60 ngày ở Mỹ (kỳ cuối)

Bút ký Hoàng Minh Tường


5. TẾT VIỆT XỨ NGƯỜI

Nước Mỹ đã lộ ra mặt trái, khiến tôi thất vọng.

Ở Hà Nội, những lúc buồn thế này, nhấc máy lên, vài phút sau đã có mấy thằng bạn phóng xe máy vù vù đến tụ tập. Hoặc khoác áo ra phố, sà vào đâu cũng có hàng quán, cà phê, bia rượu. Thậm chí bức xúc quá, dạt vào vệ tường vạch quần tè một cái xả hết nỗi buồn. Tè ngay bờ hồ Hoàn Kiếm cũng được, chẳng có mã-tà nào bắt như thời Tây.

Ở Mỹ, dù đi giữa hoang mạc cũng chẳng ai dừng xe đái bậy. Thèm bia không biết mua chỗ nào. Uống phải vào nhà hàng. Bữa trưa nhiều hàng quán không bán bia rượu. Vào siêu thị, muốn mua bia rượu phải có thẻ, không bán cho chip choai dưới mười sáu tuổi, người nước ngoài phải có hộ chiếu.

Chao ơi, nhớ quay quắt những bãi bia Hải Hói, Cường Râu, Lan Chín, Hà Nội giờ nào cũng ồn ã tưng bừng dô dô trăm phần trăm. Việt Nam đúng là tự do muôn năm. Chỉ cần thu nhập hai mươi triệu mỗi tháng là có thể sống tùy thích. Đến cái xe bus của Hà Nội cũng ưu việt hơn hẳn xe bus Mỹ. Đi khắp năm cửa ô Hà Nội cũng chỉ mất chục ngàn và chỉ phải đợi ở mỗi bến dăm phút. Dù xe hôi hám, chen chúc nhưng thế vẫn ngàn lần hơn tư bản.

Ở Cali, đi xe bus là một cuộc hành xác. Hôm con xe Acura của Mr. Ty đưa vào xưởng sửa chữa hộp số, hai ba con đi từ chợ Phước Lộc Thọ ở Little Saigon về phố Lewis quãng đường chỉ mười lăm cây số mà chờ xe bus ở hai bến mất hơn hai giờ và cuốc bộ nửa giờ nữa. Ở đây nhà nào cũng có vài con ô tô nên người ta không quan tâm đến taxi và xe bus.

Từ hôm chuyển nhà xuống Garden Grove, tôi thường hay đi bộ kết hợp chụp ảnh buổi sáng và nhiều hôm đi cả buổi chiều theo dọc bờ sông Santa Ana, hoặc dạo một vòng hình chữ nhật sáu cây số: W. Menmory Ln – N. Bristol St – W.17th St – Adna Park – Fairvew St.

Con sông Santa Ana thơ mộng quyến rũ như một đại công viên. Khác hẳn những con sông nước ta, sông Santa Ana chảy thẳng một mạch ra biển, hạ dần độ cao và chẳng có miligram phù sa nào. Ngày mưa, nước màu tro xám chứ không đỏ phù sa như sông Hồng. Nước dâng ngập hai bờ, mênh mông, cuồn cuộn, qua những quãng đập cũng tung bọt, sôi réo. Nhưng chỉ qua một ngày tạnh ráo, nước lại rút kiệt phơi đáy, phô ra những bãi tập golf xanh mướt, những cồn cát trắng mịn, nơi trú ngụ của những đàn hải âu, nơi bơi nhởn của họ hàng ngỗng trời dẫn con cháu kiếm ăn và đi tha thẩn.

Ở phía cầu gỗ gần W.17th St người ta còn đổ bê tông lòng sông phẳng lì, chỉ để một khe chảy ở giữa, khiến nhiều người cao hứng ào xuống chạy bộ và thư giãn. Nhớ mãi buổi sáng trước ngày Donald Trump nhậm chức tổng thống một tuần, khi đi bộ dọc sân tập golf bờ sông, tôi bỗng đọc thấy dòng chữ to đùng, ai đó vừa viết trên một hố cát: FUCK TRUMP (Đ.M. Trump). Ghê gớm quá. Dám chửi đểu Tổng thống vừa đắc cử giữa thanh thiên bạch nhật. Tôi ghi vội hình ảnh này và đưa lên facebook. Suốt mấy ngày sau, tôi để ý, vẫn chẳng thấy ai xóa đi. Vẫn chẳng thấy police hỏi thăm ai. Phải chờ mấy ngày mưa liên tiếp trong cả tháng trời, những dòng chữ ấy mới bị nước phủ mờ dần. Nước Mỹ tự do đến thế là cùng.

Phóng xe trên đại lộ 57 đoạn qua sân vận động, hay đi bộ dọc bờ sông Santa Ana, bỗng nhận ra một góc nước Mỹ của người homeless (vô gia cư). Suốt từ gầm cầu đại lộ 57 xuôi xuống W17 th. St là rải rác từng đoạn những lều bạt đủ màu sắc của các homeless, có đoạn tập trung tới trăm hộ. Dường như họ đã cư ngụ tại đây từ lâu lắm. Không thấy trẻ con. Chỉ thấy người độc thân và các cặp không hiểu vợ chồng hay nhân ngãi nhân tình. Đi qua, nhưng không dám nhìn lâu, vì sợ khiếm nhã, vì thấy mùi gầm cầu lạnh lẽo phả ra… Buổi sáng thường thấy xe vệ sinh đến chuyển chất thải đi. Không biết họ lấy nước sạch ở đâu và phóng uế thế nào. Ở chỗ góc cầu W17th. St thấy một khu vực có nhiều xe đạp và có người hay lui tới, hình như đây là nơi homeless thu gom, sửa chữa và bán các loại xe đạp cho sinh viên và những người nghèo.

Rồi những ngày mưa khiến tôi thảng thốt nỗi nhớ nhà. Mưa lâm thâm. Và rét tái tê như rét tháng chạp. Những cơn gió từ Thái Bình Dương ào ạt thổi về. Các phố xung quanh từ bao giờ đã vàng rực cam, quất. Hình như cam quất chỉ là vật trang trí để nhắc nhớ quê hương chứ chẳng ai hái, chẳng ai ăn. Rồi đào thắm, đào phai, đào Nhật, đủ loại. Đã nhu nhú những nụ mầm, lất phât những chồi xanh. Nhìn thấy gốc đào trong vườn, bên hè phố trước nhà, đích thị đó là gia đình Việt.

Trước khi sang Cali tôi cứ hình dung, nếu gặp một người Việt, một gia đình Việt, chắc họ sẽ reo lên, giang tay chào đón người đồng bào là tôi. Hóa ra không phải. Gặp người Mỹ đen, Mỹ trắng, người Mễ, người Ấn đạp xe dọc bờ sông, đi bộ ngoài đường, ai cũng nhìn tôi rồi mỉm cười, gật đầu chào, hoặc giơ tay Hi, Hello. Tôi chờ đón mỗi khi gặp người đồng bào, tôi rất muốn mỉm cười, rất muốn bắt chuyện, nhưng họ thường lạnh tanh, quay đi. Họ biết tôi là Việt cộng? Họ đoán tôi đến từ Hà Nội? Hay sự dè chừng, cảnh giác có phản xạ đã nhiễm vào máu họ? Họ như bầy chim gặp làn cây cong. Cảnh giác, cho lành.

Mr. Ty từ hôm mất tiền thường buồn thiu, ít nói. Tôi viết cho mẹ Ty một email. Năm hôm sau, tài khoản của Ty đã có năm nghìn USD. Chúng tôi đi mở một tài khoản mới. Tài khoản cũ đã lộ, vẫn giữ, nhưng chỉ để ít tiền tiêu vặt.

Buồn quá. Tôi muốn về. Nhưng vé khứ hồi đã đặt. Phải qua Tết ta. Vả lại, nhiệm vụ của tôi là phải ở lại ăn Tết với con và trải nghiệm những ngày xuân ly hương để bổ sung cho bản thảo tiểu thuyết Những mảnh Rồng.

Hình như một buổi sáng mưa, ngồi một mình bên ly cà phê Mai đặc sánh, tôi đã khóc.

NGÀY MƯA Ở GARDEN GROVE

Tưởng mưa xứ người không ướt áo

Nào hay trời tưới đẫm hồn ta

Cà phê Mai giọt giọt buồn ngưng đọng

Gợi nhớ thương thăm thẳm quê nhà

Ngày mưa này Hà Nội đang trở lạnh

Lá dong về xanh mướt chợ Long Biên

Năm cửa ô hoa đào tràn ngập phố

Quất còn sai như năm ngoái không em?

Chợt thương mình, thương những ai xa xứ

Giữa Garden cam quýt trĩu vườn xanh

Vẫn xa hút một góc hồn tháng chạp

Bên kia đại dương có ai nhắc tên mình?

