Nguyễn Ái Quốc và Phạm Quỳnh
Nguyễn Ngọc Lanh
So sánh sự giống nhau, khác nhau giữa các cụ Nguyễn Ái Quốc và Phạm Quỳnh là điều không thể chấp nhận được ở nước ta suốt 70 năm nay. Chế độ hiện nay xếp hai nhân vật này ở hai thái cực đối lập: Vinh Quang và Nhục Nhã; giữa họ, không thể có cái gì “chung”. Khốn nỗi, đây chỉ là cách xếp loại theo một quan niệm; đầy chủ quan. Thay đổi quan niệm sẽ dẫn tới thay đổi cách phân loại. Nếu coi “ai không theo ta, là kẻ thù của ta” thì số lượng kẻ thù sẽ cao ngất ngưởng. Stalin và Mao nhìn đâu cũng thấy kẻ thù, đòi hỏi mọi người phái phân định rõ ranh giới Bạn-Thù. Nhưng nếu quan niệm ngược lại (ai không đứng trong hàng ngũ kẻ thù, phải được đối xử như “ta”), “phe ta” sẽ đông đúc và mạnh mẽ hẳn lên. Hai quan niệm ngược nhau này, chính là sự ngược nhau giữa bạo lực và ôn hòa vậy. Quan điểm bạo lực thường khe khắt, khó chấp nhận sự khác biệt. Trái lại, quan điểm ôn hòa thường bao dung, công nhận sự khác biệt và tính đa nguyên. Nói khác, quan điểm ôn hòa chấp nhận cả cách đấu tranh bạo lực, nếu thật sự cách này thích hợp trong những tình huống thích hợp.
Vẫn là cái mạch “Độc Lập và Canh Tân”, cũng như “Bạo Lực và Ôn Hòa” từ thời cụ Nguyễn Trường Tộ truyền lại, đã thể hiện suốt trong 10 bài qua; do vậy, đến đây lại đòi hỏi sự so sánh. Thời thế đã khác, cách đấu tranh – dù bạo lực hay ôn hòa – cũng phải khác.
Bên này là Nguyễn Ái Quốc, bên kia là “bộ ngũ” – tiêu biểu là Phạm Quỳnh – là hai đại diện cho trí thức yêu nước thế hệ 3, kế tục con đường của thế hệ 2, trong đó hai vị đại diện cho 2 cách đấu tranh là Phan Bội Châu (đấu tranh bạo động – tức là ưu tiên giành độc lập) và Phan Chu Trinh (đấu tranh ôn hòa – tức là ưu tiên canh tân xã hội). Có thể so sánh cụ Nguyễn Ái Quốc với từng cụ trong “bộ ngũ”; nhưng như vậy sẽ quá dài dòng, trùng lắp. May, nổi bật và tiêu biểu hơn cả là sự khác nhau và giống nhau giữa cụ Nguyễn Ái Quốc và cụ Phạm Quỳnh. So sánh hai vị này với nhau là tạm đủ để thấy sự liên quan và mâu thuẫn giữa hai cách đấu tranh – từ thế hệ 2 khi chuyển sang thế hệ 3.
Nguyễn Ái Quốc và Phạm Quỳnh: khác nhau gì?
– Khác nhau thuở thiếu thời
Hai vị này cùng lứa tuổi, cùng xuất thân gia đình nho giáo, trọng lễ nghĩa, cùng bỏ cựu học để tiếp thu tân học; nhưng cụ Nguyễn Ái Quốc có thân phụ đỗ đại khoa, gia đình danh giá hơn nhiều. Chết nỗi, cụ Nguyễn vì phản đối Pháp mà bị đuổi học ngay ở bậc trung học; trong khi đó, con đường học hành của cụ Phạm (và các cụ trong “bộ ngũ”), ngược lại, rất hanh thông. Từ đó, cụ Nguyễn bôn ba nơi xứ người, vất vả, nghèo khổ; còn cụ Phạm vào đời đầy thuận lợi: Vật chất đầy đủ, cuộc sống sung túc, vợ con đề huề, học vấn tăng tiến. Điều này không nhiều thì ít, đã ảnh hưởng tới biện pháp đấu tranh yêu nước của mỗi cụ: chọn bạo lực hay ôn hòa; chọn căm ghét “bọn” tư bản, thực dân, hay thấy rằng có thể cộng tác và lợi dụng những tiến bộ của “chúng” áp dụng cho dân Việt, đặng nâng cao dân trí…
– Khi đã trưởng thành, hai vị cùng là hội viên Tam Điểm, nghĩa là cùng thấy sự cao cả của lý tưởng Tự Do – Bình Đẳng – Bác Ái, từng gặp gỡ nhau ở Marseille và “mời nhau bữa “cơm ta” ở Paris, từng trình bày mục tiêu chính trị cho nhau nghe… Tuy hai bên rất hiểu nhau, công nhận lòng yêu nước của nhau, nhưng vẫn bất đồng. Mỗi người cứ theo đuổi con đường của mình. Sự khác nhau giữa họ là kế thừa sự khác nhau giữa hai cụ thuộc thế hệ trước: Phan Chu Trinh và Phan Bội Châu. Bất đồng, nhưng vẫn hiểu nhau; không bao giờ coi nhau là kẻ thù. Ấy vậy mà đến thế hệ 4, quan hệ đã trở thành thù địch. Có nguyên nhân. Đó là phái bạo lực tranh đấu thành công: giành được chính quyền. Điều này cần được phân tích sâu hơn.
