Huyền thoại chính trị và sự giải cấu trúc của nó bằng sáng tác nghệ thuật

Yu.V. Shatin (Ю.В. Шатин)

shatin

Yu.V. Shatin

Bài viết này dự định sẽ giải quyết đồng thời hai nhiệm vụ. Nhiệm vụ thứ nhất là làm rõ, xem chuyện gì đã xảy ra với huyền thoại chính trị, khi nội dung của nó biến thành đối tượng của văn bản nghệ thuật và chỉ còn tồn tại như một hình thức chuyển tải. Nhưng cảm hứng của bài viết không bó hẹp trong việc giải quyết một nhiệm vụ như thế, bởi vì ở đây còn bàn tới việc lựa chọn các văn bản, một sự lựa chọn không thể nói là ngẫu nhiên.

Tôi sẽ phân tích cuốn Lịch sử Đảng Cộng sản Liên Xô (phái Bolsevich). Giáo trình giản yếu (1938)[1] và tiểu thuyết Hàng dậu của Sasa Sokolov[2]. Cố nhiên, tôi hoàn toàn không khẳng định cuốn Hàng dậu (1984) đã có ý thức giải cấu trúc, hoặc diễn đạt gay gắt hơn, giễu nhại cuốn giáo trình lịch sử kia. Vấn đề nằm ở chỗ khác: Giáo trình giản yếuHàng dậu rơi vào hai điểm không gian trực tiếp đối lập của huyền thoại cộng sản, cuốn thứ nhất phản ánh đỉnh cao vinh quang của huyền thoại ấy, cuốn thứ hai lại phản ánh những tia hoàng hôn cuối cùng của nó. Bản thân điều này đã đặt hai văn bản nói trên vào một quan hệ phân cực, biến chúng thành huyền thoại và thơ. R. Barthes từng nói “Thơ đối lập với huyền thoại. Huyền thoại là một hệ thống kí hiệu có tham vọng biến thành một hệ thống sự thật, thơ là hệ thống kí hiệu muốn hạ xuống để chỉ còn là một hệ thống của những cái cốt lõi”[3] .

Đồng thời, cơ sở huyền thoại của Giáo trình giản yếu không hẳn chỉ là tham vọng biến thành hệ thống các sự thực, mà còn là tham vọng trở thành kiểu mẫu của một lối viết lịch sử. Khác với huyền thoại, lối viết lịch sử có đặc tính nước đôi, nó thường dao động giữa diễn ngôn khoa học và diễn ngôn nghệ thuật. P. Ricoeur viết: “Từ trong bản chất, lịch sử chính là sử – kí, hoặc nói trắng phớ ra, nó là cái giả tượng của văn học[4], hay theo ý tưởng khái quát của H. White, trần thuật lịch sử chẳng qua là “hư cấu bằng lời, thực tế cho phép đến đâu, nội dung của nó sẽ được bịa đặt đến đấy, còn hình thức của nó thì giống với những gì có trong văn học nhiều hơn so với những gì có trong các khoa học tự nhiên”[5]. Do bản chất của nó, lối viết lịch sử dứt khoát bị ném vào lằn ranh giữa diễn ngôn khoa học và trần thuật huyền thoại. Với ý nghĩa như thế,  “chí ít là chừng nào trò  chơi ngôn ngữ của khoa học còn kỳ vọng những phát ngôn của mình trở thành chân lí, nhưng lại không có khả năng hợp thức hoá chân lý ấy bằng những phương tiện riêng của mình, chừng ấy, việc nó sử dụng trần thuật là đương nhiên”[6]. Trần thuật hợp thức hoá diễn ngôn lịch sử bằng cách mở đường cho những ý đồ huyền thoại hoá. Tuy nhiên, có một điều không kém phần quan trọng, ấy là những ý đồ nói trên luôn luôn bị lệ thuộc trực tiếp vào việc văn bản được đặt ở điểm nào của không gian huyền thoại. Huyền thoại càng gần với điểm hoàng kim của nó, thì những ý đồ huyền thoại hoá lối viết lịch sử càng mạnh mẽ, huyền thoại càng gần với điểm phê phán sự tan rã của nó, thì những ý đồ nói trên càng bị thay thế bởi cái gì đó giống với thi ca nhiều hơn. Đây chính là lí do vì sao cuốn Giáo trình giản yếu trở thành một văn bản có ý nghĩa quan trọng nhất  trên bình diện hợp thức  hoá huyền thoại cộng sản, khác với những cuốn giáo trình được viết muộn hơn, “đầy đủ” hơn, những giáo trình mà trần thuật được thay thế một cách có ý thức bằng cấu trúc diễn ngôn phức tạp theo kiểu khoa học.

Trong Giáo trình giản yếu, cảm hứng tu từ cơ bản toát lên từ ảo giác của một thứ mục đích luận đắc thắng. Nền tảng làm nên sự đắc thắng ấy là sự đoán định về một đại đạo nào đó được xem là đồng nhất với chân lí, nhưng bản thân chân lí có vẻ như còn bị giấu kín trong không gian, thời gian đầy thù địch và bị che khuất đằng sau nhịp điệu của mạch sự kiện đang diễn ra. Cho nên chỉ có một cách duy nhất có thể giúp ta hiểu thấu tính chất huyền thoại trong Giáo trình giản yếu, ấy là phân tích cặn kẽ tổ chức không gian, thời gian và tiết tấu, cũng như phương thức tổ chức truyện kể.

Không gian trong Giáo trình giản yếu là một thứ vô tiền khoáng hậu. Ai cũng biết, đúng là có thể tìm thấy trong các văn bản huyền thoại loại xung đột giữa đường đi của nhân vật với không gian xa lạ bao bọc quanh nó, tức là xung đột làm nẩy ra hàng loạt những sáng kiến. Nhưng chưa thấy trong bất kỳ một văn bản huyền thoại nào có con đường và không gian lại tồn tại trong thế xung đột đối kháng gay gắt giống như trong Giáo trình giản yếu. Trong văn bản huyền thoại, con đường của nhân vật thường là ranh giới của không gian  “thiện” và tính “ác”. Trong Giáo trình giản yếu, toàn bộ không gian thù địch với con đường, chính xác hơn, con đường phải chiếm lấy phần không gian thì mới có thể tồn tại và nó tuyên bố mục đích luận của mình như thế. Thậm chí, ngay cả trong trường hợp các phần không gian khác nhau có xung đột với nhau thì chúng cũng chỉ làm tăng thêm sự thù địch chung đối với đường lớn mà thôi. Nếu sử dụng thuật ngữ toán học, có thể nói, trong hệ thống này, đem số âm nhân với số âm, kết quả đạt được không phải là số dương, mà chỉ là bình phương của số âm.

“VKP(b)[7] vững mạnh hơn và được trui rèn trong cuộc đấu tranh với các đảng phái tiểu tự sản trong nội bộ giai cấp công nhân: đảng xã hội cách mạng, cánh melsevich, bọn vô chính phủ, cánh dân tộc tư sản đủ các loại khác nhau, còn trong nội bộ đảng thì đấu tranh với khuynh hướng melsecich, cơ hội, bọn Troski, Bukharin, bọn dân tộc – lệch lạc và các nhóm phái phản Leninit khác.

VKP(b) vững mạnh và được trui rèn trong cuộc đấu tranh cách mạng với mọi loại kẻ thù của giai cấp công nhân và kẻ thù của nhân dân lao động – bọn địa chủ, bọn tư sản, phú nông, bọn phá hoại, gián điệp, với tất cả bọn đầy tớ tay chân của chủ nghĩa tư bản”[8].

