2000 thuật ngữ tâm lí học (kỳ 13)

Hoàng Hưng

131. Associationnism: Thuyết liên kết

Một học thuyết Tâm lý học nói về sự hấp dẫn giữa các yếu tố và ý tưởng trong tâm trí, được gợi ra trong một chương nhan đề “Về sự liên kết các ý tưởng” của triết gia duy nghiệm người Anh John Locke (1632-1704) mà ông đưa thêm vào lần tái bản năm 1700 của cuốn “Essay Concerning Human Understanding – Luận về sự hiểu của con người” (xuất bản lần đầu năm 1690). Học thuyết được phát triển bởi triết gia người Scotland, James Mill (1773-1836) và con trai ông John Stuart Mill (1806-73). Theo đó, các trải nghiệm tâm trí nằm ở những cảm giác sơ khởi khi các giác quan được kích thích, và các ý tưởng là những suy nghĩ và kí ức được trải nghiệm khi không có kích thích giác quan. Các ý tưởng có xu hướng trở nên liên kết với nhau.

132. Associative learning: Việc học mang tính liên kết

Việc học những cái tình cờ xảy ra giữa các sự kiện, như trong việc điều kiện hoá. Trong việc điều kiện hoá kinh điển, đó là những sự liên kết giữa kích thích có điều kiện và kích thích không điều kiện; trong việc điều kiện hoá tác động (operant conditioning), là những liên kết giữa các đáp ứng và củng cố.

133. Assortative mating: Sự cặp đôi tương đắc

Sự ưa tìm bạn tình cùng kiểu hình, như cùng hoàn cảnh kinh tế, xã hội, trình độ trí tuệ hay sức hấp dẫn (Việt Nam có thành ngữ “môn đăng hộ đối”, “nồi nào úp vung nấy” – ND).

134. Astereognosis: Sự khiếm xúc

Mất khả năng nhận dạng hay nhận ra các vật bằng xúc giác, thường là kết quả của một thương tổn trong vùng liên kết thân cảm (somatosensory). Trái ngược với stereognosis.

135. Ataraxia: Sự an nhiên

Bình thản hay không âu lo.

136. Atmosphere effect: Hiệu ứng bầu không khí

Xu hướng mà một đặc trưng [nổi bật] của một cá nhân ảnh hưởng đến lối nhìn nhận của người khác đối với những đặc trưng khác của cá nhân này.

137. Attachment theory: Thuyết gắn bó

Thuyết được đưa ra vào năm 1951 bởi nhà tâm thần học người Anh Edward John Mostyn Bowlby (1907-90), cho rằng đứa trẻ sơ sinh có nhu cầu sinh học bẩm sinh được tiếp xúc chặt chẽ với người mẹ (hay người chăm sóc chính), một mối ràng buộc bình thường trong 6 tháng đầu đời thông qua sự đáp ứng của người mẹ với những nhu cầu này, và sự mất đi tình mẫu tử trong thời kỳ quyết định này sẽ có những hiệu quả tai hại cho sự phát triển tâm lí của trẻ.

138. Attention deficit/Hyperactivity disorder: Sự suy giảm chú ý/Rối loạn tăng động

Một rối loạn về phát triển thần kinh có ở khoảng 5% trẻ em và 2,5% người lớn, thường ở con trai nhiều hơn con gái. Đặc điểm là thường trực mất chú ý, tăng động hay bị thúc đẩy, với một số dấu hiệu và triệu chứng xuất hiện trước tuổi 12, tạo ra những vấn đề ở trường học, nơi làm việc hay ở nhà, và can thiệp một cách đáng kể vào việc vận hành quan hệ xã hội, học đường hay nghề nghiệp.

139. Attention operating characteristic (AOC): Đặc trưng điều hành sự chú ý

Một kiểu đặc trưng về sự điều hành việc thực hiện (performance operating) được dùng trong nghiên cứu về sự chú ý. Thể hiện bằng một biểu đồ trong đó trình độ thực hiện một nhiệm vụ được biểu diễn đối chiếu với trình độ thực hiện một nhiệm vụ khác; hai nhiệm vụ được thực hiện đồng thời và sự chú ý chuyển đều đặn từ nhiệm vụ này sang nhiệm vụ kia.

140. Attenuation theory: Thuyết giảm nhẹ chú ý

Theo đó thông tin không được chú ý vẫn được xử lí, mặc dù với một độ nông cạn hơn là thông tin được chú ý. Cơ chế của việc xử lí này được gọi là attenuation filter (bộ lọc giảm nhẹ). Thuyết được phát biểu vào năm 1960 bởi nhà tâm lý học người Anh sống ở Mỹ Anne Marie Treisman (sinh 1935).

Comments are closed.