Sự khác nhau lớn nhất là mục tiêu chính trị.
Tuy vẫn chỉ là Độc Lập dân tộc và Canh Tân xã hội, cái nào cần làm trước và được coi là điều kiện phải có (cần) để thực hiện cái thứ hai. Từ đó, họ khác nhau ở cách thực hiện. Và chẳng ai chịu ai; vì bên này coi mục tiêu của bên kia là quá cao, nguy hiểm về sinh mạng và không tưởng. Thời điểm này chính là lúc Hội Quang Phục của cụ Phan Bội Châu lâm vào bế tắc, trên đường tan rã. Còn với bên kia, thì chuyện ôn hòa với giặc để mong chúng ban ơn là nguy hiểm về danh dự (dễ thành tay sai), lại càng là không tưởng. Lúc này, cụ Nguyễn Ái Quốc đang sống ở Pháp, liên tục viết báo (tiếng Pháp) tố cáo với chính phủ Pháp và dân Pháp về “tội ác” của thực dân Pháp ở Đông Dương, nhưng hầu như chẳng có tác dụng gì. Cụ hết tin tưởng vào con đường ôn hòa. Nếu mục tiêu của Nguyễn Ái Quốc bị mọi người coi là quá cao, thì mọi người lại coi mục tiêu của Phạm Quỳnh là quá thấp. Cụ chủ trương cứ duy trì ngôi vua (dễ quá, đúng ý triều đình và thực dân) nhưng có hiến pháp để hạn chế quyền vua. Và có thể thực hiện bằng biện pháp ôn hòa. Hình mẫu quốc gia muốn hướng tới là Nhật và Anh. Nhưng cụ Nguyễn cho rằng không thể dựa vào giặc để thực hiện bất cứ tiến bộ xã hội nào. Câu nói điển hình: Không thể xin giặc rủ lòng thương…
– Sau cùng, họ khác nhau về kết quả sự nghiệp. Một vị được tôn là cứu tinh của dân tộc, xưng tụng bao nhiêu vẫn không xứng. Vị kia là tội đồ của giống nòi, không hình phạt nào là thỏa đáng. Nguyễn Ái Quốc đạt tới tột đỉnh vinh quang; và được đệ tử coi như thánh nhân – nghĩa là suốt đời không mắc sai lầm; mọi lời nói đều là chân lý. Còn Phạm Quỳnh bị giết rất thê thảm, sau khi chết còn bị bôi nhọ thanh danh đến tận hôm nay. Mấy chục ngàn trang viết không những vô dụng, mà còn bị coi là bằng chứng tiếp tay cho giặc thống trị dân ta. Kết quả này là tất yếu, khi phái bạo lực – chủ yếu là thế hệ 4, tiếp thu ý thức hệ từ chủ nghĩa Stalin (tên công khai là chủ nghĩa Mác-Lê) giành được quyền lực chính trị trên đất nước ta.
Chú thích. Cuộc “trao đổi ý kiến về Phạm Quỳnh và Nguyễn Văn Vĩnh” ở tạp chí Hồn Việt rất gần đây, thực chất là đợt kết tội mới hai nhân vật này; trong đó cụ Nguyễn Văn Vĩnh nhờ chết sớm nên ít bị đả kích hơn. Cách “trao đổi ý kiến” này mang tính áp đặt và bạo lực rất rõ. Hầu như không có bài phản biện; mà ngay những bài viết có cái đầu đề vô tư nhất, trung tính nhất, nhưng nội dung lại rất thiên lệch. Ví dụ bài Ông Phạm Quỳnh có công gì với đất nước… cứ tưởng nội dung là “kể công” cho ông; nhưng chả phải. Toàn là kể tội. Vẫn biết, tác giả bài này có quyền viết quan điểm của mình, nhưng “tên bài một đường; còn nội dung một nẻo” nói lên cách tư duy rất bất bình thường. Nói chung, tuy gọi là “trao đổi” nhưng các bài chỉ rặt một chiều. Đến bài Tổng Kết, ký tên “Hồn Việt”, thì sự thiên lệch còn gấp bội. Cụ GS Mai Quốc Liên, tổng biên tập, phải được coi là linh hồn của bài này – dù nó do ai viết ra. Nếu sự nghiệp vùi dập Phạm Quỳnh mà thành công rực rỡ, công lao này mãi mãi gắn với danh tính cụ Mai Quốc Liên.
