Hợp tuyển Frankfurt (kỳ 1)

Phạm Kỳ Đăng dịch

Hợp tuyển Frankfurt –  chuyên mục trên tờ Frankfurter Allgemeine Zeitung – mở ra theo sáng kiến của nhà phê bình được tôn vinh là vị giáo hoàng văn học Đức Marcel Reich-Ranicki (1920-2013) giới thiệu các bài thơ tiếng Đức từ nhiều thời kỳ (kể từ năm 2014 cả thơ quốc tế) kèm theo những lời bình giảng của những người am tường thơ ca gồm nhà phê bình, nhà thơ, nhà văn, nhà báo, từ giới chuyên môn cũng như giới độc giả. Một dự án mới đầu tưởng như chết yểu bất ngờ được đông đảo bạn đọc không ngừng mến mộ. Cho đến nay hơn 2000 bài thơ và bình giảng được ra mắt. Hàng năm ban giám tuyển trao giải thưởng cho tác giả bình giảng xuất sắc, và kèm theo đó tập hợp bài xuất bản thành sách. Năm 2016 vừa qua, tập sách Hợp tuyển Frankfurt thứ 39 gồm 50 bài mới đã được phát hành tại nhà xuất bản S. Fischer ở Frankfurt am Main.

Các nhà thơ từ nhiều thời kỳ, đa dạng về giọng điệu phong cách được các tác giả bình giảng nhiều khi chỉ qua một thiên kiến cá nhân rất chủ quan, nhưng độc sáng. Tiếp cận với serie bình giảng thơ Đức, độc giả Việt Nam có thể qua đó thấy nhiều gợi ý để đào sâu quan niệm, mở rộng tầm nhìn để rời xa khỏi một lối bình có phần mô phạm, giáo điều, xơ cứng, có cảm tưởng vẫn đang được thực hành không chỉ trong trong chương trình giáo dục nước ta. Và riêng với người dịch, một bài bình giảng về một bài thơ cung cấp những gợi ý, chỉ dẫn không gì quý hơn để lại gần bài thơ nhằm trước hết đạt yêu cầu dịch sát và đúng – PKĐ.

Với Goethe tôi mang nỗi muộn phiền

Phỏng vấn nhà phê bình văn học Marcel Reich-Ranicki (1) về Hợp tuyển Frankfurt và chất lượng của các bài thơ tiếng Đức.

SPIEGEL: Ông Reich-Ranicki, trong chương trình phát sóng “Das literarische Quartett“ (Tứ Tấu văn chương) ông đã khuyên mọi người mua tập thơ „Những bài thơ sáng“ của Robert Gernhardt (2) mà làm quà Noel. Gernhardt là một ngoại lệ, hay là thơ trữ tình tiếng Đức nói chung đang ngự trên một trào hưng thịnh?

Reich-Ranicki: Gernhardt là một tài năng và một độc bản, mà tuy thế không là một ngoại lệ. Vâng chúng ta có Hilde Domin, Sarah Kirsch, Ulla Hahn, Krolow, Enzensberger, Jandl, Rühmkorf, Biermann, Wondratschek, Grünbein (3) và những người khác nữa. Ít nhất từ mười năm nay thơ tiếng Đức ở mức độ không đồng đều thú vị hơn sân khấu và tiểu thuyết Đức – may sao chính vì ở mức cao hơn so với những thời kỳ trước đó, thế giới của chúng ta hôm nay thoát ra khỏi sự biểu đạt bằng văn chương hoặc là có vẻ như mọi kiểu đang dần thoát khỏi. Điều này gây khó khăn cho công việc của nhà soạn kịch và càng hơn cho nhà viết tiểu thuyết, nhưng không hề cho công việc của nhà thơ. Bởi vì nhà thơ, như từ xửa từ xưa có thể phản ứng lại thế giới của chúng ta một cách hoàn toàn chủ quan và đồng thời chỉ theo từng điểm – họ dễ dàng qua được mà không cần có một cái nhìn hoàn thiện, một thế giới quan.

SPIEGEL: Hans Magnus Enzensberger (4) quả quyết, rằng „nhiều hơn nhiều, ấy thơ được viết so với được đọc“. Ông có cho rằng kết luận này được phóng đại?

Reich-Ranicki: Trong thực tiễn sự viết thơ thuộc về những căn bệnh tai ương của người Đức. Nhưng mà trong khi những nạn dịch quốc gia khác, kể cả bệnh thần kinh mang lại những hậu quả kinh hoàng, thì căn bệnh này ta dễ thấy vô hại và thậm chí có thể là có ích. Bởi vì những người vấy bẩn lên giấy với những dòng gẫy gập mà họ tưởng là thơ, về nguyên tắc họ đồng thời là những người đọc thơ. Và kể cả những người đọc muốn dùng việc đó lấp đầy thời gian rỗi cũng đáng được hoan nghênh.

