Hậu hiện đại mở ra chương mới cho văn học Việt Nam

Inrasara

Khởi đầu thế kỉ mới của thiên kỉ thứ ba sau Công nguyên, chủ nghĩa hậu hiện đại (postmodernism) với trợ lực hữu hiệu của internet đã tạo chuyển biến mang tính bước ngoặt trong văn học Việt Nam. Bởi – sau phong trào văn học thời Tiền chiến – chưa bao giờ tinh thần và nền văn học Việt Nam nhận được cuộc chuyển biến lớn như thế. Sự chuyển biến vừa lặng lẽ vừa ồn ào, tưởng bấp bênh nhưng chắc chắn. Chuyển biến từ cách nghĩ, cách viết, cách công bố tác phẩm cho đến cách tiếp nhận và phê bình.

Nếu lâu nay, đăng báo và in ấn qua khâu kiểm duyệt của các nhà xuất bản Nhà nước được xem là chính thống, thì văn học hậu hiện đại tìm đất sống thông qua website, blog và các nhà xuất bản ngoài luồng để công bố tác phẩm của mình. Trong lúc Hội Nhà văn Việt Nam cùng bao nhiêu Hội Văn nghệ địa phương khác được coi là trung tâm chi phối và thống ngự mọi sinh hoạt văn học, thì các nhà văn hậu hiện đại chiếm lấy vùng ngoại vi một cách đĩnh đạc, từ đó tác động ngược lại đến dòng văn học kia. Nếu 55 năm qua, tuyệt đại đa số cây bút viết và chờ được gia nhập Hội Nhà văn Việt Nam thì nhu cầu đó gần như xa lạ với nhà văn hậu hiện đại, họ hoàn toàn không quan tâm đến Hội đoàn các loại. Trong khi truyền thống chỉ xem sáng tác in giấy mới là tác phẩm đúng nghĩa, thì nhà văn hậu hiện đại phá lệ bằng cách đưa tác phẩm của mình lên “trời”, và cư trú thoải mái trên đó. Cuối cùng, văn học hậu hiện đại có độc giả của nó: cư dân mạng (netcitizen), và cả nhà phê bình của nó: các còm sĩ và nhà phê bình mở.

Đó là điều chưa từng xảy ra trong lịch sử văn học Việt Nam.

1. Chủ nghĩa hậu hiện đại không phải mới xuất hiện ở Việt Nam vào đầu thế kỉ XXI, mà đã manh nha sớm hơn trước đó. Các bài tiểu luận, khảo cứu, dịch thuật và sáng tác hậu hiện đại đã được đăng tải trong tạp chí Thơ tại Hoa Kì và tạp chí Việt ở Úc từ những năm cuối thế kỉ XX. Khảo luận và phê bình hậu hiện đại cũng được Nguyễn Hưng Quốc và Hoàng Ngọc-Tuấn công bố vào cuối thế kỉ XX đầu thế kỉ XXI. Tất cả đã tạo ảnh hưởng đáng kể vào phong trào hậu hiện đại Việt Nam(1). Dẫu sao có thể nói, chỉ khi hàng loạt mạng văn học tiếng Việt như Evan, Tienve, Talawas, Tapchitho, Vanchuongviet, các website cá nhân… ra đời, văn học hậu hiện đại Việt Nam mới có bước chuyển động mạnh(2).

Internet xô đổ bức vách ngăn văn học trong nước và hải ngoại, trung tâm văn hóa lớn với tỉnh lẻ hay vùng sâu vùng xa. Cả sự cản trở mang tính độc đoán của cơ chế cũng đã trở nên thừa thãi. Văn học mạng tìm kiếm, chiếm lĩnh và tạo ra độc giả riêng của mình. Số lượng độc giả đông đảo ngày càng tăng không khỏi khiến văn chương giấy hoang mang. Nếu ở hải ngoại, mười năm tồn tại của website Tienve.org (2002-2012) đã tạo ảnh hưởng quan trọng tới sự thay đổi bộ mặt văn học tiếng Việt, thì trong nước riêng Vanchuongviet, đến đầu tháng 12-2012, con số truy cập lên đến 33,7 triệu lượt/ 7 năm với 2.370 tác giả nhập cuộc chịu chơi. Ngay trang cá nhân Inrasara.com cũng nhận được sáu triệu lượt truy cập chỉ qua năm năm xuất hiện! Đủ thấy sức hấp dẫn của văn học mạng là không thể cưỡng.

