Vũ Thành Sơn
Đọc Kinh là một trong hai trước tác sau cùng trong sự nghiệp sáng tác độc đáo của Vũ Khắc Khoan. Nếu như khởi đầu là một Thần Tháp Rùa của chàng thư sinh họ Đỗ trai trẻ nhưng đã sớm nhọc nhằn bởi những băn khoăn trước biến động của thời cuộc thì với Đọc Kinh người ta lại bắt gặp một lão trượng họ Vũ tóc tuyết trắng, đến tuổi gác kiếm quy ẩn rồi mà vẫn chưa dứt tuyệt những ưu tư thân phận. Có thể nói đó là một hành trình trải dài không đứt đoạn từ Hồ Gươm trầm mặc qua Sài Gòn bao trùm trong bầu không khí máu lửa của cuộc đối đầu lịch sử đến vùng Vạn Hồ êm đềm tuyết lạnh. Đó cũng là một phản ảnh hành trình của cả một dân tộc. Triệu triệu người đi. Cả đất nước đi. Cả trái đất chẳng đang chấn động tiếng chân Việt Nam trên mọi nẻo đường? (Nhìn lại thế giới Vũ Khắc Khoan – Mai Thảo). Bước chân của Vũ Khắc Khoan đã hòa cùng một nhịp với chuyển động bi hùng của thời đại trong một cuộc đi tìm, một cuộc đi tới.
Nhưng tìm gì và đi tới đâu?
Cũng đều là một thế chênh vênh chọn lựa hiểm nghèo.
Của Đỗ, đó là chọn lựa trong một tình thế thiên hạ chia đôi “Tư bản đè xuống mà hùa theo là tư cách tiểu nhân. Vô sản vùng lên, nếu nhập vào, ắt mất tự do”.
Đã đành sống bao giờ cũng là thực hiện những lựa chọn, là tự phủ định trong từng giây phút; bởi, qua hành vi lựa chọn như một chuyển động đó, con người mới thực sự khẳng định mình là tự do, mới thực sự nhập thế, mới thực sự sáng tạo nên hiện hữu của mình bằng sự hiện diện cụ thể trong quan hệ máu thịt với trần gian. Nhưng sự chọn lựa ở vào giai đoạn thời thế chuyển xoay đã không hề dễ dàng đối với Đỗ. “Tại sao lại cứ bắt buộc là đen hay trắng? Mặt trăng vòm trời khi khuyết, khi tròn. Ánh sáng mùa thu trong như ngọc mà thật ra lại hợp bảy màu. Lá cây phong bên bãi lúc xanh, lúc đỏ. Chân lý ở đời không đơn giản như bụng dạ trẻ con. Tại sao lại cứ bắt buộc là đen hay trắng?”. Câu hỏi đã vang lên và dội lại những hai lần, đến nỗi có lúc tưởng như là tuyệt vọng. Đỗ “càng suy nghĩ, càng thấy tối. Đỗ ngày một héo mòn”, có lúc “Tựu trung chân lý vẫn chập chờn như đom đóm lập lòe giữa bãi tha ma.”
Ngay cả ý định buông xuôi để học đòi theo đường lối vô vi của Lão Trang, với Đỗ, cũng là bất khả “Vô vi làm sao được? Ở cái bình diện nhân sinh tương đối này thì làm sao mà thể hiện được cái nghĩa tuyệt đối của một chữ Vô? Vô đấy mà cũng là Hữu đấy. Hữu đấy mà lại là Vô. Khó lắm thay!”. Rốt cuộc làm sao ở trong thời đại loạn mà người ta có thể bắt chước như Tăng Điểm để “Đến cuối mùa xuân, áo mùa xuân đã may xong, năm sáu người trạc độ hai mươi tuổi, sáu bảy đứa trẻ con, rủ nhau đi tắm sông Nghi, hóng gió nền Vũ Vu, rồi hát mà về”?
Của Vũ, đó là chọn lựa đã chuyển sang một bình diện siêu việt “Cái thế chênh vênh giữa hữu và vô đâu có thể đời đời tồn tại? Cái khó là nhập vào cái thế đó, không thỏa hiệp, mà vươn lên, và vượt qua. Từ cái phức tạp tìm về cái đơn thuần, tìm về cho tới cái khuôn mặt của chính mình khi mình chưa sinh, chưa thành. Ánh dương hồng khi chưa nhô lên khỏi đầu núi. Cái xôn xao nhú lên trong đêm sắp tàn. Cái đó.”