SPIEGEL: Từ năm 1974 trở đi dưới mục „Hợp tuyển Frankfurt“, cứ mỗi tuần một lần ông cho bình giảng một bài thơ tiếng Đức, từ xê-ri ấn hành song song tại nhà xuất bản Insel cho đến nay đã xuất bản được tập 20. Tổng cộng đã có bao nhiêu bài viết trong thời gian qua?

Reich-Ranicki: Chính xác 1194 bài thơ từ mọi thời đại của thi ca. Từ ngòi bút của 332 tác giả. Con số bình giảng gồm 267 người.

SPIEGEL: Danh mục ăn khách của ông thế nào?

Reich-Ranicki: Như sự thể phải thế, đứng trên cả là Goethe với 111 bài thơ bình giảng. Tiếp đến là Brecht với 50 bài thơ, Heine với 44, sau đó Rilke, Benn và Hölderlin với 33, 27 và 21 bài thơ. Với Goethe tôi cũng có nỗi buồn phiền.

SPIEGEL: Sao lại thế?

Reich-Ranicki: Xét về tương quan, khi mà thơ ông xuất hiện thường xuyên trong hợp tuyển, chúng tôi nhận được điện tín từ phía độc giả: „Tại sao tái hồi mãi cứ Goethe thế?“. Tôi đã đánh điện trả lời: „ Vì nhà thơ địa phương vùng Frankfurt“. Thế đấy nước Đức là một đất nước kỳ cục: Người ta phải biện hộ cho mình, nếu người ta thường xuyên in Goethe.

SPIEGEL: Và nhà thơ nào còn đang sống hiện diện mạnh mẽ nhất?

Reich-Ranicki: Sahra Kirsch (5) với 16 bài thơ.

SPIEGEL: Ông có lèo lái sự chọn lựa các bài thơ chăng?

Reich-Ranicki: Đương nhiên. Nếu có thể, tôi tuân theo gợi ý của các nhà bình giảng, tuy nhiên họ đôi khi nghiêng về hướng gợi ra cả những bài thơ non yếu khiến người ta dễ viết về chúng hơn, hơn nữa nếu như qua đó người ta có thể phát tán ra nhiều tình cảnh bên lề. Nhưng mà phần lớn trong các trường hợp, những gợi ý về bài thơ hoặc ít nhất về tác giả tới từ phía tôi, nếu không thì toàn bộ thơ Đức cho tới thế kỷ 17 cộng vào sẽ hiện diện một cách quá yếu ớt và kể cả thơ của hiện tại sát sườn. Thế đó người ta viết dồn dập hơn về Eichendorf (6) hay Möricke (7) hơn là về Jandl hay là Krolow.

SPIEGEL: Hölderlin (8) không phải là người được ông ưa chuộng. Ông có định kiến gì chăng đối với nhà thơ thầm thì tiếng nói này?

Reich-Ranicki: Điều này không đơn giản. Người ta đã gọi Hölderlin là người giữ ngọn lửa thiêng. Tôi không biết tới một ngọn lửa thiêng liêng và không muốn biết một tý gì về những người canh giữ nó. Ông ấy không canh giữ gì cả, có mà số phận ông ấy thì có. Mọi thứ với ông ấy đều bất thành thảm hại – chỉ trừ có thơ ca. Những nhà ngữ văn cũng như những kẻ phá đám khác đã chỉ định cho ông ấy một chỗ đứng lâu bền trong khu cúng bái của dân tộc – và họ lại còn khoác cho ông ấy một vòng hào quang. Nhưng mà trong những khu cầu cúng những lý lẽ không có giá gì nhiều, và những vòng hào quang chắc chắn là những vật thể chiếu sáng tồi tệ.

SPIEGEL: Tức là ông bác bỏ ông ấy.

Reich-Ranicki: Ông ấy đã viết các bài thơ thuộc về những sự diệu kỳ trong Đức ngữ mà dù chỉ một lần Goethe cũng không vượt qua được. Tôi khâm phục Hölderlin, và đôi khi tôi bắt gặp mình đang ngưỡng mộ ông ấy. Nhưng mà Schiller (9), Kleist (10) và Büchner (11), và trước hết Goethe gần gụi với tôi hơn.

SPIEGEL: Quan hệ của ông với các nhà Lãng mạn ra sao?

Reich-Ranicki: Tôi yêu trào Lãng mạn trong văn chương và trong âm nhạc vô hạn. Mà thế đó tôi đặc biệt yêu nhà Lãng mạn đồng thời đã hoài nghi trào Lãng mạn và phê phán nó khiến từ đây trào lưu này được cải cách và hiện đại hóa. Tôi nói về thi hào Đức tếu táo nhất và, bên cạnh Goethe, người thông tuệ nhất, nhà thơ của thế giới Heinrich Heine.

SPIEGEL: Luôn tái diễn sự khẳng định rằng nhà phê bình văn học Reich-Ranicki chẳng hiểu tý gì hết về thơ.