***

Nhưng rồi chính Mr. Ty lại kéo tôi vượt những ngày buồn nản. Mr. Ty nhắn Huyền Danh đến đón ba con đi chợ tết Phước Lộc Thọ. Ngôi chợ thuần Việt lớn nhất Little Saigon có bãi đỗ xe rộng bằng sân vận động Hàng Đẫy mà đi ba bốn vòng cũng không thấy một chỗ đỗ xe trống. Cả mặt trước mặt sau chợ đều đông nghịt người.

Người Việt khắp ngả rủ nhau đi sắm Tết, hẹn gặp nhau. Đủ loại hàng Tết khắp ba miền Bắc Trung Nam. Đông nhất là những dãy hàng hoa phía trước, nơi có sân khấu lúc nào cũng có diễn xướng và múa lân. Hoa đào, hoa mai, quất, cam, thủy tiên, phong lan, cúc vàng, cúc trắng… như chợ Bến Thành.

Một cành đào có dáng dấp đào Nhật Tân, giá tới ngàn USD. Một chậu mai vàng giá tới 1.500 USD. Phía trong, khu ăn uống, ngập tràn hương vị ngày Tết. Đông nhất là những quầy bánh mứt kẹo, túi quà mừng tuổi và đồ chơi con trẻ. Dường như nước Việt không còn là kỷ niệm, là hồi ức, là xa cách trùng dương, mà hiện diện, mà thân thuộc, sống động, phập phồng trong hơi thở người xa xứ.

Mr. Ty bảo: Hội Sinh viên Việt Nam tại California đang có một loạt chương trình đón Tết Đinh Dậu. Các bạn con mời ba tham gia.

Nếu gọi là Hội Sinh viên ở một tiểu bang rộng lớn như California, nơi có đến hàng ngàn sinh viên Việt Nam sang du học, mà chỉ có vài chục hội viên nòng cốt, thì quả là còn rất khiêm tốn. Trong khóa học của Mr. Ty ở trường Đại học Ngoại Thương, có mười một sinh viên, nhưng mới chỉ một mình Ty tham gia. Và nhờ đó, khóa tiếp theo, có thêm bốn cô gái nữa. Có thể họ không có phương tiện đi lại. Có thể họ dành thời gian cho học tập. Nhưng thực tế cho thấy rằng khả năng tập hợp của Hội chưa cao.

Trở lại những ngày vui áp Tết. Tôi khấp khởi đi với Mr. Ty hết cuộc này đến cuộc khác. Hoạt động đầu tiên là đến nhà Diễn để gói quà do sinh viên Việt Nam du học tại Mỹ quyên góp, tặng homeless và những gia đình khó khăn. Các bạn cùng các sư trụ trì chùa Quán Thế Âm quyên góp được mấy trăm suất quà. Hai ngày tới, trước khi mang quà đi tặng sẽ có thêm bánh chưng và mứt kẹo nữa. Nhà Diễn lại trở thành nơi hội ngộ đầy ấn tượng. Ở đây tôi gặp các nghiên cứu sinh thạc sỹ, tiến sỹ, nhóm sinh viên khu vực San Diego… Đặc biệt có cô bạn Anh Phương và ba bạn gái mới từ Đại học Ngoại Thương sang.

Phương có vẻ mến Mr. Ty. Biết Ty gặp tai nạn, nàng đã chủ động rủ hai ba con đi chơi công viên bảo tồn Cayon, chợ trời Swap Mitt, công viên Craig Regional để xả xui.

Vui nhất là buổi tối đón Tết sớm với Hội Thanh niên Việt Nam tại California tổ chức tại khu ký túc trường Đại học Alliance ở San Diego (San DERA), một trường đại học mới thành lập ở sâu trong rừng. Một hội trường ấm cúng chứa khoảng trăm người được bài trí băng rôn, câu đối, cây nêu, hoa đào gợi nhớ quê Việt. Tôi thắc mắc, sao các bạn sinh viên không treo cờ tổ quốc, không hát quốc ca? Ai đó ghé tai tôi: Đây là địa điểm mượn của trường Đại học Alliance chứ không phải trụ sở của tòa lãnh sự Việt Nam. Ở bang California có luật bất thành văn: Không treo cờ đỏ sao vàng. Thậm chí ở San Jose, nơi tập trung người Việt đông nhất, vừa rồi hội đồng thành phố còn ra nghị quyết cấm treo cờ đỏ sao vàng. Cờ vàng và cờ đỏ, cùng của người Việt, ở Việt Nam và ở Hoa Kỳ, vẫn chưa có chỗ đứng chung.

Có mấy gia đình, cả bố mẹ, vợ con cùng đến. Cô bạn Huyền Danh của Mr. Ty đưa cả mẹ và cậu ruột đến gói bánh chưng. Sau bữa buffet do các cô gái tự nấu với các món ăn thuần Việt: nem Sài Gòn, gà xé phay, bánh cuốn, giò, chả, xôi, chè đỗ xanh…, mọi người tự phân chia thành bốn đội để thi gói bánh chưng, thứ bánh đặc trưng cho Tết dân tộc.

Đủ cả gạo nếp, đỗ xanh, thịt lợn… vật liệu cho ruột bánh, có cả khuôn gói, nhưng không có lá dong, phải thay bằng lá chuối tươi và giấy bạc. Bốn đội thi nhau trổ tài. Lá chuối tươi chỉ có thể gói giò. Gói gạo và đỗ, dù trong khuôn, vẫn rách tua ra. Ba đội kia, nhất là đội của vợ chồng tiến sỹ Nguyễn Viết Tú – Thu Thủy, do có kinh nghiệm từ năm trước, gói khuôn bằng giấy bạc rồi bọc lá chuối bên ngoài, vì thế bánh của họ vuông vức như bánh Lang Liêu. Đội tôi, gồm Mr. Ty, nhóm Anh Phương, Huyền Danh…, gói toàn bằng lá chuối. Loay hoay mãi, cũng đùm được mười hai chiếc, giành giải tư trong bốn đội.

Tiếp đó là hái hoa dân chủ, đơn ca, đồng ca và múa sạp. Những chiếc gậy gỗ thay cho tre, nhưng cũng phát ra những âm thanh vui nhộn. Xòn xòn xòn đô xòn. Xòn xòn xòn đô rê… Các đôi cầm sạp, các cặp nhảy, ban đầu trục trặc, sau điêu luyện dần. Tất cả hoạt động đầm ấm này đã được phóng viên thường trú Đài Truyền hình Việt Nam tại Cali ghi hình để chuyển về phát sóng trên VTV vào đêm giao thừa.

Sau phần phát thưởng, đèn hội trường bỗng vụt tắt. Những ngọn nến được thắp lên. Nguyễn Phú, trưởng ban tổ chức đêm hội bỗng nhắc đến tên tôi. Trời ơi, bất ngờ quá. Hôm nay 21 tháng 1, một ngày sau khi Donald Trump lên ngôi tổng thống thứ 45 của nước Mỹ, là ngày sinh của tôi. Hình như có ai đó đã nhớ ra, hoặc trang facebook đã nhắc tới. Một chiếc bánh ga tô lớn có cắm nến đã chuẩn bị sẵn. Mọi người vây quanh tôi, chúc mừng.

Mr. Ty cầm hai ly vang, đến bên, đưa một ly cho tôi: “Con chúc mừng sinh nhật ba”.

Tôi rưng rưng cảm động. Có ai ngờ tôi vừa bước sang tuổi 70 trên đất Mỹ.

***

Suốt đêm giao thừa Tết cổ truyền của người Việt, tôi lang thang dọc sông Santa Ana. Đó là một buổi sáng se lạnh. Giờ này ở Hà Nội, Sài Gòn, Đà Nẵng… chuẩn bị bắn pháo hoa, đón phút trừ tịch, thì bên này đang là chín giờ sáng ngày ba mươi Tết.

Tôi mường tượng, bốn chục năm qua, vào giờ này, hàng triệu người bên bờ đông Thái Bình Dương này, đau đáu ngóng về cố hương.

