Nguyễn Mạnh Tuấn-Nửa đời văn không thẻ hội viên

n_i s_ h_iNhà văn Nguyễn Mạnh Tuấn một thời lận đận vì những tác phẩm Đứng trước biển, Cù lao Tràm… viết trước Đổi mới vài năm. Lúc ấy những tác phẩm nổi đình nổi đám của ông vừa mang lại cho ông danh tiếng, vừa đẩy ông vào một tình huống mà ông gọi là “lên bờ xuống ruộng”. Thời điểm khó khăn nhất trong đời văn của mình, ông đã không nhận được một tiếng nói ủng hộ nào từ Hội Nhà văn. Năm 1990, ông quyết định rời khỏi hội và từ đó chọn cho mình một lối đi độc lập trong sáng tác và mưu sinh. Mở đầu cuộc trao đổi với Người Đô Thị, ông nhắc lại câu chuyện cũ…

Năm 1990 tôi là trưởng phòng biên tập hãng phim Nguyễn Đình Chiểu, thu nhập cũng khá, bởi những năm đó hãng phim nhà nước sống khỏe, do không có sự cạnh tranh. Tôi đã ra khỏi hội và ra khỏi nhà nước trong tâm lý xã hội đang quan niệm phải là “cán bộ”, phải trong biên chế nhà nước mới có đời sống ổn định, mới là “công dân hạng nhất”. Tôi cũng phải đấu tranh tư tưởng rất nhiều. Ở lại thì được gì, “giũ áo ra đi” thì được gì. Hồi đó, việc ra khỏi hội còn bị coi như “đào ngũ”, báo chí không nhắc đến tên, sách viết ra không được quảng bá. Tôi rơi vào tình trạng bị cô lập. Những cuốn Cù laoTràm, Đứng trước biển đụng chạm vào những vấn đề cốt lõi của sự trì trệ, thói quan liêu của xã hội thời đó. Tôi bị “đánh” “lên bờ xuống ruộng”. Hội Nhà văn TP.HCM và Hội Nhà văn Việt Nam không hề có tiếng nói bảo vệ. Cuốn Tự điển Nhà văn Việt Nam do Hội Nhà văn xuất bản không có tên tôi. Bản thảo tác phẩm tôi gửi cho các nhà xuất bản ở Hà Nội đều bị gác khéo.

May mắn, thời gian này tôi sống ở miền Nam, cơ chế thoáng hơn nên việc tôi ra khỏi hội không ảnh hưởng đến việc in sách và công bố tác phẩm. Sách của tôi viết ra trong những năm 1990 trở đi đều được in từ các nhà xuất bản địa phương ở miền Nam.

Không khí nặng nề lúc ấy, cũng có lúc khiến tôi mệt mỏi. Tôi đã mua đất ở ngoại thành để về ở ẩn. Nhưng các đài truyền hình và các hãng phim “không tha”, khiến tôi đành chuyển sang viết kịch bản phim. Tôi nghĩ, hoàn cảnh cũng có chi phối, nhưng đó không phải gốc của vấn đề. Có quan điểm sống, sáng tác đúng thì mình sẽ tồn tại.

Thưa ông, khi trở thành một người cầm bút độc lập, ông trải nghiệm được điều gì?

Ở góc độ sáng tác phải nói là rất thuận lợi, vì hoàn toàn tự do về thời gian, tự do chọn lựa đề tài, không phụ thuộc vào “chỉ đạo” của bất kỳ ai. Nhưng thời gian đầu, do quá quen an nhàn (thực ra là lười biếng) trong cơ chế bao cấp, giờ phải sống tích cực hơn trong “tự do”, cũng rất chật vật về tâm lý. Khi tôi được mời vào Hội Nhà văn, cũng cảm thấy danh giá, nhưng khi nhận thức nơi đó không phải là “thánh đường” thì xin ra cũng là lẽ thường.

