HẬU CHUYỆN KỂ NĂM 2000

(Thời biến đổi gien)

Kỳ 24

Bùi Ngọc Tấn

*

Vốn bị giám sát chặt chẽ nhiều thập kỷ, giờ đây căn buồng tôi ở càng bị giám sát chặt chẽ hơn không chỉ vì những bức thư. “Tù ta” đồng nghĩa với thứ người “mạt hạng xấu xa, đáng muôn đời phỉ nhổ.” Tôi dùng từ tù ta bởi đã nghe Phạm Xuân Nguyên kể chuyện anh được mời đi dự một cuộc họp của quân đội bàn thảo về nghệ thuật. Một sĩ quan xem danh sách thấy tên anh, chất vấn ban tổ chức: Thằng này tù ta. Sao lại mời? ([1])

Kể lại chuyện này để thấy những người tù ta như tôi thường xuyên sống trong khinh bỉ, cảnh giác, thù địch của cả xã hội như thế nào. Không chỉ tù ta, khi được tha rồi, tôi vẫn chứng nào tật ấy, chống đối, viết sách chửi lãnh đạo, chửi chế độ, chửi cả lãnh tụ như người ta phổ biến rộng rãi trong các cuộc họp.

Đối diện bên kia đường là ngôi nhà đồ sộ của lực lượng chuyên chính, trụ sở ủy ban phường cao hai tầng, mới được nâng lên ba tầng, tập trung đủ các ban bệ, rồi đảng ủy, công đoàn, thanh niên, cả nơi phát lương hưu và tất nhiên cả công an phường nữa. Từ năm 1967, người ta đã đặt một trạm trên gác 2 chuyên theo dõi tôi và anh Hồng Sỹ. Người ta bảo ông Thuấn, trưởng phòng hồ sơ sở công an, người ở cái buồng có ga-ra ô tô hai tầng phía sau, chặt quang những cành cây trong vườn ngôi biệt thự chúng tôi tá túc để tiện quan sát, để từ bên kia đường có thể nhìn thẳng sang những căn buồng của chúng tôi, rõ từng bước chân bè bạn chúng tôi ra, vào, đi, đến. Chúng tôi phát hiện ra vị trí đài quan sát rất ngẫu nhiên. Trong một lần ra phố, đạp xe qua cổng, tới vỉa hè, tôi ngước mắt nhìn trời theo thói quen, bỗng thấy cánh cửa chớp khép hờ trên một căn phòng gác 2 nhà đối diện hơi “giật mình” ([2]) và sau cái khe hẹp giữa cánh cửa với tường — kẽ hở bản lề — một bóng người ngồi thụp xuống. Với bản năng bị săn đuổi, chúng tôi biết điều đó có ý nghĩa gì và chợt hiểu ra việc ông Thuấn chặt các cành cây trong vườn biệt thự không phải để đỡ muỗi như ông ta nói. Việc theo dõi ấy đã đi đến hồi kết: Chúng tôi, tôi và Hồng Sỹ, bị bắt. Đó là gần nửa thế kỷ trước.

Giờ đây, không biết những biện pháp theo dõi của các cơ quan chức năng ra sao. Vườn đã bị chiếm, mạnh ai người nấy chiếm. Ngăn cản tầm quan sát không phải là cây để có thể chặt cành, đốn gốc mà là những căn nhà hai tầng, ba tầng. Người ta vận động bà tổ trưởng ngay đầu ngõ liền bên theo dõi, người ta tìm cách giao nhiệm vụ cho những người sống trong các ngôi nhà mới mọc lên ngay cạnh nhà tôi, có thể quan sát được từng cử động của tôi… Còn đài quan sát đặt ở đâu không rõ. Thời đại bùng nổ thông tin, mới lắm các đồng chí ạ! Nhiều biện pháp mình không quan niệm được. Chỉ biết chắc một điều là điện thoại bị nghe lén.

cả hệ thống chính trị đã vào cuộc.

Người ngồi bán hàng ngay đầu ngõ, những người làm ở hiệu ảnh liền bên, thậm chí người phô-tô cop-py bên kia đường cũng biết nhà tôi bị theo dõi. Xóm láng quanh nhà, bên này đường, bên kia đường, cùng tổ nhân dân hay không cùng tổ, cùng phường cùng quận hay khác phường khác quận… đều biết tôi là một kẻ chống đối, đi tù về, được chính quyền ghi sổ đen. Họ nói bóng nói gió, thậm chí có người nói thẳng với Nguyễn Công Nam:

– Ông còn đến cái ngõ số 10 ấy làm gì. Nhà ấy đang bị công an theo dõi đấy. Thôi đừng ra ra vào vào đấy nữa. Nguy hiểm lắm.

Nhưng Nguyễn Công Nam đâu có sợ nguy hiểm. Đọc tôi, anh hiểu tôi và mừng rằng “văn học nước nhà vẫn còn người trung thực.” Anh đã đốp chát với một cán bộ thuộc PA 25, khi anh công an này đến cơ quan anh làm việc:

– Các anh vẫn theo dõi nhà anh Bùi Ngọc Tấn số 10 Điện Biên Phủ đấy à? Tôi thấy thật buồn. Thì đã có người rất thân với tôi, thương tôi, sợ tôi vướng vào những chuyện lôi thôi, khổ vợ khổ con tôi, khuyên tôi đừng đến nhà anh Tấn 10 Điện Biên. Người ta nói thẳng với tôi như thế mà. Ở một đất nước mà công an theo dõi ngày đêm những người tiến bộ, những người yêu nước, những người không có mong muốn nào khác là mong muốn đất nước tiến lên và bất chấp hiểm nguy, đóng góp hết sức mình vào sự tiến bộ thì thật đáng buồn. Các anh đi phố hẳn thấy chỗ nào cũng ka-ra-ô-kê. Đứng đón khách ngay ngoài cửa là các cô gái còn rất trẻ, ăn mặc hở hang. Bao nhiêu thanh niên đã vào đấy, đang vào đấy, và sẽ tiếp tục vào đấy. Mà đâu phải chỉ thanh niên. Phần lớn những người vào đấy là cán bộ công nhân viên chức. Phần lớn là các thủ trưởng. Cả mấy thế hệ đang hư hỏng. Văn hóa đấy. Bảo vệ văn hoá trước hết là bảo vệ các giá trị văn hoá đang bị xâm hại. Có biết bao nhiêu băng đĩa trôi nổi. Bao nhiêu băng đĩa độc hại. Băng sex. Băng bạo lực. Có băng nào không có bán. Phải ngăn chặn, tiêu diệt những hiện tượng ấy để bảo vệ lối sống tốt đẹp của cha ông ta. Những việc đáng làm không làm. Lại đi theo dõi một nhà văn không có gì trong tay ngoài ngòi bút dũng cảm viết sự thật, nói lên những điều đáng báo động của xã hội.

Người đối thoại với Công Nam im lặng. Im lặng là vàng. Bởi nói phải củ cải cũng nghe. Đi tranh luận với Công Nam về những điều như vậy, anh ta sẽ không bằng củ cải. Tốt nhất là cứ im lặng và theo dõi. Cứ lĩnh lương và làm phận sự.

Nhà tôi là “điểm nóng.” Tên tôi được ghi trong sổ đen. Loại sổ chỉ ghi thêm chứ không gạc bớt và chỉ gạc bớt khi đương sự đã chết. Nó được truyền từ đời ông bí thư này sang đời ông bí thư khác, từ ông chủ tịch trước đến ông chủ tịch sau, từ thế hệ an ninh này sang thế hệ an ninh khác như một cuộc chạy tiếp sức đường trường mà điểm kết thúc là nấm mồ của đối tượng. Năm nào nhà tôi cũng được tiếp đón các ông an ninh văn hóa, các ông công an phường, công an quận. Vào các dịp tết Tây, tết Ta, mồng 1 tháng 5, mồng 2 tháng 9, bầu cử quốc hội, bầu cử hội đồng nhân dân, đại hội Đảng quận, đại hội Đảng thành phố, đại hội Đảng toàn quốc, tổng thống Mỹ Bill Clinton đến thăm Việt Nam, khi trên mạng có cuộc vận động ký kiến nghị ngừng dự án khai thác bô-xit ở Tây Nguyên, ký kiến nghị về vụ bắt Phương Uyên… Và câu mở đầu của những vị khách đều giống nhau: Hai bác khỏe chứ ạ? Bởi thế nên những cuộc thăm viếng “đều như vắt chanh” ấy được gọi là những cuộc “hỏi thăm sức khỏe.” Tôi cũng ghi nhận sự đổi mới lớn lao ở đây nếu so với những cuộc đến chơi nhà của đội chuyên tu tại chức nâng cao tay nghề tra tấn của ông An ngày trước cùng lời giới thiệu đầy tự tin:

– Chúng cháu ở phòng anh An, phòng chống phản động đến thăm hai bác.

Giờ đây nhẹ nhàng hơn, lịch sự hơn, khen chè ngon như những người sành điệu. Ngay cả câu hỏi đinh, câu hỏi chốt, có cả cán bộ tăng cường từ đâu về chưa gặp một lần, cũng là không đến nỗi nào:

– Bác ký kiến nghị xử lại Cù Huy Hà Vũ đấy à?

– Vâng.

– Sao bác lại ký?

– Đảng dạy tôi như thế mà. Đảng dạy tôi chế độ ta là chế độ công bằng nhất thế giới v.v..

Với cái kiến thức được dạy dỗ về sự phát triển như vũ bão của khoa học kỹ thuật, tôi nghĩ những biện pháp theo dõi tôi đã khác, không phải là cái hòm gỗ quang dầu cồng kềnh như hồi tôi cùng Đinh Chương đi học chính sách cải tiến quản lý hợp tác xã năm 1967 nữa, trong nhà chúng tôi có thể có rệp. Rệp rất bé, có thể gắn hoặc bắn từ xa vào bất kỳ đâu trong nhà, có khi vào ngay quần áo mình đang mặc. Những điều quan trọng chúng tôi chỉ thì thào. Nhiều người nói với tôi rằng khi đến nhà đại tướng Võ Nguyên Giáp, đại tướng đã giơ tay làm hiệu ngay: Chuyện trò cẩn thận. Có máy ghi âm. Chúng tôi cũng giữ mồm giữ miệng. Không thì thào ở xa lông mà kéo nhau vào một góc. Chúng tôi nói thẳng với bạn bè về cái sự có thể có rệp. Điện thoại chắc chắn bị nghe lén, bị ghi âm. Nói chuyện điện thoại với Mạc Lân trên Hà Nội là khổ nhất. Ấp úng, cân nhắc, khiến Lân không chịu được. Anh phát khùng. Anh văng ra tất cả. Tôi thông cảm với anh. Đúng là khi nói chuyện mà biết chắc có người nào đó đang rình nghe một cách chăm chú và thích thú, thật khó mà bình tĩnh, mà chịu đựng.

