Vũ Thành Sơn
Ông Lê Phú Khải trong một bài viết tưởng niệm ông Hạ Đình Nguyên gần đây đã so sánh ông Hạ Đình Nguyên với triết gia, nhà văn Jean-Paul Sartre và coi ông Hạ Đình Nguyên như là một Jean-Paul Sartre của Việt Nam.
Sự thật thế nào?
Cả hai ông Hạ Đình Nguyên và Sartre, trên hình thức biểu hiện bề ngoài, giống nhau ở một điểm: hai ông đã có một thời tích cực ủng hộ, thậm chí chiến đấu cho lý tưởng cộng sản, người thì bằng việc đích thân tham gia vào cuộc chiến tranh giành độc lập, người thì dấn thân bằng ngòi bút; nhưng sau đó, cả hai đã phản tỉnh và chống lại chế độ cộng sản không kém phần quyết liệt khi tận mắt chứng kiến sự phản bội trắng trợn của những người cộng sản đối với những lời hứa hẹn đẹp đẽ của mình. Hạ Đình Nguyên thức tỉnh sau khi hòa bình lập lại ở Việt Nam năm 1975, khi chính quyền mới thực thi hàng loạt những bước đi cải tổ chính trị, ngoại giao, kinh tế, xã hội… Jean-Paul Sartre đã thức tỉnh khi những chiến xa của quân đội Liên Sô tấn công vào Budapest nhằm đè bẹp cuộc nổi dậy của nhân dân Hungary năm 1956.
Nhưng chỉ bằng vào một thái độ đó có đủ để có thể ví von Hạ Đình Nguyên như là một Jean-Paul Sartre của Việt Nam hay không?
Trước hết, bối cảnh của hai sự phản tỉnh đã khác nhau. Có thể lập trường chính trị ban đầu của Hạ Đình Nguyên chỉ bắt nguồn từ lòng yêu nước, yêu chuộng hòa bình, độc lập hơn là sự lưa chọn cụ thể một lập trường cộng sản đối với tương lai chính trị của Việt Nam. Tương lai đó, nếu có, trong con mắt của phần lớn người yêu nước ở Việt Nam thời ấy, cũng lãng mạn, thơ mộng và đầy một màu hồng mơ hồ như chính kiến thức bị nhồi nhét của họ về chủ nghĩa cộng sản qua những lớp tập huấn chính trị cập nhật cấp tốc ở các lán trại trong rừng. Cũng cần nhấn mạnh điểm này: Hạ Đình Nguyên đã tham gia vào cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc như là một thành phần thứ ba, mà người ta có thể kể tên nhiều trí thức miền Nam lúc bấy giờ, như Nguyễn Ngọc Lan, Chân Tín, Trương Bá Cần, Lý Chánh Trung, Nguyễn Văn Hưởng, Dương Quỳnh Hoa… Công lao và tội trạng của lực lượng thứ ba này cho đến nay vẫn còn là chủ đề tranh cãi chưa dứt giữa những ngưởi ủng hộ và chống chế độ cộng sản.
Còn Jean-Paul Sartre, cảm tình của ông đối với cộng sản, trước hết, là một sự lựa chọn triết học và chỉ có kéo dài vỏn vẹn ba năm như một compagnon de route. Mặc dù nổi tiếng với bài viết thời danh “Le Marxisme, philosophie indépassable de notre temps” (Chủ nghĩa Mác, nền triết học không thể vượt qua của thời đại), Sartre không bao giờ tự nhận mình là một triết gia mác xít. Trước sau ông vẫn tự coi mình là triết gia hiện sinh. Trong cuộc phỏng vấn cuối cùng đời ông thực hiện trong vòng 7 tiếng đồng hồ, từ ngày 12 đến ngày 19/5/1975, trước câu hỏi của Michel Rybalka: Nếu hôm nay ông phải lựa chọn giữa hai danh hiệu, mác xít và hiện sinh, ông sẽ chọn cái nào? Sartre đã trả lời dứt khoát: hiện sinh.
Triết học hiện sinh Sartre theo đuổi, mà Maurice Merleau-Ponty cho là đã làm cho triết học Mác trở nên giàu có và sâu sắc, luôn luôn đề cao Tự Do, đề cao Chủ Thể tính như là một Tuyệt Đối thể hình thành qua/trong thời gian, một Tuyệt Đối thể thời tính hóa (un Absolu temporalisé), thứ mà triết học Mác xít vẫn còn thiếu.
Cũng vì tất cả cho Tự Do đó mà Sartre không ngần ngại chấp nhận những nguy hiểm, tổn hại cho mình, hình ảnh của mình, lịch sử và những người chung quanh mình kể cả bằng hành động hoang đàng, hủy hoại chính mình. Đối với Sartre, nếu sau này người ta có liệt kê, có kể hết tất thảy tội trạng, sai lầm từ sự lựa chọn tự do của mình ngày hôm nay đi nữa thì cũng chẳng có gì hệ trọng, bởi vì tất cả mọi thứ liệt kê, phân tích đó chẳng là gì hết so với thành tựu của Con Người mình, sự thành tựu Chủ Thể tính của mình, Tự Do của mình. Bởi vì sai lầm chỉ là khoảnh khắc của Sự Thật, bởi vì “Tự Do qua từng hoàn cảnh cụ thể chẳng có mục đích gì khác ngoài mục đích thể hiện chính mình” (Jean-Paul Sartre, Chủ nghĩa hiện sinh là một chủ nghĩa nhân bản).
Trước sau, Sartre vẫn là một nghệ sĩ, một nhà văn lớn, một nhà tư tưởng. Chính trị luôn làm cho Sartre khó chịu.
Bối cảnh lựa chọn đã khác, thái độ lựa chọn đã khác, vậy thì cho rằng Hạ Đình Nguyên là một Jean-Paul Sartre của Việt Nam có phải là một sự so sánh quá táo bạo, quá mức cần thiết?