Tuy nhiên, sự giống nhau mới là quan trọng
– Đó là cả hai đều tiếp thu văn minh châu Âu, cụ thể là Pháp. Sự tiếp thu này khác hẳn thời xưa, khi các cụ Phan Thanh Giản, Ngụy Khắc Đản, Đặng Huy Trứ… chỉ nhận ra Âu hơn Á về kỹ thuật; còn cụ Nguyễn Trường Tộ tuy nhận thức sâu rộng hơn, nhưng cũng chỉ nhận ra sự khác biệt Á Âu là “thời thế”. Đến thời hai cụ Nguyễn và Phạm, họ nhận ra sự khác nhau về trình độ văn minh. Cụ Nguyễn còn có dịp sống ở Anh và Mỹ. Chính do vậy, dù đã là Cộng Sản nhưng năm 1945 cụ lại có những hành động khá kỳ quặc, cứ như sắp từ bỏ CS, từ bỏ lý tưởng “thế giới đại đồng”, mà chỉ cần độc lập cho Việt Nam trước hết. Trong khi Stalin coi Mỹ là kẻ thù lớn nhất, thì cụ Nguyễn lại “năm lần, bảy lượt” mong Mỹ ủng hộ nền độc lập của Việt Nam. Chuyện này còn phái bàn thêm. Cụ Phan Bội Châu không có điều kiện sống ở châu Âu để mở rộng tầm mắt; bởi thế cách bạo động của cụ Phan rất cực đoan. Hoạt động yêu nước của cụ gây thiệt hại sinh mạng không nhỏ, mà chỉ thu được “tiếng vang”. Tuy cũng chủ trương bạo động, nhưng Nguyễn Ái Quốc khác hẳn bậc tiền bối của mình, chính vì đã sống 12 năm ở Âu-Mỹ. Sau này, Nguyễn Ái Quốc từng được tôn là “chủ tịch đảng” nhưng không tàn bạo như Stalin, Mao, Kim (sẽ nói ở dưới) chính vì Stalin, Mao, Kim chưa bao giờ tiếp cận với những ưu việt của văn minh mới. Về căn bản, ba vị này là sản phẩm của văn minh nông nghiệp. Từ văn minh nông nghiệp, chỉ có thể mọc lên lãnh tụ phong kiến và chế độ phong kiến. Đồ đệ của Nguyễn Ái Quốc (thế hệ 4) tuy cũng là trí thức (Trần Phú, Hà Huy Tập, Lê Duẩn, Lê Đức Thọ…) nhưng học vấn chưa đủ cao, hơn nữa, chưa có dịp nào tiếp cận và hưởng thụ văn minh công nghiệp Âu Mỹ, đã vậy lại chỉ tiếp thu chủ ngĩa Stalin… do vậy còn cực đoan hơn cả thầy và hơn cả “thầy của thầy”. Khi trưởng thành và khi nắm quyền (sau 1951), thế hệ này gây điêu đứng cho Nguyễn Ái Quốc không ít. Khỏi nói, họ đối xử với Phạm Quỳnh tàn bạo tới mức nào.
– Giống nhau nữa: Đó là, cả hai cụ đều đứng giữa những làn đạn.
– Xã hội ta ở đầu thế kỷ XX là xã hội đang chuyển đổi: Gốc rễ phong kiến vẫn còn nặng, ảnh hưởng của “tân thư” và văn minh Âu Tây chưa đủ mạnh để thay thế. Ngay chữ quốc ngữ cũng còn rất lép vế. Do vậy, cụ Phạm tự biết mình đứng giữa – không phải chỉ hai, mà nhiều – làn đạn. Ngay khi còn sống, cụ đã thổ lộ rằng mình sinh vào lúc giao thời, có nhiều trào lưu trái ngược nhau – tuy ôn hòa; nhưng mỗi bên đối lập vẫn có những bộ phận khen hoặc chê Phạm Quỳnh – kể cả kịch liệt đả kích. Phạm Quỳnh được xếp đứng đầu “tứ đại học giả”, nhưng vẫn có người kết tội là “bán nước” (phải lên tiếng thanh minh). Khi làm thượng thư (hy vọng thực hiện quân chủ lập hiến) cụ bị các vị thượng thư cũ coi là nguyên nhân khiến họ mất chức, do vậy là kẻ thù “không đội chung trời”. Trong khi đó, cùng phái tân học với cụ, người ta coi cụ là cộng tác với thực dân và muốn duy trì chế độ phong kiến. Khỏi nói, phái bạo lực căm ghét cụ đên đâu…
Các phía đối lập vừa chống nhau, lại vừa chống Phạm Quỳnh. Ví dụ, việc đề cao văn chương truyện Kiều, cụ vừa được tung hô rầm trời, vừa bị đả đảo rậy đất. Bị chê cộng tác với Pháp, nhưng chính người Pháp cũng chưa thật tin, mà còn cảnh giác. Tóm lại, cụ bị chê rất khiếp, nhưng khen cũng rất kinh.
