Đến già mới chợt tỉnh (kỳ 4)

Hồi ký

Tống Văn Công

BÍ THƯ THÀNH ỦY NGUYỄN VĂN LINH:
TẠI SAO LẠI ĐÁNH LÁ CỜ ĐẦU?

Sau 30–4–1975, Sài Gòn và miền Nam bắt đầu tổ chức phong trào thi đua xã hội chủ nghĩa. Nhà máy Dệt 12, Xí nghiệp máy may Sinco được xây dựng thành điển hình tiên tiến trong công nghiệp. Đưa những người sản xuất cá thể vào hợp tác xã để xây dựng thành phần kinh tế tập thể là công việc quan trọng được đề cao. Báo chí thành phố liên tục nêu gương Hợp tác xã Cơ khí Đồng Tâm ở huyện Gò Vấp do chủ nhiệm La Ngọc Toàn một ông chủ người Hoa xây dựng đã được Ban thi đua Thành phố trao tặng Lá cờ đầu của phong trào thi đua xây dựng kinh tế tập thể.

Một buổi tối có người bấm chuông gọi cửa nhà tôi. Một người đàn ông mặt đầy vết bầm, trình giấy tờ xác nhận mình là kế toán trưởng của Hợp tác xã cơ khí Đồng Tâm. Ông nói không dám đến tòa báo ban ngày và xin tôi giữ kín việc ông đến cung cấp tài liệu về việc La Ngọc Toàn một ông chủ độc đoán, trác táng và tàn bạo. Tôi đồng ý. Ông trở ra đường, mấy phút sau đưa thêm bốn người nữa vào nhà. Anh kế toán trưởng đưa ra các loại chứng từ hóa đơn, các bản thống kê, các báo cáo mâu thuẩn nhau. Bốn anh kia luân phiên kể những việc làm phi pháp của Toàn. Đặc biệt họ cho biết Toàn đang hùn vốn đóng tàu để kinh doanh trên sinh mạng của người vượt biên. Cả năm người họ đều bị Toàn đánh đập nhiều lần.

Tôi bàn với ban biên tập báo Công nhân Giải phóng (nay là báo Người Lao Động) phanh phui tình trạng đen tối ở Hợp tác xã Cơ khí Đồng Tâm. Anh Trần Thanh Bình phó tổng biên tập xin đích thân đi điều tra vụ này. Số báo đăng bài điều tra phát hành lúc rạng sáng thì đầu giờ chiều đã có công văn phản ứng dữ dội của huyện ủy và Ủy ban Nhân dân huyện Gò Vấp. Họ cho rằng bài báo hoàn toàn sai và rất nguy hiểm. La Ngọc Toàn là một người Hoa tiên tiến, đi đầu thực hiện chính sách xây dựng kinh tế tập thể của chính quyền cách mạng. Đánh La Ngọc Toàn sẽ rúng động tâm can tất cả người Hoa. Đánh La Ngọc Toàn sẽ rung rinh cả hệ thống hợp tác xã non trẻ.

Ban Thường vụ Liên hiệp công đoàn quyết định cả anh Nam Lộc trưởng ban Tuyên giáo công đoàn phải cùng với tổng biên tập tờ báo đi gặp lãnh đạo huyện Gò Vấp để giàn xếp cho yên việc hệ trọng này. Chủ trì phía Gò Vấp và bí thư huyện ủy, người trình bày ý kiến bác bỏ bài báo là bà Tống Thị Thanh Tuyền phó chủ tịch Ủy ban Nhân dân phụ trách khối công nghiệp và tiểu– thủ công nghiệp. Bà yêu cầu cho biết nguồn tin của tờ báo, vì nghi vấn đây là âm mưu của bọn xấu và khẳng định rằng bà đi sát hợp tác xã này ngay từ khi thành lập. Bà hiểu rõ tính nết La Ngọc Toàn một công nhân chân chất nhưng nóng tính và rất tự trọng. Nếu không làm sáng tỏ việc này trả lại danh dự cho Toàn thì rất có thể anh tự mổ ruột mình ném ra rồi chết! Chúng tôi đề nghị Tòa báo cùng Huyện ủy Gò Vấp phối hợp tổ chức một cuộc thanh tra, nhưng phía Gò Vấp không đồng ý. Cuộc họp không đi đến thỏa thuận nào. Tuần sau đó, trong cuộc họp thường kỳ với các báo, ông Trần Trọng Tân ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng ban Tuyên huấn phổ biến ý kiến của bí thư Nguyễn Văn Linh phê bình báo Công nhân Giải phóng thiếu thận trọng trong việc phê bình đối với một cơ sở Lá cờ đầu thi đua của Thành phố!

