THẢO LUẬN VỀ DỊCH THUẬT (6): Đọc và dịch một bài thơ Apollinaire

Chân Phương

Các nhà văn, dịch giả kính mến,

Văn Việt vào cuối tháng 4, có in một bài viết của Nguyễn Lê Trung, bàn về công việc dịch thuật, đặc biệt là dịch thơ, nhân Trịnh Lữ công bố bản dịch một chùm thơ của Emily Dickinson. Tuy nhiên, với bài viết của Nguyễn Lê Trung, Văn Việt nhận thấy vấn đề không những chưa khép lại mà dường như mới được mở ra. Đó là:

    1. Dịch văn học nói chung, và dịch thơ nói riêng, điều cốt tử là gì?
    2. Dịch hoàn toàn đúng nghĩa, nhưng không thơ, bạn có chấp nhận điều này không?
    3. Dịch kiểu phóng tác, đi xa ý, nhưng có chất thơ, thì sao?
    4. Nhiều người cho rằng dịch là diệt; khi nào dịch không là diệt?
    5. Câu chuyện dịch để quảng bá văn học Việt ra thế giới hiện đang đến đâu? Điều gì tạo ra thành công, nếu có, và điều gì đem lại thất bại?
    6. Bạn nghĩ sao về quan niệm dịch giả là đồng tác giả?
    7. Bạn suy nghĩ gì vai trò của văn học dịch và thực trạng dịch văn học hiện nay?
    8. Vì sao có rất nhiều dịch giả có tiếng hiện đã và đang gây những scandal trong dịch thuật? Có nguyên nhân cụ thể nào không?
    9. Bạn có thể miêu tả công việc dịch một tác phẩm nào đó của bạn đã đem đến cho bạn nhiều kinh nghiệm nhất? 

Văn Việt

 

Le pont Mirabeau do nhà thơ Apollinaire sáng tác năm 1912 là một trong những bài thơ Pháp được biết đến nhiều nhất. Nằm trong các sách giáo khoa về văn học Pháp ở thế kỷ 20, học trò trường Tây không ít người đã thuộc lòng bài thơ trước khi thi đỗ tú tài. Đây là một bài thơ vần điệu không quá một trang giấy in, gồm bốn đoạn với một điệp khúc lặp đi lặp lại và mang hình thức thơ mới vì trọn bài không một dấu chấm phẩy. Thuộc loại thơ hoài cảm (élégiaque) đượm chất lãng mạn, bài tình ca này thương tiếc mối duyên giữa nhà thơ và Marie Laurencin. Trong lúc ngày tháng trôi đi vô tâm như nước sông Seine dưới mấy chân cầu, thi sĩ bất động trong ý thức về mất mát và niềm hạnh phúc còn vấn vương trong ký ức.

Có lẽ Phạm Công Thiện là người giới thiệu đầu tiên bài Le pont Mirabeau với độc giả Việt Nam. Với một chương dài Tình yêu trong thơ Apollinaire trong cuốn tùy bút-biên khảo Ý thức mới trong văn nghệ và triết học (An Tiêm xuất bản năm 1964 ở Sài Gòn), tác giả đã dịch nghĩa và bình phẩm bài thơ này. Sau đây là các trích đoạn (được biên tập đánh dấu thứ tự để tôn trọng nguyên bản bài thơ tiếng Pháp):

 “Bài Le pont Mirabeau nằm trong truyền thống thi ca trữ tình Pháp:

  I. Sous Le pont Mirabeau coule la Seine

   Dưới cầu Mirabeau sông Seine chảy

Apollinaire đứng nhìn dòng sông Seine trôi chảy và thi nhân đau đớn khắc khoải sống lại dĩ vãng và những mối tình xưa:

   Sous Le pont Mirabeau coule la Seine

   Et nos amours

   Faut-il qu’il m’en souvienne.*

   …..

… Đoạn thơ hay nhất trong bài… là đoạn này:

  1. Les mains dans les mains restons face à face

  Tandis que sous

  Le pont de nos bras passe

  Des éternels regards l’onde si lasse

  Vienne la nuit sonne l’heure

  Les jours s’en vont je demeure

 

  Tay trong tay mặt hãy nhìn mặt

  Đang lúc dưới

  Cầu của những cánh tay đôi ta lướt dòng

  nước mệt mỏi của những thoáng nhìn thiên thu.