Reich-Ranicki: Không hiểu chút gì chỉ có về thơ thôi sao. Thường được nghe nói rằng tôi chẳng biết gì về tiểu thuyết, về truyện ngắn, về kịch và tiểu luận.

SPIEGEL: Điều này dày vò ông chứ?

Reich-Ranicki: Tôi khoái điều đó, hơn nữa những người tôi khen thay đổi ngay lập tức quan điểm của họ về tôi.

SPIEGEL: Trong chương trình „Tứ Tấu văn chương“ không thấy bàn luận gì về thơ. Ở đó có phải đã bỏ qua một cơ may?

Reich-Ranicki: Thơ không hợp với chủ trương của „Tứ Tấu“, kịch cũng ít ỏi như vậy. Tại sao tôi lại phải làm tất cả cơ chứ. Tôi hoàn toàn không phản đối, nếu như ở đâu đó thành lập ra một „Tam Tấu Thơ“ hay một „Ngũ Tấu Kịch“.

SPIEGEL: Thơ tiếng Đức trong thế kỷ này đạt được ngôi thứ nào?

Reich-Ranick: Hai đại diện của thơ Đức thuộc về những nhà thơ lớn nhất của châu Âu trong thời đại chúng ta: Rilke và Brecht.

SPIEGEL: FAZ (12) có hết hồn khi ông chứ không phải ai khác muốn lập ra một chuyên mục bình luận về thơ?

Reich-Ranicki: Một trong những chủ phát hành còn nói: Hãy để cho ông ta làm một xê-ri, đằng nào thì ông ta cũng không lấy đâu ra hơn ba hay bốn bài viết.

SPIEGEL: Bây giờ FAZ thậm chí còn sáng lập cả một giải thưởng của Hợp tuyển Frankfurt. Một nguồn kiếm cơm thêm cho các biên tập viên của tờ FAZ chứ?

Reich-Ranicki: Nếu được thế thì hay quá, bởi vì giải này trị giá 20.000 Mark. Nhưng thật tiếc lời phỏng đoán của ông lại trật mất. Người phát hành, biên tập viên và những cộng tác viên thường trực tự do của tờ FAZ bị loại ra khỏi giải này. Hàng năm giải thưởng này được trao cho nhà văn, nhà nghiên cứu và các nhà báo thông qua những bài trình bày và giảng giải bình luận một cách căn bản đã đóng góp vào sự hiểu biết thơ tiếng Đức của mọi thời kỳ. Người đầu tiên nhận giải là Peter Matt – nhà ngữ văn Đức người Thụy Sĩ.

SPIEGEL: Trong số cộng tác viên của ông có nhà báo của các tòa báo khác và nhiều nhà văn, cả những nhà ngữ văn dạy trường Tổng hợp. Một nhóm người hỗn độn…

Reich-Ranicki:…Ngay từ đầu tôi đã hiểu Hợp tuyển như là một cơ chế không có biên giới – bỏ qua mức dàn trải của từng bài thơ và những bình giảng. Cần có công tác giáo dục đối với các nhà ngữ văn trường Tổng hợp. Bởi chăng nhiều người trong số các vị – không phải những người giỏi nhất – yêu từ ngoại và những thuật ngữ chuyên môn và như thế họ làm cho bài viết của họ không thể đọc được đối với phần lớn độc giả. Một số bản thảo của họ đùn ra một cái mùi khó chịu: ấy là mùi phấn của các phòng seminar. Nhưng dần theo năm tháng điều này đã cải thiện đáng kể.

SPIEGEL: Bài thơ có tác động sâu sắc hơn không, nếu người ta đọc chúng không kèm hướng dẫn sử dụng, không sự trợ giúp diễn giải?

Reich-Ranicki: Tôi chỉ có thể cùng Brecht trả lời rằng: „ Ai coi bài thơ không sao gần được, thì thật sự cũng không lại gần được nó…Bứt rời ra một bông hồng và từng cánh lá đều đẹp.“

SPIEGEL: Hợp tuyển của ông sẽ còn thọ bao lâu nữa?

Reich-Ranicki: Mùa thu năm 1998 đã tới tập 21.

SPIEGEL: Thế rồi sau đó?

Reich-Ranicki: Một tin mật đã tới tai tôi, theo đó hội đồng xuất bản của FAZ đã ra nghị quyết tại một cuộc họp kín, rằng trong việc này sẽ trao quyền quyết định cho một cấp khác cao hơn, đó chính là Đức Chúa, Đấng Toàn Năng.

1997

©® Phạm Kỳ Đăng dịch từ nguyên tác tiếng Đức

Nguồn: Tạp chí Spiegel số 52/ 1997

Chú thích của người dịch:

(1) Marcel Reich-Ranicki (1920-2013): Nhà phê bình được vinh danh Giáo hòang văn học, nhà trước tác có ảnh hưởng lớn nhất đương đại trong khu vực nói tiếng Đức.

(2) Robert Gernhard (1937-2006): Nhà văn, nhà thơ và họa sĩ Đức.

