Mạc Văn Trang
Chúng ta đang sống trong thời đại toàn cầu hóa, hội nhập với các nền văn hóa, các thể chế chính trị, các lối sống khác nhau của các dân tộc, quốc gia trên toàn thế giới. Điều đó đòi hỏi ta phải có hiểu biết rộng mở, có thái độ tôn trọng, thân thiện với những sự khác biệt, vừa học hỏi vừa giữ được cốt cách độc đáo riêng của mình. Hướng ra bên ngoài đã như vậy, thì bản thân trong lòng xã hội của chúng ta cũng phải thay đổi theo hướng đó.
Xã hội ta hiện nay đã rất đa dạng, phức tạp, nhiều khác biệt về hệ tư tưởng, niềm tin, thái độ chính trị, lối sống, chứa đựng nhiều mâu thuẫn. Hiện trạng này đang diễn biến ngày một gia tăng. Nếu xảy ra những biến cố xã hội, những mâu thuẫn tiềm ẩn có thể sẽ bùng phát thành những xung đột xã hội nguy hiểm. Để phòng ngừa tình trạng đó, CHÍNH QUYỀN VÀ MỖI NGƯỜI DÂN đều cần thích ứng ngày càng cao hơn, ứng xử phù hợp với sự đa dạng, khác biệt, phức tạp về nhiều mặt của các tổ chức và cá nhân trong xã hội, nhằm hướng đến sự đồng thuận vì lợi ích chung của đất nước, của toàn dân.
1. Tôi thấy Chính quyền đã và đang thích ứng…
Về đối ngoại, chính quyền đã thích ứng rất linh hoạt với những đối tác có các thể chế, quan điểm… rất khác nhau để tìm một điểm chung nào đó, chẳng hạn:
– Đối với cựu thù “đế quốc mỹ xâm lược”, chính quyền cũng tay bắt mặt mừng, nâng lên hàng hợp tác toàn diện. TBT Nguyễn Phú Trọng sang Mỹ, hội đàm cùng TT Obama chia sẻ những điều quốc gia đại sự; Thường trực Ban bí thư Đảng CSVN Đinh Thế Huynh hội đàm cùng Ngoại trưởng Mỹ, ông này từng nói “Ở Việt Nam không thấy dấu vết của chủ nghĩa cộng sản, chỉ thấy chủ nghĩa tư bản cuồng nhiệt”… Ông Huynh chả cãi, vẫn tươi cười, bắt tay thân thiện…
– Đối với ông bạn Trung Hoa, dù chiếm Hoàng Sa, Gạc Ma của ta, gây hấn ở biển Đông, lòng dân oán hận, nhưng chính quyền vẫn hợp tác chiến lược toàn diện; TT Nguyễn Tân Dũng có lúc tuyên bố “Không đánh đổi chủ quyền lấy tình hữu nghị viển vông”, nhưng rồi gặp nhau lại ôm hôn, vỗ lưng nhau “bộp bộp”…
– Ông bạn Campuchia, thỉnh thoảng lai về hùa với Trung cộng, “chọc sườn” Việt Nam một cái, nhưng họ với ta gặp nhau vẫn ôm hôn thắm thiết, luôn thề thốt, sống chết có nhau, không quên ơn cứu khỏi họa diệt chủng…
– Còn với các doanh nhân đến từ khắp mọi nơi trên thế giới, mang theo hệ tư tưởng, quan điểm chính trị, niềm tin, động cơ, lối sống khác nhau, chính quyền đều “rải thảm đỏ” đón mời, thậm chí còn ưu ái quá mức, như đối với tập đoàn Formosa Đài Loan. Trong số họ có nhiều người ghét cộng sản, cười khẩy cái CNXH, “nói xấu” chính quyền dốt nát, nhiễu nhương, tham nhũng… nhưng họ vẫn được đối đãi như khách quý…
Vậy mà với đồng chí, anh em, bà con ta ở trong nước, khi không tin vào hệ tư tưởng Mac- Lê, không tin có CNXH, không thích cộng sản, phê phán chính quyền tham nhũng, thì bị ghét bỏ, thậm chí bị khủng bố, bị tù đầy, là sao? Người xưa dạy: “Khôn ngoan đối đáp người ngoài, gà cùng một mẹ chớ hoài đá nhau”, sao chính quyền làm ngược lại? Bực thì nói vậy, nhưng nghĩ lại, chính quyền cũng đang có những chuyển biến về đối nội, thích ứng dần với xu thế xã hội, ví dụ như:
– Thử hỏi còn mấy đảng viên, quan chức có niềm tin vô thần cộng sản? Họ công đức xây đình, chùa, đền, miếu, cầu cúng thánh thần rất nhiệt tâm; họ xem tướng số, phong thủy, ngày tốt, giờ đẹp… công khai; họ có tin gì chủ nghĩa xã hội đâu, họ thi đua làm giàu bằng kinh tế tư nhân cá thể; họ chỉ muốn gửi con đi du học ở các nước tư bản, không phải học chủ nghĩa Mac – Lê, CNXH khoa học, đường lối chính sách của Đảng; học toàn hệ tư tưởng tư sản, về nước vẫn trọng dụng cơ cấu vào các cấp chính quyền. Như thế là chính quyền chấp nhận sự khác biệt đa nguyên về hệ tư tưởng, quan điểm, niềm tin… ngay trong bộ máy của mình, chứ còn gì nữa.