Một tháng sau, La Ngọc Toàn được Mặt trận Tổ Quốc giới thiệu ứng cử vào Hội đồng Nhân dân Thành phố khóa 1 và đắc cử. Trong buổi khai mạc phiên họp đầu tiên của Hội đồng Nhân dân Thành phố, La Ngọc Toàn được các nhà báo vây quanh tranh nhau phỏng vấn, chụp ảnh. Kỳ họp vừa bế mạc, những tờ báo có bài và ảnh La Ngọc Toàn còn nằm trên sạp thì có tin La Ngọc Toàn đã vượt biên trót lọt.

Chuyện trên đây tôi đã viết cho tập “Hồi ký các nhà báo cao tuổi” (Nhà xuất bản Thanh niên, tháng 8 năm 2008) nhưng bị kiểm duyệt bỏ tên của bà phó chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Gò vấp Tống thị Thanh Tuyền và tên các ông Trưởng ban Tuyên giáo Trần Trọng Tân, bí thư Thành ủy Nguyễn văn Linh.

ÔNG NGUYỄN VĂN LINH LẠI HỎI
“TẠI SAO A THẦN PHÙ ĐÁNH VÀO
ĐIỂN HÌNH TIÊN TIẾN”?

Đầu năm 1983, nhiều tờ báo ở Sài Gòn có bài ca ngợi một nhân vật xuất chúng: Đó là ông Nguyễn Văn Tài phó tiến sĩ Đông Đức, phó giám đốc Xí nghiệp Hóa màu Tân Bình. Tài là “hạt giống đỏ”, con trai bí thư Tỉnh ủy Tây Ninh thời chống Mỹ, đồng chí thân thiết của bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Linh. Xí nghiệp này đã chết sau ngày 30–4–1975, nhờ tài năng và nghị lực phi thường của Nguyễn Văn Tài nó được hồi sinh và trở thành “Lá cờ đầu phong trào thi đua ngành công nghiệp thành phố Hồ Chí Minh”. Nhưng sau đó không lâu, có hàng chục cán bộ công nhân của xí nghiệp kéo đến Ban sản xuất thử (cấp trên của Xí nghiệp này), Liên hiệp công đoàn thành phố, báo Công Nhân Giải phóng, báo Lao Động, tố cáo ông Tài phạm rất nhiều điều sai trái. Họ cho biết, ông Tài vượt quyền giám đốc tự tiện đặt ra những quy định trái pháp luật: hạ mức lương thực của nữ công nhân làm việc nặng từ 17 kg xuống 13,5 kg. Tài nói: “Mấy thằng cha làm chính sách dốt quá! Đàn bà dù làm việc nặng cũng không thể ăn nhiều được. Ông bà đã nói ‘nữ thực như miêu’ mà”! Ông cắt lương những ngày nghỉ lễ vì: “Mấy thằng làm chính sách không quán triệt nguyên tắc “không lao động không trả lương”. Ông đặt ra những hình phạt đối với người lao động như ở thời trung cổ: phơi nắng, quỳ gối, bò vòng quanh xí nghiệp…

Anh Trần Thanh Bình phó tổng biên tập báo Công Nhân Giải phóng viết một loạt bài về sai phạm của Tài đăng liên tiếp mấy kỳ báo. Tài chạy lên tòa soạn yêu cầu ngưng đăng những bài viết “gây tác hại cho sản xuất”. Anh ta từ chối tiếp thụ phê bình trên báo cũng với lý do đó: “Làm mất uy tín của lãnh đạo trước mắt công nhân, ảnh hưởng xấu đến kỷ luật sản xuất”. Tài chạy thẳng lên bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Linh cầu cứu.

