(Trung tâm triển lãm nghệ thuật đương đại The Factory (15 Nguyễn Ư Dĩ, Thảo Điền, Q. 2), từ 14/12/2018 đến 27/1/2019)
Nguyễn Viện
“Cùng nhau” là tất nhiên, bởi đó không chỉ là một triển lãm chung của hai nghệ sĩ Julia Sarisetiati (Indonesia) và Vicky Đỗ (VN), mà nó còn là một lời mời gọi tới cộng đồng trong ý hướng tương tác của không gian nghệ thuật.
Một triển lãm không chỉ để nhìn ngắm mà để sống, cùng nhau.
Vì thế, “ở đây” hay “ở đó” không phải là một định vị ràng buộc. Nó chỉ có nghĩa là chúng ta đang tồn tại, với cả quá khứ và tương lai.
Trong bài này, tôi chỉ viết về phần của Vicky Đỗ.
Từ một căn chòi dăm mét vuông, cánh cổng lưới B40 khép hờ đã rỉ cứng, Vicky Đỗ mời chúng ta bước vào sự tuềnh toàng của một “tổ ấm” không tường vách. Một hình chiếu video từ mái tôn xuống nền nhà, câu chuyện được kể về một nơi chốn không còn nữa. Trong góc, một cầu thang ngắn không dẫn đến đâu, nhưng nếu tò mò, chúng ta có thể tìm thấy trên đầu cầu thang một cuốn vở cũ, trong đó Vicky Đỗ viết tự sự của mình bằng màu mực học trò.
Chương một chỉ có thế. Một bố cục tối giản, nhưng tình tự lại quá mênh mang. “Tổ ấm” hay “quê hương” dường như được Vicky Đỗ định nghĩa như một hoài niệm. Trống vắng. Không nhân vật.
Chương hai, một video art mang tính tư liệu về quận 4 của Saigon mới và cũ, nơi Vicky Đỗ đã trú ngụ/tạm trú/thường trú hay đã sống/đã nương náu, hoặc đã đến/đã đi và trở về… một cách nào đó như một thành tố hay nạn nhân, đó là một bí ẩn của cuộc sống.
Dù thế nào, đó vẫn là một phim đẹp, gạn lọc và công phu.
Chương ba, kết thúc là một backdrop lớn dưới hình thức hộp đèn màu đỏ tía. Những chung cư cao tầng mọc lên như giấc mơ của thành phố, giấc mơ của những con người và sự rao bán giấc mơ đó (bằng những tờ rơi đầy mặt đất rao bán bất động sản).
Quả thực, tôi đã nhìn thấy sự xót xa, cả sự thương nhớ về một chốn nương thân đang trôi đi, như cuộc đời của mỗi con người, nhưng liệu giấc mơ về một tổ ấm có níu giữ con người “ở đây”?
Sự tinh tế mà Vicky Đỗ mang đến dường như buộc người xem phải dấn mình vào một cảm trạng về hiện hữu, tôi như thế nào trong một xã hội đang thay đổi?