(3) Các nhà thơ Đức đương đại.

(4) Hans Magnus Enzensberger (sinh năm 1929): Nhà thơ, nhà văn, nhà xuất bản, dịch giả và biên tập viên Đức * Nghiên cứu Ngữ văn, Ngôn ngữ và Triết học * Tham gia vào Nhóm 47* Nhận các Giải thưởng Phê bình Đức (1962), Giải thưởng Georg-Büchner (1963), Giải thưởng Heinrich-Böll (1985), Giải thưởng Heinrich-Heine (1998) và Premio d’Annunzio (2006) cho toàn bộ tác phẩm. Ông thuộc về những nhà thơ và nhà tiểu luận hàng đầu của nước Đức sau chiến tranh. Ghi dấu ấn vào các cuộc thảo luận chính trị của những năm 60, cũng như Günter Gras và Jürgen Habermas, tiếng nói của ông luôn gây được tiếng vang ngoài phạm vi nước Đức.

(5) Sahra Kirsch (1935-2013): Nữ nhà văn và nhà thơ Đức. Năm 1973 được bầu vào Ban thường vụ hội nhà văn CHDC Đức. Là một trong những người đầu tiên ký tuyên bố phản đối việc tước quốc tịch của nhà thơ và ca sĩ Wolfs Biermann, bà bị khai trừ khỏi đảng SED ( Đảng Công nhân Xã hội thống nhất Đức – đảng cộng sản). 1976 bà nhận giấy phép cho sang sống ở Tây Berlin. Năm 1992 khi được bầu làm viện sĩ của Viện Hàn lâm Nghệ thuật, bà từ chối, bởi Viện Hàn lâm này mời chỗ ẩn náu cho văn nghệ sĩ từng là cộng tác viên của An ninh CHDC Đức cũ.

(6) Joseph Karl Benedikt Freiherr von Eichendorff (1788-1857) : Nhà thơ, nhà văn quan trọng của trào Lãng mạn Đức.

(7) Eduard Friedrich Mörike (1804-1875): Nhà thơ Đức, nhà viết truyện ngắn và dịch giả.

(8) Johann Christian Friedrich Hölderlin (1770 – 1843) đứng vào hàng những nhà thơ quan trọng nhất trong tiếng Đức. Tác phẩm độc đáo của thi sĩ, chiếm một vị trí độc lập bên trào lưu Cổ điển Weimar và Lãng mạn, là một đỉnh cao của văn chương Đức nói riêng và văn chương phương Tây nói chung.

(9) Johann Christoph Friedrich von Schiller (1759-1805): Thi hào Đức, kịch tác gia, nhà triết học và nhà sử học.

(10) Bernd Heinrich Wilhelm von Kleist (1777-1811): Nhà thơ, kịch tác gia nhà viết truyện ngắn.

(11) Georg Büchner (1813-1837): Nhà văn, nhà y học, nhà khoa học tự nhiên.

(12) Die Frankfurter Allgemeine Zeitung: Tờ thời báo Frankfurt Phổ thông có chuyên mục về thơ „Hợp tuyển Frankfurt“, do Marcel Reich-Ranicki sáng lập nên.

clip_image002

Bài thơ „Không quê hương“ của Herrmann-Neiße

Hans-Joachim Simm (1)

Những người Quốc Xã đốt tác phẩm của ông và cưỡng bách ông chạy trốn. Bài thơ „Không quê hương“ của Max Herrmann-Neiße tìm ngôn từ cho sự truy đuổi và đồng thời gìn giữ sự tôn trọng con người (Frankfurter Allgemeine Zeitung).

Tin chắc đất nước này một sớm một chiều sẽ không dung nạp ông lâu hơn, ít ngày sau vụ đốt Tòa nhà Quốc hội xảy ra ngày 27-28 tháng Hai năm 1933, ông đã dấn chân vào chốn lưu vong. Cũng chỉ một vài tháng sau, sách của ông cũng bị đốt. Mặc dù thế suốt cuộc đời ông vẫn gắn bó với nước Đức (Quê hương đã không giữ lòng chung thủy, dẫu sao tôi vẫn ở vậy thủy chung), nhà huyền học Jakob Böhme (2) và các nhà thơ như Andreas Gryphius, Angelus Silesius, Johann Christian Günther và Joseph von Eichendorff (3) đã gây ảnh hưởng tầm khuôn thước lên tác phẩm của ông.

Sinh năm 1886 tại thành phố Neiße thuộc miền Si-lê-di Thượng (4), sớm từ thời thơ ấu ông đã cảm nhận được mình là kẻ ngoài lề, không phải lý do chót, cũng bởi nét đặc điểm của hình thể. George Grosz và Ludwig Meidner (5) đã họa chân dung ông. Năm 1917 ông đã rời tỉnh lỵ. Ở Berlin, nơi Franz Pfemfert và Alfred Kerr (6) đã dọn đường cho ông đi vào thế giới văn chương, ông đã mau mắn thành đạt, đã in nhiều tập thơ ở nhà xuất bản S.Fischer, bên cạnh đó viết tiểu thuyết, truyện ngắn, kịch, điểm mục tác phẩm, viết lời nhạc kịch Cabaret: Heinrich Heine thuộc về mẫu mực của ông.