Có tác giả chuyển từ in giấy qua in mạng: Nguyễn Quốc Chánh từ Khí hậu đồ vật (NXB Trẻ, 1997) sang Của căn cước ẩn dụ (Talawas.com, 2001); Trần Tiến Dũng từ Hiện (NXB Thanh niên, 2000) qua Bầu trời lông gà lông vịt (Tienve.org, 2003); Lê Vĩnh Tài từ Thơ hỏi thơ (NXB Thanh niên, 2008) sang Thơ hỏi thở, Thơ ơ thơ, Làm thơ, Cánh đồng bất nhân, Ăn của rừng rưng rưng nước mắt (tất cả đều đăng trên Tienve.org, 2012). Có người cư trú cả hai vùng đất, chính thống và phi chính thống. Inrasara: Chuyện 40 năm mới kể & 18 bài thơ tân hình thức (NXB Hội Nhà văn, 2006) đến Ở nơi ấy [thơ thời cuộc] (Tienve.org, 2010); Nhã Thuyên: Viết (Văn học, 2008), Rìa vực (Giấy Vụn, 2011). Có nhà văn lưỡng cư cả giấy lẫn mạng. Nguyễn Viện: Em có gì bí mật, hãy mail cho anh (tiểu thuyết, Tienve.org, 2007), 26 lần Tờ Bờ Lờ (tiểu thuyết, Cửa, 2008), Cơn bấn loạn bằng phẳng (tiểu thuyết, Cửa, 2008), Nín thở & chạy & một hơi (thơ, Cửa, 2008). Nhưng có không ít nhà văn chỉ chọn có mặt trên mạng: Lynh Bacardi, Đinh Vũ Hoàng Nguyên, Tiểu Anh, Lưu Mêlan… là những người đã cắt đứt hẳn với tâm thế giấy.

Chối từ thái độ hướng tâm, họ tình nguyện cư trú ngoại vi. Họ có bộ phận độc giả và nhà phê bình của họ.

2. Một tác giả, một tác phẩm xuất hiện, vấn đề văn học đang nóng… nhận được ý kiến khen chê hay bị bỏ quên ngay khi vừa ra đời. Trên mạng internet! Kịp thời và nhanh nhạy là điều dễ thấy nhất của phê bình ở thời đại vi tính. Nó mang ở tự thân đặc tính của báo chí. Còn hơn báo chí, bởi điều mà báo giấy không kham nổi thì báo mạng, website, blog, facebook đảm đương một cách oanh liệt. Có cả không gian mênh mông cho người quan tâm vào cuộc. Một bài thơ mới lạ kêu đòi nhiều diễn giải khác nhau. Ở Bàn tròn Văn chương(3), nó chỉ dừng lại trong không gian hạn định đó, không thể làm gì hơn. Nhưng nếu bài thơ kia xuất hiện trên mạng, sự diễn dịch và tương tác sẽ được mở, rộng và xa hơn rất nhiều. Chẳng những không giới hạn về không gian, phê bình mở không giới hạn về thời gian.

Tác phẩm văn chương như một thế giới mở tồn tại vô vàn khoảng trống và những điểm trơn trợt bất định, mời gọi sự chắp nối cùng các diễn ngôn khác nhau. Mạng internet dung chứa tất cả. Sự chắp nối và các điểm nhìn này được phát ra từ kinh nghiệm, cảm xúc, tri thức rất khác nhau của nhiều thành phần độc giả khác nhau qua các lần đọc khác nhau. Của kẻ vô danh hay người nổi tiếng, dân nghiệp dư hay chuyên gia hàng đầu.

Độc giả hôm nay mà trình độ thẩm định văn chương đã được nâng cao đáng kể, hết còn thưởng thức tác phẩm thụ động. Trên diễn đàn internet, không ai cầm cây gậy khuơ khoắng chỉ bảo, đe nạt, tất cả đều bình đẳng trong một không gian mở. Dân chủ và vô phân biệt. Ý kiến nào gửi trước thì được đăng trước, xóa nhòa lằn ranh đại chúng với đặc tuyển, chuyên hay không chuyên. Ở đó, đại bộ phận các nhận định không bị biên tập hay sửa chữa.

Phê bình mở vừa tương tác với tác giả, với tác phẩm đồng thời tương tác với các tương tác khác. Phê bình mở không sợ sai. Sai thì sửa sai. Không có gì nghiêm trọng cả. Do đó, nó không cần độ lùi để ngoảnh nhìn lại cho chắc ăn. Nó nhanh nhạy đuổi bắt, song hành và có khi đi trước sáng tác. Văn học trung tâm thường ra vẻ kênh kiệu không quan tâm đến sinh hoạt ngoại vi tưởng nhốn nháo này, vẫn luôn đưa mắt lấm lét liếc sang nó đầy dè chừng. Bởi không ít lần nó làm cho nỗi chính thống kia chới với, liểng xiểng(4).