Xin nhắc lại đôi chút về Nguyễn Văn Linh: Tháng 12 năm 1976, ông rời vị trí Bí thư Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh để nhận chức Trưởng ban cải tạo công nông thương nghiệp Trung ương sau đó được chuyển sang làm Chủ tịch Tổng Công đoàn. Đại hội 5 (tháng 3–1982) không được vào Bộ chính trị, ông xin về làm Bí thư Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh (tháng 4–1982) thay cho ông Võ văn Kiệt ra Trung ương. Trong hồi ký (đăng trên Viet–studies tháng 3–2015), Dương Văn Ba kể: Trong bữa cơm cô Hòa con gái ông góp ý với bố: “Con thấy chú Sáu Kiệt đâu có vấn đề gì căng thẳng với bố mà bố không được khách quan với chú”. Ông Linh nổi nóng quát “Mày biết gì mà nói” rồi ông cầm tô canh tạt vào mặt con gái. Dương Văn Ba còn kể chuyện đứa con trai duy nhất của ông nằm trên giường bố mẹ, dùng súng của bố bắn vào đầu mình, nhưng không nói rõ nguyên do. Ông Mai Văn Bảy nguyên ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy kể với tôi: Đó là đứa con trai duy nhất tên Nguyễn Văn Linh mà ông Nguyễn Văn Cúc (Mười Cúc) đã mượn tên làm bí danh khi hoạt động ở miền Nam, rồi sau này trở thành tên chính thức khi ông mang các chức vụ của Đảng. Nguyên do khiến cậu Linh tự sát là: Cũng trong một bữa cơm, ông Mười Cúc nổi nóng vì cậu con nuông đã học dốt lại lười học, sau khi tốt nghiệp trung cấp, không chịu học tiếp đại học. Đã vậy khi ông mắng, nó còn dám lớn tiếng trả treo. Vốn quen ra lệnh, không quen nghe ai trái ý mình, huống hồ lại là thằng con, ông nổi xung bưng tô canh tạt thẳng vào mặt nó. Lập tức Linh buông đũa nhảy xuống, chạy biến khỏi nhà. Hơn một tuần sau, không thấy bố mẹ tìm kiếm mình, đã cạn túi, cậu ta quay trở về và được biết bố mẹ vừa đi Liên Xô nghỉ dưỡng. Có lẽ cậu con nuông phẫn uất khi nghĩ bố mẹ quá vô tình, bố thô bạo khiến mình phải bỏ nhà, vậy mà không thèm tìm kiếm, lại còn dắt nhau đi du hí!

Tháng 4–1982, khi ông trở lại làm Bí thư Thành ủy tôi đang là Trưởng ban Tuyên giáo của Liên hiệp Công đoàn thành phố, do đó có nhiều dịp làm việc với ông. Một lần báo cáo về tình hình công nhân thành phố, tôi nói, giai cấp công nhân ở thành phố này rất ngạc nhiên khi nghe chúng ta nói họ là giai cấp lãnh đạo cách mạng. Họ nói với nhau, mấy cha này coi tụi mình như con nít, xí gạt quá trắng trợn. Họ cho rằng chế độ Sài Gòn đối xử với công nhân tốt hơn nhiều.

Trong giờ nghỉ giải lao, ông Linh bảo anh Quới thư ký riêng của ông ra gọi tôi, anh Mười bảo mời anh vào gặp riêng. Ông Linh hỏi tôi định làm gì để tuyên truyền giáo dục công nhân đạt hiệu quả và yêu cầu tôi nói thêm điều đó trước hội nghị. Tôi cho rằng “bốn bài học cơ bản để giáo dục giai cấp công nhân” do Ban Tuyến huấn Trung ương Đảng soạn với “lý thuyết cao siêu” không thích hợp. Do đó, tôi tự biên soạn quyển “Công nhân làm gì để khôi phục sản xuất tự cải thiện đời sống.” (Tôi dùng bút danh là Anh Thông, được nhà Xuất bản Tổng hợp Thành phố in, Công đoàn mua phổ biến đến công đoàn cơ sở toàn thành phố.) Ông Linh tỏ ra hết sức hài lòng. Sau này, nhiều người nói đùa với tôi: “Ngay từ đầu ông ấy đã để mắt xanh tới cậu rồi, nếu cậu ngoan ngoãn, giữ cái đà ấy mà đi tới thì chắc đời cậu đã lên hương”! Tôi hoàn toàn thất bại trong mối quan hệ với ông Linh. Bước ngoặt xấu nhất trong quan hệ của tôi đối với ông là vụ Xí nghiệp Hóa màu Tân Bình và ông phó giám đốc Nguyễn Văn Tài của xí nghiệp này.

