Ông Nguyễn Sự: “Đừng đem tôi làm đòn kê để “bắn” người khác!”

Hải Châu

 

“Ngày báo chí Cách mạng Việt Nam” (21/6) mỗi năm lại là ngày để Tuyên huấn đảng rao giảng cái nguyên lý bất di bất dịch “báo chí tuyệt đối đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng”, để các báo nhận hoa và… phong bì của các doanh nghiệp; ngược lại, là ngày để báo chí “lề dân” vạch trần “nền báo chí nô bộc và suy thoái”… Trong hiện trạng ấy, cuộc gặp mặt của ông Nguyễn Sự, nguyên bí thư ĐCS Hội An với các báo, cho thấy một sự thật hiển nhiên: Báo chí (chẳng cần thêm cái đuôi định hướng “cách mạng”) chỉ có thể làm báo một cách tử tế, đàng hoàng khi người có quyền lực chính trị cao nhất tôn trọng nó, thực sự coi nó là kênh tham vấn khách quan trung thực của xã hội để điều chỉnh chính sách, việc làm của mình, chứ không phải là hệ thống “loa phường” nhằm tuyên truyền, áp đặt đường lối duy ý chí của mình cho xã hội, càng không phải là tập họp những văn nô, bút máu sẵn sàng bán rẻ sự thật vì chút bổng lộc nhất thời. Buồn thay, một Nguyễn Sự chỉ có thể là hiện tượng hết sức cá biệt và khó lặp lại trong hệ thống thiết chế hiện hành, một hệ thống được thiết chế cốt để ngăn chặn khả năng có những “cá biệt” tương tự.

Văn Việt

 

Chiều 15/6, cuộc gặp mặt “Hội An với báo chí” nhân 90 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam đã thành cuộc hội ngộ báo chí ba miền chia tay đầy xúc động với ông Nguyễn Sự, nguyên Bí thư Thành ủy Hội An!

Cuộc hội ngộ báo chí ba miền ở Hội An

Ông Nguyễn Sự cho hay, hàng năm Hội An đều tổ chức gặp mặt nhân Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam 21/6, nhưng điều khiến ông xúc động là tại cuộc gặp mặt năm nay, không chỉ báo giới ở Đà Nẵng, Quảng Nam mà còn có nhiều nhà báo ở hai đầu đất nước cũng vượt cả ngàn cây số để về với Hội An.

image

Cuộc gặp mặt “Hội An với báo chí” tổ chức chiều 15/6 (Ảnh: HC)

Bên cạnh các nhà báo đang công tác có cả nhiều nhà báo đã nghỉ hưu như Hồ Duy Lệ, nguyên Tổng biên tập báo Quảng Nam; Lê Hoàng, nguyên Tổng biên tập báo Tuổi Trẻ; Hoàng Linh, nguyên Giám đốc Đài Phát thanh – Truyền hình Quảng Nam; Cung Văn (báo Sài Gòn Giải phóng), Huỳnh Phi Long (Thời báo Kinh tế Sài Gòn), Trung Yên (Trung tâm Truyền hình Việt Nam tại Đà Nẵng)…

“Đó là tình cảm rất lớn mà báo chí dành cho Hội An, đặt ra vấn đề Hội An phải suy nghĩ làm tốt hơn để xứng đáng với lòng tin đó. 21 năm tôi làm ở đây, anh chị em báo giới đã gắn bó với Hội An lúc vinh quang cũng như lúc lên bờ xuống ruộng. Những lúc vui nhất và những lúc buồn nhất của Hội An, các anh chị đều có mặt, sẵn sàng sát cánh. Hội An có được như hôm nay, ngoài nhân dân và nỗ lực của hệ thống chính trị Hội An còn có sự giúp đỡ của bạn bè, trong đó có báo chí đã đồng hành với Hội An cả khi ấm lẫn lúc lạnh!” – ông Nguyễn Sự nói.