Vượt qua? Dấu hỏi quanh co trọn kiếp người (Vũ Hoàng Chương). Núi cao muôn trượng. Đêm dày mịt mùng. Làm sao người ta có thể thực hiện tức thì một cú nhảy vọt vượt không-thời-gian để thoát ra khỏi cái thế đối lập khốc liệt đó? Thách thức bây giờ đã là vô vọng, đã là tuyệt mù.
“…riêng với tôi, từ bỏ nước ra đi, những nửa khuya tỉnh giấc, cái đó – chính nó – đôi khi vẫn thấp thoáng trong tôi, hóa trang thành những lời tra vấn trớ trêu, những tại sao ray rứt, lãng đãng quanh tôi, tưởng chừng như dễ nắm bắt, bỗng lại xa vời, nhòa dần, biến hẳn, tuyệt mù.”
Đã bao nhiêu bận Vũ “Tôi từ thuở xa miền nhiệt đới. Đến đây kết nghĩa với cây du. Lòng vẫn nhủ lòng rằng thôi đừng nhớ”.
Có vẻ như cả Đỗ và Vũ đang ở vào tuyệt lộ giữa một bên là trần gian bụi bặm, khổ đau và một bên là cõi trời đặc biệt đã đánh mất. Có vẻ như đây không phải chỉ là vấn đề của riêng Đỗ hay Vũ nữa mà cũng là bi kịch của đất nước. Trong thời tao loạn liệu có một con đường giải thoát nào cho Đỗ, cho Vũ, cho cả dân tộc Việt Nam đang ở trong một thế gọng kềm của lịch sử?
Nhưng trước hết, trước vấn đề sinh tử được đặt ra từ chính trong lòng hiện hữu của mình buộc phải có một thái độ lựa chọn dứt khoát, dù cho là một lựa chọn đau xót, Đỗ và Vũ đã hành động như thế nào?
Với Đỗ, một thư sinh vốn chỉ quen với chữ nghĩa thánh hiền “ngày một buổi đến trường nghe giảng văn rồi về thẳng nhà, đóng cửa đọc sách lạ”; không gian sống của Đỗ được hình thành bởi “Sách ở bàn, ở tủ, từng chồng, từng tập, ở cả đầu giường. Quyển mở xem vội vài trang, quyển khép kín im lìm một xó tường. Mã Khắc Tư ôm ấp Lão Tử. Sartre nằm cạnh tập kinh Tân ước. Bao nhiêu suy nghĩ, bao nhiêu cố gắng, bấy nhiêu cây mốc cắm dọc con đường tư tưởng tự nẻo xa xôi, rắn vườn Eden chưa từng bó sát cho đến bây giờ…”. Cho nên chúng ta không có gì ngạc nhiên khi nơi chốn nương tựa tinh thần của chàng là trí tuệ của những tư tưởng gia và những bậc tiên hiền, là kinh nghiệm lịch sử kim cổ của nhân loại mà qua đó, Đỗ nuôi hy vọng sẽ tìm thấy đường lối giải quyết cho những vấn nạn hiện sinh của mình và của thời đại mình.
Nhưng có thật kiến thức cổ kim đã giúp ích cho Đỗ trên con đường tìm kiếm chân lý như Đỗ từng hy vọng?
Giải pháp cho vấn đề của thời đại và sự định đoạt thái độ hiện sinh của Đỗ có đâu dễ dàng như nhà ảo thuật chỉ việc thò tay vào cái túi. Cái túi của họ Đỗ tuy đầy ắp đó nhưng lại hoàn toàn vô dụng.
“Thế ra mỗi người là một thế sống tùy thời mà biến hóa khôn lường. Thế Chiến Quốc, Thế Xuân Thu… Thế sống Mạnh Tử và Thế sống Khổng Khưu. Mà nào ai đã khuyên nhủ được ai? Hỡi ơi! Ta vỡ lòng trong mốc bụi dĩ vãng, lớn lên cùng tập giấy mủn, nhìn thế cục xoay vần bằng con mắt cổ nhân. Nay lại định giải quyết hiện tại bằng phương quá khứ! Còn vỗ ngực trách ai nữa?”
