Nhân chuyện thắt chặt tuyển sinh tiến sĩ

Trần Ngọc Hiếu

Nhân chuyện Bộ giáo dục ra quyết định thắt chặt việc tuyển sinh tiến sĩ và các vấn đề liên quan đến học hàm, học vị, có bạn hỏi mình: Nghĩ gì?

Thực tình là một thời gian trở lại đây, mình tự thấy không đủ tư cách gì để mà than thở hay tỏ ra day dứt về thực trạng học thuật, chỉ nói riêng trong ngành văn học này thôi. Mình chưa làm được cái gì khá hơn mặt bằng (vốn dĩ rất thấp này) thì mọi lời kêu ca đều là đạo đức giả. Nên khi nghe bộ siết chặt quy định này nọ, thì mình chỉ thấy: ừ, khó thật đấy, nhưng nó không nằm trong mối quan tâm của mình. Vậy thôi.

Xét về lý, có chính sách nào của lãnh đạo Việt Nam lại không tốt đẹp, tích cực đâu. Nhưng lãnh đạo của Việt Nam, nhất là bộ giáo dục, xưa nay vốn nổi tiếng là duy ý chí, thiên về làm cách mạng từ ngọn. Nên mình tin là rồi giới trí thức, nhất là trong giới nghiên cứu văn học, rồi sẽ biết cách thích ứng linh hoạt thôi. Sẽ tổ chức những hội thảo quốc tế, sẽ tìm được các tạp chí quốc tế có thể đăng được bài của mình, dù có thể việc này giống như các cuộc thi hoa hậu quốc tế hạng ba, hạng tư như cái cuộc thi gì mà có cô hoa hậu bị tước vương miện ở VN đang thi đó. V.v và v.v…. Nói chung là thế nào rồi cũng sẽ sống được.

Mình không nói đến những khó khăn theo kiểu lương giảng viên đã thấp mà lại đòi hỏi cao (thật sự, cứ thế này, thì rất ít sinh viên giỏi sẽ lựa chọn ở lại trường đại học). Mình cũng không nói đến việc cơ sở dữ liệu học thuật còn chưa có, format trình bày theo chuẩn quốc tế còn chưa biết… cái đó có thể khắc phục được. (Riêng chuyện tư liệu như Libgen, Sci-hub… ta có thể yên tâm là mình không quá khó để cập nhật thế giới đang làm gì).

Cái gốc của vấn đề là tự do tư tưởng, tự do trong học thuật. Một khi vấn đề đó còn chưa được giải tỏa thì xin lỗi, có đăng tạp chí chuẩn sao Hỏa, sao Kim, ngành nhân văn cũng không khá lên nổi. Cứ thử đọc những bài nghiên cứu văn học đăng trên Journal of Vietnamese Studies, ta mới thấy chúng “ngoại biên” đến mức độ nào. Vụ luận văn Nhã Thuyên, cả giới học thuật xông vào đánh đập, nhưng bài nghiên cứu của cô thì được giới thiệu trên trang Asymptote, dẫu chưa phải tạp chí chuyên ngành, nhưng là một trang uy tín bậc nhất về world literature hiện tại. Bao nhiêu người trong ngành đã làm được?

Vấn đề còn nằm ở chỗ để có thể có tiếng nói với cộng đồng quốc tế, mình cần phải học cách tư duy của họ, làm thế nào để kể câu chuyện Việt Nam của mình theo những từ khóa học thuật mà giới hàn lâm đang muốn bàn bạc. Mà những từ khóa đó đều có xu hướng ngoại biên hóa hết nào là “queering”, “deconstruction”, “post-humanism”… Chưa kể, mình phải học từ cách đặt vấn đề của họ, từ cách đặt nhan đề bài viết thế nào. Có những vấn đề có thể trong nội bộ ta với ta, nghe có vẻ hay, nhưng khi ra quốc tế, nó là cái vấn đề… không có gì gây chú ý cả. Xn đơn cử: mình đã từng thử tìm cơ hội góp bài cho một cuốn sách nào đó. Chủ đề là “Plants in Science Fiction”. Đọc cái theme đã giật mình vì đó là thứ rất nhỏ, lâu nay mình không để ý. Ở VN mình, giờ vẫn loay hoay các chủ điểm kiểu cấu trúc thể loại, rồi tư tưởng nhà văn, v.v… Mình không biết chú ý đến những cái nhỏ nhưng hàm chứa câu chuyện riêng như thế.

Thế nên, tốt nhất, khi chưa làm được gì khá khẩm hơn thì nên im lặng, không bon chen. Vậy thôi.

https://www.facebook.com/tran.n.hieu.39/posts/10210008189973968

Comments are closed.