– Cụ Nguyễn Ái Quốc cũng tương tự. Cụ theo Quốc Tế Cộng Sản 3 chỉ vì nó đưa ra bản Luận Cương ủng hộ phong trào thuộc địa. Khốn nỗi, mục tiêu của chủ nghĩa Cộng Sản không dừng ở đó, mà phải là xóa biên giới quốc gia, xóa chủng tộc, để có “thế giới đại đồng”. Chủ nghĩa Cộng Sản không những kỳ thị chủ nghĩa dân tộc; mà ngay chủ nghĩa cải lương (cách mạng, nhưng nửa vời, thỏa hiệp với tư bản) cũng bị CS coi là nguy hiểm. Chết là ở chỗ đó. Cụ chủ trương bạo động, nhưng không bạo động triệt để như cách mạng vô sản yêu cầu; cụ vẫn cho rằng cần đoàn kết với tư sản dân tộc và trung và tiểu địa chủ “miễn là yêu nước”… Phải hiểu rằng các lãnh tụ cộng sản không bao giờ nới tay khi cần thanh trừng nội bộ, kể cả với các đối tượng “lừng chừng”. Cụ viết lý luận, đăng ở các tạp chí cộng sản, nhưng trong đó lại đề cao “dân tộc học phương Đông” mà không triệt để ủng hộ đấu tranh giai cấp và chuyên chính vô sản… Thế là đủ “chết” rồi. Cấp trên (Stalin) nghi ngờ cụ. Vị bạo chúa này có đủ lý do và quyền năng trừ khử cụ. Cấp dưới của cụ (Hà Huy Tập, Trần Phú), chỉ sau ít tháng đã phê phán và tố cáo cụ rất nặng nề; và họ có đủ đa số để (nếu cần) sẽ khai trừ cụ… Trong nhiều làn đạn mà cụ đứng ở giữa, thì đây là hai làn đạn ác liệt nhất, nguy hiểm nhất. Sống sót tới năm 1945, cụ đã năm lần, bảy lượt, tranh thủ sự ủng hộ của Mỹ, nhưng Mỹ không đáp ứng. Có thể có vài-ba nguyên nhân: a) Mỹ chưa quan tâm tới Việt Nam; b) Mỹ vẫn muốn Pháp quay lại VN; c) Mỹ hơi bị… ngu. Đến năm 1949, khi biên giới Việt Nam mở thông với Trung Quốc cộng sản, cụ bắt đầu khó xử, cả về nội trị và ngoại giao. Cái tội của cụ – Stalin nắm được từ nhiều nguồn – là cụ đã giải thể đáng CS và đưa quá nhiều nhân sĩ vào chính phủ và quốc hội. Từ năm 1951 trở đi, đảng CS ra công khai, từ đấy mỗi lần biểu quyết, cụ thường thuộc phe thiểu số trong đảng…
Kết lại, các làn đạn này đã đưa đến 3 lần “suýt chết” cho cụ Nguyễn. Lần đầu, năm 1929, cụ bị kẻ thù (thực dân, phong kiến) kết án tử. Nếu vụ xử ở Hồng Công, luật sự Loseby không cứu được cụ, cụ sẽ bị dẫn độ về nước, bản án này chắc chắn sẽ được thi hành. Lần thứ hai, năm 1937-38, cụ suýt chết ở Nga vì Đảng CS thanh trừng (những người cùng ban, cùng tổ đều bị giết). Tư liệu khá đầy đủ về sự kiện này, khỏi cần suy luận. Lần thứ ba, là buổi tối 3-12 năm 1967, ông Vũ Kỳ cố ý tiết lộ rằng có âm mưu ám sát cụ, thủ phạm hẳn phải là “đồng chí” và học trò của cụ, dưới hình thức tai nạn máy bay (khi hạ cánh). So với Phạm Quỳnh, nào có kém gì về chuyện hứng các làn đạn?
– Giống nhau nữa: Lúc chức cao nhất lại là lúc cô độc nhất
– Phạm Quỳnh nhận chức thượng thư vì vua Bảo Đại (tân học, tiếp thu văn hóa Pháp, học hành ở Pháp) có ý thức thoát khỏi vai trò bù nhìn, khi biết quan điểm chính trị của Phạm Quỳnh (quân chủ lập hiến), đã mời cụ. Vị vua này liền phế bỏ “cái rụp” 5 vị thượng thư cũ (già nua, đặc sệt Nho Giáo). Đây là thời kỳ cụ Phạm tự thấy cô độc nhất, phải chống đỡ mọi phía và thanh minh nhiều nhất. Tất nhiên, năm vị thượng thư già (đại diện Nho Học) thù ghét 5 vị mới: nhưng mũi nhọn của họ chĩa thẳng vào riêng Phạm Quỳnh. Trí thức tân học (như Ngô Tất Tố, Nguyễn Công Hoan…) đả kích cụ cay độc; trí thức bạo lực (Trần Văn Giàu, Đặng Thai Mai…) căm ghét cụ trong nhiều dịp phát ngôn. Một bài ở tạp chí Hồn Việt trích lời cụ Đặng Thai Mai (ý): Phạm Quỳnh đủ chữ Pháp để lòe người Việt và đủ chữ Hán để lòe người Pháp. Ngay trong “bộ ngũ” cũng xảy ra tranh luận giữa Quân chủ lập hiến và Trực trị, bị bên ngoài coi như trò hề, lừa dối…
– Nguyễn Ái Quốc lao đao hàng chục năm mà các nguyên nhân chính là: a) Viết lý luận về chủ ngĩa Marx thì dám chê rằng nó chỉ “thích hợp với châu Âu”; khi viết báo cáo về tình hình Việt Nam với Quốc tế CS thì dùng cách nhận định “phi giai cấp”, “phi vô sản”. b) Viết Chính Cương (2-1930) thì muốn đoàn kết cả với tư sản, địa chủ (miễn là yêu nước) bị học trò phê phán nặng nề (tố cáo tới tận Stalin), do vậy chỉ sau đó 8 tháng Chính Cương này bị “sổ toẹt” bởi Chính Cương (10-1930) của thế hệ 4 (do cụ Trần Phú soạn thảo, có một ý rất viển vông: Đảng CS Đông Dương phải “trước (tiên là) làm cách mạng quốc gia, sau (đó là) làm cách mạng quốc tế”; c) Sau 1930, bị vô hiệu hóa, nếu không khéo léo, cũng bị “tiêu” rồi, nhất là khi cụ Hà Huy Tập báo cáo với Quốc Tế CS về lập trường “nghiêng ngả, bấp bênh” của đồng chí Nguyễn Ái Quốc. Cụ phải đóng vai trò cái hòm thư, nghe ngóng tình hình hai bên (trong nước, quốc tế CS) để thông báo cho bên kia – khiến mỗi bên đều tưởng cụ vẫn còn được tín nhiệm, vẫn đang có vai trò quan trọng.