Ông cho biết, sau khi thôi chức Bí thư Thành ủy, hiện ông vẫn còn là Chủ tịch HĐND TP Hội An để làm tròn trách nhiệm đến khi Đại hội Đảng bộ TP. Sang năm, ông sẽ hoàn toàn rời khỏi “vũ đài”, lúc đó sẽ có dịp gặp mặt những người làm báo với tư cách là những người bạn, người anh em, thân hữu… Có thể gặp nhiều hơn, ngồi lâu hơn và trải lòng với nhau nhiều hơn. Nhưng với tư cách là người còn đương chức thì đây là lần cuối cùng ông gặp mặt báo giới. Vì vậy ông xin phép tâm sự đôi điều.

“Kiểu mấy anh nhà báo mà, tôi biết rồi!”

Điều đầu tiên, ông Nguyễn Sự nói lời cám ơn, nhưng không khách sáo, đối ngoại như lẽ thường. “Với tôi, thực ra chơi với anh em báo chí, tôi không đối ngoại, mà tôi thiệt. Về mặt cá nhân, anh nào tôi ưng thì tôi chơi. Còn về mặt trách nhiệm, tôi tiếp anh với tư cách là phóng viên thì tôi tiếp. Anh khen, tôi cũng làm, nhưng khen cho trúng. Anh chê tôi cũng làm, nhưng chê cho trúng. Anh khen làm sao tôi không đỏ mặt, anh chê làm sao tôi cảm thấy không phải là sự bươi móc. Tôi rất rõ ràng, sòng phẳng điều này mà chắc ở đây nhiều anh chị em biết rất rõ!” – ông Nguyễn Sự bày tỏ.

Ông nói thẳng: “Kiểu mấy anh nhà báo mà, tôi biết rồi. Đôi lúc cũng nâng lên một tí, hạ xuống một tí. Muốn chê thì hạ nó xuống một tí, muốn khen thì nâng nó lên một tí, thậm chí lên 10 tí!”. Và ông kể lại nhiều kỷ niệm ông từng to tiếng, đòi kiện, thậm chí đòi “nhận nước” một số phóng viên khi đưa tin không hoàn toàn đúng sự thật về Hội An. Nhưng như người ta vẫn nói là “đánh nhau mới nhận bà con”, nhiều trường hợp, ông với các nhà báo từ chỗ “đánh nhau” đã trở thành bạn, rất trân trọng nhân cách của nhau dù tuổi tác có thể chênh lệch.

image

Nhiều thế hệ nhà báo trong cả nước đã về tham dự cuộc gặp mặt (Ảnh: HC)

“Tôi biết báo chí khen tôi, khen Hội An nhiều lắm. Lúc nãy tôi có nói với vài anh em là hôm nay gặp mặt tri ân báo chí, đồng thời tôi cũng đòi món nợ với báo chí. Đó là báo chí đã “viết trên lưng” Hội An, kể cả “trên lưng” tôi nữa, lấy nhuận bút. Lần này cuối đời rồi, dứt khoát các anh phải chia nhuận bút lại đây! Tôi nói đùa vui như vậy để thấy Hội An cũng là niềm cảm hứng, là chỗ để các phóng viên có đất dụng võ. Nhưng trên hết, đó là tấm lòng của báo chí đối với Hội An!”.

Ông thổ lộ, mình không “nhớ lâu, thù dai, ghim guốc mãi”, nhưng chính những kỷ niệm “đụng độ” làm cho ông nhớ báo chí. Và chắc chắn những kỷ niệm về sự gai góc của ông làm cho báo chí nhớ đến ông. Có thể yêu, có thể ghét, nhưng chắc chắn là phải nhớ tới “ông Sự gai góc, nhiều vấn đề”. Và ông cũng nêu rõ, có không ít điều báo chí phê phán Hội An là đúng. Ông nhận đó là những lúc mình “dốt”, cứ nghĩ làm như vậy là đúng. Đến khi báo chí lên tiếng thì Hội An mới “giật mình” nhận ra vấn đề, chấp nhận sửa sai ngay và được người dân đồng tình.

