VĂN HỌC MIỀN NAM 54-75 (79): DẤU HỎI VÂY QUANH KIẾP NGƯỜI

(VỀ THƠ VŨ HOÀNG CHƯƠNG)

VHC4Thích Nhất Hạnh

Có một bài thơ của Vũ Hoàng Chương có lẽ ít người biết đến. Đây là một trong những bài thất ngôn tứ tuyệt.

“Dấu hỏi vây quanh trọn kiếp người

Sên bò nát óc máu thầm rơi

Chiều nay một dấu than buông dứt

Đinh đóng vào săng tiếng trả lời.”

Người miền Nam và miền Trung có lẽ chưa biết chữ “săng” này. Săng có nghĩa là hòm, là cái quan tài. “Dấu hỏi vây quanh trọn kiếp người” Nếu là con người thì có tư duy. Ở Tây phương, người ta thường ví con người là cây sậy biết suy tư. Cây sậy rất yếu đuối, dễ bị tai nạn, dễ bệnh, dễ chết nhưng nó có khả năng tư duy. Trừ  khi ta quá bận rộn lo làm ăn, còn lại ta thường đặt ra những câu hỏi như “ta từ đâu đến?” “Tại sao ta đến đây?” và “Sau này ta sẽ đi về đâu?” Những câu hỏi đó thường ám ảnh ta. Bao nhiêu nhà triết học, bao nhiêu nhà thơ cũng đã từng đặt ra  những câu hỏi như thế, nhưng vì họ làm việc bằng trí năng nên đã không tìm ra được câu trả lời thỏa đáng. Với người có suy tư và biết nhìn sâu thì đặt ra không biết bao nhiêu câu hỏi về thân phận con người. “Hạt bụi nào hóa kiếp thân tôi, để một mai tôi về làm cát bụi?” Rất nhiều những câu hỏi như vậy vây quanh chúng ta. Đi cũng bị chúng vây bủa, đứng cũng bị chúng vây bủa, và nằm ngủ cũng bị chúng bủa vây, vì con người là cây sậy biết tư duy. Những câu hỏi đó là những dấu hỏi  bám vào óc mình như những con sên. Vì theo thi sĩ hình ảnh dấu hỏi là hình ảnh của  những con sên. “Sên bò nát óc”. Trong não bộ của mình có những con sên hình dấu hỏi đang bò đi để tìm hiểu. Đó là hình ảnh của thi ca. Khi làm thơ chúng ta phải mượn hình ảnh chứ không được tuyên bố bằng những danh từ trừu trượng. Ví dụ khi buồn ta nói mây sám giăng trong hồn tôi chứ không được nói tôi buồn, nói tôi buồn thì không phải là thơ.

“Dấu hỏi vây quanh trọn kiếp người

Sên bò nát óc máu thầm rơi”.

Mẫu người tư duy thường đưa ra những câu hỏi rất dễ sợ, trong bộ não ta có những con sên đang bò suốt ngày đêm để tìm kiếm. “Sên bò nát óc máu thầm rơi”, nát óc là không tìm ra được câu trả lời. Đó là vấn đề sống chết của con người. Không phải nước mắt mà là máu, tức là chúng ta đã làm việc quá nhiều. “Máu thầm rơi”. Thấy được nỗi khổ niềm đau của con người, chúng ta muốn biết được sự thật, muốn tìm ra câu trả lời cho kiếp người, nhưng không tìm ra được, điều đó đã trở thành nỗi khổ niềm đau. Nỗi khổ niềm đau không phải chỉ của các nhà triết học, mà là của tất cả chúng ta. Và cứ như vậy mà ta sống hết ngày này qua ngày khác vẫn không tìm ra được câu trả lời cho câu hỏi nát óc đó. Cho đến một ngày kia

“Chiều nay một dấu than buông dứt

Đinh đóng vào săng tiếng trả lời”

Chết rồi nằm trong quan tài nhưng vẫn chưa có câu trả lời. Và dấu than đối lại với dấu hỏi. Dấu than không phải là hình con sên mà là hình của cây đinh đóng vào quan tài của  mình. “Đinh đóng vào săng tiếng trả lời”, xác của mình đã nằm trong quan tài rồi và người ta đã đóng lại. Tiếng “binh, binh” đó là tiếng trả lời. Nói tóm lại là không có tiếng trả lời cho những câu hỏi như vậy. “Tại sao ta có mặt ở đây? Ta từ đâu tới? Ta sẽ đi về đâu? Tại sao ta phải hứng chịu tất cả những hệ lụy của  kiếp người? Tại sao có quá nhiều đau khổ trong một kiếp người?” Và dụng cụ đi tìm câu trả lời cho những câu hỏi đó chỉ là não bộ, là trí năng của mình. Siddhattha ngày xưa cũng đã từng đi tìm và ban đầu Siddhattha đi tìm bằng trí năng. Nhưng sau đó Siddhattha biết rằng không thể đi tới và tìm ra được câu trả lời bằng trí năng nên Siddhattha phải sử dụng cả con người của mình. Khi tu thiền chúng ta phải biết rằng ý thức không đủ để giải quyết vấn đề mà phải dùng cả tàng thức, cả thân và tâm của mình. Cho nên đi tìm câu trả lời bằng con đường của trí năng thì không thể đạt tới được, và cuối cùng chỉ có những cây đinh đóng vào săng mà thôi. Có một bài thơ trong thi phẩm Rừng Phong của Vũ Hoàng Chương là “Bài Ca Siêu Thoát”, nhưng không được siêu thoát lắm vì ông chưa tìm ra được câu trả lời mà cứ hy vọng rằng mình sẽ tìm ra và đã tìm ra.

