Bốn mươi năm thơ Việt Hải ngoại

(52): Cao Tần

 

clip_image001[4]

Lê Tất Điều Sinh ngày 02 tháng 8 năm 1942 tại Hà Đông. Bút hiệu khác: Cao Tần, Kiều Phong.

Lê Tất Điều vào Nam năm 1954. Ông là cựu sĩ quan quân lực Việt Nam cộng hòa. Năm 1975, ông đến Hoa Kỳ và hiện cư ngụ tại San Diego.

Tác phẩm đã xuất bản: Khởi Hành (1961), Kẻ Tình Nguyện, Quay Trong Gió Lốc (1965), Đêm Dài Một Đời (1966), Phá Núi (1968), Những Giọt Mực, Người Đá (1968), Anh Em (1970), Thơ Cao Tần (1978).

*

Lê Tất Điều là nhà văn miền Nam trước năm 1975, với những tác phẩm nổi tiếng như Đêm Dài Một Đời, Những Giọt Mực. Ra hải ngoại, ông cũng làm thơ, với bút hiệu Cao Tần. Ông chỉ sáng tác trong một giai đoạn ngắn, cuối những năm 70 (*), thời kỳ khởi đầu của cộng đồng người Việt tị nạn.

Tập thơ duy nhất, Thơ Cao Tần, là một trường hợp đặc biệt. Tác giả đã mang thơ trữ tình đến gần thơ thế sự, hòa chúng làm một. Nhưng đó không phải là một loại thơ thế sự thông thường, vì nỗi đời của người tị nạn chính là trầm tư về lịch sử và đất nước. Lòng hoài niệm. Sự phẫn nộ bàng hoàng. Tiếng nói phản kháng. Vì vậy có thể gọi thơ Cao Tần là trữ tình-chính trị.

Dừng lại trong khuôn khổ của các thể thơ có vần điệu, không có ý định khai phá hoặc làm mới ngôn ngữ, Cao Tần sở hữu một bút pháp bình dị, thông thường, đôi khi gần văn xuôi, mà vẫn đầy nhạc điệu, trong cấu trúc bền vững. Lối kể chuyện, đau đớn và vui nhộn, thông minh và ấm áp, thường xoay quanh một chủ đề, một ý tưởng độc đáo, xoay quanh một ẩn dụ khôn khéo và trúng đích. Các hình ảnh và chi tiết sáng sủa. Bài thơ tựa như khởi đầu bằng câu hỏi, lên đến đỉnh cao hoặc kết thúc bằng sự trả lời hoặc gợi ý.

Cao Tần là giọng thơ trữ tình-hài hước.Tính chất hài hước trong thơ ông được thể hiện qua những thủ pháp như: sự phóng đại, sự bất tương xứng, sự bất ngờ, tính châm biếm, tính tự châm biếm. Như vậy đó là một nghệ thuật hài hước mới, có phần gần với phương Tây.

Thơ ông hàm chứa cái nhìn tự phân tích sâu sắc đối với cá nhân mình và đối với một tập thể, một giai đoạn lịch sử. Vì tự giới hạn đề tài vào hoàn cảnh lưu vong của những người mới định cư, những người lính sau chiến tranh, thơ Cao Tần không có nhiều đề tài về xã hội Việt Nam sau năm 1975, về các vấn đề sôi động khác của đất nước, gần đây. Sự giới hạn đề tài và chất liệu ấy một mặt là đáng tiếc, một mặt là sức mạnh tập trung của thơ Cao Tần, đến nay vẫn chỉ giới hạn trong mấy chục bài.

Ý thức chính trị rõ ràng, lòng hoài niệm, tính ký sự, chất hài hước chua xót nhưng dịu dàng, khả năng dùng chữ tự nhiên mà điêu luyện, là những phẩm chất làm cho tập Thơ Cao Tần trở thành không chỉ một tác phẩm quan trọng, mà còn là một biểu tượng của người Việt lưu vong, trong thơ, trong những năm đầu tiên.

