Buổi ra mắt sách “Người tỵ nạn” của Nguyễn Thanh Việt

Trần Mộng Tú

seattle library
Thư viện Trung ương Seattle – thiết kế bởi kiến trúc sư Rem Koolhaas như quyển sách úp – nơi Người Tỵ Nạn ra mắt

Dưới đây là nhận định của Thư viện Trung ương Seattle (tiểu bang Washington) về tuyển tập The Refugees (Người Tỵ Nạn) của Nguyễn Thanh Việt, trên trang blog phổ biến buổi ra mắt sách ngày 2/24/2017 tại thư viện:

Tác phẩm tiểu thuyết thứ hai được viết bằng tiếng nói mới có tầm vóc của văn đàn Mỹ: Người Tỵ Nạn là một tập truyện hoàn hảo, với cái nhìn sắc bén về những giấc mơ của nhóm người phải lìa bỏ quê mình đến một nơi khác,cùng các liên hệ tình cảm và những khát vọng [hầu cũng] định nghĩa cuộc sống của tất cả chúng ta.

(The second piece of fiction by major new voice in American letters, The Refugees is a beautifully written and sharply observed book about the aspirations of those who leave one country for another, and relationships and desires for self-fulfillment that define our lives.)

Refugees cover

Buổi ra mắt sách bắt đầu 7 giờ chiều thứ Sáu. Chúng tôi tới lúc 6 giờ 30. Cứ đinh ninh như thế là không bị trễ, nhưng sớm 30 phút vẫn không còn chỗ. Một số rất đông khoảng 50 người đứng ở bên ngoài chờ, hy vọng được cho vào. Nhân viên thư viện chặn tại cửa xin lỗi “Bên trong đã hết chỗ, chúng tôi không dám cho thêm người vào vì sự an toàn của mọi người.” Tôi phải nói với họ là tôi có nhiệm vụ viết bài tường thuật Buổi Ra Mắt Sách này cho một trang mạng văn học của người Việt. Họ cho vào. (Frank được vào theo khi tôi nói, anh ta là tài xế của tôi, nếu không có anh thì ai sẽ đưa tôi về.)

Trước khi vào chương trình chính thức, một nhân viên thư viện đọc phần giới thiệu thân thế và văn nghiệp tác giả. [Sau đó tôi cũng tham khảo blog của Nguyễn Thanh Việt và bổ túc]:

Nguyễn Thanh Việt sinh ngày 13 tháng 3, 1971 tại Ban Mê Thuột, Việt Nam. Theo gia đình di tản sang Mỹ ở thời điểm biến cố 1975, cậu bé lên bốn đó trải qua trại tạm cư Indiantown Fort Gap, Pennsylvania, rồi định cư ở Harrisburg, Pennsylvania tới năm 1978. Sau đó gia đình ông dọn về thành phố San Jose, California. Bố mẹ ông làm chủ một trong những siêu thị thực phẩm Á đông đầu tiên phục vụ cộng đồng Việt Nam tại thành phố này.

Ông theo học trường tiểu học St. Patrick rồi vào trường trung học Bellarmine College Preparatory, là các trường tư Công giáo tại San Jose, sau đó nhập học UC Riverside và UCLA một thời gian ngắn trước khi chuyển tới UC Berkeley, nơi ông tốt nghiệp bằng Cử nhân Anh văn và Nghiên cứu Chủng tộc (Ethnic Studies). Ông  tiếp tục học ở Berkeley và được trao bằng Tiến sĩ Anh văn vào năm 1997. Ông vừa được phong chức giáo sư chính ngạch* tại University of Southern California (USC) về môn Anh văn cùng khoa nghiên cứu về văn hóa và nguồn gốc các chủng tộc Hoa Kỳ (American Studies and Ethnicity Department).

