Từ tiếng thơ khóc vợ đến tiếng thét phản kháng và tiếng nói xây dựng

(Trân trọng gửi đồng nghiệp Mai Tú Ân và bạn đọc)

Bùi Minh Quốc

 

Trước hết xin bổ sung câu thơ bị sót trong đoạn mà nhà văn Mai Tú Ân trích dẫn tại bài “Nhà thơ phản kháng Bùi Minh Quốc với bài thơ khóc vợ…” (VNTB ngày 20/7/2016)

Bao dốc cao em cần cù đã vượt

Và mỗi lần ngồi nghỉ, em nhìn anh

Em nói tới tương lai tươi thắm ngọt lành

Em nói tới những điều em định viết

Giữa hai cơn đau em ngồi ghi chép

Con sông Giằng gầm réo miên man

Nước lũ về, trang giấy nhỏ mưa chan

Em vẫn viết, lòng dạt dào cảm xúc

Và em gọi đó là hạnh phúc

(Bài thơ về hạnh phúc – 1969)

Câu thơ bị sót là Em nói tới tương lai tươi thắm ngọt lành. Sau 25 năm, từ 1969 đến 1994, một cách tự nhiên như là không thể khác, câu này trở thành mạch nối quan trọng dẫn tới tiếng thét phản kháng của tôi thời hậu chiến:

Ơi em gái Trường Sơn mười tám tuổi

Cùng đồng đội đêm nao truy điệu sống cho mình

Và cứ thế dấn thân vào lửa dội

Em nghĩ gì sau cặp mắt kiên trinh?


Em nghĩ tới tương lai tươi thắm ngọt lành?

Tương lai ấy bây giờ tôi sống dở

Quay mặt vào đâu cũng phải ghìm cơn mửa

Cả một thời đểu cáng đã lên ngôi

(Bài thơ Tháng Tám – 1994)

Tôi viết “Bài thơ về hạnh phúc” để tưởng nhớ Dương Thị Xuân Quý vợ tôi, nhà văn, nhà báo cũng là người bạn đời, người đồng nghiệp đồng đội chiến sĩ cầm bút cùng chung lý tưởng.

Lý tưởng, khát vọng của chúng tôi là giải phóng dân tộc, giải phóng con người.

Lẽ sống của chúng tôi là: không có gì quý hơn Độc lập, Tự do.

Độc lập của Tổ Quốc và Tự do của mỗi con người.

Cho phép tôi được một lần nữa (và sẽ tiếp tục không ngừng) nhấn mạnh rạch ròi: Độc lập của Tổ Quốc và Tự do phải là Tự do của mỗi con người.Cần nhấn mạnh rạch ròi như thế bởi sách, báo của đảng cầm quyền độc tài toàn trị thường viết chung chung: “Độc lập Tự do của Tổ Quốc”. Đây là một xảo thuật tuyên truyền thâm độc dùng cách diễn đạt chung chung “Độc lập Tự do của Tổ Quốc” để cốt làm mờ nhoè, lấn át và đi đến thủ tiêu ý thức về quyền tự do của mỗi con người, trước hết là quyền tự do ngôn luận, gọi nôm na (và chắc nịch) là quyền mở miệng.

Trong nhật ký của Dương Thị Xuân Quý (mà tôi đã giới thiệu nhiều lần trên sách, báo), có hai câu thơ của đại thi hào Nga Puskin luôn được nhắc đi nhắc lại như một khắc khoải, một lời nguyền:

“Trong hy vọng dày vò ta trông ngóng

             Những phút giây giải phóng thiêng liêng”

                                                (Gửi Sa-đa-ép)

Ở Quý, và với tôi cũng thế,  khát vọng giải phóng dân tộc và giải phóng con người luôn hòa quyện mãnh liệt.

Thiết nghĩ, nên dẫn ra đây toàn bộ bài thơ của đại thi hào Nga Puskin

Gửi Sa-đa-ép

Sự bịp bợm của tình, mơ, danh vọng

Mơn trớn ta chẳng được bao lâu

Những trò vui ngày thơ thoáng bóng,

Như mộng đêm, như sương sớm tan mau.


