CÁC “TAI NẠN VĂN CHƯƠNG” ( 29 ): “VÀO ĐỜI” (1)

VỤ “VÀO ĐỜI” 1963, DẪN GIẢI VĂN TẮT

Lại Nguyên Ân

DSC_0231

Trong số những vụ việc được giới quản lý văn hóa tư tưởng đương thời những năm 1948-1990 gói vào mấy từ “đấu tranh tư tưởng văn nghệ”, thì sau vụ Nhân văn – Giai phẩm 1956-58, cần phải kể tên những vụ việc nhỏ hơn, đối tượng trừng trị có khi chỉ là một tác phẩm cụ thể vừa ra mắt.

Đáng kể nhất chắc chắn là vụ việc xảy ra giữa năm 1963 với tiểu thuyết “Vào đời”, của tác giả Hà Minh Tuân.

VỀ TÁC GIẢ HÀ MINH TUÂN

Theo bản tiểu sử hội viên do Hội nhà văn VN cung cấp (bản in 2010) thì Hà Minh Tuân họ tên khai sinh là Nguyễn Văn Trí, sinh 10/2/1929 (có nguồn khác, nói là năm 1926 ?) tại xã Toàn Thắng, huyện Kim Động, tỉnh Hưng Yên. Nguồn này không nói về sự học hành. Chỉ cho biết từ 1943 người trai này đã hoạt động bí mật trong Thanh niên Cứu quốc ở Hà Nội, là đội trưởng Thanh niên xung phong thành Hoàng Diệu, rồi đại đội trưởng Giải phóng quân. Sau tháng 8/1945, vào Vệ quốc đoàn với chức vụ Đại đội trưởng rồi Tiểu đoàn trưởng. Năm 1950: chính ủy trung đoàn 209 (Sư 312), tham gia các chiến dịch Việt Bắc, Trung du, Điện Biên. Năm 1954: là Trưởng phòng tại Cục Tuyên huấn, Tổng cục chính trị. Trong thời gian này đã viết và in các tác phẩm: ký sự “Những ngày máu lửa” (Cứu Quốc xb., 1949), tiểu thuyết “Trong lòng Hà Nội” (Nxb. Quân đội nhân dân, 1957). Hà Minh Tuân vào Hội nhà văn VN từ 1957.

Năm 1958, Trung tá Hà Minh Tuân được chuyển ngành về Hội Nhà văn VN, làm biên tập tại báo “Văn học” rồi làm giám đốc Nhà xuất bản Văn học. Năm 1960 công bố tiểu thuyết “Hai trận tuyến” (Nxb. Văn học, 1960).

Tiểu thuyết “Vào đời” có lẽ viết xong từ cuối 1962, in và phát hành đầu năm 1963, bị một đợt đấu tranh phê phán kịch liệt. Vì sự kiện này, tác giả Hà Minh Tuân mất chức giám đốc, bị biệt phái sang Tổng cục thủy sản làm chuyên viên. Mươi năm sau (chưa rõ thời gian) Hà Minh Tuân trở lại nhà xuất bản Văn học làm trợ lý giám đốc, công bố thêm tiểu thuyết “Vẻ đẹp bình dị” (Nxb. Văn học, 1977); sau thời đầu đổi mới ông có đưa in lại “Vào đời” (1991) ít lâu trước khi mất (11/3/1992).

Theo nguồn lưu trữ của Thư viện Quân đội thì Hà Minh Tuân còn là tác giả một số sách huấn luyện in trong thời kháng chiến như: “Công tác chính trị trong đại đội” (Chính trị cục xb., 1948); “Công tác tuyên huấn” (Ban chính trị Tổng chính ủy xb., 1950); “Bàn về công tác đảng trong một chiến dịch” (Chính trị cục xb., 1950)…

TIỂU THUYẾT “VÀO ĐỜI” RA MẮT VÀ BỊ PHÊ PHÁN

Ở thời điểm tiểu thuyết “Vào đời” ra mắt và bị phê phán, sinh hoạt xã hội miền Bắc đang được lặng lẽ chuyển từ trạng thái thời bình sang thời chiến. Không ít cơ sở báo chí, xuất bản, sau khi đã “quốc doanh hóa” (muộn nhất là từ 1958), tiếp tục bị thu hẹp, rút gọn. Chẳng hạn, tờ nhật báo “Thủ đô Hà Nội” (1959-67) vốn đã là sự gộp lại của các tờ “Hà nội hàng ngày” (1955-58) và “Thủ đô” (1957-58), rốt cuộc, vẫn tiếp tục bị gộp với (thực chất là thôn tính thêm) tờ “Thời mới” (1954-67) để trong địa phương Hà Nội chỉ duy nhất có một tờ báo ngày (nhật báo) là “Hà Nội mới” (từ 1967).

