TỪ ĐIỂN TIẾNG VIỆT MỞ: BÀI 1. Pháp quyền/ Pháp trị (2)-bản bổ sung

Hà Dương Tuấn

Sau khi bài đóng góp cho thảo luận về hai khái niệm “pháp trị” và “pháp quyền” được hân hạnh đăng trên Văn Việt, một người bạn đề nghị người viết phát triển ý nghĩa của chữ “pháp” trong “pháp quyền” và “pháp luật”. Đúng là nên bổ sung thiếu sót này, vậy người viết xin thêm một điểm 8 ở cuối bài.

HDT

1)    Nói chung ngôn ngữ là quy ước. Cho nên nếu mọi người đều hiểu sai một từ, nếu theo từ nguyên, thì cũng không sao, sai cũng sẽ thành đúng. Nhưng quy ước phải nhất quán (theo nghĩa phải có diện áp dụng rộng nhất trong một vùng ngữ nghĩa nào đó : luật pháp, y học, toán học… có thể có những từ giống nhau những ý nghĩa hoàn toàn khác). Nói vậy chỉ để thông cảm cho những từ ngữ đã bị đa số dùng sai, nhưng có lẽ không phải trường hợp hai từ “pháp trị” và “pháp quyền”chúng ta đang bàn đến.

2) Từ ngữ phải được hiểu theo khung cảnh, và ở đây “pháp trị” hay “pháp quyền” đều được bàn đến trong văn cảnh luật pháp cao nhất, tức ở mức nhà nước, hay nói khác đi ở mức ngôn ngữ dùng trong Hiến Pháp. Và theo nguyên tắc 1) nói trên chúng phải cùng ý nghĩa trong phạm vi nhỏ hơn của luật pháp cụ thể, do đó không cần bàn dài dòng đến luật pháp nói chung.

3) Vậy thế nào một nhà nước “pháp trị” ? Trước hết : “pháp trị” là một từ ngữ / khái niệm đã có từ cổ xưa, Tuân Tử và Hàn Phi Tử đã dùng rồi, nghĩa của nó là cai trị bằng Pháp luật, dịch nghĩa đen chính là “rule by law”, và dịch nghĩa đen ngược lại cũng không đổi. Có lẽ không có gì để bàn thêm. 
4) Và thế nào là một nhà nước “pháp quyền” ? từ này có lẽ không có trong xã hội châu Á thời phong kiến (TĐ Đào Duy Anh có “pháp trị” nhưng không có “pháp quyền”) nhưng tại châu Âu thì khái niệm ấy,nếu không là từ ngữ, đã có từ thời Aristote rồi.  Tư tưởng đó, theo tôi hiểu, thì “pháp quyền” là “dân chủ + Pháp trị”. Và không lạ gì khi các nhà làm cách mạng chống phong kiến từ Âu sang Á nói đến “pháp quyền”.
5) Pháp quyền, khi hiểu trong ý nghĩa là một nguyên tắc cao nhất của nhà nước, không thể tách khỏi dân chủ. Hiến Pháp (bộ luật tối thượng chi phối mọi luật pháp của nhà nước) phải do một quốc hội bầu ra một cách dân chủ soạn thảo, và Hiến Pháp đó phải cao hơn mọi quyền lực khác, phải độc lập với mọi đảng phái.
6) Chỉ có như thế “pháp quyền” mới là “rule of law”, mà có thể dịch chính xác là sự thống trị của Pháp luật. Dĩ nhiên, có pháp quyền cũng phải có pháp trị, nếu không thì vô nghĩa. Nhưng có thể có pháp trị mà không có pháp quyền.

7) Về chữ “quyền” và “pháp quyền”: 

Các bậc tiền bối thực ra cũng sáng tạo từ “Pháp quyền” để nói về khái niệm “Etat de droit” hay “rule of law” (với tất cả những hệ luận của nó như Hiến Pháp, Nghị Viện Lập Hiến, Lập Pháp, v.v), mà lịch sử của nó chính là thoát ra từ cuộc cách mạng tư sản chống lại chế độ quân chủ, mà thôi. Cứ hiểu tổng quát như thế và dùng như đã dùng là được, chẳng cần chẻ sợi tóc làm tư làm gì.
Nhưng nếu muốn tìm hiểu tại sao các cụ dùng chữ như thế thì phải hiểu rõ ý nghĩa của chúng đã :
Tra hai từ điển Thiều Chửu và Đào Duy Anh thì thấy thật lý thú; và sự khác biệt mô tả cái khó khăn của cách hiểu từ này. Một bên (TC) rất cô đọng và bên kia rất dài dòng rắc rối với nhiều từ kép được định nghĩa một cách quay vòng (*) — nhiều tầng !!! — (dùng chữ đang giải nghĩa trong câu giải nghĩa, rồi có khi hai chữ kép lại giải nghĩa lẫn nhau !!!). Tôi xin trích TĐ Thiều Chửu để tiện tra cứu vì có trên mạng. (http://vietnamtudien.org/thieuchuu/) :權 quyền (21n)

