VĂN HỌC MIỀN NAM 54-75 (72): Gia tài người mẹ

Truyện dài

Dương Nghiễm Mậu

Phần III

Emprunt%25252520Empreinte1%252525204-11-2011%2525252012-23-06%25252520PM

Dấu hai bàn tay của nhà văn Dương Nghiễm Mậu do họa sĩ Phan Nguyên thực hiện năm 2010.

Nhưng đến năm súng nổ ở Hà Nội, sau là những thằng lùn đeo kiếm lê tới mặt đất về làng, lúc đó anh đã mười tuổi. Những ngày vui đã chẳng còn. Cha anh nói quân Nhật giỏi lắm chỉ có mấy người vác súng chạy quanh thành Hà Nội mà Tây phải thua. Anh trông thấy lính Nhật thì sợ run. Chúng đội mũ lưỡi chai, mặc áo dạ xanh đi ủng cao. Chúng về làm gì em biết không? Chúng về cắm đất ở bên bãi, những vùng đất tốt nhất trồng dâu đang xanh đen và mía đang được mấy giống, chúng bắt phá đi trồng đay, nghe đâu để làm thuốc súng. Dân làng gạt nước mắt phá màu mỡ. Khi đay lên cao, dân phải chặt về ngâm xuống ao thối hết những vỏ cây xanh trơ lại những sợi đay trắng rồi đem nộp chúng. Anh nhớ một hôm đi nộp đay về mẹ anh sưng húp cả mặt mày, cha anh thì bất tỉnh vì số đay không được trắng. Không phải chúng đánh đập đâu, chúng đánh làm gì cho mỏi tay, cho mệt sức, mẹ kể lại: chính chúng bắt mẹ phải đánh cha và cha phải đánh mẹ, không đánh chúng ra kiểu cho mà bắt chước, chúng bắt mẹ lấy đòn gánh phang vào lưng cha cho đến khi ngã gục mới buông tha, chúng bắt dân mình đánh lẫn nhau, chúng coi vỗ tay cười. Thật nhục nhã đau đớn biết chừng nào… Nhưng rồi chúng chẳng ở được lâu, đảo chính đến, và chiến tranh tiếp theo… Đời anh, thời thơ ấy đã chấm dứt để bước sang những ngày đen tối. Mẹ mất. Thầy lấy vợ kế… Thôi anh không muốn kể cho em nghe làm gì những cảnh đen tối, những khổ nhục mà anh phải chịu đựng. Tại sao chúng ta lại không quên nó đi mà sống với thực tại đầy yêu mến, sống với mối tình của em dành cho anh… Có phải thế không em… nhưng hình ảnh mẹ anh không bao giờ quên được. Nhớ tới mẹ, anh thấy mình có thêm can đảm và nghị lực để sống và đồng thời được vuốt ve vỗ về trong những khi buồn chán mệt nhọc. Em hãy ở với anh đi, em hãy nhận trở về cùng anh, rồi sau đó chúng ta chung sống với nhau. Em đang là bao nhiêu hình bóng của mẹ anh dồn chứa lại. Anh chẳng bao giờ xa em. Đây là đất thánh của tình yêu. Anh yêu em ở đây và chết ở đây. Anh về để biết có một người mong đợi mình, để tìm lại những gì mình đã mất…

– Dũng lên thăm bà rồi về nhà ngủ thôi, lại đây u xốc cổ áo lại cho đã nào.

– Không, con không ngủ đâu u, Dũng không ngủ một mình đâu, con sợ lắm, sao u cứ bỏ con một mình vậy, con ghét u quá.

– Trời, con giai lớn rồi mà, ngủ với u chứ ngủ một mình bao giờ nào, thôi lên với bà chút đi rồi xuống ngủ, u bảo ngoan u yêu.

– Thôi con lên ngủ với bà cơ, con không ngủ với u nữa, u đánh lừa con hoài.

– U thức trông bà chứ đi đâu nào?

– Con cũng thức trông bà, nhất định con thức trông bà với u, con không ngủ đâu.

Dũng vừa nói vừa vùng vằng đi từ cuối phòng tới đầu phòng ra vẻ hờn dỗi, nó cầm gối ở giường ném tung lên rồi xếp lại ngay ngắn, nó cứ làm hoài như thế cho đến lúc u Tám phải quát lên nó mới thôi, nó tiếp tục đi lại tung tăng làm ra vẻ cương quyết.

– U nghe con nói không?

– Nghe rồi nhưng con có muốn bà buồn bà khóc vì con không nghe lời không đã?

– Không.

– Có muốn u khóc không?

– Không.

– Thế con phải nghe lời u chứ, con còn bé không thức đêm được, con thức quấy rầy, bà mất ngủ, con có muốn thế không?

– Con không quấy đâu, con quấy bao giờ nào?

Con lên hỏi bà vậy…

– Ơ kìa, con lại không nghe lời u rồi.

– U không thương con mà… Con lên… con lên, con lên đây.

– U không thương con thì thương ai… Lại đây với u, lại đây với u. Phải ngoan, nghe lời u mới thương chứ…

Bé Dũng lại ngồi vào lòng u Tám, nó ngồi thừ như nghĩ ngợi điều gì, u Tám vuốt bàn tay gầy khô nhưng mềm mại lên mái tóc ngắn đen của Dũng. U xốc lại cổ áo cho nó và vỗ nhẹ tay vào má nó. Thực u cũng không có ai ngoài Dũng cho u thương mến. U coi nó như con của u. Tình thương của u có khi còn hơn tình thương của một người mẹ ruột thờ ơ lãnh đạm và ruồng rẫy con cái. U đã sống trong gia đình này từ khi nó chưa sinh ra, từ khi bố thằng Dũng chưa lập gia đình nữa. Bao nhiêu năm đã trải qua u cũng không biết, u chỉ nhớ một cách mơ hồ là đã lâu lắm. Bây giờ Dũng đã lớn, bao nhiêu chuyện vui buồn cùng thay đổi đã xảy ra trong ngần ấy năm dưới mái nhà này u đã chứng kiến, chịu đựng và chia sẻ. U nhớ cả những ngày giỗ chạp, biết tính nết, thói quen của từng người. Ai trong nhà này cũng coi u như người ở trong gia đình, chính u cũng chỉ muốn thế, sống ở đây rồi chết ở đây. Tất cả những cái gì có trong gia đình này đều sống mật thiết với u.

