HRW: ‘Hãy phủ quyết dự Luật An ninh mạng’

Tina Hà Giang

BBCvietnamese.com

Dự luật an ninh mạng quy định ngừng cấp dịch vụ cho người dùng nếu đăng tải "tuyên truyền chống nhà nước…"

Dự luật an ninh mạng quy định ngừng cấp dịch vụ cho người dùng nếu đăng tải “tuyên truyền chống nhà nước…”. GETTY IMAGES

Hôm 7/6, tổ chức Theo dõi Nhân quyền Quốc Tế (HRW) kêu gọi chính quyền Việt Nam ‘phủ quyết bộ Luật An ninh mạng’ đang thu hút quan tâm của nhiều giới.

Thông điệp trên được HRW đưa ra trước bối cảnh dự luật An ninh mạng của Việt Nam sẽ được mang ra biểu quyết tại Quốc Hội hôm thứ Ba 12/6 với nhiều triển vọng được thông qua.

Gọi đây là một dự luật “đầy vấn đề,” HRW trích lời ông Brad Adams, Giám đốc khu vực châu Á:

“Dự thảo luật An ninh mạng của Việt Nam có vẻ đặt mục đích bảo vệ quyền lực độc tôn của đảng ngang với bảo đảm an ninh mạng.”

“Luật này đặt tự do ngôn luận và tự do tiếp cận thông tin vào tầm kiểm soát trực tiếp của chính quyền, và cung cấp cho chính quyền thêm một vũ khí nữa để đối phó với những tiếng nói bất đồng. Không phải ngẫu nhiên mà tác giả của dự thảo này chính là Bộ Công an, vốn đã đầy tai tiếng về vi phạm nhân quyền.”

Dự luật An ninh mạng nếu thông qua thì có ảnh hưởng nhiều đến 'quyền kinh tế, chính trị' của công dân?

Dự luật An ninh mạng nếu thông qua thì có ảnh hưởng nhiều đến ‘quyền kinh tế, chính trị’ của công dân? GETTY IMAGES

Human Rights Watch không phải là tổ chức quốc tế duy nhất lên tiếng về dự luật Luật An ninh mạng của Việt Nam.

‘Biến người bày tỏ quan điểm thành tội phạm’

Trả lời phỏng vấn của BBC Tiếng Việt, bà Minh Yu Hah, Phó giám đốc Đông Nam Á & Thái Bình Dương của tổ chức Ân xá Quốc tế (AI) cho biết AI sẽ khởi động phong trào phản đối dự luật này trong nay mai.

Giải thích lý do phản đối, bà nói:

“Dự thảo Luật An ninh mạng này mơ hồ một cách nguy hiểm, nó cho phép chính quyền biến người bày tỏ quan điểm thành tội phạm hình sự, và khiến người dân thực thi quyền tự do ngôn luận của mình có nguy cơ bị cầm tù tuỳ theo diễn giải của cơ quan công lực.”

Bà Minh Yu nói thêm:

“Dự thảo còn cho chính phủ một quyền sâu rộng trong việc giám sát tự do phát biểu của hàng chục triệu người dân. Luật cũng buộc các công ty công nghệ phải bàn giao dữ liệu cá nhân sử dụng mạng cho chính quyền, hoặc xóa bài đăng của họ khi được chính quyền yêu cầu.”

Phó giám đốc Đông Nam Á & Thái Bình Dương của tổ chức Ân xá Quốc tế đặt vấn đề:

“Quan tâm sâu xa của chúng tôi là, nếu luật này được phê chuẩn, thì vai trò của các công ty công nghệ trong việc hỗ trợ chính sách của chính phủ độc tài là gì?”

Có ý kiến cho rằng phong trào ủng hộ cây ở Hà Nội năm 2015 mở đầu cho các phong trào xã hội trên mạng

Có ý kiến cho rằng phong trào ủng hộ cây ở Hà Nội năm 2015 mở đầu cho các phong trào xã hội trên mạng. GETTY IMAGES

Những quy định gây quan ngại

Dự thảo luật an ninh mạng, nếu được thông qua nguyên trạng, sẽ gây ảnh hưởng đến hàng chục triệu người dân.

Theo nghiên cứu của hai công ty We Are Social và Hootsuite, Việt Nam hiện có khoảng 55 triệu người tích cực sử dụng truyền thông xã hội, trong đó Facebook dẫn đầu. Trong số người dùng, dĩ nhiên giới bất đồng chính kiến quan ngại sâu xa nhất.

Phân tích tỉ mỉ dự thảo bộ luật an ninh mạng dài 34 trang, gồm 47 điều, tổ chức HRW vạch ra một số những điều khoản làm tổ chức này quan ngại về vi phạm nhân quyền:

Định nghĩa hành vi “Cố ý vượt qua” “tường lửa” để “thu thập trái phép thông tin” là “gián điệp mạng” (Điều 2).

