Thắng cuộc và suy vong

Nguyễn Thành Phong

Hai năm, 1996 và 1997, tờ Văn nghệ Trẻ chúng tôi có làm cuộc bình chọn 10 gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu ở các lĩnh vực, từ chính trị, xã hội, văn hóa, khoa học, giáo dục, nghệ thuật, thế thao… 10 gương mặt này được xếp theo thứ tự chữ cái tên riêng, nên gọi là "Anphabet Trẻ Việt Nam" và được giới thiệu trên số báo Tết âm lịch năm tiếp theo đó. Cuộc bầu chọn rất được chú ý, dù Văn nghệ Trẻ chỉ là một tờ báo văn chương dành cho giới trẻ ra đời với giấy phép là đặc san của tờ Văn nghệ (già). Sau rồi, khi các nhân sự ban đầu của Văn nghệ Trẻ dần rời đi, thì cũng thôi bình chọn.

Chân dung Huy Đức trên Văn nghệ Trẻ số Tết Mậu Dần, 1998

Đầu năm năm 1998, chúng tôi ngồi với nhau để bình chọn các gương mặt của năm 1997. Nhà báo Yên Ba đề cử nhà báo Huy Đức cho hạng mục báo chí tiêu biểu. Và tất cả thống nhất rất nhanh. Huy Đức thời ấy đang nổi như cồn với các phóng sự xã hội phanh phui nhiều vụ việc tiêu cực, nhất là ở TP HCM, nổi nhất, ví dụ như vụ Đường Sơn Quán. Nhưng như thế là chưa đủ. Huy Đức còn là một nhà báo chính trị và nghị trường với những cuộc phỏng vấn, trò chuyện, trao đổi, chất vấn các chính khách nổi danh với một tư thế và phong cách thẳng thắn, ngang bằng, chứ không ê a lấy lòng, làm sang như đa số các nhà báo khác. Đặc biệt, tôi rất ấn tượng với loạt bài "Phỏng vấn maraton với Thủ tướng". Thủ tướng ngày ấy là ông Võ Văn Kiệt, tôi đã từng trò chuyện và có ấn tượng sâu sắc.

Với việc lựa chọn đưa Huy Đức vào danh sách 10 gương mặt Trẻ tiêu biểu năm 1997, lúc ấy, trong số chúng tôi, không ai có thể hình dung là rồi gần 15 năm sau, qua bao nhiêu biến cố và va đập, nhận thức ngày càng sâu sắc và lương tri ngày càng sáng rõ, Huy Đức trở thành tác giả của bộ sách sử ký báo chí đặc sắc mang tên "Bên thắng cuộc", hôm nay tôi đang nói tới đây.

"Bên thắng cuộc" được in và phát hành ngày 12/12/2012 tại nước ngoài (Mỹ). Bây giờ đã là mười năm trôi qua. Năm nay, có một cơ duyên nào đó mà nhiều người Việt mới được tiếp cận với bản in bộ sách này. Tuy nhiên, nhờ có mạng internet toàn cầu, rất nhiều người Việt đã đọc nó từ mười năm trước cho đến hiện nay. Tôi đã hỏi bất cứ một đồng nghiệp nào là nhà báo, nhà văn, thì đều nhận được câu trả lời là đã biết đến bộ sách này, đã đọc nhiều lần, đọc toàn bộ hay một phần bộ sách ấy… Có thể nói, "Bên thắng cuộc" được biết đến ở Việt Nam rộng rãi hơn bất cứ một cuốn sách nào đã xuất bản trong thời hiện tại.