Từ khi người mẹ ốm đến nay u thấy lo lắng buồn phiền, u lo cho mối bất hòa nơi những anh em, tuổi thơ thiếu tình thương cho Dũng, và đời sống những bất trắc lo âu cho chính đời u những ngày còn lại. Ungười sẽ sống với ai, cảnh gia đình suy tàn, chia xé, giằng co đến độ nào nữa cho u thêm đau xót? Bà mẹ chết đi, sợi dây liên lạc này đứt, những người con, cháu kia sẽ đối đãi với nhau như thế nào? Phải chăng là những thù nghịch, oán ghét. Nhưng với bà mẹ liệu có tiêu tan được những đau xót đó hay không, điều mà chính bà mẹ đã nhiều lần nói với u qua hàng nước mắt, bà tin những đứa con lớn lên sẽ hiểu thấu lòng bà và yêu thương nhau, nhưng có được như thế không, hay chỉ nhờ bà nhắm mắt lại họ sẽ nhìn nhau không những với đôi mắt người dưng mà với con mắt kẻ thù. Nhiều lúc u oán trách những đứa con đó. U thương bà mẹ như thương chính u. U vẫn lẩm bẩm tự nói với mình: hóa có con cũng chẳng sung sướng gì, có khi còn khổ thêm là khác. Dù vậy u vẫn buồn về đường chồng con của u chẳng ra làm sao. Vì thế u thương Dũng gấp bội. U không hiểu nổi tại sao bà mẹ đã bắt Nhân phải lấy một người vợ mà Nhân không muốn, bà đã từ chối những rộng rãi, hiểu biết, bao dung để dùng quyền cha mẹ trong việc gây dựng gia đình cho con. Bà đã vướng một lầm lẫn khi hối hận không kịp nữa. Nhân là một người bay nhảy, không yên phận, muốn tự lập trong đời sống khác hẳn với những người cùng một lứa tuổi, một người như thế mà bà mẹ lại bắt nghe theo bà trong việc đặt đâu ngồi đấy. Cuộc tình duyên ép buộc đã làm Nhân uất ức bỏ đi sau đó không bao lâu nhưng cũng đủ để lại một bào thai trong bụng mẹ. Tại sao có chuyện kỳ cục như vậy được, u Tám không thể nào hiểu. Dũng sinh ra giữa mối bất hòa của bố mẹ nó. Đó là cái lỗi của bà nó hay của ai? Dù vậy u Tám vẫn oán Nhân, oán vợ Nhân đã bất nhẫn với chính giọt máu sinh ra của họ. Họ không yêu nhau sao còn có con với nhau làm gì. Không yêu nhau sao còn muối mặt ăn nằm với nhau, như vậy chẳng là bẩn thỉu sao. Và đứa con đó tội tình gì phải là một đứa con không được sống với cha mẹ, không được biết thế nào là tình thương yêu, vỗ về, đầm ấm, thế nào là cha là mẹ nuôi dưỡng. Nó sinh ra để không biết bố. Mẹ nó chỉ nuôi nó ít ngày rồi mang trả nó cho bà nội nó nuôi. Hồi đó u đã không ngớt nguyền rủa người đàn bà đó một cách tàn tệ, u gọi là quân súc vật, dã man, trời phật không tha tội chết đường chết chợ… Đẻ con đứt ruột mà ruồng rẫy, dù cho đứa con thế nào đi nữa cũng là con mình. Nhân bỏ đi không bao giờ ngó mặt, coi Dũng không phải là con mình. Và từ đó cũng không nghe thấy tin tức gì cả, không hiểu sống chết ra sao. Người vợ lấy một người chồng khác nghe đâu giàu có lắm nhưng chẳng được bao lâu người chồng chết… Sự thực đó chắc không bao giờ Dũng biết. Có đẹp đẽ sung sướng gì đâu để kể lại, nếu có biết nó sẽ khổ sở biết chừng nào về bố mẹ nó. Bà mẹ nuôi đứa cháu như để chuộc lại một phần nào những lỗi lầm của mình và nó như là con của u Tám. Một đứa con nuôi cưng chiều, nguồn an ủi cho chính số phận hẩm hiu của u. U Tám ôm chặt Dũng vào lòng, u thấy tự hào và mãn nguyện như đã làm được một việc phi thường. U thấy mình đỡ trơ trọi mỗi khi nghĩ tới người chồng đã đuổi u đi khỏi để lấy vợ khác, vì sống với nhau hơn mười năm trời chẳng có một mụn con. Nghĩ đến đời mình u Tám thấy tủi, u cho là tại kiếp trước vụng tu nên phải chịu cực. U yên với số phận hèn mọn của mình. U chỉ mong nhờ cậy vào gia đình này cho đến khi chết đi. U muốn sống lâu để được trông thấy Dũng khá, Dũng sẽ trở thành một người lớn.

Từ hồi bà mẹ lâm bệnh đến nay u càng thương Dũng gấp bội, nó không còn ai vỗ về như trước, nếu bà nó chẳng may mất nó sẽ thiếu một nguồn an ủi lớn, nguồn an ủi đó chắc u không làm sao mang lại cho nó được. Sau nữa quãng ngày về sau của nó sẽ ra làm sao với những ông bác, ông chú, bà cô chừng như chẳng mấy ai thương nó. Nghĩ thế bất giác u ứa nước mắt. Dũng ngó u :

– Sao u khóc vậy? U ghét con sao?

– Không, u thương con chứ.

– Con và u lên bà đi, u có lên không?

U Tám dắt Dũng lên phòng bà nó, Nhẫn đang ngồi bên giường mẹ nghe tiếng động ngửng lên nhìn. Bà mẹ vẫy tay ra hiệu cho Dũng lại gần.

– Lại đây với bà nào, cháu ngoan lắm, cháu không được quấy u nghe không?

– Nó đang đòi lên ngủ với bà đó.

U Tám đi lại phía bàn thu chiếc bát không lên chiếc khay con bưng lên tay.

– Còn cháo nóng bà sơi nữa để con múc.

– Thôi u ạ, u dẹp đi giúp tôi, để cháu nó chơi ở đây một chút, u xuống mà ăn cơm đi. U Tám ra khỏi phòng, bà mẹ nhìn chiếc lưng nhỏ bé lầm lủi với một vẻ nhẫn nhục khôn cùng. Bà mẹ kéo Dũng ngồi gần lại. Nhìn đứa cháu bà nhớ tới bố nó. Với đôi mắt một mí mở lớn cương quyết, vầng trán nhô một cách bướng bỉnh bà thấy nó giống Nhân quá độ. Nhớ lại đứa con làm bà buồn, nó đã đi cùng với lòng oán ghét, bà lấy vợ cho nó là bà lo cho nó thương nó thật bà không thể nào ngờ kết quả lại như thế. Bà vẫn còn thấy đôi mắt của Nhân mở lớn sáng lên một cách hằn học và giọng nói rắn lạnh như thỏi sắt cứng tàn nhẫn: con đã nói với mẹ rồi, nó không thể nào là vợ của con được, mẹ thấy chưa, con lấy nó để làm vui lòng mẹ, nhưng đến bây giờ con thấy rõ rằng nếu không yêu nhau người ta không thể nào chung sống với nhau được dù cho thế nào đi nữa. Nó khác hẳn con. Mẹ muốn con như thế, mẹ muốn con khổ thì con chỉ còn cách bỏ đi để mẹ khỏi khổ vì con không nghe lời mẹ nữa thôi. Con chịu hết nổi rồi. Tại mẹ, nếu còn bố con chắc con không đến nỗi phải khổ thế này. Mẹ thấy thế không – Con muốn nói sao thì nói bây giờ mẹ không biết gì nữa, mẹ mong các con khá ra, mẹ muốn trông thấy gia đình các con và các cháu, nhất nữa con là con lớn trong gia đình. Mẹ muốn có một người cháu. Ai không muốn thế hở con. Mẹ sống được bao lâu nữa… Trong tròng mắt sâu tối nước mắt của bà mẹ đã tràn ra, bà đã khóc về những đứa con, bà khổ sở những điều mà bà không hiểu vì sao bà phải chịu đựng nhiều như thế, chịu đựng không hiểu nguyên do.

– Bà chết cháu có thương bà không?

– Bà không chết, bà ở với cháu. Bà còn phải dẫn cháu đi chùa chứ. U Tám chẳng đưa cháu đi chơi bao giờ cả.