Trong khu vực cơ quan văn nghệ, ngay sau Đại hội văn nghệ toàn quốc lần thứ 3 (26.11.1962), tờ “Tạp chí Văn nghệ” (Hội LHVHNTVN) ra số cuối cùng (s. 71, tháng 4/1963) để hợp nhất với tuần báo “Văn học” (Hội nhà văn VN, s. 1, ngày 25.5.1958; số cuối: s. 248, ngày 24.4.1963) thành tuần báo “Văn nghệ” trực thuộc Hội LHVHNTVN (s.1 ra ngày 3.5.1963).

Sau Đại hội nhà văn VN lần 2 (10-12/1/1963), nhà xuất bản Văn học (của Hội nhà văn VN, thành lập từ 1958, trụ sở 38A Hai Bà Trưng, Hà Nội) cũng được lệnh hợp nhất với nhà xuất bản Văn hóa (thuộc Viện văn học, thành lập 1958, trụ sở 49 Trần Hưng Đạo, Hà Nội) thành Nhà xuất bản Văn học (trực thuộc Hội nhà văn); nhà xuất bản Văn học mới này bắt đầu hoạt động từ 01.7.1963.

Có thể nói, viên sĩ quan tuyên huấn Hà Minh Tuân chuyển ngành về làm việc ở nhà xuất bản Văn học (cũ) ngay từ ngày đầu của Nhà xuất bản này (1958). Tất nhiên đây cũng là một cơ sở được lập mới lại sau vụ Nhân văn – Giai phẩm, khi Nhà xuất bản Hội Nhà Văn bị giải thể, nhân sự của nó được lãnh đạo Hội NVVN đem ghép với nhân sự của Nxb. Văn nghệ (lập ở Việt Bắc từ 1948, thông báo ngừng hoạt động từ 10/5/1957 khi Hội NVVN lập Nxb. Hội nhà văn, tháng 5/1957) mà thành.

Rất thoáng qua, ta bắt gặp cái bóng ông giám đốc ấy trong vài đoạn hồi ức này của Mai Ngữ, cây bút từng làm biên tập tại nhà xuất bản này, thời gian ấy:

“Có thể nói thời kỳ cực thịnh của nhà xuất bản Văn học gắn liền với thời kỳ cực thịnh của tình hình văn học sau Nhân Văn. Và bước sang năm 1963, thời kỳ ấy đã bắt đầu thay đổi, tình hình chính trị phức tạp cả trong nước và ngoài nước. Cái không khí êm ấm của nhà xuất bản được bộc lộ khi buổi chiều hết giờ làm việc, giám đốc Hà Minh Tuân còn nán ở lại để đọc duyệt nốt ít trang bản thảo, rồi sau đó ra mảnh sân thượng bên ngoài cùng vợ là chị Tuệ, kế toán, đánh bóng bàn. Hai vợ chồng thủ trưởng mãi sẩm tối tắm rửa xong mới về nhà…”

“… sang năm 1963, Nhà xuất bản Văn học của Hội nhà văn Việt Nam và Nhà xuất bản Văn hóa thuộc Viện Văn học sáp nhập làm một, đeo cái tên mới: Nhà xuất bản Văn học, Hội nhà văn Việt Nam. (…) Từ 38A Hai Bà Trưng, chúng tôi kéo về 49 Trần Hưng Đạo với khí thế như đi tiếp quản khu vực mới. Về đây vẫn Hà Minh Tuân làm giám đốc (…). Giám đốc Hà Minh Tuân có vẻ rất lạc quan, niềm lạc quan lây lan sang cả anh em. Nhưng cái không khí mới vừa được nhóm lên thì bị sự kiện “Vào đời” dập tắt. Mà đã thôi đâu, sau “Vào đời” còn “Đống rác cũ” rồi “Sương tan”. Lại nghe nói “Núi đồi và thảo nguyên” cũng có vấn đề, thậm chí cả “Chuông nguyện hồn ai” nữa. Tất cả những “sự kiện” ấy tác động đến tinh thần của biên tập viên”…

(Mai Ngữ /1994/: Trách nhiệm, niềm vui, nỗi buồn, trong sách: 50 năm nhà xuất bản Văn học, H., 1998, tr. 188-190).

Hiện chưa có dữ liệu chi tiết về thời gian (ngày tháng) sách “Vào đời” in xong, nộp lưu chiểu và được phát hành. Lại cũng cần thông tin: ngay trong Thư viện Quốc gia ở Hà Nội hiện tại /2015/ đã không còn bản “Vào đời” in năm 1963, chỉ có bản in lại vào năm 1991, chưa biết bên trong văn bản có thay đổi những gì?