Nhiều người đã tâm đắc khi đánh giá về bộ sử ký báo chí này, và đó là những đánh giá chuẩn mực, chẳng hạn: Đây là quyển sách hay nhất về lịch sử Việt Nam sau năm 1975; Cuốn sách này nói về những sự thật khốc liệt nhưng rất trung thực, nó khiến cho ta bình tĩnh hơn; Đó là một kho tàng dữ liệu quý báu, làm ngạc nhiên nhiều chuyên viên theo dõi chính trị Việt Nam trong nhiều thập niên đã qua; Huy Đức viết công trình khảo cứu lịch sử đặc sắc này với lương tâm trong sáng và tay nghề lão luyện, chuyên nghiệp và có trách nhiệm trước vận mệnh đất nước; Cuốn sách này là một công minh lịch sử v.v…

Còn nhiều những đánh giá như đã kể ở trên, nhưng chưa đủ để lý giải sức hút của bộ sách này với bạn đọc Việt Nam. Theo tôi, cuốn sách đã đáp ứng những mong muốn tìm hiểu để biết rõ thêm về những gì người ta đã biết và nó đã thực sự chỉ ra những gì đằng sau, là gốc tích, là xuất phát điểm của những biến động lớn lao đương đại đã diễn ra. Cuốn sách sử ký này còn mang đến cho bạn đọc một cái nhìn và lý giải về lịch sử vẫn đang tiếp diễn.

Bây giờ, sau mười năm, có nhiều người làm nghề xuất bản đã nói: "Bên thắng cuộc" đáng ra phải được xuất bản ở trong nước. Đó là một cuốn sách cần thiết cho người Việt hiện nay. Cuốn sách ấy không vi phạm các điều cấm kỵ, không đả phá thể chế, không bịa đặt, không nói trái sự thật. Cuốn sách ấy cung cấp và trình bày những khách quan để bạn đọc minh định.

314063289_2007987759406720_3735938713605956316_n

Bộ sách Bên thắng cuộc của tác giả Huy Đức

Tuy nhiên, tôi được biết, cách đây hơn mười năm, Huy Đức đã đưa bản thảo này tới một số nhà xuất bản trong nước, nhưng đều nhận được các lời từ chối, kèm theo đó là những cái nhìn hốt hoảng, sợ hãi đến xanh mặt. So với những quy định cấm kỵ trong lĩnh vực xuất bản ở nước ta, bản thảo này đều không phạm phải. Nhưng nó đã phạm vào một quy định rất mơ hồ: Vấn đề nhạy cảm.

Nhạy cảm luôn luôn là một vòng kim cô, là "ngoáo ộp" trong bối cảnh hoạt động của báo chí và xuất bản với tình trạng cực chậm giải mật và rất ít bạch hóa tại nước ta. Tôi nhớ, năm 1995, khi viết trên báo Văn nghệ về sự hy sinh của người con trai đầu lòng của ông Sáu Dân tại chiến trường, bài ghi chép của tôi đã đề cập xa xa tới người con trai thứ hai mà Thủ tướng có được với người phụ nữ khác khi từ Nam bộ ra Việt Bắc dự Đại hội II của Đảng năm 1951. Nhiều người đã rùng rùng đòi kỷ luật tôi vì "ai cho phép các anh nói về chuyện vợ con riêng tư của lãnh đạo đất nước?", hay khi tôi kể về Thủ tướng nói chuyện với ông nông dân ở Đồng Nai sau sự kiện bình thường hóa quan hệ với Hoa Kỳ trên báo Văn hóa, đã gọi Mỹ là "tên sen đầm quốc tế", người ta cho rằng như thế là "trái với định hướng tuyên truyền". Rất may mà ông Võ Văn Kiệt, khi nghe phản ánh lại, đã tỉnh khô, nói: "Tui kể chuyện của tui và nói như thế với nhà báo đó chớ. Nếu kỷ luật thì phải kỷ luật tui nghe". Vì ông nói thế nên tôi thoát án.

"Bên thắng cuộc " đã bày ra cả một biển, cả một núi nhạy cảm. Trong gần 1000 trang sách chữ bé li ti của hai tập bộ sách này toàn là những chuyện nhạy cảm đến có thể làm cho người ta, cách đây hơn mười năm, choáng váng. Những chuyện nhạy cảm như tôi viết ở trên chỉ đáng là một cặp cánh của con muỗi so với trái núi nhạy cảm trong bộ sách "Bên thắng cuộc".