 

 

Bông Giấy

Tưởng ta nhớ chú lắm sao
Này cây bông giấy bên rào năm xưa
Chẳng qua trời đổ cơn mưa
Thì thương cành mọn đong đưa một mình.



Tháng 12–77

Gửi Duyên Anh

Gặp lại hôm qua chú học trò
Còn nuôi con sáo bạn ta cho
Ta mừng khoe chú bông Thiên Lý
Rực rỡ huy hoàng như tuổi thơ.



Chiều Bát Phố

Chiều đi bát phố gặp toàn Tây
Bỗng tiếc xưa không làm quen cả xóm
Tự trách mình ngu hơn con cầy
Đáng kẹt lại cho thằng Cộng tóm

Bác xích lô mỗi sớm qua nhà
Đầu óc như ta lo cơm lo áo
Co cẳng cà phê quán cóc la cà
Chửi bới lăng nhăng nội các anh Thiệu

Em điếm rẻ tiền hành nghề Gò Vấp
Anh tìm vui hoang em hát cải lương
Ôm nhau dửng dưng, rời nhau hấp tấp
Lòng vẫn chung mang nỗi sợ sa trường

Nhớ ông thầy tu nghiêm trang cúng lễ
Ta ít khi lảng vảng vào chùa
Sao cùng thấy đời sầu một bể
Cùng tỉnh queo trước chuyện hơn thua.

Nhớ kẻ ngất ngư mình gặp ngoài phố
Hai thằng lạ hoắc chẳng thèm ngó nhau
Giờ nghĩ lại, ôi, như ta, nó khổ
Cũng xây nhà trên cát nương dâu.

Giờ nghĩ thân ta chỉ còn có vợ
Vợ trót bỏ quên bên kia bán cầu
Ngày ngày phất phơ giữa rừng mũi lõ
Tìm người tình Việt chưa biết tìm đâu

Chỉ gặp toàn Tây một chiều bát phố
Tiếc sao xưa cả nước chẳng quen nhau
Quen cả nước? Ra đường chào gẫy cổ
Và chắc gì nay nghĩ lại không sầu.

Nhưng quen cả nước chắc lòng sẽ nhẹ
Khi đi có chào may bớt xót xa
Ôi! Xóm xưa ơi, khi nào đổi kiếp
Ta về thành chim hót trước hiên nhà

Tháng 2-77

Chỗ Giấu Kho Tàng

Sau một tuần ngất ngư lao động
Thứ sáu anh thường thức trắng đêm
Vì đêm anh, Sài Gòn đang sáng
Đêm thao thức anh là ngày khốn khổ em

Ngày khốn khổ, thân em tơi tả
Gói nhọc nhằn trong biểu ngữ vinh quang
Ta từng giầu lắm em nào biết
Anh chỉ cho em đôi chỗ giấu kho tàng

Trong công viên xưa có chiếc ghế đá
Giờ đẫm mưa chiều hay tươi nắng mai?
Ghế như ngà, bên hàng thông, em nhớ?
Ta bên nhau trên đó những ngày vui

Chiếc ghế từng nghe lá úa thở dài
Nghe đồi cỏ mùa xuân cười rực rỡ
Chia sẻ những buồn vui
Của thời em rất nhỏ

Em hãy đến tìm ở nhà thờ đỏ
Ngôi thánh đường gạch hồng như son
Nơi ta thường quanh quẩn những hoàng hôn
Tìm kỹ nhé: ngay sau cây thánh giá

Em hãy tìm về sau căn nhà cũ
Đứng bên rào mà ngó lại vườn xưa
Em nhớ nhé: dưới tàn cây trứng cá
Những trái mọng hồng trong ánh nắng sau mưa
Ở góc vườn còn một viên gạch vỡ
Nơi nảy mầm hy vọng một giàn dưa
Kín đáo nghe em, giờ nhà đổi chủ
Nhưng kho tàng ta chắc còn nguyên đó