 

  Hãy để đêm về giờ điểm

  Ngày trôi tôi vẫn còn đây.

Thi nhân nhớ lại ngày xưa cũng nơi đây, thi nhân cùng người yêu âu yếm nhau, tay trong tay, mặt đối mặt, đang lúc ấy cánh tay của hai người choàng qua như một cây cầu (“le pont de nos bras”) và dưới cầu tay ấy những thoáng nhìn thiên thu của đôi tình nhân không khác gì dòng nước mệt mỏi lướt chảy dưới cầu (“l’onde des éternels regards”).

  1. L’amour s’en va comme cette eau courante

 

  L’amour s’en va

  Comme la vie est lente

  Et comme l’Espérance est violente

 

  Vienne la nuit sonne l’heure

  Les jours s’en vont je demeure

 

Tình yêu trôi đi như dòng nước chảy. Tình yêu trôi đi, cuộc đời chậm chạp, hoài vọng mãnh liệt. Đêm đến; giờ điểm, thời gian trôi chảy, chỉ còn thi nhân ở lại bên cầu thương dĩ vãng. Chẳng biết có chịu ảnh hưởng Apollinaire hay không mà Hoài Khanh cũng có những lời thơ tuyệt tác có thể khiến ta nhớ những câu của Apollinaire.

 

  Rồi em lại ra đi như đã đến

  Dòng sông kia cứ vẫn chảy xa mù

  Ta ngồi lại bên cầu thương dĩ vãng

  Nghe giữa hồn cây cỏ mọc hoang vu.

Mỗi nhà thơ mang một giọng điệu riêng. Nhưng ta có thể lấy câu “ta ngồi lại bên cầu thương dĩ vãng “để giải thích câu “je demeure” của Apollinaire. Câu “je demeure”… trở nên bất hủ; ý nghĩa cô đọng súc tích mông lung vô cùng, ta muốn hiểu thế nào cũng được. Thời gian trôi đi mất, chỉ còn nỗi khổ triền miên ở lại cùng tôi?

 Bài Le pont Mirabeau chấm dứt thật tê tái thê lương:

  IV.  Passent les jours et passent les semaines

Ni temps passé

Ni les amours reviennent

Sous Le pont Mirabeau coule la Seine

 

Vienne la nuit sonne l’heure

Les jours s’en vont je demeure

Ngày đi, tháng đi, năm đi, những tuần lễ trôi đi, thời gian bên ngoài trôi đi mất, chỉ còn thời gian bên trong tâm tưởng là không đi và những mối tình cũng không trở lại (“Ni les amours reviennent”) và nước sông Seine vẫn “xuôi lạnh một dòng sầu” dưới cầu Mirabeau để cho “mấy màu thời gian” trôi đi mất và chỉ còn lại thi nhân đứng nhìn con sông xa nguồn mà tê tái (“je demeure”).

  Nước xuôi lạnh một dòng sầu

  Biết về đâu hỡi mấy màu thời gian.

         HOÀI KHANH

 

                          * * *

Như chúng ta vừa thấy, Phạm Công Thiện đã dịch sát nghĩa và diễn giải với nhiều cảm xúc bài Le pont Mirabeau của Apollinaire. Để đào sâu ý nghĩa bài thơ, ông cũng trích nhiều câu từ các nhà thơ hiện đại Việt Nam như Đoàn Phú Tứ, Hoài Khanh, Hoàng Trúc Ly… để phụ họa với nhà thơ Pháp. Nhưng ông đã không cống hiến một bản dịch nghệ thuật trau chuốt cho bài thơ lừng danh này; cũng có thể ông chỉ muốn làm nhiệm vụ của một người giới thiệu và bình phẩm nó.