– Tội nghiệp, tội nghiệp cháu của bà quá. Tại bà đau mà. Chú Tuấn, Thạch sắp về rồi cháu có nhiều quà, rồi cháu được đi chơi.

– Các chú ghét cháu lắm.

– Không có, các chú thương cháu chứ, cháu phải ngoan kia.

– Sao mẹ cháu không về với bà, bà đau mà, cả bố cháu nữa?

– Có chứ…

Bà mẹ không muốn nhắc đến nữa, bà muốn quên, không biết bà còn có cơ hội để được nói về bố mẹ nó cho Dũng nghe không, chắc nó biết nó sẽ không yêu bà nữa, sau này nó sẽ biết.

– Sáng mai cháu có đi đón chú Tuấn với cô Nhẫn không?

– Nhưng cô có cho cháu đi không?

– Có chứ. Cô sẽ đưa cháu đi nữa, rồi mua quà, nhớ mang về cho bà nữa nghe.

Dũng ngồi im không nói, nó mân mê bàn tay gầy guộc của người bà, nó sợ không dám nhìn vào đôi mắt sâu quầng, khuôn mặt nhăn nheo những nếp nhăn nhúm, mái tóc bạc trên mặt gối vuông. Nó rùng mình sợ hãi một cách không đâu. Nó thấy lo sợ một cái gì mà chừng như nó linh cảm thấy một cách không rõ ràng trong khối óc non nớt của tuổi thơ. Bà nó, trên khuôn mặt chừng như khác xưa nhiều, nó ngại ngần quay sang phía Nhẫn ngồi đang khóc. Tại sao cô Nhẫn lại khóc? Gian phòng mờ tối trong im lặng bà mẹ nói với Dũng :

– Thôi cháu xuống đi ngủ đi, cả cô Nhẫn nữa.

– Không, cháu ở đây với bà.

– Bà mệt, cháu phải xuống dưới, cháu nghe lời bà không.

Nhẫn đưa tay ra cầm tay Dũng, nó vùng vằng :

– Không, cháu ghét cô lắm.

Nhẫn đứng lặng thinh không nói gì. Bà mẹ ngoảnh mặt vào trong. Dũng một mình tha thủi ra khỏi phòng. Nó muốn khóc lớn.

Mình nói gì vậy, mình nói lớn lên một chút cho tôi nghe. Tôi không nghe rõ gì cả, chừng như ai bịt cả hai tai tôi lại. Đi với mình. Tôi chỉ muốn vậy, tôi muốn từ lâu rồi, trong bao lâu tôi chỉ mong gặp mình mà chẳng thấy đâu. Sao mình thờ ơ với tôi vậy. Gặp mình tôi mừng lắm. Nhưng hãy thong thả một chút, đi đâu phải vội vàng. Mình vào đây một chút đã. Mình hãy việc qua cửa vào trong căn phòng này, căn phòng đáng ghi nhớ, thật tôi không muốn rời khỏi nó một phút một giây nào cho được. Mình hãy vào ngồi nơi mép giường đây, mình hãy cầm lấy tay tôi để cùng nhớ lại những ngày êm đềm chúng ta đã sống. Tôi không thể nào quên được. Mình quên rồi sao. Vào đây đã rồi tôi cùng đi, không vội gì. Mình hãy nán lại một chút. Sao, mình nói sao. Có người theo mình. Không đợi được à. Một chút thôi. Người ta không cho. Sao vậy. Mình nói lớn lên tôi nghe. Tại sao người ta lại không cho, tại sao lại giữ mình một cách vô lý như thế được.

Mình không được tự do sao. Ai giữ mình, ai giam cầm mình. Chẳng lẽ người ta lại… mà làm gì có người ta… Không phải… không phải ai… ai… Tôi muốn nhìn thấy mặt họ một chút. Họ còn phải giấu mặt đi hay sao. Những quân tàn ác đó… Khoan, chưa thể đi được, tôi không thể đi được. Người ta muốn bắt tôi à. Dễ chừng tôi phải xuống địa ngục sao.

Còn mình… còn mình thì ra sao. Ở đâu. Dù ở đâu thì tôi cũng theo mình. Có lẽ tôi phải xuống địa ngục. Mình có biết nơi ấy không, hay mình ở đó vậy, mình nói cho tôi nghe đi. Nơi địa ngục ra làm sao, ở đó chính xưa kia Mục Liên nhờ đạo – nhãn của Phật cho đã nhìn thấy mẹ mình bị đày ải, chịu khổ hình. Nếu các con tôi được đạo nhãn xem xét âm phủ thì chúng sẽ thấy tôi ra làm sao nhỉ… Chắc sẽ thấy tôi sinh vào đạo ngã quỷ, tôi có nhiều tội ác không sao có thể lường được ở kiếp trước. Đến ở trần gian tôi còn phải khổ sở như thế này thì ở địa ngục còn phải khổ biết bao nhiêu. Mình biết chứ, mình biết nơi ấy chứ. Nơi Mục Liên nhìn thấy mẹ mình không được ăn uống, da bọc xương, nhiều tội đến độ Mục Liên thương mẹ đem bát cơm dâng lên, bà mẹ tay trái che bát, tay mặt bốc cơm, cơm chưa tới miệng đã hóa thành than lửa, dâng nước lên thành đồ xú uế, dâng trái lên thành đá khô cứng. Mục Liên thấy vậy kêu khóc thảm thiết và được Phật chỉ cho cứu mẹ… Nhưng mình thấy đó, các con chắc thấy tôi chúng nó sẽ làm ngơ như thấy người lạ không quen biết. Có khi còn lấy làm vừa lòng là khác: chúng đã oán tôi biết chừng nào cho hết? Chừng như chúng cho rằng tất cả những khổ sở ngày này chúng hứng chịu đều do tôi, tại tôi mà có… Dù vậy tôi chưa đi với mình được. Tôi, tôi phải ở lại với chúng. Tôi muốn khi rứt đi rồi không còn đều gì phải bận tâm lo âu, hay hối hận, … Tôi đi một cách bình thản yên tâm… Mình hãy vào đây, ngồi xuống đây với tôi, ở lại đây chờ các con trở về họp mặt, tôi muốn chia một chút gia tài cho chúng nó làm vốn, một chút gia tài mà bất cứ bà mẹ nào chắc cũng đã dành dụm để lại trong đời. Mình hãy nói với tôi một vài tiếng, mình muốn cho chúng nó thế nào, trong gia tài này có một phần sức lực của chính mình.

Đứa nào đáng hưởng nhiều, đứa nào hưởng ít. Chia làm cho công bằng. Mình hãy tỏ ý cho tôi yên tâm rằng dù sao mình vẫn yêu tôi. Sao trông mình buồn thảm làm vậy. Còn buồn làm chi nữa. Ý mình vẫn chưa toại? Tôi biết thế. Chắc trong chúng ta chẳng ai được toại hết khi đã nhận là một người ở trên trần gian hẹp hòi này. Ai đã giết mình. Người ta đã hành hạ mình ra sao. Người ta đã khoan qua tim mình bằng một cái dùi sắc nung đỏ? Phải không? Cái gì, cái gì, mình nói lớn lên cho tôi nghe, mình nói lớn lên cho tôi nghe. Ai đang bịt tai tôi. Mình đã phải chết một không toại nguyện? Như thế là xong, là hết, mình chẳng nên oán hận làm gì. Có là chi đâu trong những chớp mắt mờ ảo. Mình muốn làm một cái gì nữa.