Tạm dự đoán, sách “Vào đời” được phát hành vào cuối quý I/1963 hoặc đầu quý II/1963.

Là vì bài điểm cuốn này xuất hiện sớm nhất trên báo chí ở Hà Nội, tức là ở toàn miền Bắc, vào ngày 13/6/1963, theo kết quả khảo sát mới đây. Còn những bài đăng sau cùng của đợt phê phán cuốn sách này, là trên một số tạp chí xuất bản ở Hà Nội trong tháng 8/1963.

Một đợt phê phán diễn ra suốt gần 3 tháng, nhắm vào một tác phẩm hư cấu, với lý do: nó “bôi đen đời sống hiện thực miền Bắc”, nhất là đời sống công trường xí nghiệp, đời sống ở thủ đô Hà Nội!

Một trong những đặc điểm của cuộc phê bình “Vào đời” là có vẻ như công chúng độc giả lên tiếng trước tiên và thái độ của họ dường như có ý nghĩa quyết định; các giới nhà văn, nhà phê bình, cả hệ thống tuyên huấn nữa, dường như đều ở vào thế bị động, bị lôi cuốn theo, và rốt cuộc phải ra tay trừng phạt “đồng chí”, “đồng đội” mình, đẩy anh ta sang phía thù địch, theo sự kết luận của đám công chúng kia!

Thế nhưng, nếu xem xét kỹ hơn, người ta sẽ thấy phần đông những công chúng “tự phát” lên tiếng trên báo chí lại thường là những cán bộ làm công tác tư tưởng ở các cơ sở sản xuất, các địa phương, chứ rất ít khi là công chúng người đọc thông thường. Nổi bật lên là những cán bộ của Đoàn thanh niên, của giới công tác công đoàn, giới công tác mặt trận, … Không phải ngẫu nhiên, mấy tờ báo vào cuộc hăng hái nhất, đăng tải nhiều bài vở nhất, giọng điệu sát phạt nhất, là của các tờ “Lao động”, “Tiền phong”, “Cứu quốc”… Trong số những giọng điệu của những độc giả “quần chúng” nói trên, người ta nhận ra rõ nhất giọng điệu “kiêu binh” của những người đọc tự xưng là quân nhân, hoặc còn tại ngũ hoặc đã chuyển ngành…

Nếu hỏi bao quát: dư luận của những người tự xưng là công chúng độc giả ấy liệu có anh minh, sáng suốt hay không? Xin khẳng định ngay: hoàn toàn không, mà là ngược hẳn lại.

Có thể coi cuộc phê phán cuốn sách “Vào đời” hồi 1963 trên báo chí miền Bắc như là kết quả không thể tránh khỏi của tình trạng hầu hết mọi công dân ở đây đều đã được trang bị giác quan của những viên chức tư tưởng hoặc những nhân viên an ninh, với những chuẩn nhận diện đúng/sai, hay/dở, xấu/tốt hoàn toàn phù hợp với những gì đã được bộ máy tuyên truyền của chế độ mới tạo dựng ra, nhồi nhét cho. Đó là chưa kể đến tâm lý gia trưởng, định kiến kiểu nho giáo lạc hậu thâm căn cố đế trên hàng loạt vấn đề xã hội, nhất là tâm lý kỳ thị nữ giới.

Chỉ tạm nêu một tình tiết nhân vật cô Sen bị hãm hiếp ở đầu truyện. Xã hội Việt Nam, xã hội miền Bắc, tính đến cuối thế kỷ XX, vẫn ghi nhận còn tình trạng hãm hiếp, lạm dụng tình dục phụ nữ ở mức khá nghiêm trọng; điều này có thể thấy rõ trong những điều tra nghiên cứu xã hội học. Thế nhưng, cách nay nửa thế kỷ, việc có tình tiết loại ấy trong thiên truyện hư cấu “Vào đời” hồi năm 1963 lại bị hầu như tất cả mọi người, từ người xưng là công chúng độc giả bình thường, đến các nhà văn có tên tuổi, nhất nhất cho rằng đó là điều bịa đặt, là để nói xấu xã hội miền Bắc, chứ không hề có thật! Phải nói, sự kiện này cho thấy một nét tâm lý đạo đức giả đã trở nên nhất quán ở cửa miệng mọi người! Lại nữa, nếu tác giả “Vào đời” cho thấy cô Sen, từng là nạn nhân những bạo lực tình dục, bạo lực gia đình, vẫn có thể trưởng thành, có thành tựu trong lao động kỹ thuật, v.v., thì dường như sự việc cô từng là nạn nhân vụ cưỡng hiếp kia lại chính là lý do ngầm ẩn để hầu hết mọi công chúng kể trên từ chối thừa nhận bước trưởng thành của cô, cho đó chỉ là sự miêu tả giả tạo của tác giả “Vào đời”! Họ coi sự kiện từng bị cưỡng hiếp kia như vết nhơ mà suốt cuộc đời mọi cô gái sẽ không thể nào xóa nổi! Ở đây, một thứ vô thức tập thể về chữ trinh như một chuẩn giá trị tiên thiên ở người nữ, vẫn chi phối nặng nề tâm lý những công chúng tự nhận mình là “con người mới xã hội chủ nghĩa” hồi những năm 1960 ở miền Bắc!

