Truyện ngắn Ý Nhi
Ông dừng sững lại nơi cửa khi nhìn thấy ngay trước mắt mình, đối diện với cửa ra vào là một cánh cửa khác khép kín, treo tấm bảng hiệu bằng chữ màu đỏ: Cửa thoát hiểm.
Không kịp nghĩ ngợi, ông quay người, bước xuống chiếc cầu thang hẹp dốc đứng, vừa lúc một cậu nhân viên mặc đồng phục màu đen, cổ thắt chiếc nơ màu nâu đỏ, tay bưng chiếc khay đựng ly cà phê đen đá bước lên, cháu mời bác.
Không để ý đến lời mời, ông gần như đứng chặn cậu ta lại với câu hỏi, sao lại có cửa thoát hiểm ở đó.
Cậu ta có lẽ hơi bực mình, giọng lạnh đi, cửa thoát hiểm nào ạ. Làm gì có cửa thoát hiểm ở đây. Cậu ta đổi tay bưng khay nước, trở lại giọng ngọt ngào quen thuộc của các nhân viên, cháu mời bác, nhưng ông đã lách người khỏi cậu, tiếp tục đi xuống, bỏ qua sảnh tiếp tân, nhập mình vào đòng người tuôn chảy ngoài phố.
Bị dòng người cuốn đi, mãi rồi ông mới tách được ra, thấy mình dừng lại trước cổng một công viên lớn.
Thực ra, ông khá quen với cái công viên này. Nó gần như nằm giữa khu phố của ông và khu phố của PM Coffee.
Từ nhà ông, chỉ cần đi qua ba dãy phố, đến cái cổng có một vòm hoa giấy phủ kín ở phía bên kia, xuyên qua con đường rải sỏi giữa hai hàng cây hoa lồng đèn vàng rực, ra khỏi cổng phía bên này với giàn kim đồng leo rồi bước qua bên kia đường, đi thêm vài quãng phố là đến PM (ông và K. vẫn gọi tắt như vậy, mỗi khi hẹn).
Biết ông thường đi bộ, K. đã chỉ cho ông lối tắt xinh đẹp và thuận lợi này.
Ông đứng tần ngần dưới vòm hoa huỳnh anh. Họ đã thay hoa từ lúc nào nhỉ, ông tự hỏi rồi chợt nhận ra có lẽ vài chục năm ông mới lại đến nơi này.
Ông đưa tay xoa nhẹ bên ngực trái.
Bạn ông, một bác sĩ chuyên khoa tim bảo đó là dấu hiệu của tuổi già. Ông nghĩ chắc còn những nguyên cớ khác nữa.
Một lần tình cờ ông đọc thấy tên một căn bệnh: Thần kinh tim. Ông lập tức đặt tên cho những cơn đau nhói bất chợt của mình là bệnh Thần kinh tim rồi tự nhủ, đành chịu trận thôi, chữa chạy làm gì.
K. bảo ông là kẻ “điếc không sợ súng”.
Ông bật cười, nhớ lại mấy lần qua đây, K. chỉ ra vòm cổng, cật vấn người nhân viên bảo vệ, sao có Kim đồng mà không có Ngọc nữ. Người bảo vệ cười hiền lành, sao tui biết được chuyện của mấy ổng. Mấy ổng, chắc là những người thuê ông ta, trả lương cho ông ta trông coi vườn hoa này.
(Sau này ông nghĩ, chính vì nhớ lại hình ảnh người bảo vệ cần mẫn, nhã nhặn trong bộ đồng phục cũ sạch sẽ, thẳng thớm, cổ đeo chiếc còi nhỏ bằng kim loại sáng choang khiến ông muốn bước vào khu vườn trong buổi sáng se lạnh ngày cuối năm, sau mấy mươi năm).
***
Khu vườn vắng vẻ.
Ở phía xa có một nhóm các bà các cô váy áo xanh đỏ hình như đang tập nhảy theo một bản nhạc nào đó, vọng tới nơi ông đứng chỉ còn là những âm thanh rời rạc, đứt gãy.
Trên chiếc ghế đá ven lối đi có một người đàn ông mặc áo khoác nhẹ, đầu đội chiếc mũ phớt cũ màu be đang ngồi. Chạy loanh quanh chiếc ghế là một chú chó nhỏ, không rõ màu.
Khi ông bước tới gần, người đàn ông ngẩng lên nhìn ông rồi tự động nhích lại nơi đầu ghế, thay cho lời mời.
Mặc dù không có ý định dừng lại ông vẫn ngồi xuống, khen con chó ngoan quá thay cho lời cám ơn.
