Chết vì cười

Đinh Bá Anh

_BAChỉ cách đây vài thế kỉ thôi, ở Paris, chúng ta hoàn toàn có thể hình dung ra những xen đậm chất xi-nê miền Viễn Tây như thế này:

Hai chàng quí tộc uể oải ngồi vuốt vạt áo choàng trong một phòng dạ hội rực rỡ. Một chàng thỉnh thoảng lại lén nhìn qua mặt chàng kia (phía sau là một tiểu thư lóng lánh đưa tình). Chàng kia cứ thấy chàng này lén nhìn mình, cười rất vô duyên, một hồi chừng nóng gáy, tiến lại hỏi:

– Thưa ngài, phải chăng mặt tôi có vết nhọ?

– Ồ, ngài nói sao? Ngài làm ơn tránh sang bên trái một chút được không? (Tiểu thư kia càng đong đưa tợn, hẳn là bị kích thích bởi hai con bò đực đang sắp sửa đo sừng.)

– Hình như ngài chưa hiểu câu hỏi của tôi?

–  Sao, ngài không thấy ngài đang làm phiền tôi ư?

– Ồ, phải chăng ngài đang thể hiện khiếu hài hước? Thật tiếc, tôi phải long trọng báo với ngài rằng, ngài đang hài hước không đúng chỗ.Phải, tôi đang rất có nhã hứng làm phiền ngài đây.Phiền ngài rút gươm ra khỏi vỏ khi tôi đếm đến ba, nếu ngài còn muốn có cơ hội nhìn mặt trời vào sáng mai.

Sau vài đường gươm lịch duyệt, một chàng nằm xuống, gươm xuyên thấu tim. Nhà chức trách đến ghi nhận hiện trường. Tiểu thư đài các khoan thai ném hoa hồng, rút mùi xoa chấm nước mắt xót thương cho người xấu số, và nửa năm sau sẽ lên xe hoa với người thắng cuộc.

Thế giới đã từng như vậy. Đó là một thế giới mà người ta không sống theo các giá trị tự do-bình đẳng-bác ái. Giá trị mà người ta theo đuổi là thể diện (danh dự). Quyền được sống không phải là quyền cao nhất.Mạng sống không phải là cái có giá trị lớn nhất.Thể diện mới là cái đáng kể nhất.

Một nhân viên cứu trợ người Đức sau một năm làm thiện nguyện tại Ả-rập Saudi đã kể về những trải nghiệm hãi hùng của mình, trong đó có chuyện một ông chồng chấp nhận để con mình chết ngạt vì vợ đẻ ngược chứ không chịu để cho nhân viên y tế can thiệp, chỉ vì nhân viên y tế kia là một người đàn ông lạ, một người không thuộc gia đình, nên không được phép đụng vào da thịt vợ mình. Dưới bài viết là hàng nghìn ý kiến của độc giả Đức, phần lớn thể hiện sự ghê tởm, phẫn nộ. Nhưng nếu đặt mình vào hoàn cảnh ông ta, chúng ta có thể nói gì đây? Ông không có tình thương? Hay thể diện của ông lớn hơn mạng sống  của con ông? Chúng ta chỉ biết rằng, với quan niệm của ông, và trong cộng đồng mà ông sống, ông không có lựa chọn khác. Bởi vì nếu làm khác, ông sẽ mất thể diện.Vợ ông sẽ mất thể diện. Toàn bộ gia đình ông sẽ mất thể diện, và thể diện đó đủ lớn đến mức, nếu để mất nó, sẽ không ai sống nổi.Cũng như hai chàng quí tộc Pháp trong câu chuyện nói trên, để mất mặt, nhất là mất mặt dưới ánh mắt của người đẹp, là không đáng sống.Ừ, sến. Rất sến. Chúng ta nói thế, vì chúng ta có một hệ giá trị khác.

Vụ Charlie Hebdo là vụ tôi không biết phải nói gì.Nó quá phức tạp, nhức nhối. Tôi hoàn toàn có thể hình dung ra cảnh mình hòa vào dòng người đứng thắp nến cho những người đã chết (trong đó có cả những người Hồi giáo đã gây ra vụ thảm sát – sự thật là có hàng triệu người xót thương cho họ, những người coi họ là anh hùng, nhưng lại chẳng thể tuyên bố dõng dạc lên như thế), nhưng nếu bảo tôi cầm tấm biển “Tôi là Charlie” thì tôi không sẵn sàng, phải nói thật là: tôi không thích là Charlie.

Hôm nay tôi đọc bài xã luận của C.H. Bài viết khiến tôi bất ngờ.Tôi nghĩ mình cũng biết ít nhiều về tinh thần Pháp, nhất là ở những trí thức cánh tả. Nhưng sự quyết liệt, nhất là thái độ không khoan nhượng, vạch một đường ranh thẳng băng giữa đúng và sai, giữa thiện và ác (sau tất cả những gì xảy ra), của bài xã luận khiến tôi vẫn bị choáng (người Pháp luôn khiến tôi kinh ngạc!). Thông điệp chính của bài xã luận là thế này: Từ một tuần nay, Charlie đã làm được điều vĩ đại. Hàng triệu người đã đứng quanh Charlie, nhưng vẫn có những người bĩu môi với Charlie, chúng tôi biết, nhưng chúng tôi không quan tâm.Chúng tôi là những người kiên quyết bảo vệ chủ nghĩa vô thần.Chỉ có chủ nghĩa vô thần, chỉ có sự thế tục hóa mới cho phép thực thi “tự do, bình đẳng, bác ái”. “Chỉ nó mới cho phép toàn quyền tự do về nhận thức, cái quyền bị từ chối một cách thẳng thừng […] bởi tất cả các tôn giáo, tất cả các tôn giáo ngay khi chúng vượt ra ngoài khuôn khổ đức tin cá nhân để bước vào sân chơi chính trị. Thật mỉa mai, chỉ nó mới cho phép các tín đồ và những người ngoại đạo được sống trong hòa bình.Tất cả những người đang có ý định bảo vệ người Hồi giáo bằng cách chấp nhận những phát ngôn tôn giáo toàn trị kỳ thực đang bảo vệ cho những tên đao phủ. Những nạn nhân đầu tiên của chủ nghĩa phát-xít Hồi giáo sẽ chính là những giáo dân Hồi giáo.” 