  • 1 : Quả cân.
  • 2 : Cân lường.
  • 3 : Quyền biến 權變. Trái đạo thường mà phải lẽ gọi là quyền 權, đối với chữ kinh 經.
  • 4 : Quyền bính, quyền hạn, quyền thế.
  • 5 : Quyền nghi, sự gì hãy tạm làm thế gọi là quyền thả như thử 權且如此 tạm thay việc của chức quan nào cũng gọi là quyền.
  • Với điều kiện là áp dụng một chút những suy diễn thường có trong loại chữ biểu ý như chữ Hán, ta thấy tại sao quả cân và cân lường lại biến thành quyền như ta hiểu hiện nay. Nghĩa bóng của cân lường là “phán đoán (đúng sai, nặng nhẹ…)”, rồi mở rộng ra là khả năng thực hiện phán đoán của mình. Hình tượng ông quan “cầm cân nảy mực” là như vậy. Đi một bước nữa có thể định nghĩa như sau: “quyền = khả năng của một người hay một tập thể nào đó thực hiện sự phán đoán của mình, trong một phạm vi xã hội nào đó Như vậy :

Trong nhà nước “Pháp quyền”, Hiến Pháp thể hiện sự tự do phán đoán của một dân tộc về những vấn đề hệ trọng nhất liên quan đến số phận của mình (nói tự do, vì không có quyền lực hữu hình hay vô hình nào cao hơn).
Có thể định nghĩa này lạ lùng và xa trực giác của chúng ta về chữ quyền. Nhưng người viết không có khả năng diễn tả sát hơn. Vì sao? vì ý nghĩa của một chữ trong một từ cũng do việc sử dụng của nó (thí dụ “quyền” trong “quyền lợi, “quyền lực”, hay trong “nhân quyền”…) mà biến đổi phần nào: giải thích một chữ đơn lẻ chỉ do riêng nó, là rất giới hạn. 
Do đó việc ông Trương Nhân Tuấn tìm nghĩa của chữ “quyền” theo nhiều chữ kép có thể là cách tiếp cận duy nhất có hiệu quả, ngôn ngữ và khái niệm tiến hoá song song, cho nên khái niệm có tác dụng ngược lại trên ý nghĩa của ngôn ngữ. Tuy nhiên có điểm tôi không hiểu là sau đó ông lại viết:

Chữ « quyền » bắt nguồn từ Mạnh Tử. Ông này có nói: « Nam nữ thụ thụ bất thân, lễ dã, tẩu nịch viên chi dĩ thủ, quyền dã ». Nam nữ trao và nhận không được trực tiếp gần gũi với nhau, đó là lễ; chị dâu bị đắm chìm đưa tay ra vớt, đó là « quyền ».

Chữ  « quyền » như thế bắt nguồn từ « lễ » của Khổng giáo.

Sử dụng một từ có nguồn gốc « lễ » cho một khái niệm về pháp luật (rule of law hay état de droit) là không hợp cách.