“Trải mấy hoang mang tìm kiếm

Lòng sao khát mãi chưa vừa”

Đôi lẽ có không mầu nhiệm,

Đêm đêm ta hỏi người xưa”

Tức là ta tư duy về vấn đề hữu thế và vô thế. Đây là đề tài để suy nghĩ, ta thực sự có mặt đây hay  ta đang không có mặt. Hầu hết nhà triết học nào cũng bắt đầu bằng câu hỏi này

“Trải mấy hoang mang tìm kiếm

Lòng sao khát mãi chưa vừa”

Đôi lẽ có không mầu nhiệm,

Đêm đêm ta hỏi người xưa”

Người xưa là những người đã suy tư về vấn đề có và không. Người xưa đã cống hiến kết quả suy tư của mình trên những trang giấy trắng hoặc bằng chữ Hán, hoặc bằng chữ Hy Lạp, chữ La tinh và ta chong đèn lên mỗi đêm để đọc sách triết học, đọc sách người xưa, hy vọng tìm ra được câu trả lời.

“Đôi lẽ có không mầu nhiệm,

Đêm đêm ta hỏi người xưa”

Ban ngày ta bận rộn, ban đêm chong đèn lên để tìm kiếm.

“Đuốc kim cổ, đây lòng ta thành kính

Hội trầm luân cùng ý thức huyền vi

Mà sáu nẻo hôn mê còn chửa định

Ta về đâu, kìa ngươi đến làm chi”.

Đuốc kim cổ là bó đuốc ngày xưa và bây giờ dùng để soi sáng cho mình. Ta sử dụng với tất cả sự thành kính của ta. Cùng thuyền, cùng hội cùng trầm luân với nhau, và cùng có ý thức đi tìm lẽ huyền vi của cuộc đời.

“Mà sáu nẻo hôn mê còn chửa định

Ta về đâu, kìa ngươi đến làm chi”

Sáu nẻo hôn mê ở đây tác giả muốn nói đến sáu đường: thiên, nhân, Atula, địa ngục, ngạ quỷ và súc sanh. Sáu nẻo đều hôn mê hết chưa tìm thấy con đường. Địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh không thấy đã đành mà con người cũng không thấy được con đường. Không những Atula mà chư thiên ở trong tam giới cũng chưa thấy được con đuờng. Ta chưa tìm ra được câu trả lời “ta sẽ đi về đâu” thì ngươi đến để làm chi? Ngươi sinh ra làm chi cho khổ?  Sinh ra làm chi để cho ta phải đặt câu hỏi:

“Tại sao ta phải sinh ra?

Ta sinh ra để làm gì?

Ta sẽ đi về đâu?

Ta về đâu kìa ngươi đến làm chi”

Tức là có đến và đi. Sau khi có vấn đề “hữu và vô” thì có vấn đề khứ lai, đó là những đề tài của triết học. “Mà sáu nẻo hôn mê còn chửa định” chửa tức là chưa “ta về đâu, kìa ngươi đến làm chi”, câu hỏi đặt ra rất rõ ràng. Anh từ đâu tới và tôi sẽ đi về đâu? Tại sao chúng ta  phải có mặt ở đây?

“Phải chăng muôn kiếp nặng nề

Từ hư không tới lại về không hư”

Có phải mình từ hư không tới và mình sẽ trở về hư không hay không? Lần trước chúng ta cũng nghe Trịnh Công Sơn nói tương tự như vậy, mình từ hư không tới rồi mình sẽ trở về hư không. Đó là do mình chưa tiếp xúc được với tuệ giác đạo Bụt. Tuệ giác của đạo Bụt thì không có cái gì từ không mà trở thành có và cũng không có cái gì từ có mà trở thành không. Như đám mây, đám mây không phải từ không mà trở thành có và đám mây cũng không bao giờ từ có mà trở thành không. Vì vậy tuệ giác đạo Bụt vượt thoát Hữu. Nội câu này thôi cũng đã chứng tỏ rằng trong khi viết bài thơ này tác giả chưa tiếp xúc được với nguồn tuệ giác của đạo Bụt,

“Phải chăng muôn kiếp nặng nề

Từ hư không tới lại về không hư

Lẽ nào mộng cả thôi ư,

Người ơi giọt bệ, chứa dư tang điền”

Ruộng dâu biến thành bãi biển. Rồi bãi biển trở thành đất liền. Đất liền trở thành ruộng dâu. Rồi ruộng dâu trở thành bãi biển. Đó là vô thường. Hôm nay thế này, ngày mai thế kia. Hôm nay có, ngày mai không. Hôm nay không, ngày mai có. Có phải là từ không trở thành có? Hôm nay ta có mặt ở đây nghĩa là ta có. Ngày mai ta không có mặt ở đây nữa có phải là từ có trở thành không?

“Sông ôm bóng nguyệt không mà có

Hay có mà không nhỉ gã say?

Người vừa ôm ấp trong tay

Nhạc dợn đêm nào vạn cổ

Sau trước cùng chung niềm tín mộ

Đâu lẽ có chiều qua mà không sáng nay”

Người mình ôm trong tay để khiêu vũ theo tiếng nhạc trên sàn gỗ bây giờ không còn nữa. Có phải sự thật người đó đã từng có mà bây giờ thành không hay không? Đó là câu hỏi được đặt ra nhưng chưa có câu trả lời. Hồi còn trẻ tôi thích đọc thơ, những bài thơ của Thế Lữ, Xuân Diệu, Huy Cận… tôi đã đọc thuộc lòng. Bài thơ “Trước Cảnh Cao Rộng” nói lên tâm trạng của tác giả đứng trên bãi biển nhìn không gian mênh mông, bỗng cảm thấy con người mình quá bé nhỏ và không biết tại sao mình có mặt ở đây. Sự có mặt của một sinh vật nhỏ bé như mình có ý nghĩa gì không?

