ĐỘC TÀI NGOẠI LỆ

Phạm Thị Hoài

 PTHTháng trước, nhà độc tài của thành phố một triệu dân Đà Nẵng qua đời. Tháng này, đến lượt nhà độc tài của thành phố năm triệu dân Singapore. Cả hai để lại nhiều thương tiếc. Độc tài, nhưng mà tốt. Độc tài ngoại lệ. Thương hiệu “độc tài sáng suốt” ngày càng có giá. Không chỉ ở các nước Đông Á. Ở châu Âu tự do, nhu cầu thanh lý nền dân chủ loạn chức năng để mua gấp một nhà độc tài hiệu quả cũng đang nhen nhóm.

 Họ được gọi là những nhà độc tài anh minh, dám nghĩ dám làm, giàu năng lực, đầy viễn kiến. Thậm chí là những nhà độc tài vì dân. Đã thế họ còn là những cá nhân hấp dẫn. Sức mê hoặc của ông Lý Quang Diệu hạ gục không chỉ người Singapore, mà cả giới tinh hoa kinh tế, chính trị và truyền thông toàn thế giới. Lãnh tụ các nước cũng độc tài tự hào được gọi ông là thầy đã đành, song lãnh tụ các nước dân chủ cũng hãnh diện được gọi ông là bạn, người nào có chút băn khoăn cho lập trường dân chủ thiếu vững vàng của mình thì gọi ông là một nhà “độc tài khai sáng”. Thế là tất cả đều ổn. Tất cả đều mê man trong cái charisma vô đối của ông, “người khổng lồ của lịch sử”, “thiên tài chính trị”, “nhà chiến lược kiệt xuất”, vừa là “chúa tể các giá trị châu Á” vừa là “đại diện đặc sắc nhất của Anh quốc ở phương Đông”…

 Ông Nguyễn Bá Thanh không được chơi ở cúp ngoại hạng quốc tế đó, kiểu tóc vuốt từ mai trái qua mai phải rồi lại dồn tất cả ra sau gáy của ông đã nói rõ. Ngay ở trong nước, ông cũng không có cơ hội được thăng làm vĩ nhân. Trong thế giới cộng sản, “vĩ nhân” là danh hiệu chỉ cấp một lần, cho một nhân vật nhất định, và ở Việt Nam đó là Hồ Chủ tịch, không có cạnh tranh. Ông Thanh là một sự pha trộn lạ lùng của gian hùng và bộc trực, của một tay lâm biền hảo hớn và một chính ủy. Nghe ông diễn thuyết ta có thể cười ngất vì kiến thức của một chủ nhiệm hợp tác xã xốc vác được một ông vua tỉnh lẻ phát ngôn mạnh bạo. Nhưng dù không có hào quang của những Cha già dân tộc như Lý Quang Diệu và Hồ Chí Minh, thỉnh thoảng lại có vẻ một Bố già kiểu Tony Soprano, nhưng so với các gương mặt còn lại ở cùng đẳng cấp, ông vẫn là một nhân vật gây cảm xúc. Thật khó cho những người ghét và chống độc tài, trong đó có tôi, khi cái Ác chẳng những làm được khá nhiều việc tốt mà trông lại ấn tượng, còn cái Thiện phần lớn có vẻ vô vị. Đã từ lâu chúng ta đối diện với hiện tượng The Banality of Good.