Else Lasker-Schüler (7) nhìn thấy ông gần gũi trong tâm hồn; Oskar Loerke, Carl Sternheim, Alfred Döblin (8) kính trọng ông và ngợi ca tác phẩm; người bạn thân nhất của ông là gã giang hồ và thi sĩ Ringelnatz (9). Năm 1924 Hermann Neiße nhận giải thưởng Eichendorff, tiếp theo năm 1927 giải thưởng Gerhart Hauptmann (10). Nhưng cuối những năm 20 ông hầu như bị rơi vào quên lãng. Sự lãng quên kéo dài cho tới những năm 70. Kể cả ở phương diện này, cũng ở trong lịch sử tiếp nhận văn hóa, ông cũng là người không có quê hương. Đầu những năm 80 tác phẩm của ông mới được phát hiện lại. Nhưng rồi chẳng bao lâu sau, xung quanh ông lại một lần nữa trở nên im ắng.

Nhìn vào lần đầu ta thấy đây là một bài thơ cổ truyền về một chủ đề vô thời đại. Hermann-Neiße luôn gắn bó với truyền thống của văn học, ông không tiến hành thử nghiệm hình thức, kể cả trong những bài thơ theo chủ nghĩa biểu hiện viết về thị thành: Thơ Jambơ năm nhịp, câu thơ bỏ trống của kịch cổ điển Đức, những vần chéo thông dụng, bốn khổ, kể cả việc không chứng dấu bằng một hàng bỏ trống. Tuy nhiên, nếu nhìn kỹ hơn thấy lộ ra một cấu trúc đặc biệt: Dòng thơ đầu và những dòng thơ cuối, cho tới câu thơ cuối cùng, mang từ hiệp vận trùng nhau.

Câu đầu và câu cuối của bài thơ cho ta riêng một khổ, đầu và cuối bài hòa nhập lại với nhau, bức tranh của khởi đầu và sự diễn giải ở cuối: một dạng khúc Rondo (11), như ông thư thoảng sử dụng- Peter Härtling (12) đã lưu ý cho ta biết điều ấy. Những bước cách dòng mang lại cho bài thơ một tính cách độc thoại – cơ bản thơ của ông sau 1933 tựa như một màn „độc thoại trên sân khấu người lạ“ (Ai đã bày ra những hậu cảnh kỳ quái này, quanh con đường nơi đây nay đời tôi nhận lối “).

Xâm nhập vào hình ảnh của thế giới nhỏ này là cái Tôi phản hồi, cái luôn tiếp thêm cho một ý nghĩ một ý nghĩ khác, đào sâu hơn và khai quật mâu thuẫn. Những tương phản kéo suốt qua văn bản: Những „kẻ không quê hương lạc lối sao thảm hại“ qua „mê cung“ của „người xứ lạ“, trở lại họ không thể dò thấy con đường quay lại, hoàn toàn ngược lại với „người bản xứ“ đang „hởi dạ“ „hàn huyên“ cùng nhau, ở bên nhau, không cho người khác nhập cuộc, trong một cảnh đời thơ mộng nhỏ mọn đối với nó mọi mô típ lãng mạn chỉ còn là phông nền đạo cụ gá vào.

Làn gió đêm hè an ủi cho ta thoáng chốc và vô tình cái nhìn vào quần thể khép kín của những người bắt sâu gốc rễ trong vẻ thư thái của họ, tất cả vẻ như được sắp đặt nghiêm ngắn, luôn xa xưa là thế và không thay đổi. Làn gió đêm hè đáng yêu trở nên „dã man“, khi nó lập tức khép lại „căn phòng“ trước ánh mắt của những người bị ruồng rẫy, những kẻ nhớ mong một vẻ „an bình đã lâu thiếu thốn“ và „hòa bình ổn định“. Ngay đến “mèo vô chủ” và “kẻ ăn mày” cũng không bị „đuổi xua” và” ruồng bỏ” đến mức đó như từng người „xưa đã từng có hạnh phúc quê hương“ và đánh mất đi không do lỗi của mình. „Nhưng mà người bản địa” kết cục chỉ “mơ” thôi, họ đâu biết rằng, hạnh phúc của họ mong manh, nếu như họ chối bỏ sự bất hạnh của người khác và gạt đi cái bóng của họ mà không có nó thực tế họ không tồn tại nổi. Khúc Rondo êm đềm đã đổ vỡ.