“Tôi rộng trông ra bốn phía xa khơi

Cảnh mênh mông riêng có một mình tôi

Đang thơ thẩn với nỗi lòng bát ngát

Như kẻ bộ hành ngơ ngác

Lạc vào nơi đồng đất hoang vu

Ta mang theo một khối tình u

Tìm mà chẳng thấy lẽ uyên thâm trong tạo vật

Ngừng bước nản tôi trông mây, trông nước

Trông bầu xanh trong nét mặt u trầm.

Hỏi có nghe thấy tiếng ta chăng

Nghe thấy tiếng một tâm hồn đau khổ

Ta muốn biết lẽ nhiệm mầu trong vũ trụ

Nhưng than ôi, tạo vật vẫn làm thinh

Ngàn muôn năm giữ vẻ mặt vô tình

Và lãnh đạm cao siêu huyền bí”.

Trời đất rất vô tình lãnh đạm, cao siêu huyền bí. Đó là Thế Lữ. Còn Chế lan Viên thì sao? Ghê rợn hơn nữa. “Sao ở đâu mọc lên trong đáy giếng” tưởng tượng tâm hồn mình là một đáy giếng rất sâu, sâu thăm thẳm và có một ngôi sao mọc lên từ đó.

“Sao ở đâu mọc lên trong đáy giếng

Lạnh như hồn u tối vạn yêu ma.

Hồn của ai trú ẩn ở đầu ta

Ý của ai trào lên trong đáy óc

Để bay đi theo tiếng cười nhịp khóc”

Những câu đó rất đau khổ.

“Biết làm sao giữ mãi ta đây

Thịt cứ chiều theo thú dục chua cay

Máu cứ nhảy theo nhịp cuồng kẻ khác

Mắt theo dõi tinh hoa bao màu sắc

Đau đớn thay cho đến cả linh hồn

Cứ đi tìm chán nản với u buồn

Để đỉnh sọ trơ vơ tràn ý thịt

Mà phải đâu đã đến ngày tiêu diệt

Ai bảo dùm ta có có ta không?

Là học trò của Siddhattha chúng ta có cơ hội vì chúng ta biết rằng nếu ta đi tìm bằng con đường năng trí thì chúng ta sẽ thất bại.

“Dấu hỏi vây quanh trọn kiếp người

Sên bò nát óc máu thầm rơi

Chiều nay một dấu than buông dứt

Đinh đóng vào săng tiếng trả lời”

Vì vậy khi đến chùa là ta đã có cơ hội, ta phải tìm cách tiếp xúc cho được phương pháp thực tập, để có thể cung cấp cho mình những câu trả lời, mà đừng đi tìm những tiện nghi nhỏ nhặt. Khi tới chùa nếu được gặp thầy, gặp bạn, thì phải nhớ mục đích mình tới chùa để làm gì. Không phải bỏ thời gian để nói chuyện này, chuyện nọ. Không khí ở chùa là không khí trong đó mình có thể đi tìm  những câu trả lời. Còn nếu mình để thì giờ để nói chuyện kinh tế, chính trị, chuyện công ăn việc làm, chuyện chùa này chùa khác thì uổng lắm. Khi được ngồi với các thầy, các sư cô, các đạo hữu đã tu học lâu hơn mình, thì phải biết lợi dụng các cơ hội đó mà học hỏi các phương pháp quán chiếu để trả lời các câu hỏi kia. Làm sao để có niệm, có định để rồi có tuệ? Vì chỉ có tuệ mới đưa đến câu trả lời, mới giải phóng mình ra khỏi vùng vô minh, hắc ám đã bao phủ mọi người.“Dấu hỏi vây quanh trọn kiếp người” tức là màn vô minh.

Trong thi phẩm Rừng Phong xuất bản tại Sài Gòn năm 1954, có bài thơ “Nguyện cầu” in ở trang đầu tiên, như một bản tuyên ngôn của tác giả. Tập thơ này do Đinh Hùng trình bày, Đinh Hùng cũng là một thi sĩ. Khi đọc bài này ta có thể thấy được tâm trạng của Vũ Hoàng Chương 50 năm trước vẫn chưa thấy được đạo. “Ta còn để lại gì không?” Câu hỏi đặt ra là sau khi chết mình để lại gì cho cuộc đời. Các nhà tư tưởng, các nhà nghệ sĩ, các nhà chính trị muốn để lại sự nghiệp của mình cho đời. Vì người nào cũng có khuynh hướng, có ước muốn đi tìm cái bất tử. Tu theo đạo Lão, người ta muốn làm thế nào để thành trường sinh bất tử, và tu theo đạo Bụt người ta cũng muốn đạt đến cái vô sanh bất diệt. Và câu hỏi “Ta con để lại gì không?”cũng biểu lộ cái khuynh hướng và ước muốn đó.

“Ta còn để lại gì không

Kìa non đá lở, này sông cát bồi”

Núi đá thì lỡ ra mà dòng sông thì cát bồi, có những con sông bị cát bồi dần dần thành dòng sông cạn.

“Lang thang từ độ luân hồi

U minh nẻo trước xa xôi dặm về”.

Tác giả đã sử dụng từ luân hồi của đạo Bụt nhưng thực chất tác giả chưa hiểu được luân hồi là gì, “U minh nẻo trước” tức là mình không thấy rõ con đường trước mặt. Và con đường trở về quê hương đích thực của mình cũng còn rất xa. Cho nên bài “Nguyện cầu” này cũng là một câu hỏi.“Lang thang từ độ luân hồi” có một giai đoạn nào đó mình bị đi luân hồi, trước đó mình rất an lành nhưng vì mắc phải lầm lỗi nào đó nên bị đày xuống trần gian “U minh nẻo trước xa xôi dặm về”, phía trước thì u minh đen tối, phía sau con đường trở về thì mịt mờ, không biết đi đâu. Rất tội nghiệp! “Trông ra bến hoặc bờ mê”, nhìn ra thì thấy toàn là bến bờ mê hoặc, toàn là vô minh, không có gì sáng sủa, không có gì là sự thật cả. Trong danh từ  Phật học chữ “hoặc” có nghĩa là phiền não, đây là từ chuyên môn của đạo Bụt.

