(Rút từ facebook của Quốc Toản)
Vào Quảng Trị, đến bên dòng Thạch Hãn, nơi hàng năm vào tháng Bảy, chính quyền và nhân dân tỉnh Quảng Trị tổ chức đêm hoa đăng, tưởng nhớ và tri ân những người lính hy sinh bên thành cổ Quảng Trị, chúng ta sẽ bắt gặp bốn câu thơ khắc lên bia đá đầy xúc động này:
Đò lên Thạch Hãn xin… chèo nhẹ
Đáy sông còn đó bạn tôi nằm
Có tuổi hai mươi thành sóng nước
Vỗ yên bờ, mãi mãi ngàn năm
Bốn câu tứ tuyệt ấy không có tên tác giả. Nhưng rất nhiều, rất nhiều người biết tác giả đó là ai. Nhưng, lại nhưng… không thể không ghi tên anh: Nhà thơ Lê Bá Dương, Cựu chiến binh thành cổ Quảng Trị.
Tại sao, chính quyền Quảng Trị không ghi tên anh vào tấm bia? Trong một cuộc phỏng vấn, nhà thơ Lê Bá Dương nói rằng, về chuyện không ghi tên tác giả, tôi đã nhận được rất nhiều cuộc điện thoại cả nước gọi hỏi, bày tỏ sự băn khoăn, thậm chí bày tỏ sự bức xúc về tác quyền. Thực tế chuyện này tôi cũng đã có lần được một lãnh đạo địa phương “hỏi” rằng: Thơ anh đã thành thơ của nhân dân nên không đề tên tác giả có được không?
Cũng chẳng biết nói sao với câu hỏi như khẳng định này, tôi trả lời như thế này: Thứ nhất, thơ tôi được người dân nhớ, chứ không thể gọi là thơ của nhân dân được. Còn việc nên hay không nên đề tên tác giả, theo tôi các anh thử nghĩ xem, nếu đề tên tôi dưới bài thơ của tôi mà thêm một người yêu Quảng Trị thì nên để, còn nếu vì để tên tôi mà làm giảm bớt một hay nhiều người yêu Quảng Trị thì dĩ nhiên không nên để làm gì…
Lê Bá Dương nói vậy là biểu thị sự khiêm tốn, bởi anh viết bài thơ chỉ để tri ân và dành tặng đồng đội đã ngã xuống, chứ đâu nghĩ để khắc lên bia đá. Nhưng chính quyền không ghi tên anh lại là chuyện không thể chấp nhận. Tôi chưa thấy ở đâu khắc văn thơ lên bia mà không có tên tác giả. Trường hợp khuyết danh, người ta cũng phải ghi hai chữ đó vào. Tôi giả sử, các ông khắc thơ Cụ Hồ lên bia đá, có ông nào dám không ghi tên Cụ không, hay lại bảo thơ của Cụ đã trở thành thơ của nhân dân thì không cần ghi tên? Tôi coi đó là sự nhập nhèm về tác quyền, và lớn hơn là về lịch sử. Ngay chuyện chiếc xe tăng 390 húc đổ công Dinh Độc lập ngày 30-4-1975, người trong cuộc còn “đổi trắng thay đen” , thì rồi, thế hệ sau, con cháu chúng ta sẽ nghĩ sai, hiểu sai thế hệ cha anh đi trước. Điều ấy không thể chấp nhận được.
Tỉnh Quảng Trị cần phải ghi tên tác giả vào tấm bia này. Không thể coi đó là thơ của nhân dân được.
Quốc Toản
Nhà văn – Cựu chiến binh