(Sau này ông nghĩ chính cái ánh mắt nghiêm nghị mà buồn bã của người đàn ông nọ đã níu chân ông).
Con chó tên gì vậy anh. Ông hỏi cho có chuyện, không ngờ lại được nghe một câu chuyện dài về số phận của chú khuyển.
Lem, người đàn ông trả lời. Ông nhìn xem, lông nó xen đủ các loại màu chả khác gì palette của các họa sĩ. Vậy mà, việc bắt nó thừa nhận cái tên này cũng mất kha khá thời gian đấy.
Lúc đầu, mỗi lần nghe tôi gọi, nó ngoảnh mặt đi hoặc vờ như không nghe thấy, thản nhiên nằm gặm cục xương bằng nhựa ngoài thềm hoặc chạy ra cổng, nhìn ngó xe cộ lướt qua. Có thể, cậu ta chưa quên cái tên cũ của mình, kiểu như Ki, Ben, Ních gì đó mà cũng có thể cậu ta cảm thấy cái tên mới này như có ý chê bai vẻ ngoài của mình.
Chắc là nó chịu gene của cha mẹ, ông đáp.
Người đàn ông thở dài, nào tôi có biết cha biết mẹ của nó.
Một tối nọ, tôi đi làm về, thấy nó nằm run cầm cập bên chậu cây mai chiếu thủy trước nhà. Cầm nó trên tay như cầm một nắm giẻ ướt vậy. Tôi đem nó vô nhà, ủ ấm rồi cho nó chút thức ăn. Cu cậu tỉnh lại rất nhanh, nhìn tôi, mắt ươn ướt nhưng không bật nổi tiếng sủa nào, chỉ rên ư ử, nghe rất tội.
Tôi gọi hỏi hàng xóm, đưa tin lên group của khu phố nữa nhưng chẳng thấy ai đến nhận nó. Tôi đoán chừng bữa đó nó chạy thoát khỏi trận cháy dữ dội ở chung cư mi ni cách nhà tôi khoảng dăm bảy trăm thước. Nghe nói có mấy chục gia đình ở đó mà chỉ có một cửa ra vào, không có cửa thoát hiểm.
Không chừng chủ của nó gặp nạn hoặc đã chuyển đi nơi khác.
Đấy, cái cổng vườn để mở của tôi chính là cửa thoát hiểm của nó. Đôi khi tôi giật mình khi nghĩ tới việc nếu hôm đó tôi khóa cổng, không biết điều gì sẽ xảy ra.
Con Lem nằm ngay dưới chân chủ, cằm tựa lên hai chân trước bắt chéo, mắt lim dim.
(Sau này nghĩ lại, ông cho rằng hai người và con chó sẽ cứ ngồi im như vậy nếu không có các bà các cô váy áo xanh đỏ vừa tan lớp nhảy, nói cười rôm rả đi qua trước họ).
Người đàn ông như sực tỉnh, Lem, chào bác rồi về nào. Lem nhìn người khách lạ giây lát rồi khẽ sủa lên một tiếng ngắn để từ biệt.
Hai người đi ngược chiều nhau. Hướng nào cũng có các bà các cô váy áo xanh đỏ vừa tan hoặc vừa bước vào một cuộc tập nhảy.
Họ may mắn thật, ông nghĩ khi nhận ra một mối bận tâm không có tên đang níu giữ chân mình.
Ông ngồi xuống chiếc ghế nhựa giả gỗ dưới gốc tường vi đang trổ những chùm hoa màu hồng, ngay gần lối ra vào, ôn lại câu chuyện về con Lem của người đàn ông, cố tìm ra một chi tiết còn mắc lại trong tâm trí.
Ông ngồi đó cho đến khi một tốp các bà các cô váy áo xanh đỏ khác tràn vào khu vườn nói cười rôm rả.
Trên đường về ông va phải một phụ nữ tay xách nách mang đi ngược lại, các túi lớn túi nhỏ của bà rơi vung vãi. Vừa nhặt lại đồ đạc cho bà vừa xin lỗi mà bà vẫn giận dữ, trời đất, sao như người mất hồn vậy.
***
Khi xoay chìa vào chiếc ổ khóa cũ ông lờ mờ nhận ra điều gì đó nhưng mãi đến khi đưa tay mở rộng cánh cửa ông mới thực sự nhớ ra điều ám ảnh tâm trí: Đấy, cái cổng vườn để mở của tôi chính là cửa thoát hiểm của nó… Mấy chục gia đình ở đó mà chỉ có một cửa ra vào, không có cửa thoát hiểm…
Trời đất! Cửa thoát hiểm!