3. Không chỉ cư lưu “trên trời” nơi sự giải lãnh thổ hóa (deterritorialization) văn học triệt để, tạo cơ hội cho mọi tác giả mới ở vùng miền hẻo lánh nhất của trái đất xuất hiện và thể hiện; thấm đẫm tinh thần phi tâm hóa vô phân biệt, các tác giả mang tinh thần hậu hiện đại vẫn không quay lưng với truyền thống văn hóa giấy in. Bởi tinh thần phản kháng cùng tư tưởng tự do có mặt đậm đặc trong văn bản, họ biết chắc các tác phẩm họ khó lọt qua cửa nhà xuất bản chính thống. Hệ quả tất yếu là, hàng loạt nhà xuất bản phi chính thống như: Giấy Vụn, Tùy Tiện, Cửa, Minh Châu, Da Vàng, Eutopia… ra đời. Chúng cần thiết có mặt để đưa tác phẩm của mình và của văn hữu cùng chí hướng đến những nơi cần đến(5).

In chui và phát hành chui, họ chấp nhận bị theo dõi, bị truy đuổi, bị “hốt”. Thế nên – nhất là khi một bộ phận người đọc Việt Nam chưa có cơ hội tiếp cận với văn học mạng – dù số lượng in mỗi kì là ít ỏi, số tira không quá 200 cuốn, điều các ấn phẩm này muốn là sách đến nơi chúng cần đến, tránh sự lãng phí vô ích. Hơn thế, chúng có mặt để thách thức văn học trung tâm. Thách thức, thế nên ngay cả với tên tuổi tác giả và tác phẩm không vấn đề, họ vẫn chọn hình thức xuất bản này. Vũ Thành Sơn với 40km/h (Giấy Vụn, 2007), Đoàn Minh Châu qua M – N & Z (Minh Châu, 2009) hay Huỳnh Lê Nhật Tấn và Men Da (Da Vàng, 2009) đã làm như thế. Lối in ấn kiểu “du kích” mới mẻ này lôi cuốn cả tác giả thuộc dòng chính thống như Trần Hữu Dũng nhập cuộc. Tập thơ in photocopy 13 bài thơ đẹp của tháng Ba là rất điển hình.

Là hiện tượng chưa từng xảy ra trong 55 năm lịch sử Hội Nhà văn Việt Nam.

Lâu nay, các bản thảo in photocopy được mang biếu như là quà tặng, đọc chơi, nay nhà văn hậu hiện đại Việt Nam xem chúng là tác phẩm, ngự biệt lập ngang tàng trong thế giới chữ nghĩa.

4. "Hoàn cảnh" hậu hiện đại khác, môi trường văn học khác, thủ pháp của các tác giả hậu hiện đại Việt Nam khá khác so với thế giới. Ở mặt này, các nhà thơ là những người thể hiện chất hậu hiện đại trọn vẹn nhất. Thơ thì phải có chất thơ, quan niệm cũ xưa là vậy. Lấy chất liệu từ báo chí, không ngại sử dụng chính văn phong báo chí để làm nên bài thơ. Lý Đợi đã làm thế qua bài thơ “Một nhà thơ bị đánh chết”. Tứ thơ đẹp đi liền ngôn từ đẹp để tạo nên bài thơ thật nên thơ. Hậu hiện đại phi tâm hóa ngôn từ bằng cách cố tình sử dụng ngôn ngữ thông tục đến thô tục đậm đặc trong các sáng tác của mình, vô phân biệt ngôn từ sang trọng với thấp hèn, linh thánh với trần tục.

Lâu nay thơ cứ kì khu, kì khu đến giả tạo. “Khóc Văn Cao” của Bùi Chát dùng đúng sáu âm để cười vào thứ văn chương [cũng như tình cảm và lối hành xử] giả tạo đó. Như là cách dùng độc trị độc, buộc người thơ tự thức mà ngó lại nỗi giả tạo của mình. Truyền thống Việt Nam đồng hóa thơ với tình, qua đó nhiều nhà nghĩ thơ chỉ để cảm chứ không phải để hiểu. Quan điểm này được đẩy đến cùng độ vào thời Thơ Mới với phong trào lãng mạn. Nguyễn Hoàng Nam dùng chính bài thơ tiêu biểu ở thời kì này: "Ngậm ngùi" để chế tác thành bài thơ "Nắng chia nửa bãi chiều rồi" như một cách phản lãng mạn để giải lãng mạn.

Lịch sử không đáng tin cậy, cả lịch sử cá nhân được kể lại qua dạng tự thuật vốn được xem là sự thật đáng tin cũng không đáng tin cậy. Qua bài “Hemingway & bướm – nguyễn & xe tăng”, Phan Bá Thọ chế biến tiểu sử Hemingway lẫn Phạm Duy với nhiều chi tiết thật giả lẫn lộn, trong đó giả nhiều hơn thật. Anh buộc người đọc đọc văn bản thơ của anh, chứ không nên tìm ra sự thật trong văn bản đó. Cùng cách thế, Inrasara qua Hàng mã kí ức kể chuyện thật, nhưng vẫn cứ cho đó là tiểu thuyết. Bởi các sự thật luôn thiếu khuyết và bất toàn, bất toàn này lại được chọn lựa, bị xuyên tạc, bóp méo [một cách vô thức hay ý thức] và cuối cùng được diễn tả qua ngôn ngữ đầy hạn chế của nhà văn.