Ai cũng khuyên tôi nên hạn chế và phải rất cẩn thận khi đi ra đường. Người ta lấy cái chết của vợ chồng Lưu Quang Vũ – Xuân Quỳnh ra để thêm thuyết phục. Không chỉ vụ Lưu Quang Vũ dân chúng xì xèo, báo chí còn nói ông chánh văn phòng thủ tướng phủ bố trí xe tải để cán chết bà tổng cục trưởng tổng cục Du Lịch nhưng việc không thành. Đồng chí với nhau cùng chung lý tưởng, cán bộ cao cấp đạo đức sáng ngời sát cánh bên nhau chiến đấu dưới cờ còn thế nữa là tôi.

Tôi không chỉ có một kẻ thù mà có nhiều cấp kẻ thù. Với vĩ mô tôi là kẻ chống phá chế độ, chống phá sự cai trị của đảng. Cấp này là không thể chống đỡ. Chỉ còn mỗi cách ở lỳ trong nhà mới có cơ may sống sót. Dưới vĩ mô là vi mô. Cấp này rất nhiều. Từ ông Trần Đông, tới ông An, ông Quang… Những ông đang là kẻ chăn dắt con dân, bốn năm mươi năm tuổi Đảng, thương yêu người hết mực bỗng bị tôi lột truồng, hiện nguyên hình đao phủ. Những ông với rất nhiều chân tay. Con cái. Những cấp dưới tri ân mang đầu rô-bốt. Những kẻ đâm thuê chém mướn, chỉ cần một tép hê-rô-in hay một bát phở cũng đủ để nổi hứng giết người… Nguy hiểm ở cấp này cũng chỉ có cách phòng ngừa là hạn chế đi ra đường. Với cả hai cấp vĩ mô, vi mô, đều phải không cho họ biết quy luật sinh hoạt của mình và thật hạn chế dùng điện thoại.

Vốn ham sống sợ chết, tôi chỉ “tham gia giao thông” khi thật cần thiết như đi cắt tóc, đi mấy bước trên vỉa hè sang nhà Giáng Hương ăn cơm ngay ngõ liền bên. Phải bỏ thú đi bộ buổi sớm mai — ngày ấy chân tôi chưa bị đau, còn đi bộ được. Một thói quen rèn luyện thân thể, hơn thế, một sự hưởng thụ cuộc sống. Với tôi mỗi buổi sớm là một thời khắc sống khác cuộc sống thường ngày chờ tôi ngoài đường phố. Tinh mơ trở dậy, lặng lẽ đánh răng rửa mặt, rời khỏi căn buồng chật chội bốn bức tường vây quanh, cửa đóng kín phòng trộm, lúc nào cũng phảng phất hơi người cộng với mùi than tổ ong, mùi thịt tẩm húng lìu nướng chả, mùi cá tầu ướp lạnh rán ôi ôi ung ủng, mùi mỡ cháy… của những nhà bán hàng quà vỉa hè bên dưới xông lên.

Và nhẹ nhàng xuống thang, bước qua con hẻm tường gạch cao vút bức bối, thoát ra hè phố khi cả thành phố còn đang thiêm thiếp. Như vẫn chờ đợi từ lâu, làn gió từ khoảng không Ngã Sáu ập tới tôi, thứ gió hai quê sớm tây may chiều quay đông nồm mà thiên nhiên ban tặng cho vùng cửa biển Hải Phòng bao bọc tôi, chạm sương đêm trong lành mát lạnh vào má tôi, vào tóc tôi, vào da thịt tôi. Một cảm giác heo may bất chợt đến với tôi lúc đó. Cùng với những người đi tập sớm, bước trong một thế giới như được dành riêng, tận hưởng giây phút đèn đường bất ngờ vụt tắt, cái ánh sáng nhân tạo thô kệch biến mất, chỉ còn bầu trời mềm mại, tinh khiết, dịu dàng in bóng những tán lá, trời hơi tối lại rồi trong dần, tôi như nghe thấy sự dịch chuyển chầm chậm êm đềm của vòng quay quả đất về một bình minh đang tới. Lúc đó tôi với thiên nhiên là một. Tôi là rạng đông thoảng mùi biển khơi trước mặt. Tôi là làn gió hai quê tươi mát tâm hồn, là hàng phượng bên đường bắt đầu xoè tán, những cành non trĩu nặng dập dờn uốn lượn trên đầu làm thành một mái vòm khiến mỗi bước đi đều như chạm phải mầu xanh. Người tôi nhẹ hơn, các tế bào trong người tôi cất tiếng. Trong giây lát quên những gian khổ khó khăn thường nhật, quên cuộc sống ô nhiễm không khí, ô nhiễm tiếng động, ô nhiễm mặt người, ô nhiễm tâm hồn. Lòng khát sống trở về. Câu hát cũ đã quên hẳn không một lần nghĩ đến, không một lần nhớ lại, từ tiềm thức bật dậy ngân nga. Khúc hát một thời chiến tranh, một thời niên thiếu kéo theo cả một quãng đời mộng tưởng và những người cùng mình đồng ca ngày ấy bây giờ đang sống ra sao ở các phương trời, có giữ được chút nào còn lại của niềm vui sống ngày xưa?

Thật đau khổ phải ở lỳ trong nhà. Các bạn tôi khen tôi “tài ở nhà.” Tôi trả lời hài hước nhưng cũng là để tự động viên mình:

– Mình ở xà lim bao nhiêu lâu còn được. Cái xà lim này — tôi khoát tay chỉ căn buồng — có điện thoại, có tivi, có báo Văn Nghệ, có nước nóng lạnh, có bà vợ cơm bưng nước rót, có bạn bè, ở đến bao giờ chẳng được.