Bộ phận ngữ nghĩa hợp thành quan trọng nhất của không gian trong Giáo trình giản yếu là khái niệm trật khỏi đại đạo (“lệch lạc”). Không gian không chỉ đơn thuần thù địch với con đường, mà còn có hấp lực của một thứ từ trường ma quái, vì nó mà mọi sự lệch lạc dù nhỏ đến đâu cũng có thể khiến cỗ máy tạo ra hấp lực của từ trường ma quái kia vận hành, cỗ máy ấy gạt phăng điểm này hay điểm khác của đại đạo và kéo đại đạo vào mạng lưới của địch thủ.

Lối trần thuật lịch sử của  Giáo trình giản yếu thể hiện đầy đủ nhất cung cách diễn ngôn của Stalin, bởi vì một trong số đặc điểm đập ngay vào mắt ta trong sách lược tranh luận của Stalin là đem bất kì một khái niệm chính thống đích thực nào đối lập cùng một lúc, không phải với một, mà là với hai tà thuyết. Noi theo đại đạo, đi trên đường lớn tức là thường xuyên dao động giữa hai thái cực – “quá trớn” và “bóp méo”, đến lượt mình, những thái cực này lại bị các “lệch lạc” tương ứng rình rập (diễn đạt theo công thức từ lâu trở thành sáo mòn –  bị những ảnh hưởng của chủ nghĩa tư bản sát ngay bên nách rình rập và sau đó thì tìm cách này hay cách khác để lật đổ)”[9].

Rất dễ nhận ra, trong trường hợp này, các tà thuyết là những điểm thuộc cánh tả, cánh hữu, ở bên trên, bên dưới, ngay bên cạnh các điểm của đại đạo. Thêm vào đó, bản thân văn bản còn có đặc điểm của lời nói chặn họng đầy quyền uy, nó đặt người đọc tiềm năng vào điểm này hay điểm khác của không gian thù địch, hoặc ngược lại, sáp nhập họ với đại đạo. Chính việc “nghiên cứu lịch sử VKP(b), nghiên cứu lịch sử đấu tranh của đảng ta với các loại kẻ thù của chủ nghĩa Marx – Lenin, với mọi kẻ thù của nhân dân lao động sẽ giúp quán triệt chủ nghĩa bolsevich và nâng cao tinh thần cảnh giác chính trị” (tr.4).

Cả thời gian nghệ thuật trong Giáo trình giản yếu cũng được tổ chức theo kiểu lạ lùng không kém như vậy. Trong văn bản, thời gian mang đặc điểm tuyến tính giả tạo. Nó là tuyến tính bởi vì việc trình bày chất liệu hoàn toàn phụ thuộc vào nguyên tắc biên niên ở mặt ngoài. Nhưng trật tự thời gian lại mang ý nghĩa ảo giác một cách sâu sắc. Thực tế, thời gian của Giáo trình giản yếu là thứ thời gian đã dừng lại, vì tiến trình các sự kiện được biết rõ ngay từ trước. Tất cả những gì đang xảy ra đều là sự thật, chỉ việc xác nhận sơ đồ tiên nghiệm hiện có. Thêm vào đó, loại tri thức phi lí được ưu tiên hơn hẳn so với các sự thật lịch sử. Xin hãy đọc văn bản:

 “Đại hội đã cảm nhận được trong lời nói của họ có biểu hiện của sự thiếu thành thật và lá mặt lá trái… đảng đã nhìn thấy trong những lời phát biểu đầy giả dối đúng là các quý ông này đã  liên kết với các phần tử bảo trợ từ bên ngoài đại hội…đại hội không thể không thấy  rằng cả sự tự hành xác phát lợm mửa, lẫn những lời ca ngợi đường mật ngọt xớt đều lộ ra mặt trái trong lương tâm bẩn thỉu và bất an của những quý ông ấy. Nhưng đảng vẫn còn chưa biết, chưa thể đoán ra rằng trong khi phát biểu những lời ngọt xớt trong đại hội, các quý ông ấy đồng thời đã chuẩn bị cho cuộc mưu sát đầy tội ác đối với S.M. Kirov[10]” (310).

Vậy là, đảng có thể không đoán được các sự việc cụ thể này nọ, nhưng đảng có khả năng cảm nhận những điều cốt tử – đảng biết chắc các sự kiện được minh hoạ bằng nhiều chứng cứ sẽ phát triển theo hướng nào. Từ giác độ về sự phát triển của thời gian, Giáo trình giản yếu giống cái rạp chiếu bóng hơn là nhà hát. Đúng là trên màn hình chiếu bóng, hành động diễn ra trong thời gian đầy năng động, bởi vì nó hiện lên như kết quả của sự lắp ráp hoàn toàn phụ thuộc vào các quy luật của sự điều chỉnh thời gian. Nếu trong nhà hát, mọi chuyện diễn ra theo cơ chế của thời gian hiện thực, thì trong điện ảnh người ta có thể biết trước, mỗi hành động chỉ được chiếm bao nhiêu thời gian và nó diễn ra như thế nào. Khả năng dự đoán đối với hành động trong điện ảnh, một đặc điểm giúp người sáng tác loại trừ mọi sự bất ngờ, tỏ ra rất phù hợp với bản chất của nó. Edwards Maureen, tác giả cuốn sách Con người và điện ảnh, từng có ý kiến cho rằng, điện ảnh bằng một phương cách đặc biệt đã làm sống lại kiểu nhìn thế giới của thời cổ đại. Ngôn ngữ điện ảnh nhắc người ta nhớ tới ngôn ngữ của các thời đại và các dân tộc cổ xưa. Trong trường hợp này, nghệ thuật như là minh hoạ cho một quy luật nhân chủng học nào đó: sự bất lực, thiếu khả năng hoạt động độc lập bao giờ cũng có tác dụng khêu gợi phương diện cảm tính. Khi xem phim, những khán giả bị đặt vào tình huống thụt lùi quay ngược lại với thời trẻ con ấu trĩ sẽ quan sát thế giới trong trò chơi của những sức mạnh đã rời bỏ họ từ lâu. Trong giấc mơ, chúng ta cảm nhận trạng thái thụ động ấy, khi cảm xúc trào dâng tới cực điểm.

Thời gian trong Giáo trình giản yếu là thời gian cổ xưa, thời gian điện ảnh, cũng giống như tình yêu của những người biên soạn ra văn bản này đối với loại hình nghệ thuật quan trọng nhất, tình cảm ấy chẳng phải là cái gì ngẫu nhiên và cũng rất đỗi chân thành.

Đặc điểm về thời gian và không gian trong Giáo trình giản yếu là nền tảng tạo nên đặc điểm về tiết tấu của nó. Tiết tấu ở đây vừa trùng điệp, vừa lưu chuyển. Trùng điệp là nét khu biệt quan trọng nhất của tổ chức chất liệu ngôn từ trong Giáo trình giản yếu. Chỉ xin dẫn một ví dụ:

 “Lênin chỉ ra rằng ách thống trị tư bản trong thời đại của chủ nghĩa đế quốc ngày càng trở nên nặng nề… Lênin chỉ ra rằng trong thời đại của chủ nghĩa đế quốc, sự khủng hoảng ở các nước thuộc địa và phụ thuộc ngày càng trở nên trầm trọng… Lênin chỉ ra rằng trong những điều kiện của chủ nghĩa đế quốc, sự không đồng đều trong phát triển và mâu thuẫn của chủ nghĩa tư bản ngày càng trở nên gay gắt… Lênin chỉ ra rằng, chính tình trạng phát triển không đồng đều của chủ nghĩa tư bản sẽ dẫn tới hậu quả là chiến tranh đế quốc … Trên cơ sở xem xét tất cả những điều ấy, Lênin đi tới kết luận rằng trận tuyến của chủ nghĩa đế quốc hoàn toàn có khả năng bị giai cấp vô sản chọc thủng ở một nơi nào đó. Đó là công thức của một kết luận thiên tài” (tr.162).