Quy định cấm sử dụng không gian mạng để “tổ chức, hoạt động, cấu kết, xúi giục, mua chuộc, lừa gạt, lôi kéo, đào tạo, huấn luyện người chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” hay “xuyên tạc lịch sử, phủ nhận thành tựu cách mạng, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc” (Điều 8).

Quy định cấm “sử dụng không gian mạng” để “soạn thảo, đăng tải, tán phát thông tin” “có nội dung tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” hay “xúc phạm dân tộc, quốc kỳ, quốc huy, quốc ca, vĩ nhân, lãnh tụ, danh nhân, anh hùng dân tộc” (Điều 8 và Điều 15).

Quy định cấm tuyên truyền chống nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, bao gồm “Chiến tranh tâm lý,” “tuyên truyền xuyên tạc, phỉ báng chính quyền nhân dân,” “Thông tin bịa đặt, sai sự thật nhằm xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự hoặc gây thiệt hại” – mà không hề có yêu cầu rằng người đưa thông tin đã biết trước là sai, và “thông tin có nội dung tuyên truyền, kêu gọi, vận động, xúi giục, đe dọa, gây chia rẽ, lôi kéo tụ tập đông người gây rối” (Điều 8 và Điều 15).

Ngày càng nhiều người dùng internet ở Việt Nam

Ngày càng nhiều người dùng internet ở Việt Nam. GETTY IMAGES

Quan tâm của giới cung ứng dịch vụ

Không riêng người xử dụng mạng, các công ty cung cấp dịch vụ trong và ngoài nước cũng bị ảnh hưởng không ít.

Điều 26 của dự luật quy định:

Phải “cung cấp thông tin người dùng cho lực lượng chuyên trách bảo vệ an ninh mạng thuộc Bộ Công an khi có yêu cầu bằng văn bản.”

Phải “xóa bỏ thông tin, ngăn chặn việc chia sẻ thông tin có nội dung” bị chính quyền cấm “chậm nhất là 24 giờ kể từ thời điểm có yêu cầu” từ Bộ Thông tin và Truyền thông hoặc Bộ Công an.

Phải “lưu vết liên quan để cung cấp cho lực lượng chuyên trách bảo vệ an ninh mạng;” và

Phải “không cung cấp hoặc ngừng cung cấp dịch vụ trên mạng viễn thông, mạng internet và các dịch vụ gia tăng cho tổ chức, cá nhân đăng tải trên không gian mạng” thông tin có nội dung bị chính quyền cấm.

Phải “lưu trữ tại Việt Nam thông tin cá nhân của người sử dụng dịch vụ tại Việt Nam và các dữ liệu quan trọng liên quan đến an ninh quốc gia.”

Phải “đặt trụ sở hoặc văn phòng đại diện tại Việt Nam,” và “thực hiện yêu cầu của cơ quan chức năng trong điều tra, xử lý hành vi vi phạm pháp luật về an ninh mạng.”

Chưa thấy phản ứng của hai công ty Facebook và Google, hiện đang phục vụ người dùng Việt Nam từ trụ sở tại Singapore, về quy định phải đặt trụ sở hoặc văn phòng đại diện tại nước này.

Trả lời phỏng vấn của The Strait Times, ông Jeff Paine, giám đốc quản lý của AIC, cơ quan đại diện cho những công ty công nghệ khổng lồ nhu Tweeter và Facebook, nói:

“AIC hoàn toàn hỗ trợ ý định tốt của Việt Nam trong việc đảm bảo an ninh và quyền riêng tư trực tuyến cho người dân với luật này”, “tuy nhiên, chúng tôi tin rằng một số quy định của luật được đề xuất, cụ thể là các yêu cầu nội địa hoá dữ liệu, có thể cản trở tiến trình tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư của Việt Nam, và cản trở tăng trưởng kinh tế dài hạn.”

Trở lại với vấn đề nhân quyền, được hỏi dự luật trên, theo tổ chức Amnesty International, nên được điều chỉnh như thế nào, bà Minh Yu nói với BBC Tiếng Việt:

“Dự luật phải được điều chỉnh để hoàn toàn tuân thủ luật nhân quyền quốc tế mà chính phủ Việt Nam đã cam kết, để cho phép người dân Việt Nam được quyền tự do phát biểu mà mà không sợ bị bắt bớ, giam cầm, và để cho phép người dân bảo vệ quyền riêng tư và quyền sở hữu những dữ liệu riêng của mình.”

Nguồn: https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-44410774

Comments are closed.