Tôi hiểu giờ đây công an rất muốn biết tôi đang viết gì và rất muốn đọc bản thảo của tôi. Như một bản năng tự vệ, dù chẳng viết truyền đơn hay tài liệu lật đổ, khi làm việc bao giờ tôi cũng đóng kín và cài trái cửa ra vào. Nhưng cái máy chữ lọc xọc lạch xạch tố giác tôi. Rất nhiều người, đặc biệt là Dương Tường khuyên tôi nên mua máy vi tính. Bùi tai, đã định mua, nhưng nghĩ đi nghĩ lại, lại thôi. Cái máy chữ cọc cạch mà người ta còn chú ý đến thế, nữa là máy vi tính. Vi tính là có thể cho ra những ấn phẩm nghiêm chỉnh như nhà in. Vi tính là có thể nối mạng. Vi tính là có thể meo đi khắp thế giới. Thôi. Chả dại. Hà Sĩ Phu đấy. Mất cả máy vi tính…

Tôi luôn bị vợ cằn nhằn về chuyện khi làm việc và nhất là làm việc xong không thu dọn ngăn nắp. Nghĩa là không xếp giấy tờ bản thảo cất đi một chỗ và đậy nắp máy chữ lại. Để không ai biết tôi đang sáng tác hay viết lách gì đó. Nhưng thật khó làm theo ý vợ. Nhiều thứ giấy lắm. Giấy bản thảo lần thứ nhất. Giấy bản thảo loại bỏ. Trang vừa viết thêm chèn vào một chương và như vậy là phải tháo kẹp ra xếp lại trang. Giấy than. Giấy lót. Giấy trắng chưa dùng…Tôi cố thu xếp gọn gàng trước khi nghỉ để vợ tôi khỏi lo lắng vì lời khuyên ấy rất nên theo.

Những bản thảo loại bỏ và cả những tờ giấy than dùng rồi nhầu nát được vợ tôi chăm sóc rất kỹ: Hoả thiêu. Dù nhà chúng tôi chật chội, không có chỗ hoá vàng. Hơn nữa không thể để mọi nhà chung quanh biết chúng tôi đang đốt giấy tờ. Quá bằng lậy ông tôi ở bụi này. Lại còn tạo ra bao nhiêu nghi vấn khác. Vợ tôi đem những trang bản thảo loại bỏ vào bếp, cái bếp rất hẹp — nguyên là phòng đựng rượu của Tây — lủng củng đồ đạc. Mỗi lần hoả thiêu xong, mặt mũi vợ tôi đỏ bừng, mồ hôi nhễ nhại, tàn tro bám cả trên đầu trên tóc. Chúng tôi có đọc ở một truyện tình báo nào đó nói rằng thùng rác chứa đựng rất nhiều thông tin. Không một mẩu giấy có chữ, một cái phong bì thư nào vất vào sọt rác mà không bị vợ tôi xé vụn. Còn những thông tin về sức khoẻ của chúng tôi nữa. Sức khoẻ của chúng tôi hình như cũng có nhiều người muốn biết. Những vỉ thuốc kháng sinh, những vỉ thuốc tim ([3]), thuốc bổ dùng xong bao giờ cũng được cho gọn gàng vào trong các vỏ bao thuốc lá mới vất vào thùng rác, rồi đổ bã chè lên trên. Cho nó ướt nhoe nhoét, cho nó thẫm đen lại, trông rất bẩn thỉu. Khi xách thùng rác đi đổ bao giờ tôi cũng nghênh ngó xem có ai đang quan sát mình không, và trong số những chú bé cô bé bất hạnh áo quần hôi hám, mặt mũi nhem nhuốc gầy gò bẩn thỉu ngồi vạ vật quanh đống rác Ngã Sáu chạy tới bới bới chỗ rác tôi vừa đổ có bé nào khả nghi, được thuê làm đặc tình không.Thì ra chẳng cứ trong tù. Ở ngoài đời tôi cũng luôn có cảm giác trần trụi giữa bầy sói.

Cuộc sống như vậy có thể làm người ta điên lên được. Nhưng thật may, chúng tôi không điên. Chúng tôi chỉ mắc chứng tâm thần. Trong thống kê của Bộ Y Tế in trên báo Sức Khoẻ & Đời Sống mà anh Lê Thấu gửi miễn phí một năm cho tôi có chỉ rõ số người tâm thần ở nước ta chiếm tới 20 phần trăm. Thống kê này có lẽ chưa có vợ chồng tôi. Chúng tôi cứ như những người hoạt động tình báo, sống giữa lòng địch, nguy hiểm rình mò từng giây phút.

Sau khi tôi dự đại hội nhà văn về, Dũng đến. Anh là trung tá an ninh, làm ở PA 25, nghĩa là phòng bảo vệ văn hoá sở công an. Dáng người cao lớn to đậm, Dũng khoảng ngoài bốn mươi tuổi. Tôi biết Dũng từ khi còn làm thi đua ở xí nghiệp đánh cá. Chính Dũng là người đã cầm giấy của PA 25 do đại tá Hàm ký xác nhận tôi đã đi tù năm năm do có quan điểm tư tưởng sai xuống xí nghiệp để xí nghiệp có thể làm thủ tục hưu trí cho tôi. Không chỉ trao cho phòng tổ chức xí nghiệp, Dũng còn đưa cho tôi một bản. Coi như kết thúc công việc mà tôi đề nghị đã hai tháng trời, một sự giúp đỡ đối với tôi. Tôi chân thành cảm ơn anh Hàm, cảm ơn Dũng và mời Dũng đi uống bia. Dũng hơi ngần ngại. Tôi bảo:

– Bây giờ xong công việc tôi mới dám mời Dũng. Đây là tình cảm chân thật của mình.

