THƠ KHẾ IÊM

NGƯỜI ĐÀN BÀ SAU 40 NĂM

 

Khe-Iem-300x213Người đàn bà 40 tuổi trở

về sau 40 năm cuộc chiến

tàn nơi một đất nước xa lạ

xa lạ như đứa trẻ sinh ra

 

không biết mình là ai trong cuộc

đời 40 năm mập mờ ký

ức bà đi tìm bà hay bà

đi tìm ai ôi chao bà đi

 

tìm câu chuyện về người đàn bà

đã sinh ra bà và ném bà

vào một thế giới không phải của

bà nhưng bà chỉ gặp một Sơ

 

già từng cưu mang những đứa trẻ

mồ côi và cho họ một cuộc

đời khác khác với cuộc đời họ

đã sinh ra Sơ ngỡ ngàng Sơ

 

không nhận ra bà bà không nhận

ra Sơ đã 40 năm qua

rồi Sơ kể kể đi kể lại

những hoài niệm cất dấu sau cuộc

 

chiến tàn bà là đứa trẻ được

đưa tới trại trẻ mồ côi từ

bệnh viện bệnh viện nơi trú ẩn

của sự sống và cái chết cuộc

 

đời của người đàn bà đã sinh

ra bà và cứ thế huyễn hoặc

này vùi vào huyễn hoặc khác cuộc

đời này vùi vào cuộc đời khác

 

những dấu tích phôi pha đủ để

Sơ già già hơn qua năm tháng

nhưng vẫn chồng chất những mảnh đời

bất hạnh của những đứa trẻ mồ

 

côi rồi Sơ lại kể kể đi

kể lại như thể sợ mất đi

đứa con thất lạc nay đã về

nhà trong cuộc hành trình 40

 

năm sau cuộc chiến tàn bà trở

về nơi bà đã ra đi nay

bà lại ra đi đến nơi đã

trở về bà là ai là ai

 

là câu hỏi mãi đeo đẳng nơi

bà dù cho là có 40

năm sau nữa.

 

 

*Theo bản tin “Ngày về của đứa trẻ trong Chiến dịch Không vận Trẻ em 1975”, nguồn Khampha.vn, câu chuyện sơ tán của Julie Davis từ Sài Gòn tới Seattle, Mỹ, vào năm 1975.

 

 

 

 

NẮNG VÀNG

 

Tôi đứng ở bãi đậu
xe nhìn bâng khuâng một
vùng nắng vàng (và trong
lúc này) tôi không biết

 

tôi là nắng hay nắng
là tôi con đường phía
trước một hướng ra biển
còn hướng kia lên đồi

 

cả hai nơi đều có
những ngôi nhà đắt tiền
nhưng những ngôi nhà đắt
tiền thì có liên hệ

 

gì tới tôi có lẽ
là do sự liên tưởng
từ con đường con đường
dẫn tới những ngôi nhà

 

đắt tiền bây giờ nắng
đã xóa đi ký ức
và cái nghĩ của tôi
cũng đã rời xa tôi

 

lờ mờ tôi không còn
biết tôi đang ở đâu
và đi đâu bởi tôi
là nắng chỉ khi nào

 

nắng rời xa tôi lúc
đó ký ức và cái
nghĩ trở lại thì may
ra tôi mới trở lại

 

tôi nhận ra nơi tôi
đến và đi (chẳng mấy
chốc) bóng tối tiễn đưa
ánh sáng và bãi đậu

 

xe sẽ lấp lánh lấp
lánh đủ sắc màu nên
tôi không muốn lãng phí
giây phút nào ở với

 

nắng lúc này tôi không
làm gì ngoài ngó quanh
lác đác bóng người len
lỏi qua những hàng xe.

 

 

 

 

TẾT Ở NEW YORK

 

Năm cũ không bước qua
năm mới vì năm mới
vốn thông thương với năm
cũ trong lúc lũ tết
và lũ tuyết ập xuống
mái nhà ôm lấy nhau
không chịu tan ra chẳng
khác nào năm cũ nằm
ôm lấy năm mới nhì
nhằng không thể bước qua
nhau mãi cho đến lúc
giật mình thức giấc bởi
tiếng động của cái lạnh
làm se da thay cho
tiếng pháo nhắc tới tết.

