Trong thoáng xuân Hà Nội (thư từ, ghi chép, 1986-1991) (kỳ 21)

Lại Nguyên Ân

clip_image001

Có thể mua bản e-book theo địa chỉ: http://komo.vn/product/view?pid=1771

 

28/1/1988

Tại báo Văn nghệ, 17 Trần Quốc Toản, Hà Nội.

“Bàn tròn” tại phòng họp tầng 2 báo Văn nghệ. Những người được mời (danh sách hôm qua), vắng: Phan Cự Đệ, Nguyễn Văn Hạnh, Phạm Vĩnh Cư. Hà Xuân Trường (đến dự nửa cuối buổi chiều).

Sáng: Nguyên Ngọc mở đầu. Hoàng Trinh – Hồ Ngọc – Nguyễn Đăng Mạnh – Lại Nguyên Ân – Vũ Đức Phúc – Nguyễn Khải – Phương Lựu.

Chiều: Tạ Văn Thành – Hà Minh Đức – Hoàng Ngọc Hiến – Vũ Đức Phúc – Hồ Ngọc – Nguyễn Khải – Ngô Thảo – Ngô Ngọc Bội – La Khắc Hòa – Nguyên Ngọc (phát biểu kết thúc). (3)

Dự kiến lần sau: văn nghệ và hiện thực.

29/1/1988

Trụ sở Hội Nhà Văn VN, 65 Nguyễn Du, Hà Nội, phòng khách tầng 2. Họp Hội đồng Lý luận phê bình của Hội (mở rộng).

Những người dự: Nguyễn Khải, Hà Xuân Trường, Nguyễn Văn Hạnh, Hoàng Trung Thông, Hoàng Xuân Nhị, Phương Lựu, Hà Minh Đức, Nguyễn Đức Nam, Lại Nguyên Ân, Bùi Hiển, Nguyên Ngọc, Từ Sơn, Nguyễn Nghĩa Trọng, Tú Ngọc, Ngọc Trai, Phan Cự Đệ, Nguyễn Văn Lưu, Xuân Thiều, Nguyễn Xuân Nam, Phan Hồng Giang, Ngọc Tú, Nguyễn Đăng Mạnh, Tế Hanh, Bùi Công Hùng, Vũ Tú Nam.

HÀ XUÂN TRƯỜNG: Chuẩn bị Đại hội 4 Hội Nhà văn, có việc kiểm điểm lý luận phê bình 30 năm. Lý luận phê bình có nhiều vấn đề: vấn đề toàn cục của cả nền văn học, vấn đề của nó. Dự định làm 2 cuộc: hôm nay họp mở rộng, trao đổi những vấn đề đánh giá để làm báo cáo chuẩn bị cho một hội nghị rộng hơn. Các vấn đề phê bình đều liên quan sáng tác, nhưng ta đứng trong lĩnh vực hoạt động phê bình.

– Đánh giá 30 năm từ thành lập Hội. 1956-1958 có việc Nhân văn – Giai phẩm. Ban bí thư đã có chỉ thị, có xử lý, những anh em trong cuộc có kiểm điểm lại… Ta không trở lại vụ này.

Đánh giá là hết sức khó: thực trạng 30 năm, thực trạng hiện nay, cho nên phải dần dần. Đánh giá hôm nay khác đánh giá ngày mai, việc sửa dần là bình thường: chú ý bối cảnh chính trị. Quá trình ở Liên Xô cũng vậy, chỉ có trình độ là khác nhau. Đại hội 6 của ta cũng có quá trình chuẩn bị gần như Đại hội 27 ĐCS Liên Xô.

Đổi mới là sống còn, cấp thiết, nhưng làm thế nào, tiền đề chưa có −> khó thảo luận.

Không đánh giá lịch sử không được. Tư liệu lịch sử rất cần, nhưng thiếu. Quan hệ lâu nay của Hội đồng Lý luận phê bình của Hội với Viện Văn học yếu. Gần đây có anh em nói “phê bình quyền uy”, gây một không khí không có lợi. Muốn thảo luận, phải dân chủ, nhưng đang thiếu dân chủ. Ta không được tập dượt dân chủ. Gorbachev cũng nhận xét: còn hay chửi rủa, không biết cách thảo luận. Do công việc kiêm nhiệm nhiều, việc ở Ban lý luận phê bình của Hội tôi làm không tốt lắm.(4) Dù sao chúng ta cũng phải đánh giá.

