nhưng những vết thương lòng bao giờ, đến bao giờ mới chịu nguôi ngoai

(Rút từ facebook của Lê Vĩnh Tài)

 

Người ta bảo Quảng Trị là ngã ba Đông Dương. Vùng đất nổi tiếng với mùa hè 1972 lịch sử. Cái mùa hè máu pha nước mắt để thành Cổ trở thành thành lũy thử sức con người. Đã có không biết bao nhiêu bài thơ về những người lính của cả hai bên ra trận với viên bi ve trong túi áo và tiếng ve mùa hạ cuối đời học trò oà vỡ. Biết bao người trai chưa kịp cởi áo học trò, chưa kịp thành nhà thơ thành bác sĩ, đã xanh màu áo trận. Và đến đây gửi lại nắm xương mẹ cha tặng cho mình, chỉ để cắm lá cờ lên đống gạch vụn, đến bây giờ vẫn chưa tỉnh giấc mơ. Người tiến vào không kể sống chết, người rút lui khi tất cả đã san bằng. Cuộc chiến được tuyên truyền bằng chông tre giáo mác đã hóa thành phi pháo tên lửa phòng không máy bay tan nát cả đất trời. Cây cầu Hiền Lương trở thành vết vỡ đôi của đất nước, dù con sông hai bờ gần nhau đến nỗi “đứng ở bờ Nam nhìn những thôn xóm miền Bắc hiện rõ mồn một đến từng dáng người, tưởng như ới lên một tiếng, vẫy tay một cái là với tới nhau được ngay” (Hoàng Phủ). Nhưng chiến tranh có bao giờ chịu đi đường thẳng, cuộc chiến đã vòng theo bao nhiêu súng đạn, máu xương và nước mắt, để hai mươi năm sau người dân Việt Nam mới được qua cầu. Nhưng lòng vẫn chưa thanh thản. Đất nước thống nhất nhưng hai bên bờ còn nhìn nhau với bao nhiêu câu chuyện chưa nguôi. Cây cầu cắt chia đất nước như vết chém đã liền sẹo, nhưng những vết thương lòng bao giờ, đến bao giờ mới chịu nguôi ngoai. Bởi chiến tranh chỉ có bắt đầu chứ có bao giờ chịu kết thúc, nó còn lại mãi trong giọt nước mắt của người vợ chờ chồng, người mẹ mong con.

Comments are closed.