Không chỉ mỗi ngôn ngữ, nhà thơ hậu hiện đại không ngại sử dụng các chất liệu khác để làm thơ. Thơ cụ thể concrete poetry của Lê Văn Tài ở “Văn bản toàn trị [nhìn sâu]”, chữ dành chỗ cho màu sắc và hình khối. Một bức tranh nhiều màu án ngữ giữa màn hình vi tính. Vòng ngoài là loạt bàn chân cùng đi một chiều tạo cảm giác trăm bước đi trên một lối mòn đã định hướng sẵn, phần trong là các que ngoặc không đều gồm hai màu xanh và xám vô trật tự, trung tâm bức tranh là chiếc sọ dừa với hai thanh dùi cui như hai chiếc xương bánh chè bắt chéo ở tư thế dọa nạt “nguy hiểm chết người”, nhưng sọ dừa kia vẫn rất mực tỏ vẻ đạo mạo đầy quyền uy qua chiếc cà vạt nghiêm chỉnh với hai bàn tay xòe áp vào ngực.

Nguyễn Hoàng Nam với thơ graphic. "Những ngày vô cảm" sử dụng phần mềm graphic của thời vi tính, nhưng bằng các "vật liệu" và đơn vị ý tưởng rất cổ điển: chữ Hán, cờ tướng, thế kẹt Mã điền, nội dung "thời của tốt đen" và "anh hùng mạt vận"… Nguyễn Hoàng Nam còn chế tạo ra loại “thơ phân thân” chưa từng có tiền lệ. “Một bàn chưn” tự tách ra khỏi chủ thể con người để làm cuộc hành trình độc lập với cả chuỗi hành động qua cuộc phiêu lưu riêng lẻ, không liên quan đến con người từng “sở hữu” nó. Đinh Linh và Đỗ Kh. có thơ photo và thơ video. Nguyễn Tôn Hiệt với thơ động tác. “Trăm năm trong cõi / người ta” là bài thơ gồm toàn danh từ hay danh từ kèm động từ, phó mặc người đọc với trò ráp nối và diễn dịch chủ quan trong một hoàn cảnh, tâm trạng nhất định của họ.

Còn vần trong truyền thống thơ Việt là nguyên âm hay nguyên âm kết hợp phụ âm cuối, Đặng Thân nghĩ: Tại sao không thể sử dụng thi pháp lặp lại là phụ âm đầu? Nghĩ là làm. Thế là nhà thơ này dành nguyên tập Thơ phụ âm (Alliteration) [& tôi] để chế tác thơ kiểu này.

Không ít tác giả viết truyện rất ngắn mà vẫn cứ xếp nó vào mục thơ, là cách phi tâm hóa thể loại. Đinh Linh ("La đi man ô li din") và Đặng Thân ("Đặng Mậu Lân [the Đađa-ist]") còn phi tâm hóa thể loại quyết liệt hơn nữa bằng cách xóa nhòa ranh giới thơ – văn xuôi – tiểu luận.

Thơ hình họa pictographic poems hậu hiện đại như "Em đi qua đời tôi" của Ngu Yên, bài thơ chỉ có mỗi chữ NỮ được xếp hình đầy sáng tạo; hay "Quà tặng của Quỷ sứ" của Trần Wũ Khang khác hẳn loại hình này thuở chủ nghĩa hiện đại (Apollinaire, Cunnings chẳng hạn). Nó hết là trò chơi thuần kĩ thuật, mà nội dung cư trú ngay trong hình thức.

Cuối cùng, nghệ sĩ là phải độc sáng, làm ra cái gì chưa hề có trước đó. Bùi Chát nghĩ khác: mỗi sáng tác là mỗi vi phạm bản quyền. Nhà thơ này làm nguyên tập thơ nghĩa Xin lỗi chịu hổng nổi bằng cách nhại các bài thơ nổi tiếng khác.

5. Từ cảm thức đến thủ pháp, từ thái độ đến hành động, nhà văn hậu hiện đại “suy tư toàn cầu, hành động địa phương”. Họ đã ở đó, lăn lộn với đời thực quanh mình. Không hô hào dấn thân nhập cuộc (engagé) như các nhà hiện sinh, càng không phải tổ chức đi vào công xưởng hay vùng đồng bào dân tộc thiểu số để “ba cùng” như chủ trương của các nhà hiện thực xã hội chủ nghĩa. Vẫn tồn tại ranh giới phân cách nhà văn và công chúng, ở đó. Nhà văn hậu hiện đại bị ném vào thế giới. Hắn với thế giới là một.