Tôi thì khác. Tôi ở lại, tôi phải ở lại không cưỡng được. Tôi không có quyền chết. Các con tôi và các cháu tôi, mình thấy đó. Tôi phải ở lại chưa biết đến bao giờ, tôi muốn ở lại mãi mãi. Tôi còn muốn nhìn thấy tương lai chúng, tương lai chúng cũng là tương lai của đời tôi. Tôi muốn trông thấy chúng không còn thù oán tôi, không thù oán lẫn nhau, chúng phải biết thế nào là yêu thương đùm bọc, chúng sẽ hiểu những hành động của tôi. Tôi ở lại vì thế. Chúng sẽ hiểu tôi sống vì chúng, cho chúng, còn nếu riêng phần tôi thì tôi đã hủy hoại thân tôi đi từ lâu rồi. Nhưng liệu tôi có được toại nguyện không. Các con tôi có hiểu như thế không và chúng có thấy là chúng phải thương yêu nhau không, nếu không đời chúng còn có ra gì nữa. Giữa bao nhiêu thù hận, thành kiến, lầm lạc, độc ác, ghen ghét, lang sói… những đen tối sâu thẳm vây bủa nhằng nhịt không có máu mủ yêu thương chúng lấy gì để chống đỡ. Tôi tin nơi đáy lòng chúng, nơi đáy lòng mỗi con người, nơi góc kín của con tim còn tiềm ẩn một cái gì mà lâu nay bị bỏ quên, bị ruồng rẫy, hăm dọa, lấn át, dồn chứa tưởng như mất tăm vì không khí nhiễm độc sôi lửa… Tôi tin tôi mở được cho các con tôi nhìn ra nhau. Tôi tin những tốt đẹp vẫn còn nơi mọi người…

Kìa mình, mình giận tôi sao, tôi chưa thể nào đi được, vì chính các con của mình nữa. Mình nói cho tôi nghe đi, ít ra mình cũng nói một tiếng để tôi con tin là mình không giận tôi, mình hiểu tôi, gánh nặng tôi chịu đựng đã quá nhiều rồi đừng chất thêm gì lên nữa, mình hãy ghé vai chịu đỡ tôi một chút. Mình đừng bắt tôi đi bây giờ. Hãy chờ tôi ít lâu nữa, mình hãy ghé vai chịu đỡ tôi một chút. Mình đừng bắt tôi đi bây giờ. Hãy chờ tôi ít lâu nữa. Kìa mình, đừng nhìn tôi với con mắt đó, mình hãy nhìn tôi với con mắt hồi tôi đã bỏ nhà theo mình, con mắt những người yêu nhau, mình nói đi, mình nói một câu thôi, tôi chờ, tôi chờ… Sao mình tàn nhẫn với tôi làm vậy, mình còn như thế trách gì những người khác, những con tôi… Mình, đến nỗi nào mà tôi phải chịu những đối đãi như vậy. Thế nào tôi cũng đi với mình. Mình chờ tôi… chờ tôi… Sao mình lặng thinh quay đi như vậy được… Chờ tôi… Chờ tôi mình ơi…

Phần IV

Tuấn đứng ở cuối toa tàu nhìn lại cánh tay vẫy yếu ớt xa dần, khuất dần rồi mờ đi, tan đi trong vùng ánh nắng vàng yếu, nhớp nháp, ẩm ướt. Tuấn nhìn sâu vào vùng đó cố gắng tìm gặp, ghi nhớ. Ở đó bàn tay vẫn vẫy theo, bàn tay sáng trắng tuyệt vọng yếu ớt như một ngọn cỏ may lả xuống dần, như cánh lan trắng héo trong vùng bóng tối sân ga. Ở đó phải chăng một quá khứ, một trôi qua không trở lại nữa. Ở đó một cổ tích thần diệu mông lung những mộng tưởng đã tan rã, mất hút.

Tiếng nói của Vân cất lên – Anh vẫn bảo quên quá khứ đi mà sống, nhưng quá khứ, chính quá khứ nặng nề giấu kín của anh đã làm anh chẳng sống được gì. Anh ru anh vào ngày cũ những khổ sở nhiều hơn sung sướng, anh khép kín thảm kịch cho một mình anh là diễn viên và khán giả. Anh kiêu ngạo và tự phụ về những khổ sở anh đã hứng chịu. Và em, một kẻ phụ diễn đứng ngoài cổng rạp nghe tiếng vọng của thảm kịch. Tiếng vọng âm thầm thê thiết xoáy em vào một thế giới bi đát, nặng nề chất đầy những bóng tối ma quái, thú dữ. Em muốn vùng vẫy mang anh ra, nhưng anh không những không theo em, anh còn tự đóng gông buộc xích giữ anh lại, và có phải là em đã hoàn toàn bất lực rồi không, nếu thế, anh hãy cười đi, anh hãy cười thật lớn, thật mãn nguyện, tiếng cười như những viên sỏi khô anh vẫn thường cất lên một cách chua chát tự phụ đó. Và em đối với anh cũng chỉ là một nhân vật anh đã mang vào quá khứ hay là phủ lên hình ảnh của quá khứ để cho anh nhớ và sống. Hơn thế nữa, em cũng là một nhân vật thời gian. Chẳng phải là trước đây anh đã từng yêu, yêu say đắm những người con gái khác, em biết họ, như Quỳnh, như Thúy, như Sly và ai nữa… mỗi người đó anh thấy một phần nào dấu tích quá khứ anh… Anh chẳng yêu ai với mối tình đằm thắm của chính trái tim anh. Sao lại thế? Tuổi anh còn thanh xuân mà sao tim anh đã chừng như nguội lạnh. Những hình ảnh anh tạo ra không được bao lâu vì dần dần anh nhìn thấy ở họ những sự thật, đó không phải là hình ảnh anh tìm kiếm, họ là cái thực tế tương đối, còn hình ảnh của anh từ trong một thực tế của quá khứ đã ma quái ảo ảnh đi rồi. Anh xa họ không nuối tiếc. Anh bỏ họ lại với nỗi tuyệt vọng thường tình của tuổi trẻ bồng bột yêu thương chỉ biết dâng hiến mình cho người khác, nhưng họ đã lầm lẫn và anh khước từ… Chính em, em hiểu điều đó, nhưng không biết một ma lực nào cuốn hút em yêu anh không sao cưỡng lại được. Lý trí vẫn nhắc thầm bên tai: hắn không yêu đâu, hắn sắp ngoảnh mặt đi đó. Em biết một lúc nào đó anh sẽ rời đi không một lời từ biệt, phân trần. Anh mang anh đi tìm những hình ảnh khác trong con đường tìm kiếm anh vẫn tiếp tục. Đó, anh lại đang khóc với quá khứ đó, anh có khóc cho tình yêu chúng ta bao giờ đâu. Và em, em chỉ là người ngoài.

Chúng ta đã đi với nhau rất nhiều lần, không thể nhớ được. Những hạt cát trên miền biển này có lẽ cũng nhận ra những bàn chân song đôi của chúng ta, nhưng gió cát, sóng biển cũng xóa nó đi luôn, chính nó cũng nhủ thầm bên tai em: không có gì lưu lại cả, lớp cát bồi, những dấu vết tới sau hòa lẫn vào những vết tích sâu đậm. Những kỷ niệm đối với anh là thế.