Hoặc nữa, việc tác giả “Vào đời” mô tả những hoạt động chống đối của nhân vật Hiếu như là sự bất mãn của nhân vật này vì bố anh ta bị chết do sai lầm của cải cách ruộng đất; sự lý giải này của tác giả Hà Minh Tuân hiển nhiên có căn cứ từ sự kiện Trung ương Đảng LĐVN, Quốc hội và Chính phủ VNDCCH đã công khai thừa nhận sai lầm của cải cách ruộng đất và tiến hành sửa sai từ tháng 10/1956. Vậy mà hầu như mọi ý kiến phê bình cuốn truyện “Vào đời” đều nhất quán lên án tác giả Hà Minh Tuân về nội dung này, xem đó như biểu hiện chống đối Đảng và nhà nước! Rõ ràng có thể đọc ra đằng sau sự việc này những đe nẹt từ những cấp cao đối với tất cả những ai định nhắc tới sai lầm của cải cách ruộng đất, muốn biến điều này thành một răn cấm (tabou) trong mọi diễn ngôn.

Tất nhiên trong các loại phản xạ của những công chúng này thời ấy cũng tồn tại những cái mà người ta gọi là “hạn chế của thời đại”, ý nói thời chiến tranh lạnh (1945-1990) chia đôi nhân loại, chia đôi đất nước, chia đôi dân tộc, hai nửa “phe ta, phe địch” đều trái ngược nhau về lợi ích, về hệ giá trị, v.v.

Song vẫn nên thấy rằng, đằng sau vẻ quyết liệt đến cuồng tín của những công chúng lên tiếng thời ấy phê phán cuốn truyện “Vào đời”, ta sẽ dần dần cảm nhận ra tầm rộng lớn của tấn bi kịch đang chụp dần dần xuống các sinh hoạt dân chúng, khi ý thức dân sự vốn chứa đựng nhiều khác biệt, miễn nhiễm lẫn nhau một cách đa dạng và tự nhiên, dần dần đã bị thao túng và đánh tráo bằng các chuẩn mực của ý thức chính thống. Trong điều kiện ấy, đời sống văn nghệ ở miền Bắc gần như đã không còn một công chúng đúng nghĩa, một dư luận văn nghệ đúng nghĩa, bởi dư luận xã hội đang biến dạng, cơn mê sảng cộng đồng đang đi dần vào những tầng nấc sâu.

Trong phần lớn các bài lên tiếng phê phán cuốn “Vào đời”, có rất ít, nếu không nói là hầu như không có những bài có thể coi là tạm được. Một điều cũng khá lạ nữa là tuy ai nấy đều bảo rằng mình chỉ viết ra nói ra “ý kiến cá nhân”, nhưng lời lẽ ai ai cũng đầy rẫy sự lắp ráp những từ ngữ những mệnh đề được chế sẵn thửa sẵn, những “chữ gỗ”. Đọc lại những bài viết cách nay nửa thế kỷ, ta sẽ thất vọng khi chỉ nghe thấy quá ít những lời thật ý thật. Không ít bài được viết bởi những cán bộ chuyên nghiệp, nhưng cách viết, cách lập luận lại thường rất kém cỏi, vụng về, thô bạo.

Ở phương diện gọi là “tai nạn văn học”, có thể nói vụ “Vào đời” là một tai nạn đích thực! Có lẽ chính tác giả Hà Minh Tuân cũng không thể ngờ rằng một thiên truyện hư cấu do mình viết ra và in ra tại chính Nhà xuất bản mà mình là giám đốc, lại có thể khiến chính mình lâm nạn, khiến cuộc đời và số phận mình đổi thay đến mức không thể tiên liệu. Chính các đồng nghiệp của tác giả Hà Minh Tuân, ở Hội nhà văn VN, ở nhà xuất bản Văn học, hẳn cũng không thể ngờ những gì sẽ xảy đến với viên cựu sĩ quan mà họ đã vời bằng được từ quân đội về để bổ sung cho nhân sự Hội nhà văn ngay sau vụ Nhân văn – Giai phẩm vốn đã khiến các cơ quan của Hội thiếu hàng loạt những người có thể tin cậy để giao phụ trách các công việc chủ chốt.