Từ khi chuyển sang làm phim, tôi vẫn sống khỏe. Thay vì viết tiểu thuyết thì viết kịch bản phim, tôi vẫn đưa được tư tưởng của mình đến với công chúng. Một cuốn sách giờ chỉ in vài ngàn cuốn, một bộ phim hay thu hút hàng triệu khán giả. Điện ảnh và truyền hình là loại hình nghệ thuật hiện đại có tác động quảng bá và phục vụ rộng rãi tới công chúng, không lý do gì mình không tham gia. Trong khi cuốn sách chỉ mình nhà văn đứng tên tác giả thì với một bộ phim, tác giả là cả một tập thể: đạo diễn, quay phim, diễn viên…, biên kịch (nhà văn) lọt thỏm giữa đám đông! Có thể điều này khiến nhiều nhà văn không thích làm phim, nhưng với tôi thì không đáng bận tâm. manh-tuan-1

Cuộc đời viết văn của ông đã trải qua thời bao cấp, thời đổi mới và bây giờ có lẽ sắp bước sang “đổi mới lần hai”. Thời cuộc thay đổi, quan điểm sáng tác của ông có thay đổi hay không, thưa ông?

Trước những chuyển biến xã hội, tôi thấy, có nhà văn như được nhận thức lại, có người lại đưa ra quan điểm ngược với những gì họ nói trước đó. Còn tôi, tuyệt nhiên không có điều đó. Bởi trước sau tôi vẫn viết trên nguyên tắc trình bày hiện thực xã hội, qua đó mới gởi gắm vấn đề mình quan tâm. Nếu vấn đề bị hiểu sai, coi như mình thất bại. Nay hiểu thế này mai hiểu thế khác thì chính anh tự phủ nhận mình. Không có tư tưởng ổn định là nguồn gốc của sự sáng tác lệ thuộc và cơ hội. Tôi không bao giờ hoang tưởng về lao động nhà văn của mình. Đã có lần trả lời phỏng vấn báo chí, với câu hỏi: “Ông có phấn đấu để tác phẩm của mình lưu danh muôn thuở?”, tôi nói: “Mỗi tác phẩm của tôi chỉ cần sống ba năm, ba năm sau người ta quên thì tôi viết cuốn khác, và nếu không còn sức viết thì tôi bỏ nghề, chứ quyết không nói lung tung”. Đến bây giờ mấy chục năm qua, người ta vẫn nhắc đến tác phẩm của mình, như thế là tôi đã có lời.

Vừa rồi tôi nói về quan điểm sáng tác và hành nghề, nhưng về nghệ thuật, kỹ thuật lại khác. Bây giờ đang thời đại bùng nổ internet, tác phẩm văn học muốn thích nghi với sự chuyển động xã hội nhanh đến thế phải thay đổi rất nhiều về phương cách thể hiện, nếu không sẽ lỗi thời. Khi internet đã thành kênh phổ cập thông tin và gợi tạo cảm xúc rất phong phú cho đời sống xã hội, không lý gì văn học cũng như các loại hình nghệ thuật khác không chịu ảnh hưởng.

Tôi tin đến thế kỷ 100, vẫn có người đọc sách, nhưng cùng lúc ấy chắc chắn chẳng ai đọc các tác giả vẫn viết theo kiểu thế kỷ XX. Nên ngay từ bây giờ, nhà văn phải sớm biết mình, biết người, tự thân tìm cách thay đổi để thu hút bạn đọc, đừng vội chê độc giả xuống cấp. Nhà văn có nhiều tác phẩm được công chúng đón nhận, đương nhiên cũng là nhà văn sống được bằng nghề. Đã viết ít thì cũng nói ít thôi.

Ông bình luận gì về vai trò của Hội Nhà văn hiện nay?