Hôm đó, Bí thư Thành ủy triệu tập cuộc họp với trưởng ban tuyên giáo các đoàn thể và quận, huyện. Tôi đến họp khi cử tọa đã khá đông. Bí thư Nguyễn Văn Linh ngồi trên ghế chủ tọa. Khi tôi vừa ngồi xuống hàng ghế đầu đối diện thì ông lên tiếng: “Này ông công đoàn. Tại sao tờ báo của ông “a thần phù” đánh vào điển hình tiên tiến của thành phố mà không thèm hỏi ý kiến tôi một câu?” Tôi đứng lên trả lời: “Thưa anh Mười, chúng tôi làm việc này với đầy đủ ý thức trách nhiệm. Nếu anh Mười sắp xếp thời gian để nghe chúng tôi báo cáo trong vòng một giờ, anh sẽ thấy chúng tôi đúng 100%.” Bí thư Nguyễn Văn Linh cau mặt lại, lên giọng: “Chao, đến lúc này mà anh vẫn còn tự cho là mình hoàn toàn đúng à? Các anh có vẻ đúng về hình thức, nhưng cái cốt lõi là sai, sai từ trong bản chất! Lê nin đã dạy, quần chúng có ba loại: tiên tiến, trung bình và lạc hậu. Người cộng sản phải biết dựa vào số người tiên tiến ít ỏi, để lôi kéo người trung bình và giáo dục người lạc hậu bằng nhiều hình thức kể cả kỷ luật, phạt. Các anh đã không làm như vậy. Nghe quần chúng lạc hậu kêu ca, các anh nhảy vô bênh họ ngay. Thái độ đó không phải là của những đảng viên cộng sản chân chính theo chủ nghĩa Mác – Lê mà là của những kẻ theo đuôi quần chúng lạc hậu. Lênin lên án gọi “Đó là những kẻ theo chủ nghĩa công đoàn”! Đồng chí Nguyễn Văn Tài là phó tiến sĩ khoa học ở Cộng Hòa Dân Chủ Đức, nước phát triển nhất trong phe xã hội chủ nghĩa. Sở dĩ phát triển nhất trong phe là do người Đức có kỷ luật thép. Đồng chí Nguyễn Văn Tài quyết đem tinh thần kỷ luật thép của nước bạn về thực hiện ở Xí nghiệp Hóa màu Tân Bình thì bị các phần tử lạc hậu phản ứng và các anh những người theo chủ nghĩa công đoàn lên tiếng bênh vực họ”.

Thấy ông đã dứt lời, tôi liền đứng lên với ý định sẽ nói rằng việc làm của Tài không nên gọi là áp dụng kỷ luật thép mà phải nói đó là thứ hình phạt của chủ nô lệ. Nhưng không để cho tôi được nói, ông tiếp tục ề à thêm mấy câu, rồi cáu kỉnh gắt lên: “Đồng chí ngồi xuống đi chứ”! Cả hội trường ái ngại nhìn tôi. Dù rất bức xúc, nhưng tôi biết ở đây không phải lúc đôi co, nên im lặng ngồi xuống.

Lúc giải lao mọi người ra ngoài sân uống nước. Anh Võ Nhân Lý (Bảy Lý), nguyên là người phát ngôn của Ban quân quản Sài Gòn– Gia Định, lúc này đang là Phó ban thứ nhất Ban Tuyên huấn Thành ủy, kiêm Tổng biên tập báo Sài Gòn Giải Phóng gặp tôi, tỏ ý thông cảm: “Tôi làm việc với ông ấy gần 20 năm ở trong rừng chưa bao giờ thấy ông ấy mất bình tỉnh, cáu kỉnh như hôm nay. Ban nãy anh trả lời như vậy là đúng mực và anh ngồi xuống cũng đúng. Theo tôi, anh nên bàn với lãnh đạo công đoàn, gửi văn bản kiến nghị tổ chức một cuộc thanh tra xí nghiệp này. Sau khi thanh tra, nếu ý kiến của anh là đúng thì anh lại đưa lên báo. Lúc đó, dù không muốn ông ấy cũng phải nhận là mình sai”.

Sau khi Liên hiệp Công đoàn Thành phố gửi kiến nghị yêu cầu tổ chức thanh tra, Ủy ban Thanh tra Nhà nước thành phố đã lập “Đoàn thanh tra Xí nghiệp Hóa màu Tân Bình” do ông Phó chủ nhiệm Ủy ban làm trưởng đoàn. Sau 7 tháng, Đoàn thanh tra mới gửi “Bản dự thảo kết luận tranh tra xí nghiệp Hóa màu Tân Bình” cho Thành ủy, Ủy ban Nhân dân thành phố và các cơ quan có liên quan. Bản Dự thảo có nội dung như là để minh họa ý kiến của bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Linh tại cuộc họp tuyên huấn các đoàn thể. Trong đó, họ dành hai trang phân tích những bài trên báo Công Nhân Giải Phóng phê phán Nguyễn Văn Tài và kết luận: “Do xơ cứng về nhận thức và hạn chế về kiến thức quản lý xí nghiệp xã hội chủ nghĩa, tác giả các bài báo đã lệch lạc”.

Tôi đáp lại bằng một văn bản có tiêu đề “Nhận xét về Bản dự thảo kết luận thanh tra Xí nghiệp Hóa màu Tân Bình” với kết luận: “Đoàn thanh tra kém năng lực hoặc không công tâm trong công tác thanh tra. Chúng tôi đề nghị Đoàn này đứng sang một bên quan sát chúng tôi thanh tra. Trong ba tháng nếu chúng tôi không kết luận được những tiêu cực sai trái như nội dung các bài báo thì Tổng biên tập báo Công nhân Giải phóng xin nhận hình thức kỷ luật cách chức”.