Ôi từ không đến có / Xảy ra như thế nào? Câu thơ của Xuân Diệu gợi nhớ những ngày di tản bi thương, những chuyến vượt biển năm ăn năm thua, sống thì con nuôi má, chết thì con nuôi cá. Xa nữa, xa thăm thẳm mấy trăm năm, là những cuộc thiên di của người Việt, từ châu thổ sông Hồng, sông Mã, sông Lam vượt sông Gianh vào sông Thạch Hãn, sông Hương. Rồi từ những dòng sông ấy ùa tràn xuống Đồng Nai, Bến Nghé, Vàm Cỏ, sông Tiền, sông Hậu, sông Đốc…

Đâu đây trong gió, hình như Thái Thanh đang hát nhạc Phạm Duy:

Tôi yêu tiếng nước tôi

Từ khi mới ra đời, người ơi

Mẹ hiền ru những câu xa vời

À à ơi tiếng ru muôn đời…

…Tấm áo nâu, những mẹ quê chỉ biết cần lao

Những trẻ quê bạn với đàn trâu, bé ơi

Tấm áo nâu, rướn mình đi từ cõi rừng sâu

Dắt dìu nhau vào đến Cà Mau, áo ơi…

Hơn bốn mươi năm trước, khó ai ngờ, người Việt lại dắt dìu nhau sang tới nước Mỹ bên kia đại dương này. Lẽ ra nhạc sỹ Phạm Duy phải sáng tác thêm phần vĩ thanh bản Tình ca Nước Việt. Phải có đoạn dắt dìu nhau sang đến Cali, Nước ơi…

Tôi ngồi lặng trên tảng đá bên bờ sông Santa Ana để nghĩ lại những phút giây gặp gỡ mấy ngày áp Tết vừa qua với các nhà văn, nhà thơ xa xứ. Cảm động vô cùng, khi anh Đinh Thái, thay mặt báo Người Việt tặng tôi túi quà Tết trong đó có chiếc bánh chưng lạt đỏ lá dong, quả giò nạc, hai hộp xúp gà, xúp bò và tờ nhật báo Người Việt số Xuân dày hơn hai trăm trang, một ấn phẩm thượng thặng. Rồi nhà thơ Phan Tấn Hải tặng tôi ấn phẩm Việt Báo đặc biệt cũng kỳ khu và dày dặn như thế. Đến khi nhà văn Nhật Tiến tặng tôi ấn phẩm Suối Việt do ông và bạn bè biên soạn đón Tết, thì tôi đã có trọn vẹn bộ ba siêu phẩm văn hóa Xuân Đinh Dậu của người Việt ở Mỹ. Đấy chính là phi vật thể của Tiếng Nước Tôi. Đó chính là Việt Nam hồn trên hành tinh này.

Vài chục năm nữa, hàng trăm năm nữa, những thế hệ F5, F6, thế hệ Fn của người Việt, có thể chỉ biết nói tiếng Mỹ, có thể không nhớ nổi bản quán gốc gác, nhưng nhờ những lao động âm thầm không mệt mỏi của những thế hệ cha anh đi trước mở đường này, họ vẫn truy tìm được nguồn cội. Và chính những ấn phẩm Người Việt, Việt Báo, Suối Việt mà tôi vừa được tặng, chính cả một hệ thống các nhà xuất bản, các báo viết, báo hình, báo nói, báo điện tử, các hệ thống sản xuất thu băng, thu hình ở trung tâm Little Saigon kia, sẽ giúp họ bảo lưu và phát triển chữ Việt, tiếng Việt, và cốt lõi hơn là văn hóa, là gốc gác nguồn cội.

Sẽ đến lúc, tôi tin, phải có hình thức vinh danh những cộng đồng người Việt đi khai mở trên khắp thế giới. Ví như cộng đồng người Việt ở Cộng hòa Séc, vì họ đã góp phần làm cho nhà nước Séc công nhân cộng đồng người Việt là dân tộc thứ 11 của nước Cộng hòa Séc, có chữ viết, ngôn ngữ riêng. Sẽ đến lúc Nước Việt phải vinh danh những người khai mở ở bờ Tây nước Mỹ, tạo nên một cộng đồng người Việt, được gọi là người Mỹ gốc Việt, là cộng đồng nhập cư mới nhất tại Hoa Kỳ, có tỷ lệ lai chủng tộc thấp nhất trong nhóm người Mỹ gốc Á (năm 2000, có đến 1.009.627 người từ 5 tuổi trở lên nói tiếng Việt tại nhà, làm cho tiếng Việt đứng thứ 7 trong những ngôn ngữ phổ thông tại Hoa Kỳ).

Phải tới mười hai tiếng sau, trong căn nhà Mr. Ty thuê trọ, chúng tôi mới chính thức đón giao thừa trên đất Mỹ. Bà Điệp chủ nhà đã chuẩn bị sẵn một bữa cỗ thịnh soạn và một số rượu Remy Martin đủ cho sáu người. Chủ cuộc rượu là toàn thể cư dân trong căn hộ, bao gồm bà Điệp, vợ chồng Mạnh, Họp thợ điện và cha con tôi (trừ Mr. Tôn, lão già lập dị suốt ngày đóng cửa trong căn phòng của lão). Khách mời có ông bạn người Sài Gòn xưa của bà chủ. Tôi và Mr. Ty mang chai rượu Lúa Mới cuối cùng, giò lụa của báo Người Việt và bánh chưng trong cuộc thi hôm trước, góp vui. Mạnh, bà Điệp và ông bạn sâu rượu đều uống đến mức thần sầu. Chúng tôi nói đủ thứ chuyện. Nhớ Sài Gòn. Nhớ đất Bắc. Nhớ Tết xưa. Chúng tôi uống từ trước lúc bắn pháo hoa, cho tới khi bên bàn tiệc chỉ còn người khách với chai Martin trống rỗng…

***

Ngày mồng 1 Tết, chúng tôi lên chùa Huệ Quang trên Little Sài Gòn thắp hương. Ngôi chùa của người Việt tọa lạc trên một diện tích rộng bên đại lộ Bolsa, giống như chùa Vĩnh Nghiêm – Sài Gòn, chùa Quán Sứ – Hà Nội. Người người chen vai thích cánh. Bãi xe không còn một chỗ trống, phải vòng đỗ xe ở dãy phố phía xa.

Sau khi thắp hương cầu khấn, tôi nói với Mr. Ty:

-Con ạ. Có ai đó nói rằng: “Tôn giáo là thuốc phiện của con người”.

Ty bảo:

-Nhưng con cũng đọc được ai đó nói: “Nếu con người không có tôn giáo, sẽ rất dễ mất tính Người”.

Tôi mừng thầm, Ty đã bắt đầu trưởng thành.

Theo lời mời của anh em Đào Đồng, Đào Tiền, chúng tôi đến nhà sách Tự Lực trên phố Brookhurst để xem múa sư tử, dự lễ đốt pháo và ăn Tết. Trước khi sang Mỹ, tôi tra trên mạng và được biết Tự Lực là trung tâm sách tiếng Việt không chỉ lớn nhất Cali mà cả nước Mỹ. Chủ cửa hàng là vợ chồng Đào Đồng, gia đình gốc Hà Nội, di cư năm 1954, mở nhà hàng sách tại Sài Gòn. Sang Mỹ, vợ chồng, anh em vẫn theo nghiệp cũ, mở tiếp cửa hàng sách, đặt tên Tự Lực. Hầu hết sách báo của các nhà xuất bản, các trung tâm văn hóa của người Việt hải ngoại đều có mặt trên các kệ hàng.

Từ ngày nối lại quan hệ Việt Mỹ, Đào Đồng thường về Sài Gòn, Hà Nội lùng mua sách quý. Anh có ông chú họ là giáo sư nghỉ hưu ở Hà Nội, bèn nhờ ông đọc chọn sách giúp. Rồi mở rộng mạng lưới, mời thêm mấy vị trí thức nữa cùng đọc chọn, mỗi tháng gửi mỗi vị 100 USD. Sách có chọn lọc, chủ yếu là sách lịch sử, địa lý, khoa học, sách văn học của các tác giả trước 1954, các tác phẩm có dư luận…, được mua từ các nhà xuất bản, đóng thùng gửi sang Cali. Nhiều đại lý, của hàng bán lẻ trên toàn nước Mỹ, rồi Canada, Úc… đều lấy sách của Tự Lực.

Có một dạo, nhà sách Tự Lực bị dân cờ vàng bủa vây dọa đốt. Ấy là thời kỳ mà chủ tiệm Trần Văn Trường gần đó dám treo cờ đỏ sao vàng và ảnh cụ Hồ. Dân cờ vàng bủa vây 53 ngày đêm, biểu tình phản đối và đòi chính quyền bắt giam Trần Văn Trường, khiến cảnh sát phải can thiệp và ông Trường phải dẹp tiệm. Cũng thời gian này, làn sóng bài Cộng lan đến nhà sách Tự Lực. Có người tố giác anh em Đào Đồng truyền bá văn hóa cộng sản, nhập nhiều sách đỏ từ Việt Nam sang. Nhiều người kéo đến đòi đốt sách. Hoảng quá, anh em nhà sách Tự Lực phải tìm cách tháo ngòi nổ, một mặt nhờ các nhà văn, nhà báo uy tín thuyết phục đám đông, gặp chủ bút các báo xin đừng viết bài, nhờ cảnh sát can thiệp… và cuối cùng phải làm một buổi đốt sách tượng trưng, mang một số sách có hơi hướng thân Cộng ra “hóa vàng” giữa sân.