 

20/2/2015

 

 

 

KẺ VIẾT

 

Những kẻ viết – như tôi –
sống với những nhân vật
của họ mà nhân vật
của họ thì vốn dĩ

 

là những mẫu người thật
đủ mọi dạng hình được
bỏ vào những tình huống
do họ tạo ra theo

 

kiểu cách của họ những
nhân vật của họ trở
thành những con rối dần
dần những con rối lại

 

biến chính kẻ viết thành
những con rối con rối
trong những con rối ô
hay thế giới của những

 

con rối cứ  thế và
cứ thế phiêu bạt phiêu
bạt những con rối chữ
nghĩa lộn xộn với những

 

con rối cuộc đời và
trong cái mớ bong bong
của hoài nghi kẻ viết
đi đâu về đâu cuối

 

cùng rồi cũng chỉ là
kẻ viết có khác gì
những con người khác luẩn
quẩn trong những thế giới

 

khác nhiễu nhương và nhiễu
nhương nhưng nhiễu nhương thì
nhiễu nhương những kẻ viết –
như tôi – làm sao có

 

thể thóat ra khỏi cái
viết và chỉ có thể
mãi mãi là kẻ viết
vất vưởng trong cái viết.

 

 

 

NHỮNG CÁI TÔI BUỒN

 

Nếu sự thực chỉ là ảo tưởng
và thực tại trùng trùng lớp sóng
phế hưng trong tình huống như vậy
tôi bị đẩy ra ngoài lề tôi

 

là con chữ những bản văn không
thể khác và không thể khác và
thế là tôi có thể cắt dán
tôi tải lên lấy xuống nén lại

 

gửi đi tách lìa giữa tôi và
tôi những cái tôi được tạo ra
từ tâm trí tôi những cái tôi
ký hiệu những cái tôi viết lời

 

tuyên ngôn những cái tôi viết lời
cổ động những cổ động rỗng không
những cái tôi dị dạng méo mó
những cái tôi nổi trôi trên mạng

 

lưới trời những cái tôi phẳng những
cái tôi bị tâm trí dày xéo
những cái tôi bị tâm trí xâm
lăng dựng thành kịch bản kịch bản

 

ở ngoài mọi kịch bản tôi là
tù nhân của tâm trí tôi và
những người khác là tù nhân của
tâm trí khác y như tôi vậy

 

đẩy con người tới bờ vực lãng
quên và bây giờ tôi đang ngồi
bên song cửa ngó ra ngoài thấy
le lói ánh trăng soi và ngẫm

 

lại nếu con người chỉ là hư
cấu những bản văn thì tôi cũng
chỉ là bản sao của vô số
những bản sao tôi những chiếc bóng

 

nói nói và nói chi nhiều (vì
sự thật chẳng bao nhiêu.)

 

 

 

MẸ KHỔ

 

Mẹ già đã gìa ngồi
còng lưng bên gánh hàng
rong nơi góc phố bụi
mờ những bước chân qua
mẹ chờ gì và mẹ
chờ ai không mẹ không
chờ gì và mẹ không
chờ ai ngòai nỗi buồn
canh cánh từ thuở khai
sinh mẹ còn gì và
mẹ còn ai không mẹ
không còn gì mẹ không
còn ai ngòai lũ con
đứa lang bạt kỳ hồ
đầu đường xó chợ đứa
vợ bỏ đi hoang lặn
lội tìm trầm nơi rừng
sâu núi thẳm một sớm
tin về xảy chân đã
thành thiên cổ không ai
nuôi mẹ vậy mẹ nuôi
ai mẹ nuôi lũ cháu
còn thơ mồ côi mồ
cút bữa đói bữa no
trong vòng tay mẹ bà
ơi bà ơi mẹ như
chiếc lá đổi màu năm
cùng tháng tận ngồi đây
kẻ qua người lại không
ai thấy mẹ mẹ không
thấy ai rồi một hôm
mẹ nghe lũ chim non
quang quác đầu nhà kêu
trong hoang sơ mẹ
không kịp về cơn đau
ập đến mang xác mẹ
đi đi đâu về đâu
bà ơi bà ơi ngày
đi vào đêm mẹ không
kịp về mẹ ngồi bên
đường mẹ ngồi chết khô
bên gánh hàng rong người
đi kẻ ở phố vẫn
như xưa chỉ không còn
cuộc đời mẹ khổ bà
ơi bà ơi bà ơi
bà ơi đi đâu về đi.

 

 

 

NGỒI BÊN ĐƯỜNG CHỜ

 

Chờ gì ngồi bên đường
chờ chờ ai không có
ai bên đường không có
ai chờ ai vậy ai
là ai ai là không
ai ngồi bên đường chờ
chỉ là ngôi bên đừơng
chờ bâng quơ như một
câu nói không ai nói
từ đâu nơi đâu ngồi
bên đường chờ này ngồi
bên đường chờ hóa ra
chỉ là ngồi bên đừơng
chờ thờ ơ như một
bài thơ trên giấy chờ
… sang trang.

Comments are closed.