Huy Đức, với một kỹ năng không thể đào tạo, với một sự kiên trì không thể học theo, đã tiếp cận với vô số chính khách và các yếu nhân, những người trong cuộc, để khai thác tư liệu, ý kiến, góc nhìn và đánh giá rất cụ thể và mang yếu tố riêng biệt của các nhân sự này về mọi sự kiện lớn đã diễn ra trong lịch sử hiện tại. Những tư liệu, ý kiến, góc nhìn và đánh giá ấy lại được kiểm định kỹ càng thông qua những soi chiếu, đặt vào sau luồng thông tin chính thống đã được kiểm soát công bố nhưng vẫn có giá trị để tra cứu. Có lẽ không có người thứ hai nào có thể sở hữu được cái kho nguyên vật liệu để làm nên cuốn sử ký về thời nay như Huy Đức.

Nhưng đây mới là điều kiện cần thôi. Cái khối tư liệu, ghi chép, phỏng vấn… khổng lồ ấy phải được trình bày ra thật mạch lạc dưới dạng thức và ngôn ngữ báo chí, rất tỉnh táo, trung tính mà vẫn nóng lạnh hơi thở và cảm xúc con người trong một kết cấu hợp lý, nhuần nhuyễn thì mới hấp dẫn được những tiếp cận tác phẩm sau này. Nó đòi hỏi phải là một tài năng lớn để thể hiện.

Huy Đức, với sự từng trải và phẩm chất cá nhân, là một tác giả tài năng như thế trong thể hiện. Ông đã từng là quân tình nguyện ở chiến trường Campuchia, là sỹ quan được đào tạo về chiến thuật và chiến lược, là cán bộ văn phòng huyện ủy, là nhà văn với truyện ngắn đầu tay in trên tạp chí Văn nghệ quân đội rồi mới trở thành nhà báo. Ông đã sống trong thực tế, có tầm quan sát rộng rãi, thạo ngôn ngữ văn phòng, hành chính, có năng khiếu văn chương rồi mới thành một nhà báo đầy cá tính. Vì thế, "Bên thắng cuộc" đã tổng hoà được các yếu tố mà trở nên một bộ sử ký báo chí đặc sắc và hấp dẫn.

Một điều nữa, chúng ta thường chỉ được đọc những cuốn sách về lịch sử toàn chú trọng hay nhào nặn để đề cập đến khía cạnh chiến thắng, đến thắng lợi, để nhằm bồi bổ tinh thần tự hào. Trong khi đó, lịch sử là những thời kỳ nối tiếp nhau. Các triều đại, cứ bắt đầu là từ dựng nghiệp, thành công, thắng cuộc rồi sau đó là suy thoái rồi diệt vong, cho triều đại kế tiếp hiện ra và rồi lại tiếp tục như vậy. Lịch sử về dựng nghiệp và thành công cung cấp bài học cho việc nắm lấy, cướp lấy quyền lực. Nó rất cần thiết, đáng được nghiên cứu kỹ lưỡng. Lịch sử về suy vong cung cấp bài học cho việc gìn giữ và gia cố quyền lực, gìn giữ sự bình ổn. Nó cũng rất cần thiết. Nhưng tại sao chúng ta lại rất ít những cuốn sách lịch sử về suy vong?

Suy vong là một quá trình từ suy thoái dẫn đến diệt vong. "Bên thắng cuộc" của Huy Đức không đề cập đến diệt vong, nhưng trong đó có chỉ ra suy thoái. Vì thế, nó càng cần được nghiên cứu kỹ càng hơn cho hiện tại và tương lai.