Chú thích. Ví dụ, cụ nghe ngóng và thông báo cho Quốc Tế CS về cuộc nổi dậy của nông dân Nghệ-Tĩnh, nhưng lại dùng từ “Xô Viết” để chỉ chính quyền xã. Điều này khiến Moscou nghĩ rằng chúng cụ chỉ đạo các đồng chí trong nước hành động. Nhờ vậy, được Moscou coi là cụ có tín nhiệm ở Đông Dương. Mặt khác, khi cụ họp với các đồng chí quốc nội, cụ thông báo tình hình quốc tế, ra vẻ được quốc tế CS cử về (cụ Trịnh Đình Cử đã vặn hỏi “có giấy giới thiệu của Quốc Tế CS không?; được trả lời là: Nếu tôi bị Pháp bắt mà trong người có giấy ủy nhiệm của Quốc Tế CS thì kẻ thù sẽ đối xử với tôi ra sao?)… Có thời gian, cụ trôi dạt sang tận Xiêm.
-
d) Bất ngờ, bị bắt ở Hồng Công, may mà thoát (nhờ vị luật sư người Anh) khỏi bị dẫn giải về Việt Nam (án tử hình đang chờ). Khổ nỗi, khi cụ lặn lội trở về tới Nga (hậu phương, tưởng là an toàn) lập tức bị nghi ngờ “sao NAQ có thể thoát nạn vụ Hồng Công dễ dàng thế?”, suýt bị thanh trừng năm 1938… Tới năm 1941 về nước, tưởng yên thân ở Việt Bắc, nhưng sau đó trong chuyến công tác sang Quảng Tây lại bị chính quyền tỉnh này giam giữ trên một năm.
Thời kỳ vừa ý nhất
Từ 1943 đến 1951 là thời kỳ vừa ý nhất của cụ Nguyễn. Trước hết, đó là nhờ sự “may mắn” khi cuộc Khởi Nghĩa Nam Kỳ (1940) bị thất bại, cả loạt trí thức yêu nước kiểu bạo lực (thế hệ 4) bị tử hình và tù tội (Nguyễn Văn Cừ, Hà Huy Tập, Phan Đăng Lưu, Võ Văn Tần, Nguyễn Thị Minh Khai...); đảng CS lâm vào thoái trào, lại thêm Nhật kết hợp với Pháp cùng đàn áp đảng CS. Trong tình hình như vậy, cụ Nguyễn trở thành lãnh tụ, có vai trò như chủ tịch đảng, với quyền lực cực lớn.
Chú thích. Thời nay, rất ít người hiểu biết đầy đủ về chức danh “chủ tịch đảng”. Đây là nguyên nhân quan trọng dẫn đến những phán xét sai lệch về nhân vật lịch sử. Chủ tịch đảng: Chẳng có văn bản quy định quyền hạn, nhưng đó là người được coi như “cha đẻ” của đảng cộng sản một nước, với quyền hạn như một gia trưởng phong kiến mà đảng là gia đình. Chủ tịch đảng có vị thế “đứng trên cả ban chấp hành trung ương”; “một mình ra quyết định theo ý riêng”; kể cả việc cho ai vào ban chấp hành (và đuổi ai ra, kể cả giam và tước bỏ sinh mạng). Chủ tịch đảng chính là vị vua, do vậy chỉ xuất hiện ở các đảng CS nước nông nghiệp lạc hậu, có chế độ phong kiến từ mấy ngàn năm trước, kéo dài cho tới lúc đó. Chủ tịch đảng không thể bị các Đại Hội đánh đổ qua bầu cử. Một nguyên nhân là chính người dân coi lãnh tụ CS là cứu tinh, biết ơn và tôn sùng như thần thánh.
Một số chủ tịch đảng trong lịch sử: Ở Liên Xô là Lenin, Stalin. Lenin đã kinh! Cụ đứng đầu phe đa số trong đảng, đã quyết định lật đổ chính phủ Kerensky của phe thiểu số, bất cần nguyên tắc gì hết. Dẫu sao, Lenin đã sống khá lâu ở các nước tư bản, sự độc đoán chưa tuyệt đối như Stalin. Đến Stalin mới khiếp, vì ông độc đoán tới 29 năm. Stalin với quyền hạn “đứng trên ban chấp hành trung ương” đã giết hầu hết ủy viên bộ chính trị cùng thời, đã đưa ra tòa kết tội “phản bội”, “gián điệp” một loạt nhân vật đứng đầu chính phủ (từ thủ tướng); và mấy chục năm không thèm tổ chức đại hội đảng… Ở Trung Quốc: Mao Trạch Đông (được ví như Tần Thủy Hoàng), tự tung, tự tác 32 năm, giết cả chủ tịch nước Lưu Thiếu Kỳ… Ở Triều Tiên, chủ tịch đảng là 3 thế hệ trong một gia đình, từ Kim Nhật Thành tới Kim Chính Ân, quyền hành ngang trời. Ông Ủn mới tí tuổi đầu mà giết chú (rể) của mình (đại công thần của chế độ) như giết con ngóe.
