Báo Tuổi Trẻ phỏng vấn nhà nghiên cứu Thụy Khuê về cuốn sách “Phê bình văn học TK XX”

TTO – Phê bình văn học thế kỷ XX – cuốn sách 600 trang của nhà phê bình Thụy Khuê – vừa được ấn hành. Công trình công phu này là một đóng góp quan trọng cho hoạt động nghiên cứu, sáng tác cũng như đọc tác phẩm văn chương ở Việt Nam.

Phê bình văn học thế kỷ XX có mở đại lộ cho văn chương? - Ảnh 1.

Nhà phê bình Thụy Khuê – Ảnh: NVCC

Đây là công trình khảo cứu công phu nhất, đầy đủ nhất, có hệ thống nhất về những trường phái lớn làm nên diện mạo nền phê bình văn học của thế giới suốt thế kỷ 20. Tôi tin rằng với nhiều người làm công việc liên quan đến văn học nước nhà, trong đó có bản thân tôi, công trình của Thụy Khuê có giá trị nhập môn rất hữu dụng. Và nó đương nhiên sẽ cần phải được đặt ở vị trí quan trọng.

Nhà văn Tạ Duy Anh (người biên tập cuốn sách)

Cuộc trò chuyện với nhà phê bình Thụy Khuê diễn ra ngay trước cuộc gặp gỡ lần đầu tiên của bà với văn giới trong nước diễn ra chiều 2-1 tại Hà Nội.

* Những người hoạt động văn chương đều biết nền phê bình của chúng ta còn yếu kém, việc tiếp cận các lý thuyết phương Tây còn hạn chế. Đó có phải là lý do bà viết cuốn sách này?

– Đúng là phê bình của chúng ta còn khá phôi thai. Sau khi đọc một số sách về lý luận phê bình văn học đã xuất bản trong nước, tôi nhận thấy phần lớn các sách ấy đều trình bày những lý thuyết phê bình thế giới theo lối: hoặc dịch hay chia các lý thuyết ra thành từng mảnh rời rạc, hoặc không đi đến tận cùng một vấn đề, hoặc đưa vấn đề ra một cách phiến diện, có thể gây hiểu lầm.

Chưa kể chúng ta còn có thói quen không tiếp cận thẳng tác phẩm, mà thường đọc qua nhà nghiên cứu này, nhà phê bình kia của phương Tây, mà những “ông phương Tây” được chọn nhiều khi lại không phải là chuyên gia về vấn đề đó, hoặc có những sai lầm trầm trọng.

Trường hợp lý thuyết hậu hiện đại mà tôi viết trong sách là một ví dụ sống động về sự “tam sao thất bản” này.

Người Mỹ đã hiểu sai khi tiếp cận hậu hiện đại của Pháp và họ mang cái sai đó về bên kia châu lục, người Nga lấy lại cái sai đó của Mỹ và cuối cùng người Việt lại lấy cái sai đó từ Nga, cộng với việc dịch thuật không chuẩn thành ra méo mó hết cả.

Cho nên tôi muốn viết một cuốn sách, mong đóng góp chút gì đó cho phê bình Việt Nam. Cuốn sách này được làm trong hơn 10 năm. Trong thâm tâm, đây là cuốn sách quan trọng nhất trong cuộc đời của tôi.

Phê bình văn học thế kỷ XX có mở đại lộ cho văn chương? - Ảnh 3.

Ảnh: THƯ HÂN

* Vậy cuốn sách này cần thiết như thế nào đối với người làm phê bình, người sáng tác và độc giả yêu văn chương nói chung, thưa bà?

– Đây là cuốn sách toàn cảnh về nền phê bình thế giới thế kỷ 20, nó sẽ giúp người nghiên cứu biết bản chất của văn chương và công việc của mình.

Đối với nhà văn, trước đây người ta quan niệm người sáng tác không cần biết về phê bình; phê bình và sáng tác là hai phạm vi khác nhau.

Nhưng ở thế kỷ 20, nhiều nghiên cứu đã xác quyết định kiến trên là sai lầm, sự thực một văn bản không có người đọc thì chưa trở thành tác phẩm, do đó người sáng tác và người đọc là hai yếu tố luôn gắn kết chặt chẽ.

Nhà phê bình chỉ là một người đọc đặc biệt hơn người đọc bình thường mà thôi. Cuốn sách sẽ là một cầu nối giữa nhà văn và nhà phê bình, nói gọn lại nó giúp người viết hiểu thấu mình và hiểu thấu đối tượng của mình – tức độc giả – qua nhà phê bình.

Với người đọc yêu văn chương nói chung, sách có thể giúp họ khám phá tác phẩm văn chương tinh tế và khoa học.

Tôi tin khi cả người viết lẫn người đọc cùng hiểu rõ hành động viết và tác động của chữ nghĩa thì con đường phát triển văn chương nghệ thuật sẽ trở thành đại lộ.

Cuốn sách này gửi đến bạn những kinh nghiệm của một kẻ xa nước từ năm 18 tuổi. Bắt đầu viết phê bình 25 năm sau, ở tuổi 43, nhưng những vị thầy đầu tiên, dạy vỡ lòng cho tôi, đều là người Việt: Nguyễn Hiến Lê chỉ cách viết một câu văn, cách đọc và hiểu một đoạn văn, chỉ cách gạch bớt những chữ thừa… Đó là bài học i – tờ về sự viết, sự đọc, nền tảng của phê bình. Hoàng Xuân Hãn chỉ cách làm việc của một nhà biên khảo khoa học. Trần Thái Đỉnh chỉ dẫn những khái niệm đầu tiên về triết học hiện sinh và Nguyễn Văn Trung dẫn vào phê bình văn học, với phương pháp hiện đại.

Trích Thư gửi bạn đọc trẻ trong cuốn sách của Thụy Khuê

* Vì sao bà hướng cuốn sách này tới đối tượng là người trẻ, như bà nói trong lời giới thiệu?

– Việt Nam hiện nay người trẻ chiếm đa số trong xã hội. Họ sinh sau ngày đất nước thống nhất, những hệ lụy của chiến tranh đã phần nào nhẹ đi, tôi nghĩ nên dựa vào họ để xây dựng sự hòa hợp dân tộc và phát triển đất nước.

Những gì tôi viết từ trước đến giờ – không chỉ riêng cuốn sách này – đều hướng về thanh niên, với mong muốn một sự tiến bộ trong việc tìm hiểu văn học và lịch sử Việt Nam.

Trong sách, ngoài việc chia sẻ kiến thức, tôi còn chia sẻ cả con đường tìm kiếm của mình, đó là việc tự học, việc tiếp cận những văn bản gốc, việc viết từ những bài nhỏ, hoàn thiện dần đến khi góp thành một công trình lớn…

Hi vọng những người trẻ sẽ tìm thấy những điều có ích cho họ. Và tôi tin đó là con đường đưa đến những kết quả khả quan.

THƯ HÂN thực hiện

Comments are closed.