Một bài thơ như lời đáp trả sự tước bỏ quốc tịch

Ông không thuộc về nơi đó, không thuộc về ai, tại Đức không và Anh không, nơi ông đi đến băng qua Zürich, Hà Lan và Paris. Chỉ có một chốn hứa hẹn ông sự đồng cảm và nhân tính nơi những người kinh tởm thể chế Quốc Xã, và thế đó là chốn cho ông cảm nhận sự xa lạ còn dữ dội hơn. “ Vâng, giờ đây tôi cũng có thể thành một nhà thơ Đức được đời công nhận… nhưng mà tôi không sao gắng gượng vượt qua cảnh, dẫu chỉ ngậm tăm êm thấm, chịu để cho một hệ thống nâng đỡ đối với tôi đích thực là một hệ thống quỷ dữ“.

Dạo 1938, khi thông báo tước bỏ quốc tịch Đức tới tay ông, ông viết bài thơ „Tổ quốc muôn đời“. „ Đáng lẽ ra phải quên đi người Đức như họ đáng phải hứng nhận điều ấy“, Heinrich Mann (13) viết, „ông ấy lại vẫn tiếp tục sống cùng với họ, cảm thấy ân hận và lại nhớ thương họ đến mức không thể tưởng“. Max Hermann-Neiße chết ngày 08.04.1941. Sau khi ông mất, bà Leni vợ ông xuất bản hai tập „Những bài thơ cuối“, trong đó có cả bài thơ này, ra đời ngày 23.06.1936, với một lời gọi ra tên chủ đề của cuộc đời ông, bị phán xử đày vào chốn không quê hương và tuy vậy vẫn gìn giữ sự tôn trọng con người, không chỉ trong bài thơ.

©Phạm Kỳ Đăng dịch từ nguyên tác tiếng Đức
Nguồn: Frankfurter Anthologie – Hợp tuyển Frankfurt

Không quê hương

Max Herrmann-Neiße (1886-1941)

Không quê hương chúng ta bước lạc loài
Vô nghĩa qua mê cung người xứ lạ
Dân bản xứ trước cổng thành, mở dạ
Hàn huyên cùng nhau trong gió đêm hè
Làn gió thoáng bay mở cánh rèm che
Cho ta nhìn vào nếp bình yên đã
lâu ngày thiếu vắng của hòa bình ổn định
của một sảnh phòng, và dã man khép lại trước ta
Những con mèo vô chủ trong ngõ cụt
Những kẻ ăn mày ngủ qua đêm trên cỏ ướt
Không nỡ bị ruồng bỏ và đuổi xua làm vậy
Như mỗi ai từng có hạnh phúc quê hương
đã mất đi, nào có lỗi gì riêng
và giờ đây lạc trong mê cung người lạ
Dân bản xứ mộng mơ trước cổng thành
Và không biết chúng ta là cái bóng của họ.

©® Phạm Kỳ Đăng dịch từ nguyên tác tiếng Đức

Heimatlos

Max Herrmann-Neiße (1886-1941)

Wir ohne Heimat irren so verloren
und sinnlos durch der Fremde Labyrinth.
Die Eingebornen plaudern vor den Toren
vertraut im abendlichen Sommerwind.
Er macht den Fenstervorhang flüchtig wehen
und läßt uns in die lang entbehrte Ruh
des sichren Friedens einer Stube sehen
und schließt sie vor uns grausam wieder zu.
Die herrenlosen Katzen in den Gassen,
die Bettler, nächtigend im nassen Gras,
sind nicht so ausgestoßen und verlassen
wie jeder, der ein Heimatglück besaß
und hat es ohne seine Schuld verloren
und irrt jetzt durch der Fremde Labyrinth.
Die Eingebornen träumen vor den Toren
und wissen nicht, daß wir ihr Schatten sind.

Chú thích của người dịch:

Max Herrmann-Neiße (1886-1941): Nhà văn, nhà thơ người Đức sinh ra tại vùng Si-lê-di Thượng, bên bờ sông Neiße.

(1) Hans-Joachim Simm: Sinh năm 1946 tại Braunschweig, cho tới 2009 giám đốc nhà xuất bản Insel và nhà xuất bản Các tôn giáo thế giới.
(2) Jakob Böhme (1575-1624): Nhà huyền học và triết học Đức.
(3) Andreas Gryphius (1616-1664), Angelus Silesius (1624-1677), Johann Christian Günther (1695-1723) và Joseph von Eichendorff (1788-1857), các nhà thơ Đức.
(4) Oberschlesien: Vùng đất nơi Max Hermann Neiße sinh ra và lớn lên nay phần lớn thuộc về Ba Lan.
(5) George Grosz (1893-1959) và Ludwig Meidner (1884-1966): Hai họa sĩ Đức nổi danh đầu thế kỷ.
(6) Franz Pfemfert (1879-1954): Nhà trước tác và nhà phê bình; Alfred Kerr (1867-1948): Nhà văn, nhà phê bình sân khấu.
(7) Else Lasker-Schüler (1869-1945): Nữ thi sĩ ngưới Đức-Do thái, đại diện phái Hiện đại tiền phong và Biểu hiện trong văn chương.
(8) Alfred Döblin (1878-1957): Nhà văn, bác sĩ tâm thần Đức.
(9) Joachim Ringelnatz (1883-1934): Nhà văn, nhà thơ, họa sĩ Đức.
(10) Giải thưởng mang tên Gerthart Hauptmann (1862-1946): Kịch tác gia, nhà văn Đức, nhận giải thưởng Nobel văn chương năm 1912.
(11) Hình thức của tác phẩm âm nhạc bao gồm nhiều phần, trong đó có một phần được gọi là chủ đề, nhắc lại ít nhất là ba lần.
(12) Peter Härtling (sinh năm 1933): Nhà văn Đức.
(13) Heinrich Mann (1871-1950): Nhà văn Đức, anh trai của Thomas Mann.
Tranh của Georg Grosz (1893-1959) vẽ Max Hermann-Neiße