Bên cạnh việc giảng dạy và sáng tác văn học, Nguyễn Thanh Việt còn viết bình luận cho các báo như The Los Angeles Times, The New York Times, The Guardian, Time, The Atlantic …. Ngoài tác phẩm Sympathizer (Cảm Tình Viên) đoạt giải Pulitzer 2016 đã làm nên tên tuổi của nhà văn này, hai tác phẩm khác của ông, thuộc dạng phê bình và nghiên cứu, cũng thuộc vào những tác phẩm xuất sắc gây nhiều tiếng vang trong giới hàn lâm:

Nothing Ever Dies: Vietnam and The Memory of War (Không hề tận diệt: Việt Nam và Ký ức Chiến tranh), nxb Harvard University Press: 2016. Danh sách chung kết, 2016 National Book Award for Nonfiction.

Race and Resistance: Literature and Politics in Asian America (Chủng tộc và Tinh thần Phản kháng: Văn chương và Chính trị trong Cộng đồng Á châu Hoa kỳ, Oxford University Press: 2002).

Thêm vào đó, Nguyễn Thanh Việt còn có nhiều truyện ngắn được những giải thưởng văn chương [phần đông những truyện này hiện nằm trong tuyển tập truyện ngắn Người Tỵ Nạn]**:

“A Correct Life,” (“Một Cuộc Đời Chỉn Chu”) Best New American Voices 2007.

Someone Else Besides You,”  (“Bên Cạnh Em”), Narrative Magazine, Winter 2008.

Arthur Arellano” (được đổi tên thành “The Transplant” (“Kẻ Du thực” trong Người Tỵ Nạn), xuất hiện lần đầu trong Narrative Magazine, Spring 2010.

Fatherland,” (“Tổ quốc”) Narrative Magazine, Spring 2011 (3rd Place Winner, 2011 Winter Fiction Contest).

“The War Years,” (“Những Năm Chiến Tranh”) Tri Quarterly – Issue 135/136 (2010) pp. 79–93.

Look At Me,” (“Hãy Nhìn Tôi”), The Good Men Project, Feb. 19 2011.

The Americans“, (“Những Người Mỹ”) Chicago Tribune – (2010 Nelson Algren Short Story Awards Finalist).

“The Other Woman” (“Người Đàn Bà Khác”), Gulf Coast: A Journal of Literature and Fine Arts, Winter 2007/Spring 2008, Vol. 20 Issue 1, pg. 193 (Winner, 2007 Fiction Prize).

Sau phần giới thiệu, Nguyễn Thanh Việt bước ra trước khán giả. Ông là một nhà văn ở tuổi ngoài 40. Tầm vóc trung bình của người đàn ông Á Đông. Mặc bộ vét đen, tóc cắt ngắn, ông bước ra với nụ cười rất thân thiện và bắt đầu đọc truyện của mình.

Nguyen Thanh Viet - Seattle Central Library

Nhà văn Nguyễn Thanh Việt trong buổi ra mắt sách The Refugees tại Thư viện Trung ương Seattle (2/24/2017) (ảnh Trần Mộng Tú)

Để mở đầu, Nguyễn Thanh Việt đọc bài tiểu luận America and Me [đây là một tiểu luận Ký, không có trong tập truyện Người Tỵ Nạn]. Truyện kể một cậu bé 4 tuổi theo gia đình từ Việt Nam sang Mỹ qua diện tỵ nạn. Gia đình cậu bé được bảo lãnh nhưng vì một lý do gì đó, có thể người ta sợ cậu bé lên 4 làm quẩn chân cha mẹ khó cho họ đi làm hàng ngày, hoặc cũng có thể không ai muốn bảo trợ một gia đình đông người, nên đã chia tách gia đình cậu ra cho hai gia đình Mỹ cùng bảo trợ. Mới 4 tuổi cậu bé da vàng đã bị lôi ra khỏi vòng tay cha mẹ đến ở với một gia đình da trắng khác. Điều này đã làm cậu bị bất an và hụt hẫng – vì cậu thấy bố mẹ cậu và cậu không được làm chủ vận mệnh của mình. Cậu nhớ cậu đã khóc rống khi bị cách lìa bố mẹ. Do đó cậu bé không bao giờ quên những ngày đầu tiên làm người tỵ nạn. (Có phải do chấn động quá khứ đó mà chúng ta có một nhà văn xuất sắc?)

Ông nói, cũng may, những người bảo trợ đó là những người rất tốt.