“Trông ra bến hoặc bờ mê

Nghìn thu nửa chớp bốn bề một phương

Nghìn thu là nghìn năm, chỉ ngắn bằng nửa cái chớp, rất vô thường! “Nghìn thu nửa chớp bốn bề một phương” nghĩa là tuy nói bốn phương nhưng kỳ thực không đi xa được, nó cũng chỉ là một phương thôi. Điều mà thi sĩ thấy được là tính vô thường của thực tại. Tuy nhiên thi sĩ không đi xa hơn cái thấy vô thường đó, bởi vì trong sự tu học nếu biết đào sâu vào vô thường thì chúng ta mới tìm thấy vô ngã. Nhưng thi sĩ không được ai trao truyền những dụng cụ để đào sâu vào sự thật vô thường. Vì vậy thi sĩ chưa bao giờ khám phá được sự thật vô ngã. Có rất nhiều người nói đến vô thường. Heraclitus cũng nói đến vô thường, và đức Khổng Tử cũng nói đến vô thường. Heraclitus nói: “không ai có thể tắm hai lần dưới một dòng sông”. Đó là vô thường. Dòng sông phút sau không còn là dòng sông của phút trước nữa. Người tắm cũng vậy, người tắm xuống rồi lên lại là đã trở thành người khác rồi. Vì vậy trong câu nói đó chứa đựng tuệ giác vô thường. Còn đức Khổng Tử đứng trên bờ sông nhìn xuống thì than rằng “Cứ chảy mãi như thế này sao, ngày đêm không ngưng nghỉ”. Tức là ngài nói đến sự vô thường. Bụt cũng nói về vô thường, nhưng vô thường của Bụt khác, vô thường của Bụt không phải là lời than thở, mà là một phép quán. Ta phải sử dụng định vô thường, tam muội vô thường như là một dụng cụ, một cái cuốc để đào bới. Vì vậy vô thường không phải để thở than. Vô thường không phải là một triết thuyết, nó không mang tính chất triết học. Vô thường là một dụng cụ, là một phép quán, nhờ dụng cụ vô thường đó mà mình biết đào xới thực tại và nhờ thế mới phát hiện ra viên ngọc Vô ngã. Vô ngã sẽ trở thành một dụng cụ khác để đào xới và làm phát khởi sự thật tương tức, vô sinh bất diệt. Các thi sĩ, các nhà triết gia sử dụng trí năng của họ để suy tư. Nhưng ở đây không phải là vấn đề suy tư mà là vấn đề thực tập.

Trong thiền Tào Động, Tào Động Tông là một trong năm tông phái thiền, có một thiền ngữ như thế này: “Tư lương cá bất tư lương để, bất tư lương để như hà tư lương, phi tư lương thị thiền chi yếu giả”. Tư lương đọc là tư lượng. Tư lượng tức là suy tư, tư duy. Lượng là đo là cân. Tư lượng tức là cân nhắc, đo lường. “Tư lương cá bất tư lương để” là suy tư cái không thể suy tư. Trong danh từ đạo Bụt có từ “Bất khả tư nghì ”, nghì là bàn luận. Cái gì không suy tư không bàn luận được? Cái gì mà nói ra là trật, không thể tư duy được? Cái gì mà mầu nhiệm vậy? Cái mà không thể suy tư, không thể tìm tới bằng con đường suy tư, không thể diễn tả bằng lời nói gọi là“bất khả tư, bất khả nghì” Cái không thể suy tư làm sao mình suy tư được? Cái không thể tư lượng làm sao tư lượng được? Đó là hiệu lệnh của thiền Tào Động. Vì vậy con đường tư duy không đưa tới kết quả. Khi học tổ Lâm Tế ta nghe tổ dạy, mình cần phải đoạn cảnh, cần phải cắt đứt đường rày của tư duy, vì tư duy là cứ chạy quanh. “Sên bò nát óc máu thầm rơi”. Tư lượng về cái không thể tư lương là vô nghĩa vì cái không tư lương thì làm sao tư lương được. Vì vậy cái không tư duy là yếu chỉ của thiền Tông. Đó là trực giác, là Bát Nhã. Chỉ có cái đó mới khám phá, khơi mở, diễn bày sự thật mà thôi. Trí tuệ giác Bát Nhã không phải là tư duy. Ví dụ như quý vị đã từng ăn sầu riêng, bây giờ muốn giúp cho một người Tây Phương chưa bao giờ ăn sầu riêng, chưa biết sầu riêng là gì, quý vị giải thích sầu riêng là như thế này, sầu riêng là như thế kia, và dù quý vị có làm cho họ tư duy cách mấy đi nữa họ cũng không thể nào hiểu được về trái sầu riêng là gì. Sầu riêng là cái không thể tư duy được. Chỉ có một cách giúp họ là đút một miếng sầu riêng vào miệng họ. Cái đó gọi là trực giác. Phải chấm dứt tư duy để đi tìm trực giác. Vì vậy ngồi thiền không phải để tư duy, ngồi thiền là để sử dụng tuệ giác trực tiếp của mình.

Ta còn để lại gì không

Kìa non đá lở, này sông cát bồi

Lang thang từ độ luân hồi

U minh nẻo trước xa xôi dặm về

Trông ra bến hoặc bờ mê

Nghìn thu nữa chớp bốn bề một phương

Đã thấy được tính vô thường nhưng không biết sử dụng vô thường như là một dụng cụ để đào bới, để tìm kiếm. Do đó tác giả chưa bao giờ khám phá được vô ngã mà vô ngã thực ra nằm sát ngay sau lưng vô thường. Thấy được vô thường là thấy được vô ngã. Các nhà triết học kia kể cả Khổng Tử, Heraclitus chưa thực sự thấy được vô thường. Vì thấy được vô thường sâu sắc thì thấy được vô ngã, vì vô thường là mặt khác của vô ngã. Vô thường là đứng về phương diện thời gian mà diễn bày, còn vô ngã là đứng về phương diện không gian mà nhìn nhận. Thực sự, thấy được vô thường thì thấy được vô ngã. Chưa thấy được vô ngã thì chưa thấy được vô thường.