Rất dễ nhận ra, việc sử dụng kí hiệu chỉ dẫn (“Lênin chỉ ra”) một cách hệ thống đã triệt tiêu hoàn toàn tính thuận lí của văn bản và bằng cách đó nó chuẩn bị  sẵn testimonial device[11] cho công thức “kết luận thiên tài”. Tương tự như phép trùng điệp của tiết tất buộc thời gian phải dừng lại, tính chất luân chuyển của tiết tấu ấy lại cho phép thay đổi quy mô của không gian bằng cách chuyển từ không gian toàn thể sang không gian cục bộ và ngược lại. Ai cũng biết, mấy năm trước khi Giáo trình giản yếu được biên soạn, thủ pháp này đã được đem ra thử nghiệm trong trong bản trường ca Vladimir Ilic Lênin của V.V. Majiakovski. Thí dụ:

Gió

 khắp mặt đất

                  thét gào không ngủ

      Khi tỉnh giấc

                      cũng chẳng thể nào

                             có thể nhận ra 

           trong căn phòng băng giá Moskva

                                có chiếc quan tài

                          của cả người con và của cả người cha

                                                cách mạng.

 

Giáo trình giản yếu phỏng hoạ nhiều loại kiểu mẫu của thi pháp Majiakopski chỉ với một chút khác biệt, ấy là ở đây chức năng của người con và người cha được được gắn vào những nhân vật khác nhau. Khuynh hướng vận động của tiết tấu từ cục bộ tới toàn thể, giống hệt như trong trường ca của Maijakopski, đã tạo ra một trò chơi không gian đặc biệt, thứ trò chơi rõ ràng đã làm cho văn bản nói trên thành kẻ có họ hàng với những tác phẩm nghệ thuật:

“Đặc điểm nổi bật của cuộc khởi nghĩa ở Krasnajia Presnhia là sự ác liệt và ngoan cường. Krasnajia Presnhia là pháo đài chính và cũng là trung tâm của cuộc khởi nghĩa. Tại đây có những đơn vị chiến đấu ưu tú nhất do những người bolsevich lãnh đạo. Nhưng Krasnajia Presnhia đã bị đàn áp bằng súng đạn và dao kiếm, ngập trong máu, trong lửa đỏ ngút trời của pháo binh. Cuộc khởi nghĩa Moskva đã bị đàn áp. Nhưng khởi nghĩa không chỉ xảy ra ở Moskva. Tiếng reo hò của khởi nghĩa cách mạng vang lên ở hàng loạt tỉnh lị, thành phố. Quần chúng bị áp bức ở nước Nga đã đứng dậy tiến hành cuộc đấu tranh vũ trang” (tr.79).

Là phương thức đặc biệt lối viết lịch sử, Giáo trình giản yếu vẫn có sự phân biệt câu chuyện và truyện kể (story và emplotment). “Khác với câu chuyện được kể (story), tổ chức truyện kể (emplotment) luôn duy trì hiệu quả giải thích, hiểu theo nghĩa, nó xác định không phải các sự kiện của câu chuyện được kể mà là bản thân câu chuyện ấy bằng cách xác định hạng ngạch mà nó có chân trong đó. Mạch lạc của câu chuyện được kể chỉ cho phép làm nổi bật một cấu hình duy nhất, cấu trúc của truyện kể lại khơi gợi sự thừa nhận hạng ngạch truyền thống của các cấu hình. Các phạm trù truyện kể mà bản thân câu chuyện đã được mã hoá phù hợp với nó, chứ không phải các sự kiện lịch sử, mới có họ hàng với các loại “mật mã”, như Ernst Hans Gombrich khẳng định trong cuốn Art and Illusion, quyết định cách thức đọc hội hoạ của chúng ta”[12]. Sợi chỉ xâu chuỗi câu chuyện trong Giáo trình giản yếu là trần thuật về việc những người bolsevich đã giành chính quyền và giữ chính quyền như thế nào. Mưu mẹo tổ chức truyện kể lại là “mật mã” của một cương lĩnh chính trị toàn cầu nhằm làm thay đổi thế giới và vị trí của con ngươưì trong thế giới ấy. Bí mật, âm mưu, hoạt động bí mật, tranh đấu (chiến tranh) là các mô tip chủ đạo của thứ “mật mã” như thế.

Về phương diện này, thú vị nhất là mô tip bí mật. Ai cũng biết, bí mật là cái động cơ ngầm luôn luôn được dấu kín của rất nhiều loại trần thuật, trước hết là truyện trinh thám. Giáo trình giản lược lại chẳng giống với truyện trinh thám và mô tip bí mật ở đây có bản chất hoàn toàn khác. Bí mật hoá ra chẳng phải là cái ngoại trừ tác giả, không một ai có thể biết, mà ngược lại, cả thiên hạ đều biết tỏng, có điều, nó là cái huý kỵ, cấm không được động tới. Giáo trình giản yếu là cả một hệ thống huý kị gắn với nhiều tên tuổi và sự thực.

Thứ nhất, tên tác giả hoá ra chính là điều huý kỵ. Giáo trình giản yếu là một bản đạo văn trái khoáy.  Trong bất kỳ một bản đạo văn nào, ta cũng có thể tìm thấy quyền sở hữu văn học của một ai đó. Trong Giáo trình giản yếu, quyền sở hữu ấy hoá ra chẳng thuộc về ai, mặc dù lúc nào cũng thấy vang lên giọng nói của một đấng tiên tri, người phán truyền. Không thể nói văn bản ấy là do Stalin viết ra, vì nói như thế sẽ hoá ra đó là văn bản của Stalin viết về Stalin và trở thành một cái gì đó đại loại như tiểu sử chính trị tự thuật của một ai đó. Nhưng cũng chẳng thể nói văn bản ấy không phải do Stalin viết ra, không chỉ đơn giản  bởi vì, trong đó các đặc điểm mang dấu ấn phong cách riêng của Stalin duy trì, mà chủ yếu bởi vì, chỉ có văn bản của Stalin mới là hiện thân cho chân lí cuối cùng và tuyệt đối. Diễn đạt theo lời lẽ của một nhà nghiên cứu, hình tượng tác giả Stalin được giấu kín trong tấm mặt nạ của kẻ vô danh “liên tiếp đu đưa giữa hai cực theo cái trục carnaval do liên tục chuyển vị trí từ vai lãnh tụ tượng trưng và kết tinh trong mình toàn bộ ý chí của cả xã hội xô viết sang từng tế bào nhỏ nhoi của xã hội rộng lớn mênh mông ấy, những tế bào lúc nào cũng ngoan ngoãn dưới sự cai trị hà khắc của ông ta”[13].