Mái tóc dài của em, cả nước da trắng, ngón tay dài trắng muốt, những thứ anh bảo là em giống mẹ anh, em muốn cắt bỏ tóc, lột bỏ da, chặt bỏ tay, em chỉ muốn là em thôi. Nó không phải một vang nóng, một gửi gấm lưu trữ những hình ảnh của quá khứ anh. Em không muốn anh trở về. Chẳng phải em không yêu mẹ anh, dù mẹ kế anh đi nữa. Không, anh thử nghĩ xem, em chẳng bao giờ muốn anh nhẹ gánh, muốn bỏ rơi gia đình, muốn chọn người yêu độc thân, điều mà các bạn em thầm ước. Bởi vì ở đó chúng ta được tình yêu thương đùm bọc che chở. Nhất là một bà mẹ yêu thương dạy bảo con cháu. Mẹ anh mất rồi đã chẳng phải là một thiệt thòi cho bất cứ ai là vợ anh sau này sao? Anh thử nghĩ lại xem…

Em biết là anh không yêu em, không yêu em phải không anh. Không bao giờ anh yêu em cả, anh chỉ yêu cái bóng em thấp thoáng trong tâm tưởng mơ hồ của ước vọng. Anh lại cười em rồi. Bao giờ anh cũng chỉ bông đùa vậy thôi, đừng cười cho em khóc tội nghiệp. Nhưng em yêu anh. Mùa hạ đã đi hết. Ngày con gái đã qua. Bây giờ là thời gian sương phủ ở trong lòng một người con gái. Cánh tay dậy thì ngả xuống những mộng tưởng yêu đương thơ mộng dịu ngọt… Chúc anh may mắn, chúc anh quên em… Thôi… Âm vang một giọng nói hút sâu mãi, lánh xa mãi.