Đứng trước vườn xưa em hãy mỉm cười
Dù môi buồn đã héo xanh thương nhớ
Nuốt lệ thầm và cười cho tươi
Như chiều xưa đón anh về hớn hở

(Kho tàng ta có một ông thần
Nụ cười em là câu thần chú
Thần chú đọc xong kho tàng sẽ mở)

Kho tàng ta em yêu nhìn xem
Dưới ghế công viên anh giấu thời thơ dại
Trên tháp nhà thờ anh giấu niềm tin
Trong vườn cũ anh giấu thời hạnh phúc
Nơi nụ cười em anh giấu trái tim.

Hãy chia anh một nửa kho tàng
Để cùng tiêu trong chuỗi ngày khốn khó

Thêm một lần thứ sáu trắng đêm
Để hồn về một Sài Gòn đang sống
Gõ tuyệt vọng cửa thiên đường đã đóng
Xin chia nhau ngày khốn khổ cùng em

Tháng 3-77


Kẻ Trở Về

Thằng bạn đòi về trên tàu Thương Tín
Hoan hô Đảng và tranh đấu rất chì
Giờ được tin vùi thây Yên Bái
Thôi, còn chê trách nó mà chi.

Nó tưởng được về hôn con, ôm vợ
Bước rưng rưng trong những phố phường xưa
Ôm vợ, hôn con, ngắm trời đất cũ
Chỉ một lần thôi rồi tịch cũng vừa

Nhớ nó xưa chọc trời, xô núi
Thân nam nhi ngang dọc cõi bờ
Bỗng di tản ra thân lúi xúi
Trong trại xếp hàng chầu cơm như mơ

Trong trại sáng giật mình, hoảng hốt
Đêm bụng đầy nhóc rượu tìm quên
Gọi vợ trong mơ, nhắc con lúc thức
Nằm thì trằn trọc, đứng thì điên

Nó quyết đòi về trên tàu Thương Tín
Anh em xúm xít, khản cổ can hoài
Thằng bạn cười buồn, tác phong lính chiến:
“Thôi coi đời tao là con củ… khoai.”

Thấy nó lên tàu biết xong một kiếp
Nhưng hy vọng hão cứ nguyện như thường
Cầu nó bình an thấy con, thấy vợ.
“Yếu như thằng này chắc đất trời thương.”

Nó bước xuống tàu giữa rừng cán bộ
Về quê hương mà như lạc tinh cầu
Rồi trôi giạt trên nghìn dặm khổ
Rồi âm thầm đổ giữa rừng sâu.

Mày có linh thiêng qua đây tao cúng
Một chầu phim X một quả tắm hơi
Thiên đường mày hụt thì tao đang sống
Cũng ngất ngư đời như con củ khoai!

Tháng 2-77

Ta Làm Gì Cho Hết Nửa Đời Sau?

Dăm thằng khùng họp nhau bàn chuyện lớn
Gánh sơn hà toan chất thử lên vai
Chuyện binh lửa anh em chừng cũng ớn
Dọn tinh thần: cưa nhẹ đỡ ba chai

Rừng đất khách bạt ngàn màu áo trận
Xong hiệp đầu mây núi đã bâng khuâng
Hào khí bốc đủ mười thành chất ngất
Chuyện vá trời coi đã nhẹ như không

Một tráng sĩ vung ly cười ngạo mạn
Nửa đời xưa ta trấn thủ lưu đồn
Nay đất khách kéo lê đời rất nản
Ta tính sẽ về vượt suối trèo non…

Sẽ có lúc rừng sâu bừng chuyển động
Những hùm thiêng cựa móng thét rung trời
Và sông núi sẽ vươn mình trỗi dậy
Và cờ bay trên đất nước xinh tươi

Một tráng sĩ vô êm chừng sáu cối
Thần tự do giờ đứng ở nơi nào?
Ta muốn đến leo lên làm đuốc mới
Tự đốt mình cho lửa sáng xem sao…