Anh em công nhân viên chức Xí ngiệp Hóa màu biết Đoàn thanh tra bao che cho Nguyễn Văn Tài và chống lại báo Công nhân Giải phóng đã hết sức phẫn nộ. Anh em đến tòa báo cung cấp những chứng cứ rất quan trọng: Bà Bảy Huệ (Ngô thị Huệ) vợ Bí thư Nguyễn Văn Linh đã gửi tiền ở Xí nghiệp Hóa màu Tân Bình với lãi suất cao hơn hẳn mức lãi do Ngân hàng Nhà nước quy định; hàng tháng bà Huệ đi chiếc xe của bí thư Thành ủy đến xí nghiệp nhận tiền lãi. Tôi kể chuyện này với ông Trần Bạch Đằng chỉ với ý chia sẻ sự khó khăn trong việc đấu tranh chống tiêu cực. Không ngờ ông đến nhà riêng của ông Linh, kể lại chuyện trên và đặt câu hỏi: “Nếu ở Đại hội Đảng sắp tới Tống Văn Công đưa chuyện này ra tố cáo thì anh tính sao”? Trần Bạch Đằng cho biết, khi ông hỏi như vậy, ông Linh giận tái mặt và nói, để tránh dư luận xấu, trước mắt ông sẽ chuyển giao việc chỉ đạo Thanh tra Xí nghiệp Hóa màu Tân Bình cho ông Chín Đào (Tức Phan Minh Tánh, lúc đó là phó bí thư, Trưởng ban Tổ chức Thành ủy. Đến Đại hội 6 ông là Ủy viên Trung ương, Trưởng ban Dân vận Trung ương. Ông nghỉ hưu, sống ở Sài Gòn, năm 2015 có bài viết trên báo Tuổi Trẻ về yêu cầu cấp bách phải dân chủ hóa đất nước, được dư luận hoan nghênh).

Dưới sự chỉ đạo của ông Chín Đào, không đến hai tháng sau, Đoàn Thanh tra gửi giấy mời các cơ quan có liên quan đến dự cuộc họp công bố kết luận chính thức của Đoàn thanh tra.

Lẽ ra, người đại diện Liên hiệp Công đoàn Thành phố đi dự cuộc họp này là ông Lê Hồng Tư, chủ nhiệm Ủy ban Thanh tra của công đoàn, nhưng Ban Thường vụ Công đoàn yêu cầu Tổng biên tập báo Công nhân Giải phóng đi dự. Trước khi đi, tôi chuẩn bị tư liệu chứng cứ để vào cuộc “đấu đá”. Không ngờ mọi việc diễn ra hết sức tốt đẹp: Ông Nguyễn Văn Thuyền (tức Ba Tôn, hiện nay là chủ nhiệm Câu lạc bộ truyền thống kháng chiến thành phố), chủ nhiệm Ủy ban Thanh Tra Nhà nước thành phố trực tiếp đọc bản kết luận thanh tra, nêu ra rất nhiều chủ trương và việc làm của Nguyễn Văn Tài vi phạm pháp luật hết sức nghiêm trọng, cuối cùng Đoàn Thanh tra kiến nghị: Cách chức phó giám đốc và từ nay chỉ sử dụng Tài về kiến thức hóa màu, tuyệt đối không cho làm công tác quản lý, lãnh đạo.

Ông Mai Văn Bảy chủ tịch Liên liên hiệp công đoàn thành phố Hồ Chí Minh bảo tôi: “ Bản kết luận thanh tra được công bố chắc đã làm cho ông Nguyễn Văn Linh khó chịu lắm.” Ông Bảy biết rõ tính nết của ông Linh nên nói thêm: “Cha này có tính thù dai và nhỏ mọn lắm, coi chừng ông ta tìm cơ hội phản đòn chúng mình đấy! Anh Năm Hoàng phó ban Tổ chức Thành ủy có lần dám góp ý nhẹ với ông ta, vậy mà mấy năm sau anh xây dựng nhà ở đường Điện Biên Phủ đã bị ông ta kiếm cớ cho là sai quy định, bắt phải giở nhà”!

Bài trên đây tôi đã gửi đăng trong tập “Một thời làm báo”, tổng tập “Hồi ký của các nhà báo cao tuổi” tại thành phố Hồ Chí Minh tháng 8 năm 2008, do Nhà xuất bản Thanh niên ấn hành. Bài đã bị cắt xén nhiều đoạn và sửa đổi nhiều câu quan trọng, ví dụ: Tôi viết “Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Linh cau mặt, lên giọng” đã bị ban biên tập đổi thành “một đồng chí lãnh đạo Thành ủy nhìn tôi nhẹ nhàng hỏi”?