Bây giờ thì Tự Lực vững vàng và uy tín lắm rồi. Tất cả những người Việt thế hệ thứ nhất thứ hai và lớp trẻ có ý thức cội nguồn đều tìm đến Tự Lực. Tầng tầng các giá sách xếp theo loại thể, khoa học, lịch sử, địa lý, văn học, khảo cứu… Tiếng Việt, tất nhiên. Tôi đọc thấy trên giá sách văn học các tên tuổi từ thời Lý, Trần, Lê; từ Thơ Mới, Tự lực Văn đoàn. Và sách văn học Việt Nam đương đại, không phân biệt Nam, Bắc, khuynh hướng chính trị, từ Tản Đà, Ngô Tất Tố, Nam Cao, Vũ Trọng Phụng, đến Nhất Linh, Khái Hưng, Thạch Lam, Nguyễn Mộng Giác, Sơn Nam, Bình Nguyên Lộc, Bùi Minh Quốc, Võ Phiến, Vũ Bằng, Nguyễn Khải, Nhã Ca, Dương Thu Hương, Bảo Ninh, Nguyên Sa, Doãn Quốc Sỹ, Nguyễn Huy Thiệp, Nguyễn Thị Thụy Vũ, Bùi Tín, Bùi Ngọc Tấn, Du Tử Lê, Nhật Tiến, Nhật Tuấn, Vũ Thư Hiên, Ma Văn Kháng, Nguyên Ngọc, Phùng Quán, Nguyễn Xuân Khánh, Hoàng Quốc Hải… Kia rồi, Nguyên Khí của tôi, cuốn tiểu thuyết lịch sử hiền lành mà số phận chìm nổi, nay đã được Người Việt ấn hành.

-Năm nay dãy phố Brookhurst này làm ăn thuận hòa, anh ạ. Các nhà phở Thuận Kiều, tiệm bánh, tiệm tạp hóa bên cạnh cùng làm ăn phát đạt. Tết Đinh Dậu này mọi nhà đều đốt pháo. Tự Lực thua thầy một vạn, nhưng không thể kém bạn một ly. Đào Đồng đưa tôi đi xem các quầy sách, khoe vậy và mời tôi ra sân đốt pháo. Sáu cối pháo, mỗi cối to bằng chiếc mâm, 8.000 quả, giá 130 USD một cối đã được treo cao ngoài hiên, vòng vèo như rắn lượn, kéo dài ra mãi khoảng sân để xe mênh mông phía trước.

Đồng loạt hai dây pháo cùng nổ. Mù trời khói và mùi diêm sinh. Tiếng nổ giòn căng. Xác pháo nở hoa đỏ sắc xuân, xoáy trong khói. Cả dãy phố dài náo nức hò reo. Rồi tiếng trống, tiếng chiêng. Màn múa sư tử ở khu sân cửa hàng tạp hóa bên cạnh rộn ràng với các vũ nữ, các tay võ hiệp múa côn, múa đao rỡn cùng chúa sơn lâm.

Dường như nước Mỹ những ngày này là sân chơi của người Việt và người Hoa. Ở nước người, nhưng văn hóa truyền thống của người Việt được thỏa sức diễn xướng, tung hứng hết mình.

***

Tết Việt ở Mỹ sẽ chỉ là hồi quang, là dư âm quá khứ, là nỗi nhớ cố hương như những gì tôi đã thấy, nếu tôi không được tham dự một lễ hội của tuổi trẻ Việt ở ngay thung lũng sông Santa Anna. Cái lễ hội hoành tráng và kỳ vĩ mở cửa đã mấy ngày đêm nhưng tối ấy vẫn thu hút cả biển người xe tràn về. Dường như tôi được thấy sức sống của những rừng măng đại ngàn, được thẩm thấu năng lượng văn hóa và trí tuệ, đo đếm được những dự báo tương lai tiềm ẩn của một cộng đồng trải qua muôn vàn khổ ải bi thương đang trỗi dậy và không ngừng lớn mạnh, đi xa, vươn cao nữa trên mảnh đất quê người. Ấy là Hội chợ Xuân Festival Sinh viên Việt Nam 2017.

Tọa lạc trong khu Hội chợ Triển lãm Anaheim rộng hàng hục hecta, có sức chứa hàng vạn người, Festival Sinh viên Việt Nam mùa xuân này đã là mùa thứ 36. Đây là Festival truyền thống của tuổi trẻ Việt Nam, do thế hệ người Việt di tản đầu tiên khởi xướng từ xuân Tân Dậu 1981, với nhiều nội dung phong phú: Các trò chơi dân tộc (ném còn, ném đĩa, ném chai, bắt vịt, đốt pháo, đu vòng, nhào lộn, đấu vật, kéo co…); các sản vật truyền thống; các món ăn dân dã ba miền; các quầy hàng lưu niệm, giới thiệu sản phẩm, thành tựu công nghệ, các seminar giao lưu văn hóa, nghệ thuật…

Chủ và khách không chỉ có tuổi trẻ Việt mà còn thu hút nhiều thanh niên sinh viên da trắng, da màu, người châu Á, người Caribe và Mỹ Latin. Một festival đã trải qua ba con giáp, đến Tết Con Gà này càng chứng tỏ một sức vóc cường tráng. Bãi xe mênh mông lúc nào cũng đông nghịt xe đỗ, mỗi xe giá vé 8 USD, cửa vào hội chợ, trẻ con người lớn, thanh niên nam nữ gốc Việt, người Mỹ, khách nước ngoài, xếp hàng rồng rắn, vé vào cửa 6 USD. Người ta bảo, họ hàng, anh em, bạn bè người Việt cả năm không gặp nhau, nhưng nếu đi Festival ở Anaheim thì thể nào cũng sẽ gặp. Và điều thú vị nữa là, nơi đây không hề có sự phân biệt màu cờ sắc áo, không có cờ vàng và cờ đỏ, không cách biệt giữa người từ Hà Nội vừa sang và người đi từ Sài Gòn sau 1975.

Dường như đã có hò hẹn trước, cả bộ sậu thanh niên sinh viên dự liên hoan đón tất niên ở trường Đại học Aliance tối hôm nào đều có mặt đông đủ. Mr. Ty và các bạn trẻ rủ nhau ném chai, ném đĩa, ăn thịt xiên nướng, bún bò, hát karaoke, đi rồng rắn từ gian hàng này đến sân chơi kia.

Có một lúc tôi như kẻ dư thừa. Tuổi tác khiến tôi tự thấy mình lạc lõng. Tôi đi tha thẩn và bỗng phát hiện một hội trường rộng mênh mông sáng trưng ánh đèn, rộn rã âm thanh ca nhạc. Một hội trường mở của học sinh sinh viên người Việt toàn tiểu bang hay của riêng quận Cam? Người vào, người ra tự do, nhưng các hàng ghế đều chật kín. Không dưới ngàn khán giả. Và bên hai cánh gà sân khấu, từng tốp diễn viên với những trang phục học sinh, sinh viên của các trường khác nhau đang đứng túc trực chờ đến lượt lên sân khấu.

Qua lời giới thiệu tiếng Việt và tiếng Mỹ của hai MC, một nữ sinh phốp pháp nói tiếng Anh hơn cả Mỹ nhưng nói tiếng Việt chưa thành thục và một chàng trai giọng chuẩn Sài Gòn, tôi được biết hội diễn này quy tụ hàng trăm trường từ cấp mẫu giáo, tiểu học, trung học và đại học tiểu bang, từ Berkeley, San Jose, Sacramento, Las Vegas, Los Angeles phía Bắc, tới San Diego phía Nam và đông nhất là quận Cam, có tiết mục tham gia.

Khó khăn lắm, tôi mới chọn được một chỗ ghế trống ở phía hông, nơi có hai panô tài trợ của báo Người ViệtViệt Báo. Và tôi lập tức bị cuốn vào những tiết mục trên sân khấu, vào những tràng vỗ tay, những tiếng hoan hô chốc chốc lại rộ lên của những khán giả vô tư và tràn trề tình yêu nghệ thuật. Điêu luyện và đẳng cấp quá. Bài hát Việt xen bài tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Tây Ban Nha. Những giọng hát vàng; những giàn đồng ca lớp lang, hoành tráng; những tiểu phẩm độc đáo, những màn ảo thuật siêu hạng. Lớp lớp, tầng tầng những gương mặt thế hệ thứ ba, thứ tư, thuần Việt và lai Việt đang hát lên, tấu lên thăng hoa tình yêu cội nguồn. Không có hoặc không thấy một lời thóa mạ, cạnh khóe chính trị. Không thấy áo rằn ri, mũ sắt, súng AK, sắc cờ bên này bên kia trên sân khấu. Không có những màn hồi tưởng lê thê bất tận về quá khứ một đất nước chia cắt, nồi da nấu thịt. Quá khứ thương đau hận thù đã bỏ lại phía sau. Chỉ còn nước Việt, các thế hệ tương lai Việt nhớ về quê hương cội nguồn, hòa vào dòng chảy nhân loại. Những lứa trẻ Việt trên sàn diễn chưa thể nói hết, nhưng đủ nói với tôi về một lớp trẻ được cha mẹ, ông bà nuôi dạy tử tế, trong một cộng đồng người Việt tử tế, gắn bó máu thịt với cội nguồn, dù tha hương nhưng không phải là những tha nhân, vong bản.

Tôi bất ngờ cùng mọi người đứng dựng cả dậy vỗ tay vang rền khi một dàn vũ nữ áo tứ thân, nón quai thao, đeo trống cơm ra sân khấu.