Tôi lém lước bọt nên tường

tôi yêu những người đàn bà đang nà chuột jưới cống

tôi thấy em mặc cuần nót mười ngàn ba cái mua ở vỉa hè

xách không nàm tôi tốt hơn mỗi khi chủ nhật

tôi nhìn tôi bay chên chời

tôi hành hạ tôi ba bữa

tôi đâm ja

tôi cêu đòi chữ ngĩa

tôi tổ chức chiến chanh

tôi lam mô vị chúa chời

tôi đánh jăng buổi sáng

tôi đâm ja

tôi cải tạo âm hộ

tôi một tờ jấy ni hôn

(Bùi Chát, “Đâm ja”, Xáo chộn chong ngày, Giấy Vụn, 2003)

Đây là bài thơ đẫm tính nhân văn, không phải tính nhân văn thuở lãng mạn – như “Tiếng hát Sông Hương” của Tố Hữu chẳng hạn, mà nhân văn kiểu hậu hiện đại. Thi sĩ biểu hiện sự cảm thông sâu xa với thân phận người nữ dưới đáy xã hội, một người nữ thất học – có lẽ, nói giọng “ngọng”, có thể làm nghề thấp kém và đang mắc kẹt ở xó xỉnh nào đó của thế giới văn minh. Hắn bạo động “cêu đòi chữ ngĩa” cho thân phận này. Thi sĩ nòi mơ mộng, bất cứ đâu và bất kì thời buổi nào. Trong khi Tố Hữu mơ mộng với ẩn dụ đầy thi tính:

Ngày mai bao lớp đời dơ

Sẽ tan như đám mây mờ đêm nay

Thì Bùi Chát không thua kém phân tấc, ước mơ vẫn bay bổng: “tôi nhìn tôi bay chên chời”. Thế nhưng khi đối mặt với hiện thực hắc ám không thể chịu đựng này, mà còn ru nhau: ‘Ngày mai cô sẽ từ trong tới ngoài/ Thơm như bông nhụy hoa lài/ Sạch như nước suối ban mai giữa rừng” thì lãng mạn hết thuốc chữa. Nhà thơ hậu hiện đại khác hẳn, bộc trực, và rất cụ thể: “tôi cải tạo âm hộ”. Cuộc sống sôi động, tốc độ với nhiều âu lo hôm nay, thơ kiểu:

Trăng lên trăng đứng trăng tàn

Đời em ôm chiếc thuyền nan xuôi dòng

Thuyền em rách nát

Mà em chưa chồng

Đã hết đất đứng. Bùi Chát lồ lộ và trần trụi: “tôi yêu những người đàn bà đang nà chuột jưới cống” – như đời sống hiện tại đang bày ra như thế(6).

Ở địa phận khác, trong khi Bay cùng ViLi tại Nhà hát lớn – Hà Nội, nhà thơ hiện đại Vi Thùy Linh đã “tận hiến” cho khán giả sang trọng “cao cấp” một cách điệu đà, đầy tốn kém với tràn phụ thuộc và nhất là – cách li hoàn toàn với hiện thực xã hội ngổn ngang ngoài kia(7), thì nhà văn hậu hiện đại Lê Anh Hoài đã giản đơn đến tinh ròng.

“Tôi là cột điện” nằm trong dự án “Ra đường” do Ngô Lực khởi xướng, được Lê Anh Hoài trình diễn tại Hà Nội, 6-2008, là tác phẩm độc lập về ý tưởng, không phụ thuộc về tài chính hay bất cứ điều kiện gì. Nghệ sĩ đứng trên vỉa hè làm cột điện, mặc cho người xem tự do viết chữ, dán [quảng cáo, rao vặt], dựa lưng, và có cả một cháu bé tè vào… Cột điện tại các thành phố chịu đựng mênh mông nỗi đời và nỗi người, không là chuyện lạ. Nó là một phần không thể thiếu của thành phố, nhưng người ta hoàn toàn quên sự có mặt của nó, nếu không có sự cố liên quan. Một nghệ sĩ tự nguyện mang thân xác phàm trần đứng ra làm cột điện chịu bao trận ấy với mục đích nghệ thuật, thì ở Việt Nam – đây mới là đầu tiên. Hành động nghệ thuật của của Lê Anh Hoài mời gọi nhiều diễn ngôn mang tính nghệ thuật và xã hội khác nhau, ở đó điều cốt tủy là nó lay dậy cộng đồng tự thức về đời sống hiện tại, rộng và sâu. Là điều mà những Bay cùng… các loại không làm được, và không thể làm được.