Nhưng có lẽ sẽ không chính xác nếu chỉ dựa vào các quy luật của trục carnaval để giải thích cơ chế vận hành của hình tượng tác giả trong Giáo trình giản yếu. Сấu trúc của hình tượng tác giả này phần lớn phụ thuộc vào quy luật “cơ thể kép của hoàng đế” mà 40 năm trước kia E. Kantorovich nói tới. Theo Kantorovich, “hoàng đế là người có hai thân thể, một thân thể tự nhiên, thiên phú và một thân thể chính trị. Thân thể tự nhiên không tránh được cái chết, nó phải chịu nhiều bất hạnh do tạo hoá và mọi sự ngẫu nhiên mang lại, lúc trẻ thơ hay già lão, thể lực của nó trở nên yếu đuối cùng với nhiều tai ách khác khiến cho nó chẳng khác gì thân thể của đám thần dân. Nhưng thân thể chính trị lại là thân thể không thể đụng vào, không thể nhìn thấy, nó được tạo thành từ thế lực và quyền bính, nó được trao sứ mệnh sai khiến mọi người, cai quản tài sản xã hội một cách anh minh, nó hoàn toàn không thể  ấu trĩ, già nua hoặc có  những yếu kém, khuyết tật khác về phương diện thể chất mà thân thể tự nhiên không thể nào tránh được”[14]. Loại bỏ thân thể tự nhiên, sinh học của lãnh tụ và biện hộ cho thân thể chính trị của ông ta là mục đích quan trọng nhất của sự cấm kị gọi tên trong Giáo trình giản yếu.

Mô tip bí mật bị cấm kị thứ hai được mở rộng hiệu lực sang lĩnh vực về các sự thật và sự kiện. Chẳng hạn, có thể hiểu và giải thích một cách hợp lý bí mật về việc Lenin và Zinoviev[15] cùng sống ở Razliv vào mùa hè năm 1917. Dĩ nhiên là sau chiến thắng của những người bolsevich, lần sống chung ấy ấy không còn là bí mật và trên sách báo người ta đã viết rất nhiều về sự thật này. Nhưng trong thời gian soạn thảo Giáo trình giản yếu, sự thật về lần sống chung của hai vị lãnh tụ tại một chiếc lều cỏ là chuyện bí mật: thế là hai người biến thành một người.

Ai cũng biết, Thư gửi đại hội của Lênin đã từng được công bố vào năm 1927 (chí ít là phần phê phán Stalin), nhưng 10 năm sau, sự thật về sự tồn tại của lá thư ấy đã trở thành điều cấm kị, không ai được nhắc tới. Các sự thật tồn tại không phải theo mức độ tồn tại có thật của chúng, mà theo mức độ nó phù hợp thế nào cho diễn giải. Sự chú giải của Giáo trình giản yếu buộc phương thức trần thuật lệ thuộc hoàn toàn vào câu chuyện được kể. Về phần mình, sở dĩ có thể có được sự lệ thuộc ấy là nhờ vào việc sử dụng nguồn dự trữ phong cách của ngôn ngữ gắn với việc sáng chế và lặp lại đến vô tận những công thức mang tính ma thuật nhất định. Việc mở rộng, lặp lại, biến đổi những phương tiện biểu cảm giống nhau tạo ra ảo giác về sự tăng cường chứng cớ, lí lẽ trong Giáo trình giản yếu. Tác động của Giáo trình giản yếu đối với người đọc được thực hiện thông qua việc đánh thức các lớp cổ xưa nhất của tư duy được phản ánh trong những cấu trúc rập khuôn của ngôn ngữ.

Phong cách của Giáo trình giản yếu khiến người ta kinh ngạc vì thấy nó giống với tới kĩ thuật “đan dệt ngôn từ” mà trước kia D.S. Likhashev từng nhận xét: “Trạng thái tình cảm khôn tả xiết, tầm cỡ chiến công khôn tả xiết của đấng thiêng liêng có quan hệ mật thiết với văn phong của những tác phẩm thần tích với những đặc điểm nổi bật như chồng chất từ đồng nghĩa, tăng cường các kết hợp điệp thừa, lặp ý, từ mới, tổ chức tiết tấu ngôn từ nhằm tạo ra ấn tượng không thể nói hết bằng lời. Trong những kết hợp và sự chồng xếp từ ngữ như thế, cái cụ thể bị xoá sạch, và nổi lên bình diện thứ nhất là phương diện biểu cảm và sự chuyển biến”[16].

Khuếch đại – đó là cơ chế nội tại được vận hành nhằm cải biến những nền tảng duy lí của ngôn ngữ thành một chỉnh thể biểu hiện – tình cảm. Giống với nhiều văn bản thời trung đại, sự khuếch đại được vận dụng rộng rãi ở nhiều trang với mục đích là làm thay đổi ý nghĩa của một câu và chỉ của một câu ấy mà thôi.  Xin dẫn chỉ một đoạn văn chưa có gì gọi là kềnh càng, nội dung của nó là nhận xét cương lĩnh hành động của phái đối lập năm 1927:

“Trong số những cương lĩnh của các phái đối lập, có lẽ cương lĩnh này thuộc loại giả nhân giả nghĩa và dối trá bậc nhất. Trên lời nói, tức là trong cương lĩnh, phái Troskit và Zinoviev không chống lại việc chấp hành các nghị quyết của đảng và bày tỏ sự trung thành, nhưng trong việc làm, họ phá hoại một cách thô bạo nhất nghị quyết của đảng, báng bổ mọi sự trung thành với đảng và Ban Chấp hành Trung ương. Trên lời nói, tức là trong cương lĩnh, họ không chống lại sự thống nhất của đảng và tỏ thái độ phản đối sự chia rẽ, nhưng trong việc làm, họ phá hoại một cách thô bạo nhất sự thống nhất của đảng, tiến hành đường lối chia rẽ và đã có đảng hoạt động bí mật phản Lênin của mình, đảng này đã có đủ mầm mống phát triển thành đảng phái phản xô viết, phản cách mạng. Trên lời nói, tức là trong cương lĩnh, họ có vẻ tán thành đường lối công nghiệp hoá và thậm chí còn chê trách Ban Chấp hành Trung ương không đẩy tiến độ của công cuộc công nghiệp hoá khẩn trương nhanh chóng hơn, nhưng trong việc làm, họ lại phỉ báng nghị quyết của đảng về thắng lợi của chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô, chê bai đường lối công nghiệp hoá xã hội chủ nghĩa, đề nghị giao cho những người nước ngoài dưới hình thức nhượng quyền hàng loạt nhà máy, xí nghiệp và đặt toàn bộ hy vọng của mình vào hình thức nhượng quyền của chủ nghĩa tư bản nước ngoài ở Liên Xô. Trên lời nói, tức là trong cương lĩnh,  họ tán thành cuộc vận động thành lập nông trang tập thể, thậm chí họ còn chê trách Ban Chấp hành Trung ương không đẩy tiến độ công cuộc nông trang hoá khẩn trương, nhanh chóng hơn, nhưng trong việc làm họ lại phỉ báng chính sách vận động người nông dân tham gia xây dựng chủ nghĩa xã hội, gieo rắc tư tưởng về “những xung đột không thể giải quyết” giữa  giai cấp công nhân và giai cấp nông dân và đặt toàn bộ hy vọng của mình vào “những tá điền có văn hoá”, tức là đặt niềm tin vào kinh tế phú nông. Đó chính là cương lĩnh dối trá nhất trong số những cương lĩnh dối trá” (tr.271).