Thần tự do giơ hoài cây đuốc lạnh
Ta tiếc gì năm chục ký xương da
Sẽ làm đuốc soi tìm trong đáy biển
Những oan hồn ai bỏ giữa bao la…

Bình minh tới một chàng bừng tỉnh giấc
Thấy chiến trường la liệt xác anh em
Năm tráng sĩ bị mười chai quất gục
Đời tha hương coi bộ vẫn êm đềm

Sàn gác trọ những tâm hồn bão nổi
Những hào hùng uất hận gối lên nhau
Kẻ thức tỉnh ngu ngơ nhìn nắng mới:
Ta làm gì cho hết nửa đời sau?

Tháng 3-77


Mai Mốt Anh Trở Về

Mai mốt anh về có thằng túm hỏi
Mày qua bên Mỹ học được củ gì
Muốn biết tài nhau đưa ông cây chổi
Nói mày hay ông thượng đẳng cu li

Ông rửa bát chì hơn bà nội trợ
Ông quét nhà sạch hơn em bé ngoan
Ngày ngày phóng xe như thằng phải gió
Đêm về nằm vùi nước mắt chứa chan

Nghệ thuật nói bỗng hóa trò lao động
Thằng nào nói nhiều thằng ấy tay to
Tiếng mẹ thường chỉ dùng chửi đổng
Hay những đêm sầu tí toáy làm thơ

Ông học được Mỹ đất trời bát ngát
Nhưng tình người nhỏ hơn que tăm
Nhiều đứa hồn nhiên giống bầy trẻ nít
Còn hồn ông: già cốc cỡ nghìn năm

Bài học lớn từ khi đến Mỹ
Là ngày đêm thương nước mênh mang
Thù hận bọn làm nước ông nghèo xí
Hận gấp nghìn lần khi chúng đánh ông văng

Nếu mai mốt bỗng đổi đời phen nữa
Ông anh hùng ông cứu được quê hương
Ông sẽ mở ra nghìn lò cải tạo
Lùa cả nước vào học tập yêu thương

Cuộc chiến cũ sẽ coi là tiền kiếp
Phản động gì cũng chỉ sống trăm năm
Bồ bịch hết không đứa nào là ngụy
Thắng vinh quang mà bại cũng anh hùng

Tháng 3-77


Chú Nào Nghe Mái Tôn Mưa

Chú nào đi đường ta bình minh này
Có nhớ chào dân xóm ta dậy sớm
Có nghe thơm mùi bụi mới đầu ngày
Cùng lá hoa tươi mừng nắng lớn.

Chú nào trưa nay ngồi trên đồi ta
Thở gió thông khô quen từ kiếp trước
Đếm nắng hoa sao nở đầy trên hồ
Trưa thật tuyệt vời, đẹp hơn mơ ước

Chú nào ngồi hiên nhà ta chiều nay
Nghe mưa Sài Gòn rạt rào thơm mát
Sau một ngày nắng loá chín tầng mây
Những mái tôn mưa cười ran hạnh phúc

Chú có biết yêu thương vài nụ hồng
Đã thắm tươi trên giàn che cổng gỗ
Những giọt trong veo từ cõi vô cùng
Vỗ rộn ràng vui trên từng lá nhỏ

Chú nào đêm nay kê đầu gối đó
Thở hương nồng hạnh phúc đẫm không gian
Có biết nói nghìn năm sau vẫn nhớ
Vẫn hai vai êm ấm mãi ơn nàng?

Tháng 12-77


Thư Quê Hương

Thư quê hương như tên hề ốm nặng
Hồn tang thương sau mặt nạ tươi cười
Son phấn hân hoan phủ nghìn cay đắng
Mắt lệ đầy, miệng hát những lời vui…

Ta biết thư em vượt muôn cửa ải
Mắt sài lang soi nát cả linh hồn
Em chẳng được khóc cùng ta bằng chữ
Thì gửi chi dăm khẩu hiệu buồn nôn!