Tình bằng có cái trống cơm

Khen ai khéo vỗ, ấy mấy bông nên bông

Một bầy tang tình con sít

Lội sông, ấy mấy đi tìm

Em nhớ thương ai

Con mắt ấy mấy lim dim…

Đám cô cậu, người Việt và Mỹ ở mấy dãy ghế trên, sướng quá nhảy cả lên mà vỗ tay reo hò tán thưởng.

Tôi không thể cầm nước mắt. Trên đất Mỹ mà tôi thấy mình như đang giữa những làng Quan họ, thấy các đàn anh đàn chị sau buổi cấy cày lam lũ ngoài đồng, thoắt thay áo xiêm dập dìu trẩy hội. Dàn diễn viên áo tứ thân nón thúng quai thao như những nàng tiên lộng lẫy dưới ánh đèn. Họ sinh ra và lớn lên trên đất Mỹ, có thể họ chưa một lần trở về cố hương, nhưng trong dòng máu, trong trái tim, vẫn thấm đẫm hồn cốt nước Việt.

6. BỜ ĐÔNG, TUYẾT TRẮNG

Trong tiểu thuyết Những mảnh Rồng mà tôi vừa kịp hoàn thành bản thảo trước khi sang Mỹ, có một chương về nhân vật David Bùi, anh chàng con lai Mỹ – Việt. David Bùi đã cùng các bạn từ quận Cam tìm đến bức tường đá đen Vietnam Veterans Memorial ở Washington DC, nơi khắc chìm tên tuổi hơn 58.000 lính Mỹ chết trận và mất tích ở Việt Nam, để tìm tung tích người cha sau khi có chiếc bật lửa zippo, kỷ vật vô giá thời lính Mỹ viễn chinh.

Không thấy tên ngài trung úy Jemes Quinn trên bức tường đen. Vậy là, có thể cha David Bùi vẫn còn sống, ở đâu đó. Và chàng ta lại hy vọng tiếp tục kiếm tìm… Tất nhiên, ngoài chuyện đi tìm cha David, các nhân vật của tôi cũng từng sống ở New York, Massachusetts, nói chung là vùng New England, khởi thủy của nước Mỹ sau này… Cho nên, dù bọn đạo chích ở Cali đã rút cạn hầu bao cha con, nhiệm vụ tối hậu của tôi vẫn phải bay sang miền Đông nước Mỹ, dù chỉ cưỡi ngựa xem hoa, nhưng vẫn phải được hít thở cái giá lạnh của những cơn bão tuyết, phải thu vào tầm mắt những tòa nhà chọc trời New York, phải đích mục sở thị chứng kiến cái thảm cảnh của tư bản giãy chết (!), trước khi về nhuận sắc lại Những mảnh Rồng.

Thấy ba con tôi chuẩn bị rong chơi bờ Đông nước Mỹ, bà Điệp và cư dân trong nhà tỏ vẻ kính nể. Nhiều người từ Sài Gòn sang quận Cam đã vài chục năm, nhưng chưa dám nghĩ tới chuyện bay từ Tây sang Đông. Tiền bạc đã đành. Những người nhiều tiền thì lên trời cũng được. Nhưng loại công chức, hoặc mới “mất sổ gạo”, ăn đâu, ở đâu, ai đưa đón, hướng dẫn, giữa New York gạo châu củi quế và rậm rạp như rừng?

Một ngày đẹp trời, mồng 5 Tết âm lịch, tôi và Mr. Ty đáp máy bay của hãng American nội địa từ sân bay Long Beach, transit qua Phoenix, bang Arizona, lên Washington DC rồi hạ cánh ở sân bay Boston. Hơn sáu ngàn cây số mà giá mỗi vé khứ hồi chỉ 300 USD, rẻ bất ngờ.

Qua mỗi ngày, những mối nghi ngờ, thiếu tin tưởng ở “thằng bé” lại ít dần đi. 10 giờ đêm, khi transit ở sân bay Phoenix, chiếc va ly da bò của chúng tôi bị thất lạc. Không tìm kịp, rất có thể sẽ lỡ chuyến đến sân bay Washington Reagan. Mr. Ty tỏ ra bình tĩnh. Với vốn tiếng Mỹ thành thạo, cậu hỏi phòng thông tin, tìm đến phòng thất lạc hành lý. Gần một giờ sau, chúng tôi đã tìm thấy đồ và ung dung vào phòng chờ, bay tiếp. Tảng sáng đã đến sân bay Washington Reagan. Từ phòng chờ để chuyển tiếp về Boston, đã nhìn thấy tòa Bạch Ốc với đỉnh vòm sáng trắng, và cạnh đó, hẳn là quảng trường Quốc gia, nơi có bức tường đá đen Vietnam Veterans Memorial?

Buổi sáng đầu tiên ở sân bay Boston, gió thổi như bão, lạnh bốn độ C. Ra khỏi nhà ga, muốn cuốn theo chiều gió. Đã thế, lại mặc phong phanh, áo ấm dưới đáy va ly, khó lấy. Đang loay hoay chưa biết tính sao thì một chiếc taxi đã đỗ xịch trước mặt. Thì ra, Mr. Ty đã gọi Uber từ lúc nào. Lái xe là thổ dân Boston, chỉ mười lăm phút sau xe đã đến khu phố cổ Cambridge.

Khác hẳn California, vùng đất mới phía Tây rộng dài, phóng túng. Boston cổ kính và tráng lệ như những thành phố châu Âu. Những đường phố hẹp leo dốc, những ngõ nhỏ ngỡ ngàng, những nhà thờ mái nhọn gợi nhớ Montreal của Canada mà tôi đã ghé qua. Người ta bảo Boston là bảo tàng thu nhỏ của nước Mỹ, có lẽ vì sự cổ kính và mang nhiều dấu ấn cựu lục địa của nó.

Đón chúng tôi trước cửa ngôi nhà hai tầng lầu, có ống khói theo kiểu xứ Scotland, là một chàng trai cao lênh khênh tới một mét tám, có gương mặt đẹp như thánh Antoan với đôi mắt hiền, mi cong như con gái. Đó là Nguyễn Phúc Bảo Hưng, có tên gọi thân mật là Nhi, người bạn mà Mr. Ty đã quen trong giới học sinh sinh viên. Tuổi trẻ có những tình bạn kỳ lạ. Chỉ mới quen nhau qua mạng, hay qua một cuộc gặp gỡ, đã thân thiết như cố tri. Hưng thuộc dòng Phước tộc nhà Nguyễn, đang học lớp năm ở Hà Nội thì theo mẹ và chị sang Boston. Bây giờ cậu nói tiếng Mỹ giỏi hơn tiếng Việt, đang học nốt kỳ cuối cùng phổ thông để chuyển tiếp Đại học Massachusetts.

Tôi sẽ còn ngỡ ngàng hơn nữa, khi bỗng thấy trái đất tròn xoe. Mẹ của Hưng, chẳng phải ai xa lạ, chính là cô giáo Nguyễn Minh Phương, người có thời được dự định sẽ mời về phụ trách Ban Đối ngoại Hội Nhà văn Việt Nam, nơi tôi từng công tác. Phương từng học đại học ở Nga, về giảng dạy và công tác ở Đại học Bách Khoa Hà Nội, đi làm thạc sỹ tại Úc, rồi sang Mỹ. Thông thạo tiếng Nga và tiếng Anh, sành điệu âm nhạc và am hiểu văn hóa, giáo dục Hoa Kỳ, từng dịch phim cho đạo diễn Đặng Nhật Minh khi ông mang phim Đừng đốt qua Mỹ, dịch các buổi seminar cho nhiều đoàn nhà văn Việt Nam sang trao đổi học thuật tại Trung tâm William Joiner. Trong nhiều hoạt động, Phương luôn đóng vai trò đại sứ văn hóa kiêm hướng dẫn viên du lịch.

Biết tôi sang với Mr. Ty, nhà thơ Trần Nhương bảo: “Sang Boston mà chưa gặp Nguyễn Minh Phương thì coi như chưa đến Mỹ”. Số tôi may, cứ đi tận cùng thế giới lại gặp một người tốt. Phương về Hà Nội ăn tết vừa sang ba ngày. Nàng đang giảng dạy môn tiếng Việt tại Đại học Massachusetts, Boston và gấp rút hoàn tất luận văn tiến sỹ về sự giao thoa văn hóa Việt Nam – Hoa Kỳ.

Vẫn còn dư âm Tết. Ngay buổi chiều đầu tiên tới Boston, hai cha con đã được tham dự buổi gặp đầu năm truyền thống của sinh viên Việt Nam theo học khóa tiếng Việt. Ở Massachusets có nhiều khoa dạy tiếng nước ngoài (Nga, Đức, Ý, Nhật, Hoa, Hàn, Philippines…), trong đó có tiếng Việt. Đã được chuẩn bị sẵn, mười bốn học trò của cô giáo Phương, những Tom Nguyễn, Elena Bùi, David Tran Le, Jeny Hoàng …, mỗi em mang một món quà tết do tự tay làm hoặc cùng với gia đình làm, đến góp vui. Bánh chưng, nem Sài Gòn, xôi xéo, giò lụa, chè lam… Có một cô gái người Hoa, một cô gái người Nhật cũng theo học tiếng Việt. Và quà của hai cô lại là những món ăn thuần Việt độc đáo. Cô giáo Minh Phương, đã chuẩn bị cả một thùng nem rán và nước chấm tuyệt hảo đến đãi học trò.