“Trông ra bến hoặc bờ mê

Nghìn thu nửa chớp bốn bề một phương

Ta vang cát bụi trên đường

Dù nhơ dù sạch đừng vương gót này.

Trong tư duy của thi sĩ vẫn còn có dấu tích của truyền thống Á Đông. Những con người đặc biệt có tài năng, và hầu hết chúng ta cũng vậy đều có tư tưởng chúng ta là Trích Tiên, tức là vị tiên sống trên thượng giới nhưng vì bị lầm lỡ gì đó nên Ngọc Hoàng đày chúng ta xuống trần gian, và chúng ta phải sống bao nhiêu kiếp đó cho đến khi chuộc được lỗi lầm thì ngài cho trở về thượng giới. Và ta đang sống ở cảnh giới mà Tây Phương gọi là rơi xuống bị đọa đày, Adam và Eva bị rớt xuống trần gian. Thượng đế tạo ra hình ảnh vì không nghe lời thượng đế ăn trái cấm và đã cứu chuộc hơn 2500 năm mà vẫn chưa lên trở lại được. Trong sâu thẳm tâm hồn, chúng ta nghĩ rằng, ngày xưa chúng ta ở một nơi rất nhiệm màu rất an ổn, không tư lượng, không lo lắng gì cả, tự nhiên bây giờ sinh ra làm một kiếp người, phải lo lắng quá nhiều, phải suy tư quá nhiều. Vì thế bây giờ ta mong ước trở lại chỗ ngày xưa, nơi mà ta hoàn toàn an ổn, không cần phải lo lắng cho tương lai hay hối hận gì về quá khứ. Không phải chỉ có các nhà triết học, các nhà thi sĩ mới có khuynh hướng như vậy mà tất cả chúng ta đều có cảm tưởng như thế. Nghĩa là chúng ta tới từ một chỗ rất yên ổn, rất an lành và chúng ta đang khổ đau vì bị luân hồi, vì bị làm một vị Trích Tiên ở hạ giới. Chúng ta nghĩ rằng khi ta đền hết tội thì ta sẽ được trở về nơi khung trời an lành của ta ngày xưa. Người nào cũng cho mình là một vị Trích tiên, một vị tiên bị đọa xuống trần gian.

“Lang thang từ độ luân hồi

U minh nẻo trước xa xôi dặm về”.

Đó là cái thấy của tác giả, cái thấy của chúng ta. Thật ra nếu nhìn sâu một chút chúng ta sẽ thấy rằng chúng ta đã từng sống qua cảm giác yên ổn đó rồi, đó là khoảng thời gian chúng ta ở chín tháng trong bụng mẹ, bụng mẹ là cung điện của người con (gọi là tử cung). Chúng ta ở đó yên lành không phải lo lắng gì cả, cái gì cũng có mẹ lo. Không cần phải lo ăn, lo uống, lo thở, không cần phải đối phó gì hết. Chín tháng trong bụng mẹ là hoàn toàn vô ưu. Siddhattha đã sinh ra dưới cây vô ưu. Nhưng dù sinh ra dưới cây vô ưu, Siddhattha cũng ưu tư rất nhiều. Ưu tư quá nhiều đến nỗi phải bỏ nhà, bỏ cung điện đi tu. Vì không thể trốn thoát được những câu hỏi đó nên phải đi tìm. Và cứ nghĩ rằng mình đi luân hồi mấy kiếp để trả nợ, đền hết tội rồi mới được trở về chỗ an lành đó. Tản Đà cũng có một bài thơ nói chuyện này, ngày xưa mình cũng là Trích Tiên ở trên thượng giới bị đày xuống trần gian làm thi sĩ rất cực. Bán một bài thơ được mấy chục đồng thôi, lại có khi bán không chạy và không có tiền để tiếp tục làm thơ nên phải đình bán. Đó là số kiếp của Tản Đà,   Nguyễn Khắc Hiếu. Có một đêm, Tản Đà mơ thấy chư thiên trên trời xuống mời lên đọc thơ cho thượng đế nghe. Sau khi đọc thơ, chư thiên và Ngọc Hoàng rất thích. Ngọc Hoàng nói rằng ngày xưa con cũng ở đây làm chư thiên, nhưng vì con lầm lỡ nên bị đày xuống trần gian. Con ráng truyền bá lý thuyết nhân bản, mai mốt đền được tội thì Ngọc Hoàng sẽ cho con trở về thượng giới. Đó là bài thơ của Tản Đà.

“Ta van cát bụi trên đường

Dù nhơ dù sạch đừng vương gót này

Để ta tròn một kiếp say

Cao xanh liều một cách tay níu trời

Nói chi thua được với đời

Quản chi những tiếng ma cười đêm thâu

Tâm hương đốt nén linh sầu

Nhớ quê dằng dặc ta cầu đó thôi”

Ta không thuộc về thế giới này, ta là vị tiên, vì vậy ta không muốn dính vào những cát bụi, ganh tị, đố kỵ, tham lam. Ta không muốn dính vào hệ lụy đó. Ta muốn mai mốt ta sẽ trở về chỗ của ta trên kia. Đó là tư duy của vị Trích Tiên.