(Sau này nhớ lại, ông nghĩ lúc ấy ba chữ “cửa thoát hiểm” đã vang lên với âm điệu gần như giễu cợt).
Thay cho ly cà phê bỏ lại ở quán, ông pha một ly cà phê hòa tan rồi ra ngồi bên cửa sổ, nhìn sang căn nhà đối diện.
Gần hai mươi năm nay, căn nhà đã đổi chủ đến mươi lần.
Thoạt tiên là một tiệm sách kiêm văn phòng phẩm của hai vợ chồng ông giáo già, tiếp theo là một shop bán mỹ phẩm, rồi một tiêm internet, một shop đồ xi- đa, một quán hủ tíu, rồi một tiệm nail với tấm bảng quảng cáo lớn, vẽ một bàn tay mượt mà có những móng tay dài đỏ rực… Hiện nay là một tiệm sửa xe máy với biển quảng cáo đầy ấn tượng “Tuấn-nẹt-pô”.
Để chứng minh cho biển hiệu của mình, thỉnh thoảng, từ cái tiệm ấy, động cơ xe máy lại rồ lên như tiếng còi báo động.
Ông giật mình khi nhìn thấy cậu shipper mang thức ăn cho mấy nhân viên “Tuấn-nẹt-pô”. Tình cờ, họ lấy thức ăn cùng với tiệm cơm quen của ông.
Hôm nay ông đặt suất cơm có đậu phụ sốt cà chua và rau muống xào tỏi.
Không thấy đói, ông đặt hộp cơm trên bàn, mở máy tính bàn hiệu Lenovo, định viết cho K. rồi lại thôi, bấm nút gọi qua Messenger.
Có vài tiếng động nhỏ rồi giọng ngái ngủ của K., có chuyện chi gấp sao. Ôi trời, ông kêu thầm khi chợt nhớ ra lúc này là giữa khuya bên ấy, không, ông ấp úng, chỉ hỏi mày một câu thôi, PM Coffee có cửa thoát hiểm không.
Ủa, sao lại có câu hỏi kỳ cục vậy. Ông lúng búng, thôi, mày ngủ đi.
***
Thực ra, bẵng đi mấy chục năm, nay ông mới quay lại PM Coffee cũng vì lời nhắn của K., mày ghé lại xem nó có còn không.
Quán có một tầng trệt và hai tầng lầu, nằm ở góc của hai con đường lớn.
Tầng trệt gồm một quầy tiếp tân và một khoảng trống kê mấy bộ bàn ghế thấp, dành cho những ai chỉ ghé quán giây lát, uống vội ly cà phê hoặc mua vài chiếc bánh ngọt.
Lầu một khá rộng, bàn ghế một màu nâu sẫm, tường treo mấy bức phong cảnh trang nhã là nơi đông khách nhất.
Lầu hai, dành cho những khách hút thuốc, không hiểu sao lại đổ cát dày dưới sàn nhà, tạo một cảm giác bồng bềnh khi bước đi.
Xây trên mảnh đất hẹp nên cầu thang của tòa nhà nhỏ và rất dốc. Có thể vì vậy mà khách ngại lên lầu hai. Nhiều khi chỉ có ông và K. chiếm ngự cả căn phòng rộng rãi, vắng vẻ.
K. bảo, lầu hai là nơi trú ngụ của những kẻ “chờ Godot”.
Họ ngồi đó với hai ly cà phê đen, khi thì ồn ào những André Gide, Jacques Prevert, Graham Greene, Nikos Kazantzakis, Kim Dung…, và nhất là những Albert Camus, Jean-Paul Sartre, André Breton, Georges Perec, Franz Kafka…, lúc thì im lặng nhìn xuống dòng người đông đúc, vội vã, nhỏ bé dưới xa kia như nhìn vào một thế giới khác.
Nhưng rồi, mọi sự đứt đoạn bất ngờ bởi chiến tranh, bởi những sự cố lớn, tàn khốc của thời cuộc.
K. ra đi, ông ở lại.
Khi nghe ông nói sẽ ở lại, K. im lặng nhìn xuống con đường dưới xa qua khung cửa sổ sơn màu nâu nhạt rồi bất chợt quay lại, giọng trầm xuống, Samuel Beckett đã chạm đến cái huyệt sâu nhất trong tâm tưởng con người, đó là sự chờ đợi. Mày đừng quên nơi này nhé.
Nhưng ông đã không quay lại PM, sau buổi ấy, không phải là không thể mà là không muốn, chính xác hơn, là không nỡ.
Thực ra, giữa ông và K. chưa khi nào có sự đồng thuận hoàn toàn về văn chương, về xã hội, thậm chí về vẻ đẹp của phụ nữ.