Buổi gặp mặt đầu năm rất sinh động và ấn tượng. Vừa ăn Tết, mỗi sinh viên, bằng ngôn ngữ Việt, trình bày suy nghĩ của mình về gia đình, ông bà, tổ tiên, về phong tục tập quán, những món ăn truyền thống của người Việt. Minh Phương giới thiệu những tác phẩm của tôi, trong đó cuốn sách quan trọng sẽ xuất bản: Những mảnh Rồng được cô giáo viết lên bảng và hy vọng các em sẽ có đủ trình độ để đọc nguyên bản tiếng Việt.

Liên tiếp có các buổi ăn Tết lu bù và khép lại là buổi “hóa vàng” tiễn ông công ông táo về Trời, với các bạn đồng nghiệp, đồng hương của Minh Phương ở Boston. Nhà thơ Nguyễn Bá Chung, tiến sỹ Ngô Như Bình và hai người đẹp Mai Hương, Quế Anh vừa hoàn thành chương trình master cùng đại đầu bếp Trần Khương, người láng giềng cùng ở với ba con tôi trong căn gác áp mái, trổ tài làm các món ẩm thực Việt. Rượu vang Mỹ và Chivas Regal 18, rượu Lúa Mới, Hà Nội. Giò, bánh chưng, nem rán. Rồi guitar và dân ca Quan họ. Vui nổ trời suốt đêm.

Như đã hẹn với nhà thơ Nguyễn Bá Chung, Phương đưa chúng tôi đến Trung tâm William Joiner, một tổ chức văn hóa thân cộng do các nhà văn nhà thơ cựu chiến binh Mỹ từng tham chiến ở Việt Nam thành lập từ ba mươi năm trước, do trường Đại học Massachusetts bảo trợ. Rất nhiều nhà văn nhà thơ Việt Nam đã đến thăm và trao đổi văn hóa ở trung tâm này. Tại tầng tám của toà nhà lớn, tôi đã được nhà thơ Michael Sullivan nồng nhiệt đón tiếp, đưa đi thăm các phòng trưng bày la liệt tranh của Nguyễn Quang Thiều và các họa sĩ, điêu khắc gia Việt Nam, tầng tầng trên giá sách những tên tuổi nhà văn Việt Nam, từ Lê Lựu, Ngụy Ngữ, Phạm Tiến Duật, Nguyễn Khải, Nguyên Ngọc… đến các nhà văn nhà thơ trẻ sau này.

Tôi rất đỗi ngạc nhiên, khi bỗng gặp một người cao to có gương mặt như một tài tử điện ảnh từ trong phòng giám đốc đi ra, chìa tay cho chúng tôi và nói tiếng Việt thật lưu loát: “Chào các bạn. Tôi rất hân hạnh được các bạn đến thăm. Tôi đã từng sống và làm việc ở Hà Nội sáu năm…”. Ô, thì ra là tân giám đốc của Trung tâm William Joiner, ngài tiến sỹ Thomas T. Kane, người vừa có quyết định thay cựu giám đốc – nhà thơ Kevin Bowen đến tuổi nghỉ hưu.

***

Sẽ là những câu chuyện thừa khi lại viết về những cuộc đến thăm Đại học Harvard, Viện Công nghệ Masachusetts, Đại học Masachusetts Boston…, những trung tâm giáo dục đại học hàng đầu của nước Mỹ và thế giới, mà quá nhiều du khách đã ghi lại. Nhưng vẫn phải dành hai chữ tuyệt vời để nói về những cuộc viếng thăm này.

Ở Harvard (trường đại học tư gần 400 năm, có tuổi đời xấp xỉ tuổi vùng New England này, có số giảng viên, sinh viên đoạt giải Nobel kỷ lục 150 người, góp cho nước Mỹ 8 cựu sinh viên làm tổng thống và 62 tỷ phú hiện tại của Hoa Kỳ), là một ngày mưa ẩm ướt với những tòa nhà cổ kính mái nhọn màu gạch non ôm lấy bức tượng John Harvard, người bỏ tiền sáng lập trường, trong thế ngồi an nhiên tự tại như một hoàng đế trong vương quốc của mình.

Tất cả như đang bước ra từ thế kỷ XVII; với quảng trường mênh mông và khu ẩm thực ẩn giấu dưới lòng đất lúc nào cũng huyền ảo trong tiếng nhạc, trong ánh đèn vàng, suốt ngày đêm tỏa ra hương vị cồn cào và quyến rũ của thứ ẩm thực đặc trưng sinh viên khó cưỡng…

Ở MIT (Viện Công nghệ Massachusetts) là chuỗi liên hoàn những tòa nhà phức hợp khoa học công nghệ, giáo dục. Khác hẳn với Caltech, một cao thủ ở phía Tây, MIT vắng sự thâm trầm uyên thâm, nhưng lại năng động bứt phá hết mình trong cuộc phát triển vũ bão của cuộc cách mạng công nghệ lần thứ 4.

Còn Đại học Massachusetts Boston với tòa nhà kính khổng lồ đang gấp rút hoàn thành, với những sảnh đường mênh mông hướng ra sông Charles và vịnh biển, lại có một vẻ hấp dẫn riêng biệt. Sẽ chẳng thể nào quên những phút được ngồi bên ly cà phê bốc khói trong sân khuôn viên giữa hai tòa cao ốc, tựa như đang lọt giữa một khe núi hun hút, tựa như ếch đang ngồi đáy giếng, và bỗng nhận ra tít trên ao, như giữa từng trời, một gương mặt sáng hồng, một nụ cười tỏa nắng của ai đó đang như bay xuống chỗ ta ngồi…

Tôi nói với Mr. Ty: “Dù chỉ ‘cưỡi ngựa xem hoa’, nhưng con đã đích mục sở thị những trường đại học hàng đầu nước Mỹ, từ Berkeley, Caltech, Harvard, Massachusetts…Được vào đây học là một thử thách lớn. Nhưng đi lướt qua không có nghĩa là không học được gì. Trường đời nước Mỹ sẽ cho con biết bao điều mà thế hệ ba không may mắn có được…”.

Và riêng tôi vẫn còn rất may mắn khi mỗi ngày ở Boston lại được biết thêm những khoảng trời mới. Nhi và Miss Phương quả là hai thổ công và hướng dẫn viên quá nhiệt tình. “Đi với em, anh hoặc Ty sẽ không mất tiền vé tàu điện ngầm và xe bus” – Phương cho tôi xem chiếc card miễn phí dành cho người khiếm thị đặc biệt. Người có chiếc card này có quyền bao thêm một người nữa (với tư cách người bảo vệ) – đi bất cứ tuyến tàu xe nào.

Tưởng chuyện khôi hài, rằng nàng cố tình bịa ra để trêu tôi, vì từ lúc gặp nàng, tôi vẫn nghĩ rằng đôi mắt huyền sau cặp kính kia lúc nào cũng có thể làm nghiêng ngả khối chàng khả kính ở Boston này. Nhưng sau rồi tôi hiểu. Đã có thời gian Phương tưởng không còn nhìn thấy ánh sáng mặt trời. Bị căn bệnh thoái hóa điểm vàng, Phương hoàn toàn suy sụp. Cả thế giới như bức màn đen bao phủ. Phương phải chống gậy dò dẫm lên tàu điện ngầm, lên xe bus từ nhà đến trường, đến bệnh viện…

Nước Mỹ tưởng như không cưu mang nổi ba mẹ con. Nhưng rồi chỉ có nền y học đỉnh cao và chế độ siêu việt với người khiếm thị của nước Mỹ mới cứu nổi đôi mắt ấy. Và từ trong bóng đêm, Phương lại lần ra ánh sáng…

Có một vé miễn phí, hai vé tháng, bộ tứ chúng tôi thỏa sức lang thang trong thành phố, chui xuống từng ngõ ngách tàu điện ngầm, tha thẩn trong những nhà ga mênh mông với những tổ hợp bách hóa, hiệu sách, nhà hàng, thời trang sâu hút dưới lòng đất.

Có những buổi sáng nắng trong vắt, mẹ con Phương dẫn chúng tôi dạo chơi trên quảng trường lớn thành phố, đến Omni Parker House, nơi chàng thanh niên Nguyễn Tất Thành từng có những ngày làm đầu bếp trong thời kỳ bôn ba tìm đường cách mạng.

Phương khoe đã từng đi tìm và phỏng vấn những nhân chứng cuối cùng trong biệt đội tình báo Con Nai đã nhảy dù xuống Việt Bắc và được gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh năm 1945.

Lẽ ra ở Omni Parker House phải có một phòng trưng bày trọng thể về vị lãnh tụ của nước Việt cộng sản từng đánh thắng đế quốc Mỹ. Tiếc rằng, chỉ có hai tấm ảnh đặt ở vị trí khiêm tốn dưới cầu thang tầng hầm và vài dòng chú thích sơ sài.