Bài thơ “Nguyện cầu” này nhớ về cõi mà mình đã ra đi và mình hoàn toàn không muốn dính líu, không muốn để lại sự nghiệp gì ở đây hết. “Ta còn để lại gì không?” Ta không còn thuộc về thế giới này nữa, ta thuộc về thế giới khác. Trong khi đó đạo Bụt nói rằng Niết Bàn và thế gian là một. Muốn đi tìm Niết Bàn phải đi tìm ngay trong thế gian. Ta Bà chứa đựng Tịnh Độ. Và Bồ Đề được tìm ngay trong phiền não. Điều này tác giả chưa tiếp xúc được, chưa có kiến thức Phật học, chưa có thực tập.

Nói chi thua được với đời

Quản chi những tiếng ma cười đêm thâu

Tâm hương đốt nén linh sầu

Nhớ quê dằng dặc ta cầu đó thôi

Đêm nào ta trở về ngôi

Hồn thơ sẽ hết luân hồi thế gian

Ta đâu muốn có sự nghiệp gì ở cõi đời này. Ta không cần gì hết. Về trên kia ta để lại cái này cho các ngươi, muốn tranh dành bao nhiêu thì tranh dành.

“Đêm nào ta trở về ngôi

Hồn thơ sẽ hết luân hồi thế gian

Một phen đã nén cung đàn

Nghĩ chi còn mất hơi tàn thanh năm”.

Một phen mà tôi không còn làm thơ nữa thì tôi không nghĩ rằng thơ tôi có người đọc hay không có người đọc. Tôi không bận tâm về điều đó. Đây là tuyên cáo của Vũ Hoàng Chương. Nhưng từ năm 1963 Vũ Hoàng Chương đã đổi khác.

Vũ Hoàng Chương sinh năm 1916 đậu tú tài Tây, sau đó học luật. Nhưng chán không thích luật nên bỏ học, làm phó giám đốc cho sở hỏa xa. Làm ở sở hỏa xa cũng chán nên ông đi về học toán. Học toán cũng không thích cuối cùng ông làm thơ. Năm 1945 ông tham gia kháng chiến, năm 1950 bỏ kháng chiến. Không tìm thấy hạnh phúc trong ngành luật, toán học, hỏa xa, kháng chiến. Nên năm 1951 ông di cư vào miềm Nam. Năm 1963 khi Hòa thượng Thích Quảng Đức tự thiêu cho nhân quyền Việt Nam thì Vũ Hoàng Chương xúc động vô cùng và ông đã viết bài thơ Lửa Từ Bi mà nhiều người Phật tử đã thuộc lòng. Hành động tự thiêu của Hòa thượng Quảng Đức đã làm chấn động tâm can Vũ Hoàng Chương, đã biến Vũ Hoàng Chương thành một con người khác và Vũ Hoàng Chương đã thấy rằng mục đích của con người là để xây dựng tình huynh đệ. Trong bài thơ Lửa Từ Bi có chữ tình huynh đệ. Tôi thích nhất là câu“Ôi đích thực hôm nay trời có mặt” đó là giây phút hòa thượng tự thiêu. “Giờ là giờ hoàng đạo nguy nga” giờ hoàng đạo là 12 giờ trưa.

“Ôi đích thực hôm nay trời có mặt

Giờ là giờ hoàng đạo nguy nga

Muôn vạn khối sân si vừa mở mắt,

Nhìn nhau tình huynh đệ bao la”.

Chỉ khi nào có tình thương lớn người ta mới có hành động như vậy. Hành động hoàn toàn vị tha, hoàn toàn hy sinh cho sự sống, cho tình huynh đệ.

“Ngọc hay đá tượng chẳng cần ai tạc

Lụa hay tre nào khiến bút ai ghi

Chỗ người ngồi một thiên thu tuyệt tác

Trong vô hình sáng chói nét từ bi”

Hành động tự thiêu đó mục đích không phải để có danh, không phải là để lại cho đời một cái gì mà hoàn toàn là do từ bi, do tình huynh đệ, không cần người ta tạc hình thành ngọc thành đá, không cần ai ghi tên mình vào sử sách. Đó là hành động rất trong sáng, đó là tình huynh đệ. “Chỗ người ngồi một thiên thu tuyệt tác”, chỗ ngồi đó là một tác phẩm lớn, mình không thấy gì cả nhưng nhờ có con mắt tuệ nên ta thấy chỗ đó là cái ngai của Từ Bi.

“Rồi mai sau còn chi

Ngọc đá cũng thành tro

Lụa tre dần mục nát

Với thời gian lê vết máu qua đi”.

Tất cả những cái đó ngọc đá, lụa tre… sẽ qua đi chỉ còn một chữ ở lại mãi mãi đó là chữ Trái tim Bồ Tát.

“Còn trái tim Bồ Tát xuống tận ngục A Tỳ

Ôi ngọn lửa huyền vi

Thế giới ba ngàn phút giây ngơ ngác”

Tất cả địa cầu chấn động vì tình thương đó

“Từ cõi vô minh hướng về cõi cực lạc

Vần điệu của thi nhân chỉ còn là rơm rác.

Và chí nguyện được làm rơm rác

Thơ cháy lên với lời kinh tụng

Cho nhân loại thanh bình

Trước sau bền vững tình huynh đệ này”.

“Tình huynh đệ ” được dùng lại lần thứ hai. Có thể nói bài thơ này thực chất là ca ngợi tình huynh đệ. Hòa thượng Thích Quảng Đức là biểu tượng của tình huynh đệ. Có tình huynh đệ là đời sống của mình có ý nghĩa. Cho nên nếu một ngày nào còn sống, còn xây dựng tình huynh đệ là ngày đó đời còn có ý nghĩa. Và bản chất của đạo Bụt là Từ Bi, Từ bi chính là tình huynh đệ. Vì chữ Maitri (Từ) bắt nguồn từ chữ Mitra mà ra, nghĩa là huynh đệ. Và chữ “Từ” dịch cho đúng là tình huynh đệ, tình anh em, tình chị em.