BỊ NGUYỄN VĂN LINH PHẢN ĐÒN.

Điều ông Mai Văn Bảy dự báo đã xảy ra: ÔngNguyễn Văn Linh đã bắt thóp được tôi. Hôm đó, tôi đang dự cuộc họp do Ban Tuyên giáo Thành ủy triệu tập thì anh Năm Dũng Trưởng phòng Báo chí của Ban Tuyên giáo đến rỉ tai: Báo Công Nhân Giải phóng vừa báo cáo, cách đó nửa giờ cô vợ tôi đến tòa báo làm ầm ĩ, tố cáo tôi có quan hệ bất chính với phóng viên Mai Hiền. Anh Năm Dũng vừa lo cho việc chung của hệ thống báo chí thành phố vừa muốn bảo vệ cá nhân tôi, nên góp ý: “Theo mình thì Công nên viết bản kiểm điểm, nhận sai lầm và hứa chấm dứt mối quan hệ giữa hai người. Tổ chức sẽ tìm mọi cách bảo vệ Công”. Tôi trả lời vắn tắt: Tôi đã sai vì chưa ly dị mà yêu người khác. Nhưng đây không phải chuyện trăng gió mà là chúng tôi yêu nhau. Anh Năm Dũng ngạc nhiên, lo lắng. Sự lo lắng của anh Năm Dũng cũng giống như nhiều người cấp trên của tôi. Bởi vì lúc này tôi kiêm nhiệm nhiều chức vụ Phó ban Pháp chế Hội đồng Nhân dân thành phố, Ủy viên Thường vụ Hội Nhà báo thành phố, Ủy viên Ban Thường vụ như: Trưởng ban Tuyên giáo Liên hiệp Công đoàn thành phố, Tổng biên tập báo Công nhân Giải phóng, Phó Tổng biên tập phụ trách phía Nam của báo Lao Động, Ủy viên Thường vụ, Trưởng ban Tuyên giáo của Đảng ủy cơ quan Công đoàn.

Ngay chiều đó tôi gửi một lá thư “nhận tội” đến bà Lê Thị Bạch, Bí thư Đảng ủy, Phó chủ tịch Liên hiệp Công đoàn Thành phố. Lập tức ông Mai Văn Bảy, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Chủ tịch Liên hiệp Công đoàn thành phố gọi tôi đến nhà riêng và hỏi: “Trong túi của vợ anh có cái gì chứng minh được quan hệ tình cảm của anh với phóng viên Mai Hiền không”? Tôi đáp: “Không”. Ông nói: “Vậy thì anh có điên không mà nhận tội? Chối ngay! Rồi đưa đơn ra tòa xin ly dị. Ly dị xong sẽ tính. Hiểu không”? Tôi đáp: “Tôi đã đưa thư ‘nhận tội’ tới bí thư Đảng ủy Chín Bạch rồi”? Ông Mai Văn Bảy cười đáp: “Bà ấy đã xé vứt sọt rác rồi”! Tôi nói: “Không được! Chuyện này có nhiều người biết. Vợ tôi gửi đơn tố cáo tôi tới ông Nguyễn Văn Linh rồi. Nếu tôi chối, nhiều người không tin, họ cho là tôi hèn. Tôi không muốn chối, tôi nhận kỷ luật một cách sòng phẳng, xong, sẽ đưa đơn ly dị”. Ông Mai Văn Bảy lắc đầu. Sau này, Đinh Khắc Cần (anh ruột phi công Nguyễn Thành Trung) nói lại: “Mai Văn Bảy bảo, cứ tưởng thằng cha Công thông minh không ngờ quá sức cù lần”!