Cũng từ quảng trường trung tâm, chúng tôi đi theo những đường gạch đỏ nối từng sự kiện lịch sử, từng trận đánh oai hùng thời cách mạng giành độc lập, thời khai mở để thiết lập một New England, cốt lõi của nước Mỹ sau này. Boston mới gần 400 năm, kém Thăng Long 600 tuổi, nhưng hầu như mọi dấu tích khởi đầu cho đến cả chặng đường dằng dặc tiếp sau vẫn còn được lưu giữ nguyên vẹn.

Chúng tôi đã đến những nghĩa địa lọt giữa khu phố cổ, dưới bóng những cây sồi, cây phong vài trăm tuổi, ở đó còn nguyên sơ những mộ đá, những cây thập tự còng gục bởi thời gian, những tấm bia khắc loại chữ La tinh, chữ Anh từ thời Thomas Jefferson soạn thảo Tuyên ngôn Độc lập của nước Mỹ, những khu mộ của những dòng họ đã có công lao chiến đấu cho nền độc lập ngay từ buổi đầu đặt chân tới mảnh đất này: John Winthrop, Roger Williams, Benjamin Fraklin, John Adams… Và kia, hình ảnh George Washington hiên ngang trên lưng ngựa đẹp như một biểu tượng vĩnh hằng của nước Mỹ.

Khiêm tốn hơn, cạnh nhà tòa nhà thị chính là bức tượng tướng Hoocker, mà chỉ những người am hiểu sâu sắc lịch sử thành phố, lịch sử nước Mỹ như Miss Phương mới biết vị tướng lắm tài nhiều tật này đi trận bao giờ cũng mang theo một đoàn gái bao, và ông có biệt danh là tướng Gái điếm!

Và kia, đang diễu qua chúng tôi là nước Mỹ thời hiện đại. Một đoàn biểu tình đủ người da đen, da trắng, da vàng, xếp hàng hai, hàng ba với cờ, băng rôn, biểu ngữ đầy màu sắc, vừa đi vừa đánh trống và hô khẩu hiệu phản đối tổng thống Donald Trump. Hơn chục police quần áo xanh phản quang cưỡi xe đạp lẽo đẽo theo sau canh chừng những người quá khích hoặc có xung đột, ẩu đả.

Trông người chạnh nghĩ đến ta. Ở Hà Nội, Sài Gòn, bao giờ người dân mới được là chính mình thế kia?

***

Xe bus đi New York khởi hành từ Boston lúc 7 giờ. Trời trong xanh và lạnh buốt. Suốt đêm qua, tôi để nguyên quần dài áo len, nằm ôm lấy con trai, lại đắp thêm hai chiếc chăn dày và ấm, nhưng vẫn thao thức khó ngủ. Thời gian ở miền Đông chỉ còn một tuần, vì vé máy bay khứ hồi đã mua. Bay về Garden Grove, tôi chỉ có ba ngày chuẩn bị cho kịp chuyến mã hồi về Hà Nội. Chuyến lên kinh đô nước Mỹ này, mặc dù Phương đã gửi đến nhà một người bạn gái rất thân, có chồng làm ở Đại sứ quán. Nhưng đất lạ người lạ, biết thế nào…

Tôi lên kế hoạch chi tiết với Mr. Ty: Ba ngày chơi New York, sau đó đi Washington DC hai ngày rồi trở về Boston để ra máy bay ngược về California. Không phải là cưỡi ngựa xem hoa, mà là cưỡi ô tô và máy bay xem hoa. Thời gian không cho phép cha con la cà.

Chạy một mạch hơn 300 cây số trên đường cao tốc, qua bạt ngàn những cánh rừng còn đọng tuyết trắng xóa, những thành phố, sông hồ cảnh đẹp như tranh, chừng hơn 10 giờ, xe đã vào trung tâm thành phố. Tôi vốn không thích những đô thị quá náo nhiệt, quá chật chội, nên khi xe rời con đường ven bìa rừng để chạy sóng đôi với sông Hudson, tôi thấy ngỡ ngàng.

New York đây ư? Con đường cặp một bên sông, song song những đường sắt với những kho bãi ngổn ngang, cây cối xám xịt xác xơ, rồi chiếc cầu sắt qua sông dẫn vào khu trung tâm san sát nhà chọc trời. Chiếc xe bus màu xanh hai tầng đi chậm chạp qua những ngã tư đèn đỏ. Ngồi trên hàng ghế đầu ở tầng hai, bên cô bạn nặng chừng hơn tạ, ngủ vật vờ, hở hết cả mảng lườn trắng mỡ, có cảm giác ngộp thở. Đúng là một thành phố ngộp thở.

Ngang dọc bàn cờ những đường phố hun hút chạy dưới những dãy nhà mấy chục tầng. Xe con đậu hai bên ken nhau, chỉ chừa một đường lưu thông ở giữa. Những dòng người, rất đông người da màu, nối đuôi nhau tấp nập, Các cửa hàng, quán ăn, văn phòng, còn chật chội hơn cả khu phố của người Tàu. Đó là khu Manhattan, Wall Street, quảng trường Thời Đại… mà tôi từng nghe nói đến.

Chúng tôi xuống xe ở nút giao đường 18. Mr. Ty mở iPhone, sững người, đưa cho tôi đọc. “Ba ơi, bão tuyết lớn sáng mai sẽ kéo về. Từ ngày mai tuyến xe bus Boston – New York sẽ ngừng chạy cho đến khi nào có thông báo mới”. Trời! Tôi muốn kêu lên. Vậy thì phải quay về gấp con ạ. Nếu kẹt bão tuyết, ba con mình sẽ bị giam tại đây, lỡ chuyến bay về Cali.

Tôi bảo Ty: Con hỏi xem chuyến xe cuối cùng về Boston tối nay lúc mấy giờ? Tám giờ phải không? Vậy thì chúng ta có 10 tiếng ở chơi New York. Sẽ điện cho bạn cô Phương, xin lỗi phải về gấp, không đến được. Mình sẽ lướt qua thành phố và chỉ ưu tiên đến thăm Nữ thần Tự do, con ạ.

Như kẻ chạy loạn, hai cha con tìm đến nhà hàng Nhật Bản gần đó để ăn trưa rồi gấp rút tìm đường xuống tàu điện ngầm ra cửa sông. Cửa hàng Nhật Bản mờ ảo ánh đèn, âm u hơi khói và sâu hun hút. Các cô cậu tiếp viên vận đồ đen thắt nơ nâu bưng bê như biểu diễn xiếc. Khách phải xếp hàng từng tốp, chờ mỏi chân chưa đến lượt. Tô mì thịt bò, thịt gà 12 USD, kém xa một bát phở Việt giá 30k, trở thành món ăn tra tấn.

Mr. Ty như một Tour guide mẫn cán. Có một tuyến du lịch dọc sông Hudson, tour Best of NYC Cruise gía 41 USD/người cho hai tiếng rưỡi lênh đênh trên dòng Hudson, đi xuyên qua Manhattan, trung tâm chứng khoán Wall Street, cập đảo Ellis ngay dưới chân tượng Nữ thần Tự do. Nhưng để đến điểm mua vé tour du lịch, không đủ thời gian. Mr. Ty nhanh trí tìm kiếm trên bản đồ vệ tinh tuyến xe điện ngầm đông nam.

Nếu như mỗi nhà ga xe điện ngầm ở Moskva là một cung điện nguy nga tráng lệ dưới lòng đất với những bức phù điêu, những hoa văn dát vàng, những nhóm tượng kỳ khu, thì tàu điện ngầm New York chỉ thuần túy là những đường hầm chờ người. Đủ mọi loại người tuồn xuống rồi lại cuồn cuộn trồi lên.

Khi tàu đến ga cuối, đã thấy biển báo đại lộ số 5. Kia rồi, phía trước, sau những khe phố, đã thấy một khoảng nước mênh mông của vịnh Hudson. Rất may, ở chỗ đường chắn tàu vào cảng, chúng tôi thấy những tốp người đứng túm tụm bên lề đường. Rồi một tốp thanh niên da màu, cả nam và nữ, mũ len, mũ mỏ vịt, túi xách ba lô như đi picnic đến gần chìa ra những tấm vé và thì thào điều gì đó.

Bán tour chui đó ba ơi, Mr. Ty nói với tôi sau khi đến gần một gã trai bụi bặm, hỏi nhỏ điều gì. Từ đây ra bến tàu du lịch còn mấy chặng nữa, đi taxi cũng mất cả trăm USD. Nếu đi chui với bọn này, mất 40 USD một người, đi không ba? Tôi nhìn đồng hồ. Thấy rất nhiều khách Âu, Á cũng mua vé chui và tự nguyện đứng vào hàng để chờ xe đến đón, tôi bèn quyết định: Đi thôi con ạ. Chúng ta không còn nhiều thời gian.