Từ đó ông nói thêm: Gia đình ông được gọi là những người tỵ nạn may mắn, thành công. (Anh ông tới Mỹ khi 10 tuổi, bảy năm sau được nhận vào đại học Harvard.)


Cậu bé Nguyễn Thanh Việt và mẹ ở Ban Mê Thuột năm 1973 (© Nguyễn Thanh Việt)

Theo nhận xét của ông, trải dài trong những tác phẩm: người tỵ nạn là người bị đẩy vào những hoàn cảnh sống bất an. Nhà cửa bị tàn phá hoặc bị chiếm đoạt. Gia đình phân tán mỗi người một nơi. Nhân cách con người cũng mất hết vì thiếu thốn ăn mặc, vì thuốc men, vệ sinh không có. Người tỵ nạn còn bị nhìn dưới con mắt miệt thị vì đã đến xâm lấn một phần đất nào đó, chiếm công việc của người bản xứ.

Rồi còn những khác biệt về văn hóa đưa đến những “cú sốc” làm thay đổi đời sống của một con người. Người chủ gia đình có thể trở thành một con bệnh mất trí, những người trẻ bỡ ngỡ với thay đổi không biết sống thế nào cho đúng và có thể đã sống thác loạn, thay vì được hướng dẫn thành người tốt.

Riêng cá nhân ông, khi ở nhà (at home) ông là một người Mỹ, soi mói dò xét người Việt (ông bà nội, ngoại và cha mẹ). Khi ra đường, ông là một người Việt, soi mói dò xét người Mỹ (thầy giáo, bạn bè và những người chung quanh).


Nguyễn Thanh Việt thời trung học (năm 1987) (© Nguyễn Thanh Việt)

Sau đó Nguyễn Thanh Việt đọc Black-eyed Women (Những Người Đàn Bá Mắt Đen), truyện đầu tiên trong tuyển tập Người Tỵ Nạn, diễn tả những đối thoại giữa người sống và hồn ma trong một gia đình vượt biển. Người mẹ và cô con gái thấy hồn của người con trai lớn/ anh trai hiện về thường xuyên. Anh hiện về trong quần áo còn ướt đẫm như anh vừa bơi tới quốc gia mới, với vết thương bầm tím ở thái dương bên trái, máu không còn chảy nữa, chắc đã được nước biển tẩy sạch. Một câu chuyện giữa những nạn nhân sống sót nhưng như đã chết từ lâu và một hồn ma còn hiện hữu mãi trong dĩ vãng.

Có thể chúng ta đã biết đến những thảm kịch của thuyền nhân qua nhiều tác phẩm của các tác giả Việt Nam, hoặc qua những tường thuật thời sự của báo chí và phim tài liệu, nhưng với văn phong Mỹ trong một tâm hồn rất Á Đông và cách diễn tả tỉ mỉ, sắc bén, thấu suốt, tương phản với cách dựng truyện đa diện, đôi khi dí dỏm, Nguyễn Thanh Việt đã giúp những mảnh đời tị nạn được sống lại, làm rõ nét hơn.

Với người Việt tỵ nạn, bốn mươi năm đã chuyển qua một thế hệ trưởng thành mới, giới trẻ được đánh thức bởi tiếng nói của một nhà văn cùng tuổi tác với họ – bỗng nhiên làm khích động quá khứ tỵ nạn tưởng đã ngủ quên. Cuốn sách cũng được đưa ra đúng lúc, trong thời điểm vấn đề refugees đang cực kỳ căng thẳng trên thế giới nói chung và nước Mỹ nói riêng. Sách của một tác giả vừa được giải Pulitzer [cho tiểu thuyết Cảm Tình Viên] còn nóng hổi nên đã lôi kéo được nhiều độc giả.

Syrian refugees
Người tị nạn Syria dạt vào đảo Lesbos, Hy Lạp. (Nguồn: AP)

Tác giả Nguyễn Thanh Việt nói bằng một giọng chắc nịch: Chúng ta, những người Mỹ, nhất là người Mỹ gốc Việt, không có quyền “say No” với người tỵ nạn Syria.

Tiếng vỗ tay ròn rã vang lên của hơn 300 người.