Lời thống trách kia nghe mới ai oán làm sao! Chung quy cũng bởi nhìn thế cục xoay vần bằng con mắt cổ nhân, giải quyết hiện tại bằng phương quá khứ mà Đỗ thất bại trong lựa chọn một cách thế sống song hành với thời đại. “Sách vở ích gì cho buổi ấy?”.
“Đỗ thán phục cổ nhân nhưng cũng thầm trách cổ nhân chỉ bày cái đích mà chẳng vẽ ra phương tiện.”
Có phải Đỗ bất lực trong một thế kẹt không tiền khoáng hậu?
Với Vũ, tình cảnh cũng không khác.
“Biết rồi… nhưng khốn một nỗi, Khoan tôi căn cơ thô lậu, tâm thức lại hay lưu luyến tiếng tơ tiếng trúc, cho nên chân tuy đĩnh đạc bước thẳng mà vẫn thấy tạt ngang vào nơi ca lầu tửu quán, giọng cất lên muốn bàn câu đạo lý mà vô tình vẫn họa cùng một điệu với tiếng cười hô hố của đám lãng tử sông hồ. Cũng do vậy mà bao nhiêu kinh sách bạn vàng gửi đến, thảy đều được trịnh trọng xếp lên giá sách, giữ gìn cẩn thận. Thế thôi. Nhưng ngại đọc. Thảng hoặc có miễn cưỡng mở ra thì cũng loáng thoáng mấy trang, cho đến khi khựng lại trước những danh từ dựng lên chất ngất. Trước mặt, sau lưng, bên tả bên hữu, trên đầu. Như một hàng rào nhọn hoắt. Như một tấm lưới trùng trùng. Tôi choáng váng tìm định nghĩa. Tôi đặt vấn đề. Rút cuộc, cuốn kinh từ giá sách mở ra trên bàn đọc, lại trở về nguyên vị chỗ cũ, trên giá sách. Miệng Phật lại nín thinh. Khoan tôi lại lầm lũi trở về cái thế giới chữ nghĩa cũ kỹ ngày xưa.”
Cái thế giới chữ nghĩa cũ kỹ ngày xưa ấy đã đóng sập cánh cửa giải thoát trước mặt Vũ.
“Đâu là mê, nẻo nào là ngộ?’” vẫn còn là một câu hỏi không lời đáp của Vũ ở những trang cuối cùng của Đọc Kinh.
Nhưng bắt đầu từ đây, đối với chúng ta trong tư cách người đọc, vấn đề được đặt ra và được (hay cần?) xem xét trong viễn tượng một tiếp cận khảo sát phê phán một tác phẩm văn chương là sự thất bại của Đỗ và của Vũ, hai nhân vật trong Thần Tháp Rùa và Đọc Kinh (nếu xem họ Vũ cũng là một nhân vật trong tự truyện Đọc Kinh như một hình thức phản tư), có phải cũng đồng thời là sự thất bại của phương pháp siêu hình học của tác giả Vũ Khắc Khoan?
Nhưng thế nào là siêu hình học? Và tại sao lại cần thiết nêu vấn đề siêu hình học như một cách thế bày tỏ văn chương?
Với triết học hiện đại, triết học đã không còn được quan niệm như là một nỗ lực nhằm giải thích thế giới hoặc khám phá những điều kiện khả thể của thế giới bằng những suy niệm đặt trên nền tảng của một thứ chủ nghĩa duy lý độc tôn nữa mà triết học được coi như là một phát biểu minh bạch của những kinh nghiệm với cuộc đời và tương quan với cuộc đời vốn dĩ vẫn hiện hữu trước tất cả mọi hình thức tư duy. Siêu hình học của con người từ nay được suy tư ngay từ trong lòng của hiện sinh, từ tình yêu, từ hy vọng, từ những nỗi sợ hãi hay oán giận, từ những nhịp đập bồn chồn hay nông nổi của con tim. Dưới góc nhìn đó, nhiệm vụ của triết học và văn chương không còn tách biệt với nhau nữa; diễn dịch triết học và diễn dịch văn chương đều khoác một vẻ hàm hồ như nhau và văn chương cũng là một sự bày tỏ siêu hình học mặc dù nó không hề sử dụng một danh từ triết học nào.[1]
Và như vậy, đâu là siêu hình học của Vũ Khắc Khoan?