Ở nước ta, các loại hội kiểu hiện nay, ra đời vào thời mặt trận Việt Minh những năm bốn mươi, như một phương cách để những người cộng sản tập hợp quần chúng và hình thành lực lượng chính trị… trong đó có Liên hiệp các hội văn học nghệ thuật bao gồm các hội chuyên ngành như Hội Nhạc sĩ, Hội Mỹ thuật, Hội Nhà văn… Việc các hội được bao cấp kinh phí hoạt động trong thời gian rất dài đã trở thành một nguyên nhân đáng kể của tình trạng ỷ lại, thụ động, thiếu sự sáng tạo và sự phong phú trong sáng tác. Đã có những tác giả và tác phẩm nghệ thuật trở thành công cụ thuần túy, sa vào sự thô thiển trong quá trình phục vụ mục tiêu chính trị.

Vào những năm 1980, ông đã viết Những khoảng cách còn lại. Bốn mươi năm sau ngày thống nhất đất nước, nhìn lại ông thấy “khoảng cách” ấy đã được thay đổi thế nào?

Khoảng cách thì cứ mãi còn và thậm chí có nhiều nguyên nhân khiến nó lại còn xa hơn. Xa hơn là vì ngày nay hình như chúng ta vẫn lẫn lộn giữa hai vấn đề: chiến tranh vệ quốc và xây dựng đất nước sau chiến tranh. Nếu không phân định rõ hai vấn đề này thì khoảng cách mãi mãi xa. Xã hội mấy chục năm qua đã có nhiều thay đổi và có không ít những nhân tố tích cực. Nhưng thực tế cũng cho thấy sự bất mãn và sa sút niềm tin trong nhân dân ngày càng đáng lo ngại. Nguyên nhân chính là nạn tham nhũng ngày càng nghiêm trọng và tỏ ra khó bị đẩy lùi; do chiều hướng gia tăng nhanh các căn bệnh xã hội như coi thường luật pháp, gian dối trong các mối quan hệ, bạo lực, vô cảm…, do sự trì trệ cải cách thể chế đã làm ảnh hưởng đến cơ hội phát triển… Và rồi, những sai lầm của việc quản trị xã hội hiện tại dường như đã làm nảy sinh tâm lý phủ định mọi sự, kể cả cuộc chiến tranh vệ quốc. Bản thân tôi cho rằng, cuộc chiến tranh vệ quốc và kết quả hòa bình, thống nhất đất nước là xong một chương của lịch sử. Xây dựng đất nuớc, dù vẫn người cũ, lại là một chương khác, với những đòi hỏi khác và cách đánh giá khác.


Nhà văn Nguyễn Mạnh Tuấn sinh năm 1945, viết văn từ những năm 70 thế kỷ trước, gây ấn tượng mạnh với độc giả qua những cuốn tiểu thuyết nổi đình đám vào những năm 1980: Những khoảng cách còn lại, Cù lao Tràm, Đứng trước biển, Ngoại tình, Đời hát rong, Yêu như là sống… Năm 1990 ông ra khỏi Hội Nhà văn, bắt đầu tập trung viết kịch bản phim điện ảnh và phim truyền hình: Đồng tiền xương máu, Người đàn bà yếu đuối, Chuyện tình bên dòng kinh Xáng, Ấp ba nhà, Cô thư ký xinh đẹp, Blouse trắng, Hướng nghiệp, Nghề báo, Hậu họa, Thái sư Trần Thủ Độ, Huyền sử Thiên đô, Công nghệ thời trang… Sau hơn mười năm vắng bóng trên văn đàn, mới đây nhà văn Nguyễn Mạnh Tuấn tái xuất với các tác phẩm Nỗi sợ hãi mầu nhiệm, Phần hồn.


Duy Thông thực hiện  

Nguồn: http://www.nguoidothi.vn/vn/news/van-hoa-giai-tri/doi-nghe-si/6570/nguyen-manh-tuan-nua-doi-van-khong-the-hoi-vien.ndt

Comments are closed.