Từ năm 1941, đảng Cộng Sản Đông Dương bị thiệt hại nặng sau Khởi Nghĩa Nam Kỳ, thế hệ trí thức 4 chết hại rất nhiều, cụ Nguyễn về nước lập ra mặt trận Việt Minh ngày 19-5 (về sau, cụ coi đây là ngày sinh nhật); từ đó cụ được coi là chủ tịch đảng, quyết định mọi việc. Đó là những việc đại sự mà “không cần hỏi ai”, “không cần sự biểu quyết của ban chấp hành trung ương” (ngày nay, tổng bí thư và bộ chính trị không thể có quyền như vậy). Có thể nói rất nhiều việc cụ làm – khi nắm quyền chủ tịch đảng – đều trái với lý luận và nguyên tắc của chủ nghĩa Stalin. Vài ví dụ: Liên lạc với phái bộ điệp báo Mỹ, bất chấp nguyên tắc Bạn-Thù; sáu lần đề nghị Hoa Kỳ hợp tác (đây chính là tội ly khai); tự ý giải thể đảng; tự ý viết Tuyên Ngôn Độc Lập theo lập trường dân tộc và chủ nghĩa tư bản; lập chính phủ theo ý riêng (2/3 là nhân sĩ); tự ý viết Hiến Pháp (không có một tý lập trường giai cấp nào); tự ý ký kết các hiệp định hòa hoãn với Pháp – coi “Việt Nam độc lập trong khối Liên Hiệp Pháp). Những việc tưởng là nhỏ: Đó là tự ý phong đại tướng cho một trí thức (có học vấn cao nhất trong đảng; vào đảng sau Lê Đức Thọ, Lê Duẩn, Trường Chinh… tới 10 năm). Việc này về sau gây ra sự ghen tức rất lớn, rất dai dẳng… Cụ mất chức chủ tịch đảng năm 1951, vì Đại Hội chỉ bầu cụ là “chủ tịch ban chấp hành trung ương”. Đến nay, ngay những người trên 75 tuổi vẫn không phân biệt được quyền hạn khác nhau của hai chức vụ này và không nhận ra năm 1951 là cái mốc rất khắc nghiệt với Nguyễn Ái Quốc. Từ đó, việc gì cũng do bộ Chính Trị và Ban Chấp hành TƯ quyết định theo đa số – trong đó phiếu của cụ Nguyễn (chủ tịch ban chấp hành trung ương) chỉ có giá trị là “một phiếu”. Cũng từ nay (1951) trở đi Nguyễn Ái Quốc nói gì, làm gì… đều phải lo giữ mình. Hậu thế không khó để hiểu… vì sao, cụ luôn luôn nói “đoàn kết”, “đoàn kết”, “đoàn kết”; vì sao cứ chổi đây đẩy “tôi chẳng có lý luận gì”; “tôi có thể sai, chứ Stalin không thể sai”…
Tâm lý cực đoan
Hiện nay, trên mạng internet có hai luồng ý kiến, tranh nhau về mức độ cực đoan. Cùng một nhân vật, nhưng “bên này” coi là thánh; còn “bên kia” coi là “tặc”. Cũng nên đọc qua, để biết mỗi bên cực đoan tới mức nào. Và để nhận ra một điều đơn giản: Cực đoan là biểu hiện bạo lực. Tuy nhiên, nếu ai dại dột sa đà vào các luồng ý kiến đó, không những mất thì giờ, vô bổ; mà còn có thể bị cuồng tín vì sự phù hợp quan điểm chính trị của cá nhân mình.
Một luồng đề cao cụ Nguyễn Ái Quốc (hoặc cụ Phan Chu Trinh, Phạm Quỳnh…) y như tín đồ đề cao đức Thánh, đức Chúa. Xin nhớ rằng một người có nguyện vọng hỏa táng – như cụ Ái Quốc – là người tự thấy trên đời không có ai là thánh hết. Còn một luồng ý kiến chỉ muốn biến cụ Nguyễn Ái Quốc (hoặc Phạm Quỳnh) thành tội đồ toàn diện. Kỳ lạ, theo luồng ý kiến này, bất cứ các cụ này làm gì, nói gì, đều được gán cho một mục đích, một tác dụng: hại dân, hại nước. Nhiều khi, mục đích số 1 của luồng ý kiến này chỉ nhằm đánh đổ một thần tượng mà phe đối lập cứ đề cao không biết ngượng. Nhân vật mà hai bên đề cập trở thành nạn nhân, thành cái bung xung.
Đánh giá tổng quát một nhân vật lịch sử
Nhân vật lịch sử là những cá nhân bằng tư tưởng và hành động của mình tạo được ảnh hưởng tới diễn biến lịch sử. Ảnh hưởng này có thể lớn hay nhỏ, nhưng phải có thật, thấy được, và được ghi nhận chung. Sau trăm năm, các cụ Nguyễn và Phạm vẫn được lôi ra để hai phe cãi lộn, đủ chứng tỏ đây là những nhân vật lịch sử của nước ta.
Nhân vật lịch sử có thể được đánh giá một cách cụ thể, chi tiết, tỉ mỉ; hoặc được đánh giá một cách tổng quát. Cả hai cách đánh giá đều cần thiết, đều đưa lại những bài học hữu ích. Những nhân vật “đứng giữa các làn đạn” bao giờ cũng bị đánh giá rất mâu thuẫn nhau (kẻ khen, người chê), tùy theo sự yêu-ghét và tùy quan điểm chính trị, khó mà ngã ngũ ngay được. Điều này dễ hiểu. Tuy nhiên, nếu được đánh giá tổng quát – một cách tương đối chính xác – sẽ giúp cho việc đánh giá cụ thể, chi tiết… đỡ khó khăn, phúc tạp, đỡ mâu thuẫn kéo dài. Phạm vi bài viết ngắn này chỉ có thể đề cập đến những đánh giá tổng quát nhất về nhân vật trong bài.