Có thể nói phần lớn những tác phẩm của Vũ Khắc Khoan đều lấy cảm hứng từ những truyền thuyết, những huyền thoại, cổ tích: Thằng Cuội ngồi gốc cây đa, Thành Cát Tư Hãn, Thần Tháp Rùa, Quan Âm Thị Kính… Chỉ riêng tập truyện Thần Tháp Rùa đã là một tập hợp bốn truyện cổ tích: Thần Tháp Rùa, Trương Chi, Nhập Thiên Thai, Người Đẹp Trong Tranh. Hẳn nhiên điều đó đã làm nên phong cách đặc sắc của Vũ Khắc Khoan trong văn học Việt Nam nửa sau thế kỷ XX với thể loại truyện huyền ảo như nhận xét của nhà phê bình Thụy Khuê. Tuy nhiên, đằng sau một lựa chọn nào, ở đây là kỹ thuật tác văn, bao giờ cũng tiềm tàng một thái độ triết lý, một lựa chọn siêu hình học. Có thể khẳng định siêu hình học của Vũ Khắc Khoan chính là siêu hình học về thời gian.
Quá khứ mà Vũ Khắc Khoan hướng tới có phải là một quá khứ đã không còn nữa, đã chết hẳn và đoạn tuyệt với hiện tại?
Tuyệt nhiên không. Quá khứ với Vũ Khắc Khoan vẫn hiên diện đó như một ám ảnh không thôi, không mất đi mà vẫn hiện hữu một cách sống động trong tâm tưởng của ông. Vũ Khắc Khoan đã thực sự ăn nằm với quá khứ (mà Thần Kim Quy là một ví dụ mang tính biểu tượng đầy sức thuyết phục), hít thở, đi lại trong bầu khí quyển của quá khứ trong mỗi thời khắc của hiện tại.
“Hỡi ơi! Ta vỡ lòng trong mốc bụi dĩ vãng, lớn lên cùng tập giấy mủn, nhìn thế cục xoay vần bằng con mắt cổ nhân…”
….
“Tôi từ thuở xa miền nhiệt đới
Đến đây kết nghĩa với cây du
Lòng vẫn nhủ lòng rằng thôi đừng nhớ
Ngày ngày ngồi gốc cây du
Mơ cưỡi một con trâu
Đi về miền nắng quái”
Sống động ở trong từng hơi thuốc “hơi thuốc nghe như có pha trộn nhiều mùi hương cũ tôi tưởng đã phai, đã tuyệt mù?”
Thời gian của Vũ Khắc Khoan chỉ hiện hữu trong tâm tưởng. Thời gian đó là một thứ thời gian đóng kín, không có cái đã qua và cái chưa tới, hay có thể nói quá khứ không nhằm bổ sung thêm vào những ngày tháng đã qua mà chỉ đem tới những ngày tháng hiện tại, những ngày hôm nay, để qua đó làm nên một sự hiện diện không đứt đoạn, vĩnh cửu của hiện tại. Thời gian đó rất khác với cái mà chúng ta vẫn gọi là thời gian, khác với thời gian của giới tự nhiên; nó không còn là một phép tổng hợp gồm quá khứ, hiện tại, tương lai mà là một sự tiếp tục, nối dài bất tận của hiện-tại-quá-khứ (hôm nay rồi hôm nay rồi lại hôm nay). Đúng hơn nên gọi nó là thời tính.
Một đoạn đối thoại dưới đây giữa chàng thư sinh họ Đỗ và thần Kim Quy cho chúng ta thấy rõ hơn điều đó.
…Định hỏi, nàng đã thỏ thẻ bên tai:
“Đã đến lúc xa nhau rồi đây!”
Đỗ không tin mà cãi:
“Xa làm sao được? Mà ai bắt xa nhau?”
….
“Xa nhau ít lâu rồi gặp. Chàng sao nặng tình quá thế!”
Bị giam hãm trong vòng vây của quá khứ, Đỗ thấy mình lạc lõng trong hiện tại.