Không hiểu sao tôi tin anh. Tôi tin anh hiểu được tôi, hiểu được cái đám viết văn chúng tôi. Anh làm vì công việc anh phải làm. Vì anh ở trong ngành ấy, anh ký sổ lĩnh lương ở đấy. Người ta giao nhiệm vụ cho anh. Anh phải thực hiện. Cũng phải cảnh giác đấy, nhưng chắc chắn anh không là loại người lục lọi bới tìm để chứng minh chúng tôi là kẻ chống đối và anh là người sắc sảo, mẫn cán, cần được đề bạt. Anh không vui trên đau khổ người khác, sống trên cái chết của người khác như ông Lan, ông Trần trong tiểu thuyết, ông An Mặt Ngựa, ông Trần Đông ngoài đời. Tôi đã nói với Dũng khi hai chúng tôi thân nhau hơn:

– Nếu em ([4]) cất cái lon đi — ngụ ý ngành công an mà Dũng đang công tác, chứ Dũng có đeo lon bao giờ đâu, Dũng là công an chìm mà! — thì anh em mình có thể là bạn bia của nhau đấy.

Và tôi nói với Dũng những điều tôi suy nghĩ về ngành công an hiện nay mà theo tôi là đã khác trước do mặt bằng khách quan đã thay đổi. Rồi cả những nhận xét của tôi về Dũng:

– Riêng với Dũng, anh tin. Niềm tin này hoàn toàn trực giác. Như trong tù anh tin Giăng. Anh đã không lầm. Bây giờ anh tin Dũng. Cho đến nay anh thấy mình không lầm. Anh nói thế không phải là nịnh em đâu. Bởi nếu anh có tội, em cũng không cứu nổi anh.

Tôi nghĩ Dũng cũng hiểu lời nói của tôi là chân tình. Một lần tôi thấp giọng nói với Dũng:

– Có người nói với anh là Đoàn Thị Tảo cũng có hồ sơ theo dõi thì sợ thật…

Dũng im lặng, không cải chính. Tôi hiểu đó là một sự thật. Đoàn Thị Tảo, em gái Đoàn Lê, tác giả Chị Tôi đã được phổ nhạc. Hiền lành, chân chất. Chẳng trường phái, chủ nghĩa. Chẳng chính trị chính em. Giản dị như một người trồng rau. Mà cũng có hồ sơ theo dõi. Chỉ vì Tảo làm thơ! Tôi đã nhiều lần nói với Dũng — và một người cùng đi với Dũng mà tôi không nhớ được tên, bao giờ công an đến các nhà đối tượng cũng đi hai người — về những vấn đề quan trọng nhất một cách rất thẳng thắn:

– Đảng độc quyền lãnh đạo, điều ấy đi ngược lại quy luật, cả quy luật tự nhiên lẫn xã hội. Bây giờ chỉ có ba chúng ta đều là đàn ông, anh xin phép lấy một ví dụ. Mỗi lần làm tình, ở người cũng như ở loài vật, hàng triệu con tinh trùng được phóng ra, và con nào khỏe nhất thì được thụ tinh. Chính vì thế nên chúng ta mới được như ngày nay. Còn nếu mỗi lần chỉ có một con tinh trùng duy nhất đủng đỉnh bơi, vừa bơi vừa nghỉ vừa làm thơ thì có lẽ anh em ta đến bây giờ chỉ cao thế này thôi.— Tôi hạ thấp bàn tay cách mặt sàn khoảng hai mươi cm. Độc quyền chắc chắn dẫn đến thoái hóa. Chưa đa nguyên đa đảng được thì phải chịu thôi. Con đường đi tới phải là đa nguyên đa đảng. Cuộc sống là đa nguyên. Cuộc sống chưa nhất nguyên bao giờ!

Và tôi nói sang chuyện thứ hai, cũng quan trọng không kém;

– Chống tham nhũng là phải chống bằng cơ chế. Kêu gọi lương tâm đạo đức làm sao chống được. Ở nông thôn đấy: Thực hiện khoán hộ là giảm hẳn tham nhũng! Bây giờ Việt Nam có hai đảng chẳng hạn. Anh tin là tham nhũng sẽ giảm ngay! Một anh làm quan, một anh khác bắc kính lúp soi từng bước chân của anh kia, có giảm không? Giảm hẳn đấy.

Dũng và người cùng đi im lặng. Không hưởng ứng cũng không phản bác.

Rồi tôi gặp thượng tá Kiên, trưởng phòng bảo vệ văn hóa của Sở Công An, người tôi đã gặp về cái vụ giấy mời của Nghị Viện Châu Âu. Cả hai lần đều là Dũng đến nhà từ hôm trước và mời miệng:

– Mai anh có rỗi không đi đằng này với em.