Trước thân phận dưới đáy xã hội của một người nữ đơn lẻ hay khi đối mặt với sự kiện to lớn của đất nước, nhà văn hậu hiện đại luôn có đó. Nhanh nhạy và tức thì. Sự kiện Hoàng Sa – Trường Sa kì nhất – 2007, họ đã thế. Trong khi hầu hết nhà văn chính thống im lặng – một im lặng của nỗi nhát hèn và của cõi chết, chỉ có họ là “sống” và tỏ thái độ. Bằng lên tiếng, bằng đặt bàn chân xuống đường và nhất là, bằng viết. Hành động và tiếng nói kia luôn bị hăm dọa, bị cản trở, bị đè bẹp. Chớ mong thưởng thức những áng thơ đẹp, trau chuốt đầy tính văn chương ở đây. Họ cần phản xạ cấp kì đáp ứng lại một sự kiện liên quan trực tiếp đến an nguy đất nước. Những phản ứng nhanh, gấp, vội với muôn vàn sắc thái tình cảm như thể phó mặc cho xúc động dâng trào từ trái tim chuyển xuống đầu các ngón tay tràn lên giấy, lên màn hình vi tính.

Bốn mươi tháng đi qua, sự kiện Hoàng Sa – Trường Sa tái diễn. Các văn nghệ sĩ cư trú ngoại vi càng quyết liệt và tới cùng hơn. Bên cạnh thơ là thể loại thích hợp, là các ghi nhanh về hiện thực sống giữa thành phố Hà Nội hay Sài Gòn. Điều đáng nói là đằng sau bài thơ, tản văn viết vội kia, hiển lộ tinh thần phản kháng của nghệ sĩ mang đủ đầy trách nhiệm của công dân cũng như một con người yêu tự do trọn vẹn.

Là điều các sáng tác chính thống hoàn toàn thiếu(8).

*

15 năm ra đời, phát triển và lớn mạnh, trào lưu sáng tác hậu hiện đại Việt Nam vẫn bị phân biệt đối xử. Phía chính lưu – từ mỉa mai, miệt thị cho đến đẩy nó ra ngoài lề [lạ, nó vốn cư trú ngoài lề, ngoại vi, hay đường biên]. Cả thập kỉ sau đó, tạp chí Sông Hương tháng 7-2011 mới có chuyên đề “Dấu ấn hậu hiện đại”. Còn đỡ! Tạp chí Nhà văn chậm chạp hơn nữa, mãi tháng 6-2012, tạp chí “trung tâm” này mới vào cuộc, nhưng không tập trung, do đó – hời hợt.

15 tồn tại trên văn đàn đất nước, chủ nghĩa hậu hiện đại lôi cuốn cả trăm tác giả Việt Nam vào cuộc. Vào cuộc trong tư thế của các tác giả chính lưu [hay trung tâm], nhất là ở lĩnh vực khảo cứu, dịch thuật. Trương Đăng Dung, Nguyễn Văn Dân, Phương Lựu, Hoàng Hưng, Nguyễn Ước, Ngân Xuyên, Trần Quang Thái, Trần Tiễn Cao Đăng, Phạm Viết Đào… Riêng lĩnh vực sáng tác và phê bình, nó vẫn ở lại ngoại vi. Như nó muốn thế. Phan Bá Thọ, Bùi Chát, Lý Đợi, Trần Tiến Dũng, Nguyễn Thị Thúy Quỳnh, Lynh Bacardi, Lê Vĩnh Tài, Inrasara, Đặng Thân, Vũ Thành Sơn, Trần Wũ Khang, Liêu Thái, Nguyễn Viện, Lê Anh Hoài, Nhật Chiêu, Lê Minh Phong, Vũ Lập Nhật, Hoàng Long, Nguyễn Đình Chính, Trần Ngọc Hiếu, Nhã Thuyên, Tiểu Anh, Lưu Mêlan…

15 năm có mặt, văn học hậu hiện đại đang tác động mạnh mẽ đến văn học dòng chính. Nó không mơ mộng xô đổ văn học đương đóng vai trung tâm để chính nó trở thành trung tâm, mà nó sẽ mãi ở lại ngoại vi. Như định mệnh của văn học phải thế trong một hiện thực đất nước đương thời. Lịch sử văn học Việt Nam đã làm chứng cho nỗi đó. Hành trình phát triển thơ Việt cổ điển, Hai mươi tám vì tinh tú trong bầu trời thi ca cuối thời Hồng Đức, hoặc gần hơn – Mặc Vân Thi xã thời Tự Đức biến đâu mất hút, mà chỉ còn lại các tác gia phi chính thống làm giàu sang thơ ca tiếng Việt: Cao Bá Quát, Hồ Xuân Hương, Nguyễn Công Trứ, Tú Xương…