Rất dễ nhận ra rằng ý nghĩa của toàn bộ sự khuếch đại chỉ nhắm vào cái đích duy nhất là xoá bỏ chữ “có lẽ” ở câu đầu tiên sau khi kết thúc chính xác một đoạn văn bóng bẩy, nhưng chính việc loại bỏ chữ ấy ở câu cuối cùng lại chứng minh rằng nó hoàn toàn phù hợp với phương thức tư duy và diễn đạt bằng các phương thức của chủ nghĩa biểu hiện – tình cảm thời trung đại. Bởi thế, sự phân tích diễn ngôn của Giáo trình giản yếu dứt khoát sẽ dẫn tới kết luận: việc sử dụng rộng rãi nguồn mỹ từ pháp và thi pháp vừa nói ở trên hoàn toàn không phải là chuyện ngẫu nhiên, mà có tính mục đích, nhằm biến cách viết lịch sử thành huyền thoại chính trị mang tính toàn cầu. Đồng thời, ai cũng biết, bất kì một huyền thoại thi ca nào, hễ tính toàn cầu của nó càng đậm nét thì nó càng tạo ra cơ sở để giải cấu trúc một cách dễ dàng hơn.  Xin nhớ lại chỉ môt kiệt tác Đường công danh của Artur Ui của Bertolt Brecht mà thôi.

Về mặt này, Hàng dậu của Sasa Sokolov, xét từ góc độ cấu trúc nghệ thuật, cũng như chức năng giao tiếp – một kiểu reductio ad absurdum[17] độc đáo, –  đã tiến tới giới hạn lô gíc (đúng hơn là chẳng còn giới hạn nào cả) của các ý đồ trần thuật, tổ chức không – thời gian trong Giáo trình giản yếu.

Khác với Giáo trình giản yếu là cuốn sách biến diễn ngôn lịch sử thành huyền thoại học kiểu mới, Hàng dậu  là kiểu mẫu thuần tuý của lối viết nghệ thuật, bởi vì, “chỉ trong lối viết mới có thể thẳng thắn thừa nhận đặc tính hư cấu của những dạng nghiêm túc nhất, thậm chí, những dạng ưa khiêu khích nhất của lời nói, chỉ trong lối viết, khoảng cách trò diễn của các dạng lời nói mới được xem xét thích đáng … chỉ lối viết mới có thể được mở ra từ chỗ vô tiền khoáng hậu, chỉ có nó mới có khả năng làm rối loạn mọi chuẩn mực tu từ, mọi luật lệ thể loại, mọi thứ hệ thống quá tự tin, lối viết là tối thượng, tuy không thủ tiêu được cuộc chiến tranh giữa các ngôn ngữ, nhưng làm cho chiến tranh phải thay đổi, lối viết có thể nhìn thấy trước được thực tế đọc và viết, khi mà trong đó đối tượng nhắm tới không phải vị trí bá quyền, mà là dục vọng”[18].  

Rất dễ nhận ra trong Hàng dậu có trò chơi vênh lệch giữa ngôn ngữ hùa theo quyền lực của tiếng nói đám đông và ngôn ngữ lánh xa quyền lực của tiếng nói nghịch lý[19]. Phần lớn, trò chơi này được tạo ra bằng cách chồng xếp trái khoáy hai văn bản của tiếng nói đám đông: tiểu thuyết phiêu lưu thời trung đại Aleksandria [20] và những ý đồ huyền thoại hoá của lối viết lịch sử Xô viết mà Giáo trình giản yếu mãi mãi là kiểu mẫu. Mặc dù chúng tôi chưa thể phát hiện ra trong sáng tác của Sasa Sokolov có sự thâm nhập trực tiếp theo kiểu liên văn bản của các văn bản nêu trên, nhưng có thể nhận ra sự mô hình hoá của các tham số về tiết tấu, thời gian, không gian, trần thuật, phong cách này hay phong cách kia.

Chẳng hạn, đại đạo – con đường tổ chức không gian chủ đạo trong Giáo trình giản yếu – đã hoá thành đường đi của nhân vật toàn năng trong sáng tác của Sasa Sokolov, kẻ thực hiện thăng tiến trên đường đời trái ngược với mục đích luận của hiện thực. “Palisandr Dalberg đã trải qua con đường hiển hách của Napoléon, từ đứa trẻ mồ côi bình thường trong điện Cremli, một quản gia Nhà hàng Massage của Chính phủ thành người đứng đầu quốc gia và vị tư lệnh của một hội đoàn thống lãnh”[21]. Chính đường đi thẳng băng của nhân vật giống như hợp nhất trong bản thân gia hệ của Grigori Rasputin[22] và Lavrenti Beria[23] đã cắt ngang khu vực lịch sử với tư cách là yếu tố hiệu chỉnh tính xác thực của những gì được trình bày. Tất cả những gì được Sasa Sokolov giới thiệu với độc giả chỉ là trò chơi vênh lệch của các chiến lược diễn ngôn trần thuật – cổ tích, dụ ngôn, giai thoại[24] – loại diễn ngôn biến hồi ký thành cuộc đấu tranh chống lại mục đích luận của sử học. Mục đích luận của lối viết lịch sử bị triệt tiêu bằng cả khoảng cách thời gian (700 năm, tương tự như khoảng cách ngăn cách tác giả Aleksandria với với cuộc đời Aleksander Macedon) tồn tại giữa hành động và truyện kể về hành động, lẫn sự khước từ lô gíc học xác suất của Aristotle[25]. Sasa Sokolov nói về hành động không thể có và cũng chưa từng có theo quy luật xác xuất. Đó là kiểu trần thuật phản Aristotle bằng chất liệu lịch sử với ý nghĩa đầy đủ nhất của từ ấy. Nó được tạo ra không nhằm kiện toàn cái giống như thật của nghệ thuật, mà nhằm bác bỏ mục đích luận của sử học.

Cái “thần tiên kỳ ảo” xuất hiện trong Hàng dậu chẳng phải vì cái giống như lịch sử và sự hư cấu bị xoá bỏ, mà vì sự xoá bỏ ấy mang tính phi lý. Chẳng hạn, đây là đoạn miêu tả chuyện Stalin cưới Nadezda Alilueva[26] làm vợ:

“Iosif gặp Nadezda khi cô là diễn viên trượt băng nghệ thuật của nhà hát hoàng gia. Họ kết bạn, hợp nhau tính tình, đi đến quyết định thành hôn. Nhưng nẩy ra một trở ngại bất ngờ: nhóm Troskis kịch liệt phản đối thành hôn theo nghi lễ nhà thờ. Bấy giờ, để tránh tin đồn nhảm nhí không muốn có, họ cưới nhau bí mật, còn Troski thì bị phái đi Uruguay bằng một lý do có vẻ chính đáng và ông này vẫn đang ở đó yên tâm chữa trị vết thương do bị nhện cắn. Đám cưới diễn ra cực kỳ hoan hỷ” (tr.74).

Không chỉ những con người có thật bằng xương bằng thịt, mà cả các đồ vật do lạc vào không gian lịch sử, tạo ra lịch sử mới, cũng bị cuốn vào trò chơi phi lý với các dữ liệu lịch sử.