Nhưng hoài bão trong ta còn cháy rực,

Cả hồn ta náo nức chờ mong

Nóng lòng nghe tiếng gọi của núi sông

Sống quằn quại dưới chính quyền hung bạo.


Trong hy vọng giày vò ta trông ngóng

Những phút giây giải phóng thiêng liêng,

Như chàng trai si tình trẻ tuổi

Đợi phút giây hò hẹn trung thành.


Khi trong ta lửa tự do rực cháy,

Khi tim ta còn sống cho thanh danh.

Người bạn hỡi, hiến dâng cho Tổ quốc

Những ngọn triều kỳ diệu của lòng anh!


Hỡi đồng chí hãy vững lòng tin tưởng:

Sao hạnh phúc nguy nga rồi hiện sáng,

Cả nước Nga sẽ bừng tỉnh cơn mê,

Ngày mai đây hậu thế viết tên ta

Trên đống vụn của chính quyền độc đoán.

(1818)

Thuý Toàn dịch từ nguyên bản tiếng Nga

____________

Ghi chú: Sa-đa-ép là sĩ quan quân đội, nhà văn, triết gia, quyết liệt chống đối chế độ chuyên chế Nga hoàng.

Tôi tin rằng, đọc toàn bộ bài thơ trên đây, đồng nghiệp Mai Tú Ân và bạn đọc sẽ cảm thấu trọn vẹn cái lô-gích hiển nhiên không thể khác từ tiếng thơ khóc vợ đến tiếng thét phản kháng của tôi khi đất nước đã độc lập (nhưng chưa toàn vẹn lãnh thổ) mà nhân dân lại bị thế lực độc tài toàn trị (= Vua tập thể) tước đoạt tất cả các quyền tự do cơ bản, ngay cả quyền mở miệng cất lên tiếng nói yêu nước chống giặc Trung Quốc bành trướng cũng không được.

Trong “Bài thơ về hạnh phúc” viết năm 1969, ở đoạn kết, tôi cất lên lời nguyện thề với Dương Thị Xuân Quý:

Anh sẽ sống đẹp những ngày em chưa kịp sống

Với tôi, sống đẹp là phải luôn có mặt ở tuyến đầu trong cuộc chiến đâu vì Tổ Quốc và Tự do, vì Công lý và Phẩm giá con người.

Xin mời đọc đoạn kết “Bài thơ Tháng Tám” tôi viết năm 1994:

Tôi lại đi, lầm lũi cuộc hành trình

Chỉ có thơ thôi

                             THƠ với cường quyền đối mặt

Sống trong tôi là triệu người đã khuất

Đang thét đòi món nợ TỰ DO !

Nay tôi không còn lầm lũi nữa, tôi được hiên ngang chung bước sánh vai với các đồng nghiệp trong BVĐ Văn đoàn Độc lập Việt Nam và Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam cùng vô số bạn đọc tâm huyết của mình.

Tôi cho rằng, muốn đòi được món nợ Tự do, phải có lực lượng đi đòi nợ. Nên tiếng thét phản kháng của tôi cũng đồng thời là tiếng nói xây dựng.

Xây dựng gì?

Xây dựng lực lượng.

Lực lượng gì?

Lực lượng CÔNG DÂN MỚI.

Tháng 8 năm 2015, tôi có bài XÂY DỰNG LỰC LƯỢNG CÔNG DÂN MỚI ĐỨNG LÊN ĐẬP TAN MỌI XÍCH XIỀNG.

Tháng 6 năm 2016 tôi có bài THÂN MỸ CỨU NƯỚC cũng tập trung vào chủ đề XÂY DỰNG LỰC LƯỢNG CÔNG DÂN MỚI, các bài đều đã đăng trên mạng xã hội, bạn nào quan tâm đến tiếng nói xây dựng của tôi xin mời vào tìm đọc lại, trân trọng cám ơn.

Đà Lạt tháng 7/2016

Comments are closed.