HOÀNG TRUNG THÔNG: Đúng như anh Trường nói, từ cuộc tranh luận của Hải Triều, tác dụng là có. Nhưng sau đó trong văn nghệ mới, tranh luận rất nhiều. Năm 1949 có tranh luận văn nghệ Việt Bắc. Thảo luận chuẩn bị Đại hội văn nghệ lần II hơi phức tạp, hỗn loạn. Sĩ Ngọc phê đồng chí Trường Chinh vì việc phê phán các khuynh hướng ấn tượng, lập thể. Đại hội Văn nghệ II thảo luận rất nhiều. Tôi thảo luận với Nguyễn Hữu Đang về Proletkul. Bài anh Trường Chinh như là kết luận. Sau này đi vào khuôn khổ, thảo luận ít hơn. Bây giờ cũng có thảo luận. Nhưng sắp Đại hội nhà văn, thảo luận thế nào?

Báo “Văn nghệ” mở ra nhiều hướng, nhưng có người khen, có người chê là không rõ ràng. May là có nghị quyết Bộ Chính trị rồi, là có gậy cầm rồi. Ý kiến cá nhân, dầu là của đồng chí Tổng Bí thư, có thể tôn trọng vừa phải, còn nghị quyết Bộ Chính trị thì phải thi hành nghiêm chỉnh. Hội đã có một số tiểu ban chuẩn bị, nhưng nên cho tự do thảo luận rồi Đại hội là sự tổng kết chính xác.

Ví dụ tôi không đồng ý anh Nguyễn Văn Linh nói về trói, cởi trói, về “sau 1975 văn nghệ nghèo đi”, v.v. Còn vụ Nhân văn là vụ chính trị. Anh em văn nghệ có dính vụ đó thì được đối đãi tốt thôi. Hôm nọ tại nhà Phùng Quán, tôi gặp cả Hoàng Cầm, Hữu Loan. Tôi bỏ một ngày ngồi với Phùng Quán… Ta có khuyết điểm là khôi phục chậm quá.

NGUYỄN KHẢI: – Không nên phân biệt ai đúng ai sai.

– Nên chú ý: Văn học đóng góp vào việc quản lý tinh thần dân chúng thế nào. Đầu tư nước ngoài là tạo ra “một nước trong một nước”, sẽ phức tạp, ta làm ăn ra sao? Ta vẫn quen cái gì khá yên ấm, chưa xông vào mưa gió bão bùng. Ta phải làm gì để giành công chúng, bạn đọc? Đại hội tới phải bàn.

Đội ngũ của ta đã trưởng thành, trình độ đã khá, không còn thơ ngây nữa. Tôi và anh Thông nói một chặp là lạc hậu. Anh em có trình độ, bản lĩnh. Nếu mình mở được phương hướng thì tốt. Nếu đã có Tướng về hưu, Cô gái trên sông, thì đưa phê bình lên là hay lắm, nhưng phê bình cũng có thể nguy. Không có phê bình dẫn đường thì dễ hỗn loạn.

HOÀNG XUÂN NHỊ: – Qua báo “Văn nghệ”, có những biểu hiện tôi không đồng tình: sự phủ nhận, hoặc nói văn học trước đây minh họa. Tôi thách ai trích được gì bảo là minh họa. Ta viết vì sự nghiệp của Đảng là chính đáng. Phủ nhận hay nói là minh họa đều không đúng, không có văn kiện nào bảo văn học trước đây minh họa hay bỏ đi.

Quanh các vấn đề hiện thực XHCN, chức năng, ta có đúc kết, Đảng có hướng dẫn. Hoặc có ý kiến coi Nhân văn là báo trước văn nghệ chống tiêu cực. Tôi cho không phải là họ làm được chức năng dự báo.