Không bị "định hướng" bó buộc, văn học ngoại vi – mà trào lưu hậu hiện đại là đại diện xứng danh – đã ngấm ngầm khởi động cuộc chuyển đổi lớn trong văn học Việt Nam. Nó làm đa dạng hóa văn học Việt Nam đương đại, ở đó văn học trung tâm dù muốn hay không cũng phải ngoảnh lại nhìn nó đầy dè chừng. Dòng văn học lâu nay quen thói trên ngó xuống kia đã trở nên khiêm tốn thấy rõ. Nó tỏ ra biết mình biết ta hơn, và quan trọng hơn – để khỏi mang tiếng bảo thủ và lạc hậu – nó cũng phải thay đổi chính nó. Ở khía cạnh thuần văn chương, hậu hiện đại tiếp nhận và sáng tạo nhiều thủ pháp mới, những thủ pháp chưa từng có mặt trong lịch sử văn chương tiếng Việt. Trên bình diện in ấn, văn học ngoại vi khẳng định vai trò internet và in photocopy; loại ấn phẩm này đang song hành bình đẳng với tác phẩm in giấy; qua đó tạo điều kiện cho người đọc quyền tự do chọn lựa thưởng ngoạn tác phẩm văn học thuộc mĩ học nào bất kì, theo sở thích.

Điều quan yếu không kém là, hậu hiện đại với tinh thần phi nghiêm cẩn (non-seriousness), đã trao cho văn học cơ hội đùa nghịch. Văn học không phải còng lưng gánh bao nhiêu thiên chức, sứ mệnh nặng nề nữa, mà nó còn biết đùa chơi. Hãy viết với nụ cười, dù điều ta biết có kinh khủng hay bi thảm tới đâu – Henri Miller nói. Bùi Chát làm thơ-“nghịch thơ”: “Tôi ngịch thơ – jã chàng ngịch cát – con lít ngịch những thứ khác”. Với tâm thế này, người nghệ sĩ hậu hiện đại tạo lập và sống trong thế giới riêng mình, khác một trời vực với tham vọng hão đầy bạo động của chủ nghĩa hiện đại muốn áp đặt ý tưởng mình lên người khác. Cuối cùng, hậu hiện đại ra đời tạo niềm tin cho kẻ sáng tạo, nhất là những người mới vào cuộc; họ tự do viết, tự do thể hiện tư tưởng mình, mà không còn trông về cổng số 9 Nguyễn Đình Chiểu đầy lo âu và hồi hộp. Là điều thiết yếu thúc đẩy quyền tự do tối thượng của kẻ sáng tạo.

Là tin vui cho văn học Việt Nam thời kì hội nhập, chứ không phải ngược lại.

Sài Gòn, 5-12-2012

_______________

Chú thích

(1) Tạp chí Thơ, do nhà thơ Khế Iêm sáng lập và chủ biên ra số đầu tiên vào năm 1994 tại California, Hoa Kì; đến năm 2004, nó được chuyển giao cho nhà thơ Đỗ Kh.. Tạp chí Việt do Phan Việt Thủy làm chủ nhiệm, chủ bút là Nguyễn Hưng Quốc, ra số đầu tiên tại Úc vào đầu năm 1998, đến số 8, 2001 thì đình bản, sau đó nó chuyển sang website Tienve.org. Các tác phẩm: Nguyễn Hưng quốc, Văn học Việt Nam, từ điểm nhìn h(ậu h)iện đại, Văn nghệ, Hoa Kì, 2000; Hoàng Ngọc-Tuấn, Văn học hiện đại và hậu hiện đại qua thực tiễn sáng tác và góc nhìn lí thuyết, Văn Nghệ, Califonia, Hoa Kì, 2002.

(2) Evan.Vnexpress.net đã có công lớn trong việc giới thiệu các khuôn mặt thơ mới, sau đó họ đã tự khẳng định mình. Tiếc là sau năm 2004, website này đã xóa hầu hết sáng tác của các tác giả “ngoại vi”.

(3) Bàn tròn văn chương là hoạt động ngoại biên của Ban sáng tác trẻ thuộc Hội Nhà văn Việt Nam do Inrasara làm chủ trì, kì thứ nhất tổ chức vào tháng 10-2006 và kì thứ bảy, kì cuối cùng vào tháng 4-2007. Đúng ra BTVC có xảy ra thêm kì tám nữa, nhưng bởi kì này BTVC không có văn bản sơ khởi (là cở sở để các thành viên thảo luận) chuẩn bị cho BTVC và nhất là sau đó, không có “Biên bản Bàn tròn văn chương” là văn bản cuối cùng của mỗi kì, nên tôi không kể vào hệ thống này.

(4) Các bài viết của Hà Thúc Lang cấp tập xuất hiện trên website Tienve.org đã buộc Công ty Nhã Nam thu hồi hai dịch phẩm của mình, là sự kiện dễ thấy nhất.