Có lần, hai người giận nhau chỉ vì K. chê cô sinh viên lớp sau mà ông cho là tuyệt sắc với lời đánh giá tàn nhẫn, chỉ được cái tròn trĩnh thôi.
Ông đáp, mày sẽ ế cả đời nhưng rồi, người sống một mình lại là ông.
Ông đã quên PM Coffee.
Ông không thật hiểu vì sao, trong buổi xế chiều K. bỗng dưng lại nhớ đến nơi chốn ấy.
Thu mình trong chiếc ghế bọc da cũ, ông cố gắng xâu chuỗi những gì vừa xảy ra cho mình.
PM Coffee, cửa thoát hiểm, người đàn ông và con chó, những người phụ nữ tập nhảy, khu vườn, cậu shipper, tiếng ồn, câu hỏi của K. …
Trong cái mớ hỗn độn đó, câu nói của K. vang lên như một điệp khúc: “Sao lại có câu hỏi kỳ cục vậy”.
Ông thiếp đi, hộp cơm rơi xuống sàn nhà, gây một tiếng động nhỏ trong tiếng động cơ rền rĩ, chát chúa phát ra từ tiệm “Tuấn-nẹt-pô”.
(Ông nghĩ mình sẽ không bao giờ có thể trả lời một cách rõ ràng câu hỏi của K. dù ông đang có ý định thực hành một cuộc “du hành” ngược đến PM vào sáng hôm sau).
***
Ông chọn lối đi xuyên qua khu vườn để tới PM Coffee. Một chuyến “du hành” ngược có ý thức, ông nghĩ.
Ngay ở lối vào, ông gần như nhập bọn với nhóm các bà các cô váy áo xanh đỏ nói cười rôm rả cùng với một vũ công nam trong bộ quần áo tuyền màu đen ôm sát thân.
Lát sau, họ rẽ phải để đến một khoảng sân khá rộng trước ngôi nhà bát giác màu nâu đỏ. Hình như đó là một tụ điểm ca nhạc.
Thoạt tiên, ông muốn ngồi lại chỗ chiếc ghế nhựa giả gỗ có khóm hoa tường vi màu hồng để tĩnh tâm nhưng rồi lại đổi ý, bước tiếp trên lối đi rải sỏi, giữa hai bờ hoa lồng đèn hết mùa hoa, trên cành chỉ còn những quả dài màu nâu đậm.
Người đàn ông mặc áo khoác nhẹ, đội mũ phớt màu be đang ngồi trên ghế, chống hai tay lên chiếc gậy bằng mây, khẽ xích lại, nhường chỗ cho ông.
Con Lem chạy đâu rồi, ông hỏi.
Người đàn ông cười khẽ, nó chạy luôn rồi. Không giấu sự ngạc nhiên, ông gần như lạc giọng, là sao.
Là vậy, người đàn ông trả lời chậm rãi, chiều tối qua, tôi đang ngồi uống trà trước thềm nhà, con Lem nằm bên cạnh lim dim ngủ thì nhìn thấy một chiếc taxi đỗ trước cửa. Tôi chưa kịp hiểu được chuyện gì thì con Lem đã vùng chạy ra, vừa sủa vừa vẫy đuôi mừng rỡ. Khi cửa xe bật mở, nó lao tới chồm lên người một cậu bé khoảng chín, mười tuổi chi đó vừa bước tới, cúi xuống ôm đầu nó và kêu to Ken, Ken ơi.
Hóa ra, sau khi ổn định chỗ ở mới, họ nhớ con Lem, à, con Ken và bắt đầu tìm kiếm. Họ quay lại chỗ căn chung cư cũ (nay đã là một nhà kho của công ty nào đó, mọi dấu vết của vụ cháy đã bị xóa hết), hỏi thăm các nhà hàng xóm, đến tổ dân phố, công an phường… Rồi hay tin tôi đã nhận nuôi con chó của họ.
Hai cha con tới để cảm ơn tôi và xin lại con Ken của họ. Nhìn cảnh con Lem của tôi quấn quýt bên thằng nhỏ, vội vã cùng nó ra xe, tôi hơi phật lòng và buồn, chỉ đứng tựa cửa không nói năng gì.
Thế rồi, khi tưởng đã yên vị trên xe, Lem bất ngờ trườn khỏi tay thằng bé, chạy ngược trở lại, dụi đầu vào chân tôi, mắt đẫm nước. Nó khóc.