Ta có lỗ hổng lý luận (cũng như Liên Xô): đặt thẳng kẻ thù để đánh bại. Những vấn đề mới chưa ai dám đặt ra ví dụ người anh hùng chiến đấu có thể thành người xấu. Ta thường hiểu vấn đề tha hóa là chỉ có trong xã hội cũ, không có trong xã hội ta. Nhưng thử hỏi trong CNXH có tha hóa không? Bây giờ ta mới biết sự tha hóa trong CNXH là có thật. Lênin có nêu nguy cơ chủ nghĩa quan liêu, Bác Hồ nhắc nguy cơ khi Đảng cầm quyền. Nguy cơ tha hóa là có thật, ta dùng cơ chế nào đó che dấu thì nguy cơ càng lớn. Văn học ta quen thuộc người anh hùng, nhưng không biết đến con người tha hóa. Tinh thần tự phê bình trong phê bình yếu quá. Ta có tâm lý thấy mấy ông bộ trưởng sai thì khoái. Nhưng tôi đau xót vì Đảng là của tôi, tôi đã không làm gì để báo trước cái sai đó. Ta như bị mê hoặc. Ta tin một CNXH rất trong sáng, thấy cái gì không đẹp, không hợp lý tưởng thì ta bỏ đi không nói, thành ra không thấy những cái dở. Tôi cho nêu vấn đề chống tha hóa là vấn đề rất cơ bản. Tư tưởng dân chủ đi với “công khai” là rất hay.

HOÀNG TRUNG THÔNG: Marx thời trẻ có dùng “tha hóa”. Công nhân bị buộc chặt vào máy, thành đồ vật −> tha hóa (aliénation), nhưng Marx thời sau không dùng nữa mà dùng đấu tranh giai cấp. Ở Liên Xô không dùng “tha hóa” mà dùng khái niệm “tiêu cực xã hội”. Tôi tán thành anh Nhị ở chỗ cần chống tiêu cực xã hội.

HÀ MINH ĐỨC:

– Các chặng đường phê bình trong đấu tranh tư tưởng trong văn nghệ.

– Nhiệm vụ đánh giá tác phẩm, khen chê các tác phẩm lớn.

– Lực lượng phê bình, sự tiếp nối.

– Phương pháp luận.

– So với bản thân nó, phê bình ta có bước phát triển lớn, nhưng chặng đường đi chậm. Sau hòa bình (1954) lực lượng có phát triển mới.

+ một số người đóng góp chống Nhân văn-Giai phẩm

+ một số người từ tuyên huấn chuyển sang lý luận phê bình

+ một số người tiếp nhận Liên Xô: Hoàng Xuân Nhị

+ có người chuyên viết lý luận: Nguyễn Lương Ngọc

Bước phát triển:

+ thành lập Viện văn học

+ hoạt động phê bình ở báo chí, xuất bản

Nhược điểm: – Xa sự phát triển sáng tác, nặng sách vở.

Năm 1960 có làm tuyển phê bình nhưng không dùng được (không in)

Năm 1985 có dự định làm 1 tập tuyển, không xuất bản được.

– Sự tham gia của nhà văn vào lý luận phê bình: Nguyễn Đình Thi, Chế Lan Viên, Hoàng Trung Thông −> đi sát phong trào sáng tác.

Sau 1975 là một thời kỳ khác: Đánh chủ nghĩa thực dân mới về lý luận phê bình.

Từ sau đó, lý luận phê bình bị động. Đánh giá phê bình bây giờ rất khó.

– Đội ngũ chưa bao giờ phong phú như bây giờ; học hành đến nơi đến chốn, có người không học nhưng đóng góp đáng kể; những nhà phê bình có đóng góp, về già rút vào nghiên cứu. Đóng góp bây giờ là lớp trẻ, nhưng không được quan tâm. Giới văn học và Hội chưa đánh giá cao hoạt động này.

Nghị quyết mới ra:

– Thấy vị trí xã hội của văn học

– Những vấn đề cơ bản vẫn theo truyền thống: tính đảng, hiện thực XHCN…

– Ý mới về tự do sáng tác: bản lĩnh người cầm bút.

NGUYỄN VĂN HẠNH: Cần gắn đánh giá với đổi mới; đánh giá chừng nào thôi, còn phải xem nên đổi mới như thế nào. Cần đánh giá phê bình những năm qua. Thực trạng, thực chất là có từ 1945, nhưng ta đủ sức là từ những năm qua. Xem có những vấn đề gì.

Chưa ai nói gì được hơn thực tế. Hiện thực là hợp lý. Bình giá chỉ là giải thích, nghiên cứu nó.

Nói gì thì nói, độc lập dân tộc là một việc lớn, văn học có góp phần.

Kinh nghiệm trong chiến tranh không dùng được trong thời bình, phải nghiên cứu cách làm trong chiến tranh để rút kinh nghiệm.

Thực chất đổi mới: dân chủ và sự thật −> quy luật, một trong 4 bài học lịch sử. Nói gọn: dân chủ hóa, trọng quy luật −> vấn đề sự thật.

– Sẽ nói khuyết điểm, nhưng nên mức độ. Cốt yếu là cố vượt qua. Cái cũ vẫn là cái cũ, không đổi được.