Ông nói thêm: Không có ai hoàn toàn xấu hay hoàn toàn tốt: Người cộng sản, người không cộng sản, người tỵ nạn hay người chưa từng phải tỵ nạn bao giờ, đều có kẻ tốt và người xấu.(Hy vọng khi ông nói người cộng sản tốt là những người dân đến từ nước cộng sản, không phải là những cán bộ cộng sản.)

Theo cá nhân tôi, chúng ta cũng cần phân biệt người di dân (immigrants) là những người chọn sự ra đi tới nước khác để được sống tốt hơn. Người tỵ nạn (refugees) là những người bị bắt buộc chạy trốn chiến tranh, bị lùa ra khỏi quê hương, không có lựa chọn.

Sau phần đọc sách, đây là nội dung ông trả lời một số câu hỏi của khán giả:

– Ông viết cuốn Cảm Tình Viên trong bao lâu và viết như thế nào?

– Tôi đã viết cuốn Cảm Tình Viên trong hai năm, viết theo cách người ta viết phân đoạn cho từng show trên TV. Đoạn này nối tiếp đoạn kia.

– Gia đình ông nghĩ gì về chuyện viết sách của ông?

– Cha tôi không quan tâm lắm, nhưng có lần tôi kể với ba truyện tôi viết về người đồng tính [Truyện “The Other Man” (“Người Đàn Ông Khác”) trong tuyển tập Người Tỵ nạn] thì không thấy cha tôi nói gì cả. Ông là một người Công Giáo nên không muốn nghe chuyện đó (cười). Cha tôi chỉ đồng ý với tôi về điểm cả hai chúng tôi cùng chống Trump.

– Tác phẩm của ông có phải là tiếng nói chung của người Mỹ gốc Việt không?

– Không, trước và sau khi viết sách tôi không đại diện cho tiếng nói nào hết.

Khi Nguyễn Thanh Việt ký sách, tôi tới hỏi:

– Việt có nói được tiếng Việt không?

– Chút chút thôi, nhưng chị đừng phỏng vấn bằng tiếng Việt nghe, không nói được đâu. (cười)

Tôi không có ý định phỏng vấn ông, vì cứ đọc văn là sẽ hiểu được người.

tmt

2/25/2017

____________

*Vào ngày 28 tháng 2 năm 2017 Nguyễn Thanh Việt được trao “ghế” Aerol Arnold – Aerol Arnold Chair – trong một buổi lễ “thụ phong” (installation ceremony) tại USC. Đây là một vinh dự lớn. Aerol Arnold là một giáo sư văn chương nổi tiếng trong lịch sử trường USC. Nhà thơ nổi tiếng Claudia Rankine, đồng nghiệp của Nguyễn Thanh Việt tại USC,  cũng được phong ghế Aerol Arnold sau khi Citizen, tuyển tập thơ/bình luận về màu da của bà đoạt nhiều giải thưởng văn học vào năm 2015.

**Các nhà xuất bản Hoa kỳ thường khuyến khích các nhà văn trẻ xuất bản tiểu thuyết trước để gây tiếng vang, rồi sau đó mới xuất bản tuyển tập truyện ngắn, vì truyện ngắn thường bị coi là cách “cầm chừng” hay “thay đổi không khí” giữa những chặng tiểu thuyết trong đời một nhà văn Mỹ. Do đó, có nhiều trường hợp – như trường hợp của Nguyễn Thanh Việt — các truyện ngắn, mặc dù được sáng tác nhiều năm trước tiểu thuyết “đầu tay,” hóa ra lại xuất bản sau. Theo kinh nghiệm của giới xuất bản thì truyện ngắn khó gây chú ý, do đó khó bán chạy hơn tiểu thuyết. Vì thế, đà tiến triển của một nhà văn không phản ảnh một hành trình tự nhiên nếu ta quan sát thị trường xuất bản tại Mỹ. Tiểu thuyết Cảm Tình Viên của Việt Thanh Nguyễn được nhiều nhà phê bình coi là điêu luyện hơn các truyện ngắn của ông, vì tiểu thuyết đã được tích tụ và ra đời sau các truyện ngắn trong Người Tỵ Nạn.

Nguồn: http://damau.org/archives/45800

Comments are closed.