Nhân vật lịch sử cũng có cuộc sống “đời thường” như mọi người khác. Cuộc sống này có thể tốt hay xấu; may hoặc rủi… Người đời có thể khen hoặc chê những chi tiết thuộc cuộc sống riêng tư của nhân vật lịch sử – giống như với mọi người khác. Để đánh giá tổng quát, ta có thể bỏ qua các chi tiết này – nếu: 1) chúng khó kiểm chứng (phải “suy luận”); 2) không thật sự ảnh hưởng đến tư tưởng chủ đạo và mục tiêu tổng quát của nhân vật. Lời khuyên của người xưa: Không nhìn các nhân vật lịch sử bẳng con mắt của người hầu phòng. Người hầu phòng rất dễ thấy những mảnh riêng tư của người khác và dễ tự ý suy luận theo chiều hướng bôi nhọ để kháo chuyện.
Cần xác định dòng tư tưởng chủ lưu
Cũng như cần xác định mục tiêu xuyên suốt của nhân vật, vì nó giúp đánh giá tổng quát nhân vật này. Nhưng nhân vật lịch sử sống trong dòng chảy lịch sử, do vậy mỗi lời nói và hành động cần đặt vào đúng thời điểm và hoàn cảnh. Trước một hoàn cảnh cụ thể, nhân vật có thể phát ngôn hoặc hành động chưa phù hợp với tư tưởng chủ lưu, nhưng đó chỉ là tạm thời, mang tính chiến thuật. Cụ Hoàng Hoa Thám đã có thời hòa hoãn với thực dân Pháp, nhưng “dòng chủ lưu” (sòng chảy chính) trong tư tưởng vẫn là chống Pháp tới cùng.
Mặt khác, nhân vật lịch sử có thể và có quyền thay đổi suy nghĩ, thay đổi chủ trương và thay đổi cách hành động. Nói khác, dòng chủ lưu có thể chảy thẳng, có thể quặt phải, hoặc rẽ trái. Sự thay đổi này cũng phải đặt vào thời điểm và hoàn cảnh của nó.
Chú Thích. Cụ Lê Dư (Lê Đăng Dư) thoạt đầu sang Nhật (trong phong trào Đông Du do cụ Phan Bội Châu khởi xướng) nhưng chỉ một năm sau tất cả bị trục xuất, cụ sang Trung Quốc, vất vưởng ít lâu, rồi về nước. Tiếp đó, cụ hoạt động khảo cứu văn học, mà không làm hại gì cho phong trào yêu nước. Cụ bị kết tội vì nhận một chức vụ được chính quyền thuộc địa trả lương. Như vậy, nhân vật này thay đổi từ cách đấu tranh bạo lực, sang cách đấu tranh ôn hòa, nghĩa là dòng chủ lưu tư tưởng có một khúc rẽ. Cụ Nguyễn Ái Quốc coi cụ Lê Dư là “Việt gian” là xuất phát từ quan niệm đấu tranh bằng bạo lực (đã theo con đường này, không được bỏ. Bỏ giữa chừng là “phản bội”). Nhưng theo cách đấu tranh ôn hòa, sẽ có nhận định khoan dung hơn; nghĩa là chấp nhận sự thay đổi tư tưởng và cách đấu tranh.
Không suy luận “có tội” ở tòa án Lịch Sử.
Nhân vật lịch sử không thể sống lại để tự biện hộ. Tội phải dựa vào bằng chứng, không thể dựa vào suy luận. Nếu lời nói hoặc hành động của họ cần phải suy luận để hiểu thấu động cơ, mục đích… thì hậu thế không được phép suy luận theo hướng “có tội” mà phải theo hướng “vô tội”. Nói vậy, cũng tức là không suy luận theo hướng “có công”. Nếu không như vậy, thế hệ con-cháu có thể tha hồ chửi bới hoặc tâng bốc thế hệ cha-ông, tùy sở thích, tùy yêu-ghét theo cảm tính, hoặc theo mục tiêu chính trị… Đây là cách mà tạp chí Hồn Việt xúc phạm cụ Phạm Quỳnh và một số trang mạng kết tội cụ Nguyễn Ái Quốc bằng suy luận thuần túy. Nhiều nhân vật sống vào lúc giao thời được đánh giá công bằng, xác thực; nhưng họ cũng bị khen, chê rất ‘vô lối” chỉ qua suy luận.
Chú thích. 1) Sự kiện Nguyễn Ái Quốc năm 21 tuổi xin học trường Thuộc Địa bằng lá đơn viết rất nắn nót, với lời lẽ lễ phép. Muốn biết động cơ, mục đích, chỉ có thể suy luận – mà kết luận tùy thuộc chủ quan mỗi người, nhưng không thể giơ tay bỏ phiếu. Ở đây, đa số chẳng giá trị gì hết. Có thế, sự suy luận đưa đến hai kết luận: Kết tội (nếu coi lá đơn này là bằng chứng nói lên đương sự có ý định làm tay sai cho giặc); hoặc vô tội (đây là việc riêng tư của một thanh niên 21 tuổi, đơn viết theo mẫu chung; lễ phép là tất nhiên khi gửi cho một tổng thống… hoặc là: Nguyễn Ái Quốc muốn đấu tranh ôn hòa, vì trong thư có đoạn “Tôi muốn trở nên có ích cho nước Pháp trong quan hệ với đồng bào tôi và đồng thời mong muốn đồng bào tôi thu lợi từ việc học hành này“.