clip_image003

Bài thơ tình biện chứng

Marcel Reich-Ranicki

Nếu như người ta có thể tin vào một dòng chú trong sổ ghi chép của ông, ông đã viết bài thơ này trên chuyến đi Berlin trong một toa tàu hỏa, vào thời điểm ít lâu sau Đại chiến thế giới thứ nhất, khi ông gần 22 tuổi. Dạo đó ông tìm tòi những con đường mới cho kịch, trái lại trong thơ ông vẫn ràng buộc với truyền thống. Thường xuyên ở đây, một cách chu đáo và lão luyện, ông tuân thủ những quy tắc nghiêm ngặt của thơ cổ điển. Nhà thơ trẻ rót đầy các ống dẫn cũ và đắc nghiệm bằng thứ rượu vang mới.

Bài thơ „Hồi tưởng Marie A“ bao gồm 3 khuông hoặc 3 khổ, mỗi một trong số 24 câu thơ có 10 hoặc 11 âm tiết (một ngoại lệ duy nhất: khổ 3, câu 6) và điệu năm nhịp thể thơ jambơ, trong mỗi một khổ cứ câu thơ thứ hai kết vần với câu thứ tư, và câu thứ 6 với câu thứ tám, tất cả các đôi cặp vần đều “nam tính” cả.

Nhưng hình thức cổ điển vậy, thế mà khổ đầu tiên lại mang vẻ lãng mạn – dân ca. Nhà thơ hồi tưởng một cách đa cảm khoa trương bằng những tính từ trước hết giản phác và nhấn mạnh tình cảm. Chuyện gì đã xảy ra trong ánh trăng xanh tháng Chín và điều gì chàng ta rõ ràng là không phải không thích nghĩ tới, rất tươi trẻ và diễm lệ, yên ả và nhòa nhạt. Mà thế đó trong ba câu cuối cùng của khổ thơ, đột nhiên Brecht từ bỏ tính từ, hơn thế ba lần ông lặp lại từ chỉ thời gian „war“ ngắn vang âm tăm tối. Kết cục của khổ thơ cũng ở mức như vậy cảnh báo trước nội dung của khổ thơ thứ hai: Khổ thơ tiếp vào khổ thứ nhất như phản đề nối vào chính đề.

Thời gian qua không chỉ nhiều mùa trăng qua đi, cả tình yêu cũng lặng lẽ rụng xuống và trôi qua, „ những cây mận non” năm nào không còn nữa, nhà thơ không còn nhớ gì cả, thậm chí cả gương mặt người yêu. Liệu điều đó có chút chi như chế diễu, rằng chàng ôm cô trong tay như một „giấc mơ diễm lệ“.

Câu thơ cuối cùng của khổ thứ hai đã tương đối hóa mẫu xét nghiệm xám xịt: Dẫu sao nhà thơ không thể quên được rằng mình đã hôn lên gương mặt ấy. Và với điều đó ta lại được lưu ý tới khổ thơ tiếp nối và cuối cùng: trung thành với phép biện chứng của Hegel, sau định đề và phản đề bây giờ đây đưa ra tổng hợp.

Ngay cả nụ hôn, nhà thơ ngờ vực thú nhận, những tưởng đã quên lãng từ lâu, nếu như không có đám mây trên trời, mà mây lại còn rất trắng nữa. Nhưng trong cuộc đời của mình, nhà thơ đã ngàn vạn lần trông thấy rất nhiều mây. Thế mà tại sao bây giờ chàng ta lại nhớ tới đám mây này chỉ „nở bông“ trong giây lát? Thế đó, chính bởi vì dạo đó chàng ôm „mối tình lặng lẽ nhợt nhạt“ trong tay và đã ghé môi hôn.

Bằng sự sát thực tô nhấn, những gì chàng ta quả quyết trong khổ thơ thứ hai, rằng“ tôi không nhớ“, đã bị phản bác một cách gián tiếp trong khổ thứ ba. Trong lúc trước đó còn dự đoán một cách phấp phỏng, nào là những cây mận vừa qua hẳn bị đốn đi, thì giờ đây chàng hy vọng, chúng vẫn còn luôn nở bông. Brecht đã hủy bỏ nhan đề ban đầu của bài thơ có chút gì hơi điệu đàng (Khúc hát đa cảm số 1004).