Hôm Ban Thường vụ Liên hiệp Công đoàn và Đảng ủy cơ quan kiểm thảo tôi có ông Lê Công Trung Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy đến dự. Tôi đọc bản kiểm điểm chỉ một trang giấy: Sai lầm đầu tiên của tôi là, giữa lúc thất vọng buồn chán, tôi đã lấy người mình không yêu làm vợ. Sau khi sinh con gái đầu lòng, tôi đã rất cố gắng cho cuộc sống chung vì con. Nhưng chúng tôi tính nết không hợp nhau, đến năm con gái lên hai, chịu hết nổi, tôi quyết định sống ly thân và đưa đơn xin ly dị. Thời ấy, chi bộ Đảng cộng sản rất giống giáo hội, không tán thành ly hôn. Tòa án ở miền Bắc không bao giờ xử ly hôn. Ở báo Lao Động có anh Nguyễn Thế Dân đưa đơn ly hôn 15 năm mà không được xử, phẫn uất quá anh viết lá thư tuyệt mệnh trước khi đến Hồ Tây tự tử, khiến cả cơ quan tìm cứu. Trong bốn năm ly thân, nhiều lần vợ tôi năn nỉ, hứa hẹn sẽ sửa chữa tính nết. Trong bốn năm ly thân, tôi cũng có quan hệ yêu đương, nhưng khi những người yêu tôi tỏ ra không yêu con gái tôi thì tôi chia tay. Vì thương con, nên khi vợ tôi nhận lỗi, tôi dễ xiêu lòng, tái hợp. Tuy nhiên, sau khi có đứa con thứ hai thì vợ tôi không cần giữ ý nữa mà hằng ngày bộc lộ mọi xung khắc trái chiều với tôi! Về phóng viên Mai Hiền, tức là vợ tôi hiện nay cùng làm việc trong cơ quan báo, được nghe các đồng nghiệp kể về tình trạng gia đình tôi, cô đã đem lòng thương cảm. Cô rất cố gắng tạo quan hệ tốt với các con tôi, làm cho tôi vô cùng cảm kích. Chưa ly hôn mà tôi có quan hệ yêu đương với người khác là sai. Tôi sẽ tạm dừng mối quan hệ này và xin nhận bất cứ hình thức kỷ luật nào. Ông Lê Công Trung tỏ ra rất thông cảm đối với tôi, ông nói: “Các đồng chí đã biết rõ tình trạng gia đình của đồng chí Công không yên ấm, đã từng ly thân tới 4 năm là quá nghiêm trọng, sao cố ép phải sống chung? Nếu sớm ly dị thì không bị vấp váp thế này”. Sau này tòa xử cho tôi ly hôn dễ dàng (không qua hai lần hòa giải như quy định thời đó) là vì tôi đề nghị tòa tham khảo ý kiến của Liên hiệp Công đoàn thành phố Hồ Chí Minh nơi vợ tôi công tác và Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh nơi quản lý tôi để biết rõ sự việc. Khi xét khuyết điểm của tôi, hầu như những người có trách nhiệm không có ai nỡ chọn một hình thức kỷ luật nào đối với tôi.

Nhưng ông Nguyễn Văn Linh có ý kiến hoàn toàn khác. Ông nói: “Cơm no bò cưỡi. Đã ‘gái’ thì cần phải có ‘tiền’. Do đó phải tổ chức ngay một cuộc thanh tra để kết luận đã có thâm lạm thế nào, phải khởi tố trừng trị cho thích đáng”. Đó là lời của quyền lực. Dù không đồng tình, nhưng Liên hiệp Công đoàn thành phố phải phối hợp với Sở Thông tin Văn hóa tổ chức một đoàn thanh tra báo Công nhân Giải phóng. Sau hơn một tháng, Đoàn Thanh tra kết luận: “Mọi thu chi đều minh bạch, đúng chính sách, công bằng”. Thế nhưng ý kiến chỉ đạo của Bí thư Nguyễn Văn Linh “khai trừ Đảng, cách chức” vẫn không được rút lại! Dư luận so sánh mức sai phạm của tôi với sai phạm của ông T.N. giám đốc một cơ quan để cho rằng có sự bất công quá đáng trong việc xử lý kỷ luật. Ông T.N. gia đình yên ấm, lại bí mật sống như vợ chồng với người khác, làm cho vợ phẫn uất đâm đầu vào xe hơi. Nhưng ông chỉ bị phê bình, vì thời kỳ ở trong rừng ông này thân cận với Nguyễn Văn Linh.

Dù không muốn thi hành kỷ luật tôi, nhưng không ai dám nói ra, do đó, việc bị “đình chỉ công tác chờ xử lý” của tôi trở thành vô thời hạn. Chờ đợi gần một năm, tôi phải lên gặp ông Lê Công Trung xin được nhận kỷ luật với hình thức cách chức, để tôi sớm ổn định công tác và cuộc sống. Tôi cảm thấy ông Lê Công Trung dù như trút được gánh nặng, nhưng vẫn không đành: “Đồng chí không thấy như vậy là quá nặng sao”? Tôi đáp: “Trước đây, có lúc tôi đã được giao một trọng trách, nhưng Đảng lại giao thêm một chức vụ nữa, rồi hai chức vụ nữa, tôi vẫn không từ chối. Thế thì nay tôi phạm khuyết điểm, bị cách chức sao lại không muốn nhận”? Ngay hôm sau, Ban Thường vụ Thành ủy họp và ra quyết định cách chức tôi do Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Lê Công Trung ký.