Tiếng xe lăn những gào thét. Qua một nhịp cầu. Tuấn thu mình ngồi trong góc tối, nhịp điệu ngất ngư chờn vờn. Mắt sao nhìn. Những điếu thuốc trên môi tàn theo. Trong góc tối người đó ngồi yên rồi thò cánh tay dài thòng ra vỗ lên vai Tuấn: buồn nhỉ, lâu quá mới gặp nhau trông khác hẳn hồi xưa. Anh gầy đi nhiều đấy. Độc hành thì chán lắm. May sao gặp nhau cũng đỡ. Được ngồi với nhau thế này hiếm lắm. Tôi tưởng không còn có dịp để đối diện với nhau nữa. Có lẽ anh quên tôi rồi cũng nên. – Anh ở đâu nhỉ, tôi trông quen lắm, khi buồn có một người ngồi đối diện thì còn gì bằng – Cần gì phải nhớ, bạn cũng có thời, có giai đoạn, mỗi lúc một khác nhất là còn trẻ như tụi mình. Sao cô bạn gái thế nào, cũng đổi khác đó – Người yêu đó – Xin lỗi, tôi tưởng chỉ là bạn thôi. Nhưng người yêu thật hay chỉ bịa ra cho có vậy thôi. Những thứ tình cảm trang trí đời sống cho thêm vui ấy mà, những thảm kịch ở trong lòng là thế đó, anh mà cũng có người yêu thì lạ thật đó. Tôi không ngờ – Vậy chứ anh tưởng tôi không phải là người nữa sao – Đâu có, bởi vì tôi trông mặt anh thấy nó cứ làm sao ấy… – Làm sao ấy là thế nào, tôi không hiểu – Tôi nghĩ người con trai có người yêu phải khác, ít ra trông cũng không đến nỗi như người sắp lên máy chém hay vào địa ngục. Anh còn trẻ như tôi vậy mà sao trán anh nhăn nhúm, đôi mắt nặng trĩu những bóng tối lo phiền. Tôi khác hẳn anh về điều đó. Tôi đã phải lẩn tránh anh không biết từ bao giờ, có nhiều lần tôi muốn gặp anh, nhưng cứ trông thấy anh và nhiều người khác với những bộ mặt, nét nhìn, dáng dấp, hơi thở chừng như xua đuổi tôi tới gần đùa nghịch vui chơi, cái thuở xưa của anh đó, anh có thấy thế không – Làm sao khác được – Tàu đang ở quãng cát khô đấy, anh có thấy ánh lửa ở ngoài cửa kia không. Ngọn lửa từ một đỉnh núi cao nào đó, chắc người Thượng đốt rừng để làm rẫy, bây giờ chúng ta có phương diện tới đó, anh có nhớ những đêm lửa trại khi xưa không, vui quá đi, lửa cháy bập bùng ấm áp, chúng ta dắt tay nhau quây quần nhảy múa ca hát mong đêm không tàn, rồi trong những giấc mơ chúng ta thấy những nàng tiên mang đôi cánh trắng về rắc hoa xuống… Anh có thấy lửa ở trên núi cao kia không. Trông như lửa trời – Lửa trời, lửa trời thật sao – Nói chơi vậy, mà biết đâu không phải là lửa trời – Tôi sợ lắm, đời tôi đã biết và lớn lên trong vòng lửa đó khôn cùng, lửa trời, phải rồi, chính đó, lửa đỏ chưa tắt, vẫn chưa tắt… người ta đã gây nên lửa, bây giờ cả trời nữa sao, như vậy chúng ta còn biết đường nào mà chạy cho thoát được. Để tôi khép cánh cửa lại, hướng xe chạy có bỏ vùng đó không hay chúng ta sẽ đi chính vào nơi đó – Để mà nhìn một chút không chết chóc gì đâu, người ta sống nhăn cả ra, ăn thua gì, sao anh phải khổ sở làm vậy, anh ôm đầu, anh ôm mặt làm gì, vả nó cũng còn ở xa, đến ngay gì được, nó đến tôi còn ngồi chịu ra than à – Nhắm mắt lại tôi vẫn trông thấy lửa… Chung quanh tôi lửa đã lan ra vây bủa cả rồi… Cứu tôi với… lửa đang lại gần, và mặt chúng ta sắp bị đốt cháy… anh hãy ngó xem lửa đang lan ra kia, anh hãy nhìn… trong bóng tối sâu đặc một đốm lửa lóe lên mới đầu bằng một hạt gạo rồi cao lên, rộng ra. Một bề lửa rực sáng. Tiếng kêu khởi đầu từ những âm thanh thầm thì rồi phóng lớn lên những gào thét, điên cuồng, hỗn độn, đổ vỡ… Trời đất ơi, người ta đốt nhà, đốt xóm, đốt làng… trời đất thiện địa ơi… bịt mồm con mẹ nó lại, đánh chết nó đi chứ kêu gào trời đất gì… chúng nó đốt, chúng nó đốt, chúng nó đốt nhà cửa sản nghiệp, cả bàn thờ ông bà ông vải… trời đất ơi cứu tôi với, cứu tôi với, con tôi chết thiêu trong lửa rồi… mẹ tôi không chạy được… đứa nhỏ còn ngủ trong buồng… cứu tôi với… bắn bỏ mẹ nó đi… trời ơi… vứt nó vào trong đó cho nó kêu một thể, chết thêm cho rộng đường… đi nhanh lên, giặc nó đến nơi rồi… bỏ đi hết… còn người còn của… trời ơi nhà cửa như vậy mà chúng nói đang tay đốt, chúng nó có nhà cửa đâu mà không đốt nhà thiên hạ, rồi khi về lấy gì mà chui… này có im mồm không lại chết mất xác bây giờ… đi nhưng đi đâu, rừng thiêng nước độc… lửa chát thế nhà tôi rồi, lửa cháy cả tổng rồi… mà góc nào, phía nào cũng chỉ có lửa, chạy đi đâu… chạy lên trời, lửa trời, lửa lên đến trời rồi, còn biết đi đường nào, còn biết chạy đường nào… đạn bay rồi đó chạy đi… loạn loạn, loạn thật rồi bà con ạ, thôi thì nhắm mắt đưa chân, còn người còn ta chẳng lẽ chết cả… nhưng khổ lắm… Tây, Tàu, Nhật… rồi bây giờ là gì… là loạn… Cả phải nước mắt cho riêng một người nào, mà dù cho nước mắt của tất cả cũng chẳng tưới tắt được nữa. Lửa đã bốc lên rồi, loạn mà, loạn thật mà… – Kìa anh, anh mà cũng còn khóc được à, làm một thằng con trai mà khóc, hóa ra anh cũng còn nước mắt để khóc, còn nước mắt là con hạnh phúc, còn tuổi thơ – Hạnh phúc vẫn có nhưng tôi không được biết tới bóng dáng hay mặt mũi ra sao. Chính lửa đã thiêu đốt. Không biết hạnh phúc đã bị thiêu hay tôi bị đốt cháy đui mù không nhìn ra hạnh phúc trong đời. Tôi như như một thân củi khô, như một trái tươi đã úa héo, như nhánh sông không còn nước nguồn – Tôi biết thế, nhưng có lẽ tại anh làm ra thế, có ai bắt anh đâu – Chính anh có hạnh phúc à – Có chứ, tôi có tất cả hạnh phúc. Tôi bằng lòng với đời sống. Anh cũng có hạnh phúc hiện diện trong những nơi đó hay sao. Anh thấy thế nào – Chính vậy đó, tôi cũng nghĩ như thế. Nhưng tôi có gì đâu, chẳng có hơi một cái gì. Tôi như một tế bào bị rách khỏi thân thể, như thân cây bị bứng gốc khỏi rừng, như viên đá kênh khỏi núi, như kẻ lưu đày không có quê hương. Tôi ở bên kia một dòng sông những mờ ám đen tối mịt mùng, những sương khói oán trách, đói khát, cơ cực, phẫn uất, xa lạ, thiên tai, cách biệt… Tôi bị chặt khúc khỏi những liên lạc. Tôi muốn thế đâu? Ai làm vậy? Chắc không ai làm vậy. Chúng ta bỗng nhiên bị đặt trước những lạ mặt ngơ ngác – Chúng ta thiếu tình thương – Có thể, nhưng cái đó làm sao chúng ta tự tạo ra được, cái hố sâu, điểm hụt khuyết trong lòng người sao làm đầy cho được. Anh từ giã người yêu để đi đâu vậy, hay đi tìm tình yêu mới – Tôi về với gia đình đây, tôi muốn cười một chút, xin lỗi anh, cười vì hai tiếng gia đình tôi vừa nói tới đó. Gia đình là thế nào anh nhỉ? Đó có phải là nơi có yêu thương xum họp tình máu mủ chia sẻ hạnh phúc cùng tai họa, nơi đó những tổ tiên đã khuất được tưởng niệm nhớ ơn, có ông bà cha mẹ anh em, như thế làm gì tôi có gia đình. Tổ tiên ai chẳng có nhưng ai nhắc nhở với tôi, ông bà cha mẹ tôi không còn ai, cả đến mái nhà nơi những kỷ niệm của người chết để lại cũng không còn. Những quý giá thiêng liêng tôi không được biết. Gia đình tôi nói với anh chỉ là gia đình của dì ghẻ tôi, ở đó tôi có một người em cùng cha khác mẹ, một người cháu, đó là những người còn có chút liên lạc máu mủ với tôi, còn thì không. Nhưng dù vậy tôi vẫn trở về, tôi tự cho tôi có những ràng buộc, bởi vì ở chính đó tôi đã lớn lên với những đau khổ, không tình thương. Tôi sống lên giữa không khí ngột ngạt lơ láo ruồng rẫy với một ông bố bạc nhược, một người dì cay nghiệt và những đứa em nhỏ mọn. Tôi cố gắng ở đấy và mong được yêu thương, mong những liên lạc. Nhưng tôi không chịu đựng được lâu, mười năm trời cũng đã quá lắm, sau chót tôi bỏ đi. Tại tôi. Tại tôi cả thì không thể có được, quá lắm một phần nào do hoàn cảnh làm tôi như thế. Từ khi mẹ chết, tôi rỗng đi một góc trong tâm hồn cái góc đó không được hàn gắn mà còn bị soi mòn thêm vì bố tôi. Đừng vội nghĩ tôi muốn kết tội ông. Tôi thương và hiểu vì sao ông lại thế. Tôi hiểu nguyên nhân vì sao ông đã hành động trong sự lúng túng, quanh quẩn, đó là hành động của người mất nước thời nô lệ. Thứ hành động của người có học thức bất lực trong hành động chính nghĩa, tư tưởng tù túng trong vòng giam hãm của xiềng xích không phá vỡ ra được nên uất ức, nhỏ mọn trong thực tế… Khi mẹ tôi mất ông không có mặt ở nhà, chừng như ông hoạt động cho một đảng cách mạng nào đó ở chiến khu, đảng đó bị thanh toán khi Việt Minh nắm chính quyền, ông chỉ còn đủ sức bỏ chạy về tép miệng thở dài, ông im lặng sống như một cái bóng trong sinh hoạt, ông giả bộ câm điếc cho không ai để tâm tới. Những xáo động trong làng nước những ngày đó thật khủng khiếp, thật chẳng ai muốn nhớ làm gì… Mẹ tôi chết. Tôi sống với dì ghẻ… Tôi không muốn nhớ những chuyện đó nữa. Chị tôi không sao chịu đựng nổi đã lén lút đi lại với một người đàn ông cho có mang để thoát đi. Tôi ở lại và khóc nhớ mẹ tôi… nhẫn nhục sống mong người khác hiểu mình. Rồi chiến tranh, lửa đạn cứ cuồng lên mãi, bố tôi bị bắn chết, tôi khổ thêm… Anh đừng tưởng là tôi không yêu thương mẹ ghẻ và các em. Thực họ không cho yêu thương họ thì đúng hơn. Tôi thu thân lại, khép kín và chịu đựng.

Tôi tự ý cho tôi như một con vật đã bị cạo sạch lông lá, tay chân bị trói chặt, được xiềng vào một cây tre hơ vào đống lửa đỏ dâng lên trong một cuộc tế thần. Tôi im lặng hứng chịu. Số phận tôi đã được nướng chín lên vàng nghệch thơm phức ngon lành. Đó là cuộc thiêu đốt hạnh phúc cho đau khổ ngự trị. Bao nhiêu hạnh phúc đã bị đốt cháy hun lửa.

Bao nhiêu số phận đã được định đặt trong hẩm hiu từ những năm đã trải qua khởi từ chiến tranh. Chính là chiến tranh đã khởi đầu, những tranh cướp giành giật thù oán reo cười trong lửa đỏ một vẻ đắc thắng hãi hùng. Cho nên tôi cô đơn lạ mặt với đời sống.