Trong bài thơ này, nếu như đám mây „ trắng làm sao và xuống tự trời cao“ cần phải tượng trưng cho tình yêu, cùng sự trong trắng và đồng thời sự qua đi? Nếu thế thì ngay cả đến tình yêu, như một thời được hát trong một vở ca kịch, cũng lại là một quyền lực của trời cao sao? „ Nhưng tôi còn và sẽ luôn còn biết“ – khi nói về đám mây này. Và điều này hẳn có nghĩa: Cứ cho là tình yêu luôn phai tàn đi, giờ đây tình yêu thế đấy không hoàn toàn tan biến. Bởi vì hồi tưởng còn ở lại và cũng như thế có thể cả sự biết ơn nữa. Trong nhan đề của bài thơ, vâng, không thấy nói gì đến một cây mận và tương tự, chính vậy đâu có nói gì đến đám mây, mà là về một người đàn bà. Chàng đã không quên cô gái, cô và sự kiện tháng Chín sẽ không bao giờ phai mờ trong tâm trí. Những dòng này ông viết dâng tặng cô.

©® Phạm Kỳ Đăng dịch từ nguyên tác tiếng Đức
Nguồn: Ein Liebling liebt ein Mädchen, Marcel Reich-Ranicki; Insel Verlag Frankfurt am Main und Leipzig 2001
ISBN 3-458-06655-1

Hồi tưởng Marie A.

Bertolt Brecht (1898-1956)

1. Ngày đó ánh trăng xanh tháng Chín
Lặng thinh bên một gốc mận non,
Tôi ôm mối tình nhợt nhạt, lặng lẽ còn
Trong tay tôi một giấc mơ diễm lệ
Trên đầu ta, trong trời hè đẹp đẽ
Có đám mây kỳ vĩ ở trên cao
Tôi nhìn lâu làn mây trắng xiết bao
Và khi tôi ngẩng đầu, đám mây đâu còn nữa.

2. Từ ngày đó rất nhiều vầng trăng đã
Xuống dập dìu và lặng lẽ trôi qua
Những cây mận hẳn thế đốn dời đi
Và bạn hỏi tôi, rồi sao tình yêu đó?
Thưa bạn ơi, thực tôi không thể nhớ
Mà biết rồi, tôi đoán ý bạn luôn:
– Cả gương mặt nàng thật tình tôi chẳng nhớ
Giờ đây tôi chỉ nhớ, xưa tôi ghé môi hôn.

3. Và cả chiếc hôn, lẽ từ lâu tôi quên
Nếu đám mây không qua nơi đó
Nhưng tôi biết, điều này tôi biết rõ
Mây trắng tinh và xuống tự trên không
Có thể cây mận mãi nở bông
Thiếu phụ nay dễ bảy con bên nách
Nhưng đám mây nở thoáng trong giây lát
Và khi tôi ngước nhìn, trong gió cuốn mây tan.

©® Phạm Kỳ Đăng dịch từ nguyên tác tiếng Đức

Erinnerung an die Marie A

Bertolt Brecht (1898-1956)

1. An jenem Tag im blauen Mond September
Still unter einem jungen Pflaumenbaum
Da hielt ich sie, die stille bleiche Liebe
In meinem Arm wie einen holden Traum.
Und über uns im schönen Sommerhimmel
War eine Wolke, die ich lange sah
Sie war sehr weiß und ungeheuer oben
Und als ich aufsah, war sie nimmer da.

2. Seit jenem Tag sind viele, viele Monde
Geschwommen still hinunter und vorbei.
Die Pflaumenbäume sind wohl abgehauen
Und fragst du mich, was mit der Liebe sei?
So sag ich dir: Ich kann mich nicht erinnern
Und doch, gewiß, ich weiß schon, was du meinst
Doch ihr Gesicht, das weiß ich wirklich nimmer
Ich weiß nur mehr: ich küßte es dereinst.

3. Und auch den Kuß, ich hätt ihn längst vergessen
Wenn nicht die Wolke dagewesen wär
Die weiß ich noch und werd ich immer wissen
Sie war sehr weiß und kam von oben her.
Die Pflaumenbäume blühn vielleicht noch immer
Und jene Frau hat jetzt vielleicht das siebte Kind
Doch jene Wolke blühte nur Minuten
Und als ich aufsah, schwand sie schon im Wind.

Chú thích của người dịch:

Bertolt Brecht (1898-1956) quen thuộc với độc giả Việt Nam. Ông là kịch tác gia và nhà thơ, cùng với Franz Kafka và Thomas Mann, có ảnh hưởng rất lớn trong văn chương Đức thế kỷ 20.

clip_image005

Comments are closed.