 Mới đây, vào dịp năm cùng tháng tận với mối ám ảnh về thời gian Nam Dao và tôi đã nhắc lại với nhau mấy câu quen thuộc của Apollinaire: passent les jours… passent les semaines… ni temps passé ni les amours reviennent… Quanh quẩn đề tài thi ca và dịch thuật, tôi nhớ đến các nhà thơ đã yêu thích và dịch Apollinaire sang tiếng mẹ của họ như Đới Vọng Thư (Hoa), H.M. Enzensberger (Đức), Wilbur, Stafford, Shattuck, ban nhạc The Pogues… (Anh-Mỹ)… Ở Việt Nam, sau Phạm Công Thiện còn có vài bản dịch Việt ngữ khác – chẳng hạn của nhà thơ Hoàng Hưng sau đây:

CẦU MIRABEAU

Dưới cầu Mirabeau trôi dòng Seine
Cả tình ta nữa
Chẳng biết anh còn nên nhớ?
Niềm vui lại đến sau nỗi ưu phiền

Cho đêm cứ về cho giờ cứ điểm
Tháng ngày đi anh vẫn còn đây

Cứ mặt nhìn mặt cứ tay cầm tay
Cánh tay mình kết cầu này
Cho làn nước dưới kia chạy trốn
Những ánh nhìn muôn thuở chán chường thay

Cho đêm cứ về cho giờ cứ điểm
Tháng ngày đi anh vẫn còn đây

Tình yêu ra đi như nước kia tuôn chảy
Tình yêu ra đi
Cuộc đời sao mà chậm rì
Hy vọng sao mà dữ dội

Cho đêm cứ về cho giờ cứ điểm
Tháng ngày đi anh vẫn còn đây

Ngày qua rồi lại tuần qua
Mà quá khứ không trở về
Mà những cuộc tình không trở lại
Dưới chân cầu trôi mãi dòng Seine

Cho đêm cứ về cho giờ cứ điểm
Tháng ngày đi anh vẫn còn đây

Hoàng Hưng dịch

Bản dịch dưới đây của Nam Dao vừa phóng khoáng vừa tài tử. Ở vài chỗ dịch giả đã không bám sát nghĩa nguyên tác mà để cho cảm hứng ngôn từ lôi đi:

Cầu Mirabeau

Nước trôi

  dòng sông xưa

Như tình ta

dưới chân cầu

Này em yêu

 hãy nhớ

sau nỗi buồn là những niềm vui

 …Giờ chuông điểm, đêm tới rồi

  Ngày đã qua, còn lại mình tôi

Tay trong tay, mặt đối mặt

Trong vòng ôm, cầu giăng ngang

ta nhìn nhau

tình mãi chứa chan

 

… Giờ chuông điểm, đêm tới rồi

  Ngày đã qua, còn lại mình tôi

 

Tình trôi qua, dòng nước trôi qua

Tình rồi cũng trôi xa

Ngày dài lê thê

nhưng hy vọng vẫn nổi lửa hoan ca

 

Giờ chuông điểm, đêm tới rồi

  Ngày đã qua, còn lại mình tôi

 

Ngày trôi qua, tuần trôi qua

thời gian không trôi

   tình không trở lại

dưới chân cầu

   nước cứ thế trôi xa

 

Giờ chuông điểm, đêm tới rồi

  Ngày đã qua, còn lại mình tôi

Sau cùng là bản dịch của tôi, vừa cố gắng sát nghĩa vừa nương theo ngữ điệu tiếng Việt.

LE PONT MIRABEAU

 

dưới cầu Mirabeau

các cuộc tình trôi với sông Seine

niềm vui lúc nào cũng đến sau sầu não

nhắc làm chi, nhớ làm gì

 

đồng hồ điểm giờ

    đêm lại đến

ngày tháng trôi

    tôi vẫn là tôi

 

mặt nhìn mặt, tay nắm tay

bên tôi em ở lại

hai cánh tay nối một nhịp cầu

dưới đó lượn lờ uể oải

những ánh mắt nhìn nhau không thôi*

 

đồng hồ điểm giờ

    đêm lại đến

ngày tháng trôi

     tôi vẫn là tôi

 

tình trôi như dòng sông kia chảy

tình trôi ôi tình trôi

đời người hỡi, sao mà chậm thế

hy vọng thì hung hãn quá, em ơi

 

đồng hồ điểm giờ

    đêm lại đến

ngày tháng trôi

    tôi vẫn là tôi

 

ngày trôi rồi tuần trôi

thời gian qua và tình không trở lại

dưới cầu Mirabeau dòng Seine vẫn chảy

 

đồng hồ điểm giờ

     đêm lại đến

ngày tháng trôi

      tôi vẫn là tôi

 