Lần thứ hai gặp Kiên không phải ở một phòng nào đó của sở mà tại khách sạn. Khách sạn Thái Dương cao bốn năm tầng gần nhà tôi. Tầng hai. Phòng lạnh. Thượng tá Kiên ngồi chờ sẵn. Khác với lần trước tỏ vẻ lịch sự và niềm nở, lần này sau cái bắt tay, suốt trong câu chuyện, Kiên gườm gườm nhìn tôi như muốn nắn gân tôi, như muốn nói tôi là một kẻ có vấn đề, vừa in một tập sách xuyên tạc, nói xấu chế độ, được cơ quan an ninh mời lên làm cho rõ và cảnh báo: Đừng đi xa hơn nữa. Thái độ của Kiên là thái độ của chính quyền mà Kiên bầy tỏ.

Tôi không nhớ Kiên và Dũng đã hỏi tôi những gì và câu chuyện được bắt đầu thế nào. Chỉ biết rằng tất cả xoay chung quanh tập sách. Dũng thì niềm nở. Còn người thượng — hay đại? — tá trưởng phòng PA 25 vẫn cặp mắt nghiêm khắc toàn tâm toàn ý vì cách mạng nhìn kẻ chống đối, nguy hiểm cho chế độ. Tôi đã ngán đến tận cổ cái nhìn ấy. Nó vừa giả dối, vừa hỗn xược. Đã một lần tôi nghiêm mặt nhìn lại anh. Để nhắc rằng anh mời tôi đến, tôi là khách của anh. Hãy là một chủ nhân lịch sự, anh bạn trẻ ạ ([5]). Tôi đã được tôi luyện bởi những cái nhìn còn khủng khiếp hơn nhiều. Các anh hãy biết điều. Sức mạnh ở phía các anh. Nhưng chân lý không ở phía các anh. Trước đây, nhốt tôi vào xà lim các anh cũng không bẻ gẫy được tôi, nữa là bây giờ, tôi đang là người tự do. Tôi hơi ngạc nhiên về thái độ thù địch của Kiên.

Kiên cũng nói anh đọc sách của tôi rồi. Lên tận Hà Nội mua một bộ. Tôi biết anh đã đọc Chuyện kể năm 2000 rồi chứ sao không biết. Chỉ không biết vì sao trước một câu chuyện chân thật như thế mà anh vẫn định chơi với tác giả của nó trò chơi chuyên chính? Rồi tôi lại nghĩ có thể chỉ là thủ thuật nghề nghiệp của anh để thực hiện lệnh trên. Kiên hỏi tôi về quá trình in ấn tập sách, về số sách tặng, về việc xử lý những người có liên quan thuộc nhà xuất bản Thanh Niên… Đại ý thế. Tôi nhớ một câu của anh:

– Anh viết về ngành công an như thế chúng tôi có nói gì anh đâu.

Rõ ràng ẩn một chữ xấuxấu như thế — trong câu của Kiên. Và tôi đã đáp lời anh, nói thẳng ra điều anh định nói:

– Tôi chưa bao giờ đặt cho văn học cái chức năng nói xấu ngành này người khác. Những người có tâm địa như thế viết làm sao được. Tôi viết về những bài học đã qua và mong muốn nó hoàn toàn chấm dứt.

– Anh viết về già Đô như thế mà anh bảo là thật à?

Tôi hiểu ngay điều này, tất nhiên theo cách hiểu chủ quan của tôi. Nhân vật già Đô trong tiểu thuyết của tôi được thêm vào những chi tiết của già Hải, một tù nhân Hải Phòng bị bắt sau vụ giải cứu phi công ở Sơn Tây không thành của Mỹ chỉ vì thời chống Pháp ông đã làm y tá cho bệnh viện Mỹ viện trợ, cùng với những chi tiết của ông Trần Đức Lục, một nhân vật trong tiểu thuyết Làn Sóng Thứ Nhất mà sở công an đã tịch thu và còn thu giữ đến bây giờ, cộng với những ám ảnh về số phận những người như Nguyễn Mạnh Tường, Trần Đức Thảo… Tôi nghĩ có thể các anh đã đọc lại những bản thảo của tôi mà các anh đã tịch thu — vô cớ — và phát hiện ra điều ấy. Tôi cười:

– Trước tiên Chuyện kể năm 2000 là một quyển tiểu thuyết, chứ không phải người thực việc thực. Hơn nữa cái thực trong tiểu thuyết khác cái thực ngoài đời. Nhưng nếu bốn nhân vật chính là vợ chồng người tù, ông Trần, ông Hoàng thật đến từng chi tiết các anh nghĩ sao?

Tôi ngừng lại chờ câu trả lời.

Dũng, Kiên im lặng.

Trả lời sao được! Nếu bốn nhân vật ấy thực đến từng chi tiết — và hai ông tá an ninh đang tiếp tôi trong phòng lạnh đây thừa biết nó thực đến từng chi tiết — thì phải minh oan, khôi phục, đền bù những thiệt hại vật chất tinh thần cho anh tù Nguyễn Văn Tuấn.

Và đồng thời phải đưa ông Trần và những cộng sự của ông ta ra truy tố trước pháp luật. Nếu có một gram luật pháp, một cái miligam trách nhiệm đối với con người thì phải làm như vậy. Lại càng phải làm vì xã hội chúng ta là công bằng nhất thế giới và nền dân chủ của chúng ta triệu lần hơn những nền dân chủ tư sản trên thế giới.

Chờ một lúc không thấy ai lên tiếng, tôi mới giơ tay lia ngang trong không khí như một thầy giáo đứng trên bục giảng trước đám học trò đang im lặng lắng nghe:

– Không ai trả lời được câu hỏi này đâu!