Gửi cho anh vài sợi tóc mẹ già
Rụng âm thầm trên hiên chiều hiu quạnh
(Nuôi một bầy con cuối đời vẫn lạnh)
Cho anh hôn ơn nặng một thời xa…

Anh muốn thở mùi nhọc nhằn nô lệ
Gửi cho anh manh áo rách con thơ
Con chào đời: ta rừng sâu lính trẻ
Ta non cao, con tập nói u ơ…
Giờ bước đầu đời chân non vấp ngã
Muốn nâng con… nào biết có bao giờ.

Gửi cho anh viên sỏi nhỏ bên đường
Anh sẽ đọc ra trăm nghìn lối cũ
Gửi cho anh vài nhánh cỏ quê hương
Anh sẽ đọc đất trời ta đã thở…

Và gửi cho anh một tờ giấy trắng
Thấm nước trời quê qua mái dột đêm mưa
Để anh đọc: Mênh mông đời lạnh vắng
Em tiếc thương hoài ấm áp gối chăn xưa…

Tháng 4–77

 

 

Hát Ngao Trên Tuyết

Khoác áo lông xù giả làm tráng sĩ
Lên dòng sông đá bước nghênh ngang
Cây gậy trúc trông sặc mùi vũ khí
Múa tưng bừng vào thinh không giá băng

Khoái thay đời ta một đời quái đản
Hai mươi năm xưa làm thằng nhỏ di cư
Hai mươi năm sau thành nhà thơ di tản
Một đời quê hương khét mùi súng đạn
Một đời xót xa bằng hữu lao tù

Khoái thay chân ta những chân phiêu bạt
Đi dọc quê hương, đi vòng địa cầu
Đi thênh thang thở đồi cao gió mát
Đi ngất ngây thương lúa vàng, hương cau
Đi hội trùng phùng, đi chia tan tác
Đi tràn hạnh phúc, đi ngập thương đau
Đi sỏi đá mềm, bếp hồng trước mặt
Đi bùng bão biển, quê hương phía sau
Những bước thú hoang lạc rừng đất lạ
Những bước ngậm ngùi đi chẳng về đâu

Sông không đầu đuôi sông màu đá cục
Dưới trên lẫn lộn, trời đất mang mang
Ta ngửa cổ làm thằng khùng Bắc Cực
Một mình cười cùng thinh không giá băng

Khoái thay hồn ta một hồn dị thường
Khi bốc lên: núi lưng trời cũng thấp
Khi bi ai: thân cỏ mọn bên đường

Sông dài! Sông dài! Ta đi chẳng hết
Thân trượng phu, hừ, mục trong áo cơm?
Núi cao! Núi cao! Ta về không đến
Chí trượng phu, hừ, chôn trong giá băng?


Tháng 2-78

(*) Theo nhà phê bình Đặng Tiến: “Thơ Cao Tần, bản 1978, do Tạp chí Bút Lửa và nxb Người Việt thực hiện, bìa do họa sĩ Nguyễn Văn Mộch, khổ nhỏ 10×17 cm, giấy màu hồng, in kiểu tiểu công nghiệp, 56 trang, gồm 17 bài thơ làm trong năm 1977, đã rải rác đăng trên báo Bút Lửa. Các bài thơ không có tên, chỉ đánh số từ 1 đến 17. Sau đó, 1984, nhà Tin Yêu tại Seattle của nhóm Thanh Nam tái bản, khổ lớn 21×27 cm, Ngọc Dũng vẽ bìa, in đẹp, có lời giới thiệu của Võ Phiến viết tháng 1-1978. Những bài thơ lần này có tên và không theo trật tự lần trước. Và thêm 1 bài làm 1978 và 2 bài 1982.”

(http://www.talawas.org/talaDB/showFile.php?res=7940&rb=08)

 

Comments are closed.