 Nhiều điều ông Lý chủ trương cho Singapore, nhìn bề ngoài không khác mấy thực tiễn chính trị ở Việt Nam, dù ông là một người chống cộng không khoan nhượng. Trong cuộc trả lời phỏng vấn nổi tiếng với Fareed Zakaria cho tạp chí Foreign Affairs năm 1994 ông cho biết, phần lớn các giá trị của nền dân chủ Mỹ hiện nay thì ông không thích thú lắm, nhưng ông luôn ngưỡng mộ nước Mỹ ở tinh thần quyết liệt chống hệ thống cộng sản; những trò gắn liền với các chính quyền cộng sản như khủng bố và giấu diếm trong bóng tối thì ông không bao giờ sờ vào. Song những người bất đồng chính kiến và đặc biệt các phần tử bị coi là cộng sản hoặc lãnh tụ công đoàn ở Singapore những thập niên trước cũng tàn đời trong ngục hàng chục năm trời không có án, như Chia Thye Poh: 23 năm, Lim Hock Siew: 19 năm 6 tháng, Said Zahari: 17 năm trong nhà tù Chương Nghi. Còn ngày nay, đối lập chính trị ở Singapore không bị cảnh sát xách nhiễu vô lối, không bị côn đồ hành hung giấu tay, không bị mật vụ trâng tráo theo dõi, chỉ bị đẩy vào chân tường của sạt nghiệp qua những vụ kiện dân sự hoàn toàn danh chính ngôn thuận mà ông Lý và Đảng Nhân dân Hành động (PAP) của ông trăm vụ trăm thắng. PAP không đơn thuần là một tổ chức chính trị của một bộ phận dân chúng, mà là một thiết chế quốc gia, đại diện cho dân tộc. Phê phán PAP đồng nghĩa với phê phán Singapore và chống chế độ, không khác gì cái đại tự sự của Đảng Cộng sản Việt Nam. Singapore cũng nằm gọn trong tay một gia đình, một tập đoàn, không khác cha truyền con nối ở Bắc Triều Tiên, anh truyền em nối ở Cuba và những vương triều quý tộc đỏ ở Trung Quốc và Việt Nam.

 Ông Lý cũng không cần tham khảo ý kiến của nhân dân. Phát ngôn của ông, “nếu được tuyệt đối toàn quyền ở Singapore mà không phải hỏi dân chúng rằng họ có hài lòng không thì không có gì phải hoài nghi, tôi tin chắc rằng mình sẽ điều hành hiệu quả cho chính quyền lợi của họ hơn nhiều”, đã trở thành một trong những lời bất hủ, thường xuyên được chính những người tin hoặc tưởng mình tin vào thể chế dân chủ vừa khoái trá trích dẫn vừa lè lưỡi lắc đầu. Nhà cầm quyền ở Việt Nam cũng tin chắc ở sự sáng suốt của mình như thế.

Cũng như Việt Nam, chính quyền Singapore phản đối mọi sự thật khác ngoài sự thật chính thống. Năm 2006, ông Tạ Quốc Trung (Andy Xie), trưởng khu vực châu Á của Morgan Stanley, một chuyên gia xuất sắc từng được Bloomberg xếp vào danh sách 50 nhân vật giàu ảnh hưởng nhất trong giới tài chính quốc tế, cảnh báo trong một email nội bộ (http://www.asiasentinel.com/econ-business/a-banking-stars-inconvenient-singaporean-truth/) rằng phương Tây đã đánh giá quá cao Singapore, thực ra thành công của nước này chủ yếu nhờ vai trò làm trung tâm rửa tiền cho các doanh nghiệp và quan chức tham nhũng của Indonesia, các casino đang xây ở đây cũng nhằm hút tiền bẩn từ Trung Quốc. Bức thư bị rò rỉ. Ông Tạ lập tức bị Morgan Stanley đuổi việc, theo yêu cầu của chính quyền Singapore.

 Cũng như Việt Nam, công đoàn ở Singapore nằm dưới sự lãnh đạo của chính quyền, mà chính quyền là Đảng PAP và Đảng PAP là chính quyền như ông Lý công khai tuyên bố (“I make no apologies that the PAP is the government and the government is the PAP”), liên tục từ 56 năm nay, điều quá đương nhiên, ông không thấy có gì để xin lỗi. Cuộc đình công duy nhất, rất nhỏ, và tất nhiên bất hợp pháp, trong vòng 30 năm gần đây ở Singapore diễn ra năm 2012. Những kẻ cầm đầu đều bị nghiêm trị.