Sự kiện khác: Năm 1945 một toán biệt kích Pháp nhảy dù xuống làng Hiền Sĩ, có bằng chứng chúng muốn liên lạc với Phạm Quỳnh. Cũng có hai cách suy luận: Kết tội (đây là chứng cứ nói rằng Phạm Quỳnh là đại việt gian, nguy hiểm, được kẻ thù liên kết) và vô tội (không có bằng chứng nào nói lên Phạm Quỳnh muốn liên lạc với Pháp).
2) Trong Tuyên Ngôn Đảng Cộng Sản (1848), các vị Marx và Engels thể hiện nhất quán dùng bạo lực cách mạng xóa bỏ sớm nhất và triệt để nhất chế độ tư bản. Sau đó Marx sống thêm 35 năm, đã chấp nhận sử dụng cả cách đấu tranh ôn hòa; vì thấy chế độ tư bản ngày càng tiến bộ và bớt dần sự “hoang dã”. Sau thất bại của Công Xã Pari, ông rút được nhiều bài học. Còn Engels sống thêm tới 47 năm, sự thay đổi tư tưởng lại càng sâu sắc hơn. Không khó, để tìm lại những tư liệu khẳng định những chuyển biến lớn trong tư tưởng của nhà cách mạng này. Suy nghĩ cuối đời phải là suy nghĩ chính thức của nhân vật. Tuy nhiên, Lenin (tự nhận là học trò Mác) lại chỉ học Marx và Engels về bạo lực. Còn những trí thức yêu nước Việt Nam tự coi là đồ đệ của hai vị này lại cấm hai vị tổ sư có cái quyền thay đổi suy nghĩ. Trong sách, báo, tư liệu chính thống của mình, chưa bao giờ họ nói về những thay đổi trong tư tưởng của hai vị này. Hễ ai chỉ ra cho họ thấy, họ có thể… nổi quạu (!).
Phạm Quỳnh và Nguyễn Ái Quốc đều là những nhân vật lịch sử của nước ta ở đầu thế kỷ XX. Đánh giá tổng quát về họ – với tư cách là nhân vật lịch sử – không thể dùng những chi tiết trong cuộc sống riêng của họ, nếu chúng không ảnh hưởng đáng kể tới dòng tư tưởng chủ lưu và mục tiêu tống quát của họ. Nhưng suốt 70 năm nay, Phạm Quỳnh đang bị đánh giá bằng những chi tiết như vậy – chẳng dính dáng đến diễn biến lịch sử và tư tưởng chủ lưu hoặc mục tiêu chủ đạo của nhân vật này. Điều này đã được nói nhiều ở các bài trước; bài này do vậy không cần nói thêm nữa; mặc dù muốn nói thêm vẫn còn chuyện để nói.
Còn sự đánh giá Nguyễn Ái Quốc (nay là cụ Hồ) mới khiếp. Phía này tôn cụ là “thánh nhân toàn thiện” thì phía kia coi là “tội ác toàn thân” – mọi việc làm của nhân vật này đều từ mưu đồ gây hại cho dân, hoặc tối thiểu là “đóng kịch”; giả dối. Nếu vậy, can cớ gì mà phong kiến và thực dân phải kết án tử hình (vắng mặt) nhân vật này năm 1929 – là thời điểm nhân vật chưa đứng ra thành lập đảng Cộng Sản?
Chú thích. Người ta say sưa bất tận khi kháo chuyện – vô bằng chứng, chỉ toàn “suy luận” – về Phạm Quỳnh; ví dụ “hắn có ý đồ làm tay sai cho Nhật”; và sau đó còn bịa rằng “hắn đã bị đưa ra tòa để chính thức nhận án tử hình”. Cũng bằng “suy luận”, để gán cho Nguyễn Ái Quốc là tác giả bài thơ “Bác anh hùng, tôi cũng anh hùng”, hoặc chuyện “bán đứng Phan Bội Châu”. Chuyện “bán đứng” này, nếu có, thì cách nay đã 90 năm (1925-2015); nghĩa là, đã qua thời gian bảo mật rất lâu rồi. Nhưng chưa chưa ai tìm được tài liệu (giải mật) nào liên quan.
Có câu nói “chớ nghe giới hầu phòng kháo chuyện về các ông Hoàng, bà Chúa“. Đó là lời khuyên – có thể có ích – mỗi khi chúng ta định đánh giá tổng quát một nhân vật lịch sử. Khốn nỗi, chuyện của giới hầu phòng rất hấp dẫn và càng hấp dẫn với những ai có định kiến với cá nhân ông hoàng A, hoặc bà chúa B. Ai ham chuyện của họ, rất có thể họ trưng ra “cái bao cao su đã qua sử dụng” để ngầm minh họa việc xảy ra (không ai chứng kiến) khi ông hoàng A tới thăm bà chúa B!
(còn tiếp)
Nguồn: nghiencuulichsu.com