Đầu tiên tôi phải nói rằng, cá nhân tôi, với nhận thức và kinh nghiệm sống của mình, tôi hoàn toàn đồng ý với những gì được viết trong đoạn trích dẫn in nghiêng ở trên. Nhưng, (từ “nhưng” này bị Charlie mỉa mai, bất kể ai nói ra chữ “nhưng” trong ngữ cảnh này đều bị cho là “gian trá ra vẻ có lý”, bạn chỉ được phép đồng ý vô điện kiện với Charlie thôi chứ không có “nhưng” gì hết), phải, nhưng, câu hỏi đặt ra là: Tôi được đi xa đến đâu trong cuộc đấu tranh vì điều tôi cho là đúng?

Đầu tiên ta phải chấp nhận một sự thật rằng, luôn có những điều ta cho là đúng nhưng rất nhiều người khác không cho là đúng (mà họ không hề gian trá). Ta nghĩ rằng, là người sống có trách nhiệm, ta phải đấu tranh cho cái đúng; nhưng ta đừng quên, những người khác cũng đấu tranh cho cái đúng của họ. Ta có thể nói rằng, ừ, nhưng tôi đấu tranh hòa bình, vũ khí của tôi là ngôn luận, là lí trí phê phán, là sự hài hước tỉnh táo, chúng tôi không lấy đi mạng sống của ai. Chúng tôi chờ đợi những người bất đồng quan điểm với mình cũng đấu tranh theo cách như vậy.

Đây chính là một nan đề. Nếu bạn về nông thôn Việt Nam, bạn giảng cho người dân về nếp sống vệ sinh, về phòng tránh thai, về những cách thức khám phá cảm giác giới tính, bạn đừng ngạc nhiên nếu như trong lúc cao hứng thuyết giảng, có một người nào đó quay mặt đi, tỏ vẻ khinh bỉ, quân trí thức, toàn một lũ rởm. Tất cả phụ thuộc vào thái độ và cách thức tiếp cận của bạn.

Charlie đấu tranh cho sự bình đẳng, nhưng trong cái sân chơi mà Charlie tạo ra, những đối thủ của Charlie, những người Hồi giáo sùng đạo, không có được vũ khí sắc bén như của Charlie. Họ không có tài hùng biện, không có tài văn chương, không có tài vẽ vời như Charlie, họ không được đào luyện qua lịch sử trăm năm khai minh như Charlie. Trong sân chơi đó, họ là những người yếu đuối.Họ cảm thấy bị xúc phạm, nhưng không thể dùng ngôn từ đối lại với Charlie.Họ bị kéo vào một sân chơi mà họ ở thế bất lợi ngay từ đầu.Đó là vấn đề. Charlie có thể nói, vậy các người hãy học đi, hãy mở cái đầu đặc cứng của các người ra mà học đi! Hãy chơi theo luật chơi của chúng tôi đi. Dốt, bảo thủ, không chịu học là sao?

Hồi tôi lên 6, tôi nghĩ tôi là một đứa bé thông minh, và tôi rất thích thể hiện.Tôi có đứa bạn tốt bụng, nhưng to xác, đần và cục tính.Tôi hay bẻm mép bắt nạt nó, nó rất ức. Một hôm tôi sang nhà nó chơi, trước mặt mọi người, tôi cứ nhâng nhâng chứng minh là nó dốt vì nó không phân biệt được màu cam với màu đỏ. Tôi cầm quả cam, gí vào mặt nó, màu cam đây này! Thấy chưa? Và nó gầm lên với tất cả sự căm hờn, giáng vào tôi một cú đấm khiến tôi sái quai hàm.(Nếu nó có súng, chắc tôi sẽ lãnh nguyên cả băng đạn).Đôi khi vấn đề chỉ thế thôi, thật ngớ ngẩn và tầm phào.Bạn có sức mạnh ngôn từ, tôi có sức mạnh quả đấm. Bạn cứ việc thể hiện tài văn chương của bạn, nhưng nếu bạn giễu tôi là tay to óc nhỏ, thì tôi sẽ cho bạn thấy là tay to cũng có hay của nó.

Và viết đến đây, thú thật là tôi vẫn không thể xác quyết được điều gì đúng sai trong vụ việc này.Tôi viết chỉ để làm vợi bớt cảm giác không dễ chịu sau bài xã luận của Charlie. Xin cầu cho linh hồn những người đã chết được hưởng bình an ở một cõi khác, nơi người ta, bên này hay bên kia, không phải có cảm giác nhục nhã hay đổ máu vì những thứ khổ sở như thế này.

Nguồn: FB Đinh Bá Anh

Comments are closed.