– Nhiều nhân sĩ trí thức ký tên gửi kiến nghị lên lãnh đạo cấp cao và công bố rộng rãi, rằng cần phải đổi mới thể chế chính trị, tránh độc quyền lãnh đạo, vì “quyền lực tuyệt đối, dẫn đến tha hóa tuyệt đối”; phải tam quyền phân lập, phải phát triển xã hội dân sự… chính quyền cũng tiếp nhận, tuy chưa làm theo, nhưng cũng không phản ứng tiêu cực…
– Hiện nay các tổ chức phi chính phủ (NGO) cũng khá phát triển; rồi đã có hàng chục hội, đoàn hoạt động độc lập có tính xã hội dân sự, chính quyền vẫn để yên, tuy Luật về Hội chưa được Quốc hội thông qua…
– Các trang mạng xã hội đăng nhiều tin bài phản biện mạnh mẽ, thậm chí có bài quá đáng, nhưng chính quyền cũng để yên. Nhớ cách đây hơn một năm, có cô giáo viết bình luận trên FB “ghét cái mặt kênh kiệu của chủ tịch tỉnh”, ông này đã lệnh cho “toàn hệ thống chính trị địa phương quyết liệt vào cuộc”, làm to chuyện: kiểm điểm cô giáo và những người like lời bình luận đó, còn phạt mỗi người 5 triệu đồng, ra chỉ thị răn đe… Nhưng Chính phủ đã yêu cầu dẹp ngay vụ đó, Chủ tịch tỉnh phải xin lỗi cô giáo… Chính quyền cũng phạt những trạng mạng đăng tin thất thiệt gây hại cho tổ chức hay cá nhân, như vụ đăng nước mắm truyền thống có chất gây ung thư… Dù sao, mạng xã hội ở ta đã và đang phát triển mạnh. Nhiều quan chức cũng có trang cá nhân trên mạng xã hội. Dư luận xã hội trên mạng đang là một kênh thông tin được chính quyền quan tâm cả mặt tích cực, lẫn tiêu cực. Đó là xu hướng tốt.
– Gần đây nhiều cuộc biểu tình đã được chính quyền đối xử ôn hòa hơn, các lực lượng chức năng không dùng bạo lực đàn áp, thì người biểu tình cũng biểu thị ôn hòa. Đây là điều hết sức quan trọng, chính quyền, nhất là các lực lượng an ninh càng cần thích ứng cao, để ứng xử ôn hòa với người biểu tình, tránh gây bạo lực để rồi kích động bạo lực tràn lan. Xu thế chuyển động của xã hội càng cho thấy Luật biểu tình ra đời lúc này rất cần thiết. Cả chính quyền và người dân đều phải tập luyện ứng xử với hành vi xã hội từ thấp lên cao, để thích ứng với các tình huống xã hội phức tạp, gay cấn, tránh xảy ra xung đột đáng tiếc.
Tóm lại, nhìn khái quát, thấy chính quyền đã và đang có chuyển biến để thích ứng với sự đa dạng, khác biệt, phức tạp về hệ tư tưởng, thái độ chính trị, niềm tin, lối sống của một xã hội đang phát triển năng động…
2. Mỗi cá nhân càng cần tự thay đổi để thích ứng…
Người ta nói, nhiều người “bảo hoàng hơn nhà vua” quả không sai. Chẳng hạn một số ông già viết bài phê phán, phản biện, gửi cho chính quyền, chính quyền vui vẻ tiếp nhận. Nhưng trong dân chúng lại có người chửi bới “mấy thằng già phản động”! Chỉ cần lướt qua các bình luận trên FB sẽ thấy ngay dân ta nhiều người vẫn đầu óc cứng nhắc, chứa đầy những định kiến nặng nề từ mấy mươi năm nay!