Bây giờ tiếp tục làm như làm văn học trong chiến tranh là không được. Cái không nên làm trong thời ấy cũng phải được rút kinh nghiệm.

Liên Xô xem perestroika là giai đoạn thứ hai sau Cách mạng tháng 10.

Đ/c Nguyễn Văn Linh tại trường Nguyễn Ái Quốc coi đổi mới là một cuộc cách mạng.

– Suy nghĩ về văn học nghệ thuật: bản chất, chức năng, quan hệ với các cái khác… Nhưng bản thân nó là gì? Nó phải là nó.

Chính trị là quyền lực, là nghệ thuật sắp xếp trật tự xã hội.

Nghệ thuật là nó; có cái kinh tế làm được nó không làm được, chính trị làm được nó không làm được; có cái cả kinh tế, chính trị không làm được, nó làm được. Phải nghĩ dần. Nghĩ rằng văn nghệ chỉ đi phục vụ người ta −> không đúng.

– Đổi mới cách nghĩ về bản thân lý luận phê bình là gì?

Ta ghép lý luận với phê bình, không đúng. Phê bình có việc của nó. Lý luận đi với nghiên cứu, với khoa học. Phải có những quan niệm riêng về lý luận và phê bình; nhập cục sẽ hạn chế khả năng phát triển của phê bình.

Quan niệm chức năng lý luận, phê bình là gì? Phải có hai chiều, ta cứ nói chiều trên xuống trong khi chiều dưới lên quan trọng.

Sao lại dùng lâu thế quan niệm đứng gác, không đúng. Từ “chiến sĩ” là đủ. Thủ tướng Phạm Văn Đồng bảo thôi đừng nói đứng gác nữa. “Chiến sĩ” là đủ, không nên nói phê bình đứng gác để gây ác cảm cho sáng tác.

Tóm lại trong hai việc đánh giá và đổi mới, nên dồn dức cho đổi mới.

BÙI HIỂN: Nhân anh Hạnh nói, tôi đứng từ phía người sáng tác để “tố” một chút. Anh em sáng tác nói đã đổi mới thì không nên bảo phê bình là lính gác nữa.

Người sáng tác hết sức gắn với đời sống, với quần chúng; viết ra có khi bị cọ xát. Hồi tôi làm báo “Văn”, phụ trách mục Tin văn (anh Tế Hanh mục Tin thơ), ông Trịnh Xuân An lên tiếng phê phán (“nói thế đồng bào miền Nam nghĩ sao?”),(5) vì có vấn đề chính trị nên chúng tôi phục tùng (vì biết cuộc chiến tranh có một mặt là nội chiến). Hoặc tôi viết bài nói con người có hai mặt tốt xấu, phải lấy lời ông Ehrenbourg ra, một nhà phê bình (đến giờ vẫn là bạn tôi) buộc tôi vào nhị nguyên luận, là dao động tiểu tư sản chứ công nông thì không dao động, không nhị nguyên. Hoặc một bài trên báo Nhân dân ký tên “Một nhóm công nhân” nói: Nguyên Hồng và Bùi Hiển chủ trương viết chân thực, nhưng thế nào là chân thực? Tư sản cũng chân thực đấy! − Tôi không bi quan, nhưng ở làng tôi hồi ấy có dư luận Bùi Hiển là “Nhân văn”.

– Vấn đề “tự kiểm duyệt”: có.

– Người phê bình có 2 thực tế: thực tế đời sống, thực tế sáng tác.

HOÀNG TRUNG THÔNG: Lý luận người tốt việc tốt, người thực việc thực, một thời đã đưa anh em đến những nơi tiên tiến sống với những người tiên tiến đấy, anh Hiển ạ.

NGUYỄN ĐỨC NAM: Trở lại mục đích hội thảo, chuẩn bị hội thảo. Về tư tưởng thái độ, từ Nghị quyết Đại hội 5 đã có tư tưởng tự phê bình rất rõ. Có vấn đề: Lãnh đạo văn nghệ có tự phê bình không?

HÀ XUÂN TRƯỜNG: Nên chứ, tôi là một trong những người phải tự chuẩn bị.