Anh đừng buồn, chắc đời anh sung sướng, tôi mong anh không phải đi với tôi trên con đường khổ sở. – Tàu đến ven rừng, tới biển rồi – Thế à, tôi vừa ở biển mà về đây – Bỏ biển hay bỏ tình yêu? Không biết có thật thế không – Sao lại không biết? – Tôi cũng không hiểu được. Có người đã bảo tôi là kẻ sát nhân – Anh đã dám giết người rồi sao? – Tôi đã cầm chắc một con dao nơi tay, tôi đứng nấp trong một góc tối nơi hò hẹn của ma quỷ cùng tội ác, tôi chờ giết một người… Chỉ chờ khi hắn vừa bước tới là tôi túm lấy ngực, vật ngã nó xuống, cắt lấy đầu rồi tôi rạch một nhát từ cuống họng xuống tới xương cụt, tôi phanh bụng ra, moi lấy tim… tôi chờ mãi cho tới khi có một cái bóng vừa xuất hiện ngơ ngác, tôi túm lấy, nó không cử động, kháng cự, kêu la, vùng vẫy gì hết. Tôi đâm một nhát thấu tim, khi nhìn vào mặt nó tôi mới nhận ra là tôi giết tôi… Tôi la lên, tôi kêu gọi tình yêu, tôi van vỉ tình yêu, kẻ nhân danh đó xuất hiện… Ngày nay trước mắt chúng ta, những người sống đã nhìn nhau với con mắt người chết, anh có thấy sương khói mù mờ, ma quái huyền hoặc trước mắt chúng ta không? Tôi cảm thấy nó một cách ngột ngạt nặng nề. Cái gì thế anh nhỉ? Chính nó làm chúng ta không nhìn thấy mặt nhau, và còn chính chúng ta cũng không nhìn rõ mặt mình. Chúng ta bị vứt vào trong sự mù tối mê hoặc để lần mò tìm kiếm, để men dần tới cõi chết. Tôi muốn yêu thương mang tôi ra khỏi vùng tuyệt vọng đó…

Bao nhiêu năm trời tôi tìm kiếm, cuộc độc hành mù mịt vẫn chưa thấy kẻ nhân danh ra mặt, xưng tên… Tôi chỉ thấy tôi trơ ra như gỗ đá sù sì, khô khan, gai góc, gớm ghiếc… Hay chính tại cái Tôi. Tôi kêu gọi tìm kiếm một ẩn danh trong vùng bóng tối sâu hút, nơi chúng ta lạ mặt – Anh hãy nói với tôi về cái gì đó – Đó chính là tình thương. – Phải rồi đó, chính anh thiếu cái đó, và vì vậy anh giết tôi, không phải anh giết anh đâu. Nhưng tôi bình phục rồi. Thế anh không nhận ra tôi sao? Người ngồi trước mặt Tuấn đứng lên quay mặt và bước đi. Tuấn gọi lớn :

– Kìa anh bạn, anh bạn…

Tuấn mở mắt ra khỏi giấc mơ. Tàu đang thét còi qua một khúc quanh… Toa tàu nghiêng xô Tuấn gần ngã. Tiếng léo xéo từ toa hàng ăn làm Tuấn để ý và ra khỏi chỗ ngồi, Tuấn đứng nơi quầy gọi một ly cà phê, gió thổi mạnh, bóng tối chạy đuổi ngoài trời… Chàng đưa mắt nhìn đám hành khách nằm ngồi ngổn ngang trong toa một cách bình thản vô tư. Một người đàn bà xô cửa từ phía đầu toa mang theo một trận gió mạnh cuốn tung :

– Trời đất quỷ thần ơi, tàu sắp lăn xuống vực rồi, này, này chúng bây ơi, lũ ngu xuẩn, lũ bò cái, đĩ ngựa…

Mụ ta la thét om xòm làm náo động cả toa, một số người dở ngủ, dở thức hoảng hốt.

– Cái gì đó, tàu đổ thực à?

– Đổ rồi à, trời ơi…

Mụ đàn bà cười ngặt nghẽo một cách khoái trá, mụ nhìn thô lỗ vào mặt ông già.

– Chết rồi, chết rồi, thằng chồng già chưa biết sự đời khốn nạn của em ơi, em yêu anh rụng cả cái xương sườn…

– Thôi đi mụ ơi, lại say rồi đó, yên cho khách người ta nghỉ chứ, ông xếp ông ấy lại cho chui cầu tiêu bây giờ.

– Ai, cái thằng nó ngủ với tao mỗi tối ấy à… trời đất ơi, trời đất ơi, người ta giết tôi.

Mụ đàn bà lăn ra kêu hừ hừ, người bán hàng kể: Mụ ta điên từ hồi bị năm sáu thằng vô lại thay phiên nhau hãm hiếp mụ ở trên tàu, mụ cứ leo tàu đi tìm chúng nó.

– Mấy giờ rồi ông?

– Hai giờ, hai giờ sáng. Tới ga rồi.

– Ga gì ông?

Người bán hàng chừng không nghe thấy. Bỗng một tiếng hét ré lên, một người đàn ông ở nơi cửa sổ dơ lên một cánh tay gãy gập, máu me đầm đìa :

– Sao vậy? Sao vậy?

– Bỏ tay ra ngoài cửa sổ à?…

– Tụi cướp chặt tay sao?

Cả toa tàu xôn xao những câu hỏi, bàn tán, tiếng khóc, tiếng kêu, tiếng chuông cấp cứu reo lên hốt hoảng, náo động. Tuấn muốn lao đầu ra khỏi toa tàu, Tuấn rùng mình nhìn máu me trên người nạn nhân. Tuấn ngồi vào chỗ cũ nghe tiếng động kêu réo.

Mình sẽ bước chân xuống và cười hay khóc…

Tuấn nhìn bức tường xám rùng mình. Chính bức tường xám ấy đã ám ảnh chàng không biết bao nhiêu lâu. Khi bỏ đi chàng tưởng bức tường ấy đã không còn nữa, chàng đã thoát ra, nhưng lớn lên, chung sống giữa đám đông, giữa sự thật chàng lại cảm thấy như có một bức tường khác, một bức tường cũng màu xám nhưng nó chắc quá, cao quá chàng thấy khó vượt được, hay chính bức tường cũ đã được mang ra đó. Chàng đã nhủ thầm bên tay người yêu: có lẽ nhờ đôi cánh của tình yêu anh sẽ bay qua được. Nhưng dù có tình yêu bức tường vẫn cao sừng sững và một tiếng nói ở đâu đó lại vang lên trong óc chàng: đôi cánh của chúng ta là một đôi cánh bằng sáp được ráp lại bởi ước muốn, và hy vọng. Nhưng đôi cánh đó không phải là đôi cánh trắng bạc của tình yêu, của hạnh phúc, của may mắn – mà đó chỉ là đôi cánh quạ đen, của con cú nâu, con cắt xám… Những đau khổ, bất hạnh, thù oán cho nên dù được ráp lại thành đôi cánh cũng không đủ sức cất lên vì nặng nề. Cho dù cố gắng giả tạo cất được lên ánh sáng của sự thật cũng làm đôi cánh ước vọng rã tan thành nước và thân xác nặng nề của chúng ta vẫn trơ ra và rụng xuống.