Từ cõi vô minh hướng về cõi cực lạc”. Đó là nhờ tình huynh đệ. Vừa mới sân si đó, vừa mới kỳ thị đó mà khi thấy được một hành động không kỳ thị thì tác giả lập tức chọc thủng được vô minh, thấy được cõi cực lạc. Tức là cõi của tình thương. “Vần điệu của thi nhân chỉ còn là rơm rác” Tôi muốn ca ngợi Hòa thượng Quảng Đức, nhưng vần điệu thơ của tôi không đủ sức để ca ngợi hành động đẹp đẽ đó.

“Và chí nguyện được làm rơm rác

Thơ cháy lên với lời kinh tụng

Cho nhân loại thanh bình

Trước sau bền vững tình huynh đệ này”.

Từ đó trở về sau Vũ Hoàng Chương sử dụng thơ của mình để xây dựng tình huynh đệ.

Bài thơ này ra đời sau bài Lửa Từ Bi, tựa đề là Nổi Lửa Từ Bi. Bài này Vũ Hoàng Chương nói đến Đại Hùng Đại Lực của Từ Bi. Từ Bi có sức mạnh rất lớn, sức mạnh này sẽ thắng được lửa của bom, của đạn. Đứng đầu của một chế độ là ông vua,  ông chúa có khi gọi là Tổng Thống, ngôi chúa tức là vương vị, là ngai vàng, là ghế của Tổng Thống. Ngôi chúa thì có quyền hành, có quân đội, có cảnh sát, có công an. Nhưng cuối cùng cũng thua một ngôi khác, là ngôi chùa, ngôi chùa tượng trưng cho sức mạnh của tình thương. Tình thương, tình huynh đệ và lòng từ bi sẽ chiến thắng tất cả.

“Lẽ thường ngôi chúa dựng trên súng,

Sẽ tiêu tan dưới đạn

Chỉ còn lại tinh thần nhân bản

Vằng vặc dưới sông chót vót ngôi chùa

Cuộc tranh đấu vượt ra ngoài giới hạn tử sinh

Lửa tử sinh mầu nhiệm pháp vô biên.

Suối Hùng Lực mấy thu chẳng cạn

Nước cành dương tẩy xóa mọi oan khiên”.

Chỉ có Từ Bi mới đáp ứng được hận thù của sinh tử. Không phải vì tôi muốn sống mà tôi tranh đấu. Sống tôi cũng tranh đấu. Chết tôi cũng tranh đấu. Chết và sống chỉ là sự tiếp nối nhau. Chết để mà sống, sống để mà chết. Nên cuộc tranh đấu vượt ra ngoài giới hạn của tử sinh, của lo sợ.

“Lẽ thường ngôi chúa dựng trên súng,

Sẽ tiêu tan dưới đạn

Chỉ còn lại tinh thần nhân bản

Vằng vặc dưới sông chót vót ngôi chùa

Cuộc tranh đấu vượt ra ngoài giới hạn tử sinh

Lửa tử sinh mầu nhiệm pháp vô biên”

Đây là chân lý của Đông phương cũng như Tây phương, nếu dùng gươm mình sẽ chết vì gươm, dùng súng thì sẽ chết vì đạn. Đó là trường hợp của ngôi chúa, của những vị vua, tổng thống đã sử dụng bom đạn và chính mình sau này sẽ chết vì bom đạn.

“Lẽ thường ngôi chúa dựng trên súng,

Sẽ tiêu tan dưới đạn

Chỉ còn lại tinh thần nhân bản

Vằng vặc dưới sông chót vót ngôi chùa”

Trong bài thơ này Vũ Hoàng Chương đã sử dụng ngôi chúa và ngôi chùa. Nghĩa là nếu đất nước còn có ngôi chùa thì còn tình huynh đệ, còn đức Từ bi. Từ bi thế nào cũng vượt thắng, cũng hóa giải được hận thù. Súng đạn sẽ rơi xuống thành cát bụi, chúng ta không cần phải lo lắng gì cả. Hãy tin ở hùng lực của Đại Từ, Đại Bi, của tình huynh đệ. Đó là niềm tin của Vũ Hoàng Chương. Từ năm 1953 cho đến 1967, tức là 15 năm Vũ Hoàng Chương đã làm ra những bài thơ rất anh hùng, rất can trường, rất vững mạnh, không như bài thơ trước.

“Lũ chúng ta lạc loài năm bảy đứa

Bị quê hương ruồng bỏ giống nòi khinh

Biển vô tận xá gì phương hướng nữa

Thuyền ơi thuyền theo gió hãy lênh đênh”.

Không còn những bài chán đời như vậy nữa. Vũ Hoàng Chương đã thức dậy tham dự vào cuộc tranh đấu. Tuy bị chế độ chính trị bạc đãi nhưng nhờ có đại hùng nên Vũ Hoàng Chương không còn đau khổ nữa. Khi chị Nhất Chi Mai tự thiêu, Vũ Hoàng Chương cũng có làm một bài thơ để ca ngợi, chị Nhất Chi Mai là một trong những người thọ giới tiếp hiện đầu tiên. Trước khi tự thiêu chị có viết cho thầy một bức thư “ Thầy ơi, thầy đừng lo chắc chắn sẽ có hòa bình”. Vũ Hoàng Chương rất cảm động và làm bài thơ ca ngợi Nhất Chi Mai.

Vừa mới hôm nào lửa Yến Phi

Bay lên nối cảnh lửa từ bi

Giờ đây là nỗi lòng dân Việt

Đau xé trời nam lửa Nhất Chi

Ba dịp cháy lên thông điệp đó

Đêm sao đêm cứ đặc như chì

Đốt cho bom đạn tan thành lệ

Đôi ngã sông sầu hãy nguyện đi”.

Nhất Chi Mai là người thứ ba tự thiêu. Người thứ hai là Đào Thị Yến Phi.

Mình tranh đấu cho hòa bình không phải bằng súng đạn mà bằng quyết tâm của lòng từ bi.

