn về phía bên kia. Họ chùng chình, nửa đi nửa ở, có phải chính sự chùng chình không dứt đó là hồn cốt của hiền minh Tây Nguyên? Cốt lõi của văn hóa Tây Nguyên? Hay cũng là cốt lõi của văn hóa nói chung? Có phải văn hóa, khi nó thật là văn hóa, thì bao giờ cũng chùng chình, không dứt, không được chỉ lệch ngã hẳn một phía, một bên. Như Milan Kundera từng nói: không phải “hoặc là hoặc là”, một mực hoặc là cái này hoặc là cái kia, mà “vừa là vừa là”, vừa là cái này vừa là cái kia. Nước đôi. Chông chênh. Một sự chông chênh bền vững, một sự bền vững chông chênh. Tây Nguyên là thế.

Muốn vậy thì, như Tây Nguyên đã chứng tỏ, phải đủ ít ra năm loại rừng ấy của làng, năm cấp độ đậm nhạt, nhạt đậm làng-rừng, rừng-làng đầy minh triết đó.

Bài học thâm trầm của cách sống Tây Nguyên.

˟˟˟˟

Ở trên là nói về làng và rừng trong xã hội Tây Nguyên cổ truyền. Nhưng, lại phải nói rõ: cái gọi là “cổ truyền” ấy thực ra đã tồn tại cho đến tận năm 1975. Cho đến 1975, rừng Tây Nguyên cơ bản còn nguyên. Cơ cấu xã hội với làng là đơn vị cơ bản (và duy nhất) cũng còn nguyên, bền vững một cách kỳ lạ, bất chấp một trăm năm thực dân đô hộ và mấy cuộc chiến tranh khốc liệt. Thay đổi chỉ diễn ra sau đó, với hai việc lớn và dữ dội: quốc hữu hóa toàn bộ đất rừng (xin nhắc lại ở đây đất cũng tức là rừng); và một cuộc đại di dân từ đồng bằng lên Tây Nguyên, khiến dân số Tây Nguyên trong 41 năm qua tăng lên gấp 5 lần rưỡi, và là tăng cơ học.

Năm 1991, khi thực hiện giao đất giao rừng ở Tây Nguyên, trên cơ sở quốc hữu hóa toàn bộ đất rừng ấy, dù đã có tiếng khuyên ngăn thống thiết, sổ đỏ ở đây vẫn được trao cho các hộ, chứ không cho làng, y hệt ở ngoại ô Hà Nội hay Sài Gòn, ở đồng bằng Bắc bộ và Nam bộ: mỗi hộ độc trơ một miếng đất cư trú và một miếng rừng làm rẫy. Tức phủ nhận và triệt tiêu cái chuỗi gồm ít nhất năm loại rừng của làng Tây Nguyên, chặt đứt và xóa sổ mối quan hệ tinh tế, sinh động và sinh tử giữa văn hóa với tự nhiên, giữa rừng với làng, bứng đi mất cái nền vật chất, kinh tế của làng mà Tây Nguyên từng khôn ngoan thiết lập được suốt hàng nghìn năm để tồn tại bền vững qua mọi thách thức.

Thì làng Tây Nguyên tất đổ nhào.

Và tất cả đổ theo. Rừng, Văn hóa, Con người…

27-09-2016


[1] Nguyễn Kinh Chi & Nguyễn Đổng Chi (1937). Mọi Kontum. Huế: Mộng Thương thư trai.

[2] Georges Condominas (1965). L’exotique est quotidien. Paris: Plon.

[3] Jacques Dournes (1950). Populations montagnardes du Sud Indochinois. Saigon: Impr. d’Extrême-Orient.

Comments are closed.