Tôi nói để người đối thoại với tôi hiểu rõ tôi hơn:

– Các anh hãy đặt các anh vào địa vị tôi. Không có tội gì bị bắt tù năm năm. Giấy chứng nhận của anh Hàm nói lên điều ấy. Tôi đi tù vì có tư tưởng sai. Tư tưởng chứ không phải phát ngôn hay viết lách. Nghĩa là hoàn toàn chưa biểu hiện bằng hành động kể cả phát ngôn, vì phát ngôn cũng là hành động. Tất cả còn nằm trong ý nghĩ. Làm sao công an biết được tôi nghĩ gì. Điều đó chỉ có nghĩa là tôi vô tội. Nếu các anh buộc được tội tôi, tôi tình nguyện đi tù năm năm nữa. Và lần đi tù này, xin hứa với các anh là sau khi ra tù, tôi sẽ không viết một dòng về nhà tù. Lời hứa danh dự của tôi.

Không ai nói gì, tôi tiếp tục điều vẫn nghiền ngẫm:

– Không có tội, bị bắt tù năm năm nào đã xong đâu. Còn bị chĩa ống ngắm vào suốt cả đời. Tôi biết các anh vẫn theo dõi tôi chứ. Cũng đúng thôi. Ở Hải Phòng này các anh không theo dõi tôi thì theo dõi ai. Không chĩa ống ngắm vào tôi thì chĩa ống ngắm vào ai. Một thế hệ công an đã theo dõi tôi. Họ đã già đi. Đã về hưu. Và bây giờ một thế hệ công an khác tiếp tục theo dõi. Nếu tôi sống dai thì lại một thế hệ nữa. Khủng khiếp quá.

Kiên khôn khéo chuyển đề tài và với tư cách là một người lãnh đạo, nhìn xa trông rộng:

– Rồi đây anh sẽ được nước ngoài mời, ý anh thế nào?

Tôi nhắc lại những ý kiến tôi đã nói với Kiên trong lần gặp Kiên hai năm trước cũng về chuyện nước ngoài mời tôi:

– Có lẽ các anh sợ tôi ra nước ngoài rồi tôi ở hẳn bên ấy, không về nữa. Các anh đừng bao giờ nghĩ về tôi như vậy. Nghĩ như thế là các anh không hiểu tôi. Tôi đã gần bẩy mươi, làm sao có thể rời gia đình, bỏ vợ con bạn bè tổ quốc mà đi sống lưu vong cho được. Cảnh sống lưu vong ở cái tuổi sắp chết không phải là điều tôi lựa chọn. Năm 1979, nhiều bạn tù gốc Hoa đóng tầu, vào Sở Dầu mua dầu vượt biên. Họ đến nhà tôi hỏi tôi có đi không. Tôi đi thì không phải đóng tiền. Nhưng tôi không đi. Tôi không hình dung được mình sẽ sống lưu vong như thế nào.

Cử tọa của tôi vẫn im lặng.

Tôi nói tiếp dòng suy nghĩ:

– Anh Vũ Thư Hiên là bạn tôi đang sống lưu vong bên Pháp. Tôi rất thương anh ấy. Già rồi. Dân đầu đen sống bên ấy hẳn rất buồn. Viết văn mà rời xa tổ quốc khó viết lắm, nếu không nói rằng không viết được. Bao nhiêu nhà văn gốc Việt ở nước ngoài có viết được cái gì thật xuất sắc, thật hay đâu. Mà họ là những người đọc rộng tài cao. Độc giả đích thực là ở trong nước. Nguyên liệu để mình viết là những gì xẩy ra trong nước. Đó là cái núm nhau, cái vú sữa nuôi mình. Rời ra là khô kiệt. Các anh cũng đừng sợ tôi ra nước ngoài rồi sẽ bị lợi dụng. Tôi là người viết văn, nghĩa là một trí thức, tôi không để cho ai dùng tôi, dù là phía bên này hay phía bên kia. Tôi là một con người chứ không phải một công cụ, một cái khăn lau để người ta lau rồi quẳng vào một chỗ. Tôi thừa biết chính trị là như thế nào. Nói thật với các anh, tôi chưa bao giờ coi trọng chính trị, coi trọng những người làm chính trị. Những người làm chính trị sau khi giành được chính quyền luôn mắc đúng những điều mà họ chống, mà họ giương cao thành một ngọn cờ để tập hợp quần chúng, tập hợp nhân dân đi theo họ. Giữa Napoléon và Victor Hugo tôi chọn Hugo. Giữa Lê Lợi và Nguyễn Trãi tôi chọn Nguyễn Trãi. Giữa Quang Trung và Nguyễn Du tôi chọn Nguyễn Du.

Kiên vẫn với tầm nhìn xa trông rộng:

– Rồi anh sẽ nhận được nhiều tài trợ đấy. Nếu một tổ chức nước ngoài tài trợ cho anh, anh có nhận không?