Trong sự xuất hiện của tiểu thuyết “Vào đời”, có một điểm khác biệt rất rõ giữa trường hợp này với hàng loạt tác phẩm khác; ấy là “Vào đời” hầu như không bị biên tập hay kiểm duyệt gì trước khi in! Điều này được chính Hoàng Trung Thông là giám đốc Nhà xuất bản Văn học (mới) báo cáo tại hội nghị thường vụ Ban chấp hành Hội nhà văn, ngày 6/7/1963, khi tác phẩm “Vào đời” đã bị nhiều tờ báo lên tiếng phê phán. Vậy là bản in “Vào đời” năm 1963 có thể xem như sáng tác nguyên bản của tác giả Hà Minh Tuân, không có dấu vết kiểm duyệt hay biên tập gì đáng kể. Quả là một đặc ân của những ngẫu nhiên! Đây là một ngoại lệ mà hầu như duy nhất cuốn sách này được hưởng, do chỗ tác giả cũng chính là người có quyền cho in sách, trong khi tất cả sách đương thời đều xuất hiện sau khi các bản thảo đã qua bộ máy biên tập, đọc duyệt, tức là đã có những sự giám định, những sự sửa đổi nhất định so với bản thảo của tác giả.

Có thể nói, những sóng gió mà tác phẩm này đã hứng chịu, phần nào bị gia tăng mức độ nghiêm trọng, là có xuất xứ từ điểm nêu trên.

Sau cuộc phê phán này, sau khi tác giả đã bị xử lý kỷ luật, trong giới văn nghệ miền Bắc, người ta thường chỉ nghe nhắc tới cuốn truyện “Vào đời” này như một thất bại, một cuốn sách viết dở, viết hỏng!

Thế nhưng chính việc cuốn truyện “Vào đời” đã gây ra cả một dư luận sôi động như thế, lại là sự kiện khá hy hữu trong đời sống văn nghệ ở miền Bắc, kể từ sau vụ Nhân văn – Giai phẩm.

Vậy là không thể chối cãi được rằng tác phẩm hư cấu này đã từng tạo nên sóng gió dư luận hồi giữa những năm 1960, một dấu hiệu cho thấy nó đã động tới những gì không hề là bề ngoài của đời sống xã hội đương thời. Ít nhất, nó đã thách thức những cái nhìn đang bị quy phạm hóa theo những giáo điều.

Chính đây là dấu hiệu để không nên xem thường tác phẩm này.

Những mẫn cảm về con người và xã hội mà tác giả “Vào đời” cảm nhận và biểu thị trên các trang truyện, sẽ trở nên rõ nét dần trong những năm tháng về sau, tuy rằng người đời đã quên đi chính những tiên cảm ấy. Ở phương điện đó, có lẽ Hà Minh Tuân không có gì phải hối hận vì đã viết ra các trang truyện “Vào đời”.

Trước sau, “Vào đời” vẫn là tác phẩm để đời của nhà văn Hà Minh Tuân!

TÓM TẮT HỒ SƠ VỤ “VÀO ĐỜI”:

– 26.11.1962: Hanoi. Đại hội Văn nghệ toàn quốc lần thứ ba,

– 10-12.1.1963: Hanoi. Đại hội nhà văn VN lần II họp tại câu lạc bộ Đoàn Kết, Hà Nội; bầu BCH gồm 33 người, Nguyễn Đình Thi được tái cử chức vụ Tổng thư ký.

– 26.4.1963: tuần báo “Văn học” ra số cuối cùng (s.248) để hợp nhất với “Tạp chí Văn nghệ”;

– Tháng 4/1963: “Tạp chí Văn nghệ” ra số cuối cùng (s.71) để hợp nhất với tuần báo “Văn học”.

– 03.5.1963: Tuần báo “Văn nghệ” của Liên hiệp VHNTVN (hợp nhất tuần báo “Văn học” của Hội nhà văn VN với “Tạp chí Văn nghệ” của Liên hiệp VHNTVN) ra số 1.

