Sự khốn nạn!

(Rút từ facebook của Tùng Dương Cola)

 

Đám đông kẻ đứng người ngồi lố nhố, những xấp tiền thi nhau thả xuống hai mặt chẵn lẻ…

Những tiếng chửi bới, la hét vang lên inh tai nhức óc, âm thanh không khác gì một cái chợ vỡ…

Những cái miệng nhai bánh rán nhồm nhoàm, những đôi mắt hồi hộp, hau háu nhìn xuống dưới…

Chị bán bánh rán co ro trong chiếc áo sơ mi sờn cũ màu xám giữa trời đông rét mướt, bên chiếc xe đạp rách nát, kiên nhẫn đứng chờ…

Tôi uống nốt chai nước rồi móc tiền ra trả. Từ đây tới điểm quay chỉ còn 12km mà gần một tiếng đồng hồ nữa mới phải có mặt, nhưng những “mỹ từ” văng ra từ cái đám nhốn nháo bên cạnh làm tôi không muốn ngồi thêm. Lấy lại tiền thừa, tôi chuẩn bị đứng lên bước ra…

Tiếng hai người đàn ông cãi chửi nhau, rồi ba người, bốn người… Rồi… choang!… Bát đĩa vỡ lăn lóc… Những bàn tay tranh nhau chộp xuống những đồng tiền còn vương lại dưới đất. Đám bạc giải tán một cách bất đắc dĩ, nhanh chóng tản vào quán nước và các nơi xung quanh…

Chị bán bánh rán ngơ ngác, luống cuống đôi dép rách gạt chân chống xe. Lúc này tôi mới để ý thấy bàn chân trái của chị bị cụt một nửa.

Tập tễnh bước về phía quán nước, tháo chiếc nón rách đã đen kịt trên đầu ra, chị rón rén nói với đám người vừa ngồi xuống:

– Các anh ơi… cho em… xin tiền bánh với ạ…

– Bánh nào, bánh gì? – gã đàn ông trung tuổi mép đầy vụn bánh rán trừng mắt hỏi.

– Dạ, cho em xin… tiền bánh rán các anh… vừa ăn ý ạ…

– Đ… mẹ con này điên à? Ai gọi thằng ấy trả, sao lại đòi bọn bố mày? – gã khác ngồi cạnh lớn tiếng.

– Các anh… các anh thương em… lãi lời chả là bao… Anh nào ăn bánh… thì trả cho em… với ạ! – chị bán bánh mếu máo.

– Ơ đ… mẹ con này, bố mày đùa với mày đấy à?? Biến mẹ mày đi, lèo nhèo bố đập cho bây giờ! – gã trẻ tuổi quát to.

Bà bán nước xen vào:

– Thôi các chú, đừng làm vậy mà tội người ta! Vợ chồng cô ấy bị tai nạn giao thông, chồng thì mất, cô ấy thì tàn tật, mà vẫn hàng ngày đạp xe bán bánh nuôi 4 đứa con ăn học, các chú trả cho người ta…

– Việc của bà đấy à? Éo phải việc của mình thì đừng xen vào! – gã trẻ tuổi sừng sộ.

– Bà thương nó thì bà trả tiền đi! – một giọng đàn ông ngồi phía sau vọng ra.

– Còn đứng đấy làm con c… gì? Định ăn vạ bọn bố mày hả, thích ăn vạ không? thích không?? – gã trẻ tuổi đứng phắt lên, tư thế như đang vớ lấy vật gì…

Tấm thân gầy gò của chị bán bánh run lẩy bẩy, chị luống cuống đội lại chiếc nón rách lên đầu, tập tễnh bước về phía chiếc xe đạp, nước mắt ràn rụa…

Tôi đứng như trời trồng, theo dõi toàn bộ diễn biến vừa xảy ra. Tôi không nhớ chính xác là lúc đó tôi đã nghĩ những gì, chỉ nhớ cái cảm giác muốn lao đến đạp vào mặt cái lũ chó kia, kèm với một vài từ rất bậy xuất hiện trong đầu tôi, hình như thế…

Tôi tiến lại chỗ chị bán bánh đang lúi húi với chiếc xe đạp và nói:

– Chị ơi, tiền bánh của chị này, bao nhiêu tiền hả chị?

– Không, em chỉ lấy tiền của mấy anh kia thôi, anh có ăn bánh của em đâu – chị bán bánh nhìn tôi và nói trong tiếng khóc.

– Mấy anh đó nhờ tôi trả hộ mà, bao nhiêu hả chị?

– Dạ, 19 cái… là 38 ngàn ạ! – chị nghẹn ngào – nhưng em không lấy đâu ạ… Các anh kia không trả… Đây là tiền của anh, em không lấy ạ! – chị quay xe.

– Chị cầm lấy đi, các anh ấy vừa nhờ tôi trả thật mà! Kìa chị ơi, này chị… chị ơi….

Chị bán bánh đã khom lưng đạp xe đi tới giữa con đường, bỏ lại tiếng gọi của tôi ở phía sau…

Tôi định đuổi theo chị, nhưng chợt hiểu rằng với những con người có lòng tự trọng cao, thì điều đó có thể trở thành vô nghĩa…

– Đ… mẹ thằng nghệ sĩ lởm, ra cái vẻ… – tiếng một gã đàn ông lầm bầm phía sau vẳng vào tai tôi.

– Kệ người ta, người ta có tiền, người ta thích thể hiện… – tiếng một gã khác.

Mặt tôi nóng bừng, tôi quay lại nhìn trừng trừng vào đám người khốn nạn, răng nghiến lại…

Tôi không phải là người có tiền, nhưng chắc chắn tôi giàu nhân cách hơn những kẻ tởm lợm này.

Tôi cứ đừng nhìn như vậy một lúc, và suýt nữa thì mất bình tĩnh… Nhưng tôi vẫn đủ tỉnh táo để hiểu việc gì nên, việc gì không. Tôi lặng lẽ ra xe và đi. 

Phía xa xa cuối con đường, cái bóng gầy gò tiều tụy của chị bán bánh rán với chiếc xe đạp cọc cạch và chiêc nón đen kịt rách nát cứ mờ dần, mờ dần… rồi mất hút trong không gian bát ngát.

Tôi đã muốn làm một việc tốt, nhưng tôi đã thất bại.

Vậy đấy, 38 nghìn đồng, mà thể hiện được hai thái cực rõ nét của nhân cách những con người. Giá trị của sự lao động chân chính và lòng tự trọng cao quý không phụ thuộc vào sự cao sang hay nghèo hèn.

Và tôi càng thấm thía câu nói: “Sự khốn nạn khác sự tử tế ở chỗ: sự khốn nạn thì không có giới hạn”.

–––––––––––––––––––

Nơi lạnh nhất không phải ở Bắc cực, mà là ở trái tim của con người!

Trên đường đi quay.

Comments are closed.