“Câu chuyện về khẩu colt rất đáng để suy ngẫm. Nó phản ánh cuộc đấu tranh giữa các trào lưu triết học, những đam mê, những hục hặc của thế kỷ. Vào năm chín trăm mười chín không thể nào quên, người nữ cách mạng trứ danh Fanny Kaplan[27] đã  bắn hàng loạt phát đạn vào Ulianov – Lenin Vladimir Ilich bằng khẩu súng mà sau đó được bảo quản trong viện bảo tàng của ông.  Vào năm ba mươi tư, khẩu súng lục bị người ta đánh cắp mang ra khỏi bảo tàng và dùng nó để trừ khử Sergei Kirov[28], sau vụ ấy, người ta chuyển khẩu Colt đến vùng Viatka băng giá, đưa vào viện bảo tàng ông này.  Trong thời kỳ được gọi là Minh oan, Fanny đòi lại được khẩu súng ở Emsk, bởi vì đó là vũ khí được đổi chác của cô và của Sergei Kirov và cô còn có cả thư tay của Lenin gửi cho Dzierzinski:[29] “Thả Fanny Kaplan ra khỏi tù. Trả lại khẩu súng. Ulianov”. Cô còn có cả nhiều thư khác của Lenin.  Chủ yếu gửi cho cô, người bạn chiến đấu thân thiết nhất, lâu năm nhất, kẻ không muốn chia sẻ bạn tình với Krupskaja gần gũi và hợm hĩnh mà Fanny vẫn xem là mụ tiểu tư sản chính hiệu. Quyết định sẽ giết người đàn ông ấy, rồi sau đó tự sát, Fanny khởi hành đến nhà máy Michenson, nơi Vladimir sẽ diễn thuyết. May mà các xí nghiệp công nhân đã không để bi kịch xảy ra, thế là những kẻ tình địch tránh được những vết trầy xước không đáng kể” (tr.132).

Sasa Sokolov xem một trong những nhiệm vụ cơ bản của tác phẩm là chống lại lối trần thuật phải có truyện kể cân đối. Trong bài  Palissandr – c’est moi?[30], ông viết: “Khi tôi nghe thấy những lời chỉ trích về việc coi thường truyện kể, tôi muốn lấy ngay chiếc bánh ngôn từ, loại bỏ cái hạt nhân truyện kể, quẳng nó vào món đồ bố thí cho lũ tiện dân ngoại ô dâm đãng” (264). Nếu đúng là thế thì quả là nhà văn không chống lại bản thân truyện kể, mà chống lại mục đích luận truyện kể mà người ta dựa vào đó để tạo ra ảo giác về tính xác thực truyện kể  trong các tiểu thuyết lịch sử, và nhất là trong các diễn ngôn lịch sử học.

Xoá bỏ mục đích luận truyện kể trước hết là xoá bỏ đặc điểm thời gian tuyến tính. Giống như Giáo trình giản yếu, thời gian trong Hàng dậu là thời gian hư cấu, nhưng tính chất hư cấu ở đây không bị che giấu, mà ngược lại, được tô đậm.  Sự hư cấu thời gian ở đây mang ý nghĩa giải cấu trúc một cách công khai. “Chẳng hạn, nếu trong Ulysses của Joyce, toàn bộ hành động được triển khai trong vòng hai mươi tư tiếng đồng hồ, thì trong trường hợp của chúng tôi, truyện chỉ diễn ra trong vòng mấy phút, kéo dài bằng một cuộc giao hợp loạn luân. Cuốn sách vừa bắt đầu với họ, thì đồng thời nó cũng kết thúc với họ. Thực hiện hành động ấy, tác giả không chỉ kịp an ủi người đàn bà họ hàng cao niên bị cám dỗ, mà còn kịp phân tích chuỗi nhân – quả của các sự kiện mang tính sinh hoạt và lịch sử – chính trị được đưa vào đó” (209).

Việc thay thời gian lịch sử bằng độ dài thời gian của một cuộc giao hợp đã tạo ra trò chơi của cái lịch đại và lịch sử, của huyền thoại cá nhân và ngôn ngữ của khoa học lịch sử hiện đại. Ta đều biết, ý thức thường nhật vẫn hay đồng nhất lịch sử với cái lịch đại. Thực ra, lịch đại và lịch sử cũng khác nhau hệt như sự khác nhau giữa Id của Freud với Ego của ý thức. Lịch đại chỉ là độ dài thuần tuý, cái lịch đại không thể tạo ra những điểm phân nhánh để từ đó có thể kiến tạo sự kiện này hay sự kiện kia. Ngược lại, lịch sử mang tính gián đoạn, luôn bị đứt gẫy và vận động từ một sự kiện được định hình và được gắn chặt về mặt cấu trúc trong một lối viết này tới một sự kiện khác.

Tính vô ước giữa lịch đại và lịch sử mở ra khả năng giúp để Sasa Sokolov sáng tạo trò chơi về sự vênh lệch giữa huyền thoại chính trị và huyền thoại cá nhân. Sự vênh lệch của hành động trong Hàng dậu là sự vênh lệch giữa huyền thoại chính trị vận động theo hướng nhắm tới thay thế chế độ toàn trị bằng một chế độ đa nguyên và tự do hơn và huyền thoại cá nhân gắn với việc phát hiện bí mật về sự ra đời của loại cá nhân – người lưỡng giới, và sau đó, theo quy luật muôn đời của mọi loại huyền thoại, qua sự kích hoạt khởi đầu và sự phân tầng, cá nhân ấy trèo lên tận đỉnh cao quyền lực.

Có sự đối lập, tương phản nào đó giữa Giáo trình giản yếuHàng dậu là do những cơ chế nội tại của huyền thoại chính trị về giai cấp vô sản, một giai cấp từng chẳng là cái gì, sau trở thành tất cả, những cơ chế đồng nhất huyền thoại về đứa trẻ mồ côi thành người đứng đầu quốc gia và vị tư lệnh thống lãnh tất cả.

Ta hiểu vì sao diễn giải và khuếch đại bằng truyện kể trở thành đặc điểm phong cách chung của cả hai văn bản nói trên. Ở trường hợp thứ nhất, sự diễn giải bao trùm  huyền thoại chính trị, thay thế nó, mà không  huỷ hoại nó. Ở trường hợp thứ hai, cũng có một cái gì tương tự như thế diễn ra với huyền thoại cá nhân. Thâm nhập vào bên trong lối viết lịch sử, trong Hàng dậu, huyền thoại cá nhân đã giải cấu trúc của lối viết ấy một cách rành rọt bằng nghệ thuật. Đó là cơ sở của nguyên tắc phản ảo tưởng trần thuật: lịch sử ở đây chẳng những không còn giống với lịch sử, mà ngược lại, nó còn sử dụng sự không giống ấy để chuyển từ không gian huyền thoại sang không gian thi ca, nơi mà bản chất nghệ thuật không cần phải che đậy bằng các sự thực.

Diễn giải không chỉ khống chế cách thức trần thuật, mà còn bộc lộ tính chất ẩn dụ, chứ không phải hoán dụ, của nó. Trong huyền thoại, trần thuật bị thủ tiêu giống như mọi sự hoán dụ mà sự nhận thức nó sẽ lấy một bộ phận hợp thành thay thế cho chỉnh thể. Ngược lại, “quá trình ẩn dụ lại ước định, rằng ngôn từ là bản chất được dồn nén có thể thay thế bằng nghĩa mới mà không làm mất đi nghĩa cũ”[31]. Toàn bộ sự cách tân trong cách diễn giải của cuốn Hàng dậu là ở chỗ, nó chẳng bổ sung bất kỳ một điều gì quan trọng vào nhận thức lịch sử, cũng như huyền thoại nhân vật, mà chỉ xoá bỏ tính không thể thẩm thấu của các ranh giới giữa chúng với nhau bằng cách sử dụng cả lịch sử lẫn huyền thoại cá nhân làm chất liệu trò chơi cho người sáng tạo.