“Đừng đem tôi làm đòn kê để “bắn” người khác!”

Đề cập đến chuyện mình xin nghỉ hưu sớm, ông Nguyễn Sự nói thẳng: “Vừa rồi báo chí “đóng đinh” tôi lên cây thập tự dữ quá. Không những đóng một cây mà đóng cả triệu cây. Tôi xin nghỉ bởi một lẽ rất giản đơn là mình không nên ở lại nữa. Với cái tuổi này, mình không nên ở lại nữa. Tôi làm hết mình, nghỉ cũng hết mình. Nhưng rồi một loạt báo không gặp tôi mà nói đủ thứ, bàn luận và đem tôi ra trở thành đòn kê để “bắn” người khác.

Tôi rất cám ơn giới truyền thông quan tâm, nhưng tôi không thích sự quan tâm như vậy. Tôi không làm đòn kê cho ai và cũng không nên đặt tôi vào những người khác. Tôi là tôi, họ là họ. Họ có suy nghĩ của họ, tôi có suy nghĩ của tôi. Có nhiều người gọi điện hỏi tôi bất mãn cái gì mà nghỉ? Anh bị sự cố gì mà hạ cánh an toàn? Tôi chả bất mãn gì cả. Rồi lại hỏi anh có bị ai ép gì không? Cuộc đời này ai ép được ai? Mà đặc biệt tôi thì chả ai ép được. Ngoài cha mẹ tôi ra, không ai ép được tôi!”.

Ông Nguyễn Sự khẳng định “anh em Hội An bây giờ đủ điều kiện, đủ yếu tố để tiếp nhận công việc, thậm chí có khi đã hơi muộn” nên việc ông xin nghỉ hưu sớm rất nhẹ nhàng. Ông biết giới báo chí dành nhiều tình cảm cho mình, nhưng tán riết một hồi lại thành ra hướng khác. Có cả một số vị đại biểu Quốc hội, cựu lãnh đạo ở TƯ nghe như vậy cũng “tán lên”.

image

Ông Nguyễn Sự phát biểu tại buổi gặp mặt (Ảnh: HC)

“Tôi suy nghĩ một điều rất giản đơn là việc tôi nghỉ không phải vấn đề tuổi tác mà là tư duy của mình đã già, lực mình đã cỗi, không thể xông xáo như trước nữa, vì vậy không nên bám miết như tàu lá chuối, để đến khi người ta cắt vứt đi thì xấu hổ quá. Cách nói của tôi, cách suy nghĩ của tôi nôm na như vậy. Nhưng có người lại nâng nó lên thành “triết lý tư duy lá chuối” loạn hết. Đôi lúc bình một chặp nó trật lất.

Tất nhiên đó không phải là điều vui mà là điều đáng buồn cho xã hội hiện nay. Cái việc nó nhỏ, không lớn, tình cảm dành cho tôi chỉ cần đưa tin vài dòng. Nhưng có một điều khi “tán” ra một chặp, tự nhiên tôi vốn là người rất trần tục, thậm chí trần tục hơn những người trần tục, lại đem “phong thánh” tôi thì tôi thấy không ổn!” – ông Nguyễn Sự nói mà không hề ngại có thể sẽ gây mất lòng người này, người khác.

“Anh em báo chí không “ăn” gì của Hội An cả!”

Quay trở lại với chuyện về Hội An, ông Nguyễn Sự nhận định, Hội An chỉ cần “hắt hơi, sổ mũi” là thành sự kiện, trong khi ở các nơi khác thì đó là chuyện bình thường. Điều đó chứng tỏ báo chí đã dành nhiều tình cảm đẹp cho Hội An, không phải chỉ là công việc bình thường với tư cách nghề nghiệp mà là tấm lòng của những người làm báo đối với Hội An. Sự quan tâm đó tạo ra áp lực rất lớn để người dân và chính quyền Hội An phải luôn tự soi mình, điều chỉnh mình. Cái đó có lợi vô cùng cho Hội An!