 Cũng như Việt Nam, Singapore luôn nằm ở cuối bảng xếp hạng tự do báo chí. Trong đánh giá mới nhất, ra ngày 12/2/2015, của tổ chức Phóng viên Không Biên giới, Singapore đứng ở vị trí 153/180, sau cả Nga, Thổ, thua xa Miến Điện, Campuchia, chỉ nhỉnh hơn hai nước duy nhất trong khu vực là Lào và Việt Nam, và xu hướng là ngày càng tụt hạng. Danh sách những nhà báo và blogger bị chính quyền Singapore gây áp lực hay truy tố, các thông tin và tác phẩm nghệ thuật bị ngăn cấm hay kiểm duyệt cũng chỉ ngắn hơn danh sách ở Việt Nam chút ít và vừa được bổ sung bằng Amos Yee, cậu bé 16 tuổi bị bắt và truy tố vì đoạn video 8 phút đăng trên YouTube nhan đề “Lee Kuan Yew is Finally Dead”, cuối cùng thì Lý Quang Diệu đã chết. Nhà nước bảo mẫu do ông Lý dựng nên thấy mình có bổn phận đánh đòn đứa con hư này.

 Tất cả những tương đồng ấy có vẻ gây cảm hứng mạnh mẽ cho các nhà lãnh đạo Việt Nam và không riêng gì họ: một bộ phận đáng kể trong giới tinh hoa Việt Nam không buồn giấu khao khát được một bàn tay sắt và những biện pháp thực sự cứng rắn cai trị. Tất nhiên kẻ bị trị là lũ dân đen vô học, lười biếng, loạn tặc, mọi rợ, đần độn, vừa ngu vừa bướng. Lũ vịt. Lũ lừa. Người ta tiếc thương ông Nguyễn Bá Thanh, người đã biến Đà Nẵng thành Singapore của Việt Nam.

Song chuyên chính tư bản Singapore và chuyên chính hậu cộng sản Việt Nam chỉ chung nhau ở bề ngoài độc tài, sự khác nhau bên trong lớn chính xác bằng khoảng cách dường như vô tận giữa Brave New World, tân thế giới mỹ lệ Singapore đã hoàn thành và chân dung còn muôn phần nhếch nhác của một Việt Nam đang chuyển đổi. Ít nhất ba điểm sau đây khiến cuộc chạy theo mô hình Singapore ở Việt Nam không thể đến đích mà chỉ để lại rất nhiều tai nạn dọc đường:

Thứ nhất, dù thiếu dân chủ, nhưng nền độc tài mềm của Singapore vẫn có những tự do tối thiểu vượt xa khả năng chịu đựng của nhà cầm quyền Việt Nam: đa đảng, cạnh tranh chính trị và tự do bầu cử.

Thứ hai, nền pháp trị, rule of law, thành tựu then chốt của thể chế dân chủ, ở Singapore tuy có phần bị lạm dụng để bảo vệ địa vị chính trị của đảng cầm quyền, song trước hết nó được sử dụng thành công để duy trì một bộ máy công quyền trong sạch và hiệu quả, điều hoàn toàn xa lạ với nền tư pháp xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam.

Thứ ba, chế độ meritocracy, nền tinh anh trị của Singapore, đặt cược tất cả vào một nhóm nhỏ các chuyên gia đỉnh cao và các nhà kỹ trị hảo hạng, những Alpha Plus mà năng lực thuộc hàng đầu thế giới. Ông Lý Quang Diệu từng phát biểu, nếu 300 nhà quản trị trụ cột của Singapore cùng rơi trong một chiếc Jumbo Jet thì quốc đảo này sụp đổ. Việt Nam không sợ một kịch bản như thế. Kho dự trữ cho sự tầm thường ở đây còn rất đầy.

 P.T.H.

Nguồn: http://baotreonline.com/Chuyen-muc-tre/Le-Cheo/c-tai-ngoi-l.html

 

Comments are closed.