*

Thời sự nhất với nhiều người quan sát xã hội và hoạt động báo chí vào dịp này chính là cái mốc 10 năm tròn ngày ra đời bộ sử ký báo chí "Bên thắng cuộc" (12/12/2012 – 2022) của nhà báo độc lập Huy Đức. Tuy nhiên, đáng buồn một chút là bộ sách này, dù viết bằng tiếng Việt để dành cho người Việt đọc, lại được xuất bản lần đầu tiên ở nước ngoài và thời điểm này thì không có một hoạt động nào xứng tầm để nói về nó. Ở Hà Nội, có một cuộc rượu nhỏ ấm áp, trong tiết trời giá lạnh, mưa phùn và đường đang tắc khắp nơi, cho những người bạn cùng ngồi với Huy Đức. Thế cũng là tạm đủ. Những gì khuyết thiếu sẽ được trả đủ, trả lãi cao trong tương lai. Quan trọng nhất là bộ sách đã được viết ra, đã xuất hiện và người tìm đọc nó vẫn đang tiếp tục không ngừng tăng lên…

Huy Đức đã về nước, dần dần, từ nghi ngại ban đầu đến được đón đợi trong các cuộc gặp gỡ. Cuộc trở về đã diễn ra sau nhiều đêm ông một mình nơi nước Mỹ, giữa căn hộ trắng tuyết bao phủ đằng trước, đằng sau. Ông đã nghe cô ca sỹ hát nhiều lần bài hát "Về quê" của Phó Đức Phương mà nghẹn ngào, trước mặt là cái điện thoại có tin nhắn của một người rất thân thiết với vị tướng an ninh cao cấp: "Tuyệt đối không được về. Sẽ bị bắt tại sân bay. Án đã đợi sẵn, 12 năm tù", cùng với tin nhắn ấy là nhiều lời căn dặn và chia sẻ của các yếu nhân cao cấp đương nhiệm vốn có thiện cảm với ông, toàn là "căng lắm đấy", "cẩn thận", "từ từ đã", "để xem sao"…

Huy Đức vẫn quyết định trở về. Trên chuyến bay sắp hạ cánh xuống phi trường Tân Sơn Nhất, ông đã ghi một số điện thoại vào mấy mẩu giấy, đưa cho vài người không quen, nhờ rằng, nếu thấy tôi bị giữ lại, xin làm ơn gọi báo tin giúp. Huy Đức nhắn cho nhà thơ có dáng vóc khá khác biệt Đỗ Trung Quân ra đón, để nếu ông bị bắt dẫn đi thì sẽ có người chú ý, vì ông đi cùng với nhà thơ nổi tiếng và lạ dạng ấy. Huy Đức đã tưởng tượng, khi bước qua cửa an ninh, sẽ có người áp đến kẹp dìu mình đi hoặc vừa ra khỏi cửa đến thì có xe ô tô đen lừ lừ trờ tới… Nhưng mọi chuyện trong tưởng tượng đã không diễn ra. Huy Đức và Đỗ Trung Quân ôm vai nhau, rồi họ đi vào một quán rượu. Bạn bè nghe tin, đã cùng chạy đến. Rượu hàn huyên tuôn thâu đêm. Những tưởng tượng trước đó đã không diễn ra, có lẽ là thượng tầng đã khác, đã có gì đó thay đổi…

Tôi rất muốn viết nhiều về bộ sử ký báo chí này. Trong tầm quan sát của tôi, tôi chưa thấy bóng dáng một nhà báo thứ hai nào ở nước ta hiện nay có dũng khí lựa chọn đi trên con đường như Huy Đức đã đi. Và nếu có người nào đó lựa chọn, thì liệu họ có được những phẩm chất cần thiết để đi được đến một cái đích nào đó có ý nghĩa không nữa chứ? Thôi, thì tôi cứ viết tiếp về bộ sách nhân dịp này cái đã…