Theo thiển ý, chữ “quyền” ở đây thuộc nghĩa thứ ba trong TĐ Thiều Chửu, nó khẳng định với Mạnh Tử rằng, “quyền” là quyền hành xử theo tự do phán đoán chứ không phải chỉ là quyền hành xử theo phán đoán của “đạo thường”. Và Mạnh Tử đã đặt song song “quyền” với “lễ” để có thể nói là đưa ra một trường hợp “quyền” “có quyền” đi ngược với “lễ”. Có phải khái niệm “quyền” là do Mạnh Tử lần đầu tiên định nghĩa hay không? và có phải nó  bắt nguồn từ “lễ” để đi ngược với nó bằng phủ định hay không ? thì tôi không biết. Nhưng rồi sao? cứ giả định như thế, thì tại sao nó lại là một khái niệm không hợp cách? Thế nào là hợp cách?
Một vấn đề lý thú khác qua khảo sát trên đây: văn hoá khác nhau nên từ ngữ và khái niệm khác nhau rất nhiều: nếu cứ theo từ nguyên thì khái niệm “quyền” của văn hoá Á Đông không dịch được trọn vẹn các khái niệm tương đương của Anh hay Pháp, và ngược lại. Do đó cũng chẳng nên cầu toàn. Thế giới toàn cầu hoá thì văn hoá cũng phải dung hợp lẫn nhau mà biến đổi dần.
Một vấn đề có thể nói ngược lại vấn đề trên, quá giống nhau cũng có cái khó của nó: Thí dụ như sự nan giải của việc giải thích từ ngữ Hán Việt: chữ quyền là một thí dụ cho việc không thể không giải thích một từ bằng một câu không có từ đó… trong trường hợp nó đã đi sâu vào văn hoá Việt và không có từ ngữ khác tương đương !!! Điểm 4 của cụ Thiều Chửu, trong từ mục đã dẫn, chỉ là một số thí dụ sử dụng mà cụ không giải thích, hàm ý về một ý nghĩa duy nhất được sự tổng hợp của ba từ này đem lại (nhưng có lẽ chính vì thể không giải thích được nếu không quay vòng, và về ba từ này thì TĐ ĐDA đều giải thích… quay vòng). Về điểm 3 và điểm 5, cụ giải nghĩa dài hơn theo nguyên tắc lôgíc “không dùng chữ đang giải nghĩa trong câu giải nghĩa”, điều mà TĐ ĐDA không làm được với chữ quyền.

8) “Pháp”, “Pháp luật” và “Pháp Quyền” 
Từ pháp ( 法 ) có ý nghĩa rất rộng , và nó cũng vào loại từ ngữ không thể giải thích mà không quay vòng. Không nói đến ý nghĩa của nó trong Phật giáo, còn là một phạm trù bao la hơn; thì pháp là phép trong tiếng Việt (nhưng như thế là không nói gì cả, vì phép chỉ là pháp đượcViệt hoá mà thôi). Chỉ có thể nói pháp gợi ra một cảm nhận mơ hồ về một quy phạm nào đó trong một phạm vi nào đó, phạm vi ấy có thể được làm rõ hơn qua từ ghép với nó. Chẳng hạn : thi pháp là phép làm thơ hay một phong cách làm thơ nào đó ; cũng như thế, bút pháp, hoạ pháp… Nhưng cũng có thể từ ghép kèm không đủ làm rõ nghĩa (thí dụ như “quân pháp” là phép dùng binh hay là kỷ luật quân đội ?),khi đó ý nghĩa chỉ có thể rõ hơn trong quy ước ngầm về một phạm vi sử dụng nào đó.
May mắn thay, từ ngữ, khi vì lý do này hay lý do khác được sáng tạo và sử dụng, vô hình trung đã tự đặt ra quy ước về phạm vi sử dụng của chúng. Như thế, có thể nói trong pháp luật, thì hai thành tố pháp và luật đều tự biến đổi để trở thành rõ hơn, một khi từ ấy được quy ước là dùng trong việc bảo đảm kỷ cương trong xã hội. 
Pháp
 khi ấy là những quy phạm xã hội mà mọi người dân phải tuân theo nếu không có thể bị trừng phạt, và luật là những điều khoản cụ thể của pháp trong nghĩa trên. Đứng riêng ra thì luật là sự cụ thể hoá một cách có hệ thống và phổ quát một điều gì đó, luật nguyên nghĩa là “dụng cụ để thẩm âm” (tức là như cái diapason hiện đại). Và pháp luật tức là luật của pháp nếu hiểu từ ghép theo kiểu người Hán; nhưng ta cũng quen nói luật pháp, đồng nghĩa nhưng không chỉnh bằng. pháp luật là sự cụ thể hoá, quy tắc hoá, của pháp, mà pháp ở đây được hiểu như trên. Và một khi quy ước về ý nghĩa đã rõ ràng thì người ta còn có thể tóm gọn pháp luật thành pháp để ghép thêm ý nghĩa bằng một từ tố khác.
Đó là trường hợp của pháp quyềnPháp quyền là quyền đặt ra pháp luật (kể từ bộ luật cao nhất là Hiến Pháp), một cách dân chủ. Bốn chữ cuối này là quy ước sử dụng — được xác định trong lịch sử — của từ ngữ pháp quyền. Không có quy ước ấy thì không rõ quyền là quyền của ai.

H.D.T.

 

Comments are closed.