(5) NXB Giấy Vụn đã in các tác phẩm của nhóm Mở Miệng: Vòng tròn sáu mặt (tập thơ in chung gồm: Bùi Chát, Lý Đợi, Khúc Duy, Trần Văn Hiến, Hoàng Long, Nguyễn Quán), 2002; Mở Miệng, (in chung 4 tác giả), 2002; Khoan cắt bê tông (gồm 23 tác giả), 2005; 47 tác giả có jì dùng jì có nấy dùng nấy, 2007. – Bùi Chát: Xáo chộn chong ngày, 2003; Cai lon bo di, 2004; Tháng tư gẫy súng, 2005; Xin lỗi hổng chịu nổi, 2007; Bài thơ một vần, thơ song ngữ Việt – Anh, 2009. – Lý Đợi: Bảy biến tấu con nhện, 2003; Trường chay thịt chó, 2005; Khi kẻ thù ta buồn ngủ, thơ song ngữ Việt – Anh, 2010. – Khúc Duy, Hầm bà lần, 2005.

Các tác giả khác: Phan Bá Thọ: Chuyển động thẳng đứng, 2001, Đống rác vô tận, 2005; Vương Văn Quang: Lĩnh nam tạp lục (2005); Đinh Linh: Lĩnh đinh chích khoái (2007); Vũ Thành Sơn: 40km/h (2007); Phạm Lưu Vũ: Luận ngữ tân thư (2007); Trần Wũ Khang: Quà tặng của quỷ sứ, 2009; Trần Vàng Sao: Bài thơ của một người yêu nước mình, 2009; Trúc Ty: Trước khi thành giấy vụn, 2010; Joseph Huỳnh Văn: Thơ, 2011; Bùi Hoằng Vị, VIẾT, 2011; Lê Thánh Thư: Viết trong bóng tối. Amen, 2011…

Nhà xuất bản này còn in cả dịch phẩm: Diệp Huy, Tại tiệm kẹo mứt (thơ, 2008), George Orwell, Trại súc vật (tiểu thuyết, 2010), Philippe Papin, Việt Nam hành trình một dân tộc (nghiên cứu, 2010), Milovan Djilas, Giai cấp mới (khảo luận, 2010), Solzhenitsyn, Hai truyện ngắn (2011), Tùy bút Solzhenitsyn (2012)…

(6) Tạm diễn nôm bài thơ như sau:

Tôi lém lước bọt nên tường: Tôi phỉ nhổ vào xã hội các ông, chính các ông đẻ ra thảm trạng này. Tác giả không khạc xuống đất mà là ném lên tường. Tường cao nên phải “ném”; tường, đại diện cho cái gì xa cách quần chúng.

tôi yêu những người đàn bà đang nà chuột jưới cống: Những người phụ nữ là nạn nhân của xã hội ấy, đáng thương biết bao. Không phải NHƯ chuột cống mà LÀ chuột cống. Tôi không thương hại họ, mà tôi yêu họ. Yêu thật lòng, dù họ có sống dưới đáy xã hội, trong môi trường hôi thối, bẩn thỉu.

tôi thấy em mặc cuần nót mười ngàn ba cái mua ở vỉa hè: Hình ảnh tiêu biểu nói lên hoàn cảnh tối tăm của thân phận người nữ. Thiên hạ xài quần lót tệ cũng 20.000 đồng/ cái, còn của em 10 ngàn mà có đến ba cái. Nhu cầu tối thiểu của người nữ không được đảm bảo.

xách không nàm tôi tốt hơn mỗi khi chủ nhật: Sách với thi sĩ thì không gì quý hơn. Nhưng trước thảm cảnh này, đọc sách thì cực kì vô ích, nếu không nói là gần như sỉ nhục kẻ đồng loại khốn khổ. Nhớ Sartre từng tuyên bố: đứng trước em bé châu Phi đang chết đói, cuốn Buồn nôn, tác phẩm danh giá nhất của ông, chỉ đáng vứt đi.

tôi nhìn tôi bay chên chời: Tôi có một ước mơ, thế giới sẽ tốt đẹp hơn, cuộc sống em sẽ sáng sủa hơn. Có thể đây chỉ là nỗi mơ hão huyền, nhưng I have a dream

tôi hành hạ tôi ba bữa: Tôi là một thi sĩ nghèo đói, dẫu thế tôi vẫn được ngày ba bữa. Ăn, tôi không vẫn không thể quên người nữ kia, tôi bứt rứt.

tôi đâm ja/ tôi cêu đòi chữ ngĩa…: Không thể im lặng mãi được, tôi phải lên tiếng! Thi sĩ, tôi không thể Hành động, mà Hành động tôi chính là chữ nghĩa tôi…

(7) “Vi Thùy Linh: Nàng đã tận hiến”, báo Văn hóa & Thể thao, 2-12-2012

http://thethaovanhoa.vn/van-hoa-toan-canh/vi-thuy-linh-nang-da-tan-hien-n20121202151231110.htm

(8) Xem thêm: Inrasara, “Hai cảm thức thơ Việt qua hai kì sự kiện Hoàng Sa – Trường Sa”, Tienve.org, 10-7-2011.

http://tienve.org/home/literature/viewLiterature.do?action=viewArtwork&artworkId=13067

Comments are closed.