Bộ sử ký báo chí "Bên thắng cuộc" của Huy Đức như một tập thành các giải mật của thời hiện đại. Nó chưa đầy đủ, và cũng không thể đầy đủ. Nó không phải là toàn bộ các khía cạnh giải mật cho một sự kiện nào đó đương thời, nhưng vì chất lượng và ý nghĩa quan trọng của giải mật ấy mà ta bỗng nhiên như thấy sáng rõ hơn về sự kiện. Giống như ta, một người bình thường, chỉ đọc một vài trang ghi chép cao tay kiểu lướt qua vài biến cố và nhận định, về một nhân vật lịch sử hay một triều đại nào đó trong quá khứ, là đã hiểu cơ bản về nhân vật và triều đại ấy. Còn các chuyên gia, các nhà sử học, các nhà nghiên cứu… thì sẽ có vô vàn những vấn đề và lý do để đi sâu tìm hiểu và kiến giải.

Bất cứ sự kiện lịch sử nào, không trước thì sau, không sớm thì muộn, sẽ đều phải được giải mật. Lịch sử không chỉ để chiêm ngắm. Nó có ích là phải được rút ra những bài học cho đương thời và hậu thế. Giải mật càng sớm thì càng sớm có bài học.

Trong bối cảnh lệch lạc về tiếp cận lịch sử và viết về lịch sử ở ta hiện nay, đọc "Bên thắng cuộc" của Huy Đức, tôi lại bật ra câu hỏi mà mình đã từng băn khoăn trước đây, khi còn trẻ: Lịch sử dân tộc ta có nhiều anh hùng với những võ công hiển hách và các triều đại phát triển rực rỡ nối tiếp nhau. Vậy thì các anh hùng và triều đại ấy kết thúc thế nào để nối tiếp nhau?

Thì là do dạy sử và viết sử trước nay chỉ nói chuyện lên, không nói chuyện xuống, chỉ "luận anh hùng" chứ không hoặc rất ít "giải anh hùng". "Luận anh hùng" để thấy ta "đếch kém bố con thằng nào cả", cứ ép "chiến" thì ta không ngại "chiến", năm ăn năm thua là sẵn sàng "chơi". Còn "giải anh hùng" để thấy ta còn nhiều yếu kém lắm, rồi nghiền ngẫm để vươn lên. Phải "giải anh hùng" thì mới luận được bài học về suy thoái rồi tiêu vong, diệt vong mà tìm cách đứng vững.

Thế là tạm đặt sách "Bên thắng cuộc" xuống để thông lại lịch sử đã.

Lịch sử nước ta dài, nhưng tôi chọn bắt đầu từ triều Tiền Ngô Vương vì đây là cái mốc nước Việt Nam bắt đầu mở ra một thời kỳ độc lập sau ngàn năm Bắc thuộc với sự kiện Ngô Quyền hiển hách xưng vương. Ngô, Đinh, Tiền Lê, Hậu Lý, Trần, Hồ, Hậu Lê, Tây Sơn rồi đến triều Nguyễn. Đấy là các triều đại nối tiếp nhau cho đến lịch sử của thời hiện đại ngày nay. Ôi, hiển hách hào hùng khi dựng nghiệp thành công bao nhiêu thì quá trình suy vong, diệt vong cũng thê thảm bấy nhiêu…