– 13.6.1963: Hanoi: báo “Lao động” s. 1223, tr. 3: Lê Ngải (Vài ý kiến sau khi đọc cuốn “Vào đời” của Hà Minh Tuân, Nxb. Văn học)

– 21.6.1963: Hanoi. Nxb. Văn học của Hội nhà văn VN ra thông báo: từ 01/7/1963, Nxb. Văn hóa (Viện Văn học) và Nxb. Văn học sẽ hợp nhất thành một nhà xuất bản lớn lấy tên là Nhà xuất bản Văn học thuộc Hội nhà văn VN, chuyên xuất bản những sáng tác mới trong nước, những tác phẩm văn học cổ điển và dân gian VN, những tác phẩm chọn lọc của văn học thế giới, những sách lý luận, phê bình, nghiên cứu văn học. Trụ sở Nxb. Văn học /mới/ đặt tại 49 Trần Hưng Đạo, Hà Nội.

– 21.6.1963: Hanoi. Tb. Văn nghệ, s. 8, điểm sách: Tuấn Chi: “Vào đời”, tiểu thuyết Hà Minh Tuân, Nxb. Văn học, 1963

– 23.6.1963: Hanoi, báo “Cứu quốc”, s. 3125, tr. 5: Nguyễn Xuân Bình (Chúng tôi không tán thành “cặp mắt” của ông Hà Minh Tuân trong cuốn “Vào đời”);

– 26.6.1963: Hanoi. Báo “Tiền phong” s. 1054, tr. 3, 4: Thanh Bình (“Vào đời”, một tác phẩm rất xấu);

– 27.6.1963: Hanoi: báo “Thời mới”, s. 3125, tr. 2: Trọng Khiêm (Đọc sách: “Vào đời” của Hà Minh Tuân, Nxb. Văn học);

– 28.6.1963: Hanoi. Báo “Tiền phong”, s. 1055, tr. 3, 4: Đ.V.N. (“Vào đời” đã miêu tả lao động của thanh niên một cách tiêu cực và phiến diện); tr. 3, 2: Nguyễn Xuân Bình (Ý kiến của một người cha: Chúng tôi không tán thành “cặp mắt” của ông Hà Minh Tuân trong cuốn “Vào đời”; ghi chú chân trang: Bài đã đăng báo “Cứu quốc” số ra ngày 23.6.1963);

– 28.6.1963: Hanoi, báo “Văn nghệ”, s. 9, tr. 4, 18: Trần Hữu Thung (Cách nhìn và thái độ đối với cuộc sống qua cuốn “Vào đời”);

– 29.6.1963: Hanoi, báo “Nhân dân”, s. 3380, tr. 3: Minh Tâm (“Vào đời”, một cuốn tiểu thuyết có hại);

– 29.6.1963: Hanoi, báo “Quân đội nhân dân” s. 1221, tr. 4: Lê Lương Nghĩa & Dân Hồng (Đọc “Vào đời” của Hà Minh Tuân, Nxb. Văn học);

– 29.6.1963: Hanoi. Báo “Thủ đô Hà Nội”, s.1455, tr. 3: Lê Hồng Mai (Một cuốn sách lạc hậu và nhiễm độc);

– 30.6.1963: Hanoi. Báo “Tiền phong”, s. 1056: tr. 3: Tuổi vào đời đọc cuốn “Vào đời”: Đặng Minh Hân, Nghĩa Đàn, Nghệ An (Cái xấu choán cái tốt, bóng đen trùm lên ánh sáng trong tác phẩm “Vào đời”); Nguyễn Việt Hùng, hòm thư 5856, Hà nội (Tác phẩm “Vào đời” trái ngược hẳn với cuộc sống lành mạnh, tươi vui của chúng tôi);

– 30.6.1963: Hanoi. Báo “Cứu quốc” s. 3126, tr. 13: Nguyễn Bắc (Nhân đọc “Vào đời” của Hà Minh Tuân: Một bức tranh về Hà Nội và cách nhìn của chúng ta);

– 03.7.1963: Hanoi, báo “Tiền phong”, s. 1057, tr. 3: Nguyễn Bình, nhà máy cơ khí Hà nội (Ý kiến của thanh niên công nhân nhà máy cơ khí Hà Nội: Hà Minh Tuân đã mô tả lệch lạc bước vào đời của chúng tôi);

– 03.7.1963: buổi tối, tại trụ sở Hội nhà văn VN, 65 Nguyễn Du, Hanoi, một số nhà văn, trong đó có Nguyễn Tuân, Kim Lân, Huyền Kiêu, Nguyễn Đình Thi, Hoàng Trung Thông, Trần Hữu Thung, Vũ Tú Nam, Bùi Hiển, Thành Thế Vỹ, v.v… đã họp để góp ý phê phán cuốn ‘Vào đời’. Sau khi nghe tác giả Hà Minh Tuân trình bày, các nhà văn nói trên đã phê phán những tư tưởng sai lầm nghiêm trọng của cuốn truyện.