Chờ chừng nửa tiếng, ba con tôi cũng được xếp lên một xe mười sáu chỗ, chạy một mạch ra bến cảng. Một tàu du lịch hạng xoàng, hai tầng đang chờ sẵn. Không biết chúng tôi là khách chuyến thứ bao nhiêu trong ngày. Tất cả tràn lên boong. Ai cũng muốn chọn hàng ghế, hoặc phía lan can hướng về đảo Liberty và tranh thủ chụp ảnh tự sướng, hoặc chĩa máy ảnh, iPhone về phía những tòa nhà chọc trời phía Manhattan. Kia rồi, ba chiếc cầu vắt qua cửa biển mà tôi đoán là cầu Brooklyn, Manhattan và George Washington, những tuyệt mỹ về kiến trúc đã lọt vào ống kính triệu triệu du khách.

Tàu hướng về tượng thần Tự Do. Ban đầu chỉ thấy một điểm đen trên mặt sóng. Chỉ mấy phút sau đã thấy rõ vành vương miện và ngọn đuốc giương cao. Sóng lớn, boong tàu chao đảo, người lại chen nhau dồn về một phía, rất khó chụp được những kiểu ảnh như ý. Lẽ ra, có thời gian, đi theo tour Best of NYC Cruise, chúng tôi sẽ lên đảo, đứng trước quảng trường để chọn những góc đẹp nhất thu vào ống kính. Theo tuyến du lịch này, tàu chúng tôi chỉ được chạy chậm và dừng neo phía trước đảo chừng chục phút cho du khách chụp ảnh.

Tôi mở Samsung, đọc lại những dòng tư liệu: Tượng Nữ thần Tự Do Mỹ cao 46 mét, nếu tính cả chân đế là 96 mét, do nhân dân Pháp tặng nước Mỹ, được dựng trên đảo Liberty, cảng New York. Đây là công trình do kiến trức sư người Pháp Frederic Bartholdi thiết kế năm 1886. Cũng thời gian này, một phiên bản nhỏ Nữ thần Tự Do, còn có tên gọi là Bà Đầm xòe, cao 2,85met, do nhân dân Pháp tặng Việt Nam, được dựng tại đỉnh Tháp Rùa hồ Hoàn Kiếm, Hà Nội. Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, Bà Đầm xòe bị giật đổ, chuyển tới vườn hoa Cửa Nam, một thời gian sau lại bị chuyển đi, rồi bị nung chảy, để làm vật liệu đúc vũ khí và đúc tượng.

Tiếc mãi một báu vật, phiên bản Thần Tự Do duy nhất mà nước Pháp đã dành tặng cho Hà Nội.

… Số phận nữ thần Tự Do New York thật may

Nếu nước Pháp lầm lẫn đem nàng tặng nước Việt

Nàng sẽ bị nung chảy

Trong cuộc cách mạng long trời lở đất

Mà chúng tôi đang tiếp nối từng ngày…

Đó là những câu thơ vụt hiện trong đầu trên chuyến xe bus chạy bão tuyết từ New York về Boston ngay trong đêm ấy.

***

Tiếc không thể đến Washington DC. Nhưng rất may không bị tuyết giam ở New York.

Ngay nửa đêm hôm ấy, khi ba con tôi vừa từ bến xe bus về nhà thì bão tuyết bắt đầu quần hú trên bầu trời Boston. Sáng ra, hàng triệu bông hoa tuyết bay đầy trời. Cửa kính phủ trắng tuyết. Những mái nhà trắng tuyết. Tuyết ngập trắng đường, dày đến nửa mét. Hình như tuyết sẽ còn rơi vài ba ngày nữa.

Tôi là kẻ ham xê dịch và ưa khám phá. Mấy lần du hí xứ tuyết (Trung Quốc, Mông Cổ, Nga, châu Âu, Canada, Hàn Quốc…) đều vào mùa hè, nên tôi vẫn háo hức một lần thấy tuyết.

Tháng trước, từ Los Angeles lên San Jose, khi xe qua vùng núi đá tuyết phủ, tôi chỉ muốn xe dừng để ào xuống bốc lên những vốc tuyết bên taluy đường. Ba tuần trước khi đi cáp treo lên Palm Spring, chỉ gặp tuyết đóng băng trên thảm rừng. Mấy ngày trước, khi chơi ở quảng trường trung tâm Boston, cả tôi, Mr. Ty và Nhi đều thích thú dò dẫm đi trên mặt nước đóng băng ra gần đảo nhỏ giữa hồ. Đó là những lần hậu tuyết, tuyết quá khứ. Còn bây giờ mới là mưa tuyết, bão tuyết, tuyết đang rơi. Tôi tung chăn, cù vào cổ Mr. Ty: “Ba con mình đi chơi tuyết đi. Con nhìn tuyết rơi kìa, đi ra đường lúc này mới thú”. Mr. Ty co người lại, lấy chăn trùm kín đầu. Tôi biết khó lòng lay chuyển Ty ra khỏi giường, ít nhất là cho đến trưa.

Thật may, hôm nay có lịch khám mắt của Hưng. Thế là tôi được đi theo đến bệnh viện nhi Boston, một bệnh viện có chuyên khoa về mắt hàng đầu của Hoa Kỳ.

Rất có thể bị rụng tai, rơi ngón tay, nếu anh không có mũ len trùm đầu và găng tay ấm. Lời cảnh báo của Phương không hề là lời dọa dẫm suông. Cả thành phố như phủ một tấm chăn bông trắng toát. Hàng cây đen đúa mọi ngày giờ như dát bạc. Những chiếc xe dọc hai bên đường không còn nhận ra hình thù, chỉ gồ lên một đống trắng. Chúng tôi đi tắt qua khách sạn Marriot ra ga tàu điện ngầm Kendo để đến bệnh viện.

Bão tuyết vẫn vần vũ, thổi bay người. Tuyết rơi mù trời, hất từng chùm vào mặt. Không một chiếc xe nào chuyển động trên đường. Những công nhân dọn tuyết lầm lũi điều khiển xe gạt tuyết, mở những con đường cho người đi bộ. Nhiều người đội tuyết đang cố dùng xẻng dọn một lối đi trước cửa nhà.

Dường như cả thành phố đang đông cứng lại, sống chậm lại. Học sinh, sinh viên các trường được nghỉ học. Nhiều cơ quan, cửa hàng cũng được phép đi làm muộn, hoặc nghỉ một số giờ. Riêng các tuyến tàu điện bỗng đông đúc gấp bội. Người ta thi nhau chui xuống lòng đất.

Từ nhà ga, đi bộ vài phút đã đến viện nhi Boston. Một bệnh viện tuyệt vời, sạch và tiện nghi đến mức giữa bão tuyết mịt mù ngoài trời mà tôi cảm tưởng mình đang ở trong khu resort ấm áp năm sao.

Nhi khám mắt xong, đã 11 giờ. Phương bảo: Trưa nay chúng ta sẽ ăn bánh hambuger ở nhà ăn bệnh viện, để thấy chất lượng sống ở đây thế nào.

Đi qua dãy hành lang sáng trắng, nhiều tranh tượng, xuống tầng hầm. Tấp nập bệnh nhân, người nhà bệnh nhân và y bác sĩ. Như một restaurant cao cấp, mọi người xếp hàng, chọn món rồi tự mang ra bàn ăn. Một xuất trưa 10 USD, kèm nước uống và hoa quả tự chọn. Nói là ăn tiệc thì quá. Nhưng đây là lần đầu tiên tôi ăn trong bệnh viện mà thấy ngon và yên tâm vô cùng.

Trên đường về, gần tới nhà, chúng tôi chọn một nhà hàng cạnh siêu thị để đợi Nhi về rủ Mr. Ty cùng ra. Ngồi trong quán cà phê nhìn trời tuyết bay mới thấy hết vẻ đẹp của Boston.

Tưởng như cả sân vận động trước mặt kia, cả khu phố cổ kính Cambrige mờ mịt tuyết trắng kia đang trong một thế giới hư ảo. Có lúc từng lớp, từng đợt sóng tuyết bay ngang trời. Có lúc như trời tung hoa trắng xoáy tít trên cao.

-Tuyệt vời quá, cả trời đất Boston như chiếc tủ lạnh khổng lồ… – Tôi nâng ly cà phê bọc hộp giấy bốc hơi thơm lừng lên, hít thật sâu, nói một câu bâng quơ.

-Và chúng ta như bị đóng băng trong cái tủ lạnh khổng lồ ấy…

Tôi nhìn Phương và cảm ơn nàng vừa cho tôi một tứ thơ.

Boston, tủ lạnh trời, buốt giá

Anh cùng em trốn trong ngăn đá

Ta trắng xóa nhau, thanh khiết tuổi hai mươi

Mùa Valentine hoa bay sáng trời.

Đó là bài thơ TUYẾT, tôi viết trên chuyến bay một ngày sau, ngày Valentine 14 tháng hai, khi cha con tôi bay từ Boston về California.

Tôi đã thi vị hóa cuộc đời, tưởng tượng như mình đang ở tuổi Mr. Ty, con trai tôi, để tặng những ai đang giữa Mùa Yêu.

Hà Nội, 20.8.2017

Comments are closed.