Giải cấu trúc huyền thoại bằng cách cho nó đi qua tấm màng lọc của huyền thoại cá nhân, và ngược lại, giải cấu trúc huyền thoại cá nhân bằng cách cho nó đi qua tấm màng lọc lịch sử, Hàng dậu đã loại trừ tính mục đích luận của diễn ngôn này và sự tuyên xưng của diễn ngôn khác. Lối văn hùng biện và sự thống trị tuyệt đối của bình diện biểu cảm với bình diện nội dung là hệ quả tất yếu của quá trình ấy. Hùng biện và phương thức cơ bản của nó – khuếch đại – tạo nên sự dư thừa của bình diện biểu hiện so với bình diện nội dung. Nhưng so với Giáo trình giản yếu, nó có một vai trò khác. Nếu trong Giáo trình giản yếu, sự khuếch đại cải biến nền tảng lý tính của ngôn ngữ thành chỉnh thể biểu cảm, thì trong Hàng dậu, nó chỉ có vai trò cú pháp thuần tuý. Ở đây, phóng đại chỉ là mạng lưới sự kiện nối kết những đoạn rải rác của loại nguỵ quốc sử. Chính những lời tự đánh giá của Palisandr – nhà văn đã chứng minh điều đó: “Trong P., các sự kiện, con người, đồ vật bao giờ cũng tìm thấy cho mình đường song hành hoặc cặp đôi, xoắn xít với nhau theo kiểu này hay kiểu khác và đan dệt thành một bức pa nô bằng cách tạo ra những hoạ tiết, mảng đối xứng, sự tương đồng và các ẩn dụ” (tr.209).

Có thể tìm thấy rất nhiều ví dụ về sự phóng đại trong sáng tác của Sasa Sokolov. Chỉ xin dẫn ra một trường hợp. Ở ngay phần đầu Hàng dậu, đoạn trữ tình ngoại đề của tác giả về tuổi trẻ được trình bày theo kiểu khuếch đại kéo dài gần hai trang. Nó được bắt đầu thế này:

“Nhí nha nhí nhảnh, em cười phá lên âm thanh rổn rảng náo loạn dãy nhà hàng dân Haza, khu lều chợ đám Syra, dẫy phòng đàn bà và nhà tắm của bọn Chore. Em nhổ bãi bọt vào cái hiến chương nhân quyền, vào đống dương cầm, tuôn ra một tràng rủa sả hắt thẳng vào mặt lũ đánh trống cầm canh đang ngoác mồm ngáp. Em nhảy tâng tâng trận mưa rào rượu xối xả, nhẩy tâng tâng tựa đêm hoạ mi. Đêm, bà đêm giang rộng tay áo nung sáng chói trùm kín bầu trời, cửa sổ mở hoác, rèm cửa nhảy dựng lên run rẩy, đèn chùm và giá nến lung linh: sáng bóng. Rồi đàn dứt khoát phải mở rộng, ầm ầm loạn xạ hoặc đập vỡ tung theo kiểu nhà hát Rachmaninov. Đừng quên bộ chỉnh, nhớ dùng nó đấy. Hãy mau hồi tỉnh, nếu không, hãy một lần ra phòng khách, đó là nhân vật hành động đang lên sốt phát ban. Thật hiếm học trò các trường đại học toàn năng, chỉ rặt sinh viên dự bị. Thoát ổ quý tộc, đóng sập cửa, thành viên chức cạo giấy. Yêu, thất tình. Ho lao và hỗn độn. Vĩnh hằng và phù du. Kìa, món mì sợi nhạt thếch của nó. Kìa, thuốc chữa mụn, bệnh vã mồ hôi và trứng cá. Còn kia là những hoá đơn chưa thanh toán cho tiệm làm đầu. Đời đi vay, sinh hoạt trèo gác xép” (tr.20).

Chính nhờ vào thủ pháp khuếch đại mà Hàng dậu có cả một vương quốc dày đặc ngôn từ chiết trung, nó trở thành vũ khí quan trọng  để chống lại nguyên tắc toàn trị của ngôn ngữ huyền thoại.  Khi nộp đơn xin tài trợ để hoàn thành Hàng dậu, Sasa Sokolov đã viết tóm tắt như sau: “Tiểu thuyết triết học – vị lai với những yếu tố của văn công kích chính trị. Chuyện diễn ra vào đầu thế kỷ XXI, ở các nước châu Âu, ở Nga, Canada và Mỹ”.  Trong nền văn hoá nước ta, tiểu thuyết dự đồ vị lai là hiện tượng dị thường. Giải mê lú cho cấu trúc huyền thoại chính trị, tương tự như Vladimir Vysoski trong thi ca, Sasa Sokolov đã đặt dấu chấm hết cho kiểu trần thuật của khoa lịch sử học theo quan niệm quen thuộc. Trong thời đại chính trị ẩn danh hiện nay, những anh hùng của trường lịch sử – những nhà hoạt động vĩ đại hiện thời đã biến mất – họ biến mất cùng với phương thức nhận thức thế giới, khi vô thức tập thể kỳ vọng vào việc trao tự do tuyệt đối cho cá nhân con người. Trùng hợp về mặt thời gian với điểm cáo chung của huyền thoại chính trị trên phạm vi toàn cầu, Hàng dậu rơi vào hoàn cảnh không kém phần độc đáo, khi, theo lời Ricoeur, “sự từ chối fiction de le fin trùng hợp với le fin de fiction[32]”.

“Sự trì đọng đã chấm dứt”, tôi đã nói, đang nói. Đã đến thời của hành động và chiến công. Chúng tôi sẽ cầm cuốc, xẻng và sẽ diễu hành bằng niềm sảng khoái buồn thương và niềm hân hoan thê lương, chúng tôi sẽ lên đường mai táng đống tử thi của mình. Xin thề với các người, chúng tôi sẽ đập nát những nghĩa địa dành cho bọn họ còn cừ hơn những kẻ trước kia” (260)  

                                                                  

Người dịch: Lã Nguyên

Nguồn: Phê bình và kí hiệu học.- Quyển. 6.- Novosibirsk, 2003.- Tr. 67–78 (Критика и семиотика. – Вып. 6. – Новосибирск, 2003. – С. 67-78).

 

 



[1] Tiếng Nga: История Всесоюзной Коммунистической партии (большевиков). Краткий курс), do Uỷ ban Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô  tiến hành biên soạn vào năm 1938, được Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô tán thành và Nhà xuất bản Chính trị quốc gia tổ chức xuất bản năm 1946. Sách dày 352 trang, gồm 12 chương, mở đầu là chương: Cuộc đấu tranh thành lập đảng xã hội – dân chủ công nhân ở Nga (1883-1901), kết thúc bằng 2 chương: Chương XI: Đảng Bolsevich trong cuộc đấu tranh hợp tác hoá kinh tế nông nghiệp (1930-1934) và Chương XII: Đảng Bolsevich trong cuộc đấu tranh hoàn thành công cuộc xây dựng xã hội xã hội chủ nghĩa và thực hiện hiến pháp mới (1935-1937). Xin lưu ý: Toàn bộ Lịch sử Đảng Cộng sản Liên Xô từ 1883 đến 1937, bất luận giai đoạn nào, cũng đều là lịch sử “đấu tranh”.- ND.

[2]  Tên đầy đủ: Aleksandr Vsevolodovich Sokolov, nhà báo, nhà thơ, nhà văn Nga, sinh năm 1943, năm 1976 vượt biên, bị bắt, bị tù, sau đó trốn khỏi Liên Xô, nhiều năm sống ở Mỹ, hiện cư trú ở Israel, thường xuyên về làm việc ở Nga. Tác phẩm chính: Trường học dành cho những kẻ đần độn (Школа для дураков, 1976), Giữa chó và sói (Между собакой и волком, 1980), Hàng dậu (Палисандрия, 1985. Iu.V.Satin đã nhầm khi ghi năm xuất bản của tác phẩm này là 1984), trong đó, Hàng dậu là tác phẩm nổi tiếng nhất của ông. -ND.