“Lại luôn luôn mục kích sự tàn bạo của đám phú nông mà tâm sự ủ ê lộ ra ở đôi mày hay nhíu, miệng có cười cũng héo hắt không vui”
…
“Đỗ cảm thấy hoang mang như người lên đường mất bạn đồng hành. Tự cởi, tự do nhưng lại thầm nghĩ:
“Thế ra ta chỉ một mình?”
Như Lưu Thần, Nguyễn Triệu:
“Trước kia, có thể ngắm trăng mà quên thế sự, bình tĩnh ngâm thơ giữa buổi nhiễu nhương… Nhưng gần đây, cái ồn ào phức tạp bên ngoài đã thấy chen lấn vào cuộc sống lặng lẽ bên trong. Cho nên, tuy không muốn mà bên cạnh tiếng lá, lời chim, vẫn còn nghe thấy người mua kẻ bán, cố giữ mà trong làn gió của sông, trong hương thơm của hoa ngoại nội, vẫn thấy thoảng mùi tục lụy nồng nồng.”
Như Vũ:
“Nhưng đêm đêm trước những giờ pháp hội mở ra, Khoan tôi vẫn mang tâm trạng một người ngoại cuộc.”
“Ngoài kia vắng lặng. Trong tôi… vẫn chưa vắng lặng”
Thời gian của Vũ Khắc Khoan là thời gian không có hay bị cắt đứt với tương lai. Nhân vật của Vũ Khắc Khoan cũng vì thế thường sống trong mộng tưởng; họ bị tước đoạt mất tương lai khi không có (hay không thể) hành động và tự do, bởi chỉ có hành động mới là một vươn tới, một vượt qua đến bờ bên kia của hiện tại.
Trong bối cảnh lịch sử chính trị, xã hội Việt Nam vào những năm 50 của thế kỷ XX, Vũ Khắc Khoan và thế hệ của ông thực sự đã không có nhiều lựa chọn. Có thể nào Vũ Khắc Khoan có một cách thế sống khác? Họ sống trong bầu không khí chính trị ngột ngạt với một tâm trạng hoang mang, mất hy vọng khi tương lai phía trước hầu như đã bị phong tỏa. Đó là thời của những Kinh Kha, của những đại tự sự bất thành.
Nhưng có lẽ nào bóng dáng tương lai hoàn toàn tuyệt mù trong thời gian của con người?
Đâu là kế sách giải thoát để tìm đến chân trời tự do của Vũ Khắc Khoan?
Hành động. Cho dù có thể “Ấy thế rồi mà cũng hỏng cả… Nỏ thần dù mầu nhiệm, nếp xoáy Loa Thành có hiểm trở nhưng người đứng đầu không vững tay sử dụng thì đại sự vẫn không thành…Nhân sự thật là phức tạp. Tính trước làm sao được mối oan tình Trọng Thủy – Mỵ Châu? Cho nên Thiên Đình dù có biết trước thời cơ cũng không lý nổi nhân sự. Lê Lợi, Quang Trung chẳng qua chỉ là những người ý thành, tâm chính, hiểu thời, nổi dậy mà thiên hạ phải bình, có thế thôi!”
Đỗ quyết định đốt sách để nhận kiếm thần từ thần Kim Quy. Khi ấy đúng vào năm Nhâm Thìn, cầu Thê Húc bị sụp đổ.
“Thời đã đến, ắt là cái thế chung cho phần đông thiên hạ. Vả lại kiếm thần sẽ giao phó tận tay, chàng ngần ngại ư?”
Vũ, “Nietzsche, Dostoievski, Sartre, Singer lần lượt rút về giá sách. Đầu giường chỉ còn lại kinh và kệ.”
Lưu, Nguyễn trở gót về cõi hồng trần “Theo tôi thì không ở lại, chỉ vì không thể ở lại. Chỉ vì thấy Thiên Thai không phải là chỗ của mình…”
Tôi nhìn thấy Vũ Khắc Khoan đang đẩy thêm một khúc củi vào lò. Ngoài trời tuyết trắng xóa mịt mùng.
Viết nhân dịp 100 năm ngày sinh 1917-2017 của nhà văn Vũ Khắc Khoan
[1] Maurice Merleau-Ponty, Sens et Non-Sens, 1948, nxb Nagel, tr. 55.