Sau khi đã có quyết định cách chức (tức là vụ việc đã được xử lý xong), tôi gửi thư cho anh Xuân Cang Tổng biên tập báo Lao Động xin anh cho tôi được trở về báo Lao Động. Anh Xuân Cang trả lời rất nhanh, anh nói nếu năm 1983, Công trở về báo Lao Động thì Xuân Cang phụ tá cho Công, còn nay tình thế đảo ngược, Công phải ra Hà Nội làm phụ tá cho Xuân Cang. Trả lời anh, tôi nói, mình chưa ra Hà Nội được vì còn phải làm hai việc: Ly hôn và cưới vợ. Một tuần sau, ông Phạm Thế Duyệt, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, vào đề nghị Thành ủy cho tôi được chuyển công tác về cơ quan báo Lao Động ở miền Nam. Ông Phạm Văn Hùng (cha của nhà báo Phạm Chí Dũng hiện nay đang là chủ tịch Hội nhà báo Độc lập Việt Nam) mời tôi đến góp ý: “Lãnh đạo thành phố hiện nay đều quý anh, muốn anh ở lại làm việc. Chúng tôi chọn cho anh bốn nơi: Một là nhà Xuất bản Tổng hợp Thành phố, hai là Ban tuyên huấn Thành ủy, ba là Đài phát thanh, bốn là báo Sài Gòn Giải Phóng. Anh về một trong bốn nơi đó làm chuyên viên, sau một thời gian sẽ tính tiếp”. Tôi nói: “Tôi đã ly dị, nhường nhà ở cho vợ con, đang ở nhờ trong trụ sở báo Lao Động. Nếu tôi không về làm việc cho báo Lao Động thì không thể ở trong nhà của người ta. Vậy trước khi nhận công tác ở thành phố, tôi xin được một chỗ ở”.

Ông Phạm Văn Hùng đồng ý với yêu cầu chính đáng đó. Nhưng ông Mười Hải giám đốc Sở Nhà đất không đồng ý, ông nói: “Ly dị thì chia nhà ra mà ở chứ sao phải cấp nhà mới”? Không giải quyết được yêu cầu của tôi, tháng 6 năm 1986, ông Phạm Văn Hùng ký quyết định cho tôi chuyển công tác về báo Lao Động. Tổng biên tập Xuân Cang thông báo miệng (không có ký quyết định) ban biên tập giao cho tôi phụ trách cơ quan miền Nam của báo Lao Động.

Lúc này, ông Nguyễn Văn Linh đã được điều động ra Hà Nội làm thường trực Ban bí thư Trung ương. Dịp kỷ niệm thành lập Đài phát thanh, ông được mời vào dự. Tại đây, gặp anh Nguyễn Nam Lộc người thay tôi làm Tổng biên tập báo Công nhân Giải phóng, ông hỏi: “Cái tay Tống Văn Công bây giờ làm gì”? Anh Nam Lộc cho biết tôi đã chuyển sang phụ trách cơ quan miền Nam của Báo Lao Động. Ông Linh cau mày: “Lại đá lên à”? Tôi trách anh Nam Lộc, phải chi anh đừng nói tôi là “phụ trách”, rồi đây tôi sẽ còn mệt với ông ấy!

Một hôm với tư cách phóng viên tôi đi bộ theo đường Nguyễn Du vào cổng bên hông tới Hội trường Thống Nhất (Dinh Độc Lập) để dự cuộc họp do ông Võ Văn Kiệt chủ trì. Anh Lê Văn Triết (sau này là Bộ trưởng Bộ Thương mại) lúc đó là Ủy viên Ban thường vụ Thành ủy, Phó chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố nhìn thấy tôi, anh cho dừng xe hơi, xuống đi bộ với tôi, nói: “Hôm xét kỷ luật mày tao có dự. Chúng tao đều thấy mày không có khuyết điểm gì đáng kỷ luật cả! Nhưng mày cũng biết, chúng tao phải làm như vậy”. Anh Lê Văn Triết từng là bạn cùng lớp với tôi thời trung học, chúng tôi không sửa được cách xưng hô “mày, tao” đã quen. Tôi nói đùa: “Tao không có thắc mắc gì chuyện bị cách chức. Nhưng nghe mày nói vậy tao đâm ra bực mình, chiều nay tao sẽ gửi đơn kiện chúng mày.” Anh Triết kêu lên: “Chớ có dại. Tao nói là để mày biết mọi người thông cảm với mày. Nhưng nếu mày kiện thì mày thua nặng đấy. Mày phải biết có lúc phải im lặng, nghe chưa”?

Comments are closed.