CHÂN PHƯƠNG dịch

Tương tự dân Á Đông thân quen với bài TƯƠNG TIẾN TỬU của Lý Bạch, giới yêu thơ Âu-Mỹ rất hâm mộ bài thơ trữ tình của Apollinaire. Qua các bản dịch Việt ngữ trên đây, mời các bạn đọc lại thưởng thức hương vị tao nhã của Le pont Mirabeau và cùng nhau hồi tưởng năm tháng qua cùng các mối tình mà thi nhân cũng như chúng ta đã từng một lần trong đời nếm vị buồn vui rồi mang theo suốt cuộc đời.***

 

                                                    CHÂN PHƯƠNG

                                                  BOSTON, cuối năm 2013

 

CHÚ THÍCH

* Khi trích đoạn thơ này, Phạm Công Thiện bỏ sót một dòng: “La joie venait toujours après la peine”,”niềm vui bao giờ cũng đến sau nỗi buồn”.

** Bạn đọc rành Anh ngữ có thể so sánh cách dịch điệp khúc bài thơ của A.S. Kline (a), Richard Wilbur (b), và ban nhạc The POGUES (c)

    (a) Comes the night sounds the hour

     The days go by I endure

 

    (b) Let night come on bells end the day

     The days go by me still I stay

 

    (c) Let night fall, let the hours go by

     The days pass on and here stand I

(trên internet, tìm Richard Wilbur – Le pont Mirabeau; A.S. Kline – poetryintranslation.com; và Youtube. The Pogues- Pont Mirabeau).

 

 

*** Sau khi phổ biến bài viết này trên mạng và Facebook, tôi nhận thêm hai bản dịch nghệ thuật sau đây của hai nữ dịch giả NỮ LANG TRUNG (Dư Thị Hoàn) và CHIÊU UYÊN VŨ.

 

CÂY CẦU MIRABEAU

Bóng cầu nghiêng, dòng Seine trôi êm
Lời thì thầm dịu ngọt
Hẳn lòng ai chưa quên
Hoan lạc rồi cũng theo sau
mỗi bước thương đau

Chuông hằng điểm giờ, đêm hằng tới
Tháng ngày vụt trôi, mình ta còn đó ai ơi

Tay nắm tay mắt in mắt chẳng rời
Cánh tay xoắn xuýt nhịp cầu nối
Ánh nhìn xa xăm bờ mi đọng
Lăn tăn dưới dòng sông vẫn trôi

Chuông hằng điểm giờ, đêm hằng tới
Tháng ngày vụt trôi, mình ta còn đó ai ơi

Tình cũ xa rồi như sóng cuộn
Tính cũ đã xa xôi
Cuộc đời lê thê chậm dãi bước
Nỗi niềm tung vó ước ao thét gào

Chuông hằng điểm giờ, đêm hằng tới
Tháng ngày vụt trôi, mình ta còn đó người ơi

Năm tháng đi, già nua tới
Tình xưa ơi
Ra đi làm sao níu
Mirabeau ơi
nước chảy chân cầu cũng thế thôi

Chuông hằng điểm giờ, đêm hằng tới
Tháng ngày vụt trôi, mình ta còn đó người ơi.

(Nữ Lang Trung tạm dịch theo bản dịch Trung văn của Đới Vọng Thư.)

 

*****

Dưới cầu Mirabeau lững lờ nước chảy
Cuộc tình ta trôi mãi với sông Seine
Nỗi lòng nhớ mãi không quên
Niềm vui vừa dứt thay phiên nỗi sầu.

Giờ đã điểm đêm dài lại đến
Ngày trôi qua còn đấy mình ta.

Trong tay đối diện bên nhau
Vòng tay quấn quít nhịp cầu không lơi
Dưới cầu nước lăng lờ trôi
Trên cầu sóng mắt không rời xa nhau.

Giờ đã điểm đêm dài lại đến
Ngày trôi qua còn đấy mình ta.

Nước sông vẫn mãi xuôi dòng
Cuộc tình vẫn mãi đi không trở về
Dòng đời sao chậm lê thê
Nỗi niềm chất ngất cơn mê dâng trào.

Giờ đã điểm đêm dài lại đến
Ngày trôi qua còn đấy mình ta.
Tháng ngày cứ mãi dần qua
Sông Seine chảy mãi tình xa không về.

Giờ đã điểm đêm dài lại đến
Ngày trôi qua còn đấy mình ta…

Chiêu Uyên Vũ phỏng dịch

Tác giả gửi Văn Việt.

Comments are closed.