Tuấn ngồi rũ rợi nhắm đôi mắt không muốn nghĩ gì nữa. Tiếng bước chân vào ở phía sau rồi dừng lại :

– Mày còn vác mặt về cái nhà này làm gì nữa. Tiếng Thạch nói như một mũi dao nhọn kề vào gáy Tuấn. Một cảm giác ớn lạnh chạy từ cổ xuống chân. Chàng ngồi yên, mắt nhìn xuống bàn tay mình mở dưới lòng. Chàng yên tâm sau khi nghe tiếng Thạch nói. Chàng thấy những tiếng động trôi lờ đờ tới bức tường xám rồi quay lại quanh co rồn rập và trở thành những mũi tên bằng bún ước nhều nhệu tới dính quanh người chàng. Không khí yên lặng đứng im.

Thạch muốn bước thêm một bước đủ cho chàng đưa hai tay ra chẹt lấy cổ Tuấn. Nhưng không khí như khô đặc lại làm chân chàng không đủ sức cử động. Chàng nhìn vào miếng da cổ trắng của Tuấn và hình dáng Tuấn ngồi yên không nhúc nhích. Sự yên lặng vây quanh. Cả hai người đều nghe thấy tiếng bà mẹ nói chuyện với Nhược ở trong phòng, những âm thanh nhỏ và nhẹ lên tiếp nhau không rõ ràng.

– Mày tưởng mày cao thượng lắm sao, mày không đi khỏi rồi đừng trách.

– Anh giết tôi là cùng chứ gì.

– Tao không anh em với mày? Mày không có chút liên lạc gì với gia đình này cả.

– A, thì vậy đó. Quyền của anh là để nói như vậy, còn quyền của tôi là ngồi ở đây. Anh có sức anh cứ giết tôi.

– Giết mày làm gì cho bẩn tay. Có hơi để giết mày tao đã giết khối thằng. Nhưng để nguyên chúng mày cũng chết, chết một cách thảm thương vì đào thải.

– Dù thế tôi còn sức để về đây.

– Tao lạ gì, mày về là cốt đòi chia cái gia tài này rồi mang nó bán để ăn chơi trụy lạc. Tàn rồi, tàn rồi, bởi tao biết quá. Mày có biết cái gia tài này của ai không?

– Của mẹ.

– Không.

– Thì dễ của bố anh.

– Cũng không phải.

– Của anh chắc. Tôi muốn được cười một chút. Gia tài này là của mẹ, hiện thời là của mẹ, trong đó có một phần của tôi, của các em và của anh. Không ai được độc quyền về gia tài này. Tôi nói cho anh biết vậy.

– Không phải của mẹ, cũng không phải của tao, không phải của ai hết. Nó là của những người khác, những người đã bị bóc lột, bị hà hiếp. Mồ hôi nước mắt của những người nghèo khổ mà bố mẹ đã lợi dụng để dựng lên.

– Thế còn cái thân anh, có lẽ cũng là mồ hôi nước mắt của người nghèo khổ nữa. Hay, hay lắm. Tiếng nói của Tuấn kéo dài những tiếng nhọn, chàng đưa hai tay nắm lấy nhau. Chàng muốn đứng dậy nhưng cố dằn xuống. Chàng cúi khom, chiếc lưng gầy cong.

Chàng dí chân xuống đất làm thành từng vết hằn :

– Lúc rời khỏi căn nhà này tôi đã nói ở đây, chính ở giữa những bức tường này, dưới nụ cười của bố anh ở trên bàn trước hờ kia. Cũng như trước mặt mẹ, tôi nói thẳng là nếu tôi bỏ đi chính anh sẽ là người giết mẹ. Anh sẽ theo chân bạn hữu anh mang mẹ ra lên án một cách hăm hở như kết án kẻ thù. Có chi cả đống xương của bố anh nữa. Và tất cả chúng tôi, đàn em của anh, sẽ chẳng bao giờ được anh thương xót. Cũng may các anh chưa nắm được sức mạnh…

Tôi chịu phận tôi như kẻ bạc nhược, nhưng tôi hành động theo lương tâm, cũng vì những nhỏ nhặt đó tôi đã quanh quẩn chịu đựng mười mấy năm trời ở trong căn nhà này. Tôi chịu phận con ghẻ. Tôi chịu phận em. Và tôi chịu như cái thành phần lạc hậu trước anh, nhưng tôi tin tôi hành động đúng và anh sai – hành động của anh không phải là hành động của người… Tôi về đây là bởi sức kêu gọi của thâm tâm, tôi vế để chia sẻ quá khứ, nhớ lại lịch sử xem tại sao tôi đã hành động trong sự quanh quẩn. Tôi về không phải chủ tâm chia xẻ cái gia tài này ra làm từng mảnh để bán cho kẻ lạ, hay cầm cố. Phân xẻ ra rồi nó không còn gia tài của mẹ nữa. Tôi về để nhận là một người con có cha mẹ. Nhận là một người có anh em. Như thế không ai có quyền chia xé cái gia tài này được. Tôi ngồi đây nhận chịu mọi thử thách…

– Mày định lung lạc tao hả? Vô ích. Bởi lẽ gia tài này không dính dáng gì đến mày cũng như những đứa khác. Mẹ chết đi nó là của tao.

– Bây giờ là của mẹ. Đã là của mẹ thì không của riêng ai. Bố anh đã gây dựng nhưng không giữ gìn nó. Mẹ đã sống với bố tôi. Mẹ sống được nhờ nhiều người. Nhờ ngay cả các con của mẹ. Nhưng như anh bảo đâu phải là của bố anh, của mẹ, hay của anh mà của những gì gì kia mà. Những di sản nói cho cùng không phải của riêng ai. Nhưng nó thuộc những ai giữ gìn và bảo vệ nó. Nó kế tiếp lưu truyền, chẳng ai chết còn mang đi được. Anh đừng đứng nhìn tôi như thế. Anh tưởng tôi không nhìn thấy đôi mắt cáu giận của anh sao. Anh cứ ngồi xuống trước mặt tôi. Tôi còn đủ bình tĩnh để nói chuyện với anh.

Thạch ra trước cửa đứng vịn tay lên tường nhìn ra phía ngoài đường, tiếng nói của chàng loãng đi :

– Tao không thèm ngồi với mày, mày nên hiểu vậy.

– Anh tưởng tôi khoái ngồi với anh sao? Ít ra chúng ta cũng đã sống chung với nhau, anh làm sao mặc lòng, anh vẫn có những liên lạc ở đây.

– Không khi nào…

– Anh nói vậy nhưng ý anh chưa chắc đã vậy. Mới đầu tôi tưởng tôi không cần ai, nhưng dần dần tôi nhận ra tôi cần nhiều lắm, cần cả anh. Anh vẫn tự hào sống trong đám đông. Anh đã đi theo họ, anh muốn họ coi anh như người đi cùng đường, chắc anh đã được như ý. Hay chỉ có bề ngoài…

Nguồn: http://vnthuquan.net/truyen/truyen.aspx?tid=2qtqv3m3237nvntn0nvn3n31n343tq83a3q3m3237nvn&cochu=#phandau

Ảnh: Dấu hai bàn tay của nhà văn Dương Nghiễm Mậu do họa sĩ Phan Nguyên thực hiện năm 2010. Nguồn: http://phannguyenartist.blogspot.com/2011/04/duong-nghiem-mau.html

Comments are closed.