“Hãy nguyện cho màu tang trở gió

Trên đầu thiếu phụ với cô nhi

Mẹ ơi tóc hãy làm giông tố

Màu tóc màu tang có khác gì.

Vành khăn tang trên đầu thiếu phụ, vành khăn tang trên đầu cô nhi.

“Trắng một vòng bao quanh trái đất.

Nối dài thông điệp lửa uy nghi”

Không chỉ có thiếu phụ và cô nhi đeo khăn tang mà cả trái đất đều có vành khăn tang.

“Sáng trưng hóa lạnh Bồ Câu trắng

Sẽ đốt thời gian mở lối về”.

Thế nên lửa Nhất Chi Mai giống như hỏa lệnh, một hiệu lệnh bằng lửa để cho chim Bồ Câu trở về. Đó là thông điệp của Vũ Hoàng Chương. Và từ đó về sau Vũ Hoàng Chương tập ngồi thiền, đi thiền hành và  ăn chay.

Đầu năm 1976, có một bữa nọ, năm sáu xe công an một lực lượng vũ trang hùng hậu đến vây quanh nhà Vũ Hoàng Chương. Tại sao chỉ có một thi sĩ ốm yếu trói gà cũng không chặt mà phải dùng tới năm sáu xe công an và một lực lượng vũ trang hùng hậu như thế. Vì họ rất sợ sức mạnh của tình thương, của tình huynh đệ, sẵn sàng chết bất cứ lúc nào cho lý tưởng hòa bình và tình huynh đệ. Khi Vũ Hoàng Chương nghe tiếng xe, tiếng công an đập cửa, Vũ Hoàng Chương bảo bà Chương đừng sợ hãi mà cũng đừng nói nói năng gì cả và ông leo lên sạp gỗ ngồi thiền, tập thở. Đó là phương pháp hay nhất để đối trị với công an. Họ đập cửa vào, lục soát quăng hết tất cả những tài liệu trong hộc tủ, trong tủ áo ra ngoài. Giấy tờ văng ra đầy hết nhưng Vũ Hoàng Chương vẫn ngồi thiền không nói một lời nào. Họ lục soát khắp nơi nhưng không tìm ra được một tài liệu nào chống đối cách mạng, hay chính quyền cả. Tuy thế họ vẫn có bản văn tuyên án cho là Vũ Hoàng Chương đã phản cách mạng, đã làm cái này cái kia, vì vậy hôm nay phải bị bắt đi cải tạo. Đọc xong họ hỏi Vũ Hoàng Chương, anh có nghe chưa ? Vũ Hoàng Chương nhún vai một cái. Đó là những gì Vũ Hoàng Chương tiếp đón và trả lời cho công an và họ bắt Vũ Hoàng Chương đi học tập cải tạo. Khi tình trạng sức khỏe của Vũ Hoàng Chương đến mức nguy ngập họ mới cho về nhưng đã quá trễ. Bà Vũ Hoàng Chương nấu một nồi bún bưng lên cho chồng ăn, nhưng không ăn được đành bỏ xuống. Đây là lời Sư cô Chân Không viết lại trong cuốn “Thử tìm dấu chân trên cát”. Chỉ một hôm sau khi được chính quyền phóng thích thì thi sĩ mất, ngày anh ấy về, chị Vũ Hoàng Chương nấu một nồi bún cho chồng nhưng anh chỉ lùa được vài cọng bún. Chị thuật lại rằng “Đầu năm 1976, ngày mà cán bộ, công an đến bắt anh có đến năm sáu xe và một lực lượng vũ trang  hùng hậu vây quanh nhà. Biết trước cớ sự anh Vũ Hoàng Chương bảo chị yên lặng, rồi anh ngồi lên trong tư thế kiết già trong khi cán bộ và công an vào nhà, đập cửa lục soát không sót một ngõ ngách nào và quăng bừa bãi tất cả những đồ đạc lấy ra từ các tủ. Suốt thời gian họ lục soát anh vẫn ngồi bất động không nói năng gì. Cuối cùng khi người chỉ huy đọc bản cáo trạng, Vũ Hoàng Chương lắng nghe, nghe xong anh chỉ khẽ nhún vai. Họ bắt anh từ đó, và trong trại giam sức khỏe của anh đã tàn lụi dần. Có lẽ trong trại giam anh Vũ Hoàng Chương đã thiền tọa rất nhiều”. Được tin Vũ Hoàng Chương mất thầy Nhất Hạnh rất thương cảm và đã dùng nhiều từ ngữ từ trong thơ của Vũ Hoàng Chương để làm một bài thơ ca ngợi ông. Nếu quen thuộc với thơ Vũ Hoàng Chương chúng ta sẽ nhận ra được tất cả những từ ngữ đó.

Đây là bài thơ thầy viết sau khi nghe Vũ Hoàng Chương mất.

“Đêm này dù đã về ngôi

Hồn thơ vẫn cứ luân hồi thế gian

Bút hoa ngàn kiếp không tàn

Đuốc thơ còn cháy trên trang sử người

Có không mù mịt biển khơi

Nẻo về đã rạng chân trời thênh thang

Tỉnh say vẫn một cung đàn

Lửa anh hào đốt cháy tan đêm sầu

Thơ lên bay vút bồ câu

Triều âm chấn động phương nào cũng nghe

Giấc mơ hồ điệp đi về

Biển đông sóng vỗ kình nghê vẫn còn”.

Tuy Vũ Hoàng Chương đã mất nhưng anh vẫn còn đó với tinh thần bất khuất. Mình mời Sư cô Chân Không thắp nhang cho Vũ Hoàng Chương. Người đã tranh đấu không bằng súng bằng đạn, mà bằng những bài thơ từ bi của mình. Từ người say sưa, chán nản nhưng nhờ giọt nước cam lồ của Đức Thế Tôn đã trở thành người có đại hùng đại lực.

(Nguồn: langmai.org)

Comments are closed.