Ông bày tỏ, nói Hội An làm nên di sản là không sai, nhưng chưa đủ. Phải nói Hội An và bạn bè đã tạo ra thương hiệu Hội An và làm nên di sản Hội An. Hồi năm 1995, không ai nghĩ Hội An trở thành Di sản Văn hóa thế giới. Lúc đó giữa Hội An và Mỹ Sơn chỉ nên chọn một, vì chưa có tiền lệ một tỉnh có hai di sản, và tỉnh Quảng Nam ưu tiên Mỹ Sơn vì dễ hơn.

Tuy vậy Hội An vẫn bắt tay vào làm hồ sơ, khi ra Huế học cách làm thì “chết khiếp” với khuyến cáo phải “chở 5 xe tải tài liệu”. Nhưng rồi với sự cổ vũ, đồng hành của báo chí, cả Hội An và Mỹ Sơn đều được công nhận là di sản. Tất cả những ân nghĩa đó ông không bao giờ quên được!

image

Nhà báo Nguyễn Trung Hiếu, Trưởng Văn phòng đại diện báo Lao Động tại miền Trung trao tặng ông Nguyễn Sự bức ảnh anh chụp về ông khi đi phòng chống lũ lụt hồi năm 1998 (Ảnh: HC)

Với các cán bộ kế cận, ông Nguyễn Sự nhắn gửi: “Khi tôi nghỉ rồi, hãy nhớ tôi với tư cách là Nguyễn Sự, nhớ tôi với tư cách là người anh, người chú, chứ đừng nhớ tôi với tư cách là Bí thư. Bởi vì nhớ tới với tư cách là Bí thư thì lúc nào anh cũng thấy cái vai trò của người tiền nhiệm đè lên lưng anh nặng quá. Muốn sửa cũng sợ đụng, làm cái chi cũng ngại, anh em khó làm. Quá khứ, tôi chịu trách nhiệm; tương lai, anh em phải chịu trách nhiệm, tự quyết định lấy. Nhân dân, lịch sử và công luận sẽ phán xét việc này chứ không phải ông Sự phán xét việc này, vì tôi không có quyền phán xét ai với tư cách cá nhân cả!”.Ông khẳng định: “Không phải anh em báo chí “ăn” cái gì của Hội An. Hội An không cho gì báo chí cả. Với tư cách là Chủ tịch, Bí thư Hội An 21 năm, tôi chưa bao giờ cho bất cứ phóng viên nào một đồng bạc để viết tốt về Hội An. Và chưa bao giờ anh em báo chí ngửa tay đòi một đồng bạc nào khi viết tốt về Hội An. Cũng không có phóng viên nào dọa Hội An viết xấu để lấy tiền. Hôm nay tôi khẳng định điều đó, chứ không phải vì Hội An ưu ái cho báo chí. Tôi đâu có cho gì anh em. Không cho gì cả. Hội An không cho, cá nhân tôi cũng không cho!”.

“Đừng nhớ Nguyễn Sự với tư cách là Bí thư!”

Nhìn nhận đối với mình bây giờ “mọi tiếng thị phi không còn là điều quan trọng nữa, chê cũng không sao, chửi cũng chẳng sao, khen cũng chẳng sao, ca ngợi cũng chẳng sao” vì “đã tới cái tuổi cần phải trở lại chính mình là mình, biết mình như thế nào”, nhưng có vài việc theo ông Nguyễn Sự là rất lớn mà ông muốn gửi gắm đến báo giới:

“Lâu nay các anh chị gắn bó với Hội An, gắn bó với tôi. Nay các anh em mới lên, nói mới nhưng cũng cũ lắm rồi vì tôi ngồi cản đường miết, đâu có lên được. Tôi ngồi như tảng đá ngăn đường, cản trở giao thông mà không có ông CSGT nào thổi còi tôi hết. Do đó anh em không lên được. Tôi mong báo chí đã yêu Hội An, thương Hội An, trong đó có thương tôi nữa, thì hãy thương anh em, tiếp tục giúp anh em, tạo điều kiện cho anh em và đi cùng với anh em. Lúc thương tôi thì chín bỏ làm mười, với anh em bây giờ, tôi đề nghị các anh chị bảy bỏ làm mười.