[3] Barthes R.- Tác phẩm chọn lọc. Kí hiệu học. Thi pháp học. M., 1989, tr. 101.

[4] Ricoeur P. Thời gian và truyện kể. T.1. M., SPb, 2000, tr.187.

[5]  Tlđd., tr.292.

[6] Lyotard J. Hoàn cảnh hậu hiện đại. SPb., 1997. Tr. 72.

[7] Tiếng Nga: ВКП(б) (Всероссийская коммунистическая партия (большевиков): Đảng Cộng sản Liên bang Nga (của những người Bolsevich).- ND.

[8] Lịch sử Đảng Cộng sản Liên Xô (Bolsevich): Giáo trình giản yếu. M.: OGIZ, 1945. Tr.3. Từ đây, các đoạn trích đều được dẫn từ tài liệu này, ghi chú để trong dấu ngoặc đơn ngay sau đoạn trích. 

[9] Vaiskovf M. – Nhà văn Stalin. Tr.77

[10] S.M. Kirov: Secgei Mironovich Kirov (họ thật: Kostrikov), sinh ngày 27 tháng 3 năm 1886 tại Urgum, nhà hoạt động chính trị, hoạt động nhà nước, Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Đảng Cộng sản tỉnh Leningrad, Uỷ viên Bộ Chính trị Ban Chấp hành Đảng Cộng sản Liên xô, bị ám sát ngày 1 tháng 12 năm 1934 tại điện Smolnyi, Leningrad.-.ND.

 

[11] Tiếng Anh: “thiết bị chứng lý”.- ND.

[12] Ricoeur P.- Thời gian và truyện kể. T.,1. Tr. 190.

[13] Vaiskovf M. Nhà văn Stalin. M.,2002,  Tr. 77.

[14] Kantorowitz E. –  The King‘s Two Bodies: A Study in Mediaeval Theology. NY., 1957. P.7

[15] Grigori Evseevich Zinoviev (sinh 08.9.1883, mất 25.8.1936), bạn chiến đấu thân cận của V.I. Lênin,  là chủ tịch đầu tiên của Ủy ban Quốc tế Cộng sản, từng được gọi là “lãnh tụ của giai cấp vô sản”. Nhờ Zinoviev, Stalin trở thành Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Nga, nhưng chính Stalin chẳng những đã loại bỏ Zinoviev, mà còn tìm mọi cách để xoá sạch hình ảnh của ông trong trí nhớ của dân chúng .- ND.

[16] Likhashev D.S. – Con người trong văn học nước Nga thời cổ. M., 1970, C.76.

[17] La Tinh: “hạ bớt sự phi lý”.- ND.

[18] Barthes R. Tác phẩm chọn lọc. Kí hiệu học. Thi pháp học. Tr. 539 – 540

[19] “Ngôn ngữ hùa theo quyền lực”: dịch từ chữ: “энкратический язык” (tiếng Pháp: “langage encratique”. “Ngôn ngữ lánh xa quyền lực”: “акратический язык” (tiếng Pháp: “langage acratique”). “Langage encratique” và “langage acratique” là thuật ngữ của R. Barthes.

[20] Aleksandria (Александрия, còn có một số nhan đề khác, như: Александрида, Александреида, Александроида): tên gọi một số bản dịch ra tiếng Nga Truyện Aleksander vĩ đại (Historia Alexandri Magni), cuốn tiểu thuyết giả lịch sử Hy Lạp cổ đại. Vào quãng thế kỷ XII-XIII, đã có tới 5 bản dịch tiếng Nga .-ND.

[21] Casa Sokolov.- Hàng dậu. M.,1992, tr.12. Các đoạn trích tiếp theo được dẫn từ nguồn này.

[22] Rasputin Grigori Efimovich (Распутин, Григорий Ефимович, 1869-1916), xuất thân từ một gia đình nông dân ở tỉnh Tobolski, Sibiri, về sau nổi tiếng khắp thế giới vì trở thành “Đức cha bề trên” và là bạn thân nhất của hoàng gia, của Hoàng đế Nga cuối cùng Nhikolai II , rồi bị ám sát vào năm 1916.- ND.

[23] Beria Lavrenti Pavlovich (1899-1953): Nhà chính trị, nhà hoạt động quốc gia, Uỷ viên Ban Chấp hành, Uỷ viên Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Liên Xô, từng là Uỷ viên Hội đồng An ninh Nhà nước, Bộ Trưởng Bộ Nội vụ và nắm giữ nhiều chức vụ quan trọng trong lĩnh vực công nghiệp có liên quan tới sản xuất vũ khí hạt nhân, tháng 6 năm 1953, bị bắt, bị buộc tội làm gián điệp, có âm mưu cướp chính quyền, rồi bị xử bắn vào tháng 9.1953.- ND

[24] Về chiến lược diễn ngôn trần thuật, xem: Тюпа В.И. Три стратегии нарративного дискурса // Дискурс 3-4′ 97. Новосибирск, 1997. С.106-108.

[25] Có lẽ tác giả muốn nói tới luận điểm quan trọng trong Tu từ học của Aristotle về mối quan hệ giữa cái “lý được thừa nhận chung” (“doxa”) với cái “giống như thật”. Theo Aristotle, cái “giống như thật” là cái phù hợp với ý kiến chung của công chúng, cái “lý được thừa nhận chung”.-ND.

[26] Nadezda Sergeievna Alilueva (Наде́жда Серге́евна Аллилу́ева, 1901-1932): Người vợ thứ hai của I.V. Stalin, cưới năm 1918, khi bà mới 17 tuổi.-ND.

[27] Fanny Kaplan Efimovna (Feiga Haimovna Roytblat, 1890-1918): Tham gia phong trào cách mạng Nga, nổi tiếng chủ yếu qua vụ mưu sát Lenin ngày 30.8.1918.- ND.

[28] Sergei Mironovich Kirov (họ thật: Kostrikov, 1886 – 1934): Nhà chính trị, nhà hoạt động xã hội, từng giữ nhiều chức vụ quan trọng trong tổ chức Đảng và Nhà nước Liên Xô: từ năm 1926 là Bí thư Tỉnh uỷ Leningrad, từ năm 1930 đến 1934 là Uỷ viên Bộ chính trị Đảng Cộng sản Liên Xô. Ngày 1.12.1934, Kirov bị ám sát bằng một phát đạn bắn vào gáy tại Điện Smolnyi.-ND

[29] Feliks Edmundovich Dzierzinski (Фе́ликс Эдму́ндович Дзержи́нский, 1877-1926): Nhà hoạt động quốc gia, người đứng đầu hàng loạt Hội đồng, Uỷ ban nhân dân và là người sáng lập Uỷ ban đặc nhiệm chống phản cách mạng và phá hoại Liên bang Nga (ВЧК).-ND.

[30] Tiếng Pháp: “Palissandr có phải là tôi hay không?”.- ND.

[31] Ricoeur P.- Xung đột diễn giải.- M., 1995, tr.145.

[32] Tiếng Pháp: “Viễn tưởng của sự cáo chung”, “Sự cáo chung của viễn tưởng”.- ND.

Dịch giả gửi Văn Việt.

Comments are closed.