– 05.7.1963: Tb. Văn nghệ, s. 10: Nguyễn Đình Thi (Cần phê bình rất nghiêm khắc quyển truyện ‘Vào đời’); Ban biên tập Nxb Văn học cũ (Tự phê bình về việc biên tập cuốn ‘Vào đời’);

– 5.7.1963: Hanoi: báo “Thống nhất” s. 315, tr. 14: Phạm Hữu Tùng (Đọc sách: “Vào đời” của Hà Minh Tuân);

– 06.7.1963: Hanoi: báo “Tiền phong”, s. 1058, tr. 3, 4: Thanh Bình (Qua cuốn tiểu thuyết “Vào đời” của Hà Minh Tuân: Nói về những “nhếch nhác, lệch lạc” của thế giới quan tiểu tư sản);

– 06.7.1963: Hanoi. Báo “Lao động” s. 1223, tr. 2: Ngọc Lộc, công nhân nhà máy cơ khí Hà Nội (Tiểu thuyết “Vào đời” đã bôi nhọ sự thật trong các nhà máy công trường);

– 6.7.1963: Tại hội nghị thường vụ Hội nhà văn: Hoàng Trung Thông, giám đốc Nxb. Văn học trình bày trường hợp xuất bản cuốn “Vào đời”. Sau khi nêu những thiếu sót của các đồng chí biên tập viên và các đ/c trong ban giám đốc, Đ/c Hoàng Trung Thông đã tự phê bình vì thiếu kiểm tra nên cuốn sách đã không được đồng chí giám đốc duyệt trước khi xuất bản. Ban Thường vụ Hội đã phê bình nghiêm khắc khuyết điểm của Nxb. Văn học (cũ) và đặt vấn đề rút kinh nghiệm để cải tiến lề lối làm việc của Ban biên tập cho chặt chẽ. Hội nghị đã bàn việc hợp nhất hai Nxb. Văn hóa và Văn học và việc kiện toàn ban biên tập của Nxb. Văn học mới. (P.V.: Văn nghệ khắp nơi: Hội nghị của Ban thường vụ Hội nhà văn VN // Văn Nghệ, s. 12 (19.7.1963), p. 19)

– 7.7.1963: Hanoi. Báo “Cứu quốc” s. 3127, tr. 13: Phùng Bảo Kim (Không! Chúng ta không vào đời như vậy!);

– từ 8 đến 10/7/1963, tại Hanoi: Đại hội lần thứ nhất những người xuất sắc trong phong trào tình nguyện vượt mức kế hoạch 5 năm lần thứ nhất. (tin bài trên báo “Tiền phong” s. 1059, ngày 8/7/1963)

– 9.7.1963: Hanoi: báo “Quân đội nhân dân” s. 1225, tr. 3: Nguyễn Thiều & Võ Xuân Viên (“Vào đời” của Hà Minh Tuân đã xuyên tạc bản chất truyền thống của quân đội);

– 9.7.1963: Hanoi. Báo “Lao động”, s. 1234, tr. 3: Đặng Chính, công đoàn nhà máy tơ Nam Định (Bàn thêm với Hà Minh Tuân, tác giả “Vào đời”: Cần phải đánh bại những loại tư tưởng ngược dòng ấy!);

– 12.7.1963: Tb. Văn nghệ, s. 11: xã luận (Nâng cao hơn nữa tính đảng trong văn nghệ); Phê bình: Hoàng Trung Thông (Tư tưởng sai lầm nguy hại của cuốn truyện ‘Vào đời’);

– 13.7.1963: Hanoi, báo “Nhân dân”, s. 3394, tr. 5: Trần Hạnh, bộ đội, hòm thư 1230, Hà Nội (Ý kiến bạn đọc: “Vào đời” xuyên tạc sự thật của chế độ ta);

– 14.7.1963: Hanoi. Báo “Tiền phong”, s. 1062: tr. 3, 2: Nguyễn Thị Hồng Tuyến, nữ công nhân xưởng cơ khí, nhà máy cơ khí Hà Nội (Ý kiến một nữ thanh niên công nhân về cuốn “Vào đời”: Ông Hà Minh Tuân đã làm tổn thương đến danh dự chúng tôi);

– 14.7.1963: Hanoi. Báo “Cứu quốc” s. 3128, tr. 12-13: Dân Hồng (Trong “Vào đời” hình ảnh anh bộ đội đã bị bôi một vết nhơ);

– 17.7.1963: Hanoi. Báo “Tiền phong”, s. 1063: tr. 3: Nguyễn Thị Phương Hoa, phòng Kế hoạch, xưởng đóng tàu 3, Hải Phòng (“Vào đời” của ông Hà Minh Tuân chỉ là câu chuyện bịa đặt, xuyên tạc sự thật mà thôi); Kim Thoa, 10 Hàng Bông, Hanoi (Những bài báo phê bình cuốn “Vào đời” đã giúp tôi lấy lại lòng tin và hiểu rõ cuốn sách đó hoàn toàn xuyên tạc sự thật);