Anh em còn mới, chưa quen, cần có thời gian để quen việc. Chắc chắn là sẽ có những trục trặc này, trở ngại khác. Khi tôi mới lên, tôi chả hiểu phố cổ là gì cả. Chính các bạn báo chí đã dạy tôi hiểu về phố cổ, Do đó tôi đề nghị anh chị em báo chí tiếp tục đồng hành cùng Hội An, giúp đỡ các anh chị em tôi. Coi như đó vừa là tình cảm, vừa là trách nhiệm đối với Hội An!”.

Với các cán bộ kế cận, ông Nguyễn Sự nhắn gửi: “Khi tôi nghỉ rồi, hãy nhớ tôi với tư cách là Nguyễn Sự, nhớ tôi với tư cách là người anh, người chú, chứ đừng nhớ tôi với tư cách là Bí thư. Bởi vì nhớ tới với tư cách là Bí thư thì lúc nào anh cũng thấy cái vai trò của người tiền nhiệm đè lên lưng anh nặng quá. Muốn sửa cũng sợ đụng, làm cái chi cũng ngại, anh em khó làm. Quá khứ, tôi chịu trách nhiệm; tương lai, anh em phải chịu trách nhiệm, tự quyết định lấy. Nhân dân, lịch sử và công luận sẽ phán xét việc này chứ không phải ông Sự phán xét việc này, vì tôi không có quyền phán xét ai với tư cách cá nhân cả!”.

“Đồng chí Nguyễn Sự là người lãnh đạo đã cống hiến hết mình cho Hội An, người đã bắt nhịp cầu thân ái kết nối Hội An với báo chí và báo chí với Hội An, người đã sống và cư xử trọn vẹn nghĩa tình, tâm huyết, sức cảm thụ đối với đồng chí, nhân dân và đối với đội ngũ những nhà khoa học, văn nghệ sĩ, phóng viên báo chí trên cả nước.

Đồng chí đã chủ động, thể hiện hết mình tinh thần trách nhiệm và tình cảm khi bàn giao lại trọng trách cho đội ngũ cán bộ lãnh đạo kế cận của Hội An. Ngọn lửa nhiệt huyết và sự dấn thân mà đồng chí đã đun thổi, khơi truyền sẽ thôi thúc chúng ta phấn đâu nỗ lực nhiều hơn nữa trong công việc và cuộc sống. Nhịp cầu tình cảm gắn bó thủy chung Hội An và báo chí mà đồng chí đã dày công vun đắp sẽ nâng bước chúng ta đi, kết nối chúng ta cùng tiến lên phía trước vì một Hội An giàu đẹp.

Lãnh đạo và nhân dân TP Hội An xin trân trọng ghi nhận công sức và thành quả mà đồng chí Nguyễn Sự là đầu tàu tạo dựng nên. Chúng tôi sẽ đem hết tâm sức và tấm lòng chân thành để tiếp tục giữ gìn, nâng niu, phát huy quan hệ tốt đẹp giữa báo chí với Hội An; sẽ luôn luôn gần gũi và tạo mọi điều kiện thuận lợi để các cơ quan báo chí và anh chị em phóng viên đến với Hội An, chia sẻ cùng Hội An những buồn vui, khi khó khăn cũng như lúc thành công!”

(Ông Kiều Cư, tân Bí thư Thành ủy Hội An, phát biểu tại buổi gặp mặt)

 

Nguồn: http://infonet.vn/ong-nguyen-su-dung-dem-toi-lam-don-ke-de-ban-nguoi-khac-post166732.info

Comments are closed.