Tôi đáp:

– Tôi in tập sách này hết mấy chục triệu. Cũng may vợ chồng tôi tích cóp được một số tiền. Tiền của các con tôi cho chúng tôi. Cho vợ tôi đi lễ. Cho tôi ăn quà. Gần đây là năm triệu tiền đầu tư sáng tác của Hội Nhà Văn, năm triệu tiền giải thưởng của tạp chí Văn Nghệ Quân Đội. Tôi đi tù không án không lời kết tội. Thế nhưng khi làm thủ tục hưu, những năm tháng trước đây của tôi bị cắt hết, kêu xin các nơi không ai giải quyết. Tôi chỉ được tính số thời gian đi làm trở lại, mà không biết bao nhiêu năm tôi ăn lương khởi điểm. Trong khi ấy anh Hoàng Trừ, đại tá, phó giám đốc sở công an án nặng, bị kết án tù hai mươi năm hay chung thân tôi không nhớ rõ, tù ít năm đã được ra, lại được lương hưu, lại lương đại tá, lại lão thành cách mạng. Anh Tảo giám đốc sở lương thực bị án tù cũng là hai mươi năm hay chung thân tôi không nhớ. Ra tù, cũng lại hưởng lương hưu của giám đốc sở, cũng lại hưởng tiêu chuẩn lão thành cách mạng. Những chuyện này các anh biết hơn tôi. Các anh biết rõ luật pháp là như thế nào hơn tôi. Còn tôi không có tội gì thì bị cắt tất cả. Lương hưu tôi khi làm sổ có 160 nghìn. Vợ tôi hơn tôi mấy nghìn, không thể nào đủ sống. Cho nên bất kỳ cá nhân hay tổ chức nào tài trợ cho tôi mà không kèm theo điều kiện gì tôi đều nhận.

Sau lần gặp tại nhà hàng Thái Dương ít ngày, Dũng lại gọi điện đến tôi:

– Mai anh có rỗi không?

– Mình lúc nào cũng rỗi thôi. Có việc gì?

– Mai mời anh đi đằng này với em một tí.

– Đi đâu cơ?

– Đến một cửa hàng. Uống nước với bọn em.

– Việc công hay việc tư?

– Vừa công vừa tư. Chuyện vui thôi mà.

Không muốn tiếp tục chơi trò “đánh đu với tinh”, tôi thẳng thắn trả lời Dũng:

– Thế này Dũng ạ. Anh em mình hiểu nhau, quý nhau. Chuyện riêng, gặp nhau ở đâu cũng được. Nhưng nếu là việc công thì Dũng cho mình xin cái giấy. Cho nó danh chính ngôn thuận chứ cứ nửa đi chơi nửa triệu tập thế này phiền lắm.

Tôi định bụng nếu có giấy mời của sở công an, tôi sẽ giữ cái giấy ấy. Trong đời tôi đã rất nhiều lần nhận giấy gọi, giấy mời của sở công an, mà có bao giờ được giữ một tờ nào đâu. Tờ giấy mời hoặc giấy gọi nào cũng có dòng chữ ghi chú: Yêu cầu đến đúng giờ, khi đến mang theo giấy này, và tôi phải trình ra cái giấy đã trở thành quen thuộc ấy để người ta thu lại. Kẻ bị gọi, bị mời không bao giờ có một bằng chứng gì về việc mình bị triệu tập. Đến cái lệnh tha do ông chánh giám thị trại Vĩnh Quang cấp, tôi cũng phải nộp lại công an, có được giữ đâu. Lần này nếu có giấy gọi, giấy mời, tôi sẽ cất nó ở nhà và chỉ đi người không đến. Để làm kỷ niệm. Kỷ niệm của đời mình. Của thời mình.

Hôm sau Dũng đến nhà tôi. Không đưa giấy mời. Không đưa giấy gọi. Anh ngồi chơi ở nhà tôi rất lâu. Toàn chuyện vu vơ, chẳng đâu vào đâu. Tôi cố nắm bắt thực chất việc Dũng đến nhà lần này mà không được. Hôm ấy tôi rất ghét Dũng. Anh dò xét gì ở tôi. Nhằm vào sơ hở gì ở tôi. Tôi vẫn nghĩ Dũng là người tốt nhưng còn công việc, còn những nhiệm vụ người ta giao để còn ký vào sổ lương hàng tháng. Vợ tôi gần như không chịu được buổi viếng thăm ấy. “Bả” bỏ bữa cơm trưa.

Vợ tôi có hệ thần kinh quá nhạy cảm với nền chuyên chính mà cả hai bên gia đình chúng tôi góp phần tạo dựng, một sự xúc động quá mức với tất cả những gì dính dáng đến nhà tù, tội phạm, đến công an, toà án, viện kiểm sát, đến pháp luật, đến uỷ ban, đến công quyền, đến nỗi đau khổ của con người. Tôi đã nói rất thật với Dũng:

– Mỗi lần Dũng đến nhà anh như thế này là chị bị sốc đấy.

Dũng thông cảm với tôi điều ấy.

Nhưng làm sao Dũng không đến được. Và sau khi Dũng về bao giờ chúng tôi cũng có nhiều suy nghĩ nhưng không trao đổi cùng nhau, chỉ vì muốn tránh cho nhau chủ đề ấy, cái chủ đề đầu độc cả cuộc đời chúng tôi: Công an đến làm gì nhỉ, định tìm hiểu điều gì nhỉ. Và như vậy có nghĩa là mình đang có vấn đề với họ nhưng là vấn đề gì, sắp tới họ sẽ giở trò gì với mình. Hình như mình đã có những sơ hở hớ hênh và phải rất cẩn thận.

B.N.T.

([1]) Phạm Xuân Nguyên không tù ta, chuyện xảy ra năm 2003 mới đây thôi, khi anh đang là phó chủ tịch Hội Nhà Văn Hà Nội!

(2) Nghĩa là khẽ nhích một chút, hơi khép lại một chút rồi bất động.

(3) Trong giai đoạn căng thẳng này chứng đau thắt ngực của vợ tôi đã biến thành bệnh tim với tên gọi thiểu năng động mạch vành.

(4) Tôi đã gọi Dũng bằng em.

(5) Kiên cũng trạc tuổi Dũng.

(Xem tiếp kỳ sau)


Comments are closed.