– Nhiều người vẫn còn tư duy “TA và ĐỊCH”, hễ ai khác “Ta”, ngược với “Ta” là “Địch” là “phản động”, quyết đấu tranh, lên án, loại bỏ… Đối với kẻ “phản động” thì phải “căm thù” đấu tố, bới móc, mạt sát như thời đấu địa chủ, đấu Nhân văn giai phẩm với thái độ hằn học, lời lẽ, hành vi thô lỗ… Họ chỉ biết mạt sát, chẳng đưa ra được lý lẽ gì để tranh biện một cách khách quan, trung thực, ôn hòa, tìm điểm tương đồng…
– Ngược lại, nhiều người trọng lòng vẫn chứa chất hận thù cộng sản, chưa thoát được lòng sân hận rất sâu xa, nên bất cứ cái gì liên quan đến cộng sản, bất chấp đúng, sai, phải trái là nguyền rủa, là sổ toẹt, bất hợp tác… Đây là bi kịch lớn của dân tộc ta. Nếu chúng ta không vượt qua được lòng sân hận, khép lại quá khứ, để đoàn kết, hợp tác, thì dân tộc ta cứ hận thù, chia rẽ mãi sao? Tôi đã thấy ở bên Đức, những người Việt biểu tình mang cờ đỏ sao vàng và cờ vàng ba sọc đỏ cùng hợp lại, hô vang khẩu hiệu chống Trung Cộng gây hấn ở Biển Đông… Đó là tín hiệu tốt đẹp. Vừa qua anh “Hùng Cửu Long” làm một thử nghiệm mạo hiểm và thú vị, anh mặc áo dài đỏ có ngôi sao vàng trước ngực xuất hiện tại Little Saigon bên Mỹ, nhiều bà con vốn là thuyền nhân tị nạn tại đây, đã phản ứng dữ dội, nhưng chưa đến nỗi bạo lực; cảnh sát Mỹ luôn bảo vệ an toàn cho anh. Anh muốn kêu gọi sự hòa hợp dân tộc và đây là một phép thử phản ứng thú vị. Để chấp nhận sự khác biệt, hòa hợp dân tộc, đòi hỏi một quá trình thay đổi nhận thức, thái độ, xóa bỏ định kiến, thoát khỏi lòng sân hận từ tất cả các bên, có khi phải qua một thế hệ; khi đó mọi người mở rộng lòng bao dung, vì tình yêu đất nước, ứng xử với nhau hòa hợp, thân thiện, văn minh…
– Còn nhiều người khác lại quen áp đặt chủ quan, chê bai, bài xích tất cả những ai khác với suy nghĩ, tình cảm của mình, nhiều khi khá thô bạo. Điều đó cũng rất bất lợi cho xu thế phát triển một xã hội dân chủ, tôn trọng quyền tự do biểu đạt suy nghĩ, tình cảm, thái độ, niềm tin, lối sống khác nhau, đa dạng, phức tạp trong một xã hội dân sự. Chẳng hạn như, một số bạn mắng mỏ những người xếp hàng vào sứ quan Cu Ba viếng Fidel Castro là “lũ ngu lâu”, là “bầy cừu”! Như vậy là xúc phạm đến quan điểm, tình cảm của họ. Bạn không thích, thậm chí rất ghét Fidel, nhưng không được gây thù nghịch với họ như vậy. Họ từng học tại Cu Ba, từng yêu quý Cu Ba và Fidel… đó là quyền bầy tỏ tư tưởng, tình cảm của con người, cần được tôn trọng.
Có bạn đi du lịch Hàn Quốc về, viết bài so sánh Việt Nam – Hàn Quốc mấy chục năm trước phát triển ngang nhau, nay Hàn Quốc như thiên đường…, bạn khác liền bình luận: “Cút mẹ mày sang thiên đường mà ở, ở đây làm gì”! Sao có thể thô lỗ như vậy. Đất nước này là của mọi người dân Việt do Tổ tiên tất cả chúng ta ngàn đời xây đắp nên, để lại cho các thế hệ con cháu, bạn có quyền gì mà đuổi người khác đi?
Khi GS Ngô Bảo Châu viết một câu cũng chẳng xúc phạm gì Cụ Hồ, thế mà mấy người xúm vào chửi té tát, bảo nhờ có Đảng, chế độ tạo điều kiện cho ăn học, nay “ăn cháo đá bát” (?). Ô, thế ở những nước không có đảng, chế độ này, người ta không thành tài sao? Mà nếu có “ăn” thì cũng là ăn vào tiền thuế của dân, chứ đảng có làm ra đồng nào? Bản thân đảng, chính phủ cũng đều ăn vào dân cả. Nếu có điều gì đó cần trao đổi, thì thiếu gì cách diễn đạt, sao chỉ quen đấu tố, thóa mạ nhau!
Ngay bài tôi viết “Xem Trump “cơ cấu” nhân sự”, vừa đưa lên FB, có trích một câu của ông Trương Tấn Sang …, một bác bình luận: “Không phải người Mỹ đừng viết về Trump; không phải ruột rà của ông Trương Tấn Sang, đừng có trích câu ông ấy nói”… (?).
Những cách ứng xử như vậy là trở ngại lớn cho sự đồng thuận, đoàn kết dân tộc theo xu hướng chấp nhận sự đa dạng, khác biệt, ngày càng phức tạp hơn về hệ tư tưởng, niềm tin, thái độ chính trị, quan điểm, lối sống của mỗi người, mỗi nhóm người trong xã hội. Vì vậy mỗi người chúng ta đều cần tự thay đổi để thích ứng một cách tích cực với xu thế đó. Ngày nay mạng xã hội chính là một trường học lớn để chúng ta tự học, tự thay đổi, nâng mình lên thích ứng với trào lưu tiến bộ của nhân loại. Dân giác ngộ đến đâu, chính quyền sẽ buộc phải thay đổi đến đấy!
Ngày 1/12/2016
MVT
Nguồn: FB Mạc Văn Trang