– 18.7.1963: Hanoi. Báo “Quân đội nhân dân” s. 1229, tr. 3: Phương Tống, nông trường Mộc Châu (Lập trường tư tưởng tư sản phản động trong cuốn “Vào đời”);

– 19.7.1963: Hanoi. Tb. Văn nghệ, s. 12: Xuân Cang (Tiểu thuyết ‘Vào đời’ và trách nhiệm của nhà văn), Văn Dân (Anh bộ đội trong “Vào đời” bị bóp méo, xuyên tạc);

– 19.7.1963. Hanoi: báo “Tiền phong”, s. 1064, tr. 3: Tiền phong (Cần vạch trần hệ tư tưởng tư sản phản động trong cuốn tiểu thuyết ‘’Vào đời’’); Nguyễn Lương, cục vật liệu kiến thiết, Bộ Nội thương (‘’Vào đời’’ đã xuyên tạc hết sức bỉ ổi bản chất tốt đẹp của các quân nhân phục viên, chuyển ngành);

– 21.7.1963: Hanoi: Báo “Cứu quốc” s. 3129, tr. 12-13: Hoàng Thiếu Sơn (“Vào đời” dưới mắt nhà giáo chúng tôi);

– 25.7.1963: Hanoi: báo “Lao động”, s. 1241, tr. 3: Nguyễn Anh Tài (Cần vạch ra thêm các loại tư tưởng xấu trắng trợn và cài ngầm trong cuốn “Vào đời”);

– 26.7.1963: Tb. Văn nghệ, s. 13: Đông Hoài (Cuốn truyện ‘Vào đời’ đã chống chọi lại nhiều chủ trương chính sách hiện nay của Đảng); Dương Văn Hùng, Tô Minh Trung, Đào Phương, Nguyễn Thanh Dân, Lương Sĩ Cầm (Bạn đọc phê phán nghiêm khắc cuốn “Vào đời”);

– 27.7.1963: Hanoi. Báo “Lao động” s. 1242, tr. 3: Trần Dũng Tiến (Bàn thêm với tác giả cuốn “Vào đời”: Sai lầm của Hà Minh Tuân chủ yếu là sai lầm về quan điểm);

– 28.7.1963: Hanoi, báo “Tiền phong”, s. 1068, tr. 3 : Tần Lê, tác giả Trung Quốc (Làm cho văn học cách mạng nở hoa kết quả trong lòng người thanh niên, bài trên “Nhân dân nhật báo” Bắc Kinh, 23/6/1963, Tuyết Mai trích dịch);

– 28.7.1963: Hanoi, báo “Cứu quốc”, s. 3130, tr. 12-13: Xuân Hải (“Vào đời” viết cho ai đọc và nhằm phục vụ ai?);

– 31.7.1963. Hanoi: báo “Tiền phong”, s. 1068, tr. 3: Tần Lê, tác giả Trung Quốc (Làm cho văn học cách mạng nở hoa kết quả trong lòng người thanh niên, bài trên “Nhân dân nhật báo” Bắc Kinh, 23/6/1963, Tuyết Mai, Thanh Lam trích dịch, tiếp, hết);

– Tháng 8.1963: tạp chí “Phụ nữ Việt Nam” s. 119, tr. 22-23: Lê Đoan (Quan điểm của cuốn “Vào đời” đối với phụ nữ như thế nào?);

– Tháng 8.1963: Tạp chí Văn nghệ Quân đội: Hồ Phương (Phải đấu tranh không khoan nhượng chống nội dung tư tưởng nguy hại của quyển truyện “Vào đời”); Lê Bá Súy, Nguyễn Thanh Tùng, Xuân Ngọc (Ý kiến bạn đọc về cuốn “Vào đời”);

– Tháng 8.1963: Tạp chí Văn học: Nguyễn Phan Ngọc (“Vào đời”, một quyển truyện đầy rẫy tư tưởng tư sản phản động, một khuynh hướng nghệ thuật suy đồi); Trung Ngôn (Sai lầm của Hà Minh Tuân trong quyển “Vào đời” là sai lầm về lập trường tư tưởng);

– 16.8.1963: Tb. Văn nghệ, s. 16: Tổ phê bình báo ‘Văn nghệ’ (Qua cuộc đấu tranh chống những tư tưởng sai lầm trong cuốn tiểu thuyết ‘Vào đời’ của Hà Minh Tuân);

31/10/2015

L. N. A.

Comments are closed.