NGUYỄN ĐỨC NAM: Về việc đánh giá. Ta làm lịch sử của phê bình hay nhìn nó từ sự đổi mới? Cách 1: làm được, nhưng lấy tiêu chí nó đánh giá nó thì luẩn quẩn, lấy tư tưởng lý luận bao cấp để bình giá thực tế bao cấp thì không được, vì chỉ là biện hộ. Tôi đồng ý anh Hạnh: lấy cái mới, đổi mới để xem xét. Theo quan điểm đó, có thể phát biểu là: ta chưa làm lịch sử, hoặc làm lịch sử vì đổi mới.

HÀ XUÂN TRƯỜNG: Tất cả vì đổi mới, không có alternative,(6) không nói lại để trả thù. Nhiều vấn đề còn chưa tổng kết: cải cách ruộng đất, các đợt quản lý… Vấn đề là ta có cả sai lầm và thành tựu. Vấn đề phải gỡ dần dần. Tôi đồng ý với anh Thông, anh Hiển: phải đặt trong bối cảnh lịch sử. Cái khó là cái nguyên nhân đưa đến thành tựu cùng một lúc là cái dẫn đến sai lầm.

NGUYỄN ĐỨC NAM: Có nhiều vấn đề tế nhị. Ví dụ một vấn đề lý luận. Văn kiện Đảng nhấn mạnh:

– mục đích, chức năng, nhiệm vụ văn nghệ

– phẩm chất văn nghệ sĩ

Nhưng ta chưa bao giờ thảo luận đến nơi đến chốn bản chất đặc trưng (văn nghệ là gì). Các nhà lãnh đạo xem văn nghệ như phương tiện. Trong giới lý luận ít khi bàn kỹ: Văn nghệ là gì? Lỗ trống lý luận này ảnh hưởng đến phê bình. Vấn đề là có nên đặt lại không, đã đến lúc đặt lại trong lý luận chưa?

Hoặc: văn nghệ ta chịu tình trạng bao cấp rất nặng cả về tư tưởng, hạn chế sự phát triển lý luận phê bình: có những khung.

Đã đến lúc chuyển từ giai đoạn bao cấp sang giai đoạn tự phát triển hay chưa?

Có hàng loạt vấn đề liên quan, ví dụ hiện thực XHCN; tôi từng lên bục giảng về hiện thực XHCN. Nhưng bây giờ tôi cho đây là một ấu trĩ của chủ nghĩa Mác. Tôi cho đến một lúc nào đó Liên Xô phải vứt bỏ.

Còn về văn nghệ. Tôi lạc quan về văn nghệ, từ 1975 đến gần đây, hướng đi tuyệt vời.

PHƯƠNG LỰU: Nhìn lại để rút kinh nghiệm. Cần phân biệt hạn chế lịch sử và hạn chế cá nhân, sai lầm lịch sử và sai lầm cá nhân.

NGUYỄN ĐĂNG MẠNH: Nên nói thẳng sự thật, nói để làm, nói chỗ yếu của phê bình. Có phê bình viết, nhưng cũng có phê bình miệng (critique orale), những phòng khách, như Saint Beuve (7) đã làm. Loại phê bình miệng tất nhiên ít có dấu tích, trừ dấu tích trong trí nhớ.

Hiện giờ trong giới có 3 loại:

– 1 loại muốn đổi mới

– 1 loại cơ hội, chờ đợi xem ai thắng ai bại chứ không xem chân lý thuộc về ai.

– 1 loại bảo thủ, rất sợ phủ nhận thành tích chung và riêng, sợ phủ nhận chính mình.

Tôi đồng ý: ta nhìn thực tế cũ để đổi mới, không để rửa thù.

Có 2 sự kiện lịch sử lớn chi phối phê bình:

1/ Chiến tranh kéo dài (hạn chế nhân dân; tuyên truyền phục vụ; không nói nhận thức hoặc nói nhẹ)

2/ Thiếu dân chủ

Thành tích văn học trong kháng chiến là thành tích văn học tuyên truyền. Nhưng phải nói đấy là nhược điểm của văn học, là không sâu sắc, không đào sâu vào con người, giá trị không lớn. Dẫn chứng đầy rẫy, không khó như anh Hoàng Xuân Nhị nói. Đánh giá khách quan cũng thấy như thế. Nhận thức trong chiến tranh là nhận thức địch/ta, không đặt sâu vấn đề con người.