Ngô Quyền đánh thắng lừng lẫy quân Nam Hán và lên ngôi. Lên ngôi là bắt đầu suy thoái cho đến lúc chết. Nhà Ngô ngay sau đó rơi ngay vào loạn cướp ngôi, chú rể cướp ngôi cháu, cháu giết chú, đất nước dần dần dẫn đến thời loạn 12 sứ quân. Đinh Tiên Hoàng cờ lau tập trận, phong trần hào hùng khuất phục mọi đối nghịch để thành nhất thống, lên ngôi xưng là Vạn Thắng Vương. Nhưng lên ngôi cũng nhanh chóng suy thoái. Hai cha con anh hùng Đinh Tiên Hoàng và Đinh Liễn đã từng đối diện với bao nhiêu chiến trận, bất khuất trước trùng trùng giáo sắt tên đồng, lại cùng chết thảm dưới tay của Đỗ Thích, một tên nấu bếp chuyên thái lòng lợn được kích hoạt qua một giấc mơ hoang đường. Nhà Đinh nhanh chóng sa vào diệt vong để nhà Tiền Lê tiếp nối. Lê Hoàn tiếp nhận hoàng bào từ tay hoàng hậu của vua Đinh, lên ngôi gọi là Lê Đại Hành, lập tức bày trận nghênh đón giặc Tống và chiến thắng. Lê Đại Hành chết, triều đình lại hỗn loạn giành ngôi, đến 8 tháng không có vua mới, rồi Lê Long Việt lên ngôi, rồi Lê Long Đĩnh giết Việt để chiếm lấy và bước vào thời Lê Ngọa Triều ăn chơi sa đọa và lại diệt vong. Hai Triều Lý và Trần tiếp theo kéo dài, nhà Lý 216 năm, nhà Trần 175 năm. Những vị vua thời đầu của hai triều này đều tài đức song toàn, mở ra phát triển rực rỡ, nhưng các thế hệ tiếp ngôi sau đó cứ suy thoái, lụn bại dần, rồi sa vào thảm cảnh và tất yếu là diệt vong. Nhà Lý giai đoạn cuối, chỉ một đám giặc cướp Quách Bốc, cũng đã đủ uy dũng để kéo vào làm loạn Thăng Long, triều thần chạy trốn tứ tán. Nhà Trần ba lần đại phá Nguyên Mông, nhưng khi suy thoái thì quân Chiêm Thành của vua Chế Bồng Nga ba, bốn bận đi thuyền kéo vào Thăng Long như đi chơi dạo mà vua quan Trần sợ hãi kéo nhau đi lánh nạn. Hồ Quý Ly nổi lên phế ngôi nhà Trần, lập ra nhà Hồ, tồn tại ngắn ngủi, sơn hà xã tắc lại vào tay ngoại bang nhà Minh, thành ra Bắc thuộc lần thứ tư. Lê Lợi sau 20 năm kháng chiến, đánh đuổi giặc Minh, lập ra nhà Hậu Lê, lên ngôi Lê Thái Tổ là ngờ vực công thần, lại chết sớm, vua con Lê Thái Tông cũng chết trẻ, thế là triều đình rơi vào tay đàn bà Thị Anh, án lòa mờ mây Lệ Chi Viên diễn ra… May sau đó, vị vua hiền Lê Thánh Tông đã ngăn được suy vong, thịnh trị kéo dài mấy chục năm. Nhưng sau khi Thánh Tông băng, những trư vương, quỷ vương lại lộng hành, gần chục vị vua nhà Hậu Lê phải mất mạng vì tranh giành ngôi báu, chính trường chia rẽ, xuất hiện Chúa ngồi trên vua, đất nước cắt chia, phân tranh Đàng Trong, Đàng Ngoài. Kịp đến nhà Tây Sơn, Nguyễn Huệ nổi danh anh hùng áo vải, đại phá quân xâm lược nhà Thanh. Huệ lên ngôi ba năm thì mất đột ngột, để lại triều đình cho vua quan trẻ, nịnh thần lại nắm quyền cao, mười năm sau là diệt vong để nhà Nguyễn lên ngôi. Nguyễn Ánh, hiệu Gia Long, tài năng và ý chí bền bỉ, thống nhất đất nước, triều chính nhuần thuận, kéo qua khoảng 4, 5 đời vua kế tiếp, thì lại sa vào suy thoái…

Tóm lại, lập nghiệp và suy vong là quy luật không khác được. Vị quân vương nếu có phẩm chất, anh minh, tài cao, chí lớn thì kéo dài được hơn sự thịnh trị mà thôi. Nguyên nhân độc quyền dòng họ hay hội nhóm, đảng phái để nắm quyền lực quân vương không bao giờ là mãi mãi cả.

