Hòa nhạc: Tam tấu Boulanger (Hamburg/Berlin)

imageChủ nhật, 28.10.2018, 20h00

Nhạc Viện Tp. Hồ Chí Minh

112 Nguyễn Du, Quận 1, Tp. Hồ Chí Minh

Giá vé: 100.000 VND – 200.000 VND

Vé được bán tại Nhạc Viện (Tel.: 0909.476.966 | 0989.493.363)

image

Thành lập vào năm 2006 ở Hamburg với ba thành viên Karla Haltenwanger (dương cầm), Birgit Erz (vĩ cầm) và Ilona Kindt (cello), hiện nay “Boulanger Trio” thuộc số ít những nhóm tam tấu dương cầm hoạt động chuyên nghiệp ở Berlin và thường xuyên tham gia những liên hoan âm nhạc như: „Mùa xuân Heidelberg“, „Liên hoan âm nhạc Schleswig-Holstein“, „Những ngày âm nhạc mùa hè Hitzacker“, cũng như các liên hoan âm nhạc đương đại mang tên „Đối thoại“ tại Mozarteum Salzburg và „Siêu âm“ diễn ra ở Berlin. Nhóm có đến 8 đĩa thu âm để minh chứng cho nỗ lực của họ. Đĩa CD „Solitaires“ và bản thu âm mới nhất về những bản ca Scotland và Ailen của Beethoven cùng với sự tham gia của giọng ca bariton Andrè Schuen đã được xếp hạng bình chọn của tháng. Hai CD bao gồm những tác phẩm của Ludwig van Beethoven, Dmitri Schostakowitsch và Peteris Vasks thu âm với hãng đĩa Hänssler Profil đều dành được giải thưởng Supersonic danh giá. Năm 2010, CD các tác phẩm của Johannes Brahms, Franz Liszt và Arnold Schönberg cũng tại hãng đĩa này đã nhận giải Excellentia tại Luxembourg. Vào tháng 8 năm 2018 bản thu âm với những tác phẩm của Juon Tschaikowsky đã được ra mắt khán giả mộ điệu gần xa.

Lối biểu diễn đầy nhiệt huyết cũng như cách trình diễn thật thông minh, luôn tự tìm tòi cách biểu đạt riêng cho mỗi tác phẩm, cùng với những tiết tấu hết sức độc đáo đã khiến những buổi biểu diễn của nhóm Tam Tấu Boulanger trở thành những khoảnh khắc khó quên đối với công chúng yêu mến dòng nhạc thính phòng.

Chương trình:

Ludwig van Beethoven (1770 – 1827) – “Piano Trio in D major, Opus 70 No. 1 “Ghost””: tác phẩm “Bóng ma” giọng Rê trưởng là một trong hai tác phẩm thuộc bộ Trio Opus 70, được sáng tác cho piano, violin và cello vào mùa hè năm 1809. Sự ra đời của bộ đôi này vào đã góp phần đưa nhạc Cổ Điển thoát ra khỏi tính giải trí đơn thuần, trở thành một trong những phong cách điển hình trong âm nhạc đầu thế kỷ 19. Trên báo Allgemeinen Musikalischen Zeitung nhà phê bình âm nhạc E.T.A. Hoffmann đã từng bày tỏ sự phấn khích của mình về “cái cách mà Beethoven truyền tải tinh thần âm nhạc lãng mạn vào các tác phẩm của mình, với tất cả sự khéo léo, cẩn trọng”.

Frank Martin (1890-1974) – “Trio sur des mélodies populaires irlandaises” (“Trio based on popular Irish melodies”), một sáng tác được viết vào năm 1925 và là kết quả sau nhiều tuần lễ nghiên cứu tỉ mỉ từng làn điệu trong các bài hát dân gian của Ireland. Cuối cùng Frank Martin đã chọn 14 giai điệu cho bản Trio của mình, bao gồm 3 câu, với sự diễn giải như sau: “Tôi đã sử dụng những ý tưởng âm nhạc phong phú trong văn hóa dân gian Ireland bằng cách đắm mình thật sâu vào từng giai điệu, cố gắng giữ gìn cái nguyên bản của nó, tránh việc làm mới lại bằng những hòa âm quen thuộc. Nói cách khác, trong tác phẩm này của tôi, bạn sẽ không thấy sự biến hóa cổ điển theo lối thông thường. Tôi đã tìm kiếm các nguyên tắc âm nhạc của riêng mình thông qua các giai điệu và kết nối chúng với nhau thật nhịp nhàng theo cái cách mà chúng cần phải được kết nối như thế”.

Felix Mendelssohn-Bartholdy (1809 – 1847) – “Piano Trio in D minor, Opus 49, No. 1”: bản tam tấu giọng Rê thứ được sáng tác vào năm 1839, khi nhà soạn nhạc đang ở trong giai đoạn sáng tác  đầy hưng phấn  “Tôi nghĩ, mình chưa bao giờ làm việc hứng thú đến thế….thật là một cuộc sống huy hoàng”. Trên ấn phẩm “Neuen Zeitschrift für Musik”, Robert Schumann đã từng nhận định bản tam tấu này sánh ngang với bản tam tấu cung Si giáng trưởng và Rê trưởng của Beethoven, cũng như bản tam tấu giọng Mi giáng trưởng của Franz Schubert.” Anh ấy chính là Mozart của thế kỷ mười chín, một nghệ sĩ sáng chói, một người thấu hiểu được những mâu thuẫn của thời đại và đã tìm ra cách hòa hợp chúng”.

Liên hệ:

Goethe-Institut Tp. Hồ Chí Minh

18, đường số 1, Cư xá Đô Thành, phường 4, quận 3, Tp. Hồ Chí Minh

Tel.:  +84 8 38326716 (Ext. 14)

Email: Kultur-Saigon@goethe.de

Website: www.goethe.de/vietnam

.

Facebook: https://www.facebook.com/goetheinstitut.hcm

Comments are closed.