Lý do thứ hai: thiếu dân chủ trong lãnh đạo. Bây giờ nhận ra rồi, xác định lấy dân làm gốc. Điều ấy có ảnh hưởng đến văn học, phê bình. Không thể nói phê bình không bị ảnh hưởng. Có lãnh đạo quyền uy, dùng quyền uy để thuyết phục. Từ đấy đẻ ra lối lý luận phê bình xa rời bản chất quá trình sáng tác, xoay vào minh họa ý kiến cấp trên, những người có chức có quyền. Cứ liệu phê bình quyền uy: rất ít cứ liệu văn bản. Bây giờ đòi văn bản là không trung thực. Nó đầy rẫy, làm hạn chế việc tìm chân lý. Những người viết phê bình không minh họa ý cấp trên, cứ tìm tòi là bị phê phán, hàng loạt lính gác xông ra. Sao không ngăn chặn? Sao lý luận không lấy thực tiễn mà lại lấy ý cấp trên làm chuẩn đánh giá?

Ví dụ “yêu cầu tính đảng là chủ đề phải rõ ràng”. Đây là kinh nghiệm rút từ chống “biểu tượng hai mặt” của Nhân văn. Nhưng đây lại là đặc trưng văn học; tác phẩm lớn không thể hiểu hết ngay. Có bài thơ Bác còn cãi nhau trong phân tích. Nó thiếu tính đảng ư?

Đòi hỏi rõ ràng là như trong cổ tích: tư tưởng có trước, nhân vật rõ ràng. Ở chỗ này nói vu vơ, không ai muốn sáng tác.

Nói chung: phê bình không có uy tín, lý luận thấp kém. Nhưng tôi không phủ phủ nhận thành tích của phê bình. Nó có mặt được: bình văn giảng văn, giáo dục thẩm mỹ nhân dân, nhưng không có tư tưởng lớn.

Khuynh hướng tệ nhất là như thế, cần rút ra để phê phán triệt để. Phê bình quyền uy là có thật, nó tất yếu đẻ ra phê bình nịnh bợ. Người có chức cao là nhà phê bình có quyền cao nhất. Các bài tổng kết của ông Khải ông Thi viết rất đại khái. Phần tổng kết của anh Đệ anh Đức trong cuốn Nhà văn Việt Nam (8) viết rất kém.


(3) Về cuộc thảo luận “Bàn tròn” này, có bài tường thuật: Thảo luận “bàn tròn” tại tuần báo Văn nghệ: Văn nghệ và chính trị; Tự do sáng tác; Vai trò xã hội của nhà văn; Những nhận xét khác nhau về tình hình văn học, những cảm tưởng “tùy hứng” nảy sinh trong thảo luận, Vân Trang ghi, đăng “Văn nghệ” s. 9 (27. 2. 1988) và s. 10 (5. 3. 1988). Ngoài ra, còn có bài: Thảo luận “bàn tròn” tại tuần báo Văn nghệ: Mấy lời nói lại và nói thêm, đính chính và bổ sung phần đăng Văn nghệ, s. 9/1988) của Nguyễn Khải (“Văn nghệ”, s. 11 (12. 3. 1988)

(4) Hà Xuân Trường từng là Thứ trưởng Bộ văn hóa (1965-82), Ủy viên dự khuyết trung ương Đảng kiêm Trưởng ban Văn hóa văn nghệ trung ương (1982-86), Tổng biên tập Tạp chí Cộng sản (1986-1991).

(5) Chỗ này ý muốn nhắc đến bài Tuần báo “Văn” và con người thời đại của Trịnh Xuân An (tạp chí Học tập, s. 7/1957) nhận xét phê bình tuần báo Văn của Hội Nhà Văn VN trong 10 số đầu tiên; bài báo này làm dấy lên cuộc tranh luận giữa tạp chí Học tập với tuần báo Văn hồi năm 1957; nhà văn Bùi Hiển khi đó là biên tập viên tuần báo Văn.

(6) Chỗ này diễn giả dùng thẳng từ nước ngoài; alternative trong các tiếng Pháp, Nga (mà diễn giả biết) đều trỏ tình thế loại suy (phải chọn một trong hai, vứt cái nọ bỏ cái kia); nói “không có alternative” cũng như nói “không có chọn lựa”, “chỉ có một đường”.

(7) Charles Augustin Sainte-Beuve (1804-69) người Pháp, nhà phê bình văn học, nhà văn học sử.

(8) Chỗ này nhắc đến cuốn “Nhà văn Việt Nam 1945-1975” của Phan Cự Đệ, Hà Minh Đức (Hà Nội: Nxb. Đại học và trung học chuyên nghiệp, t. 1: 1979, 739 trang; t. 2: 1983, 514 trang).

Comments are closed.