Trở lại với "Bên thắng cuộc", bộ sách dừng lại ở năm 2011. Từ đó đến nay là hơn 11 năm, với những gì đã và đang diễn ra, là dấu hiệu đã bước vào thời kỳ suy thoái với bao nhiêu quan chức tham nhũng, tham lam, lợi ích nhóm và phạm vào đủ các kiểu tội lỗi. Ngôn ngữ chính thống đã thừa nhận cả suy thoái, tự diễn biến, tự chuyển hóa, đã bàn đến tồn vong chứ không còn giấu diếm. Các động thái trừng phạt, bắt tù, cách chức, kỷ luật đang diễn ra quyết liệt, đầu tiên là để ngăn chặn cái đà suy thoái ấy.

"Bên thắng cuộc" chưa trực tiếp đề cập đến những câu chuyện suy thoái, nhưng đã rõ những căn nguyên. Thời này so với lịch sử các thời đại trước đây, có nhiều điểm tương đồng với nhà Trần thời kỳ vua Trần Nghệ Tông chấp chính. Vị vua già đức độ được tôn thất nhà Trần suy tôn sau sự kiện ngoại tộc Dương Nhật Lễ tình cờ soán ngôi. Ông tâm huyết đau đáu với cơ đồ dòng họ Trần, nhưng quan quân thối nát, người tài thì bỏ đi hoặc như danh tướng Trần Khát Chân, từng giết được Chế Bồng Nga, lại rơi đầu trước lưỡi gươm của trọng thần Hồ Quý Ly đang mưu toan phế bỏ triều cũ, hoặc như vua em Trần Duệ Tông hữu dũng vô mưu, chết trận trên đất Chiêm Thành. Nghệ Tông cuối cùng lại chỉ dựa cả vào Hồ Quý Ly, cuối đời phẫn uất nhìn cơ đồ lừng lẫy của nhà Trần dần dần tan nát đi…

Ông Trần Nghệ Tông thời hiện đại đang rất quyết tâm. Điều đáng mừng là dưới trướng không thấy Hồ Quý Ly. Liệu ông có vực dậy được triều chính để thành một Lê Thánh Tông của thời đại mới hay vẫn như Trần Nghệ Tông, vẫn còn là một câu hỏi chờ thời gian trả lời. Để vực dậy triều chính, tôi tin là ông cũng nghiên cứu "Bên thắng cuộc" và biết rõ căn nguyên, tôi cũng tin là ông còn nghiên cứu sâu rộng các kiểu suy vong trong lịch sử nước ta và cả các quốc gia khác nữa. Việc coi trọng hàng đầu trong chính sách xử lý, bố trí, sử dụng cán bộ là thể hiện ra điều ấy.

Các chủ thuyết và thể chế cũ xưa vẫn có thể đưa đất nước đi lên phát triển thịnh trị nếu có quân vương hay người đứng đầu đủ tài đức và anh minh, rồi từ đó là tập hợp thu hút nhân tài để xây dựng được một hệ thống tinh hoa lãnh đạo đất nước. Nhưng trong cách thức này, xã tắc, giang sơn lại hoàn toàn phụ thuộc vào may rủi. Quân vương tưởng anh minh mà hóa ra ngu tối. Quân vương anh minh cũng có ngày bỗng trở nên ngu tối…

Vì thế mà người ta muốn chọn một cách thức khác để lựa chọn ra được người tài đức anh minh lên làm quân vương, và khi kẻ ấy không còn xứng đáng, thì phải đưa ngay xuống, để lựa chọn người khác lên thay. Tất nhiên, đây là một câu chuyện còn lâu nữa mới có thể diễn ra. Và khi ấy, "Bên thắng cuộc" sẽ được nghiên cứu, cũng theo một cách thức khác.

Ảnh 2: Bộ sách "Bên thắng cuộc".

Nguồn: FB Nguyễn Thành Phong

Comments are closed.