DẠY-HỌC NGỮ VĂN TRONG NHÀ TRƯỜNG (17): LUYỆN KỸ NĂNG VIẾT CHO TRẺ

Trên mạng hiện nay có khá nhiều bài trao đổi về phương pháp dạy đọc, viết tiếng Anh mà thầy giáo VN có thể tham khảo để bổ sung vào những kinh nghiệm sẵn có của mình trong việc dạy ngữ văn Việt. Xin giới thiệu một trong những bài viết như thế

ND

Bước thứ nhất: Khởi phát các ý tưởng viết (hay chuẩn bị viết )

Bước này giúp học trò thu thập ý tưởng và cho các em một “ngân hàng” các khả năng để lúc viết không phải đắn đo lựa chọn đồng thời giữa ý tưởng và từ ngữ. Có 6 phương pháp chuẩn bị viết:

  1. Động não (Brainstorming):

Mục tiêu là gom càng nhiều càng tốt những thí dụ có thể sử dụng cho một đề bài được trao. Đây là một hoạt động quan trọng nên tiến hành theo nhóm nhỏ hoặc cả lớp, vì tất nhiên một ý tưởng sẽ sinh ra một ý tưởng khác. Để cho học trò tha hồ sáng tạo. Ý gì cũng hay. Thách thức các em đưa ra thật nhiều thí dụ có thể có cho bất cứ chủ đề nào.

  1. Viết tự do:

Viết tự do là hoạt động cá nhân để viết ra các suy nghĩ của mình lên giấy. Giải thích cho học sinh biết khái niệm “dòng ý thức” (stream of consciousness) và viết tự do đơn giản là viết ra giấy mọi suy nghĩ thoáng qua trong óc. Cũng như khi động não, suy nghĩ nào cũng hay. Mục tiêu của hoạt động này là đừng bao giờ để cây bút của mình ngừng viết. Giúp học trò hiểu rằng mặc dù các em bắt đầu từ một đề bài cụ thể trong óc, nhưng khi viết các em có thể đi chệch ra ngoài cũng không sao. Cũng chưa cần chú ý đến chính tả, ngữ pháp. Yêu cầu là nắm được các ý tưởng. Thời gian cho hoạt động này nên từ 2-3 phút với các em nhỏ, 5-10 phút với các em lớn hơn. Rồi sau khi kết thúc hoạt động này, các em phải đọc lại những gì mình vừa viết, đào sâu qua lớp vỉa ngoài để tìm được những viên đá quý ẩn giấu bên trong.

  1. Những câu hỏi báo chí:

Những câu hỏi báo chí giúp học trò tiếp cận đề bài một cách có cấu trúc. Bắt đầu với những từ (Ai? Cái gì? Ở đâu? Bao giờ? Vì sao? Như thế nào? who, what, where, when, why and how). Học sinh tự đặt ra các câu hỏi và viết trả lời mỗi câu. Sau đó, xem lại tất cả và tổ chức các ý tưởng của mình để chuẩn bị viết.

  1. Sắp xếp ý (Cluster mapping):

Cũng gọi là dệt mạng ý (idea webbing), thao tác quan trọng để đặt mối quan hệ giữa các ý. Vừa là tạo ý vừa là tổ chức các ý, qua đó học trò biết rõ mình phải nhóm họp các ý tưởng của mình ra sao khi bắt đầu viết. Đầu tiên, hãy viết đề bài ở giữa trang giấy và vẽ một vòng tròn xung quanh. Sau đó có thể đi theo 2 hướng. Với học sinh nhỏ, cho các em nghĩ về những câu hỏi xung quanh đề bài. Thí dụ, với đề bài tả con nhện, các em có thể đặt câu hỏi: “Nhện ăn những gì? Nhện sống ở đâu? Hình dạng nhện thế nào?” Mỗi câu hỏi làm thành một cái “bong bóng” nối với đề bài. Mỗi “bong bóng” chứa câu hỏi có thể được chuyển sang những tờ giấy phụ, và các câu trả lời được viết ra để trong những bong bóng nhỏ nối với bong bóng chứa câu hỏi. Nếu câu hỏi là “Nhện làm gì?” thì các bong bóng trả lời có thể là: chúng bắt ruồi, chúng dệt mạng,… Những học trò có hiểu biết tốt hơn về đề bài có thể thêm nhưng tiểu đề xung quanh đề. Thí dụ đề bài về nhện có thể nối với tiểu đề về thức ăn của nhện, và khai triển tiểu đề này với những bong bóng nhỏ nói về các loại côn trùng mà nhện ăn. Nhìn chung, mỗi tiểu đề sẽ là một đoạn viết với các thí dụ và ý tưởng hỗ trợ cho ý tưởng chính.

  1. Lập biểu đồ dòng chảy (Flow Charting):

Tương tự việc sắp xếp ý, biểu đồ thể hiện các mối quan hệ giữa những ý. Tuy nhiên, biểu đồ hữu hiệu hơn khi xem xét các quan hệ nhân quả. Thí dụ: với đề tài trung tâm là “Sự lạm dụng ma túy” đặt ở giữa trang giấy, ở bên tay trái học sinh sẽ lập danh sách các nguyên nhân lạm dụng ma túy với những mũi tên chĩa vào ý trung tâm. Cái gì là nguyên nhân lạm dụng ma túy? Áp lực từ bạn bè, nhu cầu chữa bệnh, gương xấu của cha mẹ và sự nhàm chán có thể là các nguyên nhân. Rồi xem xét các kết quả lạm dụng ma túy và đặt trong những ô vuông ở bên tay phải ý trung tâm. Vô gia cư, mất việc làm, thi hỏng, sự cô lập, lạm dụng tăng lên thành nghiện ngập, đều có thể là kết quả của lạm dụng ma túy. Khi viết, học trò có thể tập trung vào phần các nguyên nhân rồi đến phần kết quả hay đi theo từng cặp nhân-quả. Tùy chủ đề, học trò có thể tạo ra một chuỗi quan hệ nhân quả và chọn cách viết của mình.

  1. Hai/Ba cột

Hai/Ba cột là một hoạt động động não khác. Đặc biệt hữu ích khi so sánh đối chiếu hai hay ba chủ đề hay khai thác hai hay ba địa hạt của một chủ đề. Với phương pháp chuẩn bị viết này, học trò phải tạo ra 2 (3) cột trên tờ giấy. Mỗi cột là một chủ đề tạo ý. Thí dụ, nếu phải so sánh tình yêu và thù hận, các em có thể làm 2 cột “giống nhau”, “khác nhau” và xếp các ý tưởng vào từng cột. Nếu học trò phải viết về di sản sắc tộc của mình và so sánh với di sản sắc tộc khác, em phải lập mỗi cột là một nền văn hóa. Khi kết thuc, học trò sẽ có ý tưởng rõ ràng về những điểm cần so sánh và đối chiếu của chủ đề.

Hướng dẫn học trò sử dụng một hay tất cả các phương pháp chuẩn bị viết nói trên, người thầy cung cấp cho các em các công cụ và nền tảng để tập viết thành công, khiến các em tự tin và có phương hướng để viết.

Nguồn: http://busyteacher.org/4650-how-to-teach-writing-6-methods-for-generating.html

Thuận Thành biên dịch

Comments are closed.