Người đàn ông chỉ thốt lên hai từ “Nó khóc” để kết thúc câu chuyện rồi ngồi im, tay đặt trên đầu chiếc gậy mây, như đang rơi vào khoảng không nào đó, không để ý đến việc ông rời đi.
***
Một lần nữa, ông lại gần như va phải một nhóm các bà các cô váy áo xanh đỏ ngay tại cổng vườn bên kia. Ông vội tránh qua bên cửa ngách, nhường khoang cửa rộng mở cho họ rồi vội vã bước ra con phố, len lỏi giữa dòng người, xe dày đặc để đến góc phố đối diện với PM Coffee.
Góc phố này có một quầy hoa nhỏ.
Ông dừng lại để lấy hơi, cô bán ở đây lâu chưa.
Cô chủ quầy hoa cười tươi, dạ, được mươi năm ạ. Mươi năm sao, tôi nhớ tiệm này hình như có từ trước, ông hỏi dè dặt. Cô chủ quầy đang sắp xếp mấy giỏ hoa dừng tay ngẩng nhìn ông, vẻ dò xét, dạ, chắc bác biết quầy này từ thời mẹ cháu. Mẹ cháu mất mươi năm nay rồi ạ.
Ra vậy, ông khẽ đáp, vẻ lơ đãng trong khi cô chủ quầy vắng khách lại đang sẵn sàng cho một cuộc trò chuyện dông dài, ngày trước bác hay đến PM phải không ạ. Lên mười cháu đã theo ra phụ mẹ. Cũng chỉ là cầm bó hoa mẹ đã gói chỉn chu để đưa cho khách, còn thì ngồi nhìn thiên hạ qua lại, nhìn các ông vào uống cà phê bên PM.
Họ có mua hoa không, ông lảng chuyện.
Dạ, thi thoảng thôi, cô đáp, giọng tiếc rẻ. Vậy những hoa này bán cho ai. Ôi, cô hào hứng, cái quầy nhỏ này nổi tiếng lắm đó bác. Nhà cháu nhập hoa tươi, khách chơi mươi mười lăm hôm hoa vẫn đẹp chứ hoa trong nhà lạnh thì chỉ vài ba hôm là héo quắt, rơi rụng hết.
Chả thế mà ngay cả chủ cà phê PM cũng chỉ lấy hoa của nhà cháu thôi. Thường thì, mẹ cháu sửa soạn một bó cúc đại đóa vàng rực, đợi anh nhân viên bên quán qua lấy. Anh ấy đẹp trai lắm, có lần giao hoa cho ảnh, cháu ngẩn người, làm rơi cả bó hoa, bị mẹ mắng cho một trận.
Ông bật cười, nhớ lại một lần đi qua quầy hoa của mẹ cô gái này, K. nhâm nhẩm hát mấy câu trong bài Mơ hoa, cố tình đổi chữ hái hoa thành bán hoa: Chuông chiều ngân tiếng/Vấn vương lòng trông theo cô bán hoa/Bước đi bâng khuâng/Muôn ngàn sầu nhớ bóng mờ mờ xa…. Ông nhắc, mày sẽ bị ông Hoàng Giác kiện đấy. K. cười, ổng ở xa lắm, cách hàng vạn cây số, không nghe thấy đâu.
K. hoạt ngôn, hài hước. Khác ông.
Có vẻ như những kỷ niệm cũ đã chiếm ngự hoàn toàn tâm tư của cô gái. Cô tiếp tục cuộc độc thoại của mình sau tiếng thở dài, bây giờ, chủ mới, biển hiệu mới, nhân viên mới, khách mới, mớt tất.
Ông sực tỉnh, cô bảo sao. Cô cao giọng, cháu bảo, mọi thứ thay đổi rồi, bác nhìn xem, là cà phê Ánh dương nhé, tường nhà màu vàng nhé, cửa ra vào màu xanh nhé, âm nhạc rộn ràng nhé… Bác nhìn kìa.
Cưỡng lại ý muốn nhìn theo cô gái, ông quay sang quầy hoa, cô chọn cho tôi mấy bông cúc trắng nhỏ nằm ở góc kia. Cô chủ quầy hoa nói như reo, cúc Họa mi, bác cũng “đu trend” gớm.
Là sao, ông hỏi lại. Cô che miệng cười, cháu xin lỗi, cháu quen miệng thôi.
Cầm mấy bông hoa được gói kín trong tờ nhật báo khổ lớn, ông bước xuôi theo con phố.
***
(Không phải “ông” mà là tác giả, bất chợt tự vấn, hà cớ gì lại không thể có một cái cửa thoát hiểm nơi căn phòng ấy, ngôi nhà ấy, buổi sáng ấy).
SG 3/2025