Nhà thơ Bằng Việt lên tiếng

Bằng Việt

Về ý kiến đề cập đến bản “Tuyên bố vận động thành lập Văn đoàn Độc lập Việt Nam”, do một hội viên Hội Nhà văn Hà Nội chất vấn, tại Đại hội trù bị (ngành thơ) của Hội, vừa tổ chức ngày 29-10-2016 vừa qua

Dưới đây là phản hồi của nhà thơ Bằng Việt đối với ý kiến phê phán những điều ông đã nói về Ban vận động Văn đoàn Độc lập trong cuộc họp của ngành thơ ngày 30-10-2016 trù bị cho Đại hội Hội Nhà văn Hà Nội. Chúng tôi thấy cần để công luận biết rõ.

Chúng tôi nghĩ ‘’Đôi lời với nhà thơ Bằng Việt …’’ của nhà thơ Hoàng Hưng đăng trên Văn Việt ngày 31-10-2016 hóa ra cũng đã là trả lời ‘’trước’’ khá đầy đủ cho những điều ông Bằng Việt nói trong phản hồi này của ông rồi.

Văn Việt

 

clip_image002Ngày 31-10- 2016, tôi rất bất ngờ nhận được một cú điện thoại và một lời nhắn tin từ nhà văn Nguyên Ngọc, yêu cầu phải cải chính ngay “lời vu khống” đối với Ban vận động Văn đoàn độc lập trong câu tôi trả lời chất vấn cho một hội viên Hội Nhà văn Hà Nội (là nhà thơ Hương Mộc), khi anh yêu cầu giải thích về Ban Vận động Văn đoàn độc lập, cũng như thái độ đối với nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên, Chủ tịch Hội Nhà văn Hà Nội, có tham gia vào Ban Vận động đó.

Việc nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên tham gia Ban Vận động Văn đoàn độc lập này thì không có gì phải bàn cãi, và trong không khí gặp mặt thân tình của anh chị em giới văn nghệ, tôi cũng chỉ muốn đùa vui, rằng thế là anh hơi tham, vừa có vợ vừa muốn có bồ trẻ, ôm riết cả hai mang, bắt cá hai tay (Hội cũng ôm mà Văn đoàn cũng ôm), không ổn đâu! (trong khi bản “Tuyên bố vận động Văn đoàn độc lập” của anh thì lại phát ngôn rất rành rọt và hùng hồn như sau: Văn đoàn độc lập Việt Nam là một tổ chức của xã hội dân sự, ái hữu nghề nghiệp, hoàn toàn độc lập đối với mọi hệ thống tổ chức và thiết chế trong và ngoài nước!!).

Còn việc nhà thơ Hương Mộc khăng khăng buộc tôi phải trả lời ngay về “Tuyên bố vận động thành lập Văn đoàn độc lập”, thì ác hại thay, lúc đó tôi lại không có văn bản trên tay, nên buộc phải trả lời theo trí nhớ: Tôi nêu ý bao quát của bản “Tuyên bố…” là “Văn đoàn muốn chấn hưng văn hóa Việt Nam đang suy thoái (nay về xem lại thì nguyên văn là phục hưng văn hóa), để tất cả những người làm văn học đích thực không bị xấu hổ vì nền văn học hiện nay đang xuống cấp nghiêm trọng. Và “Tuyên bố…” cũng có dụng ý phủ nhận nền văn học cách mạng”. Đây là những câu nói vo, tóm lược lời lẽ trong “Tuyên ngôn”, (không có trích dẫn), nhưng nhà văn Nguyên Ngọc cực lực phản đối hai từ “xấu hổ” và “phủ nhận” mà ông cho là xuyên tạc, vu khống nghiêm trọng và ông buộc phải làm cho ra lẽ đối với hai ý xuyên tạc, vu khống trắng trợn này. Ông nhắn tin cho tôi:

“Cậu đã xem lại clip về cuộc họp của bộ phận thơ trong đó cậu nói sai có tính chất vu khống về tuyên bố của Ban Vận động Văn đoàn độc lập chưa? Cần thiết thì tôi sẽ gửi lại cho cậu nguyên văn tuyên bố ra mắt của chúng tôi. Nếu là người đứng đắn, cậu cần một cải chính và một lời xin lỗi đàng hoàng công khai. Nguyên Ngọc.”

Anh nói: BVĐVĐĐL phủ nhận nền văn học cách mạng từ 1945 đến nay (mà anh cho là chính nhà văn Nguyên Ngọc, người đứng đầu BVĐVĐĐL đã từ đó sinh ra), thậm chí bảo rằng tuyên ngôn đó kêu gọi ‘’các nhà văn phải làm thế nào để không xấu hổ với nền văn học của chúng ta’’, và nói tuyên bố như thế là “ngộ nhận, vội vã”.

Trước cơn giận tày đình của một nhà văn nhớn, tôi đành phải trích dẫn lại mấy câu khởi đầu bản “Tuyên bố…” ấy, do chính nhà văn đã tâm đắc cho công bố: “Sau năm 1975, kết thúc một thời kỳ lịch sử kéo dài hơn trăm năm, đất nước cần một cuộc phục hưng dân tộc căn bản, mà nền tảng là phục hưng văn hóa. Tiếc thay, công cuộc cần thiết và nghiêm trang ấy đã không diễn ra như mong đợi. Trái lại, văn hóa Việt Nam ngày càng suy thoái nghiêm trọng, lộ rõ nguy cơ đánh mất những giá trị nhân bản căn cốt nhất, uy hiếp đến cả sự tồn vong của dân tộc”.

Trong mấy câu này có 3 ý phủ định lớn, mà là phủ định sạch trơn nữa kia:

– Một là: công cuộc phục hưng dân tộc mà nền tảng là phục hưng văn hóa, tác giả chỉ thèm kể đến từ năm 1975 trở đi! Vậy Cách mạng tháng Tám 1945 là để làm gì, tác giả cố ý quên! Nước Việt Nam DCCH ra đời không phải là một dấu mốc phục hưng dân tộc vĩ đại ư, nhưng cũng bị bỏ qua! Và nền văn hóa dân tộc từ 1945 đến 1975 hình thành qua hai cuộc Kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, ở đó có cả tác phẩm “Đất nước đứng lên” đã làm nên tên tuổi tác giả một thời và hàng trăm tên tuổi lừng lẫy khác, cũng bị xóa sổ sạch trơn chăng? Kết cục là từ 1945 đến 1975, chúng ta hoàn toàn trắng tay, vì mọi việc cần thiết và nghiêm trang không hề diễn ra như mong đợi!?

– Hai là: Tác giả đã cố ý đánh đồng cả trăm năm nô lệ dưới thời thực dân Pháp từ năm 1858 kéo luôn đến năm 1975, không hề điểm một dấu cách nào; tức là mặc nhiên cho vào một rọ (kể từ thời nô lệ thực dân) toàn bộ các thành tựu về chính trị, xã hội, văn hóa 30 năm sau thời Pháp thuộc (1945-1975) khi chính quyền Cách mạng đã thành lập; khỏa lấp toàn bộ quá trình kháng chiến và kiến quốc vĩ đại. cho tất cả xếp vào cùng một giuộc là thời kỳ đất nước chưa được phục hưng căn bản, mà văn hóa hẳn còn tệ hại hơn, vì nền tảng để phục hưng cho nó chưa hề thấy tăm hơi đâu cả?!

– Ba là: Từ 1975 trở đi thì sao? Cũng chả khá lên gì, nếu không muốn nói là còn tệ hại hơn nữa. Vẫn theo “Tuyên bố…” trên, thì: Văn hóa Việt Nam ngày càng suy thoái nghiêm trọng, lộ rõ nguy cơ đánh mất những giá trị nhân bản căn cốt nhất, uy hiếp đến cả sự tồn vong của dân tộc!.

Đấy là nói về sự phủ nhận. Còn nói đến tâm lý xấu hổ của văn nghệ sĩ nữa. Cứ thử đọc những dòng tiếp theo của “Tuyên bố…” trên xem, hẳn ai cũng phải tự thấy hèn kém và sỉ nhục mà chui đầu xuống đất đen ấy chứ:

– Văn chương Việt Nam yếu kém có nguyên nhân chủ quan trước tiên… là sự thờ ơ đối với trách nhiệm xã hội, vô cảm trước thời cuộc, quan trọng hơn nữa là thiếu độc lập tư duy, từ đó tự hạn chế năng lực sáng tạo.

– Về mặt khách quan, một xã hội như chúng ta đang có, trong đó các quyền tự do cơ bản của con người thực tế bị vi phạm trầm trọng, đương nhiên đè nặng lên tâm lý sáng tạo của người cầm bút, làm mờ nhạt và tắt lụi các tài năng.

– …Không có những quyền tự do tối thiểu đó thì không thể có một nền văn học đàng hoàng.

Đương nhiên, chúng ta rất đau xót về nhiều khiếm khuyết, đuối kém, tiếc nuối nhiều cơ hội bị bỏ lỡ, giận dữ vì xã hội còn thiếu công bằng, còn tham nhũng, còn lợi ích nhóm, còn mất dân chủ, nhiều lúc cũng rất xấu hổ vì cả sự dốt nát của mình; nhưng cách xử lý trong mọi quan hệ cá nhân và xã hội sẽ phải khác, không theo cách “chém gió” của bản tuyên ngôn này! Bản tuyên ngôn thuyết giáo rất trịnh trọng, to tát, lời lẽ rất kêu. Nhưng bàn soạn để chọn những giải pháp nào tối ưu nhằm ra thoát tình cảnh đó mới là cần. Đến tuổi này rồi, tôi rất sợ các kiểu tuyên ngôn thùng rỗng. những kiểu hiệu triệu mị dân. Chỉ xin nói gọn vậy thôi, còn nếu như trong “Tuyên bố…” còn ẩn khuất những khơi gợi gì quá cỡ, mà cái đầu bã đậu của tôi không hiểu nổi, thì tôi đành xin các bậc trưởng thượng thứ lỗi.

Lần đầu tiên, cực chẳng đã, tôi phải xin nhờ nhà văn Trần Nhương cho in giùm lời trần tình này lên trang Web của anh (nếu có thương thì xin xếp vào mục: “Bầu bạn góp cổ phần”, cũng quý lắm). Vả lại, cũng chính vì bài tường thuật về: Đại hội ngành thơ… thẩn gì đó của Hà Nội… trên trang mạng Trần Nhương, kèm theo cả video clip của anh, mà bác Nguyên Ngọc mới đọc được và yêu cầu tôi xin lỗi, nếu không, bác sẵn sàng buộc tội tôi vu khống và xuyên tạc về bản tuyên ngôn văn đoàn độc lập của bác. Đấy là lý do tôi phải xin phép Trần Nhương để anh cho đăng bài này, dù đành có làm phiền gì chủ nhân trang Web. Tôi cũng xin cáo lỗi tiếp với nhà thơ Hương Mộc nữa, do “tai bay vạ gió”, chả may chỉ vì một câu hỏi vô tư giữa hội trường mà tôi trả lời chưa gãy gọn, nên cũng bị liên lụy vào vụ này!

B.V.

Nguồn: http://trannhuong.net/tin-tuc-41693/